Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Nguyễn Thị Thanh Long vẫn còn nước mắt để cười - Tiểu luận của Xuân Trường

Nguyễn Thị Thanh Long vẫn còn nước mắt
để cười - Tiểu luận của Xuân Trường

Có lẽ miền đất Trung du Phú Thọ đã sinh ra những hoa trái ngọt lừ từ sỏi đá, những con người chịu đựng được với gió sương cuộc đời. Những trải nghiệm hành trình, những hiền hoà của đất nước phương Nam đã tạo cho thơ Nguyễn Thị Thanh Long một chất liệu nhẹ nhàng mà bền vững, tượng trưng mà ấn tượng…
Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Long
1- Có một người con gái sinh ra trên vùng đất Tổ. Với nắng trắng Trung du gợn sóng những đồi, với mưa lá cọ quen bao triền dốc, những cơn gió mùa se ký ức hanh hao. Lớn lên trong một gia đình truyền thống, học hành bài bản, tốt nghiệp đại học sư phạm ngoại ngữ. Nhưng lại vào đời bằng đôi bàn tay bé nhỏ qua những nghề tay trái với cuộc ly hương xa quê vào phương Nam.
Cơm áo vẫn đau đáu lòng người, vượt qua những thăng trầm gian khó, vất vả bao lần, qua nhiều nơi cư trú. Thế rồi trời đã nhìn lại chị. Tình yêu đến, một mái ấm gia đình tưởng chừng như không có mãnh lực nào làm lay chuyển nổi. Thế mà buồn, thế mà gian truân gập ghềnh thân phận, đêm đêm giấc ngủ cứ mềm bằng nước mắt, đôi lúc dường như muốn thiếu nghị lực ban ngày cho cuộc mưu sinh, con cái, cho hành trình áo cơm. Đó là Nguyễn Thị Thanh Long.
Chị luôn luôn vui vẻ với bạn bè, chân thật và sinh động trong ứng xử, dễ mến, dễ gần… nhưng lại thấp thoáng xa xôi ươn ướt phía sau những nụ cười, mặc dù chị vẫn cố giấu đi để ghì chặt tâm hồn vào bản lĩnh. Chị đã hoài niệm rằng: Lấy hết sức bình sinh để tuôn trào sự sống / nở hết mình / để rồi / Ngốc nghếch buông mình theo cơn gió lướt qua / … / Những yêu thương muốn níu kéo trong đời / Những nỗi buồn mà ta trốn chạy / vẫn cứ theo ta/ ngoái lại tháng ba / hoa xoan tím / Bóc quá khứ trụi trần / dại khờ?/ hết mình?/ đáng thương? / cao thượng?/ trong yêu thương còn nước mắt để cười.
Với những câu thơ tự do trên đây, bằng những ngôn từ, nhẹ nhàng dễ hiểu mà nó lan toả đến chúng ta cái thăm thẳm vô cùng thân phận của một tâm hồn thơ. Có lẽ miền đất Trung du Phú Thọ đã sinh ra những hoa trái ngọt lừ từ sỏi đá, những con người chịu đựng được với gió sương cuộc đời. Những trải nghiệm hành trình, những hiền hoà của đất nước phương Nam đã tạo cho thơ Nguyễn Thị Thanh Long một chất liệu nhẹ nhàng mà bền vững, tượng trưng mà ấn tượng.
Một điều ước muốn của người phụ nữ Việt Nam chung nhất là trong bất cứ hoàn cảnh nào, địa vị xã hội nào, họ vẫn trọn vẹn với thiên chức được làm vợ, làm mẹ và ngày xưa thì nặng nhọc trong vấn đề làm dâu nữa. Đây cũng là tính chất đặc thù sâu sắc, thâm thuý để chúng ta có thể tự hào. Ấy vậy cho nên, những cuộc tình nào đỗ vỡ đều đem đến cho người phụ nữ những ưu tư dằn vặt, tròng trành, đau đớn, đôi khi họ lại không vượt lên được chính mình. Chính tình yêu, áo cơm, sức ép của nhịp sống đô thị, nó đã căng cứng tấm lòng hoài niệm, dồn nén, bứt phá bật lên “những ký âm ngân”. Đây cũng là tựa đề chị đã chọn cho tập thơ của mình. Với cái tựa rất riêng này, chị đã gửi đến chúng ta những niềm riêng, giọng điệu ngôn ngữ riêng, đa dạng đề tài, phong phú thể loại.
