Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Những ngọn đèo thắp sáng thơ ca

Những ngọn đèo
thắp sáng thơ ca

Phạm Quỳnh Loan có chất giọng miền núi trong sáng cộng với hình ảnh, ngôn từ chọn lọc sáng tạo, khiến thơ cô khá lôi cuốn hấp dẫn. Có thể nói đây là một đặc sản hiếm…
Nhà thơ Phạm Quỳnh Loan ở Yên Bái
Tôi chưa gặp cô giáo dạy toán Phạm Quỳnh Loan ở Yên Bái, nhưng qua mạng internet, cô làm quen và gửi tặng thơ. Đây là tập thơ thứ 4 của cô. Phạm Quỳnh Loan sinh trưởng ở Tây Bắc, không gian, phong cảnh, con người Tây Bắc đã tan hòa trong tâm hồn, nhận thức của cô, đó là một thuận lợi, nhưng điều chính yếu vẫn là sự nỗ lực bản thân. Cô gặp gỡ và đến với thơ một cách tự nhiên như lời tự bạch ở đầu sách: “Từ việc đọc và viết vui vài ba câu na ná như thơ… rồi theo thời gian lớn dần, vỡ dần, cứ thế mê mải viết, rồi đọc, rồi lại viết… Sau những chuỗi ngày miệt mài, cuốn theo dòng chảy, tôi như trở thành một con người khác, có cái nhìn và cảm nhận khác trước…”
Tác phẩm văn học, ở mức độ giá trị khác nhau, tác động đến con người ở ba cấp độ: gây ấn tượng; tạo sự ám ảnh và cao nhất là khiến người ta nghĩ khác, sống khác. Câu tự bạch rất hồn nhiên của cô giáo miền núi đúng với nhận định này: “Tôi như trở thành một con người khác, có cái nhìn và cảm nhận khác trước”. Chi tiết này có giá trị trên phương diện lý luận nói riêng và văn học nói chung.
Đèo Khau Phạ bay trong chiều cổ tích
Bay trong em rơm rạ quê nhà
Bay lên giấc mơ người dân cày Yên Bái
Chàng trai Mông vắt đá nảy mầm
(Bay lên)
Tôi đọc từ tập thơ thứ nhất cho đến tập thơ thứ tư này, thấy rất rõ bước tiến về thơ của Phạm Quỳnh Loan: từ hồn nhiên có phần đơn giản đến hồn nhiên nghệ thuật. Bốn câu thơ trích trên đây, câu đầu “bay trong chiều cổ tích” có dấu ấn của việc luyện tay nghề nhưng đến câu 2 và 3 trở lại giản dị dân dã; câu thứ tư “chàng trai Mông vắt đá nẩy mầm” lại đến với hồn nhiên nghệ thuật. Chăm chút nghệ thuật trong thơ là rất cần thiết nhưng làm sao vẫn giữ được sự hồn nhiên là rất khó. Ở nhiều bài Phạm Quỳnh Loan đã làm được công việc rất khó khăn ấy. Xin nêu ví dụ khác:
Có lời yêu cất lên từ lá
Cầu thang nghiêng chín bậc Mường Lò
Tiếng chọc sàn heo may thổn thức
Lỗi nhịp xòe mắt thổ cẩm găm nhau
(Mắc khén mùa phơi mây)
Chi tiết “lời yêu cất lên từ lá” rất sáng tạo mà không lộ ra sự gia công kỹ thuật. Ba câu dưới cũng vậy. Phạm Quỳnh Loan viết tương đối đều tay trong tập thơ này.
Thì thầm Nậm Thi bung chiều cửa ngõ
Sóng wifi nối những cuộc hẹn hò…
Từng con dốc, đá mọc mầm cõng chữ
Nậm Thi cởi dòng chim “Khắc phục” còn thương?
