Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Làm gì cho sự phát triển của văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên

Làm gì cho sự phát triển của
văn học dân tộc thiểu số Tây Nguyên?

Văn học dân tộc thiểu số từ nửa sau thế kỷ XX đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên cho đến nay về lượng có tăng ở cơ số những cây bút trẻ. Nhưng về nội dung thì chưa phản ánh hết được những vấn đề “nóng” thuộc địa bàn Trường Sơn – Tây Nguyên. Không thể nói là Tây Nguyên thiếu đề tài, nên điều này, có thể xuất phát trước hết ở sự thiếu vốn sống, sau đó có thể từ sự bế tắc, thậm chí là né tránh, chưa hoặc không dám đề cập đến những vấn đề đáng được quan tâm.
Vẻ đẹp Tây Nguyên. Tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Chung
Chỉ mới là điểm danh
Nói đến văn học Tây Nguyên, người ta nghĩ ngay đến kho tàng các sử thi – trường ca đồ sộ , hay hệ thống những lời nói vần, thậm chí cả luật tục cũng là những áng văn vần độc đáo. Đó là chưa kể tới những truyền thuyết gắn với địa danh hay cổ tích… mà cho đến tận thế kỷ XXI, vẫn là nguồn sưu tầm chưa cạn của các nhà khoa học xã hội yêu Tây Nguyên.
Theo lẽ thông thường, trên mảnh đất gieo trồng nào cũng có những giống cây phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất đó. Văn học nghệ thuật cũng vậy, cho dù sản sinh ra từ bất cứ một miền quê nào, cũng mang đậm dấu ấn và không lệch ra khỏi bản sắc văn hóa của khu vực ấy. Với” lý thuyết” này, thì lẽ ra Tây Nguyên, quê hương của kho tàng văn học dân gian truyền miệng đồ sộ và đẹp như mơ vậy, phải có nhiều những tác giả văn học, phản ánh rõ nét về con người và vùng quê của mình chứ nhỉ?. Hoặc nếu tác giả là người dân tộc miền núi phía Bắc, thì chí ít cũng mang hơi thở, phong cách của quê hương mình vào trong tác phẩm, làm bức tranh văn học đương đại khu vực này thêm những mảng màu đậm nhạt.
Nhưng vì sao nhìn tổng thể, văn học hiện đại các dân tộc thiểu số Trường Sơn – Tây Nguyên, không chỉ không tìm thấy bóng dáng của sự tiếp nối truyền thống, mà dường như còn”chậm chân” hơn, ít ỏi hơn cả về đội ngũ tác giả lẫn tác phẩm, so với những tộc người khác ở miền núi phía Bắc. Những tác giả là người thiểu số nơi khác đến sinh sống và cầm bút ở Tây Nguyên, cũng chưa có gì để được gọi“ là mình”- của quê mình (?).
Trước năm 1975, nói đến văn học viết Tây Nguyên, các nhà lý luận phê bình và bạn đọc chỉ biết vài tác giả vô cùng ít ỏi, như Y Điêng Kpă Hô Dí, Mlô Y Cla Vi (dân tộc Ê Đê). Ở chiến trường Tây Nguyên có những bút ký của Nay Nô (dân tộc Jrai), vài bài thơ đẫm mùi đạn bom của Kpa Y Lăng (dân tộc Bâhnar) ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Đến đó coi như là hết.
Từ 1986, sau sự ra đời của Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số, một số tác giả người dân tộc thiểu số Tây Nguyên được động viên, dần dần lộ diện. Thơ có Nga Ri Vê, Đinh Xăng Hiền (dân tộc Hrê) ở Quảng Ngãi, Hồ Chư (dân tộc Vân Kiều) ở Quảng Trị, Kpă Y Lăng (dân tộc Bâhnar) sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh; văn xuôi có Kim Nhất (dân tộc Bâhnar), H’Linh Niê (dân tộc Ê Đê) ở Đăk Lăk. Tạm gọi đây là thế hệ thứ hai.
