Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Thanh Thảo - Hát giữa gió mưa

Thanh Thảo - Hát giữa gió mưa

“Hát giữa gió mưa”, tập thơ nặng tình dân sâu nghĩa nước trào dâng lời Mẹ Mộ Đức tiễn những đứa con ra sa trường khi chiến tranh kéo qua làng. “Hát giữa gió mưa”, cũng đồng thời đưa bạn đọc trở về thực tại cùng vọng hướng từng chặng đường chữ nghĩa đã qua của Thanh Thảo.
Nhà thơ Thanh Thảo
Một cái cây lang thang/Dù đứng im một chỗ
Thanh Thảo – thi nhân núi Ấn sông Trà – đã là một trong số nhiều tiếng thơ yêu nước vang lên giữa thời binh lửa, thức tỉnh lòng người để cùng kết đoàn hướng đến mục đích duy nhất: Độc lập – Tự do – Thống nhất đất nước. Và, tiếng thơ “góp phần tạo ra một đời sống mới”, nhận định này xác đáng với trường hợp thơ ca Thanh Thảo; bởi sức sống và sự đồng hành cùng vận mệnh dân tộc suốt nửa thế kỷ qua.
“Hát giữa gió mưa”, tập thơ nặng tình dân sâu nghĩa nước trào dâng lời Mẹ Mộ Đức tiễn những đứa con ra sa trường khi chiến tranh kéo qua làng. “Hát giữa gió mưa”, cũng đồng thời đưa bạn đọc trở về thực tại cùng vọng hướng từng chặng đường chữ nghĩa đã qua của Thanh Thảo. Với thi sĩ họ Hồ làng Thi Phổ xã Đức Tân mang vác truyền thống giữ đất “Một tấc không đi, một li không rời” ấy, thì rõ rằng Thơ chính là Nghiệp thơ và vì Nghiệp thơ, đời thơ Thanh Thảo gắn chặt hơi thở sống đời người đạt thành bao đóng góp riêng; cũng như cộng hưởng chung trên bước đường thơ ca hiện đại Việt Nam.
1. Sử thi từ số phận
Với lời ca ngợi người bình dân (trong đó có bóng hình người phụ nữ) lồng vào trong niềm thán phục thống thiết nói chung đối với những người hy sinh tất cả cho quê hương đất nước, cảm hứng sử thi trong thơ Thanh Thảo đi từ ca ngợi đến tôn vinh – biểu hiện cho phạm trù “Cao cả” trong quan niệm thẩm mỹ phổ quát. Đây là, sợi chỉ đỏ đáng trân quý trong thơ Thanh Thảo, bạn đọc có thể bắt gặp trong “Hát giữa gió mưa” để lần theo và rồi quay về các thi phẩm trước đó. Để thấy, thi nhân Thanh Thảo là người trọng nghĩa, tôn quý những “anh hùng dân gian” sống một đời hy sinh cho lý tưởng cao đẹp. Lý tưởng cao đẹp đó rất đơn giản, chỉ là ấm no hạnh phúc cho dân và tình yêu nước nồng nàn.
“chợt nhớ câu chuyện buồn về gánh hàng rong
đời vợ người tù yêu nước lắm đau thương
sao họ yêu nước mình đến thế
bao cay cực cúi đầu không kể”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.25)
Thanh Thảo cất tiếng chào đời giữa bốn bề khói sóng sông Thoa sông Vệ và mẹ anh, chôn nhau cắt rún anh nơi mảnh vườn thửa ruộng Đức Tân trên quê hương Mộ Đức (Quảng Ngãi). Tuổi thơ anh, từ năm lên 8 đã lẽo đẽo bước theo chân mẹ rời quê nhà tập kết ra Bắc và dừng lại Cửa Hội, Nghệ An. Sau đó, chàng thiếu niên họ Hồ về Hà Nội và được học tập ở Khu học xá Trung ương đặt nhờ tại trung tâm “Dục tài học hiệu” thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Giữa năm 1969, Thanh Thảo tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội và tháng 11 cùng năm, anh tình nguyện nhập ngũ vô Nam chiến đấu. Và đây, chiến trường miền châu thổ Cửu Long dù bom cày đạn xới ác liệt cũng không thể làm nhạt cái tình dân mồi lửa yêu thương sưởi ấm trái tim người chiến binh giải phóng. Tình dân – nghĩa đồng bào sông Tiền, cù lao Ngũ Hiệp, Bàng Long, Ba Rài, Long Tiên, Ba Dừa, Cai Lậy… Đồng Tháp Mười…đã hun đúc dưỡng nuôi tâm hồn hóa thành thơ – chàng thi sĩ Thanh Thảo!
Thật vậy, thi nhân Thanh Thảo viết về Nam Bộ bằng tất cả tình cảm thương mến, trong sáng, nhiệt thành trên cả mảnh đất phương Nam- mũi tàu tổ quốc. Với ý hướng và thiện cảm đó, nhà thơ phác họa vùng đất Nam Bộ như biểu tượng cho trang sử thi hào hùng của đất nước. Vàm Cỏ Đông kỳ thực là số phận và sự trỗi dậy của quê hương mang cả hai trắc diện: sông nhấn chìm bè lũ cướp và bán nước; sông khắc khoải, hiền hòa, dung dưỡng quê hương. Gặp gỡ và đối diện với con sông, nhà thơ Thanh Thảo hát lên tiếng sóng nước Vàm Cỏ.
“duyên nào đưa tôi đến dòng sông
Vàm Cỏ Đông mùa nước đổ
cả con nước quằn lên, hào hển thở
lục bình trôi quá tốc độ lục bình
đây là nguồn sông anh biết không
mặt sông bằng bỗng nhiên nổi sóng
những cú rướn thiên la địa võng”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.63)
Rồi, ngay đó, con sông trở lại hiền hòa, những lúc sông thiền im lặng thở, nhà thơ lại có chút nôn nao. Bởi, lòng người mong ngóng ngày mai. Tưởng rằng còn xa lắm, nào dè, chỉ hai năm sống với sông Vàm Cỏ, nhà thơ đã trở lại thành đô Sài Gòn-cái “Vầng sáng bồn chôn thương nhớ đó”(Lê Anh Xuân) mà anh hình dung qua câu thơ của đàn anh đi trước. Từ đó, Vàm Cỏ Đông trở thành tráng ca mãi mãi. Đến nỗi, “Vàm Cỏ Đông tên có nghĩa là yêu” (tr.66).
