Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Những yếu tố tự nhiên làm nên thế giới đại đồng trong truyện đồng thoại của Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định

Những yếu tố tự nhiên làm nên thế giới
đại đồng trong truyện đồng thoại của
Trần Đức Tiến và Trần Bảo Định

Trong truyện đồng thoại, ngôi nhà tự nhiên chính là một thế giới bắt đầu bằng sự bình đẳng và luôn luôn là sự bình đẳng. Địa cầu chính là một điểm tựa để mỗi loài phát triển từng ngày. Tự nhiên chính là nơi dung hòa những yếu tố khởi nguồn sự sống tạo nên một thế giới bình đẳng, đại đồng. Lấy trái đất làm trung tâm khởi nguồn sự sống, các yếu tố cơ bản tạo nên sự sống luôn bổ trợ cho nhau, nếu thiếu đi bất kỳ yếu tố nào thì nơi đó sẽ trở nên tàn lụi và chờ ngày biến mất.
Các yếu tố cơ bản vận hành sự sống thường nhắc đến trong kinh Phật là bốn yếu tố tứ đại: Đất – Nước – Gió – Lửa phối hợp nhịp nhàng với nhau duy trì sự sống. Trong phong thủy thì có năm yếu tố quan trọng vận hành sự sống là: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ được kết hợp dung hòa với nhau. Truyện đồng thoại luôn là bức họa hợp xướng các yếu tố biểu tượng mang tính dung hòa đó. Không nặng về tình tiết, cốt truyện như các thể loại truyện khác, từ góc nhìn sinh thái, chúng tôi lựa chọn năm yếu tố cơ bản luôn xuất hiện (trực tiếp hoặc gián tiếp) trong truyện đồng thoại để minh chứng sự đồng đẳng và tầm quan trọng của chúng đối với sự sống trong tự nhiên, đó là: Đất – Nước – Gió – Lửa (Ánh Sáng) – Thực Vật. Không có chúng thì không có một sự sống nào tồn tại.
Nhà phê bình trẻ Tô Thị Thanh Hoa ở Bình Dương
Trước tiên hãy bàn về biểu tượng làm nền móng của trái đất trong Thái Dương hệ, đó là: ĐẤT. Đất Mẹ là nơi sản sinh ra không biết bao nhiêu sự màu nhiệm. Sử thi nổi tiếng Ramayana của người Ấn cũng nhắc đến bà Mẹ này một cách đầy trân trọng, ngưỡng mộ và sùng bái. Không những sinh ra vạn vật, Đất Mẹ còn sinh ra cả con người – nàng Xita – xinh đẹp, kiều diễm, nết na, đức hạnh.  Được coi là mẹ của muôn loài, Đất có khả năng che chở, nuôi dưỡng và trị liệu. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, đau ốm hay đánh mất mình, sống hay chết thì bà Mẹ này sẽ bao dung hết thảy. Không có đất tất thảy đều không có điểm tựa. Tuy không mang hình thức một con người nhưng Đất rất kiên nhẫn và chịu đựng đến tột độ những đứa con của Đất. Đất như một bà mẹ vĩ đại vì có những đức tính rất lớn như vững chãi, kiên định và bao dung. Đất không có lòng kỳ thị bất cứ ai ngay cả khi ta có lỗi với Đất. Hàng ngày, ta có đổ hoa thơm hay chất phế thải, ô uế xuống, Đất vẫn chấp nhận ta. Bất cứ loài vật nào không thể sống mà không có Đất. Đất hiến tặng cho hành tinh vô số phẩm vật. Đất Mẹ ban tặng nguồn lương thực dồi dào. Không có lương thực thì mọi sinh vật đều đói đến rã rời, suy kiệt. Như vậy, tất cả mọi loài sinh ra và sống trên Đất đều là con của Đất. Đất là nơi đón chào sự xuất hiện của mọi sinh linh và là nơi đưa mọi sinh linh về cõi vĩnh hằng. Vì thế, khi chúng ta tiếp xúc với Đất Mẹ nghĩa là chúng ta đang có hạnh phúc.
