Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Cảm thức nhân loại trong du ký Việt Nam đương đại

Cảm thức nhân loại trong
du ký Việt Nam đương đại

Ấn tượng và xuyên suốt nhất trong mọi tác phẩm du ký Việt Nam hiện nay chính là khát vọng “công dân toàn cầu” mang chứa những giá trị hiện đại phổ quát…
PGS-TS Đinh Trí Dũng
1. Du ký là một loại hình văn học thuộc loại hình ký, mà cơ sở là sự ghi chép của bản thân người đi du lịch, ngoạn cảnh về những điều mắt thấy, tai nghe của chính mình tại những xứ sở xa lạ hoặc những nơi ít người có dịp đi đến. Trong hơn một thập kỉ trở lại đây, cùng với sự phát triển của xu hướng hội nhập quốc tế, truyền thông và mạng xã hội, du ký đang trở thành thể loại văn học có sức hấp dẫn bậc nhất đối với bạn đọc trẻ. Hàng loạt tác phẩm du ký ra đời, đến tay bạn đọc và nhanh chóng trở thành những “hiện tượng” đã chứng tỏ sức ảnh hưởng mạnh mẽ của loại hình văn học này tới đời sống văn hóa Việt Nam. Có thể kể đến các tác giả tiêu biểu như Ngô Thị Giáng Uyên với Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương (2006), Bánh mì thơm, café đắng; Dương Thụy với Venise và những cuộc tình Gondola (2009); Phan Việt với bộ ba tác phẩm trong chuỗi “Bất hạnh như một tài sản” gồm Một mình ở châu Âu (2012), Xuyên Mỹ, Về nhà (2017); Trương Anh Ngọc với Nước Ý,câu chuyện tình của tôi (2012), Phút 90++ (2013) và Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu (2017); Nguyễn Phương Mai – Tôi là một con lừa (2013); Trần Hùng John – John đi tìm Hùng (2013); Đinh Hằng và hành trình Quá trẻ để chết (2015); Nguyễn Phan Quế Mai với Hạt muối rong chơi; đặc biệt là hiện tượng facebook Huyền Chip, cô gái dũng cảm với tuyên ngôn Xách balo lên và đi (2012-2013)… Tất cả họ, một thế hệ nhà văn và người viết trẻ trưởng thành trong bối cảnh đất nước đổi mới, có học thức, bản lĩnh văn hóa và khát vọng dấn thân, đã làm sống lại một thể loại văn học vốn thịnh hành ở Việt Nam cách đây một thế kỉ, vào những năm đầu của thế kỉ XX với tên tuổi của Nguyễn Đôn Phục, Phạm Quỳnh, Mãn Khánh Dương Kỵ, Nguyễn Tuân… Trong bối cảnh mới của thế kỷ 21, vẫn là câu chuyện đi và ghi chép trên đường về những điều mắt thấy tai nghe, nhưng du ký đương đại đã được nâng lên ở tầm cao mới với cảm quan nhân loại đặc biệt, điều mà trước đó chỉ hiện hình thấp thoáng trong tư tưởng của những nhà văn am thích xê dịch và khát vọng thay đổi môi trường sống. Cảm quan nhân loại được biểu hiện rõ nét trong ý thức vươn mình đến những giá trị phổ quát của nhân loại, nỗ lực đưa bản sắc văn hóa dân tộc tiệm cận với những vấn đề mang tính toàn cầu. Tác giả du ký mang trong mình khát vọng sống và trải nghiệm như những công dân toàn cầu thực thụ. Ở đó, khát vọng lên đường, nỗ lực hòa nhập để chinh phục những thách thức và rào cản văn hóa, hành trình đi để trở về chính là những đặc điểm nổi bật được phản ánh trong du ký Việt Nam đương đại.