“suốt đời tôi không xa Vàm Cỏ Đông
dòng sông cùng tôi xuôi số phận
bao nhiêu là lận đận
mãnh liệt như sông vẫn lâm khổ nạn
mỗi con nước nhạt nhòa ám ảnh
mỗi lúc mình quên sông lại nhắc bao điều”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.66)
Vàm Cỏ Đông cũng như bao ký ức quá vãng vẫn âm thầm nhắc nhở lòng thơ. Viết khi đã ngoài thất thập, tập thơ “Hát giữa gió mưa”  khởi đi từ cái nhìn hồi cố. Thi sĩ Thanh Thảo có lẽ, thường ngoáy lại nhìn thời quá vãng. Nhìn một lượt khắp đời mình và đời thơ nên bài thơ thường bố cục thành từng chặng đường đời. Hồn thơ cảm khái những thời khắc đã qua, như thể nhắc nhở và điểm lại từng chặng đường. Người đọc có thể thấy ở tập thơ này những “tiểu đề” đã từng xuất hiện qua hàng hoạt tác phẩm trước đó. Có thể xem “Hát giữa gió mưa” như bản tổng kết rút gọn những thành tựu thơ ca của Thanh Thảo nửa thế kỷ qua. Ở đó, cảm hứng sử thi đưa tới nhận thức thời hậu chiến và những chiêm nghiệm triết lý của tâm hồn người lính ở tuổi cao niên. Tách bạch ngõ hầu tiện bề biện giải, thực chất, những tiểu đề ấy (khía cạnh ấy) không hề tách rời trong suốt đời thơ của nhà thơ Thanh Thảo.
Cụ thể, cảm hứng sử thi với lòng ca ngợi thán phục, bạn đọc chắc có lẽ cũng đã bắt gặp ở những sáng tác thơ trước đó củaThanh Thảo. Như:
“Bây giờ, họ ở đâu?
Buổi sáng ngày 30 tháng 4
Những ai không còn đến được
Buổi sáng 15 tháng 5 trên quảng trường xanh biếc
Sài Gòn chuyển rào rào muôn đợt lá me non
Ngày chúng ta toàn thắng
Đâu những người tôi thân thiết tận tâm can
Xin nâng chén rượu nhỏ này
Trong như nước mắt nóng bừng như tiếng hát
Gởi nhớ thương về các anh tôi”
(“Những người đã qua con đường nhỏ”, trích đoạn trong trường ca “Những người đi tới biển” – 1977)
Ca ngợi những người đáng ngợi ca! Những người làm nên lịch sử, mang linh hồn thời đại, đưa vận hội giống nòi đi tới tương lai. Những con người đứng ở mũi tiên phong của vận mệnh dân tộc. Thi nhân Thanh Thảo không kiệm lời, ngược lại tỏ ra hồ hởi và rộng rãi chữ nghĩa.
Bao nhiêu người chẳng tiếc mạng, lý nào kẻ còn sống lại tiếc lời!
Đâu đó, bạn có thể nhận ra cá tính phóng khoáng nghĩa hiệp của người nông dân Nam Bộ, khi Thanh Thảo ca ngợi chính những người nông dân Nam Bộ đã góp phần tạo nên lịch sử, những người góp phần dệt nên thiên sử thi hào hùng của dân tộc Việt trong thế kỷ XX. Dường như có điểm chung giữa những người được nhà thơ gửi gắm lòng cảm mến: người bình dân lao khổ mà anh hùng!
“anh Bảy
đẹp như người nông dân Nam bộ
dù cầm phảng hay lái máy bay
hùng vĩ như núi non này
dù chỉ xuống đìa bắt cá”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.62)
Với cảm hứng sử thi, không có nghĩa Thanh Thảo bỏ qua khía cạnh cá nhân đời thường. Ngược lại, nhà thơ đi từ khía cạnh đời thường, từ số phận của  nhân vật, của nhân dân để nâng tầm vóc những hình tượng ấy đến mức điển hình. Đi từ cái riêng đến cái chung, từ cá nhân đến cộng đồng, nhà thơ lồng ghép hạnh phúc riêng tư vào hạnh phúc dân tộc và đất nước. Nâng tầm vóc đời sống con người lên tầm sử thi.
“có những thằng con trai mười tám tuổi
chưa từng biết nụ hôn người con gái
chưa từng biết những lo toan phức tạp của đời
câu nói đượm nhiều hơi sách vở
khi nằm xuống
trong đáy mắt vô tư còn đọng một khoảng trời
hạnh phúc nào cho tôi
hạnh phúc nào cho anh
hạnh phúc nào cho chúng ta
hạnh phúc nào cho đất nước”
(“Thử nói về hạnh phúc”, viết năm 1972, in trong “Từ một đến một trăm”, 1988))
Tiếng thơ hòa vào tiếng lòng quê hương đất nước. Thi sĩ Thanh Thảo đồng cảm chan hòa hồn mình vào từng tấc đất quê hương. Đau nỗi đau của giống nòi, việc ấy giúp cho Thanh Thảo thổn thức đúng “tần số” để rồi cộng hưởng và khuếch đại nguồn thơ, khiến cho chữ nghĩa của chàng trở thành khúc ca bi tráng. Có lẽ Du Tử Lê đã nhận ra điều này. “Trong Trường ca Chân Đất (TCCĐ) là một trong mười mấy trường ca Thanh Thảo, viết cách đây nhiều năm – Với 9 tiểu đề, Thanh Thảo đã gửi cho sinh quán ông, những câu thơ dân dã, phản ảnh bản chất đôn hậu thật thà, nhưng quyết liệt của truyền thống dân tộc. Với tôi, chúng vượt khỏi lằn ranh một địa phương, để trở thành tình yêu, hạnh phúc (thậm chí nỗi buồn) chung của cả một quê hương, nòi giống” (“Hát giữa gió mưa“, tr.132). Nếu như, những trường ca ở chặng đầu sự nghiệp thơ ca (khoảng thập niên 1970), thi sĩ Thanh Thảo hát khúc tráng ca thời đại và dân tộc thì bấy giờ ở chặng đường sau ông gióng lên khúc thương ca hồn người. Hẳn nhiên, các tác phẩm vẫn có sự hòa quyện của những tiểu đề khác nhau, khó mà rạch ròi. Nhưng, tựu trung, cảm hứng sử thi được Thanh Thảo khai thác từ trong chiến chinh ly loạn cho tới hiện thực đời sống ngổn ngang bát nháo. Dẫu gì, chàng cũng tôn vinh và ca ngợi thiên lương cùng sự hướng thượng của nòi giống Việt.
“Người ăn ở thuỷ chung trên đất nước
Đi dưới trời xanh mãi mãi lạ lùng
Bao thấm thía kết tinh thành muối mặn
Biển hồn nhiên vỗ sóng đến vô cùng
Lại đặt tiếp bài ca và lại hát
Mấy nặng nề người mang hết trên lưng
Tiếng chim hót tình cờ anh dừng bước
Mở bàn tay xao xúc động vô chừng
*
Mang lịch sử qua trăm ngàn thử thách
Dân tộc này còn tiềm ẩn những nguồn sông”
(Khúc mười bốn – trường ca “Những người đi tới biển” (1977)
Và:
“dòng sông con thuồng luồng khổng lồ
đòi phá vỡ hai bờ đòi giải phóng
nước chuyển màu bỗng tràn năng lượng
thuở hồng hoang gầm rú rợn người”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.63)
Rõ ràng, nhà thơ chẳng dừng lại ở việc ca ngợi tôn vinh. Cảm hứng sử thi nằm ở chỗ lồng ghép số phận con người vào vận hội lớn lao mang tầm vóc dân tộc, cùng niềm tưởng tiếc thương xót những người đã hy sinh vì tổ quốc. Khúc tráng ca bấy giờ nghe đâu đó âm hưởng trầm hùng. Khúc ca chiến binh của tuổi mười tám vẫn đi về, vang dội, đồng vọng đâu đó trong chữ nghĩa Thanh Thảo. Dù là tuổi thanh xuân hay khi tóc tiệp màu thời gian nhuộm hai màu, nhà thơ vẫn là người chiến binh. Nhà thơ chiến binh bây giờ vẫn thường xuyên ngâm ngợi khúc ca hào hùng ngày trước. Chẳng phải và không chỉ ca ngợi, mà lời thơ bây giờ còn để ru hời, vỗ về anh linh liệt sĩ đã hòa vào bốn phương tổ quốc. Dầu ai chạy theo thời cuộc và thời thế, dầu ai ngã nghiêng đường hướng vận hội tư bề, thi sĩ Thanh Thảo vẫn thường xuyên về lại đường xưa lối cũ. “Tôi đi qua”, Thanh Thảo tự nhận như vậy, nhưng có lẽ nhà thơ đi mà chẳng qua! Vì, nhà thơ vẫn sống mãi với thời quá vãng dầu đói khổ, cơ cực và ác liệt nhưng hào hùng xứng đáng (đáng cho một lần có mặt trên cõi thế gian). Mấy người được cái cơ hội sinh ra giữa thời và thế như vậy. Ngẫm câu, thời thế tạo anh hùng, chẳng phải những gì mà Thanh Thảo đi qua, đã tác tạo Thanh Thảo – thành thi sĩ của hôm nay và ngày mai đó sao!
“tôi đi qua bóng cây ngày nắng
những vòm xanh ôm tôi lẳng lặng
chói chang tiếng ve
tôi đi qua hơi thở tháng tư
phấp phỏng những ai còn ai mất
người bạn như chiếc lá âm thầm
sau quãng đời chiến chinh rồi lay lắt”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.35)
Nhắc lại việc Thanh Thảo từng là người trực tiếp hoạt động ở chiến trường, chẳng phải kể lể công trạng. Mà, qua đó, giúp người đọc xâu chuỗi với ký ức thơ ấu, những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường lẫn chiến trường, rồi thời gian lăn lộn trong những tệ lậu hậu chiến…, cho tới thời đương đại; nhà thơ đã nhận ra và chuyển tải đến người đọc những vết sẹo lịch sử. Hình như suốt cả cuộc đời, mỗi người chỉ sáng tạo một tác phẩm duy nhất. Vậy thì, bản trường ca của Thanh Thảo phải ghi thêm vào đoạn này những vết sẹo mưng mủ, tưởng lành lặn nhưng bên dưới lớp biểu bì vẫn còn ung nhọt không thể hàn gắn. Và hẳn nhiên, thế nhân không thể chối bỏ vết sẹo này. Vết sẹo lịch sử liền da nhưng không thể chối bỏ, phủ nhận.
“năm lên 8 theo mẹ tập kết ra Cửa Hội
hai mẹ con đi chợ phiên Đình Sò
có những người bày cả gia sản ra giữa đình
mẹ nói: họ bán đồ trong nhà để đi Nam”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.89)
Vết sẹo lịch sử mà thuở ấu thơ Thanh Thảo vẫn chưa rõ, chưa hiểu như thế nào là gia sản nhưng trong đôi mắt trẻ thơ đã cảm nhận được điều gì đó khác thường. Cảm thức về số phận con người trong cuộc tao loạn trời đất. Tiếng súng còn bao bủa khắp chốn quê nhà. Liệu những người bán cả gia sản để vào Nam có thể tìm thấy quê hương! Đề cập đến những vấn đề nhức nhói, nhắc đến chỗ đứt gãy của dân tộc, vết thương chí mạng của lịch sử giống nòi – tính chất sử thi-số phận trong thơ ca Thanh Thảo chính là ở chỗ như vậy. Thế nên, người đọc không thể đến với thơ thi sĩ Thanh Thảo như là để thưởng thức – kiểu thưởng thức bông hoa đẹp, một tách trà thơm. Hơn thế, người đọc đến với thơ Thanh Thảo như ùa mình vào vận mệnh dân tộc, để cảm thấy xót xa, đau đớn, thống hận, tha thiết thương cảm cho một nòi giống từ buổi hồng hoang đến khi đương thời vẫn còn chống chịu đau thương và kiếp nạn. Trên hết, thơ ca nghìn năm trước nghìn năm sau vẫn mãi đứng về phía con người, đứng về phía dân tộc nòi giống Việt.
“ngót 70 năm còn nhớ một đoạn lời ca
là bài hát đã sống trong tôi
một ca khúc tuyên truyền
*
không ai biết tên nhạc sĩ
không ai biết bài ca từ đâu tới
chỉ với cây đàn thùng
chiếc loa thiếc
hai anh “văn hóa huyện”
găm vào trí nhớ một đứa bé là tôi ngót 70 năm”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.91)
Chẳng phải như không mà Nguyễn Quang Thiều nhắc lại lời của Joseph Brodsky trong tập thơ xuất bản gần đây (“Dưới trăng và một bậc cửa“), rằng: “Để hiểu con người của một triệu năm trước đã sống như thế nào thì chỉ có thi ca mới làm được điều đó”. Người đọc có thể tin tưởng: hậu thế có thể biết về thời đại chúng ta (thời khói lửa, hậu chiến, cho tới đổi mới và phát triển) qua thơ ca. Một trong số đó: thơ ca thi sĩ Thanh Thảo.