Chiếc áo xinh đẹp nhất vừa mang màu xanh lam của đại dương, màu xanh lục của cây cỏ và hàng vạn sắc màu khác là chiếc áo đang khoác lên mình Đất Mẹ. Chiếc áo đa sắc trong hai tập truyện đồng thoại Trăng vùi trong cỏ và Xóm Bờ Giậu của Trần Đức Tiến là cái hang trong lòng đất, là nơi sống của nhiều loài, nơi đó có Dế Lửa ca hát râm ran, có bác Chuột Chù trú ngụ, có cụ giáo Cóc… sống thoải mái quanh năm. Là nơi chiếc phòng lạnh trong lòng đất thực hành khả năng điều hòa khí hậu để dung dưỡng vòng đời của bác Giun. Là dưới nước, Cua, Ốc, Cá Trê, Cá Chuồn… sống trong lòng sông, lòng biển hiền hòa. Là trên mặt đất bao la, vô số loài vật từ nhỏ đến lớn nào là Sóc Nâu, Gọng Vó, Chuồn Chuồn, Rùa, Thạch Sùng, Cáo, Gấu, Bổ Củi… sống hết đời bình sinh. Ngoài ra, còn có đa dạng  thực vật cho bóng mát, tỏa hương thơm như rừng già to lớn, cây cỏ mỏng manh, hoa Cúc Áo e ấp, hoa Dạ Hương nở về đêm, cỏ dại phảng phất trong gió nhẹ… Với Trần Đức Tiến, Đất luôn tạo ra thế giới diệu kỳ nhưng sẽ cằn cỗi, chết dần trong sự vô ý thức của con người (Vương quốc tàn lụi).
Trên thực tế con người luôn mang nhiều lầm lỗi quay lưng với Đất Mẹ, Xiaton từng viết: “Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của đất. Con người chưa biết làm tổ để sống, con người giản đơn là một sợi tơ trong cái tổ sống đó mà thôi. Điều gì con người làm cho tổ sống đó, tức là làm cho chính mình.” – Bức thư thủ lĩnh người da đỏ gửi tổng thống Mỹ. Trần Bảo Định ngỡ như Xiaton nâng niu Đất, coi Đất là một biểu tượng giá đỡ của mọi biểu tượng. Ông coi trọng “tổ sống” mà lên tiếng báo hiệu những vấn đề đang xảy ra với đất để thấy nguy cơ với người. Trong các sáng tác đồng thoại của ông, Đất xuất hiện với hai dạng thức chính được xem là nơi chốn, nơi diễn ra các hoạt động sống của mọi sinh vật. Nhấn mạnh vai trò giá đỡ, Đất giúp cây cối bám rễ sâu vào lòng đất tạo ra môi trường lý tưởng để chim làm tổ duy trì nòi giống, trốn chạy nguy hiểm, tìm kiếm thức ăn như: Chèo Bẻo, Chim Sâu, Qụa, Sẻ, Sơn Ca… Đất là biển hồ sông suối ngự trị cho những con cá Lia Thia, cá Hô, cá Bống… quẩy đuôi bơi lội, sinh sản. Đất còn là nơi chứng kiến bao sự thăng trầm trong lịch sử con người, Trần Bảo Định quan niệm: “Nếu Trời là nơi quy định số phận sống chết, sướng khổ con người thì Đất là nơi con người phải sống phụ thuộc suốt đời đói no, hung kiết” (Khói un chiều). Với Trần Bảo Định, Đất là nguồn tài nguồn tài nguyên vô giá, gần gũi với mọi đời sống nhưng đến nay đã bị thực trạng ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng nặng nề. Đất phải oằn mình chống đỡ khối lượng rác to lớn từ nền văn minh đô thị lên trên bề mặt của mình (Đời Bọ Hung). Đất bị con người làm cho nước mặn xâm thực thay đổi biến chất thu hẹp môi trường sống của nhiều loài (Mùa mặn). Đất thụ động trong cơn cuồng vĩ thiên tai trong  “Đất và mọi thứ trên mặt đất run lên bần bật, sụp mất tăm hơi trong lòng nước. Cơn thịnh nộ của Trời gây thảm họa kép: Động đất và sóng thần!” “bởi người mần trái quy luật tự nhiên, đối xử tàn bạo với thiên nhiên” (Ộp ương… Ộp ương… Khúc nhạc hồn quê). Khi nhắc đến đất, Trần Bảo Định nâng cao quan điểm đối thoại xã hội hiện tại: Con người sẽ chết nếu đất chết. Đất với Trần Bảo Định còn là một trong ngũ hành, là một phần tất yếu hình thành nên sự sống. Đất không đơn thuần là nơi để sống, chỗ đi chốn về, đất không chỉ là quê hương, là nơi dung dưỡng con người, là môi sinh cho con người tồn tại; mà trong bản thân mỗi con người cũng đã có đất. Đất là một phần con người vậy.
 Biểu tượng thứ hai góp phần nhào nặn lên sự sống đó chính là: NƯỚC. Nước là biểu tượng mang chức năng nuôi dưỡng, chở che và bảo tồn sự sống. Trong một hoàn cảnh nào đó, nước còn thể hiện sức mạnh của sự mềm mại chảy trôi, nhấn chìm và xóa bỏ những vết tích trên đường đi của nó. Nước còn là biểu tượng có chức năng vô cùng đặc biệt là sản sinh ra sự sống mới khác loài. Ngoài ra, nước còn ảnh hưởng cực đại đến cảm xúc và tư duy của muôn vật hữu sinh. Không có nước thì tất thảy mọi sự sống đều bị ảnh hưởng. Cuộc sống sẽ trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Nước cũng gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của con người. Là nơi khởi nguyên của các nền văn minh lớn, Nước mặc nhiên trở thành một biểu tượng vô giá và quyền năng. Đặc biệt ở vùng sông nước Cửu Long, nơi con người gắn bó mật thiết với nước trong cuộc sống hằng ngày, lao động canh tác, và chiến đấu bảo vệ quê hương; dấu ấn nước càng trở nên sâu đậm. Biểu hiện của nước vì thế bộc lộ trong hầu hết khía cạnh tinh thần. Nước có mặt trong sự hình thành quan niệm về xã hội, nhân sinh, vũ trụ,… của người dân Nam Bộ.
Nước trong truyện đồng thoại không phải là con suối dữ dội, cuồn cuộn chảy trôi, không phải là những cơn sóng thần di chuyền thần tốc phá hủy tất cả mọi thứ. Nước trong truyện đồng thoại của Trần Đức Tiến được nhắc đến nhiều nhất là những giọt sương long lanh còn đọng trên lá bồi bổ sinh lực và giải khát cho mọi loài vật. Truyện Chủ nhật của Ốc Sên và Kiến, nước là những giọt sương kết tinh của trời đất sau đêm dài mặt đất bốc hơi. Giọt sương tinh khiết long lanh làm dịu cơn khát của những chú kiến nhỏ “mấy chú kiến chụm đầu uống giọt sương mát lạnh trên lá trúc khô”. Thân hình Kiến nhỏ bé thật khó để tiếp cận với nguồn nước ở những địa hình rộng và sâu như sông, suối mà chỉ tiếp cận được với giọt sương trên lá khô. Thật tuyệt vời khi tự nhiên luôn cân bằng hoàn hảo, sinh ra mỗi loài đều ban tặng cho nó ít nhất một khả năng để thích nghi với điều kiện tự nhiên. Ngoài giải khát, nước còn là mạch nguồn giải nhiệt của nhiều loài vật. Đến độ lũ Gọng Vó trong truyện Chuồn chuồn nước còn tưởng việc chuồn chuồn gập đuôi hạ cánh đáp xuống ao là hành động đi tắm vì trời quá nóng. Sự hiểu hạn tri của loài vật này đối với loài vật khác cũng là lời đáp cho thấy tầm quan trọng của nước đối với đời sống các sinh vật.
Nước với Trần Bảo Định là dòng sông quê yên ả dưới ánh trăng vàng mát dịu nuôi sống và chở che cho những đứa con đang phụ thuộc mình mỗi ngày. Là nhà văn gắn bó với đồng bằng sông nước, không gian sông nước xuất hiện với nhiều biểu tượng khác nhau trong trang văn mang hơi thở Nam Bộ như: dòng sông, ao, hồ, kênh, rạch, tiếng mưa, tiếng sóng vỗ… Nước còn biểu thị cả thời gian để người và vật nương nhờ vào đó sinh tồn (người đánh bắt, trồng trọt, chăn nuôi, sinh hoạt; thủy vật sinh sản, duy trì sự sống) khi quan sát các hiện tượng: nước lớn, nước ròng, nước nổi, thủy triều… Loài vật xuất hiện trong truyện đồng thoại của Trần Bảo Định đều là những loài vật quen thuộc của vùng đất đồng bằng châu thổ sông Cửu Long –  nơi mà con nước đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng. Nước nuôi dưỡng từng loài thủy sản nhỏ bé và khêu gợi những loài khác tìm về kiếm ăn. Đời cá hô coi “Cội nguồn mình vốn ở Biển Hồ, sống và sinh con đẻ cái nhờ nước Mêkông”. Ở đâu có nước ở đó có sự sống. Cá Hô chọn nơi “thế nước xoáy tròn và trụt xuống sâu thăm thẳm… tạo thành cái kỳ vĩ của đất trời, cái dữ dội của thủy thần mà mấy ai đến đó chả nao lòng khiếp sợ”. Nơi đây, con nước tuy hung hiểm “con rắn bơi qua Vàm bị xoáy nước cuộn và vặn đứt đuôi. Đúng là, vùng nước hiểm yếu để dòng họ cá Hô dung thân” nhưng lại giúp bảo tồn loài cá Hô. Nước