Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Chúa đất miền Khau Sưa - Những điều muốn nói

Chúa đất miền Khau Sưa
Những điều muốn nói

Nhà văn cựu chiến binh Hoàng Thế Sinh quê gốc Hưng Yên, lập nghiệp và thành danh ở Yên Bái là một cây bút đa năng. Anh từng viết và in thơ, bút ký, truyện ngắn, truyện ngắn hài, tiểu thuyết. Và bây giờ là một tiểu thuyết mới có nhan đề rất gợi “Chúa đất miền Khau Sưa” (NXB Quân đội nhân dân, 2020).
Nhan đề tiểu thuyết cứ tưởng là một truyện cổ tích hay truyện Lịch sử, vì bây giờ làm gì còn “chúa đất” trong thế kỉ 21! Thật ra từ “Chủ” cũng còn một cách đọc khác là “Chúa” khi người ta muốn đọc “Chủ” hay “Chúa” đều được trong từ “Chúa nhật” hoặc “Chủ nhật”. Chúa đất có thể hiểu là ông chủ đất, nhưng cũng là ông “Chúa đất” của vùng Khau Sưa. Đó là nhân vật chính, nhân vật xuyên suốt tiểu thuyết có tục danh là Vũ Tử Pín, còn gọi là cậu Tử Pín. Vì cậu có người chị gái quyền lực, phu nhân của anh rể Vương oai danh trùm lên miền Khau Sưa và thành phố Mã Sơn. Có lẽ tác giả muốn sử dụng chi tiết trong giấc mơ làm vua của nhân vật ở trang 207, khi làm vua không ổn, làm quan thì không thích, quản gia Miêu đã gợi ý chỉ nên làm chúa. Tử Pín hỏi Chúa gì? Miêu thưa rằng Chúa đất! Nhân vật hoàn toàn thỏa mãn với danh xưng này.
Nhà phê bình Vũ Nho
Tử Pín vốn là một người nhanh nhạy trong làm ăn, lại có chị gái là vợ của anh rể Vương, một ông lớn trùm lên mọi ông lớn, mọi đại gia vùng Khau Sưa và thành phố Mã Sơn hỗ trợ nên anh ta phất lên rất nhanh. Mua rẻ đất của dân với giá cao gấp mười lần nhà nước bằng thủ đoạn vừa dọa đất phố “Liều” không có sổ đỏ có thể bị mất không, vừa nâng giá mua. Có một số nhà dân gốc xóm Giếng không chịu đi. Tử Pín thuê côn đồ dọa giết và ném tiền lên bàn ép kí bán đất. Chỉ từ sáng tới trưa là xong mọi thủ tục mua bán đất viết tay có dấu phường xác nhận. Thế là anh ta trúng quả đậm hàng ngàn mét vuông. Khi dự án mở đường qua khu đất đó, anh ta được lợi gấp trăm lần vốn bỏ ra.
Tử Pín là hình mẫu của loại đại gia mới. Phía trên cao nhất thì có anh rể Vương cùng chị gái ngầm hủng hộ. Thấp hơn thì có Bí thư Sò và Chủ tịch Lỉn của vùng Khau Sưa hết lòng giúp đỡ. Vì vậy mà việc gì khó mấy rồi cũng xong. Tử Pín thuê vệ sĩ, thuê quản gia. Việc gì anh ta cũng dùng tiền để giải quyết. Tham vọng của anh ta là làm ra nhất nhiều tiền, cực kì nhiều tiền để tiền đẻ ra tiền. Rồi lấy tiền để giải quyết mọi việc. Tử Pín nói với người Rừng:
“Người có quyền thì dùng quyền, người có tài thì dùng tài, người có sức thì dùng sức, người có mưu thì dùng mưu, người có tiền thì dùng tiền, chuyện thường”  (trang157).
Bìa tiểu thuyết “Chúa đất miền Khau Sưa” của Hoàng Thế Sinh
Tử Pín dùng tiền để xây dinh thự nguy nga. “Dinh cậu Tử Pín hoành tráng và lộng lẫy hơn cả dinh của đại gia ở thành phố, chứ đùa. Dinh cậu Tử Pín cũng chẳng kém gì các lâu đài cổ phương Tây” ( tr.75).
