Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Vai trò của M.M. Bakhtin trong sự đổi mới quan niệm về hình thức nghệ thuật ở Việt Nam

Vai trò của M.M. Bakhtin
trong sự đổi mới quan niệm về
hình thức nghệ thuật ở Việt Nam

Nếu hiểu thi pháp học là bộ môn khoa học lấy hình thức nghệ thuật làm đối tượng trung tâm, thì những quan điểm lý thuyết tiến bộ của Bakhtin đã góp phần quan trọng trong sự tái xuất của thi pháp học ở Việt Nam vào những năm 1980. Không có một quan điểm hợp lý về hình thức nghệ thuật trên phương diện lý thuyết thì cũng không thể có một thái độ ứng xử phù hợp đối với những thực hành cách tân trên góc độ hình thức nghệ thuật. Do vậy, có thể nói, thi pháp học của Bakhtin cũng có vai trò nhất định trong bước chuyển của đời sống sáng tác văn học giai đoạn đổi mới.
Từ cuối thế kỷ XX, ở phạm vi thế giới, vai trò của M.M. Bakhtin (1895-1975) ngày một trở nên quan trọng trên nhiều địa hạt như triết học, mỹ học, ngôn ngữ và nghiên cứu văn học. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, ông bắt đầu ảnh hưởng đến các nhà lý luận và nghiên cứu văn học Việt Nam, cùng trong quá trình thi pháp học trở lại nước ta một cách mạnh mẽ và có hệ thống. Hầu như các tư tưởng quan trọng của ông đều trở nên phổ biến trong giới học thuật, có sự chi phối không nhỏ tới sự đổi mới tư duy thi pháp học của nước nhà. Trong đó, vấn đề quan trọng bậc nhất cho thấy dấu ấn của Bakhtin chính là sự đổi mới quan niệm về hình thức nghệ thuật.
Nhà nghiên cứu người Nga M.M. Bakhtin (1895-1975)
Thời điểm Bakhtin bắt đầu được tiếp nhận, ở Việt Nam tồn tại ít nhất hai cách hiểu về hình thức nghệ thuật. Cách hiểu thứ nhất phổ biến suốt thời gian dài, áp đặt định kiến về thứ chủ nghĩa hình thức đáng lên án trong cuộc sống hằng ngày vào văn chương, để rồi tách bạch và kỳ thị hình thức, xem trọng nội dung. Nhiều ý kiến cho đây là một trong những quan điểm còn lưu lại từ Đề cương về văn hóa Việt Nam của Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1943, thể hiện tập trung ở nguyên tắc đại chúng hoá, chống mọi chủ trương, hành động làm cho vǎn hoá phản lại hoặc xa rời quần chúng. Phức tạp, khó hiểu là một biểu hiện của sự xa rời, phản lại đông đảo quần chúng cần lao, do những điều kiện lịch sử khách quan mà trình độ học vấn đang hết sức hạn chế. Tác phẩm chỉ cần một hình thức đơn giản, sáng rõ, còn chức trách chủ yếu của nó được xét ở nội dung: tốc ký, ghi nhận kịp thời từng sự kiện của đời sống nhân dân, từng bước phát triển của lịch sử cách mạng. Bình có thể cũ, còn rượu phải mới. Mọi cách tân, thể nghiệm về hình thức nghệ thuật rất dễ bị quy kết vào chủ nghĩa hình thức. Cách hiểu này không đúng về khái niệm hình thức đã đành, mà còn rất thiếu hợp lý về khái niệm nội dung.
Cách hiểu thứ hai gắn với các khái niệm như thủ pháp và cấu trúc, xem tính văn chương và cấu trúc nội tại của tác phẩm nghệ thuật mới là những yếu tố then chốt tạo nên giá trị thi pháp. Mọi thứ hình thức và nội dung thuần túy, chỉ sau khi được nhào nặn, tái tạo thông qua thủ pháp để cho ra đời những giá trị thẩm mỹ, chỉ sau khi được tổ chức trong những cấu trúc quan hệ độc đáo mới có thể trở thành nghệ thuật. Cách hiểu này khởi đi từ việc tiếp nhận hình thức luận và cấu trúc luận ở nước ta từ trước khi Bakhtin được du nhập. Ở miền Nam thời còn phân cách, theo Huỳnh Như Phương, từ sau năm 1965, việc tiếp nhận chủ nghĩa cấu trúc đã diễn ra mạnh mẽ trên tất cả các mặt dịch thuật, lý thuyết và thực hành phê bình với nhiều tên tuổi lớn như Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Trần Đỗ Dũng, Ngô Trọng Anh, Trần Ngọc Ninh, Bửu Lịch, Phạm Hữu Lai,…. [1, tr.3]. Sau ngày đất nước thống nhất, cùng xu thế “cởi trói” trong đường lối văn nghệ của Đảng, các hướng tiếp cận thi pháp học cũng xuất hiện ngày một phong phú. Dấu ấn của các nhà hình thức luận, cấu trúc luận ở Nga và phương Tây hiện diện đậm nét trong công trình nghiên cứu của rất nhiều học giả mà chúng ta chỉ có thể kể ra một vài đại diện như Phan Ngọc, Nguyễn Phan Cảnh, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Trinh, Đỗ Đức Hiểu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Kính,… Xét ở thời điểm mới xuất hiện, dấu ấn ấy đã thổi một luồng sinh khí mới cho nền nghiên cứu văn học ở đất nước vốn không có nhiều truyền thống lý thuyết, hoặc vì hoàn cảnh lịch sử, ở một chặng nhất định chưa thể hợp thức hóa một đời sống lý thuyết đa dạng, hiện đại và phát triển. Quan điểm của hình thức luận và cấu trúc luận cũng tạo cơ sở lý thuyết cho việc phê phán cách hiểu sơ lược về hình thức, trả lại vị thế xứng đáng cho hình thức nghệ thuật trong lý luận và thực tiễn sáng tạo.
Như vậy, ảnh hưởng của các trường phái thi pháp học được xây dựng trên nền tảng ngôn ngữ học của F.D. Saussure có vai trò quan trọng trong việc thay đổi quan niệm về hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học. Song, tuy việc tiếp nhận trên, tùy vào khả năng linh hoạt và sáng tạo ở mỗi trường hợp, mà dẫn đến thành công hay hạn chế trên những mức độ khác nhau, đều khó thoát khỏi giới hạn của bản thân lý thuyết nền lẫn phương pháp luận ứng dụng vốn được các nhà hình thức luận ở Nga thiết lập từ thuở ban đầu. Từ những năm 20 của thế kỷ trước, M.M. Bakhtin, V.N. Voloshinov và P.N. Medvedev đã chỉ ra những bất cập trong ngôn ngữ học của Saussure và dựa trên khoảng trống của hệ thống lý thuyết ấy để đề xuất nguyên lý đối thoại. Họ cũng phê phán các nhà hình thức ở chỗ xem thi pháp học là một bộ môn trực thuộc ngôn ngữ học. Bakhtin gọi thứ thi pháp học được trường phái hình thức trừu xuất trực tiếp từ ngôn ngữ học không qua trung gian của một cơ sở mỹ học và triết học mang tính hệ thống, đặt ngoài thể thống nhất của văn hóa loài người, là mỹ học chất liệu. Nền mỹ học ấy không thể cung cấp chỗ dựa vững chắc để giải quyết thỏa đáng vấn đề hình thức nghệ thuật, vì nó không phân biệt được hình thức kết cấu và hình thức cấu tạo, nó cũng cắt đứt mối liên hệ giữa chủ thể sáng tạo và tác phẩm văn học. Việc khoanh hẹp phạm vi khảo sát giá trị thẩm mỹ ở các yếu tố nội văn bản đã đi ngược bản chất thật sự của nghệ thuật: “Tính độc lập của nghệ thuật có căn cứ và được đảm bảo bởi sự dự phần của nó vào thể thống nhất của văn hóa, bởi việc nó chiếm giữ trong thể thống nhất ấy một vị trí không chỉ đặc thù, mà còn thiết yếu và không gì thay thế được” [3, tr.383].
Năm 2007, khi dịch giả Phạm Vĩnh Cư công bố bản dịch tiểu luận “Vấn đề nội dung, chất liệu và hình thức trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ” trong tập 1 cuốn Lý luận phê bình văn học thế giới thế kỷ XX, sau đó đăng lại trên Tạp chí Nghiên cứu văn học năm 2009, những luận điểm phê bình nói trên của Bakhtin dần được biết đến rộng rãi trong giới nghiên cứu. Nhưng thực ra, theo một con đường khác, giá trị phương pháp luận của những phê phán ấy còn ảnh hưởng từ sớm hơn rất nhiều qua công lao của Trần Đình Sử, người được đánh giá có công đầu trong việc đưa thi pháp học hiện đại về lại Việt Nam. Từ năm 1992, ông đã viết bài “Quan niệm về thi pháp tác giả của M. Bakhtin”, giới thiệu nội dung cơ bản của tiểu luận “Vấn đề nội dung, chất liệu và hình thức trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ”. Quan trọng hơn, Bakhtin chính là người khổng lồ có vai trò khai sáng quan trọng bậc nhất giúp ông tạo dựng một bộ khung lý thuyết thi pháp học của riêng mình được truyền bá trên phạm vi cả nước. Trải qua nhiều lần nâng cấp và tái bản, đến nay, Dẫn luận thi pháp học văn học (2017) của Trần Đình Sử vẫn là công trình tạo ra được một hệ thống hoàn thiện cao nhất về lý thuyết thi pháp học ở Việt Nam. Hạt nhân của hệ thống ấy là khái niệm hình thức có tính quan niệm, một khái niệm nhấn mạnh vào thuộc tính chủ thể, nhờ đó đưa tác giả của nó vượt qua giới hạn của thi pháp học hình thức luận. Trần Đình Sử phân biệt hình thức bên ngoài và hình thức bên trong. Hình thức bên ngoài là hình thức chất liệu mà người đọc có thể dễ dàng tiếp cận như các yếu tố ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa, các kiểu bố cục thuộc hình thức thể loại của văn bản ngôn từ, hay các yếu tố đường nét, âm thanh, màu sắc, chi tiết,… trong văn bản hình tượng. Hình thức bên ngoài còn là các thủ pháp thuần túy mang tính kỹ thuật theo quan điểm trường phái hình thức Nga. Thứ hình thức bên ngoài ấy là không thể thiếu cho sự tồn tại của tác phẩm văn học, nhưng chưa phải là điều quan trọng nhất đối với thi pháp học hiện đại theo quan niệm của ông. Hình thức nghệ thuật như là đối tượng của thi pháp học là hình thức bên trong, được Trần Đình Sử hiểu như sau:
– “Hình thức nghệ thuật, theo chúng tôi, là hình thức như nó bộc lộ trong cảm nhận, tức hình thức của khách thể thẩm mỹ mà tác phẩm mang lại cho người đọc, chứ không phải hình thức văn bản trần trụi” [2, tr.64];
– “Đây là hình thức gắn với các phạm trù về tri nhận thế giới” [2, tr.65];
– “Hình thức bên trong là hình thức của cái nhìn nghệ thuật, là sự hiện diện của con mắt nghệ sĩ, lỗ tai nghệ sĩ, cảm giác nghệ sĩ, yếu tố quy định cách tạo hình cho tác phẩm” [2, tr.65];…
Cách hiểu này hoàn toàn thống nhất với luận điểm của Bakhtin về thuộc tính chủ thể của hình thức: tác giả – người sáng tạo là một yếu tố cấu thành hình thức nghệ thuật. Trần Đình Sử cũng thừa nhận điều đó: “Bakhtin gọi đây là hình thức kiến tạo (arkhitektonika) để phân biệt với hình thức kết cấu thuần túy kỹ thuật bề ngoài và chỉ ra bản chất cụ thể của nó” [2, tr.65]. Ông nhận định, sự khác biệt giữa hình thức nghệ thuật với các loại hình thức khác là ở chỗ nó mang tính quan niệm: “Thuật ngữ “tính quan niệm” ở đây dùng để chỉ các nguyên tắc nhìn thế giới mới mẻ đã được nhà văn lồng vào hình thức” [2, tr.69]. Để tăng sức thuyết phục, Trần Đình Sử đã phân tích luận điểm của Bakhtin về cái nhìn của Dostoievski trong tiểu thuyết, rồi kết luận: “Dù ý kiến của Bakhtin đúng sai như thế nào thì về thực chất là ông đang nói đến tính quan niệm trong cái nhìn của nhà văn”. Quan niệm trong cái nhìn của nhà văn có vai trò gì với các cấp độ hình thức? Ông trả lời: “Quan niệm này liên quan tới thế giới quan trừu tượng của nhà văn, nhưng trong sáng tác, quan niệm này trở thành một ý thức hệ tạo hình thức, gắn liền với các biện pháp nghệ thuật có khả năng thể hiện cái nhìn ấy, do đó mà nói là quan niệm nghệ thuật” [2, tr.69]. Sự chuyển hóa những nguyên tắc thế giới quan của nghệ sĩ vào trong hình thức nghệ thuật sẽ biểu hiện thành một quan niệm nghệ thuật về con người. Chiếu theo sự phân cấp hình thức của Bakhtin (hình thức chất liệu, hình thức kết cấu và hình thức cấu tạo) thì quan niệm nghệ thuật về con người chính là mặt nội dung của hình thức cấu tạo. Trong mô hình lý thuyết của Trần Đình Sử, sự thống nhất giữa hình thức có tính quan niệm với quan niệm nghệ thuật về con người sẽ tạo thành tính chỉnh thể tối cao cho thế giới nghệ thuật của một tác phẩm hoặc một tác giả. Bên trong thế giới ấy là các phương diện được thể hiện qua các khái niệm công cụ như không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, kiểu tác giả, cốt truyện nghệ thuật, ngôn từ nghệ thuật, cấu trúc thể loại,… Với Trần Đình Sử, thế giới nghệ thuật là khái niệm cho thấy sự hợp nhất giữa hình thức và nội dụng, nội dung là hình thức và hình thức là nội dung: “Các nguyên tắc tạo nên thế giới nghệ thuật vừa là nguyên tắc tạo hình thức, đồng thời cũng là nguyên tắc tạo nghĩa, nguyên tắc giải thích thế giới. Chính vì thế mà khi đã đi vào thế giới nghệ thuật thì không cần đến sự đối lập hình thức và nội dung nữa” [2, tr.73]. Không ít công trình nghiên cứu, luận văn, luận án ở nước ta học hỏi mô hình thi pháp học của Trần Đình Sử, cũng tiếp cận thế giới nghệ thuật của một tác gia, tác phẩm, nhưng khi đi vào triển khai đề mục lại phân thành một chương về nội dung tư tưởng và một chương về hình thức nghệ thuật (hoặc phương thức biểu hiện), rõ ràng đã đi ngược lại quan điểm của chính Trần Đình Sử.
Chưa nói đến sự kế thừa trong việc phát triển mỗi khái niệm công cụ, thi pháp học của Bakhtin cũng đã có ý nghĩa nền móng cho tính hệ thống của mô hình lý thuyết được Trần Đình Sử tạo lập và ứng dụng thành công nhất trong hai công trình: Thi pháp thơ Tố Hữu (1987) và Thi pháp Truyện Kiều (2002). Có lẽ đây là một trong số hiếm hoi mô hình lý thuyết gây được ảnh hưởng rộng khắp giới nghiên cứu và môi trường sư phạm ở nước ta trong những thập niên vừa qua, cho đến giờ chưa hẳn đã dừng lại. Vai trò truyền bá tư tưởng Bakhtin của Trần Đình Sử, như vậy, thể hiện vừa trực tiếp qua các công trình giới thiệu và dịch thuật, vừa gián tiếp qua thành tựu nghiên cứu.
Ngoài ra, còn phải nhắc đến một tiểu luận rất công phu của Lê Ngọc Trà về “Hình thức và ý nghĩa của hình thức trong sáng tạo nghệ thuật” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu văn học số 1 năm 2013. Tác giả không chỉ ghi nhận vai trò gợi dẫn sâu sắc của Bakhtin về hình thức nghệ thuật trong tiểu luận “Vấn đề nội dung, chất liệu và hình thức trong sáng tạo nghệ thuật ngôn từ”, mà còn so sánh quan niệm của Bakhtin với một số quan niệm gần gũi.
Lê Ngọc Trà phát hiện, sự diễn đạt mối quan hệ giữa hình thức và nội dung của Bakhtin rất gần với Hegel: hình thức như là hình thức của nội dung và nội dung như là nội dung của hình thức. Đóng góp của Bakhtin không ở việc xác định bản chất mối quan hệ giữa nội dung và hình thức, mà ở cách giải thích cụ thể của ông về hình thức trong tác phẩm nghệ thuật qua sự phân biệt khách thể thẩm mỹ với tác phẩm vật chất, chất liệu và hình thức cấu tạo với hình thức kết cấu, để từ đó phê phán trường phái hình thức. Trong số những quan niệm cùng thời, thuật ngữ mà Bakhtin sử dụng hầu như trùng với thuật ngữ “hình thức có ý nghĩa” của C. Bell, cách giải thích khái niệm cũng có những điểm gặp gỡ: “cùng khẳng định năng lượng cảm xúc tích tụ trong hình thức cũng như cùng nhấn mạnh vai trò của người sáng tạo trong quá trình rung động và truyền rung động vào ngòi bút” [4, tr.14]. Song, sự khác biệt cũng rất lớn, ở chỗ Bakhtin luôn chú trọng vào đặc tính thẩm mỹ trong ý nghĩa của hình thức nghệ thuật, còn Bell không phân biệt ý nghĩa thẩm mỹ với ý nghĩa triết học, xã hội hay đạo đức.
