Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Viết lịch sử, trường hợp Đinh Phương

Viết lịch sử, trường hợp Đinh Phương

“Nắng Thổ Tang” (Tao Đàn & NXB Hội Nhà văn, 2021), mặc dù tác giả chỉ gọi nó là “tiểu thuyết”, chứ không dùng cụm từ “tiểu thuyết lịch sử”. Có thể đây là cách người viết cố tình đánh lạc hướng những người đọc ngây thơ chăng?
Cũng như địa danh Thổ Tang trong nhan đề tác phẩm thật ra có rất ít mối liên hệ với các sự kiện được nhà văn dựng lên sau đó, ngoại trừ việc cái làng ấy là nơi mà cô Giang – vợ của lãnh tụ Việt Nam quốc dân đảng Nguyễn Thái Học – đã tuẫn tiết sau khi chồng cô cùng 12 đồng chí bị thực dân Pháp chặt đầu ở Yên Bái ngày 17.6.1930.
Tính chất lịch sử của tiểu thuyết “Nắng Thổ Tang” nằm ở hai cái mốc thời gian quá khứ cứ trở đi trở lại, chụp xuống thời gian hiện tại, giằng níu bám riết lấy những nhân vật đang sống ngày hôm nay: Năm 1930 và năm 1954.
Trong sự hình dung quen thuộc được định hướng theo cách diễn giải lịch sử chính thống, năm 1930 là năm 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam được hợp nhất để hình thành một chính đảng, là Đảng cộng sản Việt Nam. Và năm 1954 là năm quân đội Việt Minh đánh bại quân đội viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến và giành quyền kiểm soát một nửa nước Việt Nam tính từ vĩ tuyến 17 trở ra. Nhưng, Đinh Phương không quan tâm tới “lịch sử ấy”. Anh quan tâm tới những “lịch sử khác”, cũng từ chính hai cái mốc thời gian đó: Năm 1930 là năm của khủng bố trắng, mà sự kiện bi thương đẫm máu nhất là sự kiện 13 lãnh tụ Việt Nam quốc dân đảng bị chém đầu ở Yên Bái. Và năm 1954 là năm diễn ra một cuộc di dân lớn chưa từng có trong lịch sử Việt Nam, theo chiều từ Bắc vào Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm đường phân giới. Quan tâm đến những “lịch sử khác” – tôi nhấn mạnh – những lịch sử ít được nói đến, chính là cảm hứng lớn nhất, bao trùm, trong cuốn tiểu thuyết “Nắng Thổ Tang” của Đinh Phương.
Nhà văn trẻ Đinh Phương.
Tuy nhiên Đinh Phương là một nhà văn chứ không phải một nhà nghiên cứu lịch sử, và anh đã viết tác phẩm tiểu thuyết lịch sử của mình theo cái cách xứng đáng nhất đối với một nhà văn: không diễn giải lịch sử – dù là minh họa hay phản biện, chất vấn, nghịch đảo; không “tái phát hiện” những gì đã từng xảy ra trong quá khứ; không bổ sung những dữ kiện sử liệu có thực mà chưa ai biết đến; không
đánh giá nhận định những sự kiện, những nhân vật lịch sử theo quan điểm này hay quan điểm kia. (Đến giờ này vẫn có rất nhiều nhà văn “viết lịch sử” theo lối ấy). Anh chỉ kể những câu chuyện của mình bằng cách neo bám, vờn quanh những lịch sử mà-ai-cũng-biết, để tạo cho tác phẩm một vi khí quyển văn hóa “giả lịch sử” đậm đặc.
Nói cách khác, Đinh Phương phát huy tận độ cái quyền năng riêng có của người viết văn, là hư cấu hoàn toàn. Mà hư cấu trong cuốn tiểu thuyết này là hư cấu dưới hình thức nhại – nhại, chứ không phải giễu –chính những lịch sử mà-ai-cũng-biết kia. Ví như, 13 người phu theo Tam dân chủ nghĩa mưu đồ làm loạn ở mỏ than Mạo Khê năm 1930, bị bắt, rồi bị chủ Tây chôn sống trong một hầm lò hoang, là một sự nhại cuộc chém đầu 13 lãnh tụ Việt Nam quốc dân đảng ở Yên Bái. Hay 2 nhân vật chị em bà Uyển – bà Nhu, những người tính mưu sát Nguyễn Thái Học để cứu đứa em trai út của mình, là một sự nhại cô Giang – cô Bắc, 2 nữ lưu anh hùng đã được ghi danh trong sử của Việt Nam quốc dân đảng.
