Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Công chúa Ngọc Bình

Công chúa Ngọc Bình

Ngọc Bình là công chúa thời Lê mạt, con gái thứ hai mươi ba của Hoàng đế Lê Hiển Tông. Mười ba tuổi nàng được chị ruột là công chúa Ngọc Hân, vợ của vua Quang Trung mai mối cho Cảnh Thịnh đế Quang Toản con trai Hoàng đế Quang Trung.
Năm Tân Dậu (1801), triều đại Tây Sơn sụp đổ. Công chúa Ngọc Bình cùng toàn bộ vua tôi Tây Sơn bị quân nhà Nguyễn bắt ở Bắc Hà. Quân Nguyễn thấy người con gái tuyệt phẩm giai nhân thì đưa về Kinh đô Phú Xuân dâng Hoàng đế Gia Long. Vua Gia Long thấy người con gái đẹp, thoảng mùi hương, cốt cách kiêu sa quý phái của bậc vua chúa liền cho làm phi. Và công chúa được ở trong tam cung.
Tam cung nằm trong một khuôn viên cây xanh rợp bóng râm mát. Hoa ngâu, hoa sứ, dạ lan, huệ, hồng thay nhau đua nở bốn mùa, tỏa hương. Hồ bán nguyệt đàng trước, ngày hạ sen nở, vươn lên một sắc hồng như những ngọn đèn nhỏ trên những chiếc lá xanh rờn la đà trên mặt nước. Bên trái cung có vườn chim, đủ loại chim quý múa hót suốt ngày. Tam cung có phòng thêu thùa, có nơi trang điểm, có án thư đọc sách.
Nhà văn Trần Thúc Hà ở Đồng Nai
Trong một phòng riêng biệt có chiếc giường lớn làm bằng gỗ hoàng đản, luôn phảng phất mùi thơm như trầm cả trăm năm. Giường chung quanh được viền vàng. Hai chiếc gối làm bằng lông chim anh vũ, nệm làm bằng lông thiên nga. Gối và nệm bọc bên ngoài là loại dệt tơ tằm, được thêu hoa hồng đại đóa, hoa cúc vàng rực. Bốn chung quanh cửa treo rèm bằng nhung màu xanh nhạt, thêu dệt cảnh vật non nước hữu tình. Đó là chốn Gia Long Hoàng dành riêng cho nàng và ông.
Thượng  tuần tháng 11 năm  Tân Dậu (1801) Gia Long bắt vua tôi triều Tây Sơn đến quỳ sân Thái Miếu nơi thờ 9 đời  vương họ Nguyễn làm lễ Hiến Phù, để cho Hoàng đế Gia Long tấu trình với tổ tông sự nghiệp thâu tóm giang sơn đã trọn vẹn.  Hôm sau, cho dẫn ra ngoại thành Kinh đô để xử tội. Nơi đó là một bãi đất trống, chu vi vài ngàn thước.
Lễ đài xử tội được đắp cao hơn, mặt hướng nam, nơi để vua ngự cùng các quần thần chứng giám buổi hành hình. Một rừng cờ đại cắm chung quanh lễ đài. Ở bên trái lễ đài, có một cửa ra vào để cho bọn đao phủ dẫn tội nhân cùng đàn voi vào hành quyết. Dân chúng trong kinh thành được lệnh của nhà vua, dậy đi xem từ  sớm. Họ đứng ken dày chung quanh ba mặt của bãi hành  hình.
Ba hồi trống chiêng vang lên, báo hiệu Hoàng đế Gia Long cùng các triều thân đã đến, dân chúng nhất loạt quỳ xuống, cúi gầm mặt, miệng hô to: – Hoàng đế vạn tuế! Cho đến khi Hoàng đế an tọa họ mới được lệnh đứng dậy. Chiêng trống lại vang lên. Một người xướng lệnh thét vào cái loa lớn bằng đồng thau vàng óng, có giải tua ngù lủng lẳng – Truyền cho dẫn tội nhân vào!