Có lẽ Lê Ngọc Trà là người diễn giải sáng rõ, dễ hiểu bậc nhất các khái niệm thi pháp của Bakhtin. Qua trang viết của ông, ta có được cái nhìn khúc chiết về hình thức nghệ thuật theo quan niệm của Bakhtin như sau: Cái nhìn nghệ thuật là khái niệm tối cao thể hiện vai trò chủ động, tích cực của chủ thể trong quá trình tạo tác nghệ thuật. Cái nhìn nghệ thuật là sự hợp thể của nội dung và hình thức. Nội dung của cái nhìn nghệ thuật, như cách hiểu của Trần Đình Sử, là quan niệm nghệ thuật về thế giới con người. Hình thức cấu tạo là hình thức mang nội dung của cái nhìn nghệ thuật, là những nguyên tắc thể hiện sự quy định của cái nhìn nghệ thuật đối với quá trình tổ chức chất liệu thành tác phẩm nghệ thuật. Sự tổ chức chất liệu có tính mục đích nhằm cụ thể hóa cái nhìn nghệ thuật được gọi là hình thức kết cấu. Nếu Trần Đình Sử phân biệt hình thức bên trong là hình thức nghệ thuật với hình thức bên ngoài là hình thức chất liệu, thì theo Lê Ngọc Trà, bản thân hình thức nghệ thuật cũng có hai mặt của nó, và với quan niệm của Bakhtin thì hình thức kết cấu là mặt bên ngoài và hình thức cấu tạo là mặt bên trong. Với sự nhấn mạnh vào vai trò của hình thức cấu tạo, Bakhtin là một trong số hiếm hoi những người đã cố gắng lý giải hiện tượng chuyển hóa nội dung thành hình thức, hình thức bên trong thành hình thức bên ngoài. Trường phái cấu trúc, trong nỗ lực vượt qua trường phái hình thức, đã đề nghị thay thế khái niệm hình thức bằng khái niệm cấu trúc, nhằm khắc phục sự chia tách nội dung với hình thức nhờ chỗ có cấu trúc của hình thức, cũng có cấu trúc của nội dung. Dù đã chủ định không bỏ qua phương diện nội dung, song vấn đề cấu trúc lại chỉ được khoanh vùng trong phạm vi văn bản, nên thực chất cấu trúc luận cũng không thoát khỏi hạn chế lớn nhất mà Bakhtin đã chỉ ra ở hình thức luận: tách rời thuộc tính chủ thể của văn bản. Qua những gì Lê Ngọc Trà trình bày, ta thấy, mặc dù chủ nghĩa hình thức là đối tượng trực tiếp, song ý nghĩa phê phán trong quan điểm về hình thức nghệ thuật của Bakhtin có thể mở rộng ra các khuynh hướng lý thuyết chủ trương tính tự trị của văn bản nghệ thuật trong thế kỷ XX.
Nếu hiểu thi pháp học là bộ môn khoa học lấy hình thức nghệ thuật làm đối tượng trung tâm, thì những quan điểm lý thuyết tiến bộ của Bakhtin đã góp phần quan trọng trong sự tái xuất của thi pháp học ở Việt Nam vào những năm 1980. Không có một quan điểm hợp lý về hình thức nghệ thuật trên phương diện lý thuyết thì cũng không thể có một thái độ ứng xử phù hợp đối với những thực hành cách tân trên góc độ hình thức nghệ thuật. Do vậy, có thể nói, thi pháp học của Bakhtin cũng có vai trò nhất định trong bước chuyển của đời sống sáng tác văn học giai đoạn đổi mới.
PHAN TRỌNG HOÀNG LINH
____________
Tài liệu tham khảo:
1.Huỳnh Như Phương (2017), “Ferdinand De Saussure, Claude Lévi-Strauss và chủ nghĩa cấu trúc ở miền Nam Việt Nam (1954 – 1975), Tạp chí Nghiên cứu văn học, số tháng 2, tr.3-19.
2.Trần Đình Sử (2017), Dẫn luận thi pháp học văn học, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.
3.Lộc Phương Thủy (chủ biên), Lý luận phê bình văn học thế giới thế kỷ XX  (tập 1), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
4.Lê Ngọc Trà (2013), “Hình thức và ý nghĩa của hình thức trong sáng tạo nghệ thuật” (phần đầu), Tạp chí Nghiên cứu văn học, số tháng 1, tr.4-20.
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...