Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Những hướng tiếp cận mới trong tập sách "Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa"

Những hướng tiếp cận mới trong
tập sách "Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa"

Tập sách “Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa” của PGS.TS. Nguyễn Kim Châu được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2020. Đây là, công trình tập hợp nhiều bài viết chuyên khảo, tham luận xoay quanh các vấn đề tương liên giữa văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa. Có lẽ, kỳ vọng của nhà nghiên cứu ngay từ tên sách, cách làm sách đã có ý hướng đến khai mở những phương hướng và cách thức tiếp cận mới đối với một đối tượng hầu như đã an định giá trị.
Ngay từ đầu, nhà nghiên cứu họ Nguyễn đã xác định ý hướng khởi xuất kiến tạo tập sách. Ông nhắc đến “điểm chung của các bài viết là đều hướng tới mục đích tìm hiểu, khảo sát một số hiện tượng văn học nhằm chứng minh mức độ tương thích, hiệu quả cũng như khả năng tới hạn của các lý thuyết nghiên cứu phê bình văn học phương Tây khi được vận dụng vào nghiên cứu văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa”[1]. Nói vậy, bạn đọc có thể nhận ra tâm ý của nhà nghiên cứu, ấy là muốn sử dụng những đường hướng lý luận “khác” để nhìn nhận, đánh giá đối tượng có vẻ đã quen thuộc, hòng phát hiện và chiết quang đối tượng làm phát tỏa ra những ánh sáng mới. Cái nhìn tương liên xưa-nay, Đông-Tây, khiến cho tập sách bộc lộ tính chất đa chiều trong tư duy nghiên cứu. Và, cảm quan đó cũng đủ cho bạn đọc ghi nhận, trân quý nỗ lực của tác giả về công trình nghiên cứu. Từ đó, bạn đọc có thể nương theo những luận điểm này, dấn thân vào lãnh địa “văn học cổ” vốn có sự cách biệt nhất định với người đọc đương thời. Nói vậy, cũng tức là nhà nghiên cứu PGS.TS Nguyễn Kim Châu đã có công mang giá trị văn chương hôm qua đến gần hơn với bạn đọc hôm nay. Song song với nỗ lực ấy, có lẽ nhà ngiên cứu họ Nguyễn gián tiếp giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa-văn học dân tộc, tiếp nối dòng chảy tư tưởng của văn học Việt trong mối tương giao phức tạp với văn học Trung Hoa.
PGS.TS Nguyễn Kim Châu. Ảnh: Internet
Thêm nữa, vấn đề soi rọi lý thuyết phê bình Tây phương vào sáng tác văn học, tác giả văn học hay nền văn học quốc gia, văn học khu vực, văn học theo dòng lịch đại,… lấy khung tham chiếu lý luận phê bình văn học phương Tây hiện đại (thậm chí đương đại) để soi chiếu vào các đối tượng và phạm vi văn học khác nhau, thực chất không còn là vấn đề xa lạ nữa. Nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành và đạt được những thành tựu đáng quý. Nhưng, đáng kể ở trường hợp tập sách “Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa” chính là cái nhìn đa chiều kết hợp rộng mở và hình như, nhà nghiên cứu họ Nguyễn cầu thị sự tương tác với độc giả. Cũng như chính trọng tâm mà nhà nghiên cứu hướng đến trong tập sách này, chẳng phải dừng lại ở mỗi đối tượng văn học cổ Việt Nam hay Trung Hoa trong cách thế riêng lẽ, không phải nhằm làm rõ từng chủ thuyết lý luận phê bình mà trọng tâm nơi mối quan hệ tương hỗ giữa các đối tượng. “Những con đường, cách thức, phương tiện hay những góc độ tiếp cận khác nhau chẳng qua cũng chỉ nhằm phục vụ cho mục đích hướng tâm, đó là tiếp cận khám phá, khẳng định giá trị của tinh hoa văn học dân tộc trong bối cảnh giao lưu, tiếp biến giữa văn học Việt Nam với các nền văn học trong khu vực và trên thế giới. Hành trình khám phá, khẳng định những giá trị đó không bao giờ kết thúc và mỗi một nỗ lực tham gia, đóng góp đều xuất phát từ mong muốn được ghi nhận như là một dấu chân trong nhiều dấu chân tiếp nối”[2]. Giá trị văn học cổ và giá trị tập sách nằm ở chỗ tương liên – nhà nghiên cứu họ Nguyễn muốn làm rõ. Do đó, thay vì chú tâm vào những đối tượng văn học (vốn đã quen thuộc); thay vì để ý chủ thuyết lý luận tác giả tập sách dựa vào thì có lẽ, bạn đọc cần nhìn nhận mối tương liên văn học đã phát tỏa ra những luồng sáng mới như thế nào! Điều này, một lần nữa xác quyết, góc nhìn và hướng tiếp cận của nhà nghiên cứu PGS.TS Nguyễn Kim Châu là góc nhìn hẹp-sâu, nhưng là góc nhìn động.
