Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Dải yếm trong văn học - Tiểu luận của Đặng Tiến

Dải yếm trong văn học
Tiểu luận của Đặng Tiến

Thơ Tết, thơ Xuân thường là ước lệ. Nhưng qua những ước lệ chúng ta có được nhiều câu thơ hay, và hay về nhiều mặt: nghệ thuật, tâm cảm và phong tục. Trên ba kích thước ấy, có lẽ Nguyễn Bính là người lưu lại nhiều thơ Tết, thơ Xuân hay nhất, từ tâm sự tha hương đến hình ảnh mùa Xuân đất nước hay ngày Tết dân tộc:
Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đỏ khăn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô
(1937, Tâm Hồn Tôi)
Nhà phê bình Đặng Tiến ở Pháp
Bài dưới đây ghi lại hình ảnh dải yếm, trong y phục phụ nữ Việt Nam ngày xưa, sau này ít người dùng và nhớ đến. Yếm là mảnh áo lót, che phần ngực bụng, hình quạt, có hai cặp dây buộc phía sau cổ và eo lưng. Tấm yếm gắn bó mật thiết với thân xác và nhan sắc người đàn bà, vừa khêu gợi vừa gìn giữ, phô bày và che đậy. Dải yếm nằm trong biện chứng kín và hở, khoe và che. Khi đọc nhan đề một tiểu thuyết Khi Chiếc Yếm Rơi Xuống, người ta có ngay một thành kiến – và thành kiến sai, vì trong tác phẩm (1939) Trương Tửu chỉ tố cáo những bất công và tệ đoan xã hội đưa người con gái đến nghề buôn hương bán phấn.
Trong Kiều, đoạn Thúy Kiều khuyên Thúc Sinh về quê thú thật với Hoạn Thư mối tình cát lũy giữa hai người:
Dễ lòa yếm thắm trôn kim
Làm chi bưng mắt bắt chim khổ lòng
Hai câu đều mượn ý tục ngữ: cái yếm đỏ thắm dù lộ liễu có khi người đời không để ý, còn trôn kim, tuy nhỏ bé, nhưng cố ý bới tìm vẫn thấy. Trong Kiều câu này nghĩa rộng hơn: dễ gì giấu được dài lâu mọi chuyện dù lớn dù nhỏ. Cũng có thể hiểu yếm thắm trôn kim là hai hình ảnh đối lập Hoạn Thư với Thúy Kiều.
Trong thơ cổ điển, Hồ Xuân Hương tả dải yếm đào trong bức tranh thiếu nữ khêu gợi và thanh tú:
Lược trúc biếng cài trên mái tóc
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Đôi gò bồng đảo hương còn ngậm,
Một lạch đào nguyên suối chửa thông.
Ca dao có những lời tình tứ:
Ước gì sông hẹp bằng gang
Bắc cầu trải yếm cho chàng sang chơi
Người con gái táo bạo, lẳng lơ, nhưng vẫn dè dặt vì chỉ nói lời ngông nghênh dựa vào dự tưởng. Câu ca dao này còn một thoại khác. Khởi đầu là lời người con trai huê tình nhưng từ tốn:
Gần đây mà chẳng sang chơi
Để anh ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu
Người con gái bạo dạn, chanh chua hơn, trả lời ngay:
Mồng tơi chẳng bắc được cầu
Để em trải yếm bắc cầu anh sang
Câu đáp đằm thắm, sắc sảo, ý trách người con trai tán tỉnh vẩn vơ: là đàn ông, anh phải đến với em, chứ sao lại bắt em sang, mà lại còn trách cứ “chẳng sang chơi”. Vả lại tình cảm của anh chỉ mong manh như ngọn mồng tơi thì… yếu quá. Chúng ta cũng có thể mường tượng một cảnh đối đáp khác:
Đôi ta cách một con sông
Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang
Ước gì sông hẹp bằng gang
Bắc cầu trải yếm cho chàng sang chơi
Đến câu đối đáp này mới thần tình:
-Bông cúc vàng nở ra bông cúc tím (a)
Em lấy chồng rồi trả yếm lại anh (b)
-Bông cúc vàng nở ra bông cúc xanh (a’)
Yếm em em mặc, yếm gì anh anh đòi? (b’)
Chuyện tặng yếm, đòi yếm, trong thực tế, chỉ lả chuyện dự tưởng, làm nền cho lời hát huê tình thêm thi vị và sắc sảo. Chúng ta thử sống lại dự tưởng đó. Khi tặng yếm cho nhau thì quan hệ giữa hai người đã đến độ mật thiết lắm. Tặng nhau chiếc yếm là đã đi sâu vào đời nhau. Khi đòi yếm lại, chủ yếu người con trai không phải là thu lại một vật sở hữu – tình đã cho không lấy lại bao giờ – như lời thơ Xuân Diệu. Chàng chỉ nhắc lại “tình mới đã thành xưa” để trách cứ nàng thay lòng đổi dạ. Lời trách có cơ sở, ít nhất về mặt chủ quan người nói, nhưng gặp phản ứng tài tình và chính đáng của cô gái, về hai khía cạnh: cô gạt phăng, gạt thẳng thừng và đanh đá chuyện đòi yếm, bản thân nó nhảm nhí (b, b’). Về chữ thủy chung, câu đáp tuyệt vời vì nó khẳng định tự do người phụ nữ: Lấy ai và yêu ai là quyền của em. Thậm chí cỏ cây có khi thoát khỏi qui luật tất yếu (nécessité) đi vào cõi ngẫu nhiên (contingence) nói chi đến con người có lựa chọn. Bản chất nhân tính vốn tự do. Chàng trai trách, lời ẩn dụ văn hoa và chua chát:
Bông cúc vàng nở ra bông cúc tím (a)
Cô gái sử dụng lại ngay ẩn dụ ấy và quay ngược mũi kim:
Bông cúc vàng nở ra bông cúc xanh (a’)
Lời trách (a) có phần nào hiện thực: bông cúc có khi vàng, khi tím. Lời đáp ương ngạnh đanh đá, vì không làm gì có màu cúc xanh (a’). Mà bông cúc vàng dù có nở thành màu xanh, thì là quyền của bông cúc. Việc gì đến anh? Cũng như lấy ai, yêu ai là quyền của em. Câu thơ thật hay, đã giàu màu sắc, màu sắc lại đậm đà ý nghĩa. Lời ví von, nhưng giản dị, gây ngay ấn tượng sâu xa. Cảm giác đầu tiên là sự dí dỏm, pha chút lẳng lơ chung quanh hình ảnh chiếc yếm, nhưng sau đó, người nghe suy nghĩ xa hơn: từ câu chuyện đòi yếm có tính cách tượng trưng, đến chuyện chung thủy thủy chung vốn phức tạp – “lạc từ cái ý chung tình lạc đi” như lời Nguyễn Bính – đến quyền sống của người phụ nữ trong một xã hội khắt khe với người đàn bà, và cuối cùng là tự do, tình yêu, hạnh phúc và định mệnh con người nói chung – giữa một trần gian dạt dào hương sắc, nhưng phôi pha và bất trắc.
Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư
Sư về sư ốm tương tư
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu
Gắn bó với bộ ngực, phần nữ tính lộ liễu nhất, tấm yếm vừa che vừa khoe; trong y phục cổ truyền, yếm là trang sức nhiều màu sắc, cùng với dải thắt lưng.
Yến thắm bỏ bùa… Thật sự, biết đâu dải yếm, bản thân nó, chẳng đã là tấm bùa mê, vừa hộ mệnh, vừa đoạt mệnh.
