Hoàng Yên Dy - Tôi tìm tôi
"Rừng bói, trường giang"
Bước vào cõi thơ Hoàng Yên Dy, có lẽ bắt đầu từ quan niệm nghệ
thuật riêng có của chàng. Nghệ thuật ấy, chàng xây dựng bằng nền tảng suy tư trải
nghiệm cuộc đời lưu lạc gian truân và sử dụng thứ ngôn ngữ rặt Quảng Nam quê
nhà. Thi nhân họ Hoàng – bằng hữu thường gọi là Ông Hoàng – đến với thơ một
cách tự nhiên, dung dị, hiền hòa và chân thành.
Điều đó, biểu hiện rõ trong cách ví von hoạt động sáng tạo
nghệ thuật. Chuyện chữ nghĩa không là trò đùa và càng không đơn thuần cuộc tiếu
ngạo. Nói đến thơ và sáng tạo nghệ thuật nói chung là cuộc du hí – thì, cuộc du
hý ấy chính là “du” vào “hý trường”... Nói kiểu bình dân – đúng
với lời lẽ Hoàng Yên Dy -, làm thơ chẳng khác gì làm “bò cày ruộng”. Nhiều năm
cày xới trên cánh đồng chữ nghĩa, chẳng biết người thơ họ Hoàng “đổ mồ hôi xót
con mắt” đã gieo trồng vun bón được bao cây đời trổ hoa đầy hương sắc giữa vườn
thơ!
“Thơ vất vả như bò cày ruộng trũng
Chữ nghĩa bi thương lún bãi trâu đầm
Để ra hoa trong mưa dầm nắng nỏ
Xé thịt xương cho lá nở chồi đâm” (tr.58)
Banh da xé thịt “sáng tạo” từng con chữ kết thành lời – lời
thơ – . Để rồi, nay – chốn biên thùy Hà Tiên – chàng thi nhân họ Hoàng thương
nhớ da diết quê nhà “Rừng bói Trường giang” và chàng, gửi lời thơ thổn thức từ
trái tim người con Gò Nổi (Điện Bàn), đất “Ngủ phụng tề phi” … đến bạn đọc như
chút tình lưu dấu cõi người!
Nhà thơ Hoàng Yên Dy
1. “Để nghe thân thể nứt mầm chân quê”
Như anh Tề Thiên cân đẩu chẳng rời tay Phật Đà, như anh Phạm
Nhĩ thông thiên chẳng thoát nổi túi càn khôn; dầu gì đi nữa, con người vẫn chẳng
thể thoát khỏi cái sự “tôi” trên đời. Nói theo luận điệu những triết gia trứ
danh thành Ba Lê, ấy là cuộc lưu đày biến hiện thể thành hữu thể. Nhưng không
thể lấy đó làm căn dò xét tâm hồn Hoàng Yên Dy. Bởi nỗi lòng quê kiêng quá đỗi,
bởi tâm tánh quê mùa quá sá. Ngay từ đầu, người thơ đã thú nhận. Sự thú nhận
hình bóng quê hương hun đúc làm thành tâm, tính và mệnh của người. Theo ngõ đường
ấy, bạn lòng cũng có thể tìm thấy “chân thân” thơ ca Hoàng Yên Dy.
“Thơ đối với tôi là tiếng lòng thốt lên từ nơi chôn nhau cắt
rốn, từ tiếng Mẹ ru đầu đời và tên tục mẹ cho, từ cái nhìn lúng liếng của ai đó
bên kia hàng rào … Từ đó nó dai dẳng đeo suốt, làm khổ lẫn thăng hoa theo từng
cung bậc đời sống … Tôi là dân gốc rạ Quảng Nam rặt! Dòng sông Thu Bồn, Gò Nổi,
cầu Kỳ Lam, cồn cát vàng ươm, rừng Bói, bãi dâu xanh mướt đôi bờ Trường Giang,
nơi đã sinh ra Cụ Nghè Phạm Liệu, một trong “ngũ phụng tề phi” đất Quảng. Nơi
đó cũng đã nơi tôi khôn lớn với giấc mộng chữ nghĩa đầy ắp trong tuổi thơ mình”
(tr.5).
Từ mảnh đất quê hương, người thơ dệt mộng tiếu ngạo hồ hải,
rong ruổi khắp chốn đường đời. Mộng sông hồ bộc lộ thẳng thắn, rõ nét từ phong
cách lối sống đến cả từng con chữ trong đời thơ của họ Hoàng. Có gì lạ
đâu, bởi đó là cá tính mà Dy đã bộc lộ từ buổi chơi “đuổi bắt, kiếm tìm, u mọi,
tắm sông từng chiều rê rát nắng”. Từ buổi ấu thờ, Hoàng Yên Dy vẫn giữ tánh sảng
khoái, phóng khoáng. Tâm hồn rộng rãi của “hiệp khách” du hành trên khắp nẻo
sông suối cuộc đời! Có lẽ người thơ còn đậu thuyền miền giang hạ, chờ đợi một vận
hội vĩnh cửu ngàn đời với tâm thế khẳng khái hết biết.
“Qua sông bỏ lại cả bè
Lòng thanh thản chẳng bóng ghe dáng thuyền …
Mây sơn du sóng ngả nghiêng
Cũng mờ nhân ảnh xóa thuyền lẫn ghe!” (tr.8)
Chuyến đi ấy là chuyến đi tuyệt mù. Người thơ nhìn thấy bằng
đối mắt thời gian. Nói vậy, tức là nhìn kiểu phi thời. Cái nhìn vượt lên/phủi bỏ/xóa
nhòa thời gian. Bởi vậy mới nhận ra nhân ảnh mịt mù. Liệu bạn đọc có liên tưởng
đến đôi câu thơ của Hàn thuở nào. “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình
ai có đậm đà”. Với Hoàng Yên Dy, nhân ảnh chỉ là lời truy quyết. Nhưng truy chỉ
để truy, dường như người thơ không cầu vọng một đáp án sáng rõ nào! Phải chăng
người thơ hiểu rằng vốn dĩ không thể xác quyết được. Đời bất khả, bởi “tôi” bất
khả. Vốn dĩ chẳng bóng ghe bóng thuyền, ảnh hình tôi còn mịt mờ, nói gì nhân ảnh,
nói chi cuộc đời. Chỉ duy nhất bóng hình quê hương sáng rõ thiết thân!
Đời người cơ hồ là chuyến tàu vĩnh cửu. Con tàu không khứ hồi.
Người thơ cô độc, lẻ loi. Trên chuyến tàu thời gian, tâm hồn ngập trong sương
loãng. Thời gian được hình tượng hóa thành ra màn sương mờ khuất cuộc đời. Ngồi
trên tàu du hành, thi nhân cảm nhận những ảnh hình người xưa bóng cũ lần lượt
chìm khuất tụt lại sau lưng, để cho cuộc đời mải miết lao về phía trước. Cảm thức
về sự tan biến của đời sống. Những gì tuột mất, vuột khỏi tầm tay không thể quy
hồi.
“Lên tàu, không vé khứ hồi
Ghế chưa ấm chỗ, tôi ngồi mình ên
Mênh man rừng chạy hai bên
Người trong sương loãng đã quên khứ hồi!” (tr.17)
Nhưng đi chẳng phải trở về sau! Nếu biết rằng đi cũng là về,
về tức là đi thì, nhà thơ chẳng còn bận tâm về chuyến tàu ấy nữa. Ra đi hay trở
về, miễn người thơ còn giữ được gốc rạ chân quê!