Lấy hệ thống lý luận văn học Tây phương làm nền tảng, làm chỗ dựa phát triển luận điểm, nhà nghiên cứu họ Nguyễn “kìm” – không “kẹp”. Cách viết “vừa mình vừa người”, chừng mực cẩn trọng và ông, khéo léo để lại những khoảng trống/điểm trắng cho cuộc đối thoại giữa người đọc với luận điểm ông đưa ra nhằm cho cuộc đối thoại giữa người đọc và những đối tượng được bàn đến trong từng bài viết nghiên cứu. Có thể nói cả tập sách là những cuộc đối thoại đa chiều.
*
Bìa sách “Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa” của PGS.TS Nguyễn Kim Châu.
Phần đầu tập sách chuyên chú vào tư duy và hình tượng nghệ thuật. Có lẽ, đúng hơn là hình tượng và tư duy nghệ thuật. Bởi lẽ, như thực tế từng bài viết, tác giả tập sách đã khởi xuất từ việc tiếp cận hình tượng nghệ thuật để xác định tư duy nghệ thuật. Đó là, đi từ ngoài vào trong, từ nông đến sâu, từ hữu hình đến trừu tượng… Nói khác, nhà nghiên cứu họ Nguyễn có cái nhìn theo lối quán chiếu. Chẳng hạn, với góc nhìn và phương pháp tiến cận nhắm đến tư duy nghệ thuật, PGS.TS Nguyễn Kim Châu đã chỉ ra được đặc trưng cốt lỏi và đáng quý trong tư duy nghệ thuật của “thiền nhân đời Trần”. Đó là, mối quan hệ đạo-đời gắn bó không rời[3]. Vì hướng đến đời mới đạt đạo và sau nữa, đạo trở về an nhiên bồi phát nẻo đời tốt lành, thiện lương. Với sự xác lập này của nhà nghiên cứu PGS.TS. Nguyễn Kim Châu, bạn đọc rất thuận tiện đề nhìn nhận các hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa không chỉ trong sáng tác văn học mà còn trong thực tiễn đời sống. Chẳng hạn như lấy quan niệm thành đạo giúp đời, bạn có thể thấu hiểu bản chất cốt lõi hướng đến phát triển đời sống xã hội, nâng cao nhận thức tâm linh của một số tôn giáo nội sinh ở Nam bộ giai đoạn hậu kỳ trung đại và giao thời/sơ kỳ hiện đại hóa. Nói vậy, cũng tức là, cần thiết phải xác định tập sách “Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa” như là một trong số đầu sách nền tảng cần thiết cho người đọc trường ốc. Xa hơn, tập sách có thể gợi mở cho bạn đọc nhìn ra một số vấn đề liên quan đến văn học như: văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, tư tưởng,…