Đây chị đã nói như thế này: “Tôi được sinh ra ở vùng trung du sỏi đá. Cả cái tên cũng vốn chẳng yên bình. Bao thăng trầm cuộc đời tôi dấn thân như núi đồi nối tiếp nhau cái sau lại cao hơn cái trước. Hạnh phúc ư? Như liều thuốc an thần, uống rồi chỉ ngủ được tấm thân. Còn phần hồn như thoát ra khỏi xác. Có một loại thuốc nhiệm màu đó là ngàn ngàn ký âm nhảy múa mông lung vô hạn ký thác vào tâm hồn tôi. Một thế giới huyền ảo hiện ra… tôi cộng sinh những ký âm. Những ký âm ngân”.
Một vấn đề mà Hoài Thanh – Hoài Chân đã quan tâm cho chúng ta cần để ý đến sự dãn ý, dãn tứ trong thơ văn xuôi. Ở đây tác giả đã làm được điếu ấy nên tạo ra được sự du dương có chất nhạc làm cho người đọc dễ cảm nhận một cách hứng thú.
2- Hành trình thi ca đi qua sóng gió của lòng. Chạm vào vết xước yêu thương, Nguyễn Thị Thanh Long đã giật mình bâng quơ, ngổn ngang tâm thức, chợt chị quay về với những hoài niệm xa xưa, để giải mã và cân bằng cho hiện tại, tìm lại tiếng cười thơ dại một thời xa. “Một mm ra đời” chị gửi trọn tâm tư mình vào đấy, làm cho chúng ta trong vui lại cảm thấy nao lòng. Thời gian chậm chậm theo vết rạn tình yêu càng làm cho chị sợ hãi, hụt hẫng tâm tư: “Một nửa vòng tay” ra đời, ở tập thơ này chúng ta đọc được tâm hồn chị đang nặng trĩu suy tư, dùng dằng, đi, ở, hợp, tan, nụ cười bắt đầu cho nước mắt. Sau “Nửa vòng tay” thời gian của Nguyễn Thị Thanh Long như dừng lại để lắng xuống muôn ngàn suy tư cho một quyết định quan trọng của đời mình, đến khi thời gian chuyển động lại thì “Những ký âm ngân“ ra đời.
Đọc “Những ký âm ngân” tôi thấy Nguyễn Thị Thanh Long đã vượt lên chính minh. Bằng những ngôn ngữ nhẹ nhàng, giọng điệu thanh tao, không sáo ngữ, không bóp méo các khái niệm, chân thành mà triết lý, sâu lắng mà dữ dội, cách nói bình thường mà không thiếu đi sự tinh tế. Chị đã trải lòng mình ra với cuộc đời này, với tha nhân, với bạn bè, với đất nước, với quê hương, với từng nhành cây, ngọn cỏ lá hoa, với lịch sử dân tộc. Chị đã nặng lòng với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh đời mình từ tuổi thanh xuân để bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước. Chị đã hoà hợp lòng mình vào sự mất mát chung của dân tộc, để mà trân trọng, để mà biết ơn. Với tình yêu lứa đôi chị đã để lại dấu chân lãng du của mình bước lên nền chiều muộn, bằng những trải nghiệm yêu đương, rồi tự nhủ lòng mình chỉ cay thôi để cho thơ chứ không đắng, không nghiệt, chỉ buồn thôi chứ không bã, không phiền. Chính vì vậy chị đã biểu cảm qua thơ những nỗi buồn trong veo, không làm ảnh hưởng đến ai.