Từ năm 2004, với sự chăm nom ráo riết của Hội VHNT tỉnh Đăk Lăk, lan tỏa sang các tỉnh Tây Nguyên, cùng sự quan tâm bước đầu của Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số, từ các trại bồi dưỡng văn thơ của các tỉnh Tây Nguyên, bắt đầu có những cây bút người dân tộc thiểu số tạo nên một thế hệ thứ ba, rồi thứ tư: phía Gia Lai có Hoàng Thanh Hương (dân tộc Mường) viết cả văn xuôi và thơ, từ Kon Tum có Y Việt Sa (dân tộc Bâhnar RNgao) làm thơ, Đinh Su Giang (dân tộc Ka Dong) – văn xuôi. Đăk Nông có Hoàng Nhật Rla Yang (dân tộc Mnông) – văn xuôi. Lâm Đồng có thơ của K’Ra Zan Plin (dân tộc K’Ho). Đông đảo nhất, mang tính kế thừa là đội ngũ tại Đăk Lăk, hầu hết là dân tộc Ê Đê, như Niê Thanh Mai, H’Siêu B.Yă, Phi La Niê, H’Xíu H’Mok – văn xuôi, H’ Trem Knul, H’Wê Ra Niê – làm thơ… gây được sự chú ý của những người quan tâm tới văn học dân tộc thiểu số khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên. Giai đoạn từ 2000- 2010 có thể được coi là “nở rộ” cả về số lượng tác phẩm, lẫn đội ngũ tác giả nhiều thế hệ nhất của văn học đương đại Tây Nguyên. Người đi trước vẫn còn sung sức, người đi sau được quan tâm chăm chút.
Hãy xem họ có gì nào?
Những tác giả đã định hình, tiếp tục bổ xung hành trang sáng tạo của mình bằng nhiều tập sách in riêng, khẳng định chắc chắn vị trí và tiếng nói riêng của mình trên văn đàn khu vực:
Y Điêng với hai tập bút ký, truyện ngắn, ba tập tiểu thuyết (Ba người bạn, và tuyển Thơ), Kim Nhất đã xuất bản tới mười tập truyện ngắn, bao gồm cả truyện viết cho thiếu nhi và ba tiểu thuyết Chuyện lạ, Luật của rừng,Hoa đại ngàn, H’Linh Niê, ngoài những tập truyện ngắn in riêng còn có thêm các tập bút ký văn học Trăng Xí Thoại, Đi tìm hồn chiêng, Nhân danh ai, Tại gió mà nhớ, Chầm chậm Luang Pra Bang…, Nga Ri Vê có thêm tập thơ Chia chữ  và một tập truyện ký Người kể Mon đã được xuất bản.
Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi xuất bản tập Tuyển thơ Đinh Xăng Hiền. Kpă Y Lăng ngoài in chung, còn in tập thơ Mặt trời. Niê Thanh Mai in thêm ba tập truyện ngắn Về bên kia núi, Ngày mai sáng rỡ và Phía nào sương thôi rơi. Hoàng Thanh Hương in tập thơ Lời cầu hôn của rừng và tập truyện ngắn Những đứa con buôn Nú… H’Trem Knul , cô giáo người dân tộc Êđê ở Đăk Lăk với tập thơ Tiếng chiêng dài, mang nhiều ảnh hưởng rõ nét của trường ca, sử thi từ đề tài cho đến văn phong. K’Ra Zan Plin, một nhạc sỹ người dân tộc K’Ho ở Lâm Đồng với hai tập thơ Cao nguyên tôi yêu và Cao nguyên của tôi, tác giả này mang đến cho người đọc những ấn tượng khó quên không chỉ từ những câu thơ khi mộc mạc, lúc tinh tế, và còn rất dí dỏm, theo cách nói chân thật của người miền núi.
Hội Văn học nghệ thuật Đăk lăk hai năm một lần, đã thành nếp, độc lập trích trong kinh phí hoạt động hàng năm của Hội, tổ chức lớp bồi dưỡng sáng tác văn thơ dành cho thiếu nhi các dân tộc ít người trong toàn tỉnh. Đã có hơn 100 lượt em từ lớp 8 đến lớp 12, tham gia các lớp bồi dưỡng này. Không chỉ có thiếu nhi người dân tộc bản địa, mà còn có con em các dân tộc phía Bắc. Hai cuốn Lu N’gơr, Gùi nặng trên lưng và các tuyển tập Hoa rừng chọn từ các lớp bồi dưỡng này, đã giúp một số em tự tin hơn, mong muốn được đi tiếp trên con đường sáng tạo văn học như các lớp đàn anh đàn chị.
Hai cô gái Ê Đê H’Phi La Niê và H’Wê Ra đã tốt nghiệp lớp đại học viết văn của Hội Nhà văn và Trường Đại học văn hóa Quân đội Hà Nội mở, trở thành những nhà văn chuyên nghiệp người thiểu số đầu tiên của Tây Nguyên. Đinh Su Giang (Kon Tum) nỗ lực dùng cây bút của người giáo viên, chuyển tải cuộc sống quanh mình. Niê Thanh Mai, kể từ ngày chính thức tham gia lãnh đạo Hội văn học nghệ thuật, đã có những bước tiến dài về số lượng và chất lượng tác phẩm. Các nghệ sĩ, tác giả trẻ người dân tộc thiểu số cũng được quan tâm đến nhiều hơn.