Hướng đến tìm hiểu văn học cổ song tập sách đã chỉ ra cái xưa song không lỗi thời. Đúng hơn, mẫu gốc trong tâm thức nhân loại, chẳng phân biệt đông tây kim cổ. Có lẽ, với việc tiếp cận tư duy nghệ thuật, PGS.TS Nguyễn Kim Châu đã rút gọn “phân số” trở về hằng số tư tưởng. Để thấy rằng, dẫu đã xuất hiện từ cổ thời nhưng với thuyết Gaia thì nguyên tượng hành tinh ý thức sống động vẫn còn nguyên tươi mới[4]. Thậm chí, nhà nghiên cứu còn cho thấy vai trò và tầm quan trọng của giả thuyết ấy. Ở chỗ, từ trong tư tưởng sinh thái phương Đông cổ thời thì giả thuyết ấy có khả năng giải thích những nguyên tượng Thiên thai, Đào nguyên, Tiên cảnh. Từ đó, vấn đề nhà nghiên cứu đặt ra không dừng lại ở việc chứng thực thuyết Gaia, không dừng lại ở việc xác quyết tư tưởng sinh thái Đông phương còn nguyên giá trị; hơn hết chính là việc cảnh tỉnh con người đương thời về việc sống và tương tác với môi trường sinh thái. Con người thuộc về sinh cảnh nhất định, không thể chối cãi! Điều đó, buộc con người phải vận động tương tác với “mẫu gốc” thế giới, để cấu trúc sống hiện vận động hài hòa. Và, ở đó, bạn đọc chắc hẳn nhận ra tấm lòng ưu tư của nhà nghiên cứu họ Nguyễn đối với cuộc sống con người đương thời, nỗi âu lo trước thực trạng “đào nguyên” nhân sinh ngày càng bị hủy diệt. Có thể, xem bài nghiên cứu như là lời thủ thỉ tâm tình và lời khuyên nhẹ nhàng cho con người đời nay, tự ý thức và điều chỉnh hành vi sống của mình giữa cõi trời đất.
Cùng với nỗi khắc khoải ấy, nhà nghiên cứu họ Nguyễn tiếp tục trở về với vấn đề mỹ học sinh thái trong tư tưởng Lão-Trang. Người đọc nhận ra rõ hơn mục đích nghiên cứu của nhà nghiên cứu. Thậm chí, có thể xem những vấn đề được bàn đến, kỳ thực chỉ là bệ đỡ cho nhà nghiên cứu mang đến cho độc giả cùng suy tư về lối sống của con người hiện đại. Giữa xã hội kim tiền lao mình về phía hiện đại và thụ hưởng vật chất, yếu tính giản phác thuần khiết của con người đã bị mai một, biến dạng. Vấn đề này, hệ trọng hơn những vấn đề lý luận đơn thuần. Nhà nghiên cứu không chỉ hướng đến mục đích nghiên cứu mà còn thể hiện tấm lòng nhân đạo và khao khát thức tỉnh nhân tính của con người bây giờ. Liệu bạn đọc có nhận ra, mỗi người chúng ta đã vong bản và đánh mất đời sống thực hữu ngay trong lúc còn hít thở đi lại giữa đời. PGS.TS Nguyễn Kim Châu đã thành thực bày tỏ nỗi lòng, nỗi ưu tư về cuộc sống con người hôm nay. Và, ông nỗ lực tìm kiếm một gợi ý nào đó cho việc giải quyết hiện trạng nhân sinh bây giờ.