2. Có thể nói khát vọng lên đường và thay đổi chính là biểu hiện đầu tiên và dễ thấy nhất của cảm thức nhân loại trong du ký Việt Nam đương đại. Dù việc thay đổi không gian, dịch chuyển liên tục và ham thích khám phá các vùng đất mới vốn không nằm trong tư duy truyền thống của một đất nước xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp trọng tĩnh, ưa ổn định như Việt Nam. Tuy nhiên, lịch sử văn hóa của chúng ta không thể nào tách rời và nằm ngoài những quy luật chung của lịch sử văn minh thế giới. Những biến chuyển và hệ quả của cuộc cách mạng công nghệ ở thế kỉ 21 đã giúp các quốc gia xích lại gần nhau trong một thế giới phẳng. Xu hướng toàn cầu hóa đã thúc đẩy những bước chân Á Đông hòa vào dòng chảy của trào lưu đi và khám phá phần còn lại của thế giới. Trong bối cảnh đó, du ký phản ánh trọn vẹn tâm thế của một bộ phận giới trẻ giàu bản lĩnh, khát khao trải nghiệm những không gian văn hóa khác biệt. Họ chủ động lên đường, sẵn sàng bước ra khỏi “vùng an toàn” (comfort zone), lao vào những hành trình mạo hiểm để trải nghiệm những thử thách chưa từng xuất hiện trong kinh nghiệm sống của rất nhiều người. Với họ, đi trở thành một nhu cầu văn hóa đặc biệt. Nguyễn Phương Mai, một cô gái trẻ thành đạt hiện đang là giảng viên trường Đại học Khoa học ứng dụng Amsterdam Hà Lan, đã quyết định xin nghỉ việc một năm và lên đường với “trái tim trần trụi và khối óc không định kiến”. Hành trình của cô bắt đầu từ châu Phi – cái nôi của lịch sử nhân loại, qua châu Úc, châu Á rồi châu Mỹ. Đi, với Phương Mai, chính là để khám phá thế giới và trải nghiệm giới hạn của bản thân: “Tôi liều mạng để trái tim mình rộng mở, trần trụi. Và tôi lên đường như môt tờ giấy trắng, với niềm khát khao được phủ kín, được lấp đầy, được đổi thay”. Đó cũng là lí do Huyền Chip bất ngờ quyết định từ bỏ công việc yêu thích ở Malaysia để Xách ba lô lên và đi khắp 25 quốc gia chỉ với 700 đô trong túi. Với Trần Hùng John, chàng trai người Mỹ gốc Việt đã thực hiện cuộc hành trình đi bộ xuyên Việt trong 80 ngày vào năm 24 tuổi, đi cũng là để thử thách và thay đổi chính mình: “Đi và khám phá. Đừng sợ hãi và tìm lí do trốn tránh nữa. Hãy tự tạo số phận của bản thân mình” bởi anh biết rằng “những trải nghiệm có thể thay đổi một con người”. Thành quả của chuyến đi này, đó chính là, từng chút một, qua những con người Việt Nam thuần hậu và những vùng đất từng dừng chân, Hùng đã tìm ra “chất Việt” trong con người mình, điều gắn kết anh với cội rễ quê hương. Còn với Trương Anh Ngọc, một nhà báo, một bình luận viên bóng đá kỳ cựu, người đã quá quen thuộc với sự xê dịch thì “…bay hay đúng hơn, di chuyển, là một trong những cách để tồn tại giữa cái thế giới đảo điên và đầy bất trắc này” [Phút 90++, tr.7]. Với anh, đi trở thành một thói quen để tồn tại “Tôi đi với ba lô trên vai và khát khao liều lĩnh trên đôi chân không nghỉ” [Phút 90++, tr.17]. Bước ngoặt từ một cú shock tình cảm đã đưa đẩy Đinh Hằng đến với chuyến du hành từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ, một cách tình cờ nhưng như một cơ duyên, chuyến đi ấy đã giúp cô nhận ra mình Quá trẻ để chết. Lên đường, thay đổi để được là chính mình chính vì vậy là điểm hấp dẫn lớn nhất từ mỗi cuộc hành trình đưa lại. Cùng với nhu cầu được đi là nhu cầu được viết, du ký đương đại vì thế là chân dung tinh thần của một thế hệ. Một cách mạnh mẽ và quyết liệt, những người trẻ này mở đầu cho một trào lưu du ký mới, khác biệt với thế hệ du ký đầu thế kỷ XX với hàng loạt tuyên ngôn: Xách ba lô lên và đi, Lên đường với trái tim trần trụi, Bất hạnh là một tài sản…