Từ tình quê, Hoàng Yên Dy đi vào tình đời, tình người. Bóng
hình em – người con gái phiếm định nào đó – phải chăng là biểu tượng của đời sống
tràn đầy tình yêu. Hoàng Yên Dy ký thác vào đó niềm thương mến đời sống. Và thi
ca, nhà thơ chuyển tải tình thương mến ấy vào chữ nghĩa. Nhà thơ và em (đời sống)
sánh bước cạnh nhau, giao gửi tình ái, luyến lưu tình thương, dàn trải tình
chung suốt kiếp muôn đời. Tình vô biên bất diệt – liệu bạn đọc có liên tưởng đến
đôi câu thơ của Thái Tú Hạp.
“Em điểm vào tim tôi
Một nốt son đã thẫm
Em đi qua mất rồi
Bước tôi giờ lẫm đẫm” (tr.22)
Và
“mùa đi lá nhớ
cây ngàn
tình em như ngọn nắng vàng
cuối sân
đời buồn
một thoáng phù vân
từ trong thiên cổ
u trầm có nhau
nhớ thương
tóc biếc mây sầu
rừng hoang nhớ gió
bên đồi lau xanh”
(bên đồi lau xanh – Thái Tú Hạp)
Nếu Xuân Diệu xem mình như cây kim bé nhỏ, mà đời sống chung
quanh như muôn đá nam châm; Hoàng Yên Dy xem mình như cõi nhớ. Bất cứ bóng hình
nào đều để lại trong hồn thơ chàng những dấu ấn sâu sắc. Chỉ cần đó là bóng
hình từ nòi tình mang tới. Nòi tình và dấu tích như biểu hiện cá tính tâm hồn
quen yêu thương và sống nặng về phía yêu thương trong đời sống lẫn đời thơ của
Hoàng Yên Dy.
“Vẫn khoe một nắng hai sương
Cánh đài vẫn rực khu vườn thanh tân
Xa thăm thẳm lại rất gần
Mùi trinh thoảng trói bâng khuâng – nòi tình” (tr.113)
Hay.
“Em đi. Gió còn hát mãi
Một chiều. Vạn chiều hương
Đêm sâu, trăng vàng một dải
Bạc màu vương vương” (tr.25)
Bài thơ Dấu tích của Hoàng Yên Dy là một trong số
những bài thơ hay. Đâu đó trong lối ngắt câu, nhịp thơ và cách nhà thơ sử dụng
hình ảnh, việc tổ chức và sắp xếp hình ảnh thơ trên dòng thơ, liệu bạn đọc có
nhận ra sự kín đáo tế nhị như bài thơ Haiku. Cái đẹp buồn, thoáng qua, hay mỹ cảm
về sự mong manh chóng nở chóng tàn của những gì đẹp đẽ lạc phước ở đời, để sau
cùng còn lại dấu tích. Đời sống còn hay mất, có lẽ chỉ còn xét ở những dấu tích
hình hài quá vãng còn đọng lại. Dấu tích là xác chết của thời gian, của ngày
cũ, bạn cũ, tình cũ. Rong ruổi muôn nẻo, rốt cuộc hồn thơ lấm lem những vết
tích “mờ nhân ảnh”. Người để lại dấu tích, còn thơ của Hoàng Yên Dy là trầm
tích.
“Chỉ là trầm tích lặng im
Gió qua năm tháng đã chìm? Lãng quên
Tượng lưng sườn núi ba bên
Ngàn thu thổi mãi – tuổi tên cũng mờ” (tr.128)
Dấu tích sâu đâm nhất, có lẽ chính là quê hương. Lòng quê réo
gọi, cõi thơ và hồn thơ Hoàng Yên Dy mang dấu ấn đậm nét của quê hương. Lẽ nào
người quê lại chẳng mang quê trong lòng. Và, Hoàng Yên Dy mang theo bóng hình quê
hương trên mọi nẻo đường. Nơi nào cũng là quê hương, bởi nhà thơ mang quê hương
trên mọi nẻo đường. Nẻo đường, nẻo đời, tất cả đều dẫn về Rừng Bói, Trường
Giang. Bến quê trong trong thơ Hoàng Yên Dy chính là những địa danh, bóng hình
quê nhà: Hội An, Gò Nổi, Phú Bông, sông Thu, Vu Gia, … Dù ở phương trời nào,
nhà thơ đều nhận ra dáng dấp quê hương. Thậm chí có thể xem quê hương là điểm tựa
cho nhà thơ phóng tầm mắt nhìn thế giới chung quanh.
“Hội An, Gò Nổi, Phú Bông
Trôi trong nỗi nhớ bềnh bồng sông Thu
Lấp ló sau màn sương mù
Tiếng ve nức nở. Tiếng cu trưa hè” (tr.36)
Tiếng cu buổi trưa hè dường như vang vọng đong đầy từ tâm hồn
ca dao, chảy từ đọt tre già nắng trưa hằn vào ký ức tâm hồn. Chẳng riêng Hoàng
Yên Dy, dường như tâm hồn sâu nặng nhớ quê không ít lần nghe thấy tiếng cu kêu
trên mỗi chặng đường phiêu bạt mưu sinh và định danh trên cuộc thế.
Do đó, trong dáng dấp kẻ lãng tử phiêu bồng, Hoàng Yên Dy
không ngại ngùng giấu giếm căn cốt người nhà quê, cậu mục đồng đầy ắp ký ức ruộng.
Và, ở đó, tiếng cu như chìa khóa ký ức, mở ra miền tâm tưởng, hoài niệm miền đất
cũ, chốn xa xăm mịt mờ nào đó trong tiềm thức. Tưởng như xa xôi, lại rất gần
gũi.
“Nằm nghe tiếng quẫy rô đồng
Ruộng đang con gái trổ bông đầu mùa
Ta con nít, lũ rạm đùa
Lưng trâu đá dế, đồi mua tím chiều” (tr.37)
Và,
“Trưa, lữ khách ngủ xa nhà
Tiếng cu cố xứ len qua sóng tình
Nhấp nhô gợn gió u minh
Cu đất gọi, khách giật mình: Cu ơi!” (tr.33)
Chỉ một tiếng cu kêu, nhà thơ đã tự đưa mình vào miền thương
nhớ. Nỗi giật mình thương tưởng, chỉ những khách lữ thứ xa nhà mới cảm thấu.
Đương khi giật mình tỉnh thức, hẳn lữ khách nhận ra cố hương nửa đà biến đổi nửa
còn vẹn nguyên. Nguyên vẹn chăng, chắc chỉ còn trong lòng của lữ khách mà thôi!
Đúng hơn, khách lữ thứ cô độc. Âm hưởng vọng cố hương của Đường thi cũng như
thơ ca Đông Á, biểu hiện qua hình tượng lữ khách nhớ quê. Hoàng Yên Dy khiến độc
giả man mác trôi theo dòng chảy thi cảm. Từ thi hứng, thi liệu, tới thi cảm, đằm
thắm trong nỗi nhớ khôn nguôi về quê cũ. Nhà thơ đã hòa mình vào cảm thức chung
của nhiều người. Bởi, ai mà chẳng một lần chạnh lòng nhớ quê.
“Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa,
Cận lai nhân sự bán tiêu ma.