“Tuy nhiên, bên cạnh phương Tây duy lý, chúng ta cũng rất cần ngoái nhìn một phương Đông minh triết, tìm kiếm, khai quật những giá trị trầm tích mang dấu ấn của tinh thần sinh thái nhân văn từ các triết thuyết cổ xưa, trong đó có tư tưởng Lão-Trang. Chỉ xét ở góc nhìn mỹ học sinh thái, triết thuyết này đã giúp chúng ta có cơ sở củng cố, phát triển ý tưởng về một xu hướng lấy những vẻ đẹp cần bảo tồn và tôn vinh của thế giới tự nhiên làm chuẩn thẩm mỹ cho những sản phẩm nhân tạo, để chúng vừa thân thiện với môi trường vừa có ý nghĩa đề cao vai trò quan trọng của hệ sinh thái mà con người chỉ là một bộ phận hữu cơ trong đó”[5].
Phóng tầm nhìn xa và rộng, xa – kết nối xưa nay; rộng – tương thông Đông Tây, nhà nghiên cứu bám vào thời không để vượt lên trên thời không, làm rõ những giá trị muôn đời. Cốt lõi là vấn đề hệ quy chiếu thẩm mỹ, cũng tức là xác lập một hệ thống giá trị cho các phạm trù thẩm mỹ. Phải chăng, nhà nghiên cứu họ Nguyễn có ý muốn đẩy vấn đề sinh thái học nhân văn đến chỗ sinh thái học thẩm mỹ. Gắn kết sinh thái học với khoa học nhân văn và mỹ học, đó là nỗ lực không riêng của PGS.TS Nguyễn Kim Châu nhưng ở vùng đất Nam Bộ, đây là tiếng nói đáng kể và rất cần được ghi nhận.
*
Nặng lòng với quê hương, nhất là quê hương Nam Bộ, nhà nghiên cứu họ Nguyễn dành nhiều tình cảm cho địa hạt văn học trên vùng đất này. Nhà nghiên cứu sử dụng các hệ thống lý luận để nhìn nhận, đánh giá, và nhận định đóng góp của thơ Nôm Đường luật Nam Kỳ nủa cuối thế kỷ XIX. Ở đây, PGS.TS Nguyễn Kim Châu đã làm rõ được sự đóng góp của các nhà thơ Việt ở Nam Kỳ, chính ở sự kết hợp thể loại du nhập với ngôn ngữ dân tộc và tinh thần “văn dĩ tải đạo”, truyền thống đạo đức trong sáng của con người vùng đất này. Hơn thế, “nhờ kết cấu chặt chẽ, ngôn từ cô đọng, hàm súc, sắc sảo, thơ Nôm Đường luật hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu ghi nhanh, chuyển tải tức thời những biến cố chính trị, những vấn đề thời cuộc nóng hổi, bức xúc hay có thể trở thành một thứ vũ khí sắc bén phục vụ cho cuộc đấu tranh tư tưởng của các sĩ phu yêu nước Nam bộ chống lại những kẻ cướp nước, bán nước”[6]. Đạo đức, luân lý, yêu nước, tranh đấu,… là những đặc trưng đáng trân quý, nhà nghiên cứu PGS.TS Nguyễn Kim Châu đã làm rõ trong tập sách. Và, bạn đọc gần xa, nhất là bạn đọc đồng bằng sông Cửu Long với bài viết ấy trong tập sách, nhà nghiên cứu họ Nguyễn đã góp phần khơi thông, gìn giữ và nối dài truyền thống học phong phương Nam; giúp cho người hôm nay và cho hậu thế hiểu thấu hòng tiếp nối tinh thần đạo lý trượng nghĩa của con người nơi đây. Nét đẹp đáng quý này, nếu mai một thật đáng tiếc cho công lao tiền nhân đổ xương máu và tâm trí gầy dựng. Hiểu vậy, chúng ta mới thấy quý trọng những nỗ lực của nhà nghiên cứu PGS.TS Nguyễn Kim Châu – một trong số những nhà nghiên cứu ít ỏi nơi miền cực Nam đất nước – tính đến hôm nay!