Một thương tóc bỏ đuôi gà
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên
Ba thương má lúm đồng tiền
Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua
Năm thương cổ yếm đem bùa
Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng
Tấm bùa thì lấy gì làm đẹp? Sở dĩ mê tấm bùa vì mê cổ yếm. Và không có thứ bùa ngải nào mê hoặc con người hơn nhan sắc cô gái – điển hình là chiếc yếm, ngày xưa chắc phải rực rỡ lắm:
Dưới mặt nước chổi lòa yếm đỏ
Trên bầu trời rạng tỏ mây xanh
Từ ngày chia rẽ em anh
Nước trời còn đó, ai đành phụ nhau
Báo Kiến Thức Ngày Nay số Xuân năm ngoái (1994) có đoạn viết hay về tấm yếm: “Ở chừng mực nào đó, chiếc yếm thể hiện được bản sắc văn minh Việt Nam: kín đáo, đạo đức nhưng cũng rất gợi cảm. Đối với cô gái trẻ, chiếc yếm dùng để che bộ ngực thanh xuân bát ngát, làm giảm đi tính cách khiêu khích của phái tính nhưng đồng thời vẫn nói lên một thứ ngôn ngữ lãng mạn của niềm tự hào về phái tính. Đó là chiếc yếm được may với những màu sắc tươi đẹp: màu hồng của hoa đào, màu xanh lục của lá non, màu xanh phỉ thúy của ngọc, màu trắng của bình minh nhan sắc. Chiếc yếm ấy được mặc trong cái áo tứ thân và vào những dịp quan trọng, những ngày lễ hội Mùa Xuân chiếc yếm thắm tạo màu sắc tưng bừng trên khắp nẻo đường quê. Những ngày hội làng, những đêm hát chèo, hát bội; chiếc yếm thắm rộn ràng những cuộc gặp gỡ, xôn xao những xúc động tình yêu và long lanh những lời hò hẹn (Lam Điền, tr. 70).
Tác giả bài báo giàu rung cảm và tưởng tượng, đã dẫn chứng nhiều thơ.
Yếm thắm, yếm đào là dư vang những ngày hội thuở xưa, như ta còn thấy trong một bài thơ đúm, trong lối hát quan họ:
Sớm đi chơi hội
Tối về quay tơ
Dải yếm phất phơ
Miếng trầu, mồi thuốc
Miếng ăn, miếng buộc
Miếng gói đầu giường
Muốn tìm người thương
Tim đâu cho thấy
Những lời tình nồng nàn, thiết tha như vậy, trong văn chương xưa nay không phải là nhiều.
Dải yếm, cùng với y phục cổ truyền đã lùi dần vào dĩ vãng trước làn sóng văn minh phương Tây. Thời trang mới, y phục mới, cho đến tình đời cũng đổi thay. Trong Thơ Mới, hình ảnh chiếc yếm ít xuất hiện. Nguyễn Nhược Pháp có ghi lại, cũng chỉ để gìn giữ một kỷ niệm về dân tộc học, qua Ký Sự Một Cô Bé Ngày Xưa:
Khăn nhỏ, đuôi gà cao
Em đeo dải yếm đào
Quần lĩnh áo the mới
Tay cầm nón quai thao
(Ngày xưa, 1935)
Anh Thơ, trong thi phẩm, đã ghi lại nhiều hình ảnh nông thôn. Dù được thi vị hóa, phong cảnh của Anh Thơ vẫn giữ được nét bình dị của Bức Tranh Quê (1941):
Trong đồng lúa xanh rờn và ướt lặng
Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra
Làm giật mình một cô nàng yếm thắm
Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa
Những cô thôn nữ vùng Bắc Giang, khi cuốc đất, có mặc yếm thắm hay không, tôi không biết, có ruộng có hoa hay không, tôi không rõ. Nhưng cứ tưởng tượng dải yếm đào giữa hoa đồng cỏ nội, là đã thích. Cũng như cảnh chợ Tết, không biết có “tưng bừng” như trong thơ Đoàn Văn Cừ:
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ
Đoạn thơ nhắc lại hai loại yếm: dải yếm sặc sỡ trang sức của tuổi trẻ, và tấm yếm không màu – chắc là yếm sổi, nhuộm nâu hay đen, của người mẹ, thầm lặng, kín đáo. Ông Lam Điền, trong bài báo đã dẫn cũng có nhắc đến chiếc yếm này, phổ biến trong toàn quốc: “Tôi nhớ mãi hình ảnh bốn mươi năm về trước, dưới lũy tre của làng Bàn Thạch nằm cuối hạ lưu sông Thu (Quảng Nam). Mẹ tôi mặc chiếc quần vải tám đen, phía trên mặc chiếc yếm nâu lam lũ, đang khâu vả hoặc đang lặt rau, chẻ củi (…). Tôi và bao nhiêu người trạc tuổi tôi đã lớn lên từ những dòng sữa ngọt, tự nhiên phía sau những chiếc yếm “. Viết được một đoạn như vậy, Lam Điền là người có tình có nghĩa.