Nếu không nhại thì cũng là sự lặp lại đầy chủ ý giữa các chi tiết, các nhân vật. (Alain Robb Grillet, ông trùm của Tiểu thuyết mới từng khẳng định, đại loại: cái sáng tạo ra mà chỉ dùng được một lần, không lặp lại, thì chẳng có ý nghĩa gì lắm). Cái ga xép và đường ray xe lửa mà nhân vật người em trai của Uyển và Nhu dừng chân khi ra tù năm 1930 chẳng hạn, rồi đây sẽ được lặp lại trong cuộc đời của Nguyễn Kiến Hòa, nhân vật xưng Tôi ở thì hiện tại: anh ta được nghe kể và bị ám ảnh đến mê muội câu chuyện một cô gái bị xe lửa kẹp chết, cái đầu bị mất tích ngay lập tức và không bao giờ người ta tìm thấy nó nữa. Vợ của nhân vật xưng Tôi này cũng là sự lặp lại định mệnh cái nhân vị người cô ruột của mình: 2 người trùng tên nhau, Nguyễn Thị Hằng, chỉ khác rằng Hằng cháu là một nữ phóng viên, đã có chồng, còn Hằng cô thì mất tích trong chuyến “di cư theo Chúa” vào Nam năm 1954…
“Nắng Thổ Tang” (NXB Hội Nhà văn, 2021) là cuốn 
tiểu thuyết mang đậm dấu ấn văn phong cá nhân 
của nhà văn trẻ Đinh Phương.
Mới chỉ điểm sơ sơ như vậy đã thấy “Nắng Thổ Tang” của Đinh Phương là một cố tình đan cài rất phức tạp về thời gian và mối quan hệ giữa các nhân vật tiểu thuyết. Thời gian quá khứ – từ năm 1930 đến năm 1954 – và thời gian hiện tại dường như không hề chia tách, chúng luôn bị hút về và vào nhau theo những cách quỷ quyệt nào đấy. Các nhân vật cũng vậy, dù người xưa hay người nay, đều được nối với nhau bằng vô vàn liên hệ kỳ quặc và không nhân vật nào bị bật ra ngoài.
Lấy một ví dụ, nhân vật xưng Tôi đã nhắc ở trên, trên chuyến xe từ Hà Nội về Mạo Khê bắt quen với ả phụ xe có “mớ tóc trắng xác xơ”, “cái áo phông màu cam rộng thùng thình”, “quần lửng xanh nõn chuối”, và trên tay phải có “hình xăm con ngựa một sừng có cánh màu đen”. Hai người uống bia hơi, tán gẫu với nhau, xong chia tay, ai đi đường nấy, hết chuyện. Thế nhưng nhân vật xưng Tôi ấy, như sau này anh ta tự thuật, lại có ông nội và một người em song sinh của ông, là hai người đã tố giác mưu đồ làm loạn của 13 người phu ở mỏ Mạo Khê năm 1930. Rồi đến khi nhân vật người em trai của bà Uyển, bà Nhu cất tiếng kể – xưng Tôi, dĩ nhiên – thì người đọc mới biết rằng, chính người này đã dắt mũi xúi bẩy hai kẻ phản bội nọ. Còn ả phụ xe, sau khi chia tay nhân vật xưng Tôi, về nhà, không thấy người cha mà ả căm ghét đâu, nhưng lại vô tình tìm thấy hai cuốn sổ bìa da màu xanh mà ở đó, người viết đã kể lại tất thảy những gì hắn tự thân chứng kiến và trải nghiệm về cuộc di cư vào Nam năm 1954, trong ấy có nhắc tới cô Maria Nguyễn Thị Hằng, chính là bà cô vợ của nhân vật xưng Tôi ở thì hiện tại, Nguyễn Kiến Hòa.
Riêng về hai cuốn sổ bìa da màu xanh này, có thể khẳng định, chính là một kiểu “siêu hư cấu” của Đinh Phương, như nhà nghiên cứu Patricia Waugh từng chỉ ra trong công trình “Siêu hư cấu” của bà (Phạm Tấn Xuân Cao dịch). Siêu hư cấu là để nhà văn kể một câu chuyện khác trong lòng tiểu thuyết, và hơn thế, theo tôi, để nói về một “lịch sử khác”. Sáng tạo độc đáo của Đinh Phương ở phần này là anh đã dựng lên một cái nhà thờ gần sát Hải Phòng, nơi mà người di cư từ tứ xứ tạm trú để chờ đến lúc xuống tàu há mồm vượt biển vào Nam.