tưới tắm cho cả hạ lưu những con sông rộng lớn để ngày ngày trôi đi trăm cây tốt tươi. Nước nhẹ nhàng mà tràn ngập ân tình, yêu sự sống. Nước là những cơn mưa xóa tan nắng hạn, là cơn cuồng thủy trút giận xuống nhân gian khi con người tàn hại thiên nhiên. Nước mang tính chất sống còn của các loài trong tự nhiên: Cánh chim thằng chài  “Nó bám nước như người sống nghề hạ bạc bám sông”, “Nước nuôi người, nuôi Đất, nuôi Trời. Thiếu hoặc mất nước, thì bất luận Người – Đất – Trời đều tiêu vong như nhau. Nước gắn liền với quá trình sinh nở của nhiều loài cá trên sông: cá Hô, Lia Thia trống,… Trong Con cá bống kèo quê ngoại, “Trứng nở thành con và con rời quê cha đất tổ, theo thủy triều lưu lạc đất khách; mưu sinh chốn đồng ruộng, ao đầm, bãi bồi… Nương theo con nước mà di chuyển, nương theo con nước mà trở lại cố hương”. Tuy nhiên, nước bị nhiễm mặn lại trở thành tai họa không chỉ người mà loài vật nước ngọt cũng ngồi chung trên “con thuyền đuối nước”. Từ góc nhìn của một nhà sinh vật học, Trần Bảo Định đau xót kể: “Mặn lại xâm nhập vào châu thổ Cửu Long Giang như từng xâm nhập tự muôn nghìn năm trước. Ngó lục bình trên sông tàn lụi; rễ dừa, rễ rau dớn quéo le que… là Rô hiểu rằng mặn đã xâm thực xong địa bàn” (Mùa mặn). Từ việc nước sông mất đi tính nguyên thủy của nó, Mùa mặn còn phơi bày thảm cảnh sinh thái “tiếng cá đương ngớp thoi thóp vì mặn. Đêm đen đặc và trần trụi, cá chết trắng mặt sông”, “Con Rô nào chịu nổi mặn thì sống, con nào không chịu nổi thì chết. Vô thường!”. Nước trong truyện của Trần Bảo Định mang luôn mang tính hai mặt, song mặt trái của nó chủ yếu do con người mà thành. Cụ thể hơn, nước có thể nhấn chìm người nếu người đi ngược lại con nước, cũng tức là đi ngược lại quy luật sự sống, chống lại sinh tồn. Nhưng nước cũng là nguồn vun đắp tưới tắm bồi dưỡng khi con người biết trân trọng và gìn giữ. Nhà văn như nhắn nhủ: Đừng thấy nước bây giờ tràn đồng mà lãng phí, cho tới một ngày nước khô cạn thì đã muộn. Thực tế hiện nay, con người đang chứng kiến và bàng hoàng nhận ra mùa khô hạn, nhiễm mặn, thiếu nước ngọt như thể đang bóp chết mảnh đất phù sa châu thổ năm nào.
Biểu tượng thứ ba đó là biểu tượng của sự mát mẻ: GIÓ. Đây là biểu tượng vô hình nhưng lại hiện diện ở mọi ngóc ngách, góp phần quy định bản chất thời tiết. Những nơi khí hậu mát mẻ, thực vật tốt tươi, gió đóng vai trò tạo nên sự sảng khoái, sự thụ hưởng tối đa cho muôn loài. Gió còn biểu trưng cho khoảng sinh quyển mà con người lẫn muôn loài tồn tại. Cho nên dấu ấn gió trong nhận thức chúng ta là khoảng không gian sinh tồn. Gió và không gian sống là nơi dung chứa tất cả mọi hoạt động xã hội và tự nhiên.
Đến với truyện của Trần Đức Tiến có làn gió mát mẻ ghé thăm xóm Bờ Giậu vào những đêm trăng thanh, nhất là những đêm mùa thu lay động lòng người, Dế Còm trở thành thi sĩ khi “Trăng lên. Gió mơn man khua động vòm lá trúc. Những chiếc lá trúc lấp lánh dưới trăng như tráng bạc. Hương thơm hoa Cúc Áo buổi chiều lẩn quất đâu đó trong gốc cây, bụi cỏ.” (Bài thơ trên lá mít). Gió với trăng như nô đùa cùng thêu dệt một bức tranh thiên nhiên mùa thu đầy tình tứ, thi vị, ngào ngạt hương sắc thiên nhiên. Gió còn đem mùi hương của cô hoa Cúc Áo quyện vào không gian rồi lan ra xa thật xa tạo cảm giác khoan khoái, thanh mát cho mọi cư dân nơi xóm Bờ Giậu (Hoa Cúc Áo). Như vậy, gió không chỉ điều hòa không khí mà theo hoàn lưu khí quyển đem hương sắc thiên nhiên len lỏi đến vạn vật. Gió còn mang hạt giống đến nơi khác gieo mầm những sự sống diệu kỳ, mang cả chiếc lông ngỗng trời đi qua Vương quốc Cóc làm cả vương quốc xốn xang, mừng rỡ. Nếu không có gió thì cuộc sống thật tồi tệ biết bao, nhân gian sẽ bớt đi một yếu tố làm nên cái Đẹp hoàn hảo cho sự sống.
