Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Những câu thơ đi về giữa phố và quê

Những câu thơ
đi về giữa phố và quê

Xuân Nhâm Dần gõ cửa cũng là lúc “Những câu thơ nhặt trên phố cũ”, tập thơ mới của nhà thơ Nguyễn Thanh Vân ra mắt bạn đọc. Cùng tuổi Mậu Tuất với anh, nên tôi và anh là những người cùng thời. Đọc thơ Thanh Vân như thấy mình trong đó.
Mở đầu tập thơ là “Muối mồ hôi”, bài thơ anh viết kính tặng hương hồn mẹ: “Chiếc áo nâu/ Mười tám năm xa cách/ Con vẫn treo bên liếp cửa trước hiên nhà/ Để mẹ không đi xa/ Mẹ vẫn vác cuốc ra đồng ra bãi/ Mẹ vẫn lội sông mẹ vẫn lên rừng…”. Tấm áo nâu bạc trắng như vẫy gọi trước hiên nhà. Mẹ vẫn còn đó, “Ôi hạt muối mồ hôi/ Mặn chát bao đời…”. Một hình ảnh thơ giản dị mà rưng rưng thấm thía. Tấm áo ấy, chi tiết ấy sẽ  lưu mãi trong thơ viết về mẹ.
Nhà thơ Nguyễn Thanh Vân ở Hà Nội
Với Nguyễn Thanh Vân, gia đình và quê hương luôn là khởi nguồn cho chữ nghĩa. Thơ bắt đầu từ những điều giản dị nhưng sâu nặng: “Vu lan nhớ mẹ”, “Thu quê”, “Ngõ quê”… Ta hãy đến với một buổi “Thiền” của nhà thơ: “Thật sâu/ thật chậm/ thật êm/ Lắng trong cõi thở là đêm là ngày/ Nào em/ bắt đầu từ đây/ ta nhắm mắt lại/ biến đầy thành vơi”. Được biết anh viết bài thơ này trong những ngày tháng đầy thử thách, người vợ thân yêu đã giúp anh đến với Thiền để vượt qua bệnh tật. Cùng bắt đầu ngồi tập, nhưng: “Hết thiền. Mở mắt. Đâu ngờ/ Cõi trần một gánh chợ trưa em về…”. Một chi tiết cảm động của đời sống gia đình, của tình cảm vợ chồng. Những câu thơ ấm áp sẻ chia nghĩa tình phu thê đằm thắm.
Không chỉ là tâm tình, nỗi niềm trắc ẩn, với “Những câu thơ nhặt trên phố cũ”, thơ Thanh Vân đã mở rộng biên độ, điểm nhìn và biểu đạt. Nhiều bài được viết theo lối mở. Nhiều hơn những khoảng trống của mờ nhòe suy tưởng. Có bài, có câu ánh lên vẻ đẹp hài hòa của trí tuệ và cảm xúc: “Phố tên Hàng Ngang. Em đi hàng dọc/ Muốn khoác vai nhau. Biết đến bao giờ?”. Không phải chỉ có em đâu, chúng ta đã quen đi hàng dọc, theo thứ tự, quen đi theo đội hình. Nhà thơ muốn được đi hàng ngang để “khoác vai nhau” trong buồn vui mùa phố. Một hình ảnh đầy suy tưởng. Nhưng câu thơ cũng dễ trôi đi trong vô tình. Bên cạnh những câu thơ đọc chậm ấy, ta còn gặp “Lá diêu bông phiên bản 4.0”. Bằng lối nói trữ tình thế sự qua nhiều thế hệ, bài thơ hiện lên những cuộc đi tìm. Chiếc lá diêu bông như chập chờn trong giấc mộng. Đến lượt nhà thơ: “Lá diêu bông phiên bản 4.0/ Tôi không tìm được”. Tất cả chỉ còn lại trong mơ hồ hoài niệm “Khi đồng làng đã hóa phố bên sông…”.
Đôi lúc, chất thế sự không còn bảng lảng nữa. Có câu thơ như tra vấn hiện thực. Đau đáu với cuộc đời, du lịch “ở xứ sở của cổ tích”, trước những tượng đài Nàng tiên cá, “Hoàng tử Hamlet đứng suy tư/ Tồn tại hay không tồn tại”, Nguyễn Thanh Vân chợt nhớ về quê hương đất nước mình, nhớ về một thời đã sống với bao câu hỏi không dễ trả lời: “Cô Tấm thiện hay ác/ Nàng Mỵ Châu ngây thơ hay ngu ngốc/ Câu hỏi của em thời đi học/ Thầy giáo không trả lời”. Và hôm nay, trước câu hỏi bất ngờ của cô hướng dẫn viên gốc Việt “Nhật Lệ, Thiên Cầm, Cửa Lò, Cửa Hội/ Nơi nào đặt tượng nàng Mỵ Châu?”, lại đến lượt nhà thơ trở nên lúng túng: “Tôi giả vờ bận rộn/ Để không trả lời câu hỏi của em…”. Câu hỏi của em hay là sự thao thức của tác giả trước thời cuộc, trước thế sự. Cùng với cách tiếp cận ấy, từ một đề tài cũ là sự tích nàng Tô Thị, từ nỗi đau chiến tranh, nhà thơ có một góc nhìn khác – góc nhìn của dự cảm: “Đất nước này/ Biết bao người đàn bà như chị/ Nếu tất cả đều hóa đá/ Các anh biết về đâu…”. Còn đây là “Ánh ngày và bóng đêm”, một bài thơ của phản biện, nó vượt qua cái “hiện thực phải đạo”, hướng đến vẻ đẹp của tự nhiên nhi nhiên, bản ngã: “Anh đừng tụng ca nữa/ Hãy để mặt trời xuống núi/ Hãy để em trở về nhà/ Trong bóng đêm yên tĩnh/ Em tự do khóc cười/ Những phản xạ tự nhiên/ Không theo kịch bản anh viết sẵn…”. Với con người, với người cầm bút, có gì sung sướng hơn khi được sống với chính mình. Vì thế, đâu phải chỉ có ánh ngày, nhiều khi bóng đêm dịu dàng cũng cần lắm với em. Thôi, ngòi bút của anh cũng đừng đưa em đi xa quá “mùa bình thường” (chữ của nhạc sĩ Văn Cao). “Mặc ai nói xấu đêm”, em vẫn muốn trở về nơi ấy, trở về với ngôi nhà yên tĩnh. Và anh hãy ru em bằng những kí tự đời thường, bằng “những nụ hôn lúc không giờ”. Đó không chỉ là hiện thực khách quan, mà còn là hiện thực của mặc khải. Đi sâu vào đời sống, thơ Thanh Vân nói lên được hiện hữu của khát khao nhân bản, và cả dị ứng trước những giả dối, khiên cưỡng. Không phải nhà thơ của quảng trường, anh là nhà thơ của ngõ vắng, của những điều giản dị mà thấm thía nhân tình.
Phải chăng vì thế, trong thơ Thanh Vân ta hiếm gặp đại tự sự. Dường như, với anh, thơ là âm vang của sự lặng lẽ. Thật rõ ràng và quyết liệt: “Người nông dân nhổ cỏ/ Nhà thơ nhổ câu chữ đại ngôn”. Thơ anh thường hiện lên những khoảnh khắc, những lát cắt của đời sống thường nhật gần gũi thân quen:“Sen Đồng Hới”, “Quán Dốc”, “Bên nhà thờ đổ”, “Ngõ quê”, “Cỏ may”, “Phố Phái”, “Sen nở phía Tây Hồ”, “Mưa Hà Nội”… Đi về giữa hai miền quê: Quảng Bình, nơi chôn nhau cắt rốn và Hà Nội, nơi lập nghiệp lập gia đình, “người thơ này không chỉ thương nhớ quê xưa mà còn hoài vọng phố cũ” (Hoàng Đăng Khoa). Ở đây ta gặp nhiều xưa cũ, nhiều hình ảnh đặc trưng của Hà Nội “Hà Nội không mưa tìm đâu phố cổ/Đâu cầu Long Biên cầu vồng tuổi thơ”, “Một ngày không còn hoa sữa/ Hà Nội đâu rồi nửa mùa thu?” Anh đại diện cho người Hà Nội muôn lần cám ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chưng cất lên một gia điệu mùa thu Hà Nội say đắm, da diết để ai đi xa luôn nhớ về. “Mái ngói nâu theo câu hát Trịnh/ Tôi đi tìm Hà Nội mùa thu… Lá bàng nửa xanh nghiêng về phía hạ/ Nửa đỏ chờ em ở cuối mùa đông…Thu nhớ Trịnh hay thu nhớ em/ Tôi hỏi mãi mà mùa thu chẳng nói?”. Thực và hư, mới và cũ, cổ kính và lãng mạn cứ đan xen nhau. Sự sống và cái đẹp vẫn âm vang trong mơ hồ sương khói: “Đêm Hồ Tây/ trùm chiếc khăn voan/ dệt từ sương khói… Chỉ có tiếng cá quẫy/ tiếng dương cầm là thực…”. Hòa vào không gian đô thị, nhà thơ vẫn giữ được sự trong trẻo vốn có trong cảm quan thiên nhiên, sự nhạy cảm và hồn hậu: “Heo may nhiều lời thành gió/ Người gánh đông về phía Cổ Ngư”. Vì thế có khoảnh khắc người thơ giật mình: “Bao năm đi xa thịt da tẩm mùi phố xá/ Con ong rừng không thể nhận ra”.
