Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Tự tín, một phẩm chất của Nho gia ngày trước

Tự tín, một phẩm chất
của Nho gia ngày trước

Nho giáo, với tư cách là một học thuyết đạo đức, thường nhấn mạnh sự đòi hỏi về đức khiêm cung ở người quân tử. “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích” - cái đầy gọi cái vơi, võng xuống thì được làm cho đầy trở lại - đây chính là một “lý do triết học” dẫn đến đòi hỏi đạo đức nói trên trong Nho giáo.
Mặt khác, vốn hình dung các mô hình “quốc gia”, “thiên hạ”, cho đến toàn bộ “thiên địa” đều là những mô hình được mở rộng từ hạt nhân gia đình – nghĩa là mô hình của các quan hệ huyết thống, thân tộc, có người nhỏ, có người lớn, có bậc gia trưởng, có kẻ hậu sinh – Nho giáo đương nhiên đề cao đức khiêm cung: đó là thái độ ứng xử cần phải có của con cái với cha mẹ, của kẻ dưới với người trên, của bề tôi với vua, của con người nói chung với trời đất. “Khiêm” nghĩa là phải biết nhún mình xuống.
“Khiêm” nghĩa là không ngạo mạn, không kiêu. Thế nhưng, trong quan niệm Nho giáo và trong thực tế lịch sử rất lâu dài, nhà Nho lại là “kẻ bảo trợ tự nhiên” của dân chúng. Đối với các đấng “con trời”, nhà Nho vừa giữ đạo thần tử vừa có sứ mệnh can gián, thậm chí chỉ trích hoặc bất hợp tác, nếu họ không đi theo chính đạo. Cái vị thế đặc biệt ấy, dù muốn hay không cũng là cơ sở để nhà Nho tự đo được tầm ảnh hưởng của mình trong đời sống xã hội. Và, một cách tự nhiên, ở những khoảnh khắc thời gian nào đó trong cuộc đời, nhà Nho sẽ vượt thoát ra khỏi yêu cầu phải khiêm cung của học thuyết đạo đức Nho giáo: họ tự nhận thức, đôi khi rất mạnh mẽ và đầy thích thú, về những phẩm chất cá nhân của mình, những phẩm chất “trội”, có thể nói như vậy. Khi đó, cái kiêu đã thế chỗ cái khiêm.
Trong hai loại hình nhà Nho chính thống: nhà Nho hành đạo và nhà Nho ẩn dật, nếu căn cứ vào trước tác của họ, ít thấy những biểu hiện kiêu ở mẫu người thứ nhất. Có thể là vì những phẩm chất “trội” của họ, nếu có, đã tan vào ý thức nghĩa vụ, trở thành một điều bình thường, “không có gì đáng nói”. Nhưng, với nhà Nho ẩn dật thì hoàn toàn khác. Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương đã viết về mẫu người này: “Không xuất chính, không nhận áo mũ của triều đình, không vướng bận nhiều với thân phận thần tử, lại thuộc loại người được triều đình miễn mọi thứ lao dịch, tô thuế, người ẩn dật “cày lấy ruộng mà ăn, đào lấy giếng mà uống”. Họ tự tách mình ra khỏi những sinh hoạt chính trị, coi mình vô can, thường đứng ra ngoài, thậm chí nhiều lúc tự coi là đứng lên trên mọi thay đổi trong xã hội, tự cho phép mình làm “phán quan của lịch sử”… Họ vẫn thường nói rằng “thế lộ đầy gai chông”, tự nhận (thường là khiêm tốn giả tạo mà kiêu ngạo đích thực) rằng mình “vụng về, lười biếng, bất tài”, thậm chí “ngu dốt”. Đến mức họ lấy những thuộc tính kể trên đặt cho mình thành tên hiệu, tên tự – những Chuyết ông, Lãn ông, Ngu ông…” (“Nhà Nho tài tử và văn học Việt Nam” – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 1999. tr39).
Nói cách khác, với nhà Nho ẩn dật, thế giới này là họ và đám người tầm thường còn lại. Đọc các sáng tác văn chương của nhà Nho ẩn dật thì rõ. Ngoảnh mặt quay lưng với toàn bộ các thể chế chính trị, phủ nhận mọi bảng biểu giá trị trong cuộc sống của người đời, nhà Nho ẩn dật hòa mình vào thiên nhiên hoang dã, coi mình tựa như thần tiên. Sống ẩn dật ở Côn Sơn, Nguyễn Trãi có: “Láng giềng một khóm mây bạc/ Khách khứa ba ngàn núi xanh“, rồi: “Núi láng giềng, chim bầu bạn/ Mây khách khứa, nguyệt anh em“. Nguyễn Hàng thì tỏ ra thỏa mãn tột độ với điều kiện sinh hoạt ở mức tối thiểu:
“Sớm ba chén chè sen mát ruột, nài chi vò đất hẩm hiu
Bữa vài lưng cơm mốc no lòng, sá quản mâm đan xộc xệch
Vị tươi thường ngọn quất, lá vi
Miếng ngon đủ nhân tùng hạt bách
Tiệc vầy tiên tử, một niêu canh cẩu kỷ chát xì
Yến thiết cố nhân, lưng bầu rượu xương bồ cay rách
Thuốc phì phèo quản sậy điếu tre
Trầu phúm phím vỏ đa rễ quạch…”
(Tịch cư ninh thể phú)
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì lại tự nhận mình “dại”, như một cách để phân biệt mình với thế nhân và ông hỉ hả bởi cái “dại” của mình – cái dại của người minh triết, người đứng cao hơn hẳn thế nhân: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người ở chốn lao xao/ Thu ăn măng trúc đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao“.
Nguyễn Khuyến, một trong những người ở ẩn cuối cùng của lịch sử Nho giáo Việt Nam, có thể nói, là biệt lệ cho mẫu nhà Nho ẩn dật. Biệt lệ, bởi sự cáo quan về ở ẩn của ông là một bước thoái lui đầy miễn cưỡng. Biệt lệ, bởi trong bối cảnh chế độ thực dân đang ra sức khai thác thuộc địa, làm gì còn chốn để người ở ẩn có thể sống an nhàn, thích thảng như trước? Biệt lệ, bởi cả việc dù đã tự nhận là người ở ẩn, song Nguyễn Khuyến lại vẫn tự mãn với những giá trị rất đời thường. Ông bộc lộ cái kiêu, ông khoe sự đỗ đạt của mình khi dặn dò con trai trong bài “Di chúc” nổi tiếng: “Học tiếng rằng chẳng hay chi cả/ Cưỡi đầu người kể đã ba phen“. Và, trong cái tâm thế nhùng nhằng “cờ đương dở cuộc không còn nước, bạc chửa thâu canh đã chạy làng” của người ở ẩn bất đắc dĩ, ông Tam nguyên lại khẳng định mình, lại kiêu bằng cách tự thể hiện qua những hình tượng anh giả điếc, lão đá rất nghịch phách v.v… Đặc biệt là qua hình tượng ông say ngất ngơ ngất ngưởng bất chấp điều tiếng của người đời: “Lúc hứng đánh thêm dăm chén rượu/ Khi buồn ngâm láo một câu thơ“, “Câu thơ được chửa, thưa rằng được/ Chén rượu say rồi, nói chửa say“…
Nhưng, nói đến cái kiêu của nhà Nho, phổ biến nhất và đậm đặc nhất, phải xét ở loại hình nhà Nho phi chính thống: nhà Nho tài tử – lực lượng tác giả về cơ bản đã làm nên diện mạo chói sáng của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX. Học giả Phan Ngọc viết: “Các tài tử ra đời để thay thế các quân tử, các trượng phu, là những người độc chiếm văn đàn trước đây. Các tài tử ấy học đạo thánh hiền nhưng suy nghĩ theo lối thị dân. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát đều tự xưng là tài tử. Con người tài tử là điển hình mới của thời đại” (“Tìm hiểu phong cách của Nguyễn Du trong Truyện Kiều” – NXB Hà Nội. 1985. tr45). Theo nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương, điểm phân biệt giữa nhà Nho tài tử với nhà Nho hành đạo và nhà Nho ẩn dật là ở chỗ nhà Nho tài tử coi “tài” và “tình”, chứ không phải đạo đức, là cái làm nên giá trị con người. Họ “thị tài” và “đa tình”. Mà “thị tài” là gì, nếu không phải là sự tự nhận thức và tự tín rằng tài năng của mình vượt trội nhân quần? Trong quan niệm của nhà Nho tài tử, “tài” có thể là tài trị nước, tài cầm quân, có thể là tài trong học vấn. Nhưng, nhất thiết phải có tài nhả ngọc phun châu (tài văn chương), và rộng hơn nữa là cầm, kỳ, thi, họa thì mới đáng gọi là kẻ có tài. Có tài thì phải khoe tài, phải phô ra cho thiên hạ thấy và cũng là để tự thấy mình “cao giá” hơn thiên hạ. Một người luôn buồn bã, u sầu như Nguyễn Du, đôi lúc (trong thơ chữ Hán) cũng hé cho kẻ hậu nhân cái kiêu “ngầm” của mình.
Xin lấy vài ví dụ: 1- “Tính thành hạc hĩnh hà dung đoạn/ Mệnh đẳng hồng mao bất tự tri” (Chân hạc dài là tự tính trời, cắt ngắn sao được. Tính mệnh nhẹ như lông hồng mà không tự biết), 2- “Tam thập hành canh lục xích thân/ Thông minh xuyên tạc tổn thiên chân” (Tấm thân sáu thước đã ba mươi tuổi rồi. Vì thông minh làm xuyên tạc, hại đến tính trời). Ví dụ 2, tác giả tự nhận mình “thông minh”, “một đời từ phú” và “sách đàn đầy giá”, cái đó khá dễ nhận ra. Ví dụ 1, nếu “diễn nôm” thì sẽ là: biết có tài thì khổ nhưng cái tài của tôi giống như cái chân chim hạc vậy, trời sinh đã dài, làm sao cắt được?
Với một con người hành động và tài năng đa dạng như Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ thì cái kiêu sẽ trở nên phô lộ hơn, mạnh mẽ hơn rất nhiều. Ông tự thể hiện cái tôi của mình ngay trong một thứ trò chơi rất tầm thường như trò tổ tôm: “Tài kinh luân xoay dọc xoay ngang/ Cơ điều đạc quân ăn quân đánh/ Gọi một tiếng, người đều khởi kính/ Dậy ba quân ai chẳng dám nhường/ Cất nếp lên bốn mặt khôn đương/ Hạ bài xuống tam khôi chiếm cả“. Ông tự tin vào tài năng cá nhân đến mức có thể tuyên bố: “Vũ trụ giai ngô phận sự” (mọi việc trong vũ trụ đều là việc của ta). Ông luôn nhắc đi nhắc lại những “tài trai”, “chí tang bồng”, “chí anh hùng”, “chí nam nhi”. Ông khao khát một sự nghiệp anh hùng được dựng lên bằng chính tài năng và chí khí của mình: “Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ/ Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong/ Chí những toan xẻ núi lấp sông/ Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ“. Có thể nói, nếu đó là lời hứa hẹn, lời tự nhủ, thì quả là nhà Nho tài tử Nguyễn Công Trứ, bằng cuộc đời hoạt động sôi nổi, lắm thăng trầm của mình, đã thực hiện lời hứa hẹn ấy một cách thật trọn vẹn.
Sinh sau Nguyễn Công Trứ 31 năm, Cao Bá Quát lớn lên khi triều Nguyễn đã củng cố vững chắc sự thống trị của mình. Tuy thế, với tư chất cá nhân, với tài năng văn chương thiên phú, ông vẫn nuôi dưỡng cho mình những giấc mơ táo bạo, bất chấp sự đặc lại của bầu khí quyển văn hóa chuyên chế. Có lẽ, chỉ cần một bài “Tài tử đa cùng phú” là đủ thấy Cao Bá Quát tự tin ra sao về tài năng và ông đã tự họa chân dung mình bằng những đường nét màu sắc rực rỡ đến thế nào:
“Có một người:
Khổ dạng trâm anh
Nết na chương phủ
Hơi miệng sữa tuổi còn giọt máu, nét hào hoa chừng ná Tấn, Dương
Chòm tóc xanh vừa chấm ngang vai, lời khí nghiệp những so Y, Phó
Nghiên gợn sóng vẽ vời điển tịch, nét nhạn điểm lăn tăn
Bút vén mây dìu dặt văn chương, vòng thuyền khuyên lỗ chỗ
Nghiêng cánh nhạn tếch mái rừng Nhan Khổng, chí xông pha nào quản chông gai
Cựa đuôi kình toan vượt bể Trình Chu, tài bay nhảy ngại chi lao khổ
Lắc bầu rượu dốc nghiêng non nước xuống, chén tiếu đàm mời mọc trích tiên
Hóng túi thơ nong hết gió trăng vào, cơn xướng họa thì thầm lão Đỗ…“.
Để đo tài năng cá nhân mình, Cao Bá Quát đã không ngần ngại mượn những danh sĩ Trung Hoa làm vật chuẩn: Lạc Tân vương, Dương Quýnh, Y Doãn, Phó Duyệt, Lý Bạch, Đỗ Phủ. Và, trong thế đối sánh xuyên thời gian ấy, nhà Nho Việt Nam tự thấy mình không hề kém cạnh.
Nhà Nho tài tử là như vậy, luôn thị tài, cậy tài, khoe tài, dẫu thừa thấm thía rằng “chữ tài liền với chữ tai một vần“. Ngay ở đại diện cuối cùng của mẫu người này, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, sự thị tài cũng đã kịp vượt ra ngoài biên giới người đời, chỉ có Trời mới đủ tầm để cảm thấu tài năng của ông: “Trời lại phê cho: Văn thật tuyệt/ Văn trần được thế chắc có ít/ Lời văn chuốt đẹp như sao băng/ Khí văn hùng mạnh như mây chuyển/ Êm như gió thoảng, tinh như sương/ Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết…“.
Nhà Nho – kẻ sĩ – người trí thức của một giai đoạn lịch sử một đi không trở lại. Cái kiêu của nhà Nho, xét cho cùng, là sự tự tín đầy đủ và mạnh mẽ về những phẩm chất, những năng lực cá nhân vốn có, thực có. Còn người trí thức của thời hiện đại thì sao? Có vẻ như họ đã và đang phải chịu sức ép quá lớn của một thứ chủ nghĩa (phải) khiêm tốn nào đó. Hoặc phải chăng họ chưa có đủ sự tự tín cần thiết như nhà Nho ngày trước?
HOÀI NAM
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: Viettnam.net
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tuổi chớm thu Dòng nắng ấm rửa trôi màu lá cũ lá không vàng để mùa bước vào thu ào cơn mưa run lẩy bẩy trên cành gió đan vuốt … ...