Tả Đám cưới ngày xuân, Đoàn Văn Cừ ghi lại hình ảnh tươi sáng:
Hai má thắm, ngây thơ nhìn trời biếc
Dăm bảy cô phủ mình trong những chiếc
Áo đồng lầm, yếm đỏ, thắt lưng xanh
Đồng lầm là một màu áo, màu đồng xám như có nhuộm bùn (lầm); tác giả sử dụng màu này là để giữ lại một màu sắc nông thôn, cũng như Nguyễn Bính ghi lại màu yếm đỏ khăn thâm trong Tâm hồn tôi.
Chân Quê trong thi tập đầu tay này, là một trong những bài thơ sớm nhất và nổi tiếng nhất của Nguyễn Bính mô tả buổi giao thời giữa hai nền văn minh cũ và mới, và niềm u hoài tuyệt vọng của nhà thơ trước cảnh vật đổi sao dời.
Nào đâu cái yếm lụa sồi
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen…
Rồi Nguyễn Bính xa xôi, mát mẻ:
Hoa chanh nở ở vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều
(1936) Tâm hồn tôi,
Tuyển Tập, bản Hà Nội và Hà Nam Ninh 1986)
Nhà thơ không cưỡng lại được một trào lưu văn minh đang ngày một ngày hai chiếm lĩnh cả toàn cầu, nhưng niềm u hoài đã tạo ra được những lời thơ đẹp nhất, cay đắng và nhẫn nhục như hương hoa chanh mong manh và bền bỉ, thầm lặng và thiết tha, dịu dàng mà quyến rũ trong thoáng ca dao:
Cây chanh lại nở hoa chanh
Để con bướm trắng bay quanh cả ngày
Mùi hương đơn giản, từ những loại cây vườn tầm thường, dung dị, nhưng chiếm mãi một không gian trong đời mình: hoa bưởi, hoa cau, hoa khế, hoa mù u. Có lẽ vì đời mình chỉ là một mảnh vườn quê, hoang sơ, khuya khoắt.
Thời kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Bính lưu lạc ở Nam Bộ, chiến đấu và sống lăn lóc khắp mọi miền. Sau này, thơ ông mang nhiều hình ảnh tổng hợp của đất nước, nhưng kỷ niệm cái yếm sồi của tuổi thơ vẫn ám ảnh:
Sông đỏ phù sa, nước lớn rồi
Nhà bè khói bếp lững lờ trôi
Đường mòn rộn bước chân về chợ
Vú sữa đầy căng mặt yếm sồi
(Chiều thu, 1957 (?))