Đi đầu là vua Cảnh Thịnh. Kế đến là vợ chồng Thiếu phó Trần Quang Diệu, Đô đốc Bùi Thị Xuân, con gái mới mười bốn mười lăm tuổi của Đô đốc cũng bị giải đi. Theo sau, các danh tướng của triều Tây Sơn. Hai bên đoàn tử tội là những đao phủ lực lưỡng, sát khí nặng nề, tay cầm gươm sáng lóe, chân quấn xà cạp màu đen viền đỏ. Tiếp đến là bốn con voi trận to lớn, bước chân của chúng rùng rùng như động đất. Trên đằng trước lưng voi có cờ nheo, quản tượng tay cầm búa sắt ngồi vắt vẻo  Đàn voi dừng lại ở cửa ra vào.
Tội nhân Tây Sơn được dẫn đến, bắt quỳ trước hành đài, nhưng không ai chịu quỳ, đứng trơ trơ như đá. Bọn đao phủ dùng roi mây gai giáng xuống họ vun vút tới tấp như xé gió của phong ba. Quần áo tội nhân rách tơi tả hằn lên những vết thâm bầm, máu ứa. Một số người gục xuống. Đầu tiên là vua Cảnh Thịnh. Bùi  đô đốc không chịu quỳ. Bà kéo con gái vào lòng, lựa thế tránh né cho con khỏi những đòn roi tứa máu. Từ trên hành đài, Gia Long biết không khuất phục được kẻ thất bại. Họ có thể chết vì roi vọt thì cuộc hành hình tàn khốc, đau đớn ông dành cho cũng sẽ không được diễn ra ra.  Lệnh xuống thôi dùng roi vọt. Bọn đao phủ dí gươm vào từng tội nhân, đợi lệnh. Một hồi chiêng trống vang lên, cờ lệnh trên hành đài bay phần phật: Cuộc hành hình bắt đầu!
Hoàng đế Gia Long, trong bộ hoàng phục, vành đai ngang bụng, băng rộng, màu đỏ, lấp lánh kim cương. Tấm hộ tâm trước ngực màu xanh tím có hai con rồng vàng vươn cao. Trên đầu ngài đội chiếc mũ vương quyền, chung quanh nạm bạc, có một viên hồng ngọc gắn trước mũ như thái dương thu nhỏ, tỏa sáng. Khuôn mặt phương phi, quả quyết.  Hai hàng lông mày như hai con tằm nhuộm đen làm cho đôi mắt to sáng bừng, thể hiện một bản lĩnh can trường, không gì ngăn được ý chí sắt đá để vươn lên đỉnh cao của quyền lực.
Ông cho mình xứng danh là một anh hùng của thời tao loạn, đấng quân vương của một triều đại mới. Tiên tổ ông chỉ dám nhận là chúa, giờ ông, đã là vua.
Vua đứng dậy, bước lên một bước.
Tất cả quan viên, dân chúng im phăng phắc như trời không có gió, hướng về phía Hoàng đế. Hoàng đế nói, giọng vang như chuông đồng: – Hôm nay Gia Long Hoàng đế  ta kính cáo với trời đất thánh thần: Non sông đã thu về một mối. Bọn Tây Sơn từ vua cho đến quần thần của chúng đang bị điều đến pháp trường hành tội, trước để làm lễ Tế công, sau rửa nhục cho chín đời vương triều nhà Nguyễn. -Dừng một lúc, tức thời chiêng trống vang lên cùng tiếng hô Hoàng đế vạn vạn tuế!như sấm dậy đón lời tuyên cáo của Hoàng đế. Hoàng đế tiếp:
– Hỡi thần dân của nước Nam! Kinh Xuân Thu của vĩ nhân mấy ngàn năm trước có dạy rằng qua nhiều đời mà trả thù là nghĩa lớn, không được quên! Hậu thế như trẫm đây cũng vì nghĩa lớn đấy mà khai quật mồ mả, tru di diệt tộc bọn Tây Sơn. Và sẽ truy diệt tận gốc những ai còn lưu luyến vấn vương với bọn giặc cỏ đấy.
Trước khi bị hành hình, cảnh  làm cho vua Cảnh Thịnh đau đớn đến tột độ, mà cái chết còn dễ chịu hơn là phải tận mắt nhìn thấy những đao thủ bê ra một âu sành lớn đựng xương cốt của cha ông chú bác của mình. Quang Toản nhìn thấy rất rõ, lòng quặn đau, một nỗi đau xé nát gan ruột. Quang Toản đứng không vững, mặt mày tái ngắt, tay chân run rẩy. Thiếu Phó Trần Quang Diệu đứng cạnh, ghé sát người cho Quang Toản khỏi ngã. Hoàng đế Gia Long trên hành đài. đắc chí, thỏa nguyện. Từ khi mười lăm tuổi cầm binh cho đến bây giờ, đã hai mươi lăm năm trời chưa lúc nào Gia Long  thấy thỏa mãn đắc thắng như lúc này. Quân hầu dâng cho Hoàng đế chén rượu, ông ta ực một hơi hết sạch. Sinh khí tràn đầy trên nét mặt đế vương của ông ta như bao trùm cả thiên hạ, Gia Long nở một nụ cười làm cho đất trời chao đảo.
Để cho nỗi đau, nỗi nhục tinh thần đến tận cùng của Cảnh Thịnh và tướng Tây Sơn  lên đến mức tận cùng,  khi họ không còn chịu đựng được nữa, Gia Long  ra lệnh cho bọn đao phủ thả voi vào. Tượng hình!
Người đầu tiên đưa ra hành hình là Cảnh Thịnh Đế Quang Toản. Hai tên lính xốc nách Hoàng đế Tây Sơn Quang Toản dẫn ra giữa bãi. Quang Toản vừa đi vừa ngoảnh lại nhìn lên hành đài chửi mắng giặc. Một tên lính lấy một lá cờ đuôi nheo buộc chuôi kiếm bịt miệng Hoàng đế Quang Toản, giáng cho Quang Toản mấy đòn máu mũi máu mồm ngài trào ra. Bốn tên lính xộc tới, buộc tay chân Quang Toản vào bốn sợi dây thừng rồi buộc vào chân sau của bốn con voi sừng sững như bốn tảng đá lớn.
Lệnh của viên tổng quản tượng rúc lên bằng tiếng tù và, nghe âm âm rợn gáy  như tiếng  hồn ma  ngày xá tội vong nhân không có được bát cháo lá đa. Bốn con voi nhất loạt lao nhanh về tứ phía. Một khoảnh khắc ghê rợn! Dân chúng xung quanh bãi hành quyết mặt tái xanh mắt nhắm nghiền, miệng ú ớ khiếp hãi.
Cùng lúc đó, ở một góc lùi phía sau trên hành đài,  công chúa Ngọc Bình được lệnh Hoàng đế cho đến xem.
Đi với công chúa có thầy dạy học và mấy thị tì theo hầu.
Khi tận mắt  thấy Quang Toản bị  đàn voi kéo về bốn phía, công chúa thét lên: -Ôi Phu quân! Mặt mày tối sầm, công chúa ngã xuống đất, ôm bụng nén một cơn đau quặn. Các thị tì vực công chúa đứng dậy. Buổi hành quyết tiếp tục.
Một con voi lừng lững tiến về phía con gái mới mười bốn tuổi của Đố đốc Bùi Thị Xuân, Thiếu Phó Trần Quang Diệu. Cô bé  khiếp hãi gào: Mẹ ơi cứu con! Tiếng gào vang động tận trời xanh, quặn thắt trong lòng người. Đô đốc Bùi Thị Xuân nghiêm giọng:  Hãy can  đảm lên! Là con nhà tướng, hãy chết cùng cha mẹ còn hơn sống với loài cẩu tặc man rợ! Con voi dùng vòi quặp lấy cô bé quật lên quật xuống, thân thể nát nhừ trong vũng máu dưới chân voi. Lúc này trên hành đài công chúa Ngọc Bình thốt không ra tiếng: -Sao ác độc  bạo tàn đến thế! Một con voi khác tiến về phía  nữ đô đốc Khi con voi đến gần Đô đốc, bà thét lên một tiếng, uy danh của nữ tướng làm cho con voi chùn bước, đi thụt lùi. Cả ngàn người im phăng phắc. Bọn lính hành hình cũng ngớ ra, không hiểu chuyện gì đang xảy ra trước mặt chúng. Khi nhận thấy, voi không còn dũng khí, chúng bèn đốt lửa, đốt pháo, lấy giáo nhọn thúc sau mông của nó, làm cho con voi bị kích động hung tợn tung vòi lên quật vào Đô đốc rồi lấy chân giẫm nát người bà. Công chúa Ngọc Bình ngất đi vì khiếp hãi và xót thương,
Các thị tì dìu công chúa Ngọc Bình về cung.
Dân chúng nhốn nháo ra về với vẻ mặt khiếp hãi loang khắp kinh thành.
Trong nội cung, Gia Long mở yến tiệc mừng ngày phục hận.
Công chúa Ngọc Bình tâm trạng tan nát, ghê sợ, buồn đau. Công chúa cần an ủi sẻ chia. Trông chốn biệt cung vàng son lộng lẫy công chúa như cô phụ lặng lẽ. Người có thể an ủi sẻ chia với công chúa là thầy dạy của công chúa. Công chúa cho thị tì đi tìm  mời thầy.
Thầy dạy học của công chúa là một người uyên thâm chữ nghĩa, thông tỏ sử các đời vua nước Nam, đạo cao đức trọng ở cố kinh Bắc hà. Thầy đã từng dạy cho Ngọc Hân công chúa. Khi Ngọc Hân theo đức vua Quang Trung Nguyễn Huệ thì vua cha Lê Hiển Tông mời thầy dạy cho công chúa Ngọc Bình. Thầy giỏi, trò ham học, sáng dạ thông minh. Bảy tám tuổi Ngọc Bình đã thuộc làu Tam tự kinh, Tứ tự kinh, mười tuổi đã biết vần luật Ngũ ngôn. Thầy hỏi đến đâu trò luận giải đến đó. Khi đèn sách mới lật vài mươi trang vào Tứ thư, Ngũ kinh là lúc công chúa mười ba tuổi, về làm vợ của Cảnh Thịnh Hoàng đế. Ngày vào Nam, công chúa không xin vua cha vàng bạc, châu báu, ngọc ngà, chỉ xin thầy đi theo cùng để tiếp học rộng biết sâu trong những kinh điển của người xưa để lại; cùng với hai thị tì theo hầu. Không những thầy dạy học dẫn dắt công chúa vào rừng sách biển chữ, mà thầy còn giải luận thời cuộc: Nguyễn Huệ – anh hùng Tây Sơn – đã đem lại áo cơm cho người nghèo thuở ban đầu khởi nghiệp. Nguyễn Ánh giành lại giang sơn cho hoàng tộc, cho ngôi vị vua chúa và sự phục thù. Nguyễn Huệ dẹp nạn phân tranh Bắc Nam trăm năm của Trịnh Nguyễn, nhưng bào đệ Nguyễn Lữ lại không đủ tài trấn giữ phương Nam, nơi Nguyễn Ánh lánh nạn nuôi chí phục thù. Ánh cầu viện quân Xiêm. Nhân cơ hội đó, giặc Xiêm kéo vào nước Đại Việt, mưu toan chiếm cứ lâu dài. Chúng đi đến đâu cướp của giết người đến đó. Đến nỗi Nguyễn Ánh phải  ngửa mặt mà than: Quân Xiêm đi đến đâu tự do cướp giật, hãm hiếp phụ nữ, cướp bóc tài sản, giết bừa không tha già trẻ. Quân vô đạo!  Nguyễn Huệ đã phá tan cái mộng ăn cướp mà sĩ phu Bắc Hà gọi đó là lần đầu Nguyễn Ánh “Cõng rắn cắn gà nhà”. Năm vạn quân Xiêm cùng quân chúa Nguyễn cả thủy lẫn bộ thây phơi đầy đồng, xác ngập ở cửa  Rạch Gầm – Xoài Mút. Nguyễn Ánh trong lúc bí bách, thất bại liên miên đã chuyển hướng vào người Tây. Người đầu tiên Nguyễn Ánh tiếp xúc là Linh mục Bá Đa Lộc (Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine), giáo sĩ thừa sai người Phú Lãng Sa đi truyền giáo đạo Ki tô ở Đàng Trong, người  đã cứu Nguyễn Ánh ở miền Hà Tiên rồi đưa ra đảo Thổ Chu.  Để  báo thù cho dòng tộc, Nguyễn Ánh  cậy  Bá Đa Lộc xin  vua Phú Lãng Sa binh tài khí  giới để phục thù nhà Tây Sơn, đổi lại Ánh nhượng đảo Côn Lôn và thị tứ Hội An cho. Đấy là lần thứ hai, Nguyễn Ánh rước quân ngoại bang vào, chẳng khác gì Lê Chiêu Thống. Nguyễn Ánh đã thống nhất sơn hà, con đường trước đây Nguyễn Huệ đã phát quang nhưng chưa đi đến đích, Nguyễn Ánh lần hai  tội đồ, hơn bất cứ một  ông  vua, vị chúa nào  trong lịch sử nước Nam.  Nguyễn Ánh đã  hai lần vẩy vệt đen bán nước. Với thầy, cha ông của Nguyễn Ánh, tiên chúa Nguyễn Hoàng và tám đời chúa Nguyễn tiếp theo đã có công rất lớn trong việc mở mang bờ cõi nước Việt về phương Nam. Những gì Nguyễn Ánh có được đến hôm nay, nhờ phúc phần rất lớn của các tiền nhân họ Nguyễn, còn tương lai, sợ rằng phúc đấy không còn.
