Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Đọc thơ Đinh Quang Tốn - Tiểu luận của Hữu Thỉnh

Đọc thơ Đinh Quang Tốn
Tiểu luận của Hữu Thỉnh

Đinh Quang Tốn là một người đa cảm. Anh đi nhiều và hầu như đến đâu cũng có thơ. Đó là sự gửi gắm của một trái tim đôn hậu, chân thành. Thơ anh bám vào nguồn mạch truyền thống nên niềm vui nỗi buồn rất dễ được chia sẻ, cảm thông…
Nhà thơ Đinh Quang Tốn
Trong sổ tay thơ của tôi có ghi một câu của Đinh Quang Tốn:
 “Mỗi chiếc nón là một khoang trời tạnh”
Tạnh nắng, tạnh mưa. Câu thơ giầu phát hiện. Từng xuất thân từ bùn đất, gắn bó với chiếc nón từ nhỏ, nên đọc câu thơ trên, tôi rất xúc động. Cám ơn tác giả đã nói hộ lòng mình. Trước Đinh Quang Tốn, đã có bao người làm thơ về chiếc nón, nhưng họ nhìn chiếc nón là nhìn từ ngoài vào. Đến lượt Đinh Quang Tốn, anh nhìn từ trong ra. Chiếc nón được dựng lên bằng cảm. Đó là cách nói nhiều sáng tạo. Câu thơ giản dị, nói được cái hồn cốt. Tôi đọc thấy sững cả người. Vừa ngạc nhiên vừa thích thú, và rất mừng cho tác giả có một câu thơ rất hiện đại. Tôi cứ đinh ninh đây là một câu thơ mới viết, sau khi tác giả đã quan sát, đã trải nghiệm nhiều. Tình cờ, được đọc tập thơ “ Trăng suông” tôi mới biết tác giả viết câu thơ đó từ năm 1972, một câu thơ vào loại đầu tay của Đinh Quang Tốn. Đó là bài “Đồng mưa” một bài thơ tứ tuyệt viết rất kiệm lời, có sự dồn nén về ý tứ:
Mưa tầm tã mà cánh đồng rộn rã
                              Hối hả trâu đi
                 náo nức mạ xuống đồng
(Mỗi chiếc nón là một khoang trời tạnh)
… Ì oạp tiếng gầu đổ nước ra sông
1972
Nếu cảm xúc không đủ mạnh và cách thể hiện không chắc tay bài thơ sẽ sa vào kể lể chẳng còn để lại ấn tượng gì.
Trong hai tập thơ “ Sóng đôi” và “ Trăng suông”, Đinh Quang Tốn thường có thơ sau mỗi chuyến đi, sau mỗi lần gặp gỡ. Nhưng đọng lại hơn cả là những gì gần gũi nhất đối với anh. Đó là quê hương, là bà mẹ và người chị, mở rộng ra là những người thân thuộc xóm làng. Trở đi trở lại, anh viết về mẹ rất nhiều với biết bao kỷ niệm từ thủa ấu thơ. Trong cảm nhận của Đinh Quang Tốn, hình tượng người mẹ vừa gần gụi vừa lớn lao:
Cánh đồng mênh mông lui cui bóng mẹ
Bầu trời quê hương xanh biếc khôn cùng
(Giữa mùa chiến dịch)
Anh viết về người chị cũng rất cảm động. Chị ra đi để lại bơ vơ cho đứa em. Anh nói sự thương xót, đau đớn thật là thấm thía:
Mọi người khuyên em đừng cả nghĩ
Em vẫn đây mà cây cỏ mất hồn
(Nhớ chị)
Anh viết về chị hộ sinh vừa dân dã vừa cao cả:
Nghề đỡ đẻ có gì vui
Đêm ba mươi tết chị ngồi trực ca?
Chị cười gương mặt trẻ ra:
 
