Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Trường thiên tiểu thuyết để làm gì

Trường thiên tiểu thuyết để làm gì?

Năm 2003 nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói tha thiết trong bài tiểu luận “Thời của tiểu thuyết” rằng: “Tiểu thuyết. Trường thiên tiểu thuyết. Phải là tiểu thuyết. Đó là nhu cầu của thời hiện tại.”!
Có lẽ đây là một nhận định khá chính xác của ông vua truyện ngắn khi chúng ta chứng kiến sự bung nở của tiểu thuyết những năm qua, trong số đó có những tác giả dấn thân với trường thiên tiểu thuyết, tạm hiểu là những tác phẩm dung lượng lớn, gồm nhiều tuyến nhân vật và sự kiện, bao quát không gian và thời gian rộng dài.
Tác giả Nguyễn Hoàng Diệu Thủy
Vẻ đẹp… ngàn trang
Tháng 3 năm 2022, bộ tiểu thuyết “Cơn bão cuối cùng” của tác giả Nguyễn Lê Sang với hình thức in ấn sặc sỡ đẹp mắt và khối lượng đồ sộ 10 tập xuất hiện cùng lúc, phải nói là một hiện tượng khá hoành tráng của làng xuất bản Việt Nam.
Với một cuốn trung tâm và chín cuốn vệ tinh, “Cơn bão cuối cùng” là một thể nghiệm với thể loại giả tưởng, lấy cảm hứng từ cơn đại hồng thủy trong sách “Sáng thế ký”. Chất lượng của bộ sách thế nào còn cần các chuyên gia bàn luận thêm, nhưng dám dấn thân với câu chữ đến chừng ấy quả thán phục.
Vấn đề thú vị là ở chỗ ngay mới cuối tháng 2 năm 2022, nhà văn – doanh nhân Nguyễn Phúc Lộc Thành vừa công bố bộ tiểu thuyết “Cõi nhân gian” 8 tập của mình một cách vô cùng đắc ý vì độ dài của nó. Trường thiên này được viết trong 28 năm (1994-2021), với 2.500 trang khổ tiêu chuẩn 14×20,5, tác giả tin rằng nó “chắc chắn là một trong những bộ tiểu thuyết dài nhất lịch sử văn học Việt”, “một sự kiện hiếm có trên văn đàn”, và tự tin “Để đánh giá chất lượng có tương xứng với độ dài, xin quý vị đọc sách sẽ rõ!”
Việt Nam xưa nay vốn không phải là xứ sở của những trường thiên. Tiểu thuyết ở ta phát triển muộn, tận mãi đầu thế kỷ 20 mới lác đác mỏng manh, so với xứ Âu xứ Tàu quả là không có cửa. Cho nên một cuốn tiểu thuyết đơn lẻ mà bề thế đã hiếm, nói gì đến trường thiên. Trong thế kỷ 20, có thể kể đến chỉ vài đại diện: “Khu rừng lau” của Doãn Quốc Sỹ, 4 tập (1962-1966), “Bão biển” của Chu Văn, 2 tập (1969); “Cửa biển” của Nguyên Hồng, hơn 2.000 trang, 4 tập (1961-1976); “Vỡ bờ” của Nguyễn Đình Thi, 2 tập, trên một ngàn trang (1962-1970); “Sông Côn mùa lũ” của Nguyễn Mộng Giác, in trong nước lần đầu năm 1998, 3 tập, gần 2.000 trang khổ 16×24; “Loạn 12 sứ quân” của Nguyễn Đình Tư, 1990 (tái bản 2020), 1.448 trang khổ 16×24.
Tác giả Nguyễn Phúc Lộc Thành có thể phải lấn cấn về chữ “dài nhất” ông dùng nếu xem những ví dụ bên trên, đồng thời càng phải nghĩ lại nếu thấy các ví dụ dưới đây.
Trong những năm đầu thế kỷ 21 này, chúng ta bắt đầu thấy nhiều hơn những bộ tiểu thuyết dài và rất dài.
Bộ “Bão táp triều Trần” của nhà văn Hoàng Quốc Hải dài 6 tập, 3.000 trang khổ to 15,5×23,2  – lưu ý là sách khổ to thì chữ nhiều hơn (2003-2010). Cũng nhà văn này viết bộ “Tám triều vua Lý” 4 tập, 3.514 trang, khổ cơ bản 14,5×20,5 ra mắt năm 2010. Vì tuổi cao mà lại chạy đua với thời gian cho kịp cho đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nên ông làm việc cật lực, “Tôi suýt mù mắt khi viết tiểu thuyết” – ông nói.
“Tây Sơn bi hùng truyện” của Lê Đình Danh in năm 2006, bộ tiểu thuyết 2 tập dày 1.200 trang, in khổ 14,5×20,5cm với co chữ rất nhỏ.
“Thiệu Bảo Bình Nguyên” của Hồng Thái, 4 tập, hơn 1.000 trang sách khổ to 15,5×23, in năm 2018, kể về cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai của nhà Trần dưới niên hiệu Thiệu Bảo của vua Trần Nhân Tông.
“Đông Âu anh hùng truyện” của Nam Nguyễn cũng là một ca kỳ quái của văn chương và xuất bản năm 2021, không rõ chính xác số trang nhưng in làm 3 tập bề thế, kể những chuyện thâm cung bí sử làm ăn toan tính với máu và nước mắt của các “soái” thời lập nghiệp ở Đông Âu cho đến khi trở thành anh hùng trong nước.
Và cuối cùng trong chưa đầy một tháng, “Cõi nhân gian” đã bị “Cơn bão cuối cùng” vượt qua về độ khủng, với 10 tập, tương đương khoảng 3.500 trang khổ sách tiêu chuẩn 14,4×20,5.
Nhìn vào những bộ sách lớn này rõ ràng chúng ta thấy các tác giả đầy tham vọng và không ngại ngần phiêu lưu cùng con chữ. Tuy vậy hầu hết các tiểu thuyết đồ sộ là tiểu thuyết lịch sử – điều này khá dễ hiểu khi lịch sử đã cung cấp sẵn cho người viết một chiếc khung, còn lại là tiểu thuyết thế sự, truyện ký và có lẽ chỉ có “Cơn bão cuối cùng” là tiểu thuyết giả tưởng.
Việc xuất hiện các tác phẩm có dung lượng lớn rất thú vị, vì nó làm cho cái ao văn chương phẳng lặng của chúng ta có thêm những gợn sóng lạ. Dĩ nhiên viết dài không đảm bảo sẽ hay, nhưng chắc chắn khối lượng làm việc lớn thể hiện một thái độ làm việc nghiêm túc và một năng lực mạnh mẽ, hứa hẹn những tiến bộ. Chúng ta đều biết rằng những nhà văn lớn trên thế giới luôn có khối lượng sáng tác đồ sộ. Trong khi đó ở trong nước, các tác giả có khối lượng viết lớn và đều đặn là không nhiều, khiến nhà văn Nguyên Ngọc năm 2003 cứ thở ngắn than dài rằng nội lực của nhà văn ta không thâm hậu.
Là một biên tập viên, nhiều khi tôi cũng nhận được những bản thảo dài thật dài. Dù hầu hết không thể cộng tác, tôi vẫn cảm thấy ngưỡng mộ công phu của những người yêu chữ. Theo những gì quan sát được ở thời điểm đó, Nguyên Ngọc cho rằng nhiều nhà văn trẻ có tài nhưng thiếu một tấm phông văn hóa sâu rộng do vấn đề giáo dục trong nước, do không biết ngoại ngữ… Nhưng ở thời điểm này tôi thấy có sự khác biệt, rất nhiều người viết trẻ giỏi ngoại ngữ, nhờ lợi thế của thời đại thông tin mà tự trang bị cho mình phông văn hóa tốt, đồng thời có tham vọng bước ra thế giới.
Làm sao để bán?
Nhưng viết những tiểu thuyết dài sẽ là vô cùng thách thức. Thách thức trước hết ở đầu ra. Nhà xuất bản nào có thể in mấy nghìn trang sách cho ta, khi mà số chi phí đầu tư quá lớn, và rủi ro thu hồi vốn quá cao. Bản chất của đầu ra chính là câu chuyện ai sẽ mua và đọc nó, với dung lượng khủng và giá tiền lớn, một tác giả đã có chút danh tiếng còn khó tiếp cận độc giả, huống hồ một tác giả mới tinh, nhất là trong thời buổi chiếc smartphone hấp dẫn hơn nhiều. Nên nhớ là ngay cả bộ “Harry Porter” 7 tập, không rõ lúc tác giả đi chào hàng thì chào mấy tập một lúc, nhưng hẳn bà có ý tưởng cho cả bộ rồi, đã lê lết qua 12 nhà xuất bản rồi mới ