Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Khi ngòi bút cần thêm một dáng đứng

Khi ngòi bút
cần thêm một dáng đứng

Nhật ký chiến tranh vẫn là nhật ký, Chu Cẩm Phong viết cho riêng anh, viết không phải để in, để công bố và như các cuốn nhật ký khác, mọi điều trong đó không bị tô vẽ, gò gượng, chúng rất thật, chúng không minh họa một ý tưởng chủ quan nào, cũng không nhắm làm hài lòng bất cứ cây đũa chỉ huy nào. Cái thật của dạng nhật ký ấy – sau mấy chục năm – hôm nay đến tay chúng ta bỗng trở thành bản tráng ca giàu sức thuyết phục nhất, sinh động nhất, lung linh huyền ảo nhất về gương mặt thật của cuộc chiến tranh mà toàn dân ta đã tiến hành.    
Nhà văn Chu Cẩm Phong
Địa bàn mà nhà báo, nhà văn Chu Cẩm Phong sống, làm việc là một chiến trường tiêu biểu cho cả sự gian nan, thiếu đói và ác liệt của chiến trường Miền Nam. Đó là những đận thiếu gạo, thiếu muối dài ngày; là bệnh sốt rét ác tính; là lam sơn chướng khí ở các cánh rừng phía Tây Tây Nguyên, Tây Quảng Nam, Tây Quảng Đà, Tây Quảng Ngãi… Đó là sự đụng độ hàng ngày với pháo bày, đạn bắn thẳng, xe tăng, giang thuyền, những cuộc càn quyét của lính Mỹ, lính Đại Hàn, lính biệt kích người Nùng… khi bám dân bám đất ở các vùng tranh chấp ven biển Quảng Ngãi, Quảng Nam. Những ai đã từng trải qua thử thách ở những mảnh đất chiến trường như thế, đọc nhật ký của Chu Cẩm Phong chắc chắn càng rung động hơn với từng trang viết của anh…
Trong Nhật ký Chiến tranh, có thể đếm được trên đầu ngón tay những ngày anh được thơ thới, khỏe mạnh. Giáp địch khi đang sốt; ngủ qua đêm cũng trong cơn mê sảng vì bệnh tật đang dày vò; lội suối, vượt dốc ngay cả khi mắt mờ, đôi chân bải hoải cơ hồ không muốn cất bước vì đói gạo, lạt muối. Đã thế, cuộc sống hàng ngày của anh lại quá căng thẳng, hầu như luôn cận kề với cái chết. “Quay về C. Thanh. Ba ngày nay, bị ba trận bom. Đi đến đâu gặp bom tới đó. Sáng nay lại bị một trận bom“ (Ngày 14-5-1968). “Buổi chiều đang ngồi làm việc thì bị oanh tạc. Một trái pháo tàu nổ trên bờ đất cách mình 2 thước.Đất bụi đổ tối tăm phủ lên giấy tờ, sổ tay, bút…” (Ngày 21-5-1968). “Buổi sáng định đến thăm chị Ca (vợ anh Ca, người đã hy sinh anh dũng trong đợt Tổng Công kích), mọi người đều ngăn. Vừa lúc đó HU1A, tàu rọ quần thảo, bắn nát rồi xe tăng trong Bình Dương càn ra. Phải chui hầm từ 9giờ đến 15giờ…” (22-5-1968).
Sống như thế mà Chu Cẩm Phong ghi được gần một ngàn trang nhật ký, ghi khá đều đặn, ghi từ năm 1967, qua 1968, 1969, 1970 và cho đến gần hết những ngày tháng 4 năm 1971 – nghĩa là trước khi anh hy sinh mấy ngày. Càng đáng ngạc nhiên, cảm phục hơn khi hỏi chuyện những ai được tiếp xúc với những trang nhật ký này ở dạng nguyên bản gốc; hỏi chuyện cả những người làm công tác biên tập của nhà xuất bản, chúng ta được biết rằng câu cú, chữ nghĩa, hình ảnh, thậm chí cả mạch văn – tất cả trong trẻo, giàu chi tiết, nóng hổi cảm xúc và rất tươm tất. Không phải ai sống trong hoàn cảnh Chu Cẩm Phong cũng làm được công việc ấy như anh. Thành thử nghị lực, lòng lạc quan, yêu đời, nếu muốn nói- kể cả tác phong cần mẫn, chăm chỉ của một người hành nghề báo, nghề văn thì phải bắt đầu tính từ đây.
Nhật ký chiến tranh còn khiến chúng ta sửng sốt vì nhiều điều khác.
Sức hấp dẫn của tập sách bắt đầu ngay từ trang một, và dù là nhật ký, là truyện người thật việc thật, chúng ta vẫn bị cuốn hút như không muốn ngừng giữa chừng, như muốn nín thở mà theo đuổi cho đến tận trang cuối. Càng kỳ lạ hơn, vẫn là chuyện các má, các chị, các em đưa bộ đội qua đồn bốt giặc, tham gia phá ấp chiến lược để bung về quê cũ, tham gia chống càn hoặc đánh đồn tiêu diệt bọn lính Mỹ, lính Đại Hàn, chuyện tình cảm của các bà má Quảng Đà nuôi giấu, chăm nom thương bệnh binh miền Bắc..những cung cách ứng xử, suy nghĩ nội tâm, lời ăn tiếng nói, hành động anh hùng của hàng trăm nhân vật có tên hoặc không có tên mà Chu Cẩm Phong ghi vào nhật ký đều mỗi người mỗi vẻ, không ai giống ai.Nhiều nhân vật người thật việc thật ấy đã lờ mờ hiện lên hình ảnh, tính cách của những nhân vật văn học. “… chồng chị kháng chiến trước cũng là bộ đội thị, anh đi tập kết lúc chị có mang hai tháng.Ở lại quê chị vừa sinh được một tháng thì chúng bắt hai mẹ con ra phơi nắng buộc chị ly dị chồng..Chị bồng con ngồi giữa nắng tháng sáu, chiếc áo bà ba đen nóng rẫy như một miếng sắt nung đỏ áp vào lưng. Chị ôm chặt con vào lòng, cúi gập xuống, cố lấy thân mình che nắng cho con, chị xổ mái tóc dày của chị làm tấm rèm che nắng cho con, đứa bé đỏ hỏn vẫn nhắm nghiền cặp mắt khóc thét đến tắt cả tiếng. Chị không khóc mà nước mắt cứ trào ra vì căm giận kẻ ác và xót thương hòn máu của chồng để lại. Nước mắt chị nhỏ xuống mặt con, chị không lau chùi, mong nước mắt mình, nước mắt của người mẹ sẽ làm dịu bớt cơn nóng thiêu đốt“ (7-5-1968). “Hai vợ chồng đều ở trong đội du kích. Trước lúc anh ra đi, chị xé gói thuốc muối ra làm hai, một nửa nhét vào túi chồng, một nửa đem chôn với gói đồ đạc, chị dẫn con Tùy chỉ chỗ chôn giấu, dặn nếu ba về lại đau bao tử thì lấy lên cho ba uống. Sau này (tức sau khi chồng hy sinh) chị cứ ân hận mãi, bữa đó vội quá không tìm ra miếng nilon nào gói thuốc muối cho anh. Gói trong giấy báo sợ ướt mất” (6-6-1968).” Ông Dụng kể: “Nghe tiếng còi rúc, tôi đã thấy hắn trước mặt, đã bơi quay vào. Hắn kêu đứng lại, tôi cứ bơi. Hắn nổ hai phát súng cacbin, tôi biết hắn bắn dọa để bắt mình, tôi cố bơi tới, khi thấy đạn nổ đỏ sát mặt nước thì tôi chòi người khỏi thúng. Hắn bắn rát quá tôi lặn xuống. Đạn đi trên nước nóng sôi da lưng. Nhờ tôi lặn…”. “Bữa sau có vậy đừng có bơi, thà để hắn bắt hắn thả về, chứ không thì chết”- Bà Đụng nói. Ông Đụng: “Chớ nói dai, hắn bắt lấy ai ở với bà?” (22-1-1969).
Trong Nhật ký chiến tranh chúng ta bắt gặp tâm trạng day dứt, trăn trở của Chu Cẩm Phong khi anh không thể viết cho xong một cái ký, hoặc không thể hiện những điều tai nghe mắt thấy thành hình tượng văn học trong một truyện ngắn, truyện vừa. Vì thế dễ dàng đoán được anh đã ghi nhật ký như cái cách để những việc đã trải, những người đã gặp không tuột trôi, không lẫn lộn trong trí nhớ, để lưu giữ những hạt mảy vàng nguyên sơ ấy dành cho những gì sẽ viết mai sau. Nói thế, nhưng trước hết Nhật ký chiến tranh vẫn là nhật ký, Chu Cẩm Phong viết cho riêng anh, viết không phải để in, để công bố và như các cuốn nhật ký khác, mọi điều trong đó không bị tô vẽ, gò gương, chúng rất thật, chúng không minh họa một ý tưởng chủ quan nào, cũng không làm hài lòng bất cứ cây đũa chỉ huy nào. Cái thật của dạng nhật ký ấy-sau mấy chục năm-hôm nay đến tay chúng ta bỗng trở thành bản tráng ca giàu sức thuyết phục nhất, sinh động nhất, lung linh huyền ảo nhất về gương mặt thất của cuộc chiến tranh nhân dân mà toàn dân ta đã tiến hành.
Đọc Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong thiết nghĩ, những thế hệ lớn lên sau chiến tranh cũng có thể hiểu được thế nào là ba thứ quân, là hai chân ba mũi, là những đòn tiến công của đội quân tóc dài, là quân sự kết hợp với chính trị. Kể cả những câu hỏi bấy lâu với ai đó còn là điều lơ mơ, bảng lảng, chưa tìm ra hoặc cố tình không muốn tìm ra lời khẳng định cụ thể, ví như bản chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh, nhân dân đứng về phía ai trong cuộc chiến tranh đó, ví sức mạnh nào giúp chúng ta đã chiến thắng được sắt thép và nền khoa học quân sự hiện đại của Mỹ. Nhật ký chiến tranh cũng sẽ cung cấp những câu trả lời chính xác, đầy sức thuyết phục.
Tư tưởng nhân văn trong Nhật ký chiến tranh không phải là điều gì mơ hồ, trìu tượng. Những suy ngẫm súc tích, lắng đọng về những người lao động bình thường, về một nhân dân đã không buông trôi số phận cho những thách đố mà gan góc, hồn nhiên, quả cảm đứng lên làm chủ cuộc đời đầy ắp trong mỗi đoạn, mỗi trang. Mọi điều được làm cho bừng sáng bởi ước vọng độc lập tự do- một khát vọng thẳm sâu, một lẽ sống còn mất của từng cụ già, từng em nhỏ, của người lính cầm súng gan góc xông lên trước cửa mở nhằng nhịt lửa đạn, của các mẹ các chị san lấp từng hố bom, hố pháo lấy đất găm dặm những giây rau khoai, những hom sắn.. Nỗi thương cảm cá nhân và số phận nhân dân trong những năm tháng lịch sử không quên ấy đối với Chu Cẩm Phong chính là nỗi xót xa, đau đớn cho những người đồng chí, đồng bào sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng cửa tan nhà nát vì mục tiêu chiến đấu chung.
Tin rằng sẽ có có những chuyên luận riêng khảo sát nhiều mặt giá trị nữa của tác phẩm này.
Để kết thúc bài viết, xin được đề cập một mặt khác, một khía cạnh khác – cập nhật hơn, nóng hổi hơn mà Nhật ký chiến tranh khơi gợi trong mỗi chúng ta. Đó là mối quan hệ giữa văn học và cuộc đời; giữa nhà văn và nhân dân của mình.Những năm tháng ở chiến trường Quảng Đà, ban đầu Chu Cẩm Phong là phóng viên Việt Nam Thông tấn xã, sau chuyển qua công tác ở Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Khu V. Làm nhà báo, viết văn, nhưng anh đâu chỉ có đi thực tế để gom tài liệu, để viết. Giống như nhiều nhà văn, nhà báo sống ở chiến trường thời đó, Chu Cẩm Phong đã làm mọi việc mà tình huống trận mạc yêu cầu hoặc khả năng anh có thể làm được: hò hát, nói chuyện thời sự, viết truyền đơn địch vận, bàn phương án tổ chức làng chiến đấu với Đảng ủy xã, trực tiếp tham gia chống càn cùng anh chị em du kích địa phương… lăn lộn, chia sẻ ngọt bùi với bà con cô bác, đặc biệt toàn ở những giây phút cam go, sinh tử. Có lẽ chính từ điểm mạnh này, Chu Cẩm Phong đã phát hiện được nhiều vấn đề thuộc bản chất của cuộc chiến tranh.
Cũng chính vì sự gắn kết máu thịt với nhân dân như thế, Chu Cẩm Phong hiểu rõ công lao và sự hy sinh vô bờ bến của người dân cho chiến công và chiến thắng. Và thật xúc động biết bao, trên những trang nhật ký này, ngay từ những ngày tháng ấy, Chu Cẩm Phong đã nghĩ tới mối ân tình và sự báo đáp đối với bà con cô bác sau ngày chiến tranh kết thúc “Mình cứ nghĩ với những gia đình rất mực trung thành và hết sức cách mạng đó sau ngày giải phóng phải có môt ưu đã đặc biệt, thật xứng đáng” (ngày 9-8-1967). Đi sâu, đi sát với cuộc đời và nhân dân của mình như vậy, điều còn quan trọng hơn- đi vào thực tế với tất cả tình yêu và ý thức trách nhiệm của một người trong cuộc như Chu Cẩm Phong –chỉ bằng cách ấy, người viết mới hy vọng mang hồn cốt cho từng trang viết, mang tới sức thuyết phục và sức truyền cảm cho bạn đọc của mình.
Thành thử Nhật ký chiến tranh còn tiềm ẩn một giá trị thẳm sâu khác: Cuốn sách chính là lời tự bạch của một người viết khi tự đáy sâu tâm can hiểu rõ rằng, trong những cơn biến động dữ dằn cũng như ở những khúc ngoặt của Lịch sử, anh ta phải sống, phải cảm nhận, thâu gom chất liệu đúng, sai ra sao đây để Nhân dân bao giờ cũng là phải Nhân Vật Số Một trong các trang viết của mình.
TÔ HOÀNG
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những chuyến đò mưa

Những chuyến đò mưa Đò chở những bà mẹ nghèo sang chợ Than bên kia sông bán những thứ của nhà làm ra hoặc buôn thúng bán mẹt. Năm ngày 2 p...