Hôm trước ngày diễn ra cuộc hành hình, công chúa được nghe tin mồ mả cha ông Nguyễn Huệ bị vua Gia Long quật lên để báo thù và sẽ hành hình khốc liệt với quân Tây Sơn bị bắt cùng các tướng lĩnh của Tây Sơn, Ngọc Bình hỏi thầy: -Sao người  nào lên ngôi cũng hay tìm cách trả thù? Thầy nói: -Vua chúa là thế!
Thị tì về bẩm báo không tìm thấy thầy dạy học ở đâu cả. Trên án thư của thầy để lại một mảnh giấy, công chúa Ngọc Bình đọc: “Công chúa xá tội!. Man rợ thay cuộc hành hình. Ta chưa từng thấy voi xé xác người ra từng mảnh, đến nhi nữ chưa lớn cũng bị voi giày, thân thể nát nhừ. Vua Gia Long tuyên sẽ truy diệt tận gốc những ai còn lưu luyến với triều Tây Sơn. Ta phải ra đi!”
Không còn thầy dạy, không còn nơi nương tựa khuyên bảo của thầy, lại sống trong chốn vương quyền, công chúa thấy mình cô độc đến tận cùng như người lạc chốn rừng sâu, không bóng người, chỉ toàn thú dữ. Ba ngày không cơm không cháo, chỉ nhấp từng ngụm yến mà ngự y mang đến. Những cơn đau trong bụng xuất hiện nhiều lần, cho đến khi ở cửa mình trào ra một cục máu, chưa rõ hình hài là cái bào thai đầu tiên chưa đầy hai tháng tuổi của công chúa với vua Gia Long.
Công chúa không hận đời. Đời là lớp người này trôi qua đến lớp người khác. Run rủi bất hạnh hay may mắn là những khúc ngoặt của số phận không định trước. Công chúa biết mình đã có tột đỉnh vinh hoa của người con gái và đau đớn của một người đàn bà yêu chồng mà phải sống chung với người khác. Công chúa muốn xuống tóc, ăn mày cửa Phật để quên đi những ngày tối tăm, buồn thảm. Mười ba mười bốn tuổi đã đi lấy chồng. Một cuộc nhân duyên với Quang Toản. Nhưng trái tim Quang Toản còn non nớt, không được như người cha là vua Quang Trung Nguyễn Huệ, để có một cành đào từ đất Bắc vào Nam làm cho công chúa Ngọc Hân dậy lên một mùa xuân ấm áp và yêu thương chồng vô hạn. Tiếc thay, Quang Toản chí anh hào, tài thao lược không sánh được với người cha. Lắm khi lại tỏ ra yếu mềm trong việc triều chính để cho những kẻ chuyên quyền lũng đoạn, nội bộ chia bè kéo cánh, dẫn đến đất nước sụp đổ là điều không thể tránh. Dẫu vậy trái tim Ngọc Bình vẫn dành trọn cho vị vua trẻ. Và Quang Toản ơi! Chàng đã phải nhận cái chết một cách thê thảm dưới bàn tay kẻ thắng cuộc.
