Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Tấm lòng yêu nước của trí thức qua Tri tân tạp chí

Tấm lòng yêu nước của
trí thức qua Tri tân tạp chí

Năm nay vừa tròn 80 năm Tri tân tạp chí ra đời (1941-2021). Những người sáng lập, những thành viên chủ chốt và đội ngũ cộng tác viên (CTV) cũng như tôn chỉ và thực tế các mục bài in trên Tri tân tạp chí đều hướng tới đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống dân tộc, bản ngã dân tộc, sức mạnh dân tộc.
Nhan đề tạp chí “Tri tân” (biết mới) nhưng cảm hứng, nội dung, chủ đề chính yếu lại dựa trên nền tảng hoạt động khảo cứu, tập trung “ôn cố” (ôn xưa) nhằm khơi gợi các giá trị tinh thần truyền thống dân tộc.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Sơn
Một điều cần ghi nhận là chính lời hiệu triệu “bồi bổ văn hóa”, hướng về lịch sử dân tộc đã lôi cuốn sự tham gia của đông đảo CTV trong cả nước. Tại Hà Nội có sự góp sức của nhiều cây bút xuất sắc như: Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Đặng Thai Mai, Chu Thiên, Hoàng Thiếu Sơn, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi…; ở Trung Bộ có Đào Duy Anh, Mãn Khánh Dương Kỵ, Bửu Kế…; ở Nam Bộ có Đông Hồ, Kiều Thanh Quế, Mộng Tuyết…
Đến đây xin dẫn trường hợp bỉnh bút Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố (1889-1947, sau làm Chủ tịch Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa) với cả trăm bài báo, hầu như số nào cũng có bài, có số in liền đôi bài và nhiều công trình khảo cứu trường thiên, nối suốt năm này sang năm khác, chẳng hạn các chuyên đề: Tài liệu để đính chính những bài văn cổ, in số 20-208 (1941-1945); khảo cứu Những ông nghè triều Lê, số 25-204 (1941-1945); bình luận Thi văn bình chú, số 89-103 (1943); luận giải Tra nghĩa chữ Nho, số 46-92 (1942-1943); trao đổi về sách Việt Nam văn học sử: Bàn qua về Việt Nam thi văn hợp tuyển, số 172-210 (1944-1945)…
Điều này cho thấy Nguyễn Văn Tố được đào tạo bài bản, có vốn kiến thức sâu rộng cả về Nho học và tân học, đồng thời có bản lĩnh học thuật vững vàng, tinh thần trung thực và chuyên tâm với di sản văn hóa dân tộc…
Trường hợp thứ hai là Chủ nhiệm Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng (1899-1974, sau tham gia kháng chiến, từng là Chủ tịch Đoàn Báo chí Việt Nam), người từng bán cả ruộng nhà để làm báo và viết nhiều bài có tiếng vang: Tháp Báo Thiên (1941), Tục thờ cúng tổ tiên, Lược khảo về tế Nam Giao (1942), Ông Ích Khiêm (1943), Phương pháp viết sử của Lê Quý Đôn (1944)…
Đặc biệt, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Tường Phượng có dịp yết kiến Chủ tịch Chính phủ lâm thời và được ông ghi chép chi tiết trong bài Một giờ với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hồi bốn giờ chiều 13 tháng Chín dương lịch, nhận được giấy Bộ Ngoại giao cho phép đến hầu Cụ Chủ tịch, tôi vội vàng sửa soạn đến trụ sở tạm thời của Chính phủ, cạnh Phủ Bắc Bộ. Thì ở đấy tôi đã được yết kiến Cụ Chủ tịch trong một gian phòng tĩnh mịch.
Đứng trước nhà ái quốc quắc thước mà hiền từ đã bôn tẩu vì nước, đã hy sinh cho đồng bào, tôi cảm thấy cuộc hội kiến ấy là một giờ phút rất thiêng liêng trong đời làm báo của tôi, và tôi nhận thấy ở nét mặt vị thủ lĩnh cái tinh thần tranh đấu của cả một dân tộc”, rồi sau những ý kiến thỉnh thị, trao đổi về Tạp chí Tri tân, về tương quan văn hóa và chính trị, về độc lập và tiến bộ xã hội, ông Chủ nhiệm báo đi đến đoạn kết: “Sợ ngồi lâu làm nhọc lòng Cụ, tôi vội vàng xin cáo lui, đứng lên bắt tay tôi Cụ còn nói thêm: “Tôi xin chúc quý báo trường cửu để theo đuổi công việc văn hóa và sát cánh với Chính phủ để củng cố nền độc lập”.
Tôi cúi chào ra khỏi phủ, lòng thấy phấn khởi, những chữ “củng cố nền độc lập” như in sâu trong trí não tôi cũng như hình ảnh của nhà ái quốc đã bao phen gian nan vất vả về hai chữ Độc lập” (số 205, ngày 20-9-1945, tr.1+17)…
Chỉ một tháng sau, Chủ nhiệm Nguyễn Tường Phượng tiếp tục có dịp tham gia họp báo quốc tế rồi có bài tường thuật Cuộc hội đàm giữa Hồ Chủ tịch với các nhà báo Hoa, Mỹ, Việt, Pháp với tất cả niềm vinh dự, tự hào, kính trọng vị Chủ tịch nước uyên bác, ứng đối linh hoạt và thông thạo tiếng ngoại quốc: “Hồi 9 giờ sáng thứ bảy 24.10.1945, Cụ Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ Dân chủ cộng hòa Việt Nam đã tiếp các ký giả báo giới ngoại quốc và Việt Nam.
Trong số ấy, chúng tôi nhận thấy rõ các đại biểu báo Trung Hoa ở Trùng Khánh, Vân Nam, Hà Nội, ký giả hãng Thông tấn xã, đại biểu báo Mỹ United Press, Holly Palmer, đại biểu hãng Agence France-Presse cũng đến họp và hầu hết đại biểu báo hằng ngày và hằng tuần ở Bắc Bộ (…).
Sau một phút im lặng, cuộc phỏng vấn Chủ tịch bắt đầu. Các đồng nghiệp ngoại quốc dùng tiếng nước mình. Ông Lê Tùng Sơn dịch ra tiếng Trung Hoa, bạn Trần Hổ Uy ở Việt Nam thời báo dịch ra tiếng Anh, và trong lúc nói chuyện, Hồ Chủ tịch đã dùng cả hai thứ tiếng để nói thêm, tuy nhiên khi giả nhời Ngài đều dùng tiếng Việt cả”, rồi sau những ghi chép cụ thể, chi tiết lời hỏi-đáp về các vấn đề Hiến pháp, đảng phái, Chính phủ, Quốc hội, ngoại kiều, tài chính, độc lập, liên lập và tình hình quan hệ Việt-Pháp, cuối cùng ký giả đi đến kết luận: “Một vài bạn đồng nghiệp Việt Nam hỏi về việc nội trị, Hồ Chủ tịch đều trả lời một cách chậm rãi và rõ ràng. Cuộc nói chuyện đã kéo dài trong ngót hai tiếng đồng hồ, chúng tôi ra về mang theo một cái cảm tưởng rất lạc quan về vị lãnh tụ đã làm vẻ vang cho dân tộc Việt Nam trong một buổi giao thiệp với ký giả báo chí ngoại quốc” (số 210, ngày 1.11.1945, tr.4-5)…
Trong chiều hướng chung, việc giới trí thức kín đáo khơi gợi tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc đương nhiên chỉ có lợi cho việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, ý thức về quyền độc lập, tự do và mở đường cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Thực tiễn lịch sử và hệ thống các tác phẩm đã chứng minh, xác định rõ vị thế, nguồn sáng và sức sống Tri tân tạp chí trên tiến trình lịch sử báo chí và văn hóa dân tộc.
PGS-TS NGUYỄN HỮU SƠN
 
Hà Nội, 11/9/2021
Lại Nguyên Ân
Nguồn: Văn nghệ số 51/2021
Theo https://vanvn.vn/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...