Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Sâu lắng hồn thơ Tế Hanh

Sâu lắng hồn thơ Tế Hanh

Tế Hanh, họ tên đầy đủ là Trần Tế Hanh, sinh ngày 20.6.1921, mất ngày 16.7.2009; quê ở vạn chài Đông Yên (nay là xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).
Ông sáng tác thơ từ sớm, nhanh chóng là gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ Mới với tập thơ “Nghẹn ngào” (1939), nhận giải khuyến khích của Tự Lực văn đoàn. Ông tham gia cách mạng từ tháng 8-1945, nhận Giải thưởng Phạm Văn Đồng do Chi hội Văn nghệ Liên khu V tặng cho tập thơ “Nhân dân một lòng” (1953). Năm 1957, ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó tham gia Ban chấp hành nhiều khóa, giữ các chức vụ: Trưởng ban đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng dịch thuật, Chủ tịch Hội đồng thơ… Bên cạnh sáng tác, Tế Hanh còn dịch nhiều tác phẩm của các nhà thơ lớn trên thế giới, viết giới thiệu, phê bình văn học. Với những đóng góp xuất sắc của mình cho nền thơ cách mạng, ông được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt I (1996).
Nhà thơ Tế Hanh (1921-2009)
>> Xung quanh tập thơ “Bức tranh quê” của Anh Thơ
>> Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tài năng lớn trọng chữ “duyên”
>> Tào Mạt – người nghệ sĩ quân đội chính trực, tài hoa
>> Lê Đạt với những đối thoại về thơ
>> Cha tôi – Nhà văn Hữu Mai
>> Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cố lách qua cặn lắng đời mình”
>> Nhà thơ Việt Phương: Một đời cay đắng, một đời hoa
>> Thơ Phùng Cung và những ám ảnh văn hóa Việt
>> Nhà văn Cao Duy Thảo và con đường nghệ thuật
>> Ngòi bút nhà văn Nguyễn Công Hoan lực lưỡng, dũng khí, lạ lùng
>> Vương Trung – “Mo Mường” thời hiện đại
>> Người văn của “Đất rừng phương Nam”
>> Hóm như bác Tô Hoài
Đóng góp về văn học của Tế Hanh được chia thành hai giai đoạn lớn: Trước và sau Cách mạng Tháng Tám 1945.
Vào giai đoạn trước cách mạng, thành tựu thơ Tế Hanh chủ yếu gắn với phong trào Thơ mới. Những bài thơ sáng tác thời kỳ học trường Quốc học Huế tập hợp lại trong tập “Nghẹn ngào”, sau ông bổ sung thêm và lấy tên “Hoa niên” (NXB Đời nay, Hà Nội, 1945). Đương thời, thơ Tế Hanh đã được nhà thơ Thế Lữ, nhà phê bình Hoài Thanh… cùng quan tâm tìm hiểu, phân tích, đánh giá cao.
Nhận xét về tập thơ “Nghẹn ngào”, một lãnh đạo của Tự lực văn đoàn đã viết trên báo “Ngày nay” (1940), trân trọng giới thiệu gương mặt nhà thơ trẻ 19 tuổi với 3 năm tuổi nghề: “Nghẹn ngào” là thơ của một người có tấm lòng giàu, dễ rung động trước muôn nghìn cảnh, hoặc tầm thường hoặc éo le ở đời… Ông Tế Hanh là một nhà thơ cũng thuộc về một loại với Xuân Diệu và Huy Cận, có lẽ gần Huy Cận hơn… Đặc biệt nhất trong tập thơ có hai bài “Quê hương” và “Những ngày nghỉ học”, có thể gọi là hai bài thơ hay của thi ca Việt Nam và hai bài đó đủ định giá trị của nhà thơ Tế Hanh”.