Có lẽ, vì chú trọng đến việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, cho nên tác giả tập sách này dành sự quan tâm nhất định cho việc nghiên cứu ngôn từ nghệ thuật. Nhất là, sự phát triển của tiếng Việt văn học khi ông đối sánh sáng tác của Nguyễn Trãi (qua Quốc âm thi tập) và Nguyễn Bỉnh Khiêm (qua Bạch Vân quốc ngữ thi). Trong đó, PGS.TS Nguyễn Kim Châu đã chỉ ra được đặc trưng vận động đáng quý của quá trình thoát ly vòng ảnh hưởng “Hán hóa” hay vượt thoát quan niệm “Hán trung tâm” của văn học quốc âm trung đại. Cụ thể hơn, đó là sự vượt thoát trên phương diện ngôn từ nghệ thuật. “Hạn chế sử dụng từ Hán Việt và điển cố nhưng tăng cường sử dụng từ láy, từ bình dân, thành ngữ, tục ngữ; tìm cách Việt hóa từ ngữ, điển cố, thành ngữ Hán Việt…”[7]. Nhằm mở ra và thúc đẩy một giai đoạn phát triển, khẳng định bản sắc văn hóa-văn học của dân tộc Việt. Tư duy, sáng tạo và sử dụng tiếng Việt trong văn học từ đó có bước phát triển mới. Vậy nên, bài viết lấy góc nhìn hẹp nhưng phóng chiếu đến vấn đề rộng lớn hơn, lấy việc phân tích hình thức nghệ thuật nhưng gợi ra vấn đề tư tưởng có ý nghĩa rộng lớn theo dòng lịch đại. Nhà nghiên cứu họ Nguyễn, kín đáo thể hiện niềm tự hào dân tộc (bên cạnh tinh thần nghiêm nhặt của nhà khoa học).
*
Đối với việc tiếp cận chủ thể và văn bản phê bình văn học, tập sách mang lại nhiều góc nhìn thú vị. Đáng chú ý có sự kết hợp giữa quan điểm liên văn bản, góc nhìn thông diễn học và tiếp nhận văn học. “Từ góc nhìn liên văn bản, dù người viết tựa, bạt cũng chính là tác giả của ấn phẩm văn chương hay là người bạn tri âm, tri kỷ với tác giả thì các lời giới thiệu nằm ở đầu hoặc cuối văn bản tác phẩm này vẫn có một điểm chung đáng chú ý: chúng đều có tính chất của những dạng thức cận văn bản, đều đảm nhiệm chức năng của những văn bản nằm ở ‘ngưỡng cửa của sự diễn giải’. Trong các văn bản này luôn tồn tại những cuộc đối thoại giữa tác giả với người đọc hàm ẩn, giữa người phê bình với tác giả và thậm chí là đối thoại giữa người phê bình với những độc giả đời sau”[8]. Nếu, có thể, bàn đến xa hơn, bạn đọc còn có thể nghĩ tiếp về quan niệm cộng đồng diễn giải[9] và khả lực văn học từ sự đề đặt vấn đề người đọc tiềm ẩn trong bài viết về “Tựa bạt trong thưởng thức phê bình thơ ca Việt Nam thời trung đại” của PGS. TS. Nguyễn Kim Châu. Từ đây, bạn đọc nhìn lại xuất phát điểm và cách tiếp cận của nhà nghiên cứu, chắc hẳn phát hiện ra, tư duy nghiên cứu họ Nguyễn có sự cập nhật, tươi mới, gắn kết, tiệm cận với hoạt động lý luận phê bình đương đại.