Tử Pín dùng tiền để mua đất đai làm thủy điện, mua đất đai làm khu nghỉ dưỡng, mua núi Chúa để làm du lịch sinh thái. Những ai cản trở công việc làm ăn thì dùng tiền mua, như đã mua Bí thư Sò và Chủ tịch Lỉn. Không mua được thì thuê đầu gấu đánh dằn mặt như với Trưởng bản Tềnh, như với ông Sa Thổ…
Tác giả mô tả Tử Pín như là một Chúa đất miền Khau Sưa, muốn gì được nấy, không ai có thể cản trở. Nhưng Tử Pín chậm chân so với hai vị Bí thư Sò và Chủ tịch Lỉn: “Rừng Khau Sưa, đá quý Khau Sưa, đá bloc Khau Sưa, người ta chiếm cả rồi, người ta ăn hết cả rồi, người ta biến thành tiền, vàng, đô la hết cả rồi, ta làm gì đây” ( tr.162).
Tử Pín luôn mồm nói là anh ta làm việc vì dân. Dân giàu lên thì anh ta cũng giàu lên. Các cuộc họp, dân đều được nghe những lời hứa tốt đẹp. Và quả thật anh ta cũng làm được một số việc khiến dân tin. Nhưng chỉ khi thủy điện Hoang Thủy bị nước lũ đe dọa thì con người thật của anh ta mới phơi bày. Mỉa mai thay, cậu Tử Pín ngồi trên bia kỉ niệm có dòng chữ “Thủy lợi- Thủy điện Hoang Thủy vì sự phồn vinh của nhân dân Cò Nòi, nhân dân Nà Lai!”, nhưng ra lệnh xả lũ. “Cánh đồng Cò Nòi và Nà Lai ngập mênh mông, bản Cò Nòi và bản Nà Lai chìm nghỉm trong mênh mông biển nước. Mặc xác dân Cò Nòi! Mặc xác dân Nà Lai! Bản làng đồng ruộng là của các ngươi. Thủy điện Hoang Thủy là của ta. Của ai người nấy giữ. Không biết giữ cái của mình thì cho chết, ai thương chứ!” (trang 178). Hậu quả của việc xả lũ là năm người chết và hai người mất tích. Trưởng bản Tềnh thì treo cổ tự tử vì đã vận động dân cho Tử Pín làm thủy điện.
Không việc gì là Tử Pín không dám làm. Để cho việc giải phóng mặt bằng xây khu vui chơi giải trí Cò Lả, Tử Pín thuê đầu gấu chiêu tập bọn bốc mả chuyên nghiệp. Trong một đêm bốc hơn một trăm ngôi mộ về nghĩa địa mới. Vì vội quá nên quên không rõ mộ nào với một nào, bị dân làng phản đối. Dân ném cứt thối vào dinh. Một lần nữa, doanh nhân thời 4.0 Tử Pín lộ rõ là một người tàn ác khi tuyên bố “ Dân đông cũng mặc! Tôi cho dân Cò Lả về mo ráo, biến dân Cò Lả thành zêrô tuốt! Xem dân làm gì được tôi nào?” (trang 227). Đối thoại với những khúc xương trắng đòi nhà trong giấc mơ, Tử Pín quát: “Chết rồi cũng giết, giết hết”. Những khúc xương trắng khào khào: “Ông là con người mà sao ông tàn ác hơn cả ma quỷ thế” (trang 257).
Chi tiết thú vị là một lần Tử Pín ốm gần chết khi san lấp đất phố Liều, được thầy cúng Khổng Xích Tồ cho uống nước hòa đất nướng, đã tỉnh lại. Lần này Tử Pín chủ động lấy đất ở Cò Lả về đưa quản gia Miêu. “Cậu chủ cầm bát nước đất đỏ lừ, nhấp nhấp như kiểu nhấp nước trà, rồi tu một hơi cạn. Khà! “Đất ngọt lịm!”. Tử Pín chẹp miệng, khen, ngửa cổ lắc lư cái đầu vẻ khoan khoái” (trang 213). Chúa đất, uống đất, ăn đất ngon lành. Quả là một chi tiết tượng trưng đắt giá.