3. Biểu hiện tiếp theo của cảm thức nhân loại trong du ký Việt Nam đương đại chính là nỗ lực hòa nhập để chinh phục những thách thức và rào cản văn hóa. Mỗi cuộc hành trình là một ô cửa mở ra một thế giới mới từ những góc nhìn cá nhân giàu cá tính. Hành trình được ghi chép từ cảm xúc cá nhân giống như những cuốn nhật ký, lồng ghép đằng sau mỗi câu chuyện là suy nghĩ và quan điểm cá nhân của người viết về hiện thực trước mắt. Lối kể chuyện của các tác giả du ký hoàn toàn tự nhiên, không cố gò ép vào việc trau chuốt từ ngữ, giọng điệu thường mang thiên hướng đối thoại, sẻ chia. Tràn ngập trong các tác phẩm là cảm giác háo hức và ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của thiên nhiên và con người ở những vùng đất mới. Đó là bức tranh thiên nhiên nước Mỹ từ bờ Đông sang bờ Tây qua các thành phố và địa điểm văn hóa nổi tiếng như Washington DC, California, Phily, Houston… trong du ký của Đinh Hằng; là những ghi chép tỉ mỉ và đầy cảm xúc về nước Ý xinh đẹp qua ghi chép của Trương Anh Ngọc (Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu và Nước Ý, tình yêu của tôi). Rộng hơn, đó là phác họa về châu Âu cổ kính mà hiện đại trong Venise và những cuộc tình Gondola của Dương Thụy và Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương của Ngô Thị Giáng Uyên; xa hơn là hành trình dài từ châu Á sang châu Phi theo dấu chân của cô nàng “Ta balo” Huyền Chíp; chuyến du hành khám phá lịch sử nhân loại từ châu Phi qua châu lục Á, Âu rồi về Mỹ của “con lừa” Phương Mai hay những bức ký họa về cảnh sắc và con người trên đường từ nước Úc xa xôi qua các quốc gia Đông Nam Á của Hạt muối rong chơi – Nguyễn Phan Quế Mai… Lâu nhất, có lẽ là hành trình của Phan Việt từ lúc Một mình ở châu Âu, Xuyên Mỹ để Về nhà. Bộ ba cuốn sách xâu chuỗi dưới hình thức du ký tái hiện một hành trình cô đơn nhưng đầy tỉnh thức của một trái tim đầy thương tổn. Vì thế, sự náo nhiệt của ngoại cảnh hay việc liệt kê các thành phố, các địa danh, nơi chốn trên bản đồ đôi lúc chỉ là nguyên cớ để nhà văn khỏa lấp đi sự trống rỗng của tâm hồn. Dù đây hoàn toàn là sự ghi chép về một chuyến du lịch đơn độc vì mục đích cá nhân, nhưng những trải nghiệm của tác giả cũng chính là những gì chung nhất mà mỗi con người đã từng, đang, hoặc mong muốn có được. Du ký còn là hành trình của những cảm xúc đứt đoạn, mảnh ghép rời rạc những lại tương đối gắn kết trong một sợi dây tinh thần vững chãi. Đó là tình yêu đối với cuộc sống, khát vọng làm chủ bản thân và tận hưởng cuộc sống của những người trẻ: “…tôi tự hỏi mục đích của việc đi du lịch bụi của mình là gì, nếu không phải là đặt chân lên những vùng đất mới, gặp những con người mới và trải nghiệm những thứ mới. “Mới” ở đây hẳn nhiên chưa chắc đã tốt, nhưng nó khiến tôi phấn khích” (Đinh Hằng). Nguyễn Phan Quế Mai tự nhận mình là “hạt muối” nhỏ nhoi rong chơi trong biển đời rộng lớn, còn Phương Mai chuẩn bị hành trang lên đường cho mình không gì ngoài một trái tim trần trụi và rộng mở để có thể đón nhận tất cả các mảng màu của cuộc sống. Quả thực, chỉ khi đứng trước thiên nhiên bao la và hùng vĩ, con người mới cảm nhận được nhỏ nhoi của mình trong vũ trụ rộng lớn. Phút chốc họ có thể quên đi những vụn vặt cá nhân để nâng mình lên những giá trị lớn lao. Theo cách đó, con người bỗng chốc có thể hòa giải với cuộc đời và tha thứ cho nỗi đau của riêng mình. “Trong lúc ngẩn ngơ ngắm một công trình kiến trúc lộng lẫy – thứ tôi vẫn thích nhất mỗi khi đi du lịch – thì tôi cũng quên mất mình là cô gái bị bỏ rơi trước ngưỡng cửa hôn nhân” (Đinh Hằng, tr.94). Du hành đưa đến cho họ một con người hoàn toàn mới so với trước đó như cách của Trương Anh Ngọc đã nhận được