Nếu không yêu thương đất nước này, không biết ơn đến các anh hùng liệt sĩ thì làm sao chị có những câu thơ này: Giữa mùa khô / Một ngày/ Mặt trời đi vắng / Đồng Tháp Mười ôm anh giữa nổi nênh / Hết đạn bom / vết thương chẳng thể lành / lặng lội tìm anh giữa mùa nước nổi / Mái chèo ngược xuôi xin anh đừng giận dỗi/ anh ở đâu giữa lau lách, đìa, rừng… Điệu hát xoan đằm trong câu vọng cổ / Câu vọng cổ đêm đêm hát lời đơm đó / Huyền thoại bưng biền sen toả ngát hương (Đi tìm anh mùa nước nổi).
Thật là thi vị, thật là thơ, thật là gan ruột khi chị đem đến cho ta hình tượng nhành san hô hoá hồn liệt sĩ, chị đã kết nối được cái trường kỳ kháng chiến vào nhau từ đời này sang đời sau: Đôi dép râu vẹt mòn hai cuộc chiến/ một lần ra biển tìm con/…/ Giữa lớp lớp sóng cồn / Đảo nổi đảo chìm hay Gạc Ma mênh mông một thuở/ thăm thẳm xanh đất liền nức nở…/ Con đây rồi như thực như mơ / nhành san hô dáng hình Tổ quốc/ Giọt máu con tươi mãi màu cờ (Nhành san hô) và đây chị đã bước chân vào tiếng chuông ngân để nghe lòng mình thổn thức ngày xưa: … Đêm nay/ Lại một lần lội ngược tiếng chuông ngân/ Gom nốt trầm ủ yêu thương đợi mùa trái ngọt/ Tiếng chuông ngân tận cùng đắng đót / Nỗi nhớ về đâu (Ngược tiếng chuông ngân).
Lục bát không phải sở trường của Nguyễn Thị Thanh Long thế mà trong tập này chị đã để lại cho ta những câu lục bát nao lòng vì kiếp sống, kiếp người: Thương sao mấy phận lục bình/ Rủi chìm may nổi lênh đênh kiếp người/ Thúng sầu đầy đổi khoé cười/ Mưa rơi đất khát trăng phơi tuổi rằm… (Mơ xuân), hoặc là: Đỏ bao nhiêu ớt thì cay?/ Vàng bao nhiêu lá thì đầy mùa thu? Đến đây câu hỏi đầu của chị, ta có thể trả lời được, nhưng ở câu thứ hai thì chịu. Chị đã bứt phá từ cái thực lên cái hư, từ trí thức chuyển về vô thức. Nghe ra thật nhẹ nhàng mà thăm thẳm và đây chị đã viết về mẹ: Mồ hôi luộc nấu sắn bùi/ Say câu xoan ghẹo đắp bồi nên con/ Gàu giai gạn ánh trăng tròn/ Trùng trùng bát úp… lối mòn thẳm xa (Mẹ).
Tôi không thể nào nói hết những gì mình muốn nói cho thơ Nguyễn Thị Thanh Long. Càng về sau những bài thơ tình của chị như tôi đã nói chị bước chân lên nền chiều muộn. Hờn mà không giận, không hận, không thù, tất cả đã làm nên cái nhân hậu cho thơ. Với “Những ký âm ngân” Nguyễn Thị Thanh Long đã gửi đến chúng ta những âm thanh càng lúc càng mở rộng biên độ, căng lên thành nếp gấp thăng giảm của nhạc điệu, chậm, buồn. Đúng là thơ có thể hát, hoặc có thể khóc kia mà.
Nói đến đây tôi lại thương quá nhà thơ Thanh Tùng mỗi lần anh hát thơ, khóc thơ và ứng tác thơ đều làm tôi mất phương hướng, cứ trôi theo cái giọng điệu của anh, phiêu lưu đến vô cùng, vô tận, của một tâm hồn thơ. Nguyễn Thị Thanh Long cũng đã gửi đến chúng ta, một thông điệp bình yên, chan chứa tình thương mến thương của một trái tim nhân hậu. Mong chị hừng hực sáng tạo cho những tác phẩm tương lai.
XUÂN TRƯỜNG
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Truyền thông là một nghề bạc đức

Truyền thông là một nghề bạc đức Tôi đã nhiều lần có suy nghĩ loáng thoáng như thế và viện đủ cớ bao biện cho cái nghề mưu sinh của mình. ...