Duy hữu môn tiền Kính hồ thuỷ,
Xuân phong bất cải cựu thời ba”
(Hồi hương ngẫu thư kỳ 2 – Hạ Tri Chương)
“Quê nhà xa cách đã bao thu,
Nhân sự gần đây đã xác xơ.
Riêng có Kính hồ bày trước cửa,
Gió Xuân không đổi sóng thời xưa” (Trần Trọng Kim dịch thơ)
Và với Hoàng Yên Dy:
“Nhà quê thấm đẫm thịt da
Máu cùng xương tủy trong ta cuộn trào
Tháng, năm – từ thấp lên cao
Chân bùn tay đẫm trượt, nhào ruộng sâu” (tr.142)
Có vẻ như Hoàng Yên Dy rất nhạy cảm với âm thanh. Nhiều bài
thơ trong tập thơ Rừng Bói Trường Giang khởi dậy từ một âm thanh quen
thuộc nào đó. Nhất là âm thanh vọng lại từ quê nhà, âm ba vọng lại từ thơ ấu.
Nào tiếng cu kêu, tiếng quẫy rô đồng rột rẹt giữa đồng cạn dần sệt nước, và tiếng
dế. Tiếng dế đêm sương vừa gợi tưởng vừa gợi cảm, cũng là thanh âm quen thuộc
có thể đánh động tiềm thức chốn quê cũ trong tâm hồn nhiều người.
“Từng đêm dế gáy cột nhà
Giấc mơ chợt thức trong ta đứng nằm
Nghiên tai ngóc ngách cách âm
Nối dài ký ức, gọi thầm tuổi thơ …” (tr.63)
Bao âm thanh khơi gợi tâm hồn làm cuộc du hành trở về quá
vãng. Mới thấy, hồn người bao nhiêu mà có thể dung chứa “tam thiên đại thiên thế
giới”, lòng người bao nhiêu mà vẫn chất chứa hằng hà “phỉ phong” kiếp người. Kiếp
người hay kiếp nạn người – giữa cuộc hôn mê, âm thanh thơ ấu vọng về đưa nhà
thơ quay lại chốn xưa. Trở về chốn xưa thơ ấu, tẩy trừ vấn nạn con người trong
cuộc thế.
“Cánh cò chở nắng quay sông
Chiều đang ngoài ngõ, đêm mong người về
Chập chờn bóng núi đồng quê
Bước chân thổ mộ ngựa mê mệt chiều” (tr.65)
Trôi về miền đất cũ, nằm trong dòng chảy thời gian, nhận ra
thân tâm mòn mỏi bước đường phiêu bạt, hay chỉ đơn giản là giác ngộ lẽ sinh diệt,
mà Hoàng Yên Dy nghe ra tiếng âm binh vọng lại. Rã rời chân quê, một tối nào
chàng nghe ra lời réo gọi hư vô. Quay về bến cũ!
“Một mình một cõi hoang vu
Với đêm đen bóng thu lu một mình
Chung quanh lởn vởn âm binh
Hồn lưu lạc dấu trường chinh mụ mờ” (tr.39)
Trở về thơ ấu, nhớ nhà nhớ quê, rồi nhớ ông bà tổ tiên, tấm
lòng đứa con xa quê chân thành hiền hậu biết bao. Tình cảm nhớ thương ông bà tổ
tiên từ trong ca dao đã thấm nhuần trong tâm hồn Hoàng Yên Dy. Dẫu có đi bốn
phương trời, cư ngụ góc biển nào đi chăng nữa, Hoàng Yên Dy vẫn dành dụm thơ cơ
làm bệ thờ tổ thiên. Tấm lòng con cháu vọng nhớ ông bà, lấy đó làm định hướng
con người. Không nhớ không biết ông bà tổ tiên, con người sao có thể định vị
mình giữa đời sống nhân sinh.
“Cơm chiều ngồi bệt quanh nong
Reo thơm gạo mới ấm lòng nông gia
Cúc cung tiên tổ, ông bà
Hương bay ngóc ngách, căn nhà ủ cơm…” (tr.68)
Từ âm binh phù hiển trở về, nhà thơ gợi ra cho bạn đọc trong
hư không bóng hình tiền nhân. Liệu có ai nhận ra, trong hằng hà lớp người đã sống
và đã chết, trong hằng hà vận hội can qua từng cày xới dải đất quê hương, bao
nhiêu máu và nước mắt đã rơi đổ. Thảm trạng phân tranh tương tàn của dân tộc, vết
thương lịch sử và giống nòi còn nguyên hiện. Nhà thơ Hoàng Yên Dy lấy cảm hứng
lịch sử để chuyển tải vấn đề nhân sinh và ý nghĩa nhân bản. Rất đáng quý vậy!
“Sấm đằng đông, chớp đằng tây
Giang tay bắt khống dáng mây cuối trời
Đì đoành đạn lạc bơm rơi
Nhớ thời ngụt lửa đỏ trời phân tranh” (tr.40)
2. “Tôi hoài tìm chẳng thấy tôi”
Chuyến hành trình hiện hữu – Hoàng Yên Dy gần tám mươi vẫn
tìm chưa thấy chính mình.
Mệnh người chung quy chẳng phải chỉ là việc thực hiện “mình”
hay sao! Song hành quá trình lập thành tính mệnh “người” giữa đời, người trải
qua từng “cuộc”, bấy giờ “cuộc” ấy trở thành “cuộc đời”. Cuộc đời rốt cuộc căn
bản chuyến hành trình tìm kiếm chính mình. Liệu tìm thấy chính mình hay không,
có phải mục đích của chuyến hành trình ấy?
“Tôi hoài tìm chẳng thấy tôi
Chỉ con sóng lặng dập dồi khuya sâu
Chẳng bắt đầu, chẳng về đâu
Tôi ôm tôi, đến bạc đầu, vẫn tôi …” (tr.7)
Chẳng biết vì cớ gì Hoàng Yên Dy cứ nhìn thấy cuộc đời mình
trong bóng thuyền trôi. Như Ngân Giang nữ sĩ thuở trước, biết nhức nhối mỗi khi
nhìn thấy “tàu đến rồi tàu lại đi/ khối vô tình ấy nhớ gì sân ga”, nhà thơ họ
Hoàng sử dụng phép so sánh rất độc đáo: ví sông với thuyền – hai biến số lạc
trôi cầm bằng như chính bản thân nhà thơ và số phận long đong tháng năm.
Sông-thuyền với người-đời: mệnh số lạc loài. Phải chăng Hoàng Yên Dy dùng cả đời
đi tìm bản dạng thân mình. Ấy vậy người vẫn chưa tìm thấy hay người nghĩ rằng
căn bản không thể tìm thấy! Hoàng Yên Dy không có thân phận, bởi người dùng
thân phận truy tìm mệnh số. Thiên hạ vẫn hay nghĩ, “ngũ thập niên tri thiên mệnh”.
Với Hoàng Yên Dy, “tri thiên mệnh” đúng hơn: “nghiệm thiên mệnh”. Bất khả tri,
bất khả tri!
“Con sông ôm ấp thuyền đầy
Như ta ôm cái hao gầy tháng năm
Con trăng khuyết lại tròn rằm
Sông thuyền ôm ấp – hết nằm lại trôi …” (tr.45)
Hết thuyền, Hoàng Yên Dy lại ví đời người như chiếc xe. Cấu tứ
bằng phép dịch chuyển tương đồng giữa bộ phận xe và cơ quan người, nhà thơ thuyết
phục được bạn đọc, cho mọi người thấy té ra: đời người quả như chiếc xe thật!