Trong nhà thờ ấy có A, kẻ đóng giả linh mục, cũng chính là kẻ đã viết trong cuốn sổ bìa da màu xanh mà ả phụ xe tìm thấy. A vừa xưng Bố (với ả phụ xe) và vừa xưng Tôi (với người đọc). A, công tử con nhà buôn bán giàu có ở phố cũ Hà Nội, kẻ vẫn hằng muốn “men theo các đường biên, đi giữa lằn ranh của các cuộc di chuyển lớn”, chỉ để hiểu nó. Trong vai linh mục, A được người ta đến để xưng tội. A đã nghe và đã chép lại sự lộn trái của tất tật cái gọi là tính người trong cơn ly loạn tơi bời này: Trộm cắp, lừa đảo, cướp giật, bất hiếu, hiếp dâm, hủ hóa, giết người. Bất cứ ai cũng không đáng tin. Bất kỳ một kẻ nào cũng phạm cái ác. Cả một thế giới của sự ác đã bị phanh phui, kinh tởm.
Và nhìn theo chiều ấy thì “lịch sử khác” của cái mốc 1954 trong tiểu thuyết “Nắng Thổ Tang” chính là điểm khởi đầu cho một trạng thái hỗn loạn và sự vỡ tung mọi trật tự xã hội, mọi quy phạm đạo đức thường hằng. Nói chung, ta quen nghe cụm từ “nỗi đau chia cắt” nhưng lại ít chú ý đến “nỗi lòng người đi”.
Cần phải trở lại với năm 1930, vì đây là mốc thời gian mà tác giả cuốn tiểu thuyết đã dành cho nó nhiều dung lượng tự sự hơn cả. “Lịch sử khác” từ cái mốc thời gian này là thứ lịch sử có thể gói trong hai từ khóa: “Phản bội” và “giết người”. Tất cả các nhân vật có liên quan ở đây, nếu không phản bội thì cũng giết người. Bà Uyển bà Nhu phản bội Quốc dân đảng để cứu em trai mình, và bị trừng phạt. Kẻ nổ súng thực hiện lệnh trừng phạt tất nhiên trung thành, nhưng lại là kẻ phản bội tình yêu, vì đó là ý trung nhân của bà Uyển. Ông nội của Nguyễn Kiến Hòa – nhân vật xưng Tôi ở thì hiện tại – và người em song sinh, là hai kẻ phản bội những người phu theo Tam dân chủ nghĩa ở mỏ than Mạo Khê. Nhưng đến lượt mình, họ lại chịu sự phản bội của phản bội từ người em trai của bà Uyển bà Nhu, kẻ đã dạy cho họ biết đọc biết viết khi cùng làm phu mỏ (một kiểu nhân vật khoác áo trí thức đáng tởm mà Nguyễn Huy Thiệp từng có lần đề cập). Đi ngay sau phản bội là giết người/ người bị giết, như một hệ quả: 13 người phu mỏ đã bị chôn sống trong một hầm lò bỏ hoang. Bà Uyển nhận một phát đạn vào ngực chết ngay, bà Nhu bị thương ở chân. Còn Lân, kẻ nổ súng, thì sau đó “tự sát hay bị giết bịt đầu mối” không rõ, chết thiêu trong đám cháy nhà, bị mấy con chó ghẻ lở “sủa inh ỏi giành nhau khúc xương chân”.