Phía Đăk Nông, nữ bác sỹ đa khoa Hoàng Nhật Rla Yang, nếu không quá bận bịu với việc phục vụ sức khỏe cho cộng đồng, chắc hẳn đã hứa hẹn vai trò một cây bút văn xuôi chắc tay, như hai người bạn đồng niên Ê Đê nói trên. Đây chính là “của hiếm” trong cộng đồng người dân tộc Mnông ở cả hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông. Bởi Hội Văn học nghệ thuật Đăk Nông đã có đôi hè tổ chức lớp, trại sáng tác văn thơ dành cho thiếu nhi, nhưng vẫn chưa có một “hạt giống” dân tộc ít người nào, để hy vọng trở thành “cây viết”.
Sáng tác văn, thơ của lớp trẻ người dân tộc, được các tác giả đi trước của Hội Văn học nghệ thuật Đăk Lăk khuyến khích viết bằng hai thứ tiếng ngay từ buổi ban đầu, bước đầu đã hình thành tư duy sáng tạo gắn với ngôn ngữ tộc người của chính mình hơn. Những bài thơ song ngữ bằng tiếng Ê Đê, tiếng Tày của những H’Siêu Buôn Yă, H’Xíu H’Mok, Y Du La, Mã Thị Vân Anh… tuy còn vụng dại và bản năng, nhưng vẫn là những viên đá đầu tiên được đặt trên con đường văn chương của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Tiếc rằng theo thời gian, đến nay chỉ còn lại H’Siêu và H’Xíu trên văn đàn. Nhưng cũng như Y Việt Sa, Hoàng Nhật Rla Yang, vấn nạn “cơm áo không đùa với khách thơ” chẳng buông gấu áo của các bạn.Tính cả thế hệ thứ nhất đến thứ tư, nhìn từ sự xuất hiện trên văn đàn, có chưa quá 20 tác giả. Và đến năm 2021, có 7/20 tác giả người dân tộc thiểu số Tây Nguyên là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ít ỏi, nhưng vẫn là một sự nỗ lực đáng kể chăng?.
Họ viết gì?
Theo thiển nghi của cá nhân, văn học Tây Nguyên có 4 mảng đề tài chính:
– Mảng đề tài chiến tranh cách mạng chống Pháp, chống Mỹ, chống Fulrô đến nay vẫn còn thiếu vắng.
– Mảng đề tài về những biến động lẫn mất còn của đời sống kinh tế lẫn văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Trường Sơn – Tây Nguyên suốt hai thế kỷ qua.
– Cuộc chuyển đổi tín ngưỡng lớn lao của đời sống tinh thần các dân tộc bản địa Trường Sơn – Tây Nguyên.
– Cuộc đại chuyển cư đầy những nỗi đớn đau, ngập tràn nước mắt, sự mất mát và sự phát triển trên vùng quê mới, của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc.
Điều đáng chú ý là dù đậm hay nhạt, và cho dẫu chưa có được những tác phẩm để đời, thì sự gắn bó với đời sống của chính tộc người mình vẫn là chủ đề được nhiều tác giả quan tâm đến.
Nhưng, nếu chỉ lấy mốc từ năm 2004 – 2021, 17 năm qua, đã có nhiều điều biến động cần suy nghĩ, nhất về việc làm thế nào để phát triển đội ngũ, tạo nên tác phẩm của văn học dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên? Và nếu chỉ điểm danh thôi, đã thấy đội ngũ này hao gầy đến quá nửa. Ngoài thế hệ thứ nhất, thứ hai vì tuổi tác,mưu sinh và nhất là sức khỏe, đã đi tới cuối con dốc cuộc đời và sự nghiệp, như YĐiêng, Mlô Y Cla Vi, Kim Nhất, Nay Nô… thì thế hệ thứ hai có người đã về cõi Mang lung (Đinh Xăng Hiền, Hồ Chư…), những tác giả còn lại, những Nga RiVê, Kpa Y Lăng, H’Linh Niê, K’Ra Zan Plin…cũng dường như đang “vét nốt” những gì còn lại của sự sáng tạo để “dọn vườn” cho chính mình. Những mất mát này lỗi tại “bà lão thời gian” không cho họ quyền lựa chọn.
Đáng tiếc nhất là những tác giả trẻ, cho dẫu là chỉ “tạm rửa tay gác bút” cho nỗi đam mê văn chương, thì làm hao hụt đến buồn lòng: H’Trem Knul, Hoàng Nhật Rla Yang, Y Việt Sa, H’Wê Ra Niê….