(Hà Khẩu mùa heo may)
Chữ “bung” ở câu thứ nhất và chữ wifi ở câu thứ hai khá táo bạo và hiện đại. Nhà thơ rất có ý thức cập nhật hóa thơ ca với mọi cung bậc đời sống mà vẫn không bị “phô chênh”. Điều này không đơn giản chút nào. Suy cho cùng thì văn học là cuộc đời, ở đầu thế kỷ 21, đời sống đã đổi thay nhiều lắm mà thơ của chúng ta xem chừng vẫn chưa thực sự tương đồng trong nhịp bước, tư duy và cách thể hiện còn khá cũ. Những tìm tòi, cập nhật như thế rất đáng khuyến khích.
Tập thơ “Những ngọn đèo thắp nắng” của Phạm Quỳnh Loan, NXB Hội Nhà Văn 2020
Người thổi hồn cho lá
Người nhập vía lên cây
Nhấn phím xuân lên tầng tầng thi cảm
Ta cạn mình nhấn phím thời gian.
(Bâng quơ)
Những chữ “hồn, vía, phím xuân” tuy không mới nhưng tác giả đặt vào đoạn thơ này đọc thấy tươi tắn và mới mẻ. Vì sao nhỉ? Tác giả đặt những chữ quen thuộc ấy trong một tương quan khác lạ. Tạo ra một tương quan mới cho kết cấu ngôn từ là kết quả của lao động sáng tạo, phải luyện tay nghề khổ công lắm mới có thể thành công. Ở câu cuối có chữ “cạn mình” khá ấn tượng, chứng tỏ tác giả cũng khổ công luyện chữ lắm. Nhà thơ Lê Đạt nói đại ý: thi nhân là “phu chữ”, tức là phải nhọc công đổ mồ hôi sôi nước mắt với chữ nghĩa nhiều lắm. Phạm Quỳnh Loan có ý thức “luyện linh đan” từng con chữ để chúng được cọ xát va đập, trở nên tinh khôi mới lạ và chuyển hóa sang một cuộc đời khác. Đây là một cố gắng rất đáng ghi nhận.
Nhớ đến người cha đã khuất, Phạm Quỳnh Loan viết:
Nơi cánh đồng chân cha bầm vết
Trong xanh cói, thơm men trời đất
Những vỉa người xâu bão táp phong ba.
(Nhớ cha)
Hai câu trên tác giả viết tương đối chặt chẽ kỹ lưỡng, nhưng câu thứ ba mới thật đặc sắc, “bão táp phong ba” mới đọc có vẻ đại ngôn nhưng nhờ cụm từ “Những vỉa người”, hiện lên hình ảnh nhiều tầng, nhiều lớp, bao nhiêu thế hệ nối tiếp và chữ “xâu” kết nối lại tạo nên một chuỗi thời gian không gian bão táp. Những chữ có hàm lượng tư duy thẩm mỹ cao như thế rất cần thiết cho thơ hiện đại. Câu thơ sâu sắc, gây ấn tượng mạnh và hay.
Nước cứ đổ xuôi còn mình lội ngược
Có khi nào cập được bến bờ nhau?
(Lội ngược dòng)
Hàm lượng tư duy thẩm mỹ ở hai câu này lại khác, không ở ngôn từ mà ở hình ảnh, ý thơ, đặc biệt là tư duy nghịch lý qua khái niệm “xuôi – ngược”. Điều này chứng tỏ Phạm Quỳnh Loan có ý thức luyện tay nghề khá bài bản.
Từ biệt tuổi thơ để bước sang tuổi trưởng thành, tác giả viết:
Văn Yên lạc tôi rừng khăn quàng đỏ
Tôi lạc Văn Yên tuổi trăng mười tám…
Còi tàu thổi rỗng ngày xa.