Đặc biệt, quan điểm tiếp nhận văn học của PGS.TS Nguyễn Kim Châu trong tập sách này đóng vai trò khá quan trọng ở phần 3 của tập sách: Tiếp cận chủ thể và văn bản phê bình văn học. Tiếp nhận văn học trường hợp PGS.TS Nguyễn Kim Châu, khi ông sử dụng quan điểm này tiếp cận kiểu hình người đọc tri âm trong thưởng thức phê bình thơ ca trung đại Việt Nam, chính là sự kết hợp giữa quan điểm tiếp nhận văn học mang khuynh hướng Tây phương và quan điểm tri âm (ý hướng tiếp nhận văn bản văn học) mà chúng ta đã quen thuộc trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp[10]. Nhà nghiên cứu họ Nguyễn đứng ở giao lộ Đông-Tây[11], ở ngã tư kim cổ, để nhìn nhận một vấn đề tưởng rằng đã quá vãng (thơ ca trung đại Việt Nam) để làm bật ra những ánh sáng mới. Do đó, đóng góp của ông trong tập sách này vừa ở bình diện lý luận vừa ở bình diện thực tiễn sáng tác – tác phẩm văn học Việt Nam thời trung đại (vốn đã êm xuôi trong mắt đại đa số độc giả).
Theo dõi từng luận điểm và những rút kết của bài viết xoay quanh kiểu hình người đọc lý tưởng, bạn đọc sẽ nhận ra cá tính người miền Nam phóng khoáng rộng rãi trong việc nhận định đối tượng nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Kim Châu. Rộng rãi ở chỗ “gạn đục khơi trong”. “Tuy nhiên xét đến cùng, trong bối cảnh đặc thù của văn chương trung đại Việt Nam, kiểu hình người đọc này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc ghi nhận, thẩm định giá trị của những thành tựu văn chương một thời đại vừa giúp nâng tầm của tác phẩm và nhà thơ thông qua những phản hồi tích cực”[12]. Thẳng thắn với những hạn chế thời đại của kiểu hình người đọc này, nhưng cũng biết quan sát và ghi nhận đóng góp của kiểu hình người đọc lý tưởng, để từ đó, nhà nghiên cứu chỉ ra chỗ đứng và giá trị của kiểu hình người đọc tri âm trong thơ ca bây giờ. Có lẽ, người đọc lý tưởng hay người đọc chuyên nghiệp bây giờ cũng cần thiết nhìn nhận vai trò của những ấn tượng cảm xúc cùng vấn đề nhân sách sống trong cuộc đời của tác giả khi đánh giá một tác phẩm cụ thể. Bởi, văn hay chữ tốt đáng gì nếu nhân cách thiếu. Bởi, tác giả văn học không chỉ xác lập vị trí và giá trị mình qua tác phẩm mà còn xác lập qua hoạt động sống giữa xã hội. Hai phương diện này đồng thời xác lập chỗ đứng của tác giả văn học như một người trí thức chân chính và đáng kể, xứng đáng để người đương thời và hậu thế ca tụng, học tập, nghiên cứu.
Tiếp nối mạch ý ấy, trường hợp phê bình Kim Thánh Thán, PGS.TS Nguyễn Kim Châu vừa xác lập ba đặc điểm căn bản trong lối phê bình của Kim Thánh Thán (Đọc tinh tường – Đọc sáng tạo – Đọc đối thoại)[13], vừa chỉ ra tính chất “cực đoan” trong việc đề cao vai trò vị trí của lĩnh vực này trong hoạt động văn chương nói chung. Dường như, nhà nghiên cứu họ Nguyễn không dừng lại ở mục đích ấy và có chăng, là dụng ý tự cảnh tỉnh đồng thời sẻ chia với những người làm công việc nghiên cứu lý luận phê bình văn học hôm nay, càng phải nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò của “người đọc chuyên nghiệp”. Nhận thức sâu sắc sự ảnh hưởng và “bản mệnh” của người cầm bút làm công việc lý luận phê bình văn học. Không chỉ góp phần làm sáng rõ giá trị tác phẩm văn chương; ngược lại còn ảnh hưởng đến hoạt động sáng tác của người viết và hoạt động tiếp nhận của người đọc. Hơn ai hết, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học phải là “dung môi” cần thiết cho cấu trúc thế giới-tác giả-tác phẩm-người đọc vận động và phát triển. Nói cách hình tượng, ngòi bút lý luận phê bình văn học nên đi từ quả tim đến khối óc và phóng ra tầm nhìn từ đôi mắt chân thành trong sáng. Có vậy, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học không còn mải miết lang thang ở chốn cũ vắng vẻ người qua mà có thể, nhập cuộc vào vận hội tươi mới của sinh hoạt văn chương (dẫu đối tượng nghiên cứu ở Tây hay Đông, ngày xưa hay ngày nay). Nhập cuộc rồi làm cuộc tương tác, góp tiếng góp tình cho vận hội chữ nghĩa đương thời. Vượt qua những bất cập cá nhân, vượt qua những rào cản xã hội, vượt qua những thị phi yêu ghét nhất thời, nhà nghiên cứu lý luận phê bình có thể giữ lòng trong sáng hướng đến đóng góp giá trị nào đó cho cộng đồng. Giá trị ấy ngược lại xác lập tư cách đoan chính, chân thành của nhà nghiên cứu.
Bàn nhiều đến vấn đề tiếp nhận văn học qua những đối tượng nghiên cứu cụ thể, những bài viết của PGS.TS Nguyễn Kim Châu trong tập sách này rất thuận tiện cho bạn đọc trường ốc. Dựa theo đó, bạn đọc trường ốc với nhu cầu học tập và ứng dụng lý thuyết nghiên cứu phê bình văn học Tây phương vào thực tiễn sáng tác có thể nương theo phương pháp tiếp cận và hệ thống luận điểm được PGS.TS Nguyễn Kim Châu trình bày khá cụ thể trong mỗi bài viết. Bởi lẽ, những bài viết này khá chân phương, dung dị và chuẩn xác, tạo nên độ tin cậy cần thiết cho người học bước đầu nghiên cứu lý luận và phê bình.
Rõ ràng, PGS.TS Nguyễn Kim Châu chẳng viết để cho thấy khả năng của tư duy nhà nghiên cứu. Mà, ngược lại, ông viết để có thể đến gần hơn với bạn đọc. Bởi, bài viết nghiên cứu chuyên môn thường có “phân khúc” người đọc tương đối hẹp. Bất cứ hoạt động chữ nghĩa nào cũng tiềm ẩn người đọc mà người viết hướng đến. Ẩn tượng siêu hình hay khả thể tiên nghiệm về một sự tiếp nhận nào đó mặc nhiên có khi người ta đặt bút bắt đầu viết con chữ đầu tiên. Nói vậy, để thấy rằng PGS.TS Nguyễn Kim Châu viết với tâm thế hướng đến “phân khúc” người đọc tiềm ẩn rộng hơn, đưa nghiên cứu lý luận phê bình văn học đến gần hơn với cộng đồng diễn giải, với khả lực thưởng thức rộng mở hơn. Viết không để chứng tỏ những viễn đích tư tưởng siêu việt, viết để nâng bạn đọc bình dân gần hơn với bạn đọc chuyên nghiệp, gần hơn với hoạt động sáng tác; nhờ vậy tác động đến ý thức sáng tác của kẻ đương thời. Thể như bông lúa chín càng chắc hạt càng oằn mình cúi thấp khiêm nhường, nhà nghiên cứu họ Nguyễn luôn cúc cung tận tụy, dành mối quan tâm cho bạn đọc phổ thông. Chẳng đua tiếng tranh minh với thượng thặng hàn lâm, không bon chen cầu vọng thời trang tư tưởng, nhà nghiên cứu họ Nguyễn Kim Châu giữ đúng cốt cách và truyền thống văn hóa con người Nam Bộ – hướng đến sự phát triển con người nói chung. Nền văn chương chữ nghĩa vị nhân sinh, đề cao luân lý, góp sức tô điểm phát triển quê hương giống nòi.