Trong pháp thuyết nhà Phật, thân tứ đại không thể thiếu gió, gió đại diện cho hơi thở của con người, một khi ngưng thở thì con người đã ngừng sự sống. Trần Bảo Định thấu suốt cái thân con vật cũng như người ngừng thở thì ngừng sống. Mùa mặn xuất hiện với hình ảnh cá Rô tập thích nghi với nước mặn chát, Rô thức thời hiểu được “có thể rời nước một thời gian vừa phải, vẫn sống do hít thở oxy trong không khí”. Trong tự nhiên, nơi nào tĩnh lặng không một cơn gió thì nơi đó đang đối mặt với sự thay đổi thời tiết rất gần hoặc ít nhất nó đã gây ra một xúc cảm khó chịu trong cơ thể những vật hữu sinh. Gió góp phần tạo điều kiện cho không gian tươi mát hơn đồng thời vận hành luồng khí cho nhân gian. Lửa rừng trong tiếng hót là những cơn gió hòa kết với “ Những cơn mưa rừng kéo dài lê thê được gió đại ngàn đưa ra biển.”, “tiếng gió rừng chiều vút lên đồi cao” đem âm vang cuộc đời đi xa. Gió còn giúp cho loài vật sinh tồn dễ dàng hơn, trong Mùi thần phục, “Chúa đoán đúng hướng gió và nhận ra hang ổ chuột…khi nắm vững quy luật sinh sống, đi lại của chuột, Chúa ngụy tạo cớ, tiến hành chiếm mà không đánh chiếm”. Gió hiện diện khắp nơi là một phần không thể thiếu trong thế giới tự nhiên.
Biểu tượng thứ tư là biểu tượng ÁNH SÁNG đến từ vũ trụ qua hai tinh hệ: Mặt trời và mặt trăng. Trong triết học phương Đông, với đặc tính nóng của lửa và mang sức mạnh của sự sống, sự hủy diệt, cổ nhân gọi mặt trời là sao Thái Dương. Thái Dương là tinh đẩu đại diện cho sự cương quyết, đại diện cho phái mạnh như người ông, người cha, người con trai. Trong thần thoại Trung Hoa hình ảnh mặt trăng thường được nhắc đến và được thay đổi cái nhìn qua nhiều thời kì, dưới sự tác động mạnh mẽ của văn hóa, mặt trăng luôn là một vật thể thiêng liêng, một đối tượng để người đời sùng bái, chiêm ngưỡng. Người xưa thường gắn cho mặt trăng những màu sắc kì ảo từ những câu chuyện được thêu dệt từ nhiều nền văn hóa dân gian. Mặt trăng còn được gọi là sao Thái Âm trong vũ trụ, với đặc tính mát dịu, Thái Âm  đại diện cho người mẹ, người chị, người vợ và một chu kì tròn khuyết của trăng là 28 ngày, gắn với chu kì sinh lí người nữ nên họ gọi là “nguyệt kinh”. Vầng trăng khi tròn, khi khuyết cũng giống như hình ảnh tử cung của người phụ nữ khi mang thai và khi đã sinh nở xong nên vầng trăng luôn gắn liền với thiên tính nữ. Vòng tròn lưỡng nghi sinh ra với biểu tượng hai nửa âm dương phối hợp ngầm tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở. Cũng ý tượng rằng âm cực thì dương sinh như mặt trăng lặn thì mặt trời lên để chỉ sự tiếp diễn. Khi nhắc đến ánh sáng không thể thiếu sự xuất hiện của hai tinh hệ này, muôn vật được sống và phát triển từ đây. Sức ấm nóng của mặt trời xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông, xua tan đi màn đêm đen tối, đánh thức bình minh, tạo ra những nguồn năng lượng sạch cho con người… Với ánh sáng mát dịu tỏa đi khắp thế gian, vầng trăng mang thiên tính nữ làm nên cái Đẹp cho đêm tối.
Trong tự nhiên, mặt trời là hiện thân của ánh sáng, của nguyên tố lửa, của ban ngày. Một khi không có mặt trời thì mọi sự sống đều không thể tiếp diễn.