từ hành trình theo giải bóng đá lớn nhất hành tinh World Cup: “Một tháng bóng đá lướt qua nhanh như gió, để rồi cuộc sống lại chảy trôi theo những lề thói cũ. Nhưng với tôi, tất cả đã thay đổi. Mỗi chuyến đi, tôi lại là một con người mới, trong những hoàn cảnh mới, như một trái tim yêu và sống với bóng đá cuồng nhiệt, cho những trái tim đam mê bóng đá khác [Phút 90++, tr.217]. Đi không chỉ để khám phá và tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên mà còn để tìm hiểu và lí giải các giá trị tinh thần khác của nhân loại. Với cảm hứng đó, du ký đương đại Việt Nam đã tiến dần đến các giá trị toàn cầu trong việc đề cập và bày tỏ quan điểm trực tiếp về các vấn đề chung của thế giới. Từ những vấn đề lớn lao như khủng bố và đánh bom, suy thoái kinh tế, phân biệt giàu nghèo và chủng tộc, bất bình đẳng giới tính, hôn nhân đồng giới, tệ nạn xã hội (ma túy, hút cỏ, mại dâm…) đến những vấn đề cá nhân như tự tử, trầm cảm, tâm lí hậu ly hôn, các cú shock văn hóa,… đều được bàn luận một cách trực tiếp và rõ ràng trong hầu hết các tác phẩm. Du ký dung chứa mọi quan điểm và chấp nhận mọi suy nghĩ khác biệt. Đây là cơ sở cho hành trình chinh phục những thách thức và rào cản văn hóa toàn cầu. Tinh thần tự do của của du ký đã khiến các tác phẩm này trở thành “hiện tượng” trong đời sống văn hóa, thậm chí là trung tâm của mọi sự đánh giá và bình luận. Qua những khám phá nhanh về sự khác biệt văn hóa, du ký đồng thời cũng lôi cuốn người đọc trong việc “giải thiêng” và “tái khám phá” về các vùng đất. “Leg that move feel the chain”, đây là triết lí theo suốt cả chuyến hành trình của tác giả Phương Mai, nhờ đó, người đọc được tiếp cận với một châu Phi, một Trung Đông đang cựa mình trong cuộc giao tranh không phải chiến sự mà là giữa các giá trị đối lập: “Tôi đến Nam Phi hoang mang bao nhiêu thì rời Nam Phi rối bời bấy nhiêu. Lục địa đen từng là cái nôi của văn minh nhân loại, suốt hơn một trăm năm qua quay quắt giãy giụa giữa các cực giá trị đối lập, không thể hòa bình, không thể giao thoa, không thể hàn gắn, và có lẽ cũng chính vì thế không thể đứng lên…“, và “Trung Đông là một thực thể khổng lồ luôn cựa mình quẫy đạp, bởi lịch sử nhiều năm độc tài khiến thông tin không đồng bộ và bị bưng bít, bởi những xung đột và bất đồng chính kiến đã trở thành một phần của các nền văn hoá nơi đây. ” Chỉ với trái tim rộng mở và trần trụi, không định kiến, nhà văn mới có thể thấu hiểu được những khác biệt và đồng cảm cho những nỗi đau khác. Đó cũng là cách mà Nguyễn Phan Quế Mai đã thấu hiểu cho những thân phận nhập cư ở Úc, Phillipines nơi chị đến, và cũng nhờ đó mà Đinh Hằng luôn cảm thấy nhẹ nhàng trong mọi chuyến đi: “Trong hành trình nước Mỹ đến giờ phút này, tôi đã gặp nhiều kiểu người khác nhau với những quan điểm sống, cách nghĩ khác nhau. Không ai trong số họ làm tôi “sốc” bởi sự khác biệt ấy, đơn giản là tôi chấp nhận người ta như vốn dĩ họ thế. Tôi chỉ là một hạt cát bé nhỏ giữa sa mạc cuộc đời” (tr. 88). Huyền Chip, cô gái vừa rời khỏi sự bao bọc của gia đình và nhà trường không lâu đã nhanh chóng nhập mình vào đội ngũ Couch Suffer, không ngần ngại đẩy mình vào những cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm như vượt biên, trốn vé, tiếp xúc với đủ mọi hạng người. Trương Anh Ngọc vì một điều gì đó lớn lao hơn đã rời mắt khỏi đam mê bóng đá để dõi theo thân phận những cô gái điếm nghèo kéo về Nam Phi trong mùa World Cup 2007, rong ruổi trên các nẻo đường để tìm hiểu về cuộc sống của những dân nghèo vùng nội chiến Trung Đông và thậm chí là những mảnh vỡ kí ức từ cuộc sống thường nhật buồn tẻ ở Ucraina sau ngày Liên Xô