Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Đi biển và "đi bờ" - Tiểu luận của Hồ Anh Thái

Đi biển và "đi bờ"
Tiểu luận của Hồ Anh Thái

Trương Anh Quốc gọi Sóng là tiểu thuyết du ký, và thực sự anh cũng cấu trúc cuốn sách của mình theo lịch trình của một con tàu biển. Từ đầu đến cuối sách là chuyến tàu kéo dài hơn một năm đi một vòng quanh trái đất. Một ê kíp thủy thủ Việt Nam sang Nhật nhận tàu, thuyền trưởng là người Hàn Quốc. Con tàu ấy băng qua các đại dương, chở thuê hàng cảng này sang cảng khác, sau hơn một năm về đến Hàn Quốc, thủy thủ chia tay thuyền trưởng và máy trưởng, lên máy bay trở về Việt Nam, khép lại hành trình.
Nhà văn Trương Anh Quốc
Trên hành trình của con tàu, rất nhiều địa danh được nhắc đến: bắt đầu là Nhật Bản – qua Trung Quốc – qua xích đạo – sang lục địa Úc – đi qua eo Malacca – Ấn Độ – Nam Phi – châu Mỹ – qua kênh đào Panama – châu Âu – Ai Cập – kênh đào Suez – Úc – Hàn Quốc.
Bến cảng tiếp nối bến cảng, theo một cấu trúc như vậy, lẽ tất nhiên cuốn tiểu thuyết sẽ thiên về du ký, như một phóng sự nhiều kỳ. Kể về những hải cảng tàu từng cập bến, kể về những con người mà thủy thủ đã gặp trên những bến bờ năm châu.
Tác giả kể chuyện qua Trung Quốc, dạo chơi Trường Thành, rút thăm để mượn trang phục chụp ảnh. Rút hai lần chỉ được bộ áo vải nâu thường dân và anh lính hầu. Một người bạn rút được bộ thái giám thì “không chịu thử trang phục: – Thử đồ này sẽ xui tận mạng”.
Tàu đi vào sông Dương Tử, hoa tiêu địa phương dẫn tàu vào, rồi đòi thuốc 555. Đưa cho hai cây thuốc Marlboro, cậu hoa tiêu hầm hầm vứt luôn hai cây thuốc xuống sông. “Vứt thì nhịn”, nhưng rồi thủy thủ lại suy luận “chắc gì cậu hoa tiêu đòi thuốc để hút mà nhịn với không. Ngày nào cũng nhận thuốc, sức đâu hút lắm vậy”.
Các bến cảng cũng như các xã hội, nghèo đói và giàu sang, tiêu điều và hưng thịnh, thờ ơ và nồng nhiệt. Thủy thủ ta có khi gặp những cảnh đời thật éo le. Trong cả tấn giẻ đưa lên tàu để thợ máy sử dụng, chọn ra được mấy bộ quần áo trẻ em, xuống bến cảng đem cho người nghèo. Giẻ ở nơi này là quần áo cho nơi khác.
Thủy thủ ta gọi những chuyến rời tàu lên bờ là “đi bờ”, để phân biệt với việc quanh năm sóng nước là “đi biển”. Không phải cảng nào cũng được đi bờ. Có nơi kiểm tra an ninh rất nghiêm ngặt. Nhưng cũng nhiều nơi chỉ việc hối lộ cho cảnh sát mấy đồng bạc. Lên được bờ thì tụ tập uống bia và vui chơi với những cô gái địa phương. Người khác thì tìm ngay vào quán nét để nhận thư và gửi thư. Đời sống trên tàu, ngày tháng chỉ có công việc, cũng có khi tự tạo ra hội hè như đi qua xích đạo thì dựng một màn kịch, có người đóng vai thần biển, thủy thủ đóng vai những đứa con của thần biển nhảy múa hát ca. Khi tàu đi qua eo biển khét tiếng Malacca thì anh em tổ chức canh phòng và diễn tập chống cướp biển.
Chất du ký phóng sự tô đậm nên tất nhiên phần hư cấu tiểu thuyết không nhiều. Các nhân vật thoải mái đi vào và đi ra như một thiên ký sự cho nên tác giả cũng không tập trung xây dựng tính cách và phát triển số phận của nhân vật. Rốt cuộc chỉ có một vài nhân vật như bác đầu bếp Cúc là thấp thoáng ấn tượng: bác ngại đập tỏi nên cho tỏi vào miệng nhai rồi phun vào chảo dầu đang lèo xèo. Bác hay nhắc nhở nên anh em vào bếp cũng ngại lấy thực phẩm, đến mức có anh bạn phải nhặt thêm mấy quả trứng sống mang về phòng, rồi tàu lắc vì sóng to, trứng vỡ gây ra mùi khó ngửi cho cả tàu. Bác còn đóng vai thần biển ban phước cho thủy thủ khi tàu qua xích đạo, anh em phải cúi xuống ngửi giày bác, mà giày thì rất thối… Hay nhân vật thuyền trưởng Hyeong nói lắp: tàu đang đi, bất ngờ gặp một con tàu lớn đi ngang, thuyền trưởng đứng đơ ra không kịp phản ứng. Viên phó hai người Việt đành phải “cướp lệnh”, chỉ đạo cho tàu “lùi hết máy” rồi đánh tay lái, tránh được tai nạn hai tàu đâm vào nhau. Nhưng sau đó viên thuyền trưởng ngoại quốc lại quy tội cho phó hai đã “cướp lệnh” của ông ta. “Coi chừng tao tao tao đuổi mày”, ông ta nói lắp.
Ký sự các bến cảng được nối lại với nhau bằng nhân vật dẫn chuyện. Người dẫn chuyện có một cô bạn gái người Việt đang dạy học trong một trường ở Mỹ. Sáu bức thư của cô gái này cũng được dùng để kết nối cho chuỗi chuyện tách rời, nhưng tất nhiên phần hấp dẫn vẫn là chuyện trên các bến cảng và trên con tàu. Gây ấn tượng không phải là nhân vật dẫn chuyện mà là những người gặp trên bến cảng. Chú bé tóc quăn ở Ấn Độ thấy anh thủy thủ Việt Nam lạ mắt thì im lặng đi theo, cứ như để quan sát. Xua nó đi mãi mà không được, rồi vì thế mà lạc đường. Nhưng khi đã lạc, không biết đường tìm trở về bến cảng thì lại nhờ nó mà tìm về được. Làm ta lạc đường là một người, rồi giúp ta tìm lại đường cũng là người đó.
Người đọc nhớ Sóng nhờ những câu chuyện như vậy. 
***
Bìa sách “Sóng” của nhà văn Trương Anh Quốc.
Nhân đấy, tôi đọc lại tập truyện đầu tay của Trương Anh Quốc. Dịp ấy gần cuối năm 2005, tôi ở trong ban giám khảo cuộc thi Văn học tuổi hai mươi lần III (ba đơn vị tổ chức: Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, báo Tuổi Trẻ, Nhà xuất bản Trẻ). Bảy truyện ngắn của Quốc đều ghi viết trong khoảng tháng 3 và 4.2005, tức là mới chỉ vài ba tháng trước khi chấm giải. Bản thảo còn nóng hổi, và bảy truyện cũng nóng hổi một thực tế mà giới viết văn ít biết và hầu như chưa ai viết được.
Mười bảy năm rồi, quên đi nhiều cuốn sách đã đọc, nhưng nhớ đến cuốn sách của Quốc là nhớ truyện có anh chàng ở trên tàu hay buôn chuyện, anh ta phát tán sự nghi ngờ người khác lấy trộm bánh và thuốc chống say sóng đặt trong xuồng cứu hộ, nhưng rồi khi kiểm tra tàu thì lại phát hiện ra trong phòng anh ta tất cả những con dao bị mất trên tàu. Có dạo trên tàu thường xuyên bị mất dao nhưng hỏi thì không ai nhận đã lấy.
Đó là truyện Tình người ở biển. Truyện còn nhiều tình tiết thú vị, nhưng chi tiết con dao cứ bám chặt trong trí nhớ người đọc. Anh ta tích trữ dao làm gì, không ai biết và tác giả cũng không cần lý giải. Văn xuôi sống nhờ chi tiết, nếu không có những chi tiết như con dao ấy, người ta quên tác phẩm.
Đọc lại mà như đọc lần đầu. Lại thấy nhiều cái mới cái lạ của cuộc sống trên tàu biển. Thời ấy chưa có điện thoại di động, trên tàu cấm dùng máy chung gọi điện về nhà. Ngày tết, anh em phải cho người canh gác báo động đề phòng thuyền trưởng đến bắt được, rồi ngồi chung trong một phòng gọi điện về nước. Qua điện thoại, đứa con gái nhỏ của một anh kể chuyện hồn nhiên, đọc thơ cho bố nghe, mà toàn bộ thủy thủ cũng ngồi đấy nghe. Cho đến lúc có động, hóa ra là thuyền trưởng người Hàn đã lén đến áp tai vào vách để nghe, không hiểu tiếng Việt, chỉ là tiếng bi bô trẻ con ngày tết, mà khiến “mắt thuyền trưởng ươn ướt” (Gọi điện). Có lần cướp biển tấn công lên tàu, ban đầu anh em phải nộp toàn bộ tiền bạc để giữ mạng sống, nhưng rồi một người chống trả khiến toàn bộ những người trên tàu lao vào cuộc chiến đấu và khống chế được cướp. Kết cuộc, khi tàu về nước, người đầu tiên chống trả cướp biển bị sa thải (Cướp biển).
Người đọc hiểu, đấy là do quy định bảo toàn sinh mạng trên tàu biển của ta. Tác giả đã nhìn thấy sự trớ trêu của đời sống và của những quy định.
Cũng là chuyện bị mất đồ đạc, nhưng là mất những tờ giấy bạc, bộ sưu tập có được từ các nước tàu đi qua. Tìm không thấy, hỏi thì bị coi là xúc phạm, dẫn đến ẩu đả. Nhưng cũng như chuyện thuyền trưởng uống rượu xích mích với thuyền viên trong truyện Biển động, các cuộc ẩu đả đều trở nên vặt vãnh khi đứng trước biển, nhất là khi biển động và con tàu có thể bị vùi dập xuống lòng biển (Sưu tập).
Rồi cũng có khi trên tàu có khách lạ. Một người nghèo ở một hải cảng nào đó trốn lên tàu và chỉ bị phát hiện khi tàu đã ra khơi. Phải nuôi giữ người đó nhiều ngày trên biển, dần dần hình thành cảm tình giữa người với người. Nhưng quy định pháp lý đối với tàu và luật lệ của hải cảng khiến tàu không thể đưa người khách này vào bờ khi đến cảng biển một nước khác. Anh em trên tàu phải làm một cái xuồng, cho hoa quả bánh trái nước uống vào đấy, rồi bỏ vị khách đó xuống khi tàu ta sắp tiến vào hải cảng xa lạ. Xa lạ với thủy thủ và xa lạ với cả cái người muốn vượt biển đi kiếm sống. Chiếc xuồng cứ thế lênh đênh trôi nổi, chẳng ai biết nó có dám vào bờ và chấp nhận một số phận nghiệt ngã hay không.
Những tình huống những chi tiết như vậy đầy ắp trong tập truyện mỏng của Trương Anh Quốc. Khi ấy tác giả mới lần đầu viết văn nhưng đã gây được ấn tượng tốt. Quốc mạnh về chi tiết, về hiểu biết đời sống trên tàu và trên biển. Truyện của Quốc giống như bút ký, ghi chép tỉ mỉ và thật thà, nhiều chi tiết rườm rà thú vị nhưng hơi xa rời chủ đề, câu chữ cũng còn mộc mạc cần được trau chuốt hơn. Những cái đó vừa gây thích thú vừa có phần hạn chế sự bay bổng của hư cấu và cách phát triển cốt truyện.
Mười bảy năm đọc lại, vẫn thấy đây là tập truyện ấn tượng nhất của Trương Anh Quốc, dù cuộc thi tiếp sau đó, năm 2010, Quốc đã đoạt giải nhất với tiểu thuyết Biển. Và bây giờ với tiểu thuyết Sóng, anh đã tiến bước trên chặng đường hình thành một tác giả được yêu mến.
HỒ ANH THÁI
_______________
* Sóng biển rì rào, tập truyện ngắn, Trương Anh Quốc, nxb Trẻ
* Sóng, tiểu thuyết du ký, Trương Anh Quốc, nxb Hội Nhà văn.
 
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: Viettnam.net
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...