Qua năm sau, hai nhà phê bình Hoài Thanh-Hoài Chân tuyển 4 bài thơ của Tế Hanh vào “Thi nhân Việt Nam” (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942), ngang bằng số bài của các bậc thi bá (Đông Hồ, Anh Thơ, J.Leiba, Đoàn Văn Cừ, Vũ Hoàng Chương) và nhấn mạnh: “Tôi thấy Tế Hanh là một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không thanh âm như “mảnh hồn làng” trên “cánh buồm giương”, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ… Dầu sao, sự thành thực của thi nhân không thể ngờ được. Nhưng tôi chưa muốn nói nhiều về Tế Hanh. Tế Hanh còn trẻ lắm và cũng mới bước vào làng thơ, chưa có thể biết rõ những con đường người sẽ đi”…
Vào giai đoạn sau tháng 8-1945, sự nghiệp văn học của Tế Hanh rộng mở với cả sáng tác, dịch thuật và viết phê bình.
Như phần đông các tác gia Thơ mới khác, Tế Hanh vất vả chuyển mình theo nền văn học cách mạng, sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Trong tập thơ “Hoa mùa thi” (thi ở đây là thi đua) năm 1949 có bài “Đi” phản ánh rõ thái độ nhận đường và ý thức dứt bỏ một cái “tôi” xưa cũ: “Sang bờ tư tưởng, ta lìa ta/ Một tiếng gà lên tiễn nguyệt tà/ Ta đứng bên này đêm quyết liệt/ Con người quá khứ đã theo ma…”.
Tế Hanh thực sự nhập cuộc với nền văn học mới qua các tập thơ “Lòng miền Nam” (1955), “Gửi miền Bắc” (1958), “Tiếng sóng” (1960), “Bài thơ tháng bảy” (1962), “Hai nửa yêu thương” (1963), “Khúc ca mới” (1966), “Đi suốt bài ca” (1970), “Câu chuyện quê hương” (1973), “Theo nhịp tháng ngày” (1974), “Giữa những ngày xuân” (1977), “Con đường và dòng sông” (1980), “Bài ca sự sống” (1985), “Giữa anh và em” (1992), “Vườn xưa” (1992), “Em chờ anh” (1994) và các tập thơ viết cho thiếu nhi như: “Chuyện em bé cười ra đồng tiền” (1961), “Những tấm bản đồ” (1965), “Thơ viết cho con” (1974), “Tiếng sáo, tiếng đàn, tiếng hát” (1983)… Có thể khẳng định thơ Tế Hanh sau năm 1945 cơ bản thuộc về nền thơ xã hội chủ nghĩa, gắn bó với giai đoạn văn học chống Mỹ, cứu nước và tiếng nói chân thành ngợi ca chế độ mới, con người mới, cuộc sống mới. Trên chặng đường thơ từ khi đi theo Đảng, theo cách mạng cho đến cuối đời, Tế Hanh vẫn có được nhiều tứ thơ trữ tình sâu lắng, phản ánh rõ một tâm hồn nhiều suy tư, giàu cảm thông, ân nghĩa.
Gắn bó với dòng sông quê, bài thơ “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh thực sự là đỉnh cao của tiếng thơ yêu nước và khát vọng thống nhất đất nước. Tất cả bộc lộ nhuần nhuyễn qua những kỷ niệm buồn vui một thời thơ trẻ, những chia ly bởi chiến tranh và khắc khoải một ngày đoàn tụ: “Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!/ Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ…/… Quê hương ơi! Lòng tôi cũng như sông/ Tình Bắc Nam chung chảy một dòng/ Không gành thác nào ngăn cản được/ Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước/ Tôi sẽ về sông nước của quê hương/ Tôi sẽ về sông nước của tình thương”.
Với “Bài thơ tình ở Hàng Châu”, Tế Hanh dâng trào cảm xúc, bâng khuâng trong cảnh nước mây bồng lai tiên cảnh, đằm thắm nỗi nhớ thương đất nước và ước mong một ngày thanh bình: “Trời Hàng Châu bốn bề êm ái/ Mùa thu đã đi qua còn gửi lại/ Một ít vàng trong nắng trong cây/ Một ít buồn trong gió trong mây/ Một ít vui trên môi người thiếu nữ…”.