sụp đổ… Những khắc họa chi tiết và chân thực đưa đến những cảm xúc giàu giá trị nhân văn về đất và người, xóa nhòa mọi ranh giới về sự khác biệt chủng tộc, màu da, kinh tế và khoảng cách địa lí. Không còn là đi mà đã là sống, là hòa nhập cùng văn hóa bản địa. Tác giả du ký hiểu hơn ai hết rằng con người là điểm đến cuối cùng và bất tận trong mọi cuộc hành trình, như lời một nhân vật trong tác phẩm Xách ba lô lên và đi đã nói: “… hành trình thực sự không phải là về những nơi em đến, mà là về những người em gặp”. Có thể khẳng định, du ký đương đại hướng ngoại hơn hướng nội, đi để hòa nhập, vươn tới tầm vóc của thế giới nhưng cũng là cách để khẳng định vị thế của con người Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa.
4. Hành trình khám phá ngoại cảnh cũng chính là hành trình khám phá cốt lõi bản thân, đi tìm bản lai diện mục của mình. Vì thế, đi xa cũng là để về gần, trở về trong nghĩa tái khám phá, thậm chí phản biện lại các giá trị truyền thống của dân tộc và đất nước. Đây chính là một biểu hiện cơ bản của cảm quan nhân loại được biểu hiện sâu sắc trong hàng loạt du ký Việt Nam đương đại. Mỗi người viết dù đưa đẩy người đọc đến mọi không gian tận cùng của thế giới, cuối cùng đều đưa chúng ta trở về với cội nguồn của chính mình, để trả lời những câu hỏi thuộc về bản thể: Mình là ai, mình sinh ra từ đâu… Trên những bước đường du hành khắp nẻo châu Âu, hình bóng quê nhà luôn trở đi trở lại trong trang sách Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương của Giáng Uyên. Hình ảnh về mẹ, gia đình và Việt Nam thường xuất hiện ở đoạn kết mỗi chương trong sự đối sánh với những nơi vừa đi qua. Uyên tả trong sách đan xen giữa châu Âu mới mẻ thu hút và một quê nhà vẫn luôn đau đáu trong Uyên. Hương và vị đã được Uyên đang xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa châu Âu phồn hoa và quê nhà dung dị. Với Đinh Hằng, có lúc cô đã không khỏi băn khoăn khi một chàng trai Pháp quyết định gắn bó lâu dài với đất Mỹ: “Thật tốt khi cậu có thể tìm thấy một nơi nào đó khác ngoài quê hương mình để sống” (tr.174); song trong chính thâm tâm mình, trên từng trang viết hình ảnh quê nhà vẫn luôn đeo đuổi tâm hồn cô trong hình ảnh của mẹ, gia đình và nhiều hơn cả là Sài Gòn. Khi bước chân đến mọi vùng đất, bản năng luôn gợi tâm trí cô đến sự đối sánh với Sài Gòn: “Vậy mà ở Sài gòn của tôi, người ta đang ngày qua ngày “thôn tính” từng mét vuông cây xanh trong một cuộc đua “bê tông hóa” thành phố” (tr.56). Thường trực trên từng trang viết là những suy ngẫm về đất nước, hay đúng hơn những nhà văn này đã dùng lăng kính quê nhà để soi chiếu mọi hiện tượng. Với Phương Mai:“Cái vẻ đẹp của sự mông muội nghèo nàn thật là vừa thú vị vừa đắng ngắt. Nó giống như vẻ đẹp của những bản mường dân tộc hiu hắt ở Việt Nam, vẻ đẹp của những gánh hàng cực nhọc của dân ngoại tỉnh ra thành phố kiếm sống, vẻ đẹp của con trâu đi trước cái cày theo sau [tr.54]. Trở về, đi tìm bản lai diện mục tâm hồn mình cũng chính là chủ đề cả toàn bộ tác phẩm Bất hạnh là một tài sản của Phan Việt. Từ một biến cố hôn nhân, hàng loạt nghi vấn về ý nghĩa đời sống đã dấy lên trong đầu tác giả. Cô quyết định lên đường truy tìm câu trả lời cho bản thân mình. Trên hành trình trải dài trên hai châu lục ấy, cuối cùng câu trả lời cô tìm thấy nằm ngay ở mảnh đất cô được sinh ra. Quê hương đã giải đáp cho cô bằng niềm tin tâm linh giản dị nhất. Nhân vật Tôi được sinh ra lần thứ hai với sự khoan dung và thấu suốt. Cảm quan về dân tộc, quê hương không tách rời cảm quan nhân loại. Nói đúng hơn, ý thức dân tộc là hằng số cơ bản đầu tiên để xác lập cảm quan về thế giới.