Mặt trời xuất hiện một cách dễ thương hiền hòa qua ngòi bút của Trần Đức Tiến. Ánh sáng buổi sớm mai hiền hòa, nhẹ nhàng nhất giúp vạn vật thôi ngủ mê, bừng tỉnh sau đêm dài chìm ngập trong bóng tối. Trong Chủ nhật của Ốc Sên và Kiến, mặt trời hé mở cho một ngày mới bắt đầu. Đàn kiến tận dụng làm việc không ngơi nghỉ từ khi “Mặt trời chưa mọc, nhưng hừng đông với ánh sáng màu hồng nhạt đã phủ lên khắp làng mạc, thôn xóm”. Ánh sáng mặt trời còn đem lại cảm giác ấm áp cho cô người mẫu Ốc Sên thanh thản chìm vào giấc ngủ. Mùa xuân đi cùng tiếng hót của Chim báo xuân xua đi mùa đông lạnh lẽo mang theo “hơi ấm từ biển tràn vào đất liền đem theo một cánh chim én nhỏ – loài chim có nhiệm vụ đi báo tin cho mọi người biết là mùa Xuân đã về”. Xuân về, những giọt nắng vàng cũng đi theo tiếng hót của chim én đang cất lên cao rồi phân phát muôn nơi. Ánh sáng mặt trời cứ thế len vào khắp góc tối, khắp cánh đồng, làng mạc, và hóa giải hết sự lạnh giá của không gian… làm bừng lên sinh khí mùa xuân tươi đẹp. Ánh sáng đem mùa theo cùng tháng năm. Cộng hưởng với các yếu tố khác mà sản sinh ra đặc trưng các mùa trong năm.
Trong truyện Trần Bảo Định, mặt trời hiện lên hòa quyện với thiên nhiên và sự suy tưởng của lòng người: “gió rung nắng, hương hoa mận bay khắp vườn. Tôi tần ngần nhìn bầu trời xanh và ngẫm nghĩ, thằng chài chính cống “thú diện nhơn tâm” (Chim phương Nam). Vậy nên, vạn vật dưới ánh sáng luôn vận hành theo một quy luật: Có ánh sáng thì có thức tỉnh, có thức tỉnh thì sẽ có suy nghĩ và hoạt động; một khi ngừng thấy ánh sáng, ngừng suy nghĩ thì cuộc sống cũng không còn. Trong Tam thanh tứ tuyệt “Nắng hào sảng cho không thiên nhiên và vạn vật ấm áp sau ngày ngủ đông”. Trong Mùi thần phục, “Nắng ban mai, trải dài trên cánh đồng lúa vừa gặt xong. Mùi rơm rạ mới giúp chúa sảng khoái và tỉnh táo.”… Tất cả đều là một sự giao hòa tuyệt đối của vạn vật dưới ánh nắng tự nhiên. Trần Bảo Định còn có một sự phát hiện đặc biệt về cuộc sống dưới ánh nắng của một số loài vật trong tự nhiên cho thấy: Ánh nắng có đẹp đến đâu nhưng vào một thời khắc nào đó trong ngày nó vẫn có thể gây hại. Minh chứng là loài chim bói cá bị ảnh hưởng thị giác khi “Dưới nắng ráng chiều, nó biệt dạng. Tôi chỉ gặp trong mỗi buổi sớm mai, nó đứng im lặng… hàng giờ… Đột nhiên, nó bay sà theo dòng nước rối vụt cánh cất lên cao… Mỏ cắp con mồi, nó bay về chỗ đứng” (Cánh chim thằng chài). Ánh nắng mặt trời hiện lên với đầy đủ công năng vật lí vừa ấm áp vừa độc đáo, khác lạ. Nó còn đóng vai trò thẩm mỹ cho sinh cảnh và một phần ký ức tình cảm con người. Bởi cái nắng vàng mật ong, hay cái nắng xỏ lỗ tai, nắng ngoài hiên nhà, nắng tỏa trên giàn nước cầu ao,… đều biểu thị sức sống căng tràn, cho con người cảm nhận sinh khí của thiên nhiên trời đất. Hơn nữa bóng hình nắng gắn liền với hình bóng quê và mái nhà xưa, đã in sâu trong thức con người Nam Bộ.
Nếu mặt trời tượng trưng cho ánh sáng ngày dài ấm áp thì mặt trăng tượng trưng cho đêm tối mát mẻ. Mặt trăng theo vòng tuần hoàn của vũ trụ ban phát cho thế gian một vẻ đẹp thơ mộng, lung linh, đẩy lùi màn đêm tăm tối. Trăng đối với mọi sinh vật đóng vai trò vừa là bạn, vừa là đèn, vừa là yếu tố trực tiếp quyết định sự gắn kết thâm tình của vạn vật. Những đêm không trăng thế gian khoác lên mình một màu đen huyền bí. Với con người, trăng không chỉ gắn bó với đời sống tinh thần mà còn gắn với quá trình lao động sản xuất.