Trên đây chúng tôi mới làm được một việc“điểm danh”các tác giả người dân tộc thiểu số đang hoạt động văn chương tại khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên, với giới hạn thời gian từ sau 1975 cho tới thập niên thứ hai mươi của thế kỷ XXI. Không phải là người bình luận hoặc phê bình văn học, nên không thể đánh giá chất lượng sáng tạo của các tác giả này một cách chính xác, có khoa học.
Nhưng nhìn từ góc độ là một người đọc, có thể thấy cho dù là văn xuôi, hay thơ, cái được nhất của lực lượng này là hình ảnh và một phần văn học dân gian Tây Nguyên đã ảnh hưởng rõ nét trong các tác phẩm. Mỗi tác giả đều đã và đang cố tạo nên “ cái riêng” của mình.
Ksor H’Yuên (Jrai – Gia Lai) cùng với Y Tô Tô (Ê Đê – Đăk Lăk) nhen lên hy vọng một thế hệ thứ năm cho văn học người dân tộc thiểu số Tây Nguyên
Hội nghị Những người viết văn trẻ của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2011, Tây Nguyên chỉ có 3 gương mặt tác giả dân tộc, 3 cô gái: Niê Thanh Mai (Ê Đê, Đăk Lăk), Y Việt Sa (Sê Đăng, Kon Tum) và Hoàng Thanh Hương (Mường, Gia Lai) đều chưa phải là hội viên Hội nhà Văn Việt Nam. Đến nay Niê Thanh Mai và Hoàng Thanh Hương đã được điểm danh. Bạn đọc yêu Tây Nguyên dường như đang trông chờ sự tiếp nối ở H’Siêu B.Yă và Đinh Su Giang. Phải công nhận rằng tay nghề của các bạn ngày càng vững vàng hơn. May thay, năm 2022, manh nha những cái tên mới Y Tô Tô (Ê Đê – Đăk Lăk), Ksor H’Yuên (Jrai – Gia Lai) nhen lên hy vọng một thế hệ thứ năm.
Nhìn chung văn học dân tộc thiểu số từ nửa sau thế kỷ XX đến thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên cho đến nay về lượng có tăng ở cơ số những cây bút trẻ. Nhưng về nội dung thì chưa phản ánh hết được những vấn đề “nóng” thuộc địa bàn Trường Sơn – Tây Nguyên. Không thể nói là Tây Nguyên thiếu đề tài, nên điều này, có thể xuất phát trước hết ở sự thiếu vốn sống, sau đó có thể từ sự bế tắc, thậm chí là né tránh, chưa hoặc không dám đề cập đến những vấn đề đáng được quan tâm. Về nghiệp vụ vẫn ở dạng sơ khai, đơn giản trong việc mổ xẻ tâm lý, hạn chế về cấu trúc ngôn ngữ và chưa có tác phẩm thật sự đạt đỉnh cao về giá trị nghệ thuật. Do nội lực của mỗi cá nhân cũng có, do việc từ ít cho đến không thể xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng để tiếp cận công chúng lẫn các nhà phê bình văn học, cũng như khó khăn của kinh phí in ấn, xuất bản cũng có.
Dẫu vậy, đội ngũ những người viết văn dân tộc thiểu số ở Trường Sơn – Tây Nguyên ngày càng được bổ sung, thậm chí cả được đào tạo bài bản; tuy mới chủ yếu sôi nổi và khá đều đặn ở Đăk lăk, vẫn là một việc làm đúng đắn, có hiệu quả từ sự quan tâm của các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương và địa phương. Chỉ có điều, để định hình một tác giả không phải là việc một sớm, một chiều, cũng như động viên được những cây bút trẻ tiếp tục gắn bó với văn chương, trong thời buổi kinh tế thị trường xô đẩy này, không phải là việc dễ.
Nhưng chúng ta có quyền hy vọng và trông mong ở tấm lòng của các Hội VHNT địa phương trong khu vực, cũng như nhiều hơn là của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn nghệ dân tộc thiểu số Việt Nam, có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy bồi dưỡng, đào tạo lực lượng sáng tạo trẻ này, không chỉ là ở tăng cường phối hợp để có thêm những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thường niên, mà còn có sự động viên nào đó về tinh thần chăng ?
Sau nữa là chính những cây bút trẻ, ngoài ý thức nhận lãnh được trách nhiệm đối với cộng đồng tộc người, mà nuôi dưỡng niềm đam mê, còn có cách nào để các bạn vượt qua được khó khăn của đời sống hiện thực; cho văn học đương đại khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên sẽ có ngày thực sự khởi sắc, có được gương mặt và tiếng nói của chính mình trên văn đàn cả nước không?
Câu hỏi đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
H,LINH NIE
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...