Hai nhân vật cựu chiến binh là ông Mùi và ông Sa Thổ là người có uy tín và liên quan đến Tử Pín với tư cách đối trọng. Ông Mùi bị mất tượng phật đồng đen liên quan đến bố của sếp Vương, anh rể Tử Pín. Tượng phật ấy lại cùng với thằng By lai về nhà Tử Pín, trên điện thờ nhà Tử Pín. Câu chuyện làm cho người đọc phải hồi hộp theo dõi liệu ông Mùi, có thằng cháu Gâu bị ảnh hưởng của chất độc da cam có lấy lại được bức tượng không, ông đánh bẫy chim phục vụ cho sếp Vương, cho Tử Pín đến bao giờ?
Ông Sa Thổ chỉ là một trưởng thôn, nhưng “cứng cổ” không nghe Bí thư Sò và Chủ tịch Lỉn. Ông đã bắn cảnh cáo Tử Pín, nhưng lại ơn Tử Pín vì Tử Pín bao cho  Sương, con gái ông đi học. Ông quyết không nhận năm chục triệu Tử Pín mua mình, bị Tử Pín thuê đầu gấu đánh gần chết. Tuy vậy, khi Tử Pín bị bệnh tâm thần, ông bỏ qua tất cả, cùng với cô Sao và thầy cúng Khổng Xích Tồ chữa cho Tử Pín. Khi Tử Pín nói đến trả ơn, ông trả lời bằng một câu tục ngữ người Tày “Có tiền mua được thóc giống. Nhưng có tiền đâu mua được người già”. Đây cũng là một nhắn nhủ chân thành cho con người có rất nhiều tiền, từng nghĩ rằng có tiền là có tất cả. Nhân vật ông Sa Thổ là con người yêu rừng núi, gắn bó với rừng núi, cân nhắc điều hơn lẽ thiệt khi phải đứng trước vấn đề bán rừng để làm giàu ngay, hay giữ rừng để cuộc sống yên lành mãi mãi.
Một nhân vật phụ cũng đáng được nhắc đến là anh Lỳ kiểm lâm cũng là trùm săn, người yêu của Sương. Lỳ đã hai lần định ám sát Tử Pín vì chuyện người yêu. Nhưng một lần bầy nai phá hỏng. Còn lần sau thì thằng bé By lai xuất hiện khiến tay nỏ của Lỳ run.
Nếu có gì đáng nói về nhược điểm của tiểu thuyết này thì chính là ngôn ngữ kể chuyện của tác giả dù trau chuốt và hấp dẫn, nhưng chiếm quá nhiều, làm cho mạch truyện phát triển chậm. Những đoạn văn miêu tả thiên nhiên rất thơ mộng, rất đẹp nhưng cũng có chỗ hơi bị “tả cành tả cảnh”. Và cái việc lấy lại tượng Phật của ông Mùi đã qua đỉnh gay cấn khi ông Mùi cùng Neo đi ăn giỗ (trang 200) lại được nói lại ở trang 244, và được cô Mê lấy trộm một cách nhẹ nhàng…
Dù sao, đây là một tiểu thuyết thành công. Hoàng Thế Sinh đã huy động một vốn sống phong phú về cảnh vật, con người miền núi trong tiểu thuyết này. Tác giả đã xây dựng thành công một kiểu nhân vật mới, nhân vật đại gia câu kết với thế lực chính quyền địa phương để trở thành “chúa đất” của một vùng. Và tác giả khá cao tay khi để cho nhân vật Tử Pín thành người tâm thần “chẳng còn uy, chẳng còn oai, chẳng còn ai nể sợ nữa, cũng chẳng còn ai thù ghét cái người điên dại, thì cần gì phải bảo vệ cơ chứ. Cậu thành người vô hại, cứ mặc thôi” (trang 269).
Đó là cái kết xứng đáng dành cho “chúa đất”.
VŨ NHO
 
Hà Nội, 11/9/2021
Trần Thị Trâm 
Theo https://vanvn.vn/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khu ổ chuột Những ngôi nhà dột nát… Những thân hình dặt dẹo… Những bóng đèn tù mù… Những con đường quanh co không lối thoát… Một góc H...