Không chỉ nhớ chuyện xưa để ca vang bài ca sử thi thời đại, cảm hứng sử thi và lòng ca ngợi trân trọng còn bám sát những vấn đề thời sự. Yếu tính Sử thi và Thời sự kết hợp với nhau. Thơ ca thi sĩ Thanh Thảo khiến chúng ta nhận ra rằng, lịch sử và đời sống dân tộc Việt vẫn còn đang đi tới, vẫn còn phải đối mặt với hằng hà sa số gian khó. Và, vẫn còn đó, biết bao con người ngày đêm viết tiếp con đường vận mệnh dân tộc, vẫn viết tiếp cuốn sử thi-số phận giữa buổi đương thời. Không chỉ ôm quá khứ tưởng tiếc mà còn phải nhìn thẳng và đối mặt trực diện đời sống hôm nay, để nối tiếp khúc hành ca trên đường xây dựng và giữ gìn tổ quốc. Thơ ca thi sĩ Thanh Thảo vẫn nóng hổi và tươi rói!
Nhà thơ không quên những người lính hy sinh trong thời bình. Họ đi khác gì đi vào mặt trận, để cứu đồng bào mình. Câu chuyện Rào Trăng 3, vốn đã ung nhọt từ lâu, vẫn có đấy, chỉ là thiên hạ làm ngơ hoặc nhẫn tâm bỏ mặc. Đến khi, những người lính chết trong thời bình, thiên hạ mới ngó lại xót thương. Đến lúc ấy, những người tốt không còn trở về nữa!
“ai cũng biết đường họ đi cực nhọc
ai cũng biết vì sao lũ dữ
chỉ khi họ không về
ta mới vỡ ra
họ là người tốt
*
những người lính hy sinh trong thời bình
có khiến ta sửng sốt?
*
 
chủ tịch huyện ở nhà cấp 4
có khiến ta mủi lòng?
một vị tướng dẫn đoàn cứu hộ giữa rừng hoang
xuyên đêm mưa trút
có khiến ta xa xót?
*
tất cả họ không về
không bao giờ về nữa
có khiến ta khắc khoải”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.96)
Cảnh thơ, tình thơ, ý thơ dẫu có âm thanh mà lại vô thanh. Bởi lẽ, cái chết thì im lặng và những gì còn mất, e rằng đã trở nên “hổ phách” trong tâm hồn thi nhân Thanh Thảo. Điều đó, không cho thấy những con người đã sống mà phải chết phải bị chôn chết trong dĩ vãng. Điều đó, chỉ biến dĩ vãng trở thành vĩnh cửu. Mãi mãi sống với những gì đã qua. Nên khi, hơi thở tháng Tư và cuộc diện hôm nay, cùng những người bạn sau quãng đời lây lất có mất đi, thì tất cả chỉ xác quyết thêm rằng, có những thời khắc đã trở nên vĩnh hằng. Cho nên, thi sĩ Thanh Thảo vẫn đi mà chưa qua vì chàng đi vào muôn đời! Thi nhân vẫn “tại thế” – là một “tại thế thể” của mãi mãi bây giờ!
“Tôi đi qua … nhưng tôi không thể
dễ dàng buông những giấc mơ kỳ lạ
tôi thế nào giờ vẫn thế thôi
cây đâm chồi chính nơi cây trụi lá”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.36)
Bài thơ “Tôi đi qua” đọc sơ tưởng như lời tự thuật đường đời từng trải. Thực ra, bài thơ này có thể xem như bản tường trình thời cuộc. Nhà thơ mở đầu bằng sự hoài vọng những ngày tháng Tư ve kêu chói chang. Chắc hẳn, không ai quên thời khắc ấy, buổi đất trời dời đổi. Rồi, sau nữa giữa ngổn ngang, nhà thơ vẫn bấp bênh hy vọng. Để vận hội tràn tới, nhà thơ như cánh chim bìm bịp kêu chiều, cảm thấy ngẩn ngơ như gió, lạc lối hoang đường giữa “một bầy bê tông cốt sắt”. Lạnh tanh đời sống!
“tôi đi qua những ảnh hình mê hoặc
đời nhạt nhòa còn thơ lưu lạc
ngọn lửa ấy một thời khao khát
bây giờ người ta lạnh lẽo xa”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.36)
Kể từ đây, thơ ca Thanh Thảo trở nên “đa thanh”. Cái nhìn đời sống nhắm tới thực trạng hậu chiến. Mà, những niềm đau nhức con người không hề thua sút, thậm chí còn dai dẳng chẳng thể triệt tiêu. Quá trình vận động của ý thơ, cũng là quá trình vận động cảm hứng thơ, hay đúng hơn, sự vận động tâm hồn Thanh Thảo từ cảm hứng sử thi đến cảm thức hậu chiến. Người  đọc chưa vội bàn về những gì Thanh Thảo cảm nhận trong quá trình dịch chuyển từ chiến trường đến thành thị hậu chiến, nhưng người đọc nên thấy rằng: người trí thức chân chính phải thường xuyên thao thức về đời sống; để cuộc sống ấy thực sự là cuộc sống tạo điều kiện cho sự phát triển con người. Đời sống phải là cõi nhân sinh, cõi sống của con người, đứng về phía con người và bảo vệ quyền lợi và sự phát triển của con người.
Người trí thức phải giữ lương tri thời đại!
2. Mùi vỏ chanh thơm trời xanh
Giữ lương tri người trí thức, lương tâm người lính, lương thiện của một con người bình dị giữa đời, thi sĩ Thanh Thảo chưa bao giờ ngưng đau đáu về cuộc sống con người – trước hết là đời sống của người dân nước Việt xưa và nay! “Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người tri thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại. Ông được công chúng chú ý qua những tập thơ và trường ca mang diện mạo độc đáo viết về chiến tranh và thời hậu chiến” («  Sách giáo khoa ngữ văn 12) tr.140).
Bản thân nhà thơ cũng thổ lộ một cách chân thành, tha thiết, pha lẫn chút ngao ngán ủ dột của một tâm hồn cố gắng vùng vẫy vượt thoát khỏi bợn nhơ hậu chiến.
“có những lúc ra về lòng rỗng không
vì phải gặp trong cơ quan một thằng cặn bã
tôi chào đất nước tôi. Buồn quá
đất nước cùng tôi lặng lẽ trên đường”
(“Tôi chào đất nước tôi”, viết năm 1986, in trong tập “Từ một đến một trăm”, 1988)
Tập thơ Hát giữa gió mưa – Thanh Thảo
Nhà thơ nhận ra bản chất của thiết chế chẳng có xấu tốt, xấu tốt chính ở người vận hành thiết chế. Và, thi sĩ Thanh Thảo yêu đất nước vô cùng, yêu quê hương thắm thiết, cho nên đau xót trước những cặn bã làm ô uế nước Việt. Hiểu vậy, người đọc chắc cũng thấy Thanh Thảo vẫn giữ lòng trong sáng, giữ tình yêu quê hương chung thủy giữa trùng vây đại dịch “tham lam, ích kỷ”. Trước sau, thơ ca của chàng vẫn đồng hành cùng quê hương trên mọi nẻo đường, vượt qua cái ác và dơ bẩn. Chàng tin tưởng, dẫu gì cặn bã rác rưởi sớm muộn cũng mục nát tan biến. Quy luật ở đời, nào có sai khác gì đâu! Tấm lòng dân Việt rồi thì, vẫn sáng trong tựa trăng rằm!
Phải nói, Thanh Thảo chân thành – rất chân thành. Và, hơn hẳn bao lời ca tụng đẹp đẽ, nào những bài ca phóng huy hoàng, đều không thể lòe đời mãi được. Với gia đình, nhà thơ đối diện và rưng rưng khóc, thương thầy má cùng mái nhà cơ cực bao năm. Dẫu lầm than, đói khổ, gầy mòn, người vẫn muốn làm con thầy má. Lời thơ khiến người đọc xúc động xót xa chính bởi sự chân thành đó. Hiện thực trong mái gia đình Thanh Thảo bao nhiêu năm trường gian khó (từ thời Pháp thuộc, đến khi đánh Mỹ rồi tới thời thống nhất, hậu chiến, đổi mới), có lẽ cũng là hiện thực của bao nhiêu mái gia đình trên dải đất quê hương yêu dấu nước Việt. Thanh Thảo xót xa vì Thầy mất vào đúng năm đổi mới (1986). Sự ra đi của Thầy dường như đánh dấu kết thúc một thời đại u ám của quê hương. Nhưng, không phải phê phán hay khinh ghét, Thanh Thảo lại bày tỏ lòng dạ thành thực, bày tỏ lòng thương mến, quý trọng những năm tháng gian khó mà đất nước oằn mình chịu đựng từng nhát chém “thiên mệnh”! Nhà thơ tỏ ra yêu quý trân trọng những năm tháng sơn trường gian khó, vì ly loạn vì chết chóc, vì đói khổ vì thiếu thốn, dẫu gì chàng vẫn gìn giữ và nếu có thể, chàng vẫn muốn quay lại mái nhà xưa, sống như đúng những gì đáng sống. Một cuộc đời xứng đáng! Vượt qua bao kiếp nạn xâm lăng, sau lại đối diện với thực tại hậu chiến, dường như từng lằn chém đau thương của thiên mệnh không ngừng bằm vằm trên tấm lưng cay cực của người dân Việt.
“ngày mai” ấy may thầy không nhìn thấy
thầy tôi mất đúng vào năm đổi mới (1986)
tôi lặng nhìn chiếc va-ly còm cõi rỗng không
chợt hiểu những gì thầy tôi âm thầm gửi lại
*
có những điều thầy tôi không nói
nhưng thầy biết con trai mình cảm thấu
bao lỡ làng một kiếp sông ơi
làm chi còn bên lở bên bồi
*
may thầy tôi không nhìn thấy
bao hy vọng những ngày xưa ấy
bao hy sinh giờ mất hút đầu rồi
tiếng thở dài buông như lục bình trôi”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.31)
Thật chua chát làm sao, khi đứa con trai mừng vì thầy không nhìn thấy cái “ngày mai”, bởi “với một người quen thăng trầm tù ngục”, “với một người coi danh lợi tựa phù vân”; “ngày mai” đang bày ra hôm nay có thể khiến người ấy xấu hổ. Đứa con trai cảm thấu hy vọng cha anh gửi lại. Mừng vì cha không thấy bao hy vọng tan tành, mục ruỗng, đổ nát! Thương cha, hay chính là Thanh Thảo thương cho những xương tàn cốt rụi còn nằm lại rải rác đâu đó khắp dải đất quê hương.
Ai quên, chứ thi sĩ Thanh Thảo chẳng quên! Có khi ký ức hậu chiến nằm im thin thít trong tâm hồn, cũng có khi những ký ức đó trỗi dậy nhộn nhạo trong lòng như những con bão tâm hồn ùa vào đất liền gan ruột. Với sự nhạy bén của giác quan, Thanh Thảo khiến người đọc nghĩ lại Gaston Bachelard (phân tâm vật chất)[1].
Trong ngũ giác thì có lẽ khứu giác của Thanh Thảo là bén nhạy hơn cả. Mùi hương có tác động rõ rệt đến cơ chế tưởng tượng của Thanh Thảo. Dấu ấn sâu đậm của mùi hương trong suốt quá trình sống trải có khả năng mở ra, khơi dậy, triển nở những suy tư mặc tưởng. Sự tưởng tượng khởi dựng cảm hứng thế sự. Sự trở về với đời sống thường nhật, trở về với chốn dân gian thôn dã yên bình. Nằm vắt vẻo giữa các lằn ranh: thực-tưởng; xưa-nay; người-ta; Thanh Thảo đưa bạn đọc trở về miền quê cũ vừa quen vừa lạ. Tượng hình quê nhà chung sẵn có trong tâm thức mỗi người cũng như từng nét riêng biệt mà mùi hương có thể khơi dậy trong lòng dạ mỗi người.
“mùi làng quê thơm từ muôn ngả
mùi cây xanh thơm từ muôn lá
mùi bàn tay người bạn chân tình
mùi vỏ chanh thơm trời xanh”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.60)
Cảm hứng thế sự gắn liền cảm thức hậu chiến, từ xuất phát điểm ấy, Thanh Thảo triết lý. Các mặt rubic thống nhất nhưng tách biệt tương đối, xoay trở và cố kết tương đối. Bằng cách nhìn vào thực trạng hậu chiến, với sự phân hóa rõ nét giai tầng, nhà thơ phát hiện và rút kết lẽ đời (luận ra lý). Phải chăng, nhà thơ muốn cười mỉa vào cái gọi là thiên mệnh. Nụ cười nhỏ nhẻ ấy, không chắc bạn đọc có nhận ra, nhưng rõ ràng thấy cái dư vị chua chát.
“nghe Đức Giáo Hoàng kêu gọi:
“cứu người khác là cứu mình”
quan chức gật đầu cười tủm tỉm
dân đen lắc đầu cổ bầm tím
cây xanh không khóc cũng không cười
thở dài nhè nhẹ thôi”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.83)
Giải phóng giai cấp hay góp phần chia rẽ và khiến cho sự phân tầng xã hội càng thêm rõ rệt, Thanh Thảo không giới hạn sự phân tầng ấy vào bất cứ một hình thái xã hội nào, một dân tộc nào, một đất nước nào. Kỳ thực, sự phân chia và mở rộng khoảng cách giai cấp tồn tại suốt chiều dài lịch sử xã hội người. Bản chất của xã hội, dù thời đại nào dù quốc gia nào, ở chỗ mà sinh hoạt vật chất phủ trùm tốc độ tiến hóa tâm linh, ở chỗ ấy giai cấp và những khổ nạn sinh tồn vẫn lềnh khênh đầy đường.
“hóa ra, nhái với (ễnh) ương có họ hàng
chú thì bụng lép chú chang bang
chú kêu ồm ồm chú rỉ rách
dù mưa dù nắng vẫn anh em
*
là anh em nhưng kiến giải nhất phận
em nghèo thôi thế cứ nghèo đi
anh giàu là bởi trời cho vậy
hai mình làm nên cuộc chia ly
*
hoàng hôn màu tím hay màu đỏ
anh em ta ngược hai chuyến tàu
em ngồi ghế súp anh vé VIP
anh cười cười còn em rầu rầu
*
anh vé vớt thiên đường mơ ước
em hầm lò cuốc bẫm cày sâu
một ngày mưa tạnh nước rút chậm
em ngập bùn còn anh trắng phau”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.84-85)
Dầu vậy, không phải đối diện với đời sống thường nhật sau thống nhất, lúc nào hồn thơ cũng ngao ngán thống thiết, bật ngửa ra bởi lệ lậu bao vây. Kỳ thực, vẫn còn điều tốt đẹp trong cuộc sống. Thường, đó là những điều nhỏ nhặt hằng ngày. Sau khi tiếng súng đã lùi lại sau lưng, nhà thơ không nhất thiết lúc nào cũng phóng tầm mắt cao xa tiên báo. Thanh Thảo đưa mắt nhìn vào từng góc nhỏ thường nhật. Và, Thanh Thảo phát hiện ra cái đẹp vụn vặt nhưng đáng quý biết bao. Nhà thơ nhìn ra ở đó nét đẹp tâm hồn Việt. Giá trị văn hóa dân tộc không phải những điều vĩ đại, cần phải tự hào phóng lên khúc tráng ca rền vang. Nét đẹp Việt cận kề trong từng cử chỉ nhỏ nhặt của cuộc sống. Niềm tự hào ấy dung dị và rạng rỡ, hiền hòa và chân thành. Cho tới cuối cùng, Thanh Thảo vẫn “an trú” vững chãi đằm thắm trong lòng quê hương, trong văn hóa dân tộc Việt Nam. Tin rằng, tình yêu quê hương trong sáng ấy sẽ lan tỏa cùng khắp tâm hồn và trái tim dân Việt.
“tôi yêu đất nước từ những điều nhỏ nhoi như thế
miếng ăn ngon dành cho người già
rồi người già lại dành cho con nít
vẫn miếng ăn đó
người Việt đã tồn tại cả nghìn năm
không kẻ ngoại xâm nào khuất phục nổi
chỉ vì một cử chỉ bình thường như vậy
*
ngày còn nhỏ tôi được dành những miếng ăn ngon
trong một gia đình nghèo
giờ tôi già, có thể nhà không nghèo nữa
tôi vẫn dành miếng ngon cho con trẻ
*
đó là Việt Nam
*
chúng ta đừng tự hào những điều to tát
hãy cúi đầu trước những điều nhỏ nhặt
vì đó là Việt Nam”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.82)
Chiếm dung lượng đáng kể trong tập Hát giữa gió mưa, những bài thơ mang tính cập nhật, theo sát hiện thực đời sống đương thời. Đó là, các hiện tượng xã hội, văn hóa dễ dàng bắt gặp trên mặt báo. Điều này cho thấy, Thanh Thảo vẫn bận lòng với cuộc sống con người. Mọi vận hội, xu hướng, trào lưu, biến động trong cuộc sống xung quanh vẫn in hằn trong thơ người thơ. Thanh Thảo vẫn giữ trái tim quả cảm và nhạy bén với động thái xã hội. Chẳng hạn như các hiện tượng: ca sĩ từ thiện, tin bão về, Rap Việt, … cho tới những hình ảnh đời thường dung dị như bác bán xôi. Thơ Thanh Thảo quả thực mở ra các chiều kích khác nhau: vươn đến tầm khái quát luận lý, sâu sát vào tiểu tiết đời sống.
Thơ ca không bỏ rơi con người.
3. Một tập thơ đối diện một đời thơ
Càng đi sâu vào cõi người, nhìn-nghe-ngửi-nếm-đụng chạm, Thanh Thảo càng trở về với người bình dân. Có người cho là trở về chốn thôn dã. Ấy vậy, sự trở về của Thanh Thảo không làm cho thơ chàng trở nên ngô nghê, ngược lại đi về phía minh triết.
“Tư duy thơ của anh như vậy: trữ tình và dân dã. Ở anh khái niệm dân tộc và dân gian là một, dân gian của anh chính là dân tộc. […] Trong thơ anh, thời gian không phải là thứ áp lực, anh nhẩn nha vì anh biết sử dụng hết thời gian. Có thứ thời gian trôi chậm lại ở những người minh triết. Cho rằng Thanh thảo là một người minh triết, như thế được chăng?” (“Hát giữa gió mưa”, tr.21).
Lời nhận định có phần dè dặt, có lẽ, bởi người nhận định cũng băn khoăn về hai chữ này. Nhưng, nếu cho rằng minh triết tức là triết lý trong cuộc nhân sinh sống động thường ngày gần gũi, tế vi thì, bạn đọc có thể mạnh dạn tin rằng: thơ Thanh Thảo chính là khi “triết” đã “minh”. Triết lý nhân sinh trong thơ Thanh Thảo sáng rõ bởi chân phương, gần gũi, thiết thực và trực diện giữa đời sống con người từng giây phút hiện tại.
Để đi tới triết lý, người hẳn phải phát hiện. Không nhìn đời bằng con mắt đời, lột truồng bản chất phi lý nực cười của đời, khó mà triết cho ra lý được. Từ chỗ nhìn, nhà thơ luận, luận cho thành lý, hay luận cho ra lý. Không gắng gượng, Thanh Thảo chỉ kể. Giọng nhỏ nhẹ thường tình, có khi bình dân quá xá! Không cầu kỳ võng lọng ngữ ngôn, chàng nói thơ theo kiểu ngụ ngôn. Ngụ ngôn trong ngụ ngôn. Chàng học cách bình dân bãi chợ lý sự đời!
“ngụ ngôn Chuck Feeney
vòng luân hồi cái bụng
*
“sinh tay trắng chết lại về tay trắng
vì tấm vải liệm mình
không may túi”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.49)
Lẩn quẩn trong vòng danh lợi, con người có lúc nào vượt thoát khỏi phạm vi cá nhân. Có vùng vẫy gào thét lăn lộn cỡ nào thì cũng chẳng thoát khỏi cái bụng, cùng lắm chỉ nhảy dựng từ cái bụng lên tới cửa miệng rồi lại lộn nhào từ cửa miệng xuống “đoạn cuối tình yêu”. Hóa ra đời người kỳ cùng có bằng mấy tấc ruột. Ấy vậy, luân hồi cái bụng và cửa miệng đã tạo ra hằng hà thị phi đảo điên, sản tạo không biết bao nhiêu cớ sự cuộc đời. Ngẫm, vừa nực khóc vừa nực cười! Rốt cuộc con người ta có nghĩ gì được gì ngoài phạm vi cửa miệng và cái bụng đâu! Cho nên, “đêm mơ biệt phủ/ngày ngủ chuồng heo”. Người tưởng rằng người thực sự “người”. Thực chất, với sự chi phối của cửa miệng và cái bụng, người vẫn cốt khỉ quá chừng! Chỉ là, người sống trong cánh rừng bê tông cốt thép mà thôi!
Bởi vậy, có khi Thanh Thảo thèm thuồng cuộc đời chánh hiệu, chứ không phải cuộc đời đóng hộp thương mại hóa. Bằng cách ví von, nhà thơ ngó thấy rau càng cua. Học hay bắt chước đức tính càng cua giữa cuộc đời, Thanh Thảo gắn bó với loại cây hoang dại ấy từ hồi còn gian truân lăn lộn trên mảnh đất Nam Bộ. Thật đáng quý, chàng nhận ra bản tính càng cua cũng như đức tính con người nơi đây. Chàng thấy mình gần gũi với càng cua, gần với lòng người Nam bộ. Từ đó, lời thơ thủ thỉ bình dị mà chất chứa triết lý thâm trầm. Sự thâm và trầm của triết lý ở chỗ, triết để ra lý đã có sẵn trong cách ăn nết ở. Cũng như rau càng cua, người nhìn cây cỏ trời đất để ngộ ra bản tính dung dị và cách sống ở đời. Lấy đó làm nền luân lý, con người biết sống cho tử tế với đồng loại trong xã hội và sống cho đàng hoàng với muôn loài trong tự nhiên.
“ngày ấy trong địa hình lặng lẽ
rau càng cua bò ra tứ phía
không phục kích ai
chỉ tìm bạn rau sam rau má
*
cặm cụi bò cặm cụi tốt tươi
rau càng cua chữa bệnh mất kiên nhẫn
ngày ấy tôi ở vùng Nam lộ bốn
ngày nào cũng ăn rau càng cua
trong một nhà hàng đẳng cấp
ngước lên, đầy sao
*
tôi và rau càng cua
chúng tôi kiên nhẫn
nằm trên đất
mọc đâu cũng được
dại như rau mà giống số phận mình
sống ở tầng thấp nhất”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.73-74)
Ấy vậy, vị ngọt mát dịu nhẹ của càng cua bây giờ đã bị “công nghiệp hóa”, trở thành món sản vật thương mại đầy đường, chễm chệ nằm ở những bàn tiệc sang trọng. Từ ăn no trở thành ăn ngon, càng cua không còn là biểu tượng dung dị của người nhà quê mà đã trở thành món mỹ vị hiếm có trên đời phục vụ cho thượng thặng khách hàng. Cốt quê không còn, cốt người biến dạng, cái ăn trở thành bá chủ tâm hồn.
“có phải vì học theo rau càng cua
mà tôi không ham quyền chức
gì cũng được
ngước lên, gặp một trời sao
*
bây giờ rau càng cua thành đặc sản, ai ngờ
những quan chức ham quyền lại thích ăn rau ấy
con cua tám cẳng hai càng
một mai hai mắt rõ ràng … thế thôi
*
kiên nhẫn chào thua”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.74)
Riết rồi, Thanh Thảo có lúc như ngao ngán. Nhiều khi, nhà thơ muốn từ bỏ xã hội người; nhà thơ nói lời tạm biệt để về sống bên tự nhiên vốn dĩ hiện hữu. Thanh Thảo trở về căn bản sự sống. Nhưng, khi chàng mong ước trở thành một cái cây, không có nghĩa chàng từ khước cơ hội tồn hiện giữa cõi nhân sinh. Đó chỉ là nhà thơ nhận ra và gột rửa những phiền trược của cõi nhân sinh. Phát hiện đời sống cây xanh, làm cớ để chỉ ra căn bản sự tồn hiện nên chăng như thế nào? Và, lẽ nào, cõi nhân sinh lại chẳng bằng một phận cây xanh. Nhà thơ khiến bạn đọc phải ưu tư về đều đó. Đấy cũng là cách Thanh Thảo triết lý. Nhà thơ có vẻ từ chối triết lý, chỉ mô tả biểu cảm, thể hiện mong muốn của mình sống một đời như thế nào thôi! Ấy vậy, người đọc liền nhận ra triết lý sống, quan niệm về đời sống (nhân sinh quan) của nhà thơ. Triết lý đến mức ấy, có thể gọi đã “thâm trầm”.
“một cái cây sống
nhỏ to không quan trọng
một cái cây
không bị ai bán đứng
dù cổ thụ hay tơ non
một cái cây trầm ngâm
nói chuyện gì không ai nghe rõ
bạn bè quanh năm gió
cười một mình xanh chút nắng chút mây”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.37)
Sống chỉ là sống, cớ sao người bát nháo, lăn trở tạo thành thị phi, để rồi người tạo ra bãi chiến trường nhân sinh. Khiến cho “Thân không trời đất mà mưa gió/ Lòng chẳng binh đao cũng chiến trường”. Cuộc hý trường xưa nay chẳng phải từ chỗ người mà bày trò-làm cuộc-thành đời đó sao? Sao người chẳng thể sống như là sống. Sự sống hiện căn cơ vốn dĩ. Sống như cây, như chim, như lá, như hoa, như đá núi, như sông dài. Cuộc sống vốn chỉ là sống, ấy vậy người đã biến sống thành cuộc. Hết cuộc này đến cuộc nọ, hý trường mở màn rồi kết thúc, từ chỗ kết thúc lại mở màn. Thanh Thảo có vẻ nghiệm ra lẽ đó nên chàng chỉ mong ước sống kiếp đời cây xanh: lặng lẽ, an nhiên, tự tại, vô thường.
“tôi ước mình là một cái cây
thi thoảng có chim tới hót
con chim sâu bé bỏng nhảy nhót
chẳng cần biết thế giới ra sao
*
một cái cây xanh đến từng chiếc lá
buổi sớm tỏa dưỡng khí
ban đêm hứng ánh trăng
một cái cây lang thang
dù đứng im một chỗ”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.37-38)
Người thơ có lẽ đã nhận ra sự mầu nhiệm của sự sống. Như vị thiền sư nọ đã nhìn ra gió mây trăng nước trong cùng một tách trà, thấy rằng sự cảm thọ nầy đây chính là sự cảm thọ bao la vô tận thế giới. Đến độ, người và cây liệu còn ranh giới chăng! Hay người chính là cây, bằng niệm tưởng, người đã sống đời cây. Theo lối đó, bạn đọc có thể bắt chước Thanh Thảo để trải nghiệm cảm thọ là bất cứ sự vật hiện tượng nào giữa bao la thế giới.
“chúng ta là anh em, suốt đời là anh em
anh có chất cây tôi có chất người
ngày thanh xuân tôi thèm đi lang thang
còn anh ném thân vào khổ nạn
anh đã qua những rừng già im lặng
còn tôi qua vô lượng kiếp người
*
tôi là cây và anh là tôi”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.44)
Nhưng, nếu nói vậy, liệu có đang khép Thanh Thảo vào lối triết lý Phật Đà! Nếu vậy, quả thực chưa công bằng cho Thanh Thảo. Vì, rõ ràng, dẫu có muốn làm cây, làm gió trăng, mây nước hay gì đi nữa, tưởng rằng Thanh Thảo muốn thoát đời nhưng thực ra Thanh Thảo vẫn yêu cuộc đời này lắm! Thi nhân vẫn còn trầm mình lặng lẽ chiêm nghiệm giữa cuộc thế. Bởi vậy, thi nhân Thanh Thảo đã thấy để rồi sau đó nhiều người cũng thấy. Cuộc đời xê dịch thanh xuân đã trở thành bức tường lở lói như thế nào. Bức tường – thiên mệnh. Nếu nghĩ bức tường như số phận, vậy thơ ca Thanh Thảo: tri thiên mệnh chăng!
“những bức tường lở loét, ai ngờ
ngày mai hồi đó bây giờ hôm nay
khỉ thật!
*
những bức tường bơ vơ
tao thấy trước ga Vinh tháng Giêng năm Bảy mốt
ở Lộc Ninh tháng Ba năm bảy tư
ở Lạng Sơn tháng Hai năm Bảy bảy
ở nơi nào không nhớ nữa
những bức tường như số phận chúng ta
*
những bức tường tuổi già
nhìn ta trân trối
bác ba Hinh đã khuất
thằng Tạo lẫn đi rồi
nước trôi
sông cạn
chiều nhập nhoạng
đường về”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.40-41)
Ở những góc khuất nhỏ lẻ song sâu kín, thơ Thanh Thảo lặng im rợn ngợp nỗi niềm cô độc. Nỗi cô độc hoang lạnh của một người đối diện với hư vô. Cảm thức con người vũ trụ mà bất cứ kẻ nào đủ thức nhận, một khi đối diện với hoàng thiên thế giới, hẳn đều mờ mờ nhận ra. Nỗi rợn ngợp lặng yên bao vây, từ trường của những gì na ná thời tính, từ trường của những gì tờ tợ vĩnh hằng. Nhưng, không thể luận lý với lặng im, nhà thơ cũng im lặng mà không luận lý. Chỉ để hồn nhập nhòa đại thể tổng hòa! Giây phút ấy, người thơ có vẻ như thiền định, dường như đã đốn ngộ. Nhưng vững chãi, người không còn nói gì nữa, bất khả luận giải, bất khả tư nghì! Triết lý vô ngôn!
“ngót 50 năm vẫn còn cảm giác
tôi cùng rẫy cũ bóng lung lay
không chùa không sư không kinh kệ
chỉ một mình như thế
đăm đắm trăng nhìn phía ngọn cây”
(“Hát giữa gió mưa”, tr.68)
Tận cùng của triết lý, có lẽ là tịnh khẩu.
Tạm kết
Thiên hạ rộng lớn, có nhiều người đã bàn luận thơ ca Thanh Thảo. Thiết nghĩ, nói thêm vài lời cũng chẳng nhiều, kiệm lời im lặng cũng chẳng ít. Sau rốt, có lẽ người đọc và nhất là, nền thơ ca Việt Nam hiện đại cần ghi nhận sự đóng góp và dấu ấn sâu đậm của thơ ca Thanh Thảo trên dòng phát triển văn chương: từ buổi giao thời đến chặng đường hiện đại và đương thời. Nét nổi bật trong việc nhìn nhận đánh giá thơ ca Thanh Thảo nói chung, đó là một số khía cạnh như: Sử thi của người bình dân, Tiếng lòng của dân tộc, Tiếng vọng của thời đại; Tiếng nói đứng về phía lợi ích và sự phát triển con người, …
Và, thiết nghĩ, đánh giá một con người không xuất phát người ấy đã sống bao lâu tuổi đời; mà hãy nhìn cách sống của họ trong bao lâu tuổi đời ấy! Thấu hiểu một con người, không chi bằng đọc những gì họ đã viết. Và, bằng cách như vậy, người  đọc hẳn thấy Thanh Thảo đã sống xứng đáng như chàng trai mười tám tuổi chưa biết nụ hôn xuân nữ, nóng giận khóc òa song chẳng bao giờ – chẳng bao giờ bỏ cuộc! Một Thanh Thảo – chiến binh hay nhà thơ – dứt khoát xa lánh hư danh, chán ghét xu nịnh, trục lợi… Song, sẵn sàng và dám chết cho quê hương đất nước!
“có những thằng con trai mười tám tuổi
nhiều khi cực quá, khóc òa”
TRẦN BẢO ĐỊNH
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: Viettnam.net
Theo https://vanvn.vn/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ðặc sắc vườn lan Tôi được giới thiệu anh mê lan đến mức chẳng thiết chuyện vợ con. Bố mẹ anh ca cẩm, chả có thứ hoa nào của nó đẹp cả. T...