Người rong ruổi trên từng chặng đường đời đến nỗi xác thân phờ phạc rã rời. Mà
đi đâu, đường nào, có khác nhau đâu, ai cũng đi tìm mình.
“Xe người mang lắm động cơ
Vẫn leo ì ạch đến phờ phạc thân
Cu roa nhão, gối chùng gân
Xác ve cách trí, rã dần xắc xi …” (tr.57)
Động cơ xe thúc đẩy xe vận động, động cơ/mục đích/tham muốn/ái
dục trong lòng người và cõi người thúc đẩy cõi người dịch chuyển. May có “động
cơ”/ ái dục mà đời chuyển động nhưng cùng với đó, người cũng tiêu pha mình.
Chưa biết có tìm thấy mình hay không, nhưng cầm chắc người tự bào mình đến quay
đầu ngó lại thì mình không thấy mình mà chỉ thấy mình sắp đánh mất mình. Lối
dùng từ láy (ì ạch, xắc xi) cùng với trường từ vựng (động cơ, cu roa, xe, …)
cho thấy Hoàng Yên Dy có tâm thế khá thoải mái khi nhận ra chuyến hành trình
tìm kiếm bản thể dẫu chưa thành, vẫn có thể lấy đó làm vui, chuyến hành trình tự
lấy chính nó làm khuây!
Ý thức về thân và phận người như vậy, Hoàng Yên Dy hình tượng
hóa qua chiếc lá. Đời người có khác gì chiếc lá mỏng mảnh, một ngày trổ ra xanh
tươi làm đẹp cho đời, tô thêm màu xanh cho đời. Thế nhưng một ngày nào đó thể
nào lượng xanh tươi cũng hao mòn, để chỉ còn xác lá vàng xơ và rụng xuống gốc
cây đời. Phận người mỏng mảnh có khác gì lá chờ một ngày rơi rụng, ẩm mục vùi
thây, lại tiếp tục bồi bón cho đời thêm dưỡng chất trẩy nở. Cảm thức về vòng tuần
hoàn đời người! Thơ Hoàng Yên Dy đầy những chiêm nghiệm như vậy!
“Rơi nghiêng cho bớt hao gầy
Xanh trong vàng úa mỏng dày kiếp cây
Lìa thân gởi lại chốn này
Đất quê ẩm mục … chờ ngày vùi thây …” (tr.21)
Đâu đó có lẽ bạn đọc nghĩ tới “tiếng rơi rất mỏng như là rơi
nghiêng” của Trần Đăng Khoa. Thế nhưng cảm thức trong sáng của tuổi nhỏ qua lối
ẩn dụ chuyển đổi cảm giác của Trần Đăng Khoa chỉ cho thấy sự quan sát và cảm thụ
nhạy bén của một tâm hồn bé thơ trong sáng, ngược lại, câu thơ Hoàng Yên Dy nặng
trĩu ưu tư. Lá rơi như thân phận con người, nhưng trong cái đìu hiu lặng lẽ nhẹ
nhàng đó là nỗi niềm ngậm ngùi trước nẻo đời chóng vánh. Chớp mắt lá xanh đã úa
vàng, đời người chớp mắt đã thiên thu. Đáng quý, nhà thơ quay về với quê hương.
Cũng chẳng gì lạ, bởi người từ quê nhà sinh ra lớn lên rồi dấn thân khẻo mọi nẻo
đường, cho đến cuối cùng trở về quê cũ vùi thây. Chẳng gì lạ, nếu muốn hiểu tâm
hồn một con người cứ hay quay về chính quê nhà kẻ ấy mà cảm nghiệm. Bóng hình
quê hương lồng vào bóng người.
Có những khi trên quá trình tìm kiếm bản thể mình, Hoàng Yên
Dy đã lạc vào tiềm thức, ngã vào trong bản năng cổ sơ. Những lúc ấy, người thơ
thả mình cho tâm hồn tự nhiên trỗi dậy. Chính sự trống vắng quá lâu ngày, cơ hồ
dồn nén cho ẩn ức ngày càng lắng đọng chất chứa chực chờ bung tỏa. Sự căng tức
của khát vọng cuồng nhiệt được mùi hương tinh khiết thức tỉnh. Sức sống trẻ
trung trong hồn thơ Hoàng Yên Dy chăng!
Thoảng thoảng trầm hương tinh khiết
Làn hương góa bụa ghé qua
Đêm giật mình cuồng nhiệt
Bản năng gốc, gọi là … (tr.18)
Từ bản năng gốc, dường như thi nhân quay trở về thời trai trẻ,
thuở mới biết rọ rạy và thổn thức rung động trước sự đời. Dẫu rằng người cho rằng
một khi lên tàu là không thể khứ hồi, nhưng với thơ, người đã quy hồi quá khứ.
Trở lại thời rọ rạy thanh tân bằng chữ nghĩa.
“Ta từ nửa – ba mươi lăm
Đầu rùa cổ rụt, đứng nằm lôi thôi
Vẫn mơ … xuống lũng lên đồi
Năm canh rọ rạy, nhớ thời tò te …” (tr.19).
Từ ấu thơ bước vào “thời sư tử”, như con mãnh thú gầm thét giữa
cõi đời, nhiều ước vọng cũng lắm ngông cuồng! Nhất là tình! Nòi tình tuổi sư tử
vừa thống khoái, cường liệt vừa ấu trĩ nực cười!
Bằng chuyến quy hồi quá vãng trên chữ nghĩa, nhà thơ đã mở ra
không gian suy tưởng. Thiết nghĩ, bất cữ chữ nghĩa nào được người thơ đong đầy
tâm hồn vào đó đều là những không gian suy tưởng khác nhau. Nhưng lối suy tưởng
của Hoàng Yên Dy có lẽ ít nhiều khiến bạn đọc nhớ về Bùi tiên sinh. Người thơ
thuở nào cũng sanh trưởng rồi làm cuộc du hành từ xứ Quảng quê hương.
“Hết trông rồi đợi bóng chiều
Cánh chim mây gió những điều tưởng không
Cứ dài xuân hạ thu đông
Giãn co chín nhớ mười mong một đời” (tr.20)
Và Bùi tiên sinh có câu:
“Tôi từ một tỉnh mười mê
Đêm điên ngày dại nhớ quê hương nào
Của tình mộng tưởng chiêm bao
Ngàn thu rớt hột lũy hào tan hoang
Em từ ngẫu nhĩ đa mang
Mở lời vâng tạc đá vàng thủy chung
Rồi ra tai họa trùng trùng
Đi về kết tập hãi hùng ra sao
Đoạn trường là số thế nào
Không sau không trước niềm đau không đầu”
(Bùi Giáng, Một tỉnh mười mê)[2]
Hẳn nhiên không thể khép Hoàng Yên Dy vào cõi thơ họ Bùi. Bởi
cùng nỗi ưu tư về thân và phận người, về thời gian vô hạn và đời người hữu hạn,
về xa cách và nhớ mong, nhưng họ Bùi đã hoàn toàn lạc lối vào chữ nghĩa, còn họ
Hoàng vẫn lướt trên mặt nước thơ ca, chứ không chết chìm vào đó. Lối trầm mình
của Bùi tiên sinh khiến cho thơ ca chan hòa trác tuyệt. Lối dong thuyền lướt
gió suy tưởng trên mặt nước nhân gian của họ Hoàng lại khiến ta phiêu lãng bồng
bênh theo sóng.
Riêng trong lối cảm ứng thời gian, có vẻ Hoàng Yên Dy đã chịu
ảnh hưởng của Trung niên thi sĩ. Lối cảm ứng thời gian như là thời tính – thậm
chí có thể gọi là thời thể. Nếu trung niên thi sĩ khiến cho thời thể hiện ra
như giai nhân thì Hoàng Yên Dy biến thời thể thành ra người hồng nhan tri kỷ –
một hình thức biểu tượng hóa (từ biểu tượng tâm lí đến biểu tượng thẩm mĩ)[3].
Trung niên thi sĩ chơi rỡn cùng thời thể, còn Hoàng Yên Dy ngó vào thời thể như
ngó vào trời đêm khôn cùng. Hiệp khách giang hồ đã tương ngộ bệ hạ mười phương.
“Bán Dùi cho ai để dở dang
Năm mươi năm lẻ vẫn huỷnh càng
Báo mộng “nghi án” tình bệ hạ
Bởi, “Trẫm viết dòng nào cũng rối ren”” (tr.88)
Con người đứng trước cổng miên trường thăm thẳm dễ gì không
ngậm ngùi! “Thời gian” là một trong những bài thơ hay nhất của tập thơ “Rừng
Bói Trường Giang”. Ý thơ, tứ thơ, tình thơ đều đạt đến độ chân phương, hài hòa,
cân đối. Ý thơ độc đáo, tứ thơ đầy đặn, tình thơ đậm đà!
“Rồi từng mùa – chia thời gian
Xuân xanh phía trước, lụi tàn cuối sau
Tuổi đi, bạc gió sắc màu
Chân đi bạc đất hồn lau bạc trời …” (tr.47)
Nhịp mùa – nhịp thời gian! Thời gian rụng mùa hay mùa rụng
rơi theo thời gian, chẳng thể biết! Kiếp người cũng như mùa, như thời gian, dẫu
rằng thòi gian cũng ảo tưởng. Bản chất thời gian chỉ là sự cảm ứng của tinh thần
người trước biến đổi của vạn vật thế giới xung quanh. Phải chăng Hoàng Yên Dy
nhận ra sự huyễn ảo của thời gian mới nhận thấy sự nghịch dị xuân xanh. Trước
xanh sau tàn, làm gì có trước sau, làm gì có xanh với tàn. Và theo đó, nhà thơ
họ Hoàng nhận thấy dịch chuyển vạn hữu chính là tiêu pha hao mòn phai phôi. “Bạc”
được dùng theo lối chuyển nghĩa. Hiện tượng chuyển nghĩa “bạc” dựa theo ẩn dụ
cách thức, cho thấy con mắt nhà thơ nhìn thấy nỗi đời phôi phai, nỗi người mòn
ruỗng. Tháng ngày vận mệnh chung quy chỉ là chút thiên tư-thiên mệnh dần dà hao
mòn trong vòng quay bào đục của đời sống. Lao vào đời sống kỳ thực, lao về phía
cái chết.
Chân người lẫn hồn người đi về phía bạc đất-bạc trời!
Năm xưa Nguyễn Bính lỡ bước sang ngang, Hoàng Yên Dy chẳng
sang ngang mà cũng lỡ bước. Bởi vậy, ông đồng cảm cùng những kẻ lỡ bước, dầu chẳng
sang ngang. Có sang được đâu, đời người thừa ra. Chẳng phải thừa kiểu “đời thừa”
của Nam Cao. Bi kịch “đời thừa” trong thơ Hoàng Yên Dy đặt trên góc nhìn thời
cuộc. Và một khi thừa, tức chẳng thể nhập cuộc. Cuộc muốn nhập thời phải thù
thuộc. Chẳng ai nhận Hoàng Yên Dy, làm gì có chỗ cho Dy mà thù với thuộc. Nói rằng
“người bạn nào đó” rơi vào cảnh bơ vơ, chi bằng nói rằng chính Hoàng Yên Dy le
loi bơ vơ.
“Tin anh thoát chết trở về
Bên kia chưa nhận? Bởi quê bên này!
Tôi, anh còn nặng vốn vay
Đi chi sớm … tủi men cay tửu phùng!” (tr.48)
Hay:
“Cùng một lứa bên trời lận đận
Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau
Từ xa kinh khuyết bấy lâu
Tầm dương đất trích gối sầu hôm mai”
(Tỳ Bà Hành, Bạch Cư Dị)[4]
Kẻ bên trời lận đận, dầu gì cũng đã và ắt phải lận đận. Vậy
thì, người với ta còn tiếc chi mà không nhấp cạn chén “tửu phùng”. Chén rượu
hay chính là chén đời – phận đời những con người không thể sang ngang mà đành lỡ
dở. Bởi vậy tuổi đời “lút cán” mà bến bờ còn xa. Trời chiều lẻ loi của Hoàng
Yên Dy có làm ai nhớ tới con nai bị chiều đánh lưới (của Xuân Diệu). Hoàng Yên
Dy thực sự là con nai bị trời chiều quê hương hôn ám thời vận bao bủa vây bắt.
Con nai ngơ ngác hoang mang chạy thoát bóng chiều. Kêu tiếng kêu thảm thiết.
“Giữa chiều cất giọng ới ơi …
Nghẹn như gió rớt giữa trời cô liêu
Xưa về bóng đổ liêu xiêu
Tội con tuổi nhỏ, bóng chiều hút mây…” (tr.49)
Được một lần sang ngang cũng là may, đằng này chưa một dịp dấn
bước sang ngang đã đành lỡ bước! Kỳ thực, bước chân lỡ dở ấy còn thảm thương
hơn kẻ sang ngang rồi mới sa chân lỡ bước.
Ngồi buồn ngó lại chân thân/ Cười mình chua chát trọn phần dở
dang!
3. “Tiếu ngạo giang hồ”
Dù ở tuổi xưa nay hiếm, Hoàng Yên Dy vẫn giữ một góc nào đó
trong con tim mình – sự trẻ trung tinh nghịch. Nhà thơ nhìn và nhận thấy những
góc khuất nhạy cảm trong đời sống. Ông chuyển tải vào thơ một cách ý nhị tinh tế.
Vừa đủ cho bạn đọc nhận ra “chuyện ấy” nhưng cũng đủ cho người ta cảm thấu mối
quan hệ giữa người với người.
Một cách chơi – một cách người!
Một chút gì của ẩn ức Freud chăng! Khó có thể khép Hoàng Yên
Dy vào lối luận lý vô thức và sự chi phối bởi dục năng libido kiểu như Freud.
Thế nhưng, nếu đứng từ phía vô thức phổ quát thì dục tính có riêng gì ai đâu!
