Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Sự biến ảo của lục bát Mai Bá Ấn - Trường hợp câu lục

Sự biến ảo của lục bát
Mai Bá Ấn - Trường hợp câu lục

Có thể thấy, việc ngắt/ vắt dòng câu lục trong thơ Mai Bá Ấn hết sức linh hoạt và đa dạng. Nếu như lục bát truyền thống thường ngắt nhịp chẵn 2/2/2 quen thuộc thì lục bát Mai Bá Ấn gần như ngắt nhịp ở mọi vị trí. 
Nhà phê bình Mai Bá Ấn ở Quảng Ngãi
Cố nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng trong bài viết “Mai Bá Ấn và trần trụi một khúc đành hanh” có một nhận định rất tinh tế, xác đáng về lục bát Mai Bá Ấn: “Những câu thơ dường như không chịu ăn mặc chỉnh tề, cứ như vậy mà tưng tửng đi vào đời”. Với hai tập Lục bát làm liều và Thị trường lục bát, Mai Bá Ấn đã góp vào dòng chảy của lục bát Việt một gương mặt độc đáo, bằng những câu thơ ấn tượng. Đó là những câu thơ “tưng tửng”, “không chịu ăn mặc chỉnh tề” đầy bất ngờ mà cũng hết sức thú vị, sâu sắc. Một trong những điều làm nên những câu thơ trên chính là câu lục biến thể mà nhà thơ phá cách chủ động, linh hoạt. Làm nên sự biến ảo của lục bát Mai Bá Ấn có vai trò tiên phong của những câu lục này.
1. Câu lục ngắt/ vắt dòng
Không khó để nhận ra câu lục ngắt/ vắt dòng xuất hiện với tần số cao trong thế giới lục bát Mai Bá Ấn. Trong Lục bát làm liều và Thị trường lục bát, kiểu câu lục biến thể này có mặt trong gần như tất cả các bài. Dưới đây là một số mô hình ngắt/ vắt dòng mà nhà thơ thường xuyên sử dụng:
Ngắt dòng theo nhịp chẵn 
– Ngắt dòng 2/4, chẳng hạn: Ru con/ Ba hát giọng buồn; Lời ru/ câu nổi tiếng chìm (Nhà thơ ru con); Câu lục/ chèn giữa cõi trần (Trẻ được…là mừng)…
– Ngắt dòng 4/2, chẳng hạn: May mà còn Mẹ/ và Em (Nợ); đây là cổ phiếu/ không tên (Chứng khoán tình yêu)…
– Ngắt dòng 2/2/2, chẳng hạn: thôi thì/ một chán/ hai chê (Dế giun Bùi Giáng); gái quê/ thương thiệt/ yêu thà (Gái tiếp viên)…
Ngắt dòng theo nhịp lẻ
– Ngắt dòng 1/5, chẳng hạn: khóc/ cho ra một tiếng cười (Đi lên Đà Lạt tìm hoa); trăng/ hoang thai giữa mây trời (Hoang thai)…
– Ngắt dòng 1/3/2, chẳng hạn: Rót/ trong bình nhạt/ giọt mòn (Về)…
– Ngắt dòng 2/1/3, chẳng hạn: có lần…/ vâng/ đã có lần (Dế giun Bùi Giáng); hoàng hôn/ lạnh/ nỗi tái tê (Điên rồ trinh tiết biển)…
– Ngắt dòng 3/1/2, chẳng hạn: mà thì là/ giận/ lặng im (Mà… thì… là)…
– Ngắt dòng 1/1/1/1/2, chẳng hạn: rằng/ em/ sắp/ sửa/ lấy chồng (Anh đau cái chỗ…)…
– Ngắt dòng 3/3, chẳng hạn: Mười lăm năm…/ lại trở về (Mười lăm năm… nặng nợ yêu thương); Và hình như…/ hình như là (Vòng tròn)…
Vắt dòng sang câu bát
Đó là trường hợp câu lục chưa trọn vẹn nghĩa. Nhà thơ cố tình vắt dòng câu lục sang câu bát để câu thơ thể hiện trọn vẹn một logic ngữ nghĩa. Chẳng hạn: Ru từ viên phấn ngày đầu/ vào nghề…/ cha hát những câu nhân tình (Thầy giáo ru con)…
Có thể thấy, việc ngắt/ vắt dòng câu lục trong thơ Mai Bá Ấn hết sức linh hoạt và đa dạng. Nếu như lục bát truyền thống thường ngắt nhịp chẵn 2/2/2 quen thuộc thì lục bát Mai Bá Ấn gần như ngắt nhịp ở mọi vị trí. Sự tự do trong ngắt nhịp/ vắt dòng không chỉ mang đến những tiết tấu, nhịp thơ đa dạng, sinh động, phù hợp với mạch/ dòng cảm xúc mà còn là sự chứng thực cho tính chất “trò chơi” của lý thuyết tiếp nhận hiện đại trong thơ Mai Bá Ấn, như chính nhà thơ quan niệm: lục bát hay thơ nói chung có thể “làm liều”, “làm đại”, rộng hơn là “làm chơi”, “liều chơi”, “đùa chơi”: Câu thơ lục bát đoạn trường/ liều thôi (Liều); Đem câu lục bát yêu thương/ lia vào giữa cuộc thương trường/ liều chơi (Ngỏ)...
2. Câu lục vi phạm luật bằng trắc
Ai cũng biết, trong câu lục của lục bát nguyên thể, tiếng thứ tư bắt buộc phải mang thanh trắc (một trong bốn thanh điệu sắc, hỏi, ngã hoặc nặng). Trong thế giới lục bát Mai Bá Ấn, câu lục được giữ nguyên thể quen thuộc vẫn xuất hiện thường xuyên nhưng cũng không kém phần độc đáo, ấn tượng; ví như: Con đò đứng sựng bên sông/ khi nghe sáo đã sổ lồng bay xa (Gánh duyên qua cầu); ta về gõ nốt nhịp tim/ kiếm tiền nhuận bút nuôi em sang giàu (Đùa chơi)…
Bên cạnh câu lục nguyên thể, nhà thơ Mai Bá Ấn còn tăng cường sử dụng câu lục phá cách theo hình thức vi phạm luật bằng trắc. Cụ thể, ở nhiều bài thơ, tác giả cố tình để tiếng thứ tư của câu lục mang thanh bằng (thanh ngang hoặc thanh huyền), chẳng hạn: Lại rồi một mùa Noel (Về đây cùng hát); đây là thị trường tự do (Thị trường lục bát). Với tiếng thứ 4 mang thanh bằng, câu lục ngay lập tức gây hiệu ứng… “chỏi”. Nó bị tước đi giai điệu êm ả quen thuộc, tạo phản ứng “trái tai”, khiến người đọc bắt buộc phải chú ý đến. Nghĩa của câu thơ cũng tạo sinh từ đó…
Ở nhiều câu lục khác, bên cạnh tiếng 4 vần bằng, tác giả còn gia tăng số lượng vần bằng ở những tiếng khác nhằm tạo những hiệu ứng âm thanh lạ. Trong thơ Mai Bá Ấn, không khó để gặp những câu lục có 5/6 tiếng mang thanh bằng, chẳng hạn: Mẹ là dòng sông quê hương (Nợ); Vậy rồi mình ngồi mình buồn (Lục bát đùa chơi); Chúa ở trên trời mà chi (Về đây cùng hát); Đi qua cuối cây cầu tre (Bão tự phương anh)…
Thậm chí, ở nhiều bài, nhà thơ còn cố tình viết những câu lục toàn bằng, tức 6/6 tiếng đều mang thanh bằng, ví như: câu bay theo mây lang thang (Xangsane lục bát bão lòng); hoa/ hoang thai trên cành cao (Hoang thai)…
Chưa dừng lại ở đó, Mai Bá Ấn còn phá cách câu lục bằng cách ngắt dòng câu lục toàn bằng, chẳng hạn: Vừa là thầy/ vừa là cha (Thầy giáo ru con); tình buồn/ tìm về/ đường mòn; buồn tình/ mình ngồi/ rầu rầu; lần mò/ hồn tìm/ về đồng (Xangsane lục bát bão lòng)…
Bên cạnh tiếng thứ tư, tiếng thứ 2 của câu lục Mai Bá Ấn cũng thường cố tình phá cách. Ở nguyên thể, tiếng thứ 2 câu lục bắt buộc phải mang thanh bằng. Nhà thơ cố ý sử dụng thanh trắc, chẳng hạn: mang rượu xin cưới chị Hằng (Dế giun Bùi Giáng); Đà Lạt thì lắm thứ hoa (Mù sương Đà Lạt)…
Cùng với đó, nhà thơ kết hợp với ngắt dòng để tạo nên những câu thơ lục chông chênh, trúc trắc, tạo những hiệu quả thẩm mỹ bất ngờ, ví như: Con gái Đà Lạt/ má hồng (Mù sương Đà Lạt); câu lục/ ngậm tủi nuốt hờn; không khóc/ sao mắt cay cay (Thị trường lục bát)…
Thậm chí, ở nhiều câu lục, nhà thơ cố tình vi phạm luật ở cả hai tiếng thứ 2 và tiếng thứ 4 kết hợp xuống dòng, ví như: câu bát/ ngân lên mê say (Xangsane lục bát bão lòng); tóc biếc xanh/ da trắng ngần/ đợi người tàn cuộc phù vân/ trở về (Điên rồ trinh tiết biển)…
Dĩ nhiên, Mai Bá Ấn không phải là người đầu tiên phá cách câu lục bằng hình thức vi phạm luật hòa thanh. Tuy nhiên, phá cách một cách linh hoạt, “liều” nhưng hợp lý, thuyết phục và đem đến những ấn tượng độc đáo, bất ngờ như ông thì không phải tác giả lục bát nào cũng làm được. Đúng như nhà thơ Thanh Thảo nhận định: “Mai Bá Ấn là người làm thơ lục bát rất có duyên”. Cái duyên ấy đến từ sự giản dị, tự nhiên nhưng hết sức linh động, biến ảo của thế giới lục bát Mai Bá Ấn mà trong đó, câu lục phá cách có vai trò hết sức quan trọng.
3. Những kiểu phá cách độc đáo khác
Câu lục vần trắc cũng là một biến thể mang dấu ấn Mai Bá Ấn. Trong lục bát nguyên thể, vần câu lục được gieo ở tiếng thứ 6 và mang thanh bằng. Hiếm hoi lắm mới xuất hiện vần trắc, ví như: Tò vò mà nuôi con nhện/ Đến khi nó lớn nó quyện nhau đi (Ca dao). Chính Mai Bá Ấn trong một nghiên cứu công phu về “Thế giới lục bát biến thể của Bùi Giáng” cũng khẳng định: “Nói đến vần trong Lục bát, nhất định phải nghĩ đến vần bằng. Tuy nhiên, thi thoảng trong ca dao và ở một số nhà thơ có ý thức cách tân Lục bát khác vẫn có xuất hiện cách gieo vần trắc, nhưng rất hiếm”. Mai Bá Ấn là một trong số những nhà thơ “rất hiếm” ấy. Không dừng lại ở lý luận, nhà thơ tiến đến thể nghiệm một cách có ý thức câu lục vần trắc và thành công với những dòng thơ rất ấn tượng, chẳng hạn: Hương giang hoa tan bèo hợp/ Mưa rơi lộp độp thủng nón bài thơ (Lục bát trắc vận)…
Câu lục giữ vai trò kết thúc bài thơ cũng là một kiểu phá cách độc đáo của lục bát Mai Bá Ấn. Ở lục bát nguyên thể, mỗi bài thơ là một hay nhiều liên lục bát (một liên gồm một câu lục và một câu bát đi liền nhau). Trong đó, câu bát giữ vai trò kết thúc liên, đồng thời kết thúc bài. Trong lục bát Mai Bá Ấn, nhà thơ thường xuyên làm ngược quy định thể loại khi để cho câu lục làm nhân tố kết bài, ví như: kết thúc bài “Phận Kiều” là câu lục thủy chung nhất mực nàng Kiều; kết thúc bài “Trẻ được… là mừng”, câu kết là câu lục xuống dòng trẻ ra được/ vậy là mừng…; kết thúc bài “Về” là câu lục Ngân nga giọng cỏ lời cây…; kết thúc bài “Lời mẹ ru” là câu lục Lời ru gạn đục khơi trong…; ở bài “Thị trường ơi lắm đoạn trường” là câu lục rớt dòng thị trường ơi/ lắm đoạn trường… Đặc biệt ở chỗ, phần lớn những câu lục này lại đi kèm với dấu chấm lửng (dấu ba chấm) kết thúc bài.  Với điều này, ý thơ dường như vẫn chưa dứt, bài thơ vẫn còn ở trạng thái dang dở, “chưa làm xong”, “không hồi kết”; do đó có thể mở ra nhiều chân trời mới, “vẫy gọi người đọc” cùng “đồng sáng tạo”.
Có thể nói, một trong phương diện làm nên phong cách lục bát Mai Bá Ấn là sự phá cách trong việc sử dụng câu lục. Nhà thơ Thanh Thảo trong bài viết “Năm anh em trên một chiếc xe” giới thiệu năm gương mặt thơ độc đáo, trong đó có Mai Bá Ấn “hát lục bát hồn nhiên nhưng cách hát và bài hát đã khác”. Cả năm gương mặt thơ này đều có “cách “vào thơ” và “ra thơ” cũng đột ngột”. Một trong những cách “vào thơ” “đột ngột” nhưng độc đáo, ấn tượng và đầy cá tính của Mai Bá Ấn chính là câu lục phá cách mà ông đã sử dụng rất hiệu quả trong thế giới lục bát của mình.
Quê mẹ Nghĩa Kỳ, cuối năm 2021
TRỊNH BÍCH THÙY
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...