(Ngày về)
Phạm Quỳnh Loan thường có cách nói cụ thể lồng ghép với trừu tượng khiến câu thơ biến hóa linh hoạt. Nhiều khi cách nói quan trọng hơn điều nói là thế. Tìm cách diễn đạt sao cho hiệu quả cao là cả một nghệ thuật không dễ chút nào. Đó là một trong những công việc quan trọng, khó khăn nhất của lao động sáng tạo.  Bài “Vết xưa” sau đây mang một tìm tòi khác khá độc đáo:
Vết xưa nhào nặn. Thôi đành
Dẫu trăm năm biết có lành lặn nhau?
Hương bao nhiêu? Đủ chát cau
Thơm bao nhiêu? Đủ cay trầu ngọt môi
Một khi tình cảm hay mối quan hệ nào đó lỡ có “tì vết” rồi, liệu có lành lặn được không là câu hỏi gặp đây đó thường ngày. Một bài thơ ngắn đặt ra tới 3 câu hỏi có vấn đề, là hàm lượng tư duy thẩm mỹ cao, câu nào cũng khó trả lời. Tác giả không trả lời mà để bạn đọc suy ngẫm. Bài thơ có dáng dấp một triết lý nhân sinh nhẹ nhàng mà sâu sắc với nhiều tầng ý nghĩa mà không khô khan bởi không nói bằng khái niệm mà thông qua hình tượng nghệ thuật (hương, trầu cau).
Bài “Buộc chỉ cổ tay” sau đây thấp thoáng bóng dáng tình yêu đôi lứa:
Chín bậc cầu thang chấm lửng dấu chân người
Chỉ đỏ cổ tay sợi tơ trời buộc vía
Vẫn đây nguyên chín sợi
Buộc qua mùa heo may…
Thơ tình mà không có chữ em, anh, yêu đương, nhung nhớ… Tác giả không nói trực tiếp mà dùng ẩn dụ “buộc chỉ cổ tay” để nói lên nguyền ước lứa đôi nồng nàn và kín đáo.
Phạm Quỳnh Loan có chất giọng miền núi trong sáng cộng với hình ảnh, ngôn từ chọn lọc sáng tạo, khiến thơ cô khá lôi cuốn hấp dẫn. Có thể nói đây là một đặc sản hiếm, nên biểu dương và khuyến khích. Tôi đoán chừng Phạm Quỳnh Loan đang gắng gỏi tìm hiểu về kỹ thuật, nghệ thuật thơ ca để hình thành cho mình một bút pháp riêng. Điều này người viết nào cũng đặt lên hàng đầu và là điều khó nhất. Ở Phạm Quỳnh Loan, điều ấy đã thấy thấp thoáng ở nhiều trang. Đây là một hành trình gian nan và lâu dài. Trong quá trình tìm tòi học hỏi, nên lưu ý điều này, đó là đừng để dấu ấn tu từ lộ ra nhiều, dễ thành cầu kỳ, mất đi chất tự nhiên trong thơ. Làm thơ là một cách trở về với tuổi thơ, người thơ luôn có con mắt ngạc nhiên, tâm tính hồn nhiên là rất cần thiết. Phạm Quỳnh Loan đi nhiều, đề tài xã hội, nhân sinh mở ra khá phong phú, nhưng tôi vẫn muốn cô quan tâm hơn về những khó khăn vất vả và sự vượt khó của đồng bào các dân tộc hiện nay. Tập thơ này ghi dấu thành công bước đầu.
“Những ngọn đèo thắp nắng” là tập thơ rất đáng tìm đọc so với mặt bằng thơ hiện nay.
NGUYỄN VŨ TIỀM
 
Hà Nội, 11/9/2021
Trần Thị Trâm 
Theo https://vanvn.vn/
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Gió Cửa Hà" - Những ký ức còn nguyên thổn thức

"Gió Cửa Hà" - Những ký ức còn nguyên thổn thức “Gió Cửa Hà” dập dềnh những nỗi niềm. Tâm sự ấy là của một nhân vật trữ tình muố...