Phật lý chẳng nói từ vô minh tới ái dục đó sao! Đáng nói, dục tính trong mối
quan hệ lạ-quen của con người khiến Hoàng Yên Dy nhận ra: đời người chung quy
cũng chẳng khác gì kiếp lục bình, người với người hóa ra cũng quanh đi quẩn lại
ở bốn cái chưn giường! Có ngao ngán, có chua chát có chán chường không? Liệu
Hoàng Yên Dy có ngao ngán thay cho chuyện người với người không? Chắc chỉ có bản
thân nhà thơ thấu rõ. Nhưng bạn đọc nên thấy rằng, chính ở những chuyện có vẻ
dung dị, Hoàng Yên Dy đưa vào cảm thức đời sống nào đó, vì thế câu thơ mờ mờ ẩn
khuất triết lý mà chẳng phải triết lý: bởi triết lý chỉ là SỐNG!
“Bốn phương gom tụ một nhà
Nhìn ai cũng lạ… hóa ra thân tình!
Tha phương con nước lục bình
Lẳng lơ là muốn … rung ring chân giường” (tr.46)
Dẫu ở lứa tuổi nào, dường như cá tính tiếu ngạo vẫn hiển hiện
trong thơ Hoàng yên Dy. Tính cách tiếu ngạo/cà tửng cho thấy tâm thế một con
người hiểu và nhận ra tính chất hư huyễn của đời. Trải đời, cảm đời, thấu lẽ đời,
chàng lãng tử năm nào vẫn tiếu táo ngả ngớn ca một vài lời cảm khái. Dẫu cà tửng,
ấy vậy vẫn ẩn chứa chút nỗi niềm chua chát, thể như nếm chung rượu đời rồi cười
xòa vào hư không. Tiếu mà ngạo, ngạo mà tiếu! Tiếng cười không tiếng!
“Trò đời nghĩ cứ buồn thiu
Ruột gan quặn thắt, yểu xìu cuộc chơi
Lên gân chút lại rã rời
Bù lon con tán tả tơi chốc mòng …” (tr.41)
Cái ngông nghênh của Dy chẳng mếch lòng ai! Bởi như đã nói,
thơ ca của chàng chỉ có thể là chuyến phiêu bồng tìm kiếm chính mình. Tìm được
mình, ấy là giác ngộ. Nhưng đúng hơn, chàng đi tìm mình và nhận ra rốt cuộc chẳng
có mình. Tìm mình nhưng cuối cùng biết rằng mình đã có mình, vốn đã có mình, bởi
lẽ làm gì có cái gọi là “mình” để mà đi tìm đi kiếm. Sự giác ngộ cũng như NGU vậy!
Ngu và chẳng muội, ngu ấy là cà tửng. Ngu ấy là vui. Như Bùi tiên sinh từng
nói. “Tôi nói điệu điên rồ, ấy là vui vậy”. Tửng từng tưng của Hoàng Yên Dy và
điên rồ rực rỡ của Trung niên thi sĩ, ngẫm có khác nhau gì đâu!
“Ta từng … tưng tửng từng tưng
Lên rừng xuống lũng rẽo mừng hu hu
Ngặt nghèo từng muốn đi tu
Sực ra giác ngộ … mình ngu quá chừng!” (tr.32)
Và:
“Nỗi buồn nỗi khổ đời xưa
Nỗi sung sướng đến móc mưa bất ngờ
Đời xưa đất đá cằn khô
Đời này đất đá đều đờ đẫn điên
Điên duỗi dọc, điên ngửa nghiêng
Điên là hạnh phúc thần tiên ở đời
Điên rồi rốt cuộc hỡi ôi
Cũng đành chấm dứt lìa đời hết điên”
(Bùi Giáng, Dzách)[5]
Cá tính tiếu ngạo giang hồ, ngả ngớn, ngông cuồng biểu hiện
qua nhiều bài thơ. Nết ngông cuồng ấy có lẽ di căn từ Tản Đà cho tới Trung niên
thi sĩ. Bởi lối chất vấn ông trời, coi lão hoàng thiên như đồng trang lứa.
Hoàng Yên Dy quay quắt cuồng phong trong chữ nghĩa. Vì men, vì mộng, hay có lẽ
vì … đau, nhà thơ phiêu dật loạn cuồng trong chữ, trong ý, trong nhạc thơ.
“Lên đồng, tấn thối nhặt khoan
Cù cưa kẽo kẹt bang hoàng bốc hơi
Thần hồn hai cõi hai nơi
Đố ai chỉ được Ông Trời ở mô?” (tr.43)
Đố ai hay tự đố, hỏi vậy tức là Dy đã từng ít nhất một lần đi
tìm Ông Trời – nói khác, đi tìm cái tuyệt đích nghĩa lý. Rốt cuộc, chí bốn bể
làm nhà, Hoàng Yên Dy sẵn sàng xê dịch. Đi với Hoàng Yên Dy cũng là sống. Bằng
cách lăn trôi, lướt mình theo muôn đợt sóng cuộc đời, kẻ thơ đã làm thơ và đời
sống trở thành bài thơ lớn. Thơ ca theo lối ấy là những vận hội trôi chảy –
khác gì sông. Thơ của Hoàng Yên Dy là trường giang thơ – hay thơ trường giang
cũng được! Đó là cách thế lộng ngôn, lộng ngữ, cách thế ngông nghênh lãng du rất
có duyên của họ Hoàng.
“Một lần bỏ ruộng lên rừng
Hai lần lìa núi, chưa ngừng cuộc chơi …
Biển xa réo gọi trùng khơi
Tưởng cơn sóng dữ đã đời lộng ngôn” (tr.31)
Tìm mình không thấy, Hoàng Yên Dy đi tìm đời. Làm cuộc tiếu
ngạo bôn ba khắp nẻo nhân sinh, người định tìm gì trên cõi thế! Dầu đi đến Chùa
Tháp, Tịnh Biên, Hà Tiên, Vĩnh Trinh, Trường Sơn, Suối Nho, Chứa Chan,… có vẻ
Hoàng Yên Dy cũng chỉ tìm duy nhất: Tình đời – Tình người. Tìm một chữ tình, vì
một chữ tình, vậy mà đôi chân chàng thi sĩ đã rong ruổi không biết bao nhiêu
góc bể chân trời. Để rồi, đêm nọ đỗ lại miền giang hạ trên bến “Tầm Dương” nào
đó, con thuyền lưu lạc cũng đọng lại chút tình chân thật, gửi lại chút luyến nhớ
thơ mộng cho mảnh đất tương phùng hôm nay. Ngược lại, đêm tình mộng trở thành
ký ức tâm hồn, bến bờ ân ái trở thành mớ hành lý tiếp tục cuộc bôn ba của người
thơ.
“Giã từ xã tắc biên cương
Mang theo nỗi nhớ con đường bụi bay
Ta em núm níu chia tay
Bên kia Chùa Tháp, bên này Tịnh Biên …” (tr.76)
“Thói giang hồ tiếu ngạo”, ngẫm bao năm vẫn vậy. Đôi khi tưởng
rằng tiếu ngao – giấc mộng ngông cuồng của thời trai trẻ. Phút “cao vọng” của lứa
thanh niên. Đâu phải, đó là cách thế sống – một cách thế người giữa cuộc nhân
sinh. Đó là trường hợp Hoàng Yên Dy. Nòi tình với nòi tiếu ngạo, đã là nòi sanh
ra ở đời, sao có thể dứt khoát cai trừ!
“Tưởng rằng “già hóa” hết đi
Ai hay cặp cẳng nhiều khi nhớ đường
Lối nào dẫn tới tai ương
Hay vương mối nợ yêu thương chực chờ” (tr.86)
Thành ra: Còn một đôi cẳng trên đời/ Thì còn du hý tới nơi bụi
đường!
Cuộc rong ruổi “giang hồ phiêu bạt” của chàng thi sĩ không phải
thỏa mãn nỗi ham thích tò những bốn biển chân trời, hay sở thích du hý thưởng
ngoạn cảnh đẹp trần gian. Chàng đi tìm chàng (như đã nói ở trên), chàng còn đi
tìm chính sự đời, để mà hiểu đời, ngộ đời. Chàng những mong thỏa mãn nỗi băn
khoăn về nghĩa lý hiện hữu.
4. “Lung linh nước, bụi hồng trần bể dâu”
Đời vốn trải để ghiệm, nghiệm đời để rồi qua – Ấy gọi là qua
đời, trải đời. Hoàng Yên Dy cũng hay triết lý sự đời. Lẽ thường tình! Có ai sống
hơn nửa thế kỷ lại không ngùi ngùi tự mình một lúc nào đó ngẫm ra lẽ đời. Để rồi,
tự mình thốt lên trong lòng mình: Hóa ra đó là cái sự đời!
Đối với Hoàng Yên Dy, đời là khổ. Dường như có màu sắc Phật
lý ẩn hiện đâu đây. Nhưng ta chẳng thể khép Hoàng Yên Dy vào nẻo Phật. Bởi Phật
lý cũng như bao triết lý chân chính khác, hễ thuyết đều là thuyết sự tình hiển
hiện bày phơi – ĐỜI. Mọi thuyết lý trên đời chẳng phải đều nói đến cái sự đời
và cái sự người đó sao! Và, chính vì vậy, Hoàng Yên Dy đã gặp gỡ quan niệm “cuộc
đời là bể khổ” rất quen thuộc trong Phật lý.
“Bởi vì nước mắt có chân
Lung linh nước, bụi hồng trần bể dâu
Suối sông cũng chỉ một màu
Ở, đi cũng thể bắt đầu, chẳng vơi …” (tr.50)
Nước mắt người trong thiên hạ có bao nhiêu mà đã bồi tụ thành
ra cái bể đời đong đầy rào rạt nước mắt. Lệ người biến cõi người thành bể dâu.
Vậy rồi, người ngụp lặn trong bể hồng trần mặn đắng. Khắp cả châu thân lặn chìm
trong nước mắt. Người cố vùng vẫy, bơi lội, lặn hụp trong bể nước mắt, đến hồi
kiệt sức buông xuôi, chìm nghỉm vào đáy bể vô cùng. Tiệt diệt! Vô thủy vô
chung, chẳng ai lý giải nổi ngọn nguồn nước mắt, chẳng ai đến tận cùng đáy vực
khổ đau. Những nỗi khổ niềm đau – bản thể hiện hữu. Dù ở dù đi, dù còn dù mất,
dù ta hay người, dù trước hay sau, thì mãi mãi cũng chỉ là bắt đầu. Dòng nước mắt
nỗi khổ niềm đau con người mãi mãi khơi dòng, mãi mãi lăn trở, mãi mãi sinh triển
khôn cùng khôn tận.
Duyên khởi chăng!
Nhưng lấy khổ làm vui, lấy đau làm sướng, có được chăng! Nếu
biết rằng nỗi khổ niềm đau là mặc định sinh hiện. Bấy giờ có thể an nhiên trong
khổ đau. Hay Hoàng Yên Dy có cách nói kiểu cụ Trạng Trình thuở trước. Rằng ta dại
người khôn, rằng bây giờ người chết ấy là lìa bỏ cuộc vui, còn ta vẫn trầm mình
trong cuộc vui sự đời. Phải chăng, ấy là cách nói có vẻ ngậm chùi chua chát, mà
thực ra, người dứt bỏ đời vui, cũng chính là đoạn lìa kiếp người đau khổ. Ta ngỡ
rằng còn đó với đời vui, đúng ra ta vẫn trầm mình trong đau khổ con người. Đời
vui hay khổ, đời sướng hay đau, tùy ở cách cảm nghiệm mỗi người. Hồ như, khổ
đau-hạnh phúc, chỉ là một kiểu quan niệm. Nghĩ vậy, bạn đọc sẽ thấy khổ đau với
hạnh phúc vốn dĩ không thực, làm gì có khổ đau hay hạnh phúc! Đó chỉ là các ý
niệm khởi dậy trong cực tiểu sát na ý thức mà thôi!
“Rồi anh vào cõi hư không
Gặp gì trong chốn mênh mông không người?
Xót đau, nghèn nghẹn khôn nguôi
Ra đi: chấm dứt ngày vui thế trần …” (tr.53)
Thấy đời là khổ, thấy sống là đau, nhà thơ thử đưa ra kiến giải
nguồn cơn nỗi khổ niềm đau. Nhà thơ không có ý trở thành nhà tư tưởng. Bởi quan
niệm về sự tư tưởng dối với Hoàng Yên Dy có lẽ cũng chỉ là cách thế mặc định
“sinh vật có phản tư ý thức”. Hễ bất cứ một ai có phản tư ý thức, bất cứ ai đối
diện với nhân tính, bấy giờ đã hành động như là kẻ tư tưởng rồi!
Người tư tưởng về sự khổ đau kiếp người. Xưa nay, bao nhiều
người đã làm mồi chụm cho ngọn lửa thời cuộc, tưởng rằng sức người có thể vùng
vẫy ngang dọc làm cuộc cái thế xoay dời càn khôn, tìm kiếm một cơ may nào đó
trường tồn cùng nhân thế bằng một chút danh phận nào đó quá ư hèn mọn. Có ngờ
đâu cái danh hão ấy chẳng thể sống mãi với nhân thế, chỉ là nối dài thêm thị
phi nhân thế. Không ngừng nghỉ, vì chút ít thị phi hàm hồ, người múa may quay
cuồng, gây ra bao thảm trạng. Trước hết thảm trạng tự thân! “Ngã thể” khác gì
cõi bình địa điêu tàn!
“Đã chiều bóng xế ngang đầu
Chênh vênh dốc núi vọng lây mây ngàn
Ngổn ngang gò đống quan san
Yên cương mòn nhẵn âm vang công hầu” (tr.79)
Cuộc đời là chuyến du hành mà hễ bắt đầu chẳng thể dừng lại
(dù muốn dù không). Và, đến khi phải dừng lại cũng không thể gắng gượng lê thêm
bước chân (dù rằng rất muốn). Đó là bản án (kiểu như Sartre nói) đó là món nợ hồng
trần (nói như Hoàng Yên Dy).
“Nợ một lần, nợ dài dài
Năm tháng nợ đóa mãn khai đậm lần
Kể từ ta biết lần khân
Nợ chồng nợ, cứ tăng dần ngày đêm …” (tr.90)
Luận từ Phật lý, hẳn thấy, nợ chính duyên, duyên là nợ. Duyên
khởi từ tiếng khóc chào đời, nói sao không nợ. Đóa mãn khai khởi sự hiện hữu
như là “tại thế thể” – đầu mối của nợ. Những vấn đề Hoàng Yên Dy gửi gắm trong
tác phẩm, cơ hồ chẳng có gì mới mẻ. Ấy vậy, đó là những hằng lý mà đời người hẳn
ai cũng cảm thấy. Nhà thơ nằm ở giao điểm tâm hồn của con người phổ quát để suy
ngẫm. Tin rằng, những câu thơ giản dị này sẽ gợi được cảm thông sâu sắc đối với
rộng rãi bạn đọc gần xa.
