Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Người trong cõi nhớ lại về bên tôi

Người trong cõi
nhớ lại về bên tôi

Vậy là nhà thơ Hoàng Cầm đã đi xa 12 năm. Mùa xuân năm nay, gia đình, bạn hữu và biết bao người yêu thơ lại nhớ về ông trong dịp kỷ niệm tròn 100 năm sinh.
Nhà thơ Hoàng Cầm
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm (22.12.1922-2022):
Lần đầu tiên tôi được gặp Hoàng Cầm là năm 1995, khi tôi đang là học sinh trường PTTH Lê Quý Đôn tại thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc Hà Nội) do NGƯT Đặng Hiển phụ trách dạy môn Văn. Thày Đặng Hiển đồng thời là người sáng lập CLB Văn học của trường, dành cho tất cả các bạn yêu thích văn chương, không phân biệt các khối lớp. Hàng tháng, CLB sẽ mời một nhà văn/nhà thơ về trao đổi về các chủ đề văn học, trò chuyện về kinh nghiệm sáng tác, về những câu chuyện nghề, chuyện đời. Và nhà thơ Hoàng Cầm là một trong những khách mời đầu tiên của CLB năm ấy. Dạo đó ông vẫn còn khỏe, lưng thẳng tắp, đi đứng nhanh nhẹn, giọng đọc thơ quyến rũ say mê. Ông nói chuyện với chúng tôi liền hai tiếng không nghỉ, tâm sự xoay quanh các tác phẩm nổi tiếng của ông như Bên kia sông Đuống, Lá diêu bông…Ông nói về hoàn cảnh ra đời của từng tác phẩm, cảm xúc suy tư của ông khi viết mỗi bài thơ và đọc thuộc lòng tất cả những thi phẩm của mình hôm đó mà không cần nhìn vào một tài liệu, văn bản nào. Cuộc gặp gỡ ấy để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi mãi về sau này. Rất lâu sau khi đã tốt nghiệp đại học và ra trường, tôi mới có cuộc gặp gỡ Hoàng Cầm lần thứ hai trên căn gác 43 Lý Quốc Sư của ông cùng một số bạn bè là các phóng viên mảng văn nghệ. Khi ấy ông đã bị ngã dẫn đến bại chân, chỉ có thể nằm một chỗ mà không đi lại được. Nhưng ông vẫn minh mẫn và đón tiếp chúng tôi rất tình cảm, đọc thơ lưu loát, say mê. Một buổi sáng tháng 5 năm 2010, hòa trong dòng người yêu mến thương tiếc thi sĩ, tôi đến thắp nén hương tưởng nhớ ông tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Nhiều gương mặt văn nghệ quen thuộc và danh tiếng của Việt Nam đều có mặt để tiễn đưa ông. Nhạc sĩ Phạm Duy khi ấy đã 89 tuổi cũng đã bay ra từ thành phố Hồ Chí Minh…
Tháng 9.2019, sau 17 năm làm việc tại Viện Ngôn ngữ học, tôi chuyển công tác về Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam, chuyên tâm làm văn chương. Với nhiệm vụ là một biên tập viên/ phóng viên, phụ trách chương trình Đôi bạn văn chương phát sóng hàng tuần trên Đài, tôi được gặp nhiều hơn những người bạn, người em thân thiết của Hoàng Cầm để nghe thêm những câu chuyện của ông, để hiểu về ông hơn. Cuối tháng 1 vừa qua, tôi cùng nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thực hiện cuộc trò chuyện mang tên Lúng liếng Hoàng Cầm và phát sóng đúng vào dịp mùng 2 và mùng 3 Tết Nguyên đán. Trong ký ức của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, Hoàng Cầm mãi mãi là một thi sĩ lãng mạn, đáng yêu, hồn nhiên như trẻ nhỏ. Còn nhớ năm 1993, khi thực hiện bộ phim tài liệu về Hoàng Cầm với một số cảnh quay tại quê hương Thuận Thành, Bắc Ninh, xe vừa đỗ ở triền đê sông Đuống, Hoàng Cầm chạy ùa ra và lăn cả người xuống triền đê như trẻ nhỏ. Quê hương Kinh Bắc với hình bóng của người mẹ, người chị đã làm nên hồn cốt và hơi thở trong thơ Hoàng Cầm. Giá trị và sức sống thơ Hoàng Cầm cũng không đi ra ngoài quỹ đạo đó. Sau này, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha còn có nhiều dịp đưa Hoàng Cầm đi chơi ở các vùng miền khác nhau của đất nước, trong đó có những chuyến đi bằng xe ngựa để góp phần tạo thêm một cảm hứng khác lạ cho thi sĩ, nhưng Hoàng Cầm trong những chuyến du ngoạn ấy cũng ít khi viết thêm được những bài thơ ưng ý. Bao nhiêu tâm lực, trí lực, thần lực ông đã dành hẳn cho một cội nguồn nơi cắt rốn chôn rau.
