Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Xung quanh tập thơ "Bức tranh quê" của Anh Thơ

Xung quanh tập thơ
"Bức tranh quê" của Anh Thơ

Tập thơ “Bức tranh quê” là tác phẩm đầu tay của nhà thơ Anh Thơ (1918-2005) do Nhà xuất bản Đời Nay in năm 1941, sau khi “Bức tranh quê” được giải khuyến khích của Tự lực Văn đoàn năm 1939, cùng với tập “Nghẹn ngào” của nhà thơ Tế Hanh (1921-2009).
1. Theo xác nhận của chính nhà thơ Anh Thơ cùng nhiều nhà nghiên cứu khác như tác giả “Thi nhân Việt Nam, 1932-1941” là Hoài Thanh (và Hoài Chân) đều khẳng định: “Bức tranh quê” được “giải khuyến khích”. Trong quyển “Những sự kiện văn học Việt Nam (từ 1865 đến 1945)”, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2012, Phó Giáo sư – tiến sĩ Vũ Tuấn Anh lại cho “Bức tranh quê” được “giải Chính thức”. Không rõ, anh căn cứ vào tư liệu nào?
Nữ sĩ Anh Thơ (1918-2005) và bìa tập thơ “Bức tranh quê”
>> Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tài năng lớn trọng chữ “duyên”
>> Tào Mạt – người nghệ sĩ quân đội chính trực, tài hoa
>> Lê Đạt với những đối thoại về thơ
>> Cha tôi – Nhà văn Hữu Mai
>> Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cố lách qua cặn lắng đời mình”
>> Nhà thơ Việt Phương: Một đời cay đắng, một đời hoa
>> Thơ Phùng Cung và những ám ảnh văn hóa Việt
>> Nhà văn Cao Duy Thảo và con đường nghệ thuật
>> Ngòi bút nhà văn Nguyễn Công Hoan lực lưỡng, dũng khí, lạ lùng
>> Vương Trung – “Mo Mường” thời hiện đại
>> Người văn của “Đất rừng phương Nam”
>> Hóm như bác Tô Hoài
>> Nhớ Trinh Đường
>> Nhà thơ Hoàng Trần Cương: Vuốt nỗi nhớ cồn cào xuống ngực…
>> Kim Lân – Cây bút độc đáo của làng quê Việt Nam
>> Nhà văn Lý Văn Sâm: Một căn cước văn hóa Đồng Nai – Đông Nam Bộ
Tập thơ “Bức tranh quê” (khi gửi dự giải thưởng) vốn có 30 bài, bài nào cũng 12 câu; như tác giả và Tự lực Văn đoàn khẳng định. Nhưng trong quyển “Thơ Mới – tác giả và tác phẩm” của Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1999, in “Bức tranh quê” và ghi rõ: Nhà xuất bản Đời nay, 1941, “văn bản do tác giả cung cấp”, lại thấy có đến 45 bài. Chắc là do nhà thơ Anh Thơ mới thêm vào 15 bài để in, sau khi được tặng giải (lẽ ra, để các nhà nghiên cứu và người đọc tiện theo dõi, người làm sách phải nêu rõ chuyện này).
Theo nhà thơ Anh Thơ, hồi ấy, khi thể lệ cuộc thi văn thơ của Tự lực Văn đoàn đến tay bà thì chỉ còn một tháng nữa là hết hạn nhận tác phẩm. Bà phải tìm cách trốn tránh người cha vốn thành kiến nặng với việc con gái làm thơ, để viết cho nhanh, cho đủ 30 bài. Không lâu sau, bà nhận được giấy của tòa soạn Báo Ngày Nay cho biết bà đã được giải khuyến khích, và trong bài nhận xét Tự lực Văn đoàn đánh giá hai tập “Bức tranh quê” và “Nghẹn ngào” là “ngang nhau”, nhưng “để khuyến khích phụ nữ”, bà được mời về Hà Nội dự tiệc trà và lĩnh thưởng.
Người tiếp nhà thơ Anh Thơ ngay lúc bước vào tòa soạn báo Ngày Nay là nhà thơ Thế Lữ và nhà thơ Tú Mỡ. Nhà thơ Thế Lữ đưa nhà thơ trẻ đến ngồi trước lò sưởi, trước mắt có đĩa bánh nổi hàng chữ bằng kem xanh: “Nữ sĩ Anh Thơ”.