Cho đến một ngày kia, thi nhân thơ thẩn đi tìm lại một nửa hồn mình. Bài thơ lục bát “Hà Nội vắng em” gieo từng khổ hai câu nối cái nhìn đo đếm, cái cảm sâu xa gợi quá vãng và nối với nhau bằng những bước chân kỷ niệm, đi từ phố này đến phố khác: “Thế là Hà Nội vắng em/ Anh theo các phố đi tìm ngày qua/ Phố này bên cạnh vườn hoa/ Nhớ khi đón gió, quen mà chưa thân/ Phố này đêm ấy có trăng/ Cùng đi một quãng nói bằng lặng im/ Phố này anh đến tìm em/ Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây”. Tìm mãi, tìm mãi để rồi cuối cùng thi nhân nhận lại được cả một thi tứ: “Anh theo các phố đó đây?/ Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em”.
Đi tìm em nhưng chẳng thấy em đâu, chỉ thấy những bóng hình, những kỷ niệm “vắng đầy cả em”! Tứ thơ bình dị mà thật nhân văn, sâu lắng, nao nao hồn người, tình người, tình yêu đôi lứa. Khác với dòng thơ nhiệt huyết như tiếng chào rơi của kẻ qua đường, thăm thẳm trong hồn thơ Tế Hanh vẫn là tiếng nói trữ tình và chính điều đó đã giúp thơ Tế Hanh vượt lên mọi biến động lịch sử, trở nên tinh lọc, sống mãi với thời gian.
Bên cạnh sáng tác thơ, Tế Hanh còn là dịch giả xuất sắc, có những đóng góp quan trọng nối nền thơ thế giới với nền thơ dân tộc. Vốn là người thành thạo Pháp văn, ông đặc biệt quan tâm đến các nhà thơ Pháp với nhiều bản dịch thơ của V.Hugo, P.Valéry, L.Aragon… và nhiều tác phẩm của các nhà thơ Nga, Hungary, Bulgaria, Đức, Ba Lan, Chile, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Séc, Mỹ, Tây Ban Nha, Iran, Thụy Điển, Indonesia… Xin dẫn tứ thơ “thủ vĩ ngâm” trong bản dịch bài thơ “Em ơi! Em đừng hát” của đại thi hào Nga A.S.Pushkin: “Em ơi! Em đừng hát/ Những tiếng hát Gruzi/ Vị chua cay nhắc lại/ Một bờ bên kia, một đời bên kia”. Nhà thơ, dịch giả Bằng Việt cho rằng có những câu thơ Tế Hanh dịch “hay đến mức xuất thần” và nhận định: “Tế Hanh dịch thơ rất tài hoa, và nhiều bài thơ dịch của anh đã trở thành những bản dịch mẫu mực, khó ai vượt qua nổi”.
Đến đây cũng cần nhấn mạnh những đóng góp quan trọng của Tế Hanh trong hoạt động phê bình, nhận diện nền văn học hiện đại, đặc biệt nền thơ thế kỷ XX. Trên thực tế, phải đến thời kỳ sau năm 1954, Tế Hanh mới bắt tay vào viết phê bình. Sau khoảng nửa thập kỷ, ông đã có tập tiểu luận, phê bình “Thơ và cuộc sống mới” (1961) gồm tròn 10 mục bài, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa thời đại của nền thơ cách mạng và trân trọng giới thiệu tiếng thơ của Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu. Trong các thời kỳ sau này, ông còn nhiều lần nhắc nhớ, luận bình và ghi lại kỷ niệm về các nhà văn: Đặng Thai Mai, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nam Trân, Chế Lan Viên, Nguyễn Khoa Điềm…
Trong nền thơ Việt Nam hiện đại, Tế Hanh thể hiện một tiếng thơ dung dị, khiêm nhường, không rực rỡ, tân kỳ, không bất ngờ, ào ạt. Thơ ông cũng như con người ông, nhỏ nhẹ và mực thước, vừa đủ để tạo nên dấu ấn riêng. Ở thời kỳ nào, giai đoạn nào ông cũng có những bài thơ hay, được giới phê bình và người đời nhắc nhớ, ghi nhận. Vượt lên số bài bậc trung, thi sĩ Tế Hanh để đời bằng những tứ thơ đằm thắm tình người, tình đời, man mác những yêu thương, nhớ thương, ước nguyện.
PGS-TS NGUYỄN HỮU SƠN
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...