Họa sĩ Lê Thiết Cương lại tâm sự với tôi về những tháng ngày ông được đón Hoàng Cầm từ phố Lý Quốc Sư về khu Giảng Võ. Khi đó, họa sĩ Lê Thiết Cương là một người học trò nhỏ của nhà thơ Đặng Đình Hưng, cũng đồng thời là chỗ hàng xóm liền kề. Lê Thiết Cương hay được thày Hưng nhờ đi đón những người bạn văn chương chí cốt đến nhà chơi, đó là Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần. Trong suốt 6 năm trời (1984 – 1990), họa sĩ Lê Thiết Cương không thể đếm nổi đã có bao nhiêu cuộc đón đưa các thi sĩ tài danh ấy. Trong một lần ngồi gác cửa bên ngoài để các cụ bên trong uống rượu và đàm đạo, Lê Thiết Cương bỗng nghe thấy thi sĩ Hoàng Cầm đọc một bài thơ hay kỳ lạ. Không cầm nổi lòng mình, họa sĩ kể lại với tôi, đó là lần duy nhất ông “liều lĩnh” mang giấy và bút vào và nhờ Hoàng Cầm chép tặng mình bài thơ. Thi phẩm lúc đó có tên là Về mình. Sau này, khi tập thơ Về Kinh Bắc được in chính thức năm 1994 (NXB Văn học), bài thơ ấy được đổi tên thành Về với ta:
Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh
 Đi mãi tìm sim chẳng chín
 Ta lên đồi thông nằm miếu Hai Cô
 Gặm cỏ mưa phùn…
Và tập thơ Về Kinh Bắc có thể nói cũng là tập thơ xuất sắc nhất trong sự nghiệp thơ Hoàng Cầm. Có lẽ cũng vì thế mà vừa qua, gia đình nhà thơ Hoàng Cầm cùng những người em – người bạn văn chương vong niên của ông như nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán…đã cùng đứng ra tổ chức bản thảo và in lại cuốn Về Kinh Bắc, tập hợp đủ những dị bản của mỗi câu thơ, bài thơ trong tất cả các lần in trước đó. Cùng với các bài thơ là các bài phê bình, tiểu luận văn học của các cây bút uy tín như Đỗ Lai Thúy, Chu Văn Sơn, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đức Tùng…cùng in trong tập sách. Chương trình giới thiệu tập thơ đã được tổ chức long trọng tại Trung tâm Pháp ngữ L’Espace 24 Tràng Tiền vào chiều ngày 12 tháng 2 vừa qua với sự tham dự của đông đảo cử tọa. Chị Bùi Huệ Chi, cháu nội của nhà thơ Hoàng Cầm chia sẻ với chúng tôi, chị đã yêu thích và biết quan tâm đến các tác phẩm của ông từ khi còn là một học sinh phổ thông. Khi nhà thơ Hoàng Cầm không còn đủ sức khỏe để viết, chị đã ghi âm lại giọng nói của ông, để ông đọc các tác phẩm và các bài viết quan trọng khác. Chị ấp ủ từ lâu sẽ thực hiện nhiều chương trình truyền thông để công bố các tác phẩm của nhà thơ Hoàng Cầm và cuốn sách Hoàng Cầm – Về Kinh Bắc mới là phần mở màn cho dự án tâm huyết này.
Cùng với cuốn Hoàng Cầm – Về Kinh Bắc, họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cũng đứng ra tổ chức in một ấn phẩm khác, đó là cuốn Hoàng Cầm – 100 bài thơ, do Công ty Liên Việt và NXB Dân Trí liên kết, phát hành. Các bài thơ do nhà thơ Nguyễn Thụy Kha tuyển chọn với các phụ bản của họa sĩ Lê Thiết Cương, Hoàng Phượng Vỹ và Bình Nhi. Họa sĩ Lê Thiết Cương phụ trách về tổng thể mỹ thuật của ấn phẩm.
Hoàng Cầm đã đi xa nhưng hồn thơ Kinh Bắc đằm thắm, độc đáo, tài hoa của ông vẫn còn mãi trong lòng bao thế hệ bạn đọc. Và trong tôi lại bất chợt ngân lên những câu thơ kết thúc bài Bên kia sông Đuống khi một mùa xuân mới lại về:
Em mặc yếm thắm
 Em thắt lụa hồng
 Em đi trảy hội non sông
 Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh…
ĐỖ ANH VŨ
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: Viettnam.net
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...