Bìa tập thơ “Những câu thơ nhặt trên phố cũ” của Nguyễn Thanh Vân
Bên cạnh cảm xúc là phẩm chất trí tuệ gia tăng, vì vậy dẫu có những câu thơ của thời đại số, nhưng phần lớn sự làm mới trong thơ Thanh Vân không đến từ hình thức, mà đến từ nội dung. Với “Những câu thơ nhặt trên phố cũ”, đặc điểm riêng trong thơ anh hiện lên rõ nét hơn, vừa trữ tình đằm thắm vừa thao thức trăn trở, giàu liên tưởng và suy tưởng. Ngoài những bài thơ tự do, phần lớn các bài trong tập được biểu đạt bằng các thể thơ: lục bát, 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ… Lục bát Thanh Vân mang hơi thở phong vị đồng quê, tuy không phải là thế mạnh, tuy không hay trong sự toàn bích trọn vẹn ở bài, nhưng hay ở đơn vị câu: “Con về ngồi giữa quê nhà/ Nhặt trên mộ mẹ cỏ gà tuổi thơ”, “Cỏ may vá hết lối mòn/ Sao không khâu kín nỗi buồn ngày xưa”, “Mái gianh lợp phía quê nhà/ Tiếng mưa trộn sấm vỡ òa thinh không”, “Mẹ tôi ngồi bới cánh đồng/ Cò con mổ vạt gió đông tìm mồi”, “Tôi về tìm lại mùa đông/ Theo cơn gió đói bẻ cong đường làng”, “Đa đoan ngọn lá heo may/ Vừa khe khẽ chạm đã đầy mùa thu”… Cũng là các địa danh nơi anh đến, nhưng chúng không còn đơn thuần là đối tượng của cảm tác. Cũng là cảm thức phố, nhưng đã giảm đi tả và kể. Ngõ Tạm Thương hay là cõi tạm vô thường mà hò hẹn đợi chờ “mười năm có lẻ”. Còn đây là câu thơ trẻ trung thấm đượm hồn phố, tràn đầy ký ức của sự sống: “Nghe tên phố thấy lòng mình chua ngọt/ Em đến Hàng Đường mua tuổi ô mai”. Và còn có một Hàng Buồm ra khơi trong thơ anh: “Thương Hàng Buồm mùa thu ngả gió/ Mở khăn san em thả một cánh buồm”. Cánh buồm thơ ấy vẫn lộng lẫy đâu đây…
Đọc thơ Nguyễn Thanh Vân, tôi chợt nhớ lời nhắn gửi của Vincente Huidobro, nhà thơ Chi Lê đầu thế kỷ XX: “Hỡi các thi nhân, hãy làm thế nào cho bông hồng nở khi được nghe thơ của quý vị!”. Vì thế, xin được lấy lời nhận xét của nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa để kết lại bài viết về nhà thơ mà tôi trân quý: “Những câu thơ nhặt trên phố cũ có khả năng kích hoạt và tiếp truyền cảm hứng sống” tới bạn đọc.
LÊ ANH PHONG
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: Viettnam.net
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...