Trần Đức Tiến đem từng mảnh trăng gắn với đời sống nhiều loài vật gần gũi trẻ em, gợi ra cho các em không biết bao nhiêu sự tò mò về các sinh thể trong tự nhiên. Trăng xuất hiện trong tập Xóm Bờ Giậu rất tình tứ, truyện Bài thơ trên lá mít được khắc họa bởi sắc vàng rực rỡ của những chiếc lá mít rụng lả tả vào mùa thu. Dưới ánh trăng dịu dàng “Đêm mùa thu ở xóm Bờ Giậu bắt đầu từ lúc bài ca buồn của Thằn Lằn vừa dứt. Trăng lên… Trong bầu không khí thanh tĩnh tràn ngập thôn quê, Dế Còm nghe văng vẳng dưới trăng tiếng mài gươm của hiệp sĩ Bọ Ngựa, tiếng thở dài của gã giang hồ Xén Tóc…’’ (Dế mùa thu). Ánh trăng đã đem lại ánh sáng trong đêm khuya, soi sáng mọi nẻo đường và cả tâm tình những con vật nhỏ. Trong Làm mèo, vầng trăng trở thành cứu tinh của một bác mèo Cụt Tai khi quên mất mình là mèo “mở mắt nhìn trời… là một đêm trăng đẹp” bác quên đi sự nhục nhã “hít căng lồng ngực làn không khí thoáng đãng có mùi cỏ tươi vừa mọc sau trận mưa”. Đó là một điều kì diệu. Chính bầu không khí trong lành dưới vầng trăng kia là một chiếc chìa khóa vạn năng hồi sinh một cơ thể ốm yếu, mệt nhoài trở nên thư thái hơn. Ánh trăng gắn chặt với cuộc đời rộng lớn, dưới ánh trăng những câu chuyện đời sống được phơi bày, những hồi ức quá khứ theo ánh trăng mà được mở ra đến vô cùng.
Trăng trong truyện đồng thoại của Trần Bảo Định không hề gắn kết với những yếu tố giả tưởng mà gắn chặt với hơi thở cuộc sống đương đại. Trong Đời cá Hô, trăng gắn với đời sống tình tứ phiêu du của loài thủy vật “Hô trống dìu vợ ngoi lên mặt sông nhìn trăng mười bảy”, “Mặt trăng hình như lắc lư, mặt nước Vàm Nao chao nghiêng sau mỗi cú nhảy của bầy cá Hô”. Trăng phảng phất trong đó thiên tính nữ, gắn với quá trình sinh sản được biểu hiện qua hành trình làm tình của cá Hô dưới ánh sáng bao dung hiền hòa, ôm lấy vạn vật. Mọi sinh linh vì thế mà được hưởng ân huệ thưởng thức, thư giãn dưới ánh trăng thanh mát. Với con người, trăng còn là đối tượng để con người tận dụng ánh sáng đánh bắt thủy sản, cá Hô “Thình lình, một mũi chĩa loang loáng ánh trăng đâm thẳng bụng Hô mái, trứng lẫn máu phọt ra khỏi bụng”. Nhưng từ góc độ nào thì trăng vẫn là chính nó, một sinh thể tồn tại độc lập, hữu hình làm nên cái đẹp cuộc sống, thổi sinh khí mát lành vào thế gian. Dưới ánh trăng, muôn loài đến cỏ cây cùng sinh sống dưới vòm trời rộng lớn được uống ánh trăng tan hòa quyện cùng ngọn gió. Đêm xuống, trăng luôn đem đến cho thế gian một sự hồi sinh đầy thi vị, một thế giới đêm đầy sắc màu dịu dàng, không chói lóa, một cuộc sống thanh bình đằng sau ngày dài kiếm ăn mệt mỏi.
Thực vật là một trong những sinh vật quan trọng bậc nhất trên Trái Đất, đóng vai trò điều hòa không khí, cân bằng khí quyển, duy trì sự sống. Nếu như không có sự tồn tại của thực vật thì mọi sự sống đều có thể chấm dứt.
Trong trang viết của Trần Đức Tiến đâu đâu cũng gián tiếp xuất hiện tràn ngập màu xanh cây lá: xanh của cỏ cây, xanh của cánh đồng, xanh của khu vườn, xanh của con đường… Xanh cây lá còn là nơi trú ẩn: Dưới gốc sung già là nơi lũ Gọng Vó ăn không ngồi rồi, suốt ngày tụ tập dưới bóng cây. Gốc sung là một địa điểm lý tưởng để chúng ẩn náu, hoạt động, giao tiếp với nhau (Chuồn chuồn nước). Xanh cây lá còn cung cấp bóng mát giảm mệt mỏi. Nhiều loài thực vật còn là nguồn thức ăn bổ dưỡng cho nhiều loài vật khác trên mặt đất như: Dế, Dê, Cào Cào… Khi nàng xuân xinh đẹp xuất hiện, khắp không gian hai bên bờ sông có “những ngọn cỏ non mềm, ngọt và thơm như mật mía” trải dài khắp không gian là khi hai chú dê nhỏ được thưởng thức món ăn tươi non, ngon mát từ thứ cỏ xuân đem lại (Hai chú dê nhỏ bên bờ sông xuân). Trong Mơ ước của Vành Khuyên  chỉ cần hai chiếc lá bưởi “mẹ cẩn thận khâu hai chiếc lá lại, rồi tha cỏ khô về đan tổ bên trong. Đêm đêm, mùi cỏ chỉ mùi lá bưởi thơm cả vào những giấc mơ”. Như vậy, thực vật là chất liệu để chim Vành Khuyên xây dựng nơi ở, hít hà hương thơm để thư giãn. Nhìn chung, hình thái thực vật trong khu vườn sinh thái của Trần Đức Tiến hầu hết đều hiện lên với vẻ đẹp vĩnh hằng, xuất phát từ cảm xúc yêu thiên nhiên đơn sơ, thuần túy.
Trần Bảo Định khi nhắc đến thực vật ngoài tình yêu còn có sự ám ảnh về sự phát triển của thế giới hiện đại. Thực vật luôn bị khai thác một cách triệt để. Con người khai thác thực vật với cái nhìn vô tư, coi thực vật là một vật vô tri, vô giác nên tùy ý xử lí chúng cho những mục tiêu mình đề ra. Với suy nghĩ ấy, rất nhiều người thiếu ý thức tôn trọng sinh mệnh nên không biết thương xót cây cối, chặt phá vô tội vạ, thậm chí bị hủy diệt rừng cả trong thời chiến lẫn thời bình. Trong Kiếp Ba Khía ông già Nam Bộ nhiều chuyện đến cùng, ông tự vấn: “Rừng mất, ai giữ bờ cõi đất bồi? Rừng mất, đất lấy gì lấn biển? Rừng mất, biển sẽ tấn công và ăn đất. Rừng mất, hệ sinh thái biến đổi, khí hậu khó lường!”. Câu hỏi không lời đáp nhưng nó như một sự phản kháng của ông với quá khứ – hiện tại – tương lai. Với quá khứ đi vào mảnh đất văn học, thực vật từng bị xem là nền cảnh, tạo nên không khí lãng mạn, vui tươi, hay buồn bã. Nhất là khi thơ xưa mượn cảnh để nói tình, thực vật được thổi hồn người, được “người hóa” để thi nhân nói lên tâm trạng của mình. Lúc này, thực vật không phải là thực vật mà là một đối tượng đã biến mất bản chất của mình để thi nhân thể hiện dụng ý nghệ thuật. Trần Bảo Định đem rừng trở lại đúng vị trí của nó, là một phận của giới tự nhiên. Con người cũng chỉ là một bộ phận của tự nhiên, hợp thành tự nhiên, là một trong những mắt xích của tự nhiên có ngôn ngữ, trí tuệ và có khả năng chinh phục thiên nhiên. Sử dụng trí tuệ giết chết tự nhiên, con người đã thực sự thiếu sự hiểu biết. Trời đất vốn tự cân bằng, vạn vật sinh ra đều chính đáng như “Nó không xây tổ, không có nghĩa nó ỷ lại thiên nhiên… Tổ của nó là vòm cây, là khu vườn mà nó đã chọn làm lãnh địa” (Cánh chim thằng chài) hay “Cây tự sinh ra sâu, đó chẳng qua là sự bài tiết của cây. Nếu không có sự bài tiết ấy, cây tự hủy diệt mình!” (Chim sâu trên cành bông ô môi). Hướng đến đời sống thực vật, Trần Bảo Định không hạ thấp vị thế con người và cũng không nâng cao vị thế con người trong giới tự nhiên mà dành cho tự nhiên một cái nhìn đầy trân trọng, đầy cảm xúc thẩm mỹ. Nói đúng hơn, Trần Bảo Định đã phá vỡ tâm thế “nhân chủ độc tôn” của loài người, đưa hệ sinh thái nhân bản phương Nam trở lại trạng thái hài hòa vốn có.
Tóm lại với những yếu tố cơ bản dung hòa làm nên sự sống thì khi nhìn nhận địa cầu, chúng ta không nên nhìn nhận như một vật vô tri, vô giác mà nên nhìn nhận nó như một sinh vật. Hãy luôn xem trái đất như một tế bào của vũ trụ, một tế bào xinh đẹp có chứa rất nhiều sự sống màu nhiệm. Dù cho đôi khi tế bào ấy có sự kết hợp giữa các cặp phạm trù đối nghịch như: âm – dương; sáng – tối, nước – lửa, có – không…  thì nó cũng tạo nên cuộc sống muôn màu. Các yếu tố này cấu thành sự sống bổ trợ cho nhau theo cách cân bằng giữa vô cực trái đất trên tinh thần dung hòa thống nhất các thể trạng, các yếu tố gieo duyên, khởi nguồn sự sống.
TÔ THỊ THANH HOA
 
Hà Nội, 11/9/2021
Lại Nguyên Ân
Nguồn: Văn nghệ số 51/2021
Theo https://vanvn.vn/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...