Cảm quan nhân loại trong các tác phẩm du ký Việt Nam đương đại được xác lập từ những mẫu số chung: khát vọng lên đường và thay đổi, khát vọng hòa nhập và chinh phục những thách thức và rào cản văn hóa và ý thức “đi để trở về”. Cảm quan này được hình thành cùng những đặc trưng nghệ thuật độc đáo. Trước hết, đó là mỹ cảm Á Đông “đa cảm và nhiệt thành” biểu hiện trong cách quan sát, khám phá và chiêm nghiệm về thế giới: đề cao cảm xúc và ấn tượng trực giác, cách thức tiếp cận đối tượng cận nhân tình hay đúng hơn là lấy con người làm trung tâm của việc khám phá và lí giải hiện thực. Tiếp theo, du ký đương đại đang trong quá trình vận động không ngừng với việc dung nạp những thay đổi của ngôn ngữ đời sống, sự pha trộn thể loại giữa hồi ký, bút ký, tự truyện, tản văn… Bên cạnh đó, trong trào lưu du ký toàn cầu, du ký Việt Nam đương đại chịu ảnh hưởng từ dư âm của thế hệ Beat những năm 50-60 của thế kỷ trước với các tác phẩm mang tính hiện tượng như On the road của Jack Keuroac, Motor diary của Che Guevara và gần đây là cuốn Across Asia on the Cheap của tác giả Tony Wheeler, cuốn Ăn, cầu nguyện, yêu của Elizabeth Gilberts… với kiểu “văn chương bột phát” (spontaneous prose) đặc trưng bởi nhiều câu dài, kết cấu hình thức phóng khoáng, được viết ngay khi ý tưởng vừa đến, mang tính cá nhân cao. Sự phổ biến của du ký trong bối cảnh đương đại còn được cộng hưởng từ sức mạnh của truyền thông và mạng xã hội giúp lan tỏa các thông điệp, triết lý sống hiện đại mà các tác giả trẻ chính là người truyền cảm hứng. Ấn tượng và xuyên suốt nhất trong mọi tác phẩm du ký Việt Nam hiện nay chính là khát vọng “công dân toàn cầu” mang chứa những giá trị hiện đại phổ quát. Tất cả điều này cùng góp phần làm sáng rõ cho một cảm quan nhân loại độc đáo của du ký Việt Nam đương đại.
ĐINH TRÍ DŨNG – NGUYỄN THỊ XUÂN QUỲNH
Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Hữu Lễ (2015), Đặc điểm du ký Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX, Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ học và Văn hóa Việt Nam, Trường Đại học khoa học Huế, Đại học Huế.
Trần Thanh Phương (2013), Những đặc sắc của du ký Việt Nam đương đại viết về nước ngoài, Luận văn Thạc sĩ văn học, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Trịnh Thị Quyên (2015), “Thể ký qua một số cây bút trẻ đương đại”, Tạp chí Tri thức trẻ thời đại, 7/2015.
Mily (2013), “Trào lưu sách du ký: Những bước chân ngoại quốc” https://www.thethaovanhoa.vn/buixuanphai/details/c173n20130613132432210/trao-luu-sach-du-ky-nhung-buoc-chan-ngoai-quoc.htm
 
Hà Nội, 11/9/2021
Trần Thị Trâm 
Theo https://vanvn.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...