*
PGS.TS Nguyễn Kim Châu, vừa giảng dạy vừa nghiên cứu miệt mài với công việc nghiên cứu lý luận phê bình văn chương hàng chục năm. Ông âm thầm làm việc và cống hiến. Những nỗ lực và đóng góp của ông trong hoạt động nghiên cứu văn học trung đại nói riêng và văn học Việt Nam nói chúng thật đáng ghi nhận và trân trọng. Cũng vậy, tập sách này là sự tập hợp chắt lọc dày công từ nhiều bài viết suốt quãng thời gian dài trăn trở ấp ủ của PGS.TS Nguyễn Kim Châu. Có thể nói, mỗi bài viết đạt đến độ chín muồi, chân phương và chân giá trị có thể dự phần đóng góp nào đó vào hoạt động nghiên cứu văn học trung đại nói riêng và đời sống nghiên cứu văn học Việt Nam nói chung.
Đáng kể, ông đã góp phần thúc đẩy việc du nhập, ứng dụng và quảng bá rộng rãi những quan điểm lý luận phê bình Tây phương như – tiếp nhận văn học, liên văn bản, thuyết Gaia, mỹ học sinh thái,… –  trong nghiên cứu văn học cũng như thông qua giảng dạy, ông đã gieo mầm tư duy khoa học cho thế hệ tiếp nối. Vai trò người thầy và vai trò nhà nghiên cứu tương hỗ, tu trợ cho nhau, cùng cho thấy tấm lòng của PGS.TS Nguyễn Kim Châu đối với đời sống văn học nước nhà.
Ở khu vực phía Nam, lực lượng nghiên cứu lý luận phê bình văn học tại địa phương còn mỏng và thiếu nhiều điều kiện thuận lợi phát triển. Trong bối cảnh đó, nỗ lực của PGS.TS Nguyễn Kim Châu xứng đáng được ghi nhận và cần khuyến khích, kích hoạt truyền cảm hứng đến những cây bút đương đại và các cây bút thế hệ tiếp nối nhằm gắn kết dòng chảy sinh hoạt văn chương miền Nam vốn dĩ truyền thống “văn dĩ tải đạo” hay nói rộng, là học phong phương Nam!
TRẦN BẢO ĐỊNH
__________________________________________
[1] Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa, tr.3.
[2] Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa, tr.5.
[3] Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa, tr.17.
[4] Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa, tr.67.
[5] Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa, tr.84.
[6] Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa, tr.174-175.
[7] Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa, tr.144.
[8] Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa, tr.193.
[9] Stanley Fish (1980). Is There a Text in This Class? Cambridge, Mass: Harvard University Press.
Antoine Compagnon (2006). Bản mệnh của lí thuyết. (Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào dịch). Hà Nội: Nxb. Đại học Sư phạm, tr.212.
[10] Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa, tr.194-204.
[11] Quan điểm người đọc tiềm ẩn của Wolfgang Iser trong Antoine Compagnon (2006). Bản mệnh của lý thuyết văn chương và cảm nghĩ thông thường (Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào dịch). Hà Nội: Nxb. Đại học Sư phạm, tr.219.
Lưu Hiệp (2007). Văn tâm điêu long (Trần Thanh Đạm và Phạm Thị Hảo dịch). Hà Nội: Nxb. Văn học, tr.528.
[12] Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa, tr.204.
[13] Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa, tr.219.
_________________________
Tài liệu tham khảo:
Nguyễn Kim Châu (2020).  Văn học cổ Việt Nam và Trung Hoa. TPHCM: Nxb. Tổng hợp.
Antoine Compagnon (2006). Bản mệnh của lí thuyết (Lê Hồng Sâm và Đặng Anh Đào dịch). Hà Nội: Nxb. Đại học Sư phạm.
Stanley Fish (1980). Is There a Text in This Class? Cambridge, Mass: Harvard University Press.
Lưu Hiệp (2007). Văn tâm điêu long (Trần Thanh Đạm và Phạm Thị Hảo dịch). Hà Nội: Nxb. Văn học.
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: Viettnam.net
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...