Nguyễn Bính gắn bó với cái Tết dân tộc cho đến tận cùng số mệnh. Ông mất ngày 30 Tết (ngày giáp năm Ất Tỵ, 20 tháng Một 1966). Bài thơ quê hương ca ngợi đất nước từ Lạng Sơn đến Cà Mau:
Quê hương tôi có sầu riêng măng cụt
Lòng bưởi đào, lòng gấc đỏ như son
Có gạo tám xoan thổi nồi đồng điếu
Cam Xã Đoài ai bóc cũng thơm ngon
Quê hương tôi có những người con gái
“Một ngày hai bữa cơm đèn…”
Cách sông cái cũng bắc cầu dải yếm
Cho chàng sang đính ước chuyện nhân duyên
Bài thơ được ghi làm cho dịp Tết Bính Ngọ 1966 phải chăng là tác phẩm cuối cùng của Nguyễn Bính, làm cho một ngày Xuân mà ông không kịp hưởng:
Năm mới tháng Giêng mồng một Tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa Xuân
(Nhạc Xuân)*
Dải yếm thắm trong Thơ Mới, cuối cùng chỉ phảng phất âm hao xa vắng của những hương nhạt màu phai. Phải đợi đến Hoàng Cầm thì dải yếm, ngoài giá trị hoài niệm, mới đạt tới chức năng thẩm mỹ, và động lực tạo hình, diễn đạt và cấu trúc:
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hổng
Em đi trảy hội non sông
Cuồng mê ánh sánh muôn lòng xuân xanh
(1948)
Hình ảnh dải yếm, bắt đầu cũng chỉ ỉà một kỷ niệm, giữa rất nhiều kỷ niệm:
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa màu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu
Bây giờ đi đâu? về đâu?
Nhưng “yếm thắm” ở cuối bài thơ Bên Kia Sông Đuống là một hình ảnh tổng hợp toàn thể thanh sắc bài thơ. Giá trị gợi tình của dải yếm, ta đã thấy rồi, không cần nhắc. Chỉ nên lưu ý giá trị thẩm mỹ của từ yếm, làm bằng một câu đầu dài và khép, một nguyên âm đôi (yê) dài và rộng và một phụ âm cuối (m) môi, dài, Mỗi âm vị như vậy đều có giá trị gợi tình; nói đơn giản: trong những chữ yêu em, âu yếm, yên ấm, êm ái.. ta đều thấy phất phơ bóng dáng và âm vang chữ yếm (ngày nay vật dụng tương dượng với dải yếm được gọi là xú-cheng, hương đồng cỏ nội đã bay đi nhiều lắm). Câu thơ Hoàng Cầm Em mặc yếm thắm, mỗi từ đều có chữ m đọc thành em. Về từ vựng, tiếng Việt chỉ có hai chữ yếm: y phục phụ nữ, nới rộng ra thành hình tượng yếm cua, yếm rùa…; và chữ yếm trong nghĩa âu yếm. Nói thêm về nguyên âm đầu (voyelle initiale) thường tạo cho câu thơ cảm giác dịu dàng, mềm mại:
- Ái ân bờ cỏ ôm chân trúc
(Thế Lữ)
- Trời mưa ướt bụi ướt bờ
Ướt cây ướt lá ai ngờ ướt em
- Yêu anh thịt nát xương mòn
Yêu anh đến thác vẫn còn yêu anh
(Ca Dao)
Ngày xưa nhà thơ Đông Hồ có nhà xuất bản tên Yễm Yễm có lẽ vì hình ảnh về thính giác lẫn thị giác của từ ngữ.