“- Bốn mươi năm trạm như là nhà thôi
Cả làng cả xã quen rồi
Có nhà tôi đỡ ba đời sinh con
Khi nhìn lũ trẻ lớn khôn
Nghĩ mình đã đón chúng hôm chào đời
Là lòng cứ thấy vui vui…”
(Về Dạ Trạch, gặp chị trưởng trạm y tế)
Hoặc viết về người hàng xóm:
Tôi bừng tỉnh thức trong đêm
Nhà bên tiếng đập lúa rền vọng sang
Tiếng no ấm của xóm làng
Trong tôi những hạt lúa vàng tung bay
(Về quê nghe tiếng đập lúa)
Quê hương đối với Đinh Quang Tốn là những con người bằng xương bằng thịt như thế. Họ làm nên hồn cốt của xóm làng, là cội rễ của văn hoá. Vì đã trở thành văn hoá nên quê hương có sức bồi đắp lâu bền. Nó đi vào số phận của mỗi cá nhân, thành tiểu sử tâm hồn của mỗi một con người. Đó là cái gốc bền vững nhất giúp cho sự phát triển của mỗi con người luôn ở trong quỹ đạo nhân văn. Thơ văn kim cổ xưa nay từng có bao nhiêu tiếng thở than não nuột về nỗi tha hương. Người ta nhắc đến quê hương như nhắc đến cái gì thiêng liêng nhất. Quê hương trong ý nghĩa đó không còn đơn giản là nơi ta sinh ra mà còn là nơi nuôi dạy ta thành người. Do vậy mà nó trở thành một hoài niệm, một ám ảnh:
Bây giờ đã cuối tháng giêng
Nhớ sao bát cháo dong riềng tuổi thơ
Con đi từ bấy đến giờ
Khôn nguôi bóng mẹ mưa mờ đồng xa
(Bây giờ đã cuối tháng giêng)
Đinh Quang Tốn có ý thức đào sâu vào bản thể và cố gắng tăng thêm chất nghĩ bên cạnh chất cảm. Vì ngoài thơ anh còn là nhà phê bình văn học. Trong thơ anh luôn bật ra những câu hỏi. Thế nào là thật giả? Thế nào là cũ mới? Anh nhận ra:
Tháp cổ thì vẫn mới
Tháp vừa xây cũ rôì
Tôi ngắm những ngọn tháp
Sao giống như cõi người
(Thánh địa Mỹ Sơn)
Thế hoá ra cổ không đồng nghĩa với cũ, mới không đồng nghĩa với bền. Ở đây không đơn giản là vấn đề nhận thức mà quan trọng hơn là chân giá trị. Cảm hứng thơ ở đây đã nghiêng về thế sự. Đánh giá một sự vật đã khó, nhìn nhận việc đời càng khó hơn. Đinh Quang Tốn rất nhạy cảm với nỗi đau nhân thế. Đến thăm Đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, anh đau đớn về sự oan trái đã tồn đọng bao nhiêu năm trong lịch sử. Người xưa đã tạc tượng để nói lại nỗi oan nghiệt này. Đó là bức tượng rồng. Theo tác giả, tượng rồng ở các nơi đều là sự phô trương quyền lực, riêng ở đây thì tượng rồng thể hiện sự oan ức, con người tự đánh vào bản thân. Tác giả viết:
Hôm nay lần đầu tôi thấy
Tượng rồng đang cào cấu thân mình
Mắt trồi ra cố nhìn đời thực
Tai điếc miệng câm oan ức nghìn năm
(Ngắm tượng rồng đền Trạng nguyên Lê Văn Thịnh)
Vấn đề Lê Văn Thịnh thì gần đây đã được giới sử học phân tích làm rõ, trả lại danh dự cho bậc đại nhân. Nhưng nỗi đau oan nghiệt thì thật là khủng khiếp. Một bậc tài danh nhất bậc thiên hạ như thế còn bị tiếng oan cả nghìn năm, huống chi ở đời có bao nhiêu thân phận hèn mọn không sao kể xiết. Người xưa thâm thuý vô cùng, khắc bức tượng rồng để tố cáo nỗi oan, đó là cách nhìn và sự đánh giá công bằng của nhân dân, của lịch sử. Người có công tạc bức tượng hiếm hoi vô giá đó không để tên tuổi để lưu danh hậu thế. Một việc đại sự như vậy nhưng cố giấu tên đi, có ý tiếng kêu oan nghiệt không riêng của một người, mà là tiếng kêu của nhân dân.
Đinh Quang Tốn là một người đa cảm. Anh đi nhiều và hầu như đến đâu cũng có thơ. Đó là sự gửi gắm của một trái tim đôn hậu, chân thành. Thơ anh bám vào nguồn mạch truyền thống nên niềm vui nỗi buồn rất dễ được chia sẻ, cảm thông:
Lúc buồn – đảo vắng đêm thâu
Khi vui – cây cối lần đầu nở hoa
(Những niềm vui những nỗi buồn)
Tác giả cũng là người rất có ý thức về sứ mệnh của thơ. Anh cho rằng Thơ phải là sản phẩm đơn nhất và duy nhất của cá nhân, không thể lẫn được với ai:
Thơ ta ơi
Hãy như con bướm ấy
Con bướm có chấm đen thẫm
Không giống một con bướm nào khác
Để một lần ai nhìn thấy
Không thể nào quên
(Con bướm có chấm đen)
Nói thì dễ, nhưng làm được khó lắm thay. Đó là cái khó chung của mọi người cầm bút. Thôi thì cứ sống thực với chính mình. Và sự thành thực như cổ nhân nói, đó là nghệ thuật bậc nhất của thơ ca.
Hà Nội 20.01.2022
HỮU THỈNH
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: Viettnam.net
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...