Cuối buổi lễ trao giải, nhà thơ Tú Mỡ trao cho tác giả “Bức tranh quê” phong bì đựng 30 đồng tiền thưởng. Không rõ nó tương đương với bao nhiêu tiền bây giờ, nhưng số tiền đủ để tác giả mua cho bà của mình một ống giã trầu; cho bố một cặp da, cho mỗi đứa em một chiếc mũ, cho “nàng hầu của bố” một chiếc ví tay, chị sen giúp việc một chiếc quần láng, còn chính tác giả thì một bộ cánh tân thời bằng lụa trắng.
2. Hồi bấy giờ, trên công luận, có hai bài đánh giá “Bức tranh quê” kỹ lưỡng. Một bài của tác giả “Thi nhân Việt Nam…” nói trên. Quyển sách này, hơn bảy chục năm nay được in đi in lại nhiều lần, bài ấy dễ tìm. Còn một bài khác, ít người biết, là bài của Tự lực Văn đoàn viết trước bài của “Thi nhân Việt Nam…” đăng trên báo Ngày Nay số 200, ra ngày 25.5.1941.
Trong khi chưa tìm được tờ báo ấy, tôi dựng lại bài nhận xét này qua những đoạn được nhà thơ Anh Thơ ghi lại trong quyển hồi ký “Từ bến sông Thương”, Nhà xuất bản Văn học, 1986. Ở mỗi đoạn, tác giả “Bức tranh quê” có xen vào cảm nghĩ của mình, tôi không dẫn ra đây.
Điều đáng lưu ý là, Tự lực Văn đoàn nhận xét, đánh giá thẳng thắn, khách quan và khá chính xác về những bài thơ của một cô gái quê trẻ tuổi, và người viết bài nhận xét lại là Nhất Linh, nhà văn chuyên viết văn xuôi, chứ không phải một nhà thơ hay một nhà phê bình. Tôi giữ nguyên văn và cách viết của Nhất Linh cách đây gần 80 năm. Không biết nhà thơ Anh Thơ ghi lại có hoàn toàn chính xác không, có lược bỏ đoạn nào không:
“Bức tranh quê của cô Anh Thơ là một tâp hợp ba mươi bài thơ. Bài nào cũng mười hai câu. Tác giả tả cảnh thôn quê từ đầu năm cho đến Tết. Mùa nọ sang mùa kia. Tác giả nhất định tả cảnh theo thời tiết, nhất định dùng một thể thơ giống nhau. Tự đặt mình vào con đường khó khăn, hình như cốt để tỏ rõ sự tài tình và khéo léo của mình. Lối ấy chỉ làm cho tập thơ kém vẻ linh hoạt, thành ra nặng nề, uể oải, từ đầu đến cuối cứ đều đều một giọng.
“Bức tranh quê” có một vẻ mới trong thi ca Việt Nam: là tác giả đứng về mặt khách quan, suốt tập không bao giờ nói đến mình, không dùng chữ “tôi” nào.
Tác giả đứng ngoài nhận xét, rồi từ từ ghi lên giấy, hình như không chút cảm động nào.
Những nhận xét của cô Anh Thơ rất đúng. Có khi đúng đến nỗi làm người ta phải ngạc nhiên và chịu phục. Tả cảnh mưa, cô viết:
Tre lả lướt nghiêng mình cho nước gội
Cau thẳng mình dang lá đón mưa rơi
Đồng chìm xuống bông lúa vàng rũ rượi
Ao dềnh lên bè rau muống xanh tươi.
Trong bài “Chợ mùa hè” có hai câu tỏ rõ tài nhận xét của cô Anh Thơ đến cực điểm:
Chó le lưỡi ngồi thừ nhìn cũi đóng
Lợn trói nằm hồng hộc thở căng giây.
Trong bài “Sáng hè”:
Gió man mát bờ tre rung tiếng sẻ,
Trời hồng hồng đáy nước lắng son mây.
Làn khói xám từ nóc nhà lặng lẽ
Vươn mình lên như tỉnh giấc mê say
Cũng cảnh khói ở nóc nhà bay lên, nhưng về mùa thu, sau khi mưa, cô lại tả khác và rất đúng:
Khói nặng nề tìm gió, vẩn vơ ra.
Tả cảnh sang thu:
Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác
Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay
Và còn bao nhiêu cảnh khác, khi cần đến sự nhận xét thì mắt cô không lầm bao giờ, lại thấy cả cái rất tinh vi, người khác không thấy:
…Mưa lao mình qua những cánh buồm căng
…Trong sương mù chèo động sóng lung linh
Tả mấy ông thầy bói đi trong chợ ồn ào:
Lặng lẽ nhất có vài người thầy bói
Bước gậy lần như những bước chiêm bao
Cả đến “Bến đò ngày phiên chợ“, cô cũng nhìn bằng con mắt Tây phương:
Thuyền ghé bến, người người chen chúc xuống
Tiếng chó kêu, lợn hét, nổi vang lừng
Với tiếng người ồn lên trong luống cuống
Đặt gánh gồng bồ bịch đổ lung tung
Nhưng cô Anh Thơ thiếu một cái rất cần với thi sĩ. Thơ cô tả cái gì thì chỉ có cái ấy thôi, không gợi cho người đọc cái mung lung. Một câu thơ không phải chỉ là cái định tả trong thơ, nhưng ở trong thơ còn có cả một thế giới khác không có liên can gì đến câu thơ. Đọc thơ mỗi người lại cảm thấy khác nhau.
Cái tiếng vang ở cảnh núi, nó làm ta nghĩ đến cái rộng rãi của không gian, thơ cô Anh Thơ thiếu hẳn tiếng vang đó. Tiếng vang thơ đó một phần tại thơ cô rõ ràng, minh bạch quá. Chữ dùng quá ư mộc mạc, nhiều khi không cân nhắc, lựa chọn gì cả. Chung quanh thơ cô không có một chút mây núi bao phủ, để giấu giếm một chút huyền bí, người đọc chỉ đoán thấy, chứ không trông rõ. Phải làm thế nào cho thơ của cô, tuy là thơ khách quan đối với người đọc, cũng như cái cảnh sáng sớm cô tả trong thơ:
Trong sương mù chèo động sóng lung linh
Nên cô lưu ý đến việc chọn chữ, lựa câu hơn một chút và nếu cô lại đem cái tài nhận xét lạ lùng của cô đặt vào cảnh khác và không bao giờ bó buộc như “Bức tranh quê“, chúng tôi tin rằng cô sẽ đem lại cho nền thi ca Việt Nam những tác phẩm hay hơn thế nữa”.
Nhất Linh còn chú thích ở cuối bài: “Trong “Bức tranh quê”, vì sự bó buộc của toàn thể cô phải viết nhiều câu tầm thường, nhiều chữ độn cho câu thơ đủ tám chữ. Thế mà không ai bắt cô phải viết đủ mười hai câu”.
3. Tôi có một kỷ niệm nhỏ với “Bức tranh quê” của nhà thơ Anh Thơ. Trên số Tết của Báo Sài Gòn giải phóng năm 2001, tôi có bài “Nữ sĩ Anh Thơ với ngày xuân xứ Bắc”. Tôi đem báo đến tặng nhà thơ, lúc bà đang ở khu tập thể Văn Chương, Hà Nội. Nhà thơ Anh Thơ đọc lướt qua bài báo, rồi dừng ở đoạn này:
“Có khi nhà thơ tỏ ra hóm hỉnh, dí dỏm. Ở những câu thơ này – trong bài “Đêm xuân” – cảnh và người lại như cùng “hô ứng” với nhau tạo ra một sự hòa hợp ý nhị, hiếm thấy trong các nhà thơ cùng thời:
Ngoài đường vắng – trời đêm mà che nón?
Có hai người đi lẻn tới nương dâu.
Và lại có cả một đôi đom đóm
Bay dập dìu như muốn phải lòng nhau…”.
Nhà thơ Anh Thơ bảo:
– Anh đã có một phát hiện mà từ trước tới nay, viết về tập “Bức tranh quê”, tôi chưa thấy ai nói.
HỒNG DIỆU
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...