Hoàng Cầm vừa mới xuất bản tập thơ Về Kinh Bắc bị dìm 35 năm nay. Chỉ trong tập thơ mới này thôi, chúng ta đã tìm thấy nhiều hình tượng đẹp về dải yếm, từ người mẹ:
Mùa chưa về
Tu hú gọi Em đi tìm Mẹ
dãy tre xa giấu biệt dải khăn điều
Khi gậy nắng ăn mày đã quăng sau núi
Hàng tre nhả yếm
trả mẹ về
lều dột đón mưa đêm
… Bao giờ Mẹ về
Buổi yếm đào phai vỗ hát ru
(Đợi Mùa)
Cho đến dải yếm “gợn xuân tình trên bộ ngực thanh tân” (Đinh Hùng) của những ngày hội:
Luồn tay ôm say
giấc bay lay đỉnh núi
Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành
(Thi Đánh Đu)
Gái Tam Sơn đờ đẫn môi trầu
Ngực yếm phập phồng bưởi ngọt
(Hội Vật)
Đến lúc nào đó trong sáng tạo, cái yếm mất tính chất hiện thực của nó, trở thành một hình tượng nghệ thuật có chức năng cấu tứ – như một số điển cố trong thơ xưa:
Chùa Phật Tích ruỗi trong màn lụa bạch
Chuông chiều cởi yếm
Chuồng sớm đội khăn
Trưa hè gãy rắc cành hoa đại
Mái hậu cung bồ các tha rơm
Liếu điếu vỗ hoa soan lả tả
Lụa sồng nén nghẹn búp thanh xuân
(Đêm Thủy)
Nhưng chức năng cấu trúc (fonction structurante) của hình ảnh dải yếm trong thơ Hoàng Cầm rõ nhất trong bài Hội yếm bay ở tập Lá Diêu Bông (1993). Giữa hàng chục đám hội hè trên quê hương Kinh Bắc. Hoàng Cầm tưởng tượng thêm “huyền sử”, một lễ hội các nàng hoa khôi phải… tung yếm:
Đã phanh yếm mỏng thì quăng hết
Những nếp xiêm hờ giả bộ ngây*
Vị trí ưu đãi của dải yếm trong thơ Hoàng Cầm là một biệt lệ, có thể là duy nhất trong thơ Việt Nam, vì bản thân thơ Hoàng Cầm đã mang sắc thái đặc biệt, một định mệnh lẻ loi. Ngày nay, trong thơ hiện đại – và đời sống – ta không còn thấy chiếc yếm, ngoài ký ức những nhà thơ cao tuổi như Đặng Đình Hưng (thân phụ nhạc sĩ Đặng Thái Sơn):
Bến lạ ngay gầm giường mưa to ngay ở gầm bàn và trong hòm mọi người chở một con tàu navir trọng tải những hình thù Hồng Hải, căng lên những cái yếm mùi nồng của đám cưới năm ngoái hong ra khoe và đã đi – những cột đèn đứng lại (Bến Lạ)
Ngày xưa Tế Hanh đã so sánh u cánh buồm giương to như mảnh hồn làng”, ngày nay những cơn gió xa lộng vào dải yếm. Trong tập thơ Bóng Chữ mới đây, Lê Đạt đã vài ba lần sử dụng hình ảnh dải yếm, có khi lấy lại ý ca dao:
Sếu gọi đò ngang nước đổ
Dải yếm đào gảy cầu
Những cái hôn gửi đi
Biền biệt phù sa
Đất hẹn má mùa nắng hạ
Vườn đồi
ai nhặt lá ô môi
(tr. 45)
Hơi thơ kín đáo, tân kỳ, có phần cầu kỳ vẫn phập phồng hơi thở trên cơ thể người đàn bà, vừa rạo rực vừa trống vắng, đang hiện thực bỗng biền biệt như một hẹn hò mới đó đã xa xăm.
Một câu thơ khác, được xem như là bí hiểm…
Mùa chẳng là xuân
Đất dậy men
Trời ghẹ lạnh
Yếm trúc nẩy măng đôi núm sừng bò
(tr. 60)
Hình ảnh đôi vú măng non căng đầy nhựa sống, mà có khi Lê Đạt tô đậm nét hơn: “cồn đất múp/ Sừng gái mười bảy ” – Tục ngữ có câu: gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu – Chữ yếm Việt Nam có lẽ do từ yểm chữ Hán nghĩa là che đậy. Thơ Trịnh Cốc thời Đường có câu: “Thúy yểm trùng môn yến tử nhàn”: màu xanh (cây cỏ) che kín mấy lớp cửa vào, chim yến bay thảnh thơi. Có thể Lê Đạt không biết câu thơ Trịnh Cốc, nhưng một số hình ảnh trong thi ca trở đi trở về qua nhiều thời đại. Hình ảnh mà độc giả Việt Nam ngày nay cho lập dị, có khi đã có từ thời xa xưa. Dù sao, cùng một ý thơ (che đậy) chữ “yếm trúc” của Lê Đạt tình tứ hơn chữ “thúy yểm” của Trịnh Cốc. Hoặc câu này nữa:
Lá nẩy chìa
chim yếm đỏ
nhạn thia lia
(tr 34)
Có lẽ “chim yếm đỏ” là do câu dân ca Pháp “Rouge gorge/ Rouge gorge”? mà Lê Đạt đã trích dẫn (tr. 34) như là động cơ của bài thơ Chim ức lửa:
Ôi con chim ức đỏ môi đòng
Thả đỏ đốt xứ đồng không anh nhớ
Một thoáng đào
nhen mấy độ hồng
(trang 34)
Khó mà nói rằng những ý thơ trên không có tương giao. Thậm chí, có khi là Đạt không dừng chữ yếm, người đọc vẫn thấy dải yếm trong bài Quan Họ (tr. 91):
Tóc trắng tầm xanh, qua cầu với gió
Đùi bãi ngô non /ngo ngó sông đầy
cây gạo già
lơi tình
lên hiệu đỏ
La lả cành
cởi thắm
để hoa bay
Ta thử làm một việc bạo tay: cởi thắm. Thay vào đó: cởi yếm. Hoa vẫn bay.
Hoặc thay vào: yếm thắm, Vẫn hoa bay.
Ở nước ngoài, hiếm khi chúng ta còn gặp kỷ niệm dải yếm, như trong câu văn mới đây của Mai Kim Ngọc, rất khiêu gợi:
Tuấn cởi khuy áo em, cởi dải yếm em. Em nghe Tuấn áp mặt vào ngực em, như trẻ sơ sinh áp mặt vào ngực mẹ tìm sữa. Mặt sông phẳng lặng mà em tưởng như con thuyền chao đảo, lửa như cháy trong ngực em (…). Như cùng một lúc, em đang làm vợ làm mẹ…”
(Báo Văn Học, California, số Xuân Ất Hợi 1995, tr. 121-122)
Hoặc trong thơ Trần Hồng Châu (bút danh của Nguyễn Khắc Hoạch, cựu khoa trưởng trường Văn Khoa, Sài Gòn), trong một thi tập xuất bản tại Mỹ, có câu:
Em là con gái mười thương
Yếm đào một dải mấy đường nhỏ thon
Thắt lưng hoa lý càng son
Bốn thân áo đẹp gạch non nhuộm màu
(Ước gì sông rộng một gang)
(Nửa Khuya Giấy Trắng, 1992 tr. 106)
Và cùng trong tập thơ ấy, ta lại được đọc:
Tôi lăn mình trên cỏ xanh non
Miệng ngậm nửa vành hoa tường vi
Ôi màu tím nhạt cyclamen của những quầng mắt bài thơ
Của áo ngủ Valisère rung rỉnh thủy triều trên mình em đại lục hoang vu…
(Giới hạn, s.đ.d. tr. 92)
Thơ, ý thơ và lời thơ cốt lõi ở tự do, xoáy sâu vào thời gian nhưng cũng trải rộng ra không gian. Đã đành là vậy, cuộc đời là vậy, nhưng chúng ta vẫn ái ngại cho tâm tình một Nguyễn Bính ngày xưa, khi cô gái “đi tỉnh về”:
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm. Em làm khổ tôi
Thị thành bôi nhọ em rồi
Nào đâu cái yếm mua hồi sang xuân
Mấy câu này là nguyên bản bài Chân Quê (1937) trong tập Tâm Hồn Tôi, do nhà Lê Cường in năm 1940. Những bản in sau này đã thay đổi lời và ý. Giấy trắng mực đen, ngày một ngày hai, còn thay đen đổi trắng, trách cứ chi cô gái quê chỉ mới ngấp nghé cài… khuy bấm.
Chuyện cái yếm là cuộc rong chơi dông dài ngày Tết, không nên lấy làm đề tài văn hóa, văn chương hệ trọng.
28/1/2022
Đặng Tiến
Nguồn: Văn hóa Nghệ An
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ngón tay chỉ trăng Văn học là quá trình tự học, nên trẻ thơ cần được chăm chút và trao gửi những bài học cuộc sống bằng cách giúp các em...