Giữa bốn bề nợ trần giăng bủa, lòng người tan hoang như cánh
đồng ngã ngửa lúc bão tàn. Cơn bão “nhiệt đới buồn”, có lẽ thi nhân không thể
kiếm được người chung thân sẻ chia. Dẫu có là tình nhân, dẫu có là hồng nhan tri
kỷ! Dường như nỗi cô liêu quá mênh mông, chỉ có thể gửi hết vào trời đất.
“Buồn hát toáng lên biết gọi ai
Mênh mông là biển rộng sông dài
Thẳm âm xơ xác thời lơ láo
Dội xuống dày thêm những tàn phai…” (tr.106)
Đường trần đã “gặp” rồi “gỡ” chẳng biết bao nhiêu người. Ấy vậy,
đến lúc tan hoang cõi lòng, tưởng như thành quách tâm hồn sụp đổ, lại chẳng thể
tìm thấy được một người cùng đồng cảm. Đó là bi kịch lớn nhất của tâm hồn. Dường
như bất cứ một người viết nào cũng đắm chìm trong cõi giới cô độc riêng mình. Sự
cô độc bản chất, sự cô độc cần thiết mà “con cá” tâm hồn cần có để vùng vẫy suy
tư. Nhưng lắm lúc, chính con cá chữ nghĩa chết đuối trong niềm cô độc ấy. Viết
là một hành động liều lĩnh, sáng tạo có khi cũng chính là trầm mình tự vẫn.
“Ở tận chân trời – sông biển xa
Vẫn hồn đuối nước giữa bao la
Gào lên thảng thốt tình-không-thể
Âm khản tàn canh vọng tiếng gà” (tr.114)
Tiếng côn trùng rền rĩ hay giọng hời âm binh trong đêm khuya
sương lạnh, chữ nghĩa Hoàng Yên Dy hẳn sẽ còn mơn man quanh hịu đâu đó trong
cõi thế. Mai này, tất cả cuộc hý trường, tất cả lũ chúng ta bên trời lận đận,
không còn nữa, ắt sẽ còn vài ba chữ mọc hoang trên cõi đời!
Thơ ca – lá cỏ, phủ trùm đời sống mai này!
Tạm kết
Thơ ca chẳng phải vậy sao! Trăm năm, ngàn năm vẫn nói mãi những
điều đã trở nên quá ư thường tình. Mà chính ở chỗ thường tình trở thành thường
hằng. Từ thể thơ, tứ thơ, ý thơ, tình thơ, … hẳn bạn đọc cũng nhận ra, Hoàng
Yên Dy không gắng gượng chạy theo cái mới. Chàng xa lánh thứ văn học thời
trang, lòe đời, rởm đời. Trước sau như một, chàng mạnh dạn và tự tin bộc lộ cá
tính bộc trực, khí khái, pha chút hệch hạc rất Nam bộ. (Dấu ấn đất và người Nam
bộ cũng xuất hiện nhiều lần trong vườn thơ của chàng. Đây cũng là khía cạnh để
những ai có lòng với thơ Hoàng Yên Dy tiếp tục tìm hiểu).
Trên hết, dấu ấn quê hương cho thấy tâm tính quê hương và
tình yêu quê hương nồng nàn thắm thiết. Hoàng Yên Dy – con người ưa bôn ba với
cặp cẳng ngứa ngáy khát khao dặm trường, đã và vẫn luôn luôn mang theo quê
hương trên khắp mọi nẻo đường nhân sinh. Lấy quê hương làm ảnh hình soi chiếu,
nhà thơ mở ra đời mình và nhìn ngó đời người dựa trên “nguyên tượng” quê nhà.
Kể từ đó, chàng làm cuộc tiếu ngạo đi kiếm bản dạng/chân thân
– tìm “thể tính” Hoàng Yên Dy. Thể tính không phải như mục đích chờ ở cuối đường
mà dần dà lộ diện/ sản tạo/ lập thành trên chính cuộc hành trình tìm kiếm ấy.
Đi tìm không phải để tìm thấy, mà để thấy trong khi vẫn còn tiếp tục cuộc kiếm
tìm.
Mai đây sau khi cuộc tiếu ngạo đến hồi vô cùng, hẳn rằng trên
cõi thế còn đọng lại vài ba chữ nghĩa. Đó là, dấu chân hiện hữu mà một con người
với tất cả ưu tư hoài niệm và trải nghiệm trên cuộc thế có thể gửi lại. Viết để
lưu dấu, viết để gửi lại cuộc đời khối tình riêng, Hoàng Yên Dy không cầu vọng
trở thành thi gia. Chàng đơn giản chỉ trở thành Hoàng Yên Dy – đứa con Đông
Bàn, đất Gò Nổi – sau khi đã mải miết rong ruổi tìm kiếm chính mình. Cuối trời,
chàng sẽ gặp chàng! “Trước khi về chín suối/ Em xin gửi đá vàng/ Của trăm năm
buồn tủi/ Về trở lại nhân gian”[6]. Hoàng Yên Dy gửi lại tất cả cuộc du hý giữa
bãi hý trường nằm vắt vẻo trên quê hương gối đầu hai thế kỷ (cuối TK 20, đầu TK
21) gửi lại cho người quý mến một cá tính Hoàng Yên Dy đầy hồ hởi, xốc nổi,
tinh nghịch; song cũng rất hồn hậu chân tình, trọng nghĩa giữ nếp nhà theo truyền
thống xứ Quảng Nam!
TRẦN BẢO ĐỊNH
________________
[1] Dẫn theo Nguyễn Đình Thi (1942). Triết học
Nietzsche. Tủ sách Triết học. Tân Việt xuất bản. Hanoi.
[2] Bùi Giáng (1997). Đêm ngắm trăng. TPHCM: Nxb.
Trẻ.
[3] Võ Quốc Việt (2013). Từ biểu tượng tâm lí đến
biểu tượng thẩm mĩ. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TPHCM số 52, tr.141-150.
[4] Bạch Cư Dị (1950). Tỳ bà hành (Nguyễn Hữu
Ái chú thích). Huế: Nxb. Hồ Đắc Nghi , tr.31.
[5] Bùi Giáng (1997). Đêm ngắm trăng. TPHCM: Nxb.
Trẻ.
[6] Bùi Giáng (2011). Bèo mây bờ bến (Di cảo
thơ X). TPHCM: Nxb. Văn hóa Văn nghệ.
Tài liệu tham khảo:
– Bạch Cư Dị (1950). Tỳ bà hành (Nguyễn Hữu Ái
chú thích). Huế: Nxb. Hồ Đắc Nghi.
– Hoàng Yên Dy (2018). Rừng Bói Trường Giang (tập
thơ). TPHCM: Nxb. Tổng hợp.
– Bùi Giáng (1997). Đêm ngắm trăng. TPHCM: Nxb. Trẻ.
– Bùi Giáng (2011). Bèo mây bờ bến (Di cảo thơ
X). TPHCM: NXB Văn hóa Văn nghệ.
– Nguyễn Đình Thi (1942). Triết học Nietzsche. Tủ
sách Triết học. Tân Việt xuất bản. Hanoi.
– Võ Quốc Việt (2013). Từ biểu tượng tâm lí đến biểu
tượng thẩm mĩ. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TPHCM số 52,
tr.141-150.
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét