Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Vũ điệu cao nguyên "Nóng bừng ngọn lửa" thơ Trần Nguyệt Ánh

Vũ điệu cao nguyên "Nóng bừng
ngọn lửa" thơ Trần Nguyệt Ánh

Thơ là tiếng vọng kỳ diệu bí ẩn từ tâm hồn con người. Thơ và người làm thơ đích thực luôn hướng tới cái mới cái đẹp cái thiện. Và còn điều gì nữa? Kể từ khi thể thơ 1-2-3 xuất hiện được đông đảo bạn thơ hưởng ứng sáng tác, nhiều nhất là đội ngũ giáo viên, trong đó có cô giáo Trần Nguyệt Ánh từ Buôn Hồ, Đắk Lắk thì tôi cứ miên man nghĩ: Phải chăng thể thơ mới thuần Việt ngắn gọn này còn giúp các thầy cô giáo rèn chữ, nhả chữ chính xác trên mọi văn bản và lời giảng của mình?
Ngoài việc tiết chế cảm xúc, cô đúc hình tượng thì thơ 1-2-3 còn giúp người làm thơ lựa chọn ngôn từ một cách chuẩn xác hơn để truyền đi thông điệp thẩm mỹ. Có người khi sáng tác thơ tự do hoặc các thể loại thơ khác thường thể hiện một cách dàn trải từ cảm xúc đến hình tượng, ngôn ngữ, thi ảnh,… nhưng khi viết thơ 1-2-3 thì diễn ngôn cô đọng, hàm súc, sâu lắng và có tính khái quát cao. Trần Nguyệt Ánh là một cây bút như vậy qua hàng trăm bài thơ thuần Việt đã đăng tải trên các diễn đàn và tập hợp chọn lọc trong tập thơ Vọng núi (NXB Hội Nhà văn, tháng 4-2022).
Nhà thơ – nhà giáo Trần Nguyệt Ánh ở Đắk Lắk
Trưởng thành từ Tây Nguyên, Trần Nguyệt Ánh dành tình yêu lớn lao cho vùng đất đầy huyền tích, để từ chiều sâu tâm thức văn hóa nguồn cội tâm hồn mình cũng được rộng mở:
Muốn hoá thân thành chim phí bay khắp bầu trời
 
Vỗ cánh đỉnh Chư Yang Sin nhìn rõ hơn cội nguồn
Ai là người khai hoang vỡ đất
 
Ai dệt nên gấm vóc giang sơn?
Ai đã làm nên điệu hồn dân tộc?
Âm vang Tây Nguyên ngập tràn hương sắc?
Hỏi cũng là để trả lời. Hỏi cũng là cách nhắc nhở, nhắc mình nhắc người về công ơn tổ tiên “khai hoang vỡ đất” dệt nên giang sơn gấm vóc muôn đời cho con cháu. Và hỏi cũng là một cách khơi dậy niềm tự hào về một Tây Nguyên hương sắc ngân vang giai điệu da diết: “Bản hoà tấu cồng chiêng vút lên/ Âm thanh cuộn trào từ dòng Sê-rê-pôk/ Bật ra từ những cánh rừng già/ Bung lên từ lòng đất ba-zan/ Tiếng của núi sông, hoà âm vào hồn dân tộc/ Bên nhà rông, lễ thổi tai cho một sinh linh chào đời”.
Tập thơ 1-2-3 “Vọng núi” của Trần Nguyệt Ánh
Am hiểu lịch sử và văn hóa, đó không chỉ là nền tảng cần thiết mà còn là thế mạnh cho người sáng tạo nghệ thuật. Bề dày lịch sử và sắc thái văn hóa Tây Nguyên thấm đẫm, hòa quyện một cách quyến rũ trong thế giới thơ Trần Nguyệt Ánh. Từng nghi lễ, phong tục, tập quán, ứng xử được tái hiện một cách sinh động bằng những bức tranh thu nhỏ ấn tượng. “Em gùi mùa xuân hoa nở núi đồi// Xúng xính m’yêng xinh khăn hồng xuống phố/ Tiếng cồng chiêng rộn ràng từ buôn xa vọng vang xóm nhỏ”. Rõ ràng cái bức tranh xuân Tây Nguyên ấy không những khác biệt mà còn mang vẻ đẹp hiếm có: “Lúa mới thơm nồng ủ hương rượu cần Ban Mê/ Cúc quỳ tô má em ngời sắc xuân thì/ Cùng nắm tay nhau đi hết nấc thang nhà sàn quê mẹ!”.
Với rung động giới tính, thơ Trần Nguyệt Ánh cũng đầy sắc màu sông núi Tây Nguyên bí ẩn:
Gió nay lạnh làm run chiều phố núi
 
Ban Mê em như cũng tái tê lòng
Vũ điệu xoang nóng bừng lên ngọn lửa
 
Chạm ánh mắt anh cháy cả đại ngàn
Tình em mãi là con sông dòng suối
Chảy về nguồn giữa làng bản mênh mông!
Hồn nhiên và mãnh liệt với ái tình đến thế là cùng: “Chạm ánh mắt anh cháy cả đại ngàn”. Đến đại ngàn còn cháy huống chi em cũng nóng chảy thôi! Thế nhưng người đẹp yêu say đắm ấy cũng đủ lý trí tỉnh thức khi biết điểm dừng: “Cớ sao lại cứ mãi dùng dằng?/ Hợp đồng ái tình vay trả thẳng ngay/ Quá hạn, nợ xấu bủa vây đành khước từ chiếm đoạt!”. Ngôn ngữ tình yêu hiện đại trong xúc cảm dâng trào như “Vũ điệu xoang nóng bừng lên ngọn lửa” làm người đọc cũng chuếnh choáng men tình. Đó cũng là vũ điệu cao nguyên luôn nóng bừng ngọn lửa đại ngàn trong thơ 1-2-3 Trần Nguyệt Ánh, như một nghi lễ tình yêu ngập tràn ánh trăng sông nước: “Rừng mùa này còn Bến nước không anh?/ Sóng sánh đầu nguồn chiều Tây Nguyên rất gợi”.
Yêu khi ở và càng yêu hơn khi đi xa quê. Đó là tình cảm mà cũng là lẽ sống của con người. Nhà thơ trẻ từ Buôn Hồ cũng vậy: “Đi xa vương vấn hương làng quê ngấm tận lòng mình/ Cánh đồng thảo thơm phảng phất mùi ngọc của trời cuối vụ/ Hương vị tuổi thơ thấm đượm quê nghèo lam lũ”” Yêu làng quê thấm đẫm mồ hôi sinh thành trên cánh đồng tuổi thơ, “Người đàn bà bước ra từ trong chiêm bao/ Vừa mơ giấc mơ cả cuộc đời chưa bao giờ có thật” Trần Nguyệt Ánh cũng nâng niu gìn giữ hạnh phúc gia đình và thấu cảm lẽ đời sinh tử cuộc đời mong manh bằng xúc cảm dâng trào…
Những vần thơ của Trần Nguyệt Ánh còn có ý nghĩa thức tỉnh trước nghiệt ngã đớn đau đang bủa vây đời sống bởi đại dịch Covid-19, nhất là vào thời điểm con người đáng lẽ phải được đón nhận hạnh phúc an lành: “Thêm mùa xuân về trong nỗi lo toan/ Dịch bệnh tràn lan Covid hoành hành trở lại/ Chợ Tết vắng hoe người hàng hoá nhìn nhau đau”. Trước thực tại buồn thương của cái Tết bất thường, ngỡ như chỉ sống đẹp cùng ký ức với xuân xưa, nhưng rồi tâm hồn người đang yêu cũng bung nở như hoa, tưng bừng mở hội: “Và anh đến như mùa xuân phồn thực/ Tháng giêng em mơn mởn dậy thì/ Bông cúc tím giấu mình sau vạt cỏ”. Có lẽ đó là bản năng sinh tồn và cũng là phản ứng tự nhiên của con người trước sự bất thường đen tối để vươn tới ánh sáng tình yêu và hy vọng.
Quê quán Thái Bình, trưởng thành ở Đắk Lắk, hai vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa đã mang lại cho Trần Nguyệt Ánh mạch nguồn thi hứng tuôn trào. Yêu quý đất mới, nhà thơ cũng luôn trân trọng đất cũ. Với cố hương Trần Nguyệt Ánh tỏ bày:
Em tự hào phụ nữ quê mình Năm Tấn
 
Lúa thảo thơm một thời nuôi quân đánh đuổi giặc thù
Anh hẹn đưa em về thăm Đồng Cói, Đồng Châu
 
Thăm lễ hội chùa Keo, xem du thuyền, hát chèo, hát hội
Bao năm xa quê lạc nghiệp trên vùng đất mới
Mãi tự hào người con Năm Tấn quê hương!
Và khi rời xa thì nỗi nhớ cố hương luôn canh cánh trong lòng Trần Nguyệt Ánh bằng khát khao mãnh liệt và tình yêu cội nguồn bỏng cháy: “Ước cùng anh một lần về dự lễ hội chùa Keo/ Thăm đền Trần thấm nhuần công lao tổ tiên giữ nước/ Để em biết quê hương mình đẹp từng tấc đất ngọn rau/ Nơi hưng vượng bao lần, nơi hậu cứ nuôi quân/ Cho em biết đền Tiên La có Thục Nương tài sắc vẹn toàn/ Nợ nước thù nhà phá vòng vây dẹp tan quân Nam Hán”.
Với người làm thơ thì thơ tình thường chiếm dung lượng lớn. Có điều lạ là thơ tình 1-2-3 của Trần Nguyệt Ánh thường gắn liền với tri thức, tri nhận nên giàu hàm lượng văn hóa và có sức vẫy gọi người đọc đồng sáng tạo. Đó là một điểm độc đáo khác của người đàn bà thơ trẻ tài năng từ Tây Nguyên:
Lọ Lem say giấc mơ miền cổ tích 
 
Ước nguyện xin bà tiên điều ước thần kì
Được một lần tự do tung tăng giấu phận mình đêm hội
 
Hoàng tử anh nhặt chiếc giày em vội vã đánh rơi
Ta thành đôi uyên ương bay trong bầu trời hạnh phúc
Căn nhà chật dội cơn mưa rào đẫm ướt giấc mơ em!
Lịch sử và văn hóa cứ thế hòa quyện, tuôn chảy một cách tự nhiên như hơi thở nóng bỏng căng tràn lồng ngực trái tim yêu phát tín hiệu thơ nồng nàn xa xót: Em độc hành hun hút phía không anh/ Âm thầm kiến tạo những trường thành mộng ảo/ Gót chân A-sin anh phát lộ nguyên hình” để rồi âm thầm “Hòn vọng phu em ngàn năm bạc đầu Tô Thị”.
Trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng, đi tìm phương thức mới để biểu hiện bao giờ cũng rất khó, và càng khó hơn khi không dễ được bạn đọc tiếp nhận, chia sẻ. Chỉ có sự đam mê và dũng cảm mới giúp chúng ta tự tin tìm tòi, khám phá. Đến với thơ 1-2-3, Trần Nguyệt Ánh không chỉ cho thấy sự tự tin, dũng cảm mà qua thể thơ mới thuần Việt này với kết quả đầu tiên là tập thơ Vọng núi nhà thơ trẻ còn tự phát hiện, khám phá nội lực thơ chính mình, đặc biệt là ngọn lửa văn hóa Tây Nguyên hương sắc bí ẩn trong cô có dịp bùng phát mạnh mẽ, nâng cánh cho hồn thơ còn bay xa trong tương lai!
PHAN HOÀNG
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ngày vui XXXXX

Những ngày vui Thế sự thăng trầm I. Lần thứ ba, ô tô tắt máy. Ngạc làu nhàu nguyền rủa, mở mạnh cửa xe nhảy xuống đường. Ba người ngồi...