Thế nhưng, tất cả đều không là gì hết so với một kiểu giết người mà Đinh Phương đã dành đến gần 13 trang mở đầu cuốn tiểu thuyết để kể: Chương “Vài lời về nghề đao phủ”. Chương này là tự thuật – nên người kể xưng Tôi – của một đao phủ có biệt danh Long “xách tai”, nghĩa là xách hai tai cái thủ cấp khi nó đã rụng xuống, giơ lên cho mọi người có mặt ở pháp trường cùng chiêm ngưỡng. Long kể về nghề đao phủ mà hắn đã học được từ sư phụ của mình – đao phủ già tên Cai Công, có biệt danh “ông Hà Nội” hoặc “ông Chọc Tiết” –kẻ đã lấy đi tổng cộng hai trăm lẻ bốn thủ cấp trong đời, trong đó có mười bảy cái đầu Việt Nam quốc dân đảng ở Yên Bái năm 1930, một sự vinh thăng tột hạng của cái nghề ghê gớm này. Long kể, lúc hắn đã là một hồn ma, “bị bắn chết giữa sông Bến Hải, khi đạn cả hai bên bờ cùng nổ ran”. Hồn ma Long “xách tai” ngậm ngùi tiếc nuối: “Chết khi vẫn chưa đi vào lịch sử đao phủ trên đất Việt này”. Ở đây không có vấn đề của đạo đức luân lý: Đao phủ chỉ là kẻ thừa hành lệnh chém đầu tử tù từ trên ban xuống, “một công cụ bất tự giác của lịch sử”, như chữ K. Marx từng dùng. Nhưng chính vì vậy mà cái phương diện lạnh lùng và mù quáng của lịch sử đã hiện ra, đầy trần trụi.
Nhìn ở giác độ cái viết, “Nắng Thổ Tang” là tiểu thuyết có những tiếp nối nhất định với “Nhụy khúc”, cuốn tiểu thuyết đầu tay trước đó của Đinh Phương. Nhất là ở những khoảng trống cố ý, những bỏ ngỏ gây nghi hoặc. Rất nhiều nhân vật trong “Nắng Thổ Tang” cứ đột nhiên hoặc từ từ biến mất và tác giả thì không hề tiết lộ gì về số phận cuộc đời của họ.
Con trai của đao phủ “ông Chọc Tiết”, tức người yêu của cô Maria Nguyễn Thị Hằng, đã biến mất như thế. Cô phóng viên Nguyễn Thị Hằng, cháu của cô Maria Nguyễn Thị Hằng bị cắt mất đầu năm 1954, cũng biến mất như thế. Hai anh em ông nội của Nguyễn Kiến Hòa, nhân vật xưng Tôi ở thì hiện tại, cũng biến mất như thế. A, linh mục giả của đám người chờ di cư vào Nam trong “ba trăm ngày Hải Phòng”, kẻ đã viết trong cuốn sổ bìa da màu xanh, cũng biến mất như thế. Và người em trai của bà Uyển bà Nhu, kẻ chơi trò phản bội của phản bội ở mỏ than Mạo Khê năm 1930, cũng đã biến mất như thế.
Nhưng “Nắng Thổ Tang” vẫn là một sự vượt lên khi so với “Nhụy khúc”. Ở phương diện tạo sinh những biểu tượng ám ảnh xuyên suốt: Con ngựa trắng với tiếng cỗ xe lọc cọc là một ví dụ. Nắng là một ví dụ khác, thậm chí còn đậm hơn thế. Nắng trong “Nắng Thổ Tang” xuất hiện ở mọi không gian, chứng kiến mọi sự kiện, trùm lên mọi biến cố, tác động đến cảm nhận của mọi nhân vật. Một thứ nắng có hồn vía, quái gở, điên loạn, vằng vật, giằng xé, đau đớn, bứt rứt, một thứ nắng không bao giờ chịu để cho người ta yên. Nhưng cái vượt thấy rõ và đáng kể nhất, là một cấu trúc tiểu thuyết chằng chịt, và đằng sau nó, là một tư duy tiểu thuyết bề bộn phức tạp và một cảm quan lịch sử rất khác lạ. Với tôi, bằng tiểu thuyết “Nắng Thổ Tang”, nhà văn (trẻ) Đinh Phương ít nhất đã làm được một việc: nhấn sâu hơn nữa niềm tin xác quyết rằng tiểu thuyết lịch sử không phải là kể chuyện lịch sử, rằng sự thật lịch sử hay không sự thật lịch sử ở đây chẳng có ý nghĩa gì lớn. Vì tiểu thuyết lịch sử, tạm mượn cách nói của nhà mỹ học người Anh Ch. Caudwell, cần phải là một ảo ảnh về lịch sử.
28/1/2022
Hoài Nam
Nguồn: Báo Người đưa tin
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir

Bản năng - Truyện ngắn của Mrozek Slawomir Sau khi bị bội tình tôi tậu một con chó. Tôi muốn nó phải là bạn chung thủy của tôi. Để được vậ...