Lần đầu gặp Ngọc Bình. Gia Long choáng ngợp trước  nhan sắc tuyệt vời, hương thơm tỏa ra từ công chúa Ngọc Bình,  tư chất cốt cách lá ngọc cành vàng đấy khiến  Gia Long quyết định chọn nàng làm phi, lúc ấy Ngọc Bình mười chín tuổi. Triều thần can ngăn không nên lấy vợ thừa của kẻ thù thì vua Gia Long nói: Cả giang sơn này ta lấy từ tay giặc, thì việc gì một người đẹp mà ta không lấy. Gia Long coi nàng như một chiến lợi phẩm vô giá. Sống với Gia Long, công chúa được ban thưởng mọi ân sủng vô song. Nhưng Ngọc Bình  vẫn chỉ là thân phận của kẻ nô lệ, tù binh. Vâng lời thì được sống, cưỡng lại thì lên đoạn đầu đài, Ngọc Bình không muốn chết. Những khi ân ái với vua, nàng thấy ê chề miễn cưỡng. Còn với Gia Long, đấy lại là những lúc được tận hưởng cảm giác trả thù  nhà Tây Sơn thêm lần nữa
Ngọc Bình xin gửi thân vào cửa Phật. Gia Long không chịu, lại phong cho nàng Đệ tam cung, cử thêm ba thị tỳ giỏi đàn ca hát xướng để làm vui. Với Gia Long, chinh chiến được đất mất đất là chuyện bình thường. Một người con gái hoàn mỹ  như Ngọc Bình khó kiếm hơn, nàng phải sinh cho vua những hoàng tử, công chúa ưu việt.
Tám năm sau, Ngọc Bình lần lượt sinh hạ cho vua Gia Long hai hoàng tử và hai công chúa. Tất cả hoàng nhi đều phải rời bầu vú mẹ từ khi lên hai, giao cho những bảo mẫu tốt nhất chăm lo. Một hôm tiếng loa vang khắp hang cùng ngõ hẻm chốn kinh thành: Nhà vua sẽ xử tội chém ngang lưng bọn gia thuộc của Sơn vừa mới bị bắt. Đó là năm cha con, có đứa con chưa đến mười tuổi. Ông là quyến thuộc dưới trướng của Thiếu Phó Trần Quang Diệu. Lúc Trần Quang Diệu đem binh ra Nghệ An để hợp quân với Đức vua Cảnh Thịnh, cha con ông không kịp theo, đã trốn lên núi, lẫn trong đám người thượng. Tám năm sau, tưởng yên ổn, lần về quê thì bị bọn quan sở tại bắt, nộp cho vua Nguyễn. Nghe chuyện, Ngọc Bình bàng hoàng: Người này  có lần đem tặng cho công chúa một đôi chim khổng tước khi nàng ở trong cung cùng  Quang Toản. Chuyện xử chết năm cha con người dưới trướng của Trần Quang Diệu đã làm cho công chúa Ngọc Bình nhớ lại cái bãi hành hình năm trước. Hồi ức cứ lớn dần, cố xua đi thì lại nhớ. Nhớ tiếng gào thê thảm của con gái  mới mười bốn tuổi của Bùi Thị Xuân: -Mẹ ơi! Cứu con với!. -Ngày ấy đã đau đớn lắm. Bây giờ đã có con, đã làm mẹ, nhớ lại nỗi đau ấy càng lớn hơn, như có bàn tay nào nắm lấy cuống tim công chúa mà bóp, mà vặn làm tức buốt lồng ngực, có khi không thở được. Nhiều đêm công chúa khóc. Nhiều đêm công chúa không ngủ được. Nhiều đêm mộng dữ đến với công chúa.  Nhiều đêm nàng thấy những vong hồn về gọi cửa. Đó là Quang Toản chồng nàng, là mẹ con Bùi Đô đốc: -Công chúa ơi! Xác chúng tôi bị phanh ra bốn phương trời, hồn của chúng tôi vật vờ đây đó, không được giải thoát, hồn chúng tôi vẫn bị những con voi ngày ngày giẫm đạp xé xác!. Nén nhang của công chúa khấn vái cũng không giúp được gì cho những vong hồn. Chợt công chúa nhớ những ngày còn ở với vua cha, cứ hàng năm vua lập đàn, mời các nhà sư tụng niệm, cho vong hồn thập loại chúng sinh được giải oan.
Từ đó, công chúa cho dựng một bàn thờ, mời nhà sư chùa Ấn Tôn ( Từ Đàm ngày nay) đến tụng kinh siêu độ giải oan cho các vong hồn.
Được hai hôm, giám quan chặn nhà sư lại, hỏi: -Nhà sư cầu nguyện cho ai vậy? Người tu hành không bao giờ nói khác đi việc mình làm: -Cho vua Cảnh Thịnh và bầy tôi. -Hắn tâu lên Hoàng đế Gia Long. Nhà vua không nói gì.
Năm ấy Ngọc Bình 27 tuổi.
Nhà vua cho mời một  giáo sĩ  vào. Vị này cùng trong đoàn truyền giáo của Linh mục Bá Đa Lộc. Năm 1799 Bá Đa Lộc chết. Ông được thay chân Bá Đa Lộc, người làm cầu nối giữa đời và đạo La Mã ở đất Việt. Giáo sĩ  thường được ở bên Đức Gia Long. Những cuộc nhượng đất, nhận binh khí của nước Pháp đều có mặt ông ta. Trên tàu chiến của quân Pháp cùng quân Nguyễn Ánh đánh vào q thành Phú Xuân giữa năm 1801, trận đánh quyết định sự sụp đổ của Triều Tây Sơn, ông ta có mặt. Đứng cạnh vua chứng kiến cuộc hành hình năm 1802, ông cũng bập bẹ tiếng Việt tung hô Hoàng đế vạn tuế với vẻ mặt hoan hỷ. Cứ định kỳ hàng tháng, ông  được phép đến vấn an Đệ nhất cung, đệ nhị cung. Hay khi một tàu từ Pháp sang kinh đô, linh mục đem những đồ trang trí như gương soi, các loại cốc pha lê tặng hai bà, hay những dây chuyền bằng ngọc trai đeo cây thánh giá. Hai bà thường than thở với ngài rằng nhà vua mê mẩn Ngọc Bình, mà không còn mặn nồng với hai bà. Có cách gì mà loại nó đi. Ngài không trả lời. Ngài đưa tay lên làm dấu thánh rồi thốt lên: -Amen! Xin chúa hãy tha thứ tội lỗi của chúng con!
Hai bà không nhập đạo. Nhưng khi ngài đến một xứ nào đó truyền đạo thì hai bà có thư gửi cho quan sở tại giúp đỡ.
Giáo sĩ là một nhà truyền giáo đạo Thiên chúa, đã đi nhiều nước ở Á châu. Ở Việt Nam ông là vị gieo được nhiều ơn của Chúa nhất. Khuôn mặt thông minh, chứa đựng nhiều tri thức của Thiên Chúa Giáo. Đôi mắt trong xanh sâu thẳm như có anh hào quang mê hoặc làm cho người đối thoại . Trong ánh mắt sâu thẳm với cái mũi hơi quặm ấy, không ai hiểu được ông  muốn gì. Công việc truyền giáo, mở mang nước Chúa thật gian nan hiểm nguy nhưng chưa bao giờ ông chịu thất bại, lùi bước. Ông là hiện thân của Chúa trời ở xứ này.
Tội chết cho công chúa Ngọc Bình! Nhưng Gia Long chưa muốn thế. Không muốn bốn đứa con không có mẹ. Đức Gia Long đã nghĩ đến cho Ngọc Bình vào chùa. Nhưng vào chùa thì sự giải oan siêu độ cho Tây Sơn càng lan rộng đến các nhà sư, đến các phật tử. Nhà vua không biết cách nào tốt nhất, nên vua cho mời Linh mục và hỏi ngài  nên làm gì để Ngọc Bình hết u uất tưởng nhớ đến triều Tây Sơn.  Giáo sĩ nói đạo của Chúa không thờ ông bà. Được xưng tội, chết là được lên thiên đàng, không vương vấn gì cõi âm hay trần gian. Nhập đạo là cách hay nhất cho công chúa. Vua Gia Long trầm ngâm một lúc rồi gật gật đầu nói: Thế cũng được!
Công chúa Ngọc Bình tiếp chuyện vị Giáo sĩ. Ông  rao giảng Chúa có Ba ngôi nhưng là nhất thể. Giê-su  là đấng được Chúa trời mặc khải, chịu đóng đinh trên thánh giá để chuộc tội lỗi cho con chiên. Vạn vật trong trời đất này đều do Chúa tạo nên. Chúa có mặt khắp mọi nơi. Giê-su  yêu thương tất thảy, coi ai cũng là con chiên. Con chiên chỉ biết có Chúa, cầu Chúa, thờ Chúa. Làm khác đi là tà đạo. Khi chết, không được lên thiên đàng, đời đời bị đày đọa dưới hỏa ngục. Đạo của ngài là đạo bác ái, luôn cứu giúp những người nghèo khổ. Công chúa Ngọc Bình nói: -Tôi biết những người truyền bá đạo của ngài đã giúp những người nghèo cùng cực vì mất mùa, vì thiên tai bão lụt rồi đưa họ vào đạo của ngài. Tôi cũng biết đạo của ngài còn đưa súng ống quân đội giúp Hoàng đế Gia Long đánh nhau với Triều Tây Sơn. – Đó là công việc bác ái giúp cho muôn dân  đánh bại triều ngụy không còn nạn binh đao chết chóc. Công chúa tiếp: -Triều Tây Sơn đối với tôi không phải là ngụy. Triều đánh đuổi giặc Xiêm và chôn vùi quân phương Bắc thì không gọi là ngụy. Giáo sĩ  ngắt lời công chúa: -Hoàng đế mà nghe được những lời như thế thì người nói ra không thể thoát chết. Công chúa nói: -Tôi biết. Nhiều người chỉ thắp cho dòng họ Tây Sơn một nén nhang cũng bị tội chết. Linh mục nói: -Tôi sẽ cứu công chúa. Công chúa hãy quỳ dưới cây thánh giá, xưng tội, nhận con chiên của đạo ta là sẽ thấy đường rửa  hết tội lỗi. Tâm hồn sẽ không còn ám ảnh về quá khứ. Công chúa nói: -Cảm ơn những lời rao giảng cứu giúp của ngài. Nhưng cha mẹ là người sinh ra mình, không thờ cúng tổ tiên cha mẹ là bất hiếu, là tội nặng nhất trong các tội. Đó mới là tà đạo, thưa ngài.
Không chịu thất bại, còn nuôi hy vọng, Linh mục lấy trong tấm áo thụng màu đen một sợi dây chuyền bằng vàng, đính những hạt kim cương lấp lánh trên chiếc thánh giá mà chúa Giê su bị đóng đinh tặng công chúa. Công chúa nói: -Đa tạ ngài! Ngài cho phép tôi không nhận.
***
Hờn ghen, thất bại, tận diệt đến thế thì phải thế!
Thị tỳ đem một bát thuốc cho công chúa Ngọc Bình. Thị tỳ vừa nói vừa khóc:
– Bát thuốc này là bát thuốc độc!.
Công chúa tái mặt sợ hãi. Nàng đã dự biết cái chết của mình từ khi cầu siêu cho những linh hồn Tây Sơn, từ mưu ngầm hờn ghen của đệ nhất, đệ nhị cung, từ lúc chối bỏ nhập đạo. Nhưng không ngờ nó đến nhanh thế! Công chúa lấy lại bình tĩnh nói:
– Ai đưa bát thuốc này cho em?
Thị tỳ đáp:
– Quan giám quản đội nữ tì. Hắn còn nói thêm phải ép cho công chúa uống. Nếu không, em phải uống. Công chúa ơi! Em sợ phải chết. Em còn cha mẹ già yếu.
Công chúa nói: Đó là số phận của ta. Ta không để ai chết thay cho ta. Trước khi uống, ta chỉ nhờ em đón hoàng tử Nguyễn Phúc Cự mới gần tuổi cho ta được sờ vào da thịt, được hôn lên đôi má của con lần cuối. Rồi công chúa chọn bộ y phục đẹp nhất mặc vào, điểm trang đôi chút, đợi con.
Gặp con, ôm con vào lòng âu yếm hôn lên má lên trán con, mắt công chúa ứa lệ, rồi trao con cho bảo mẫu, đón bát thuốc độc thị tỳ đưa đến. Công chúa Ngọc Bình vén rèm cửa sổ ngước nhìn trời xanh thăm thẳm vời vợi công chúa thốt lên:
– Ôi! Ta ước ao về cõi thanh bình, nơi không còn thấy nạn binh đao chết chóc và máu đổ. Nói xong Công chúa uống cạn một hơi hết bát thuốc độc, công chúa lên giường nằm bình thản như người đang ngủ.
Một làn gió nhẹ bay qua cửa, đưa linh hồn công chúa Ngọc Bình về nơi nàng hằng nguyện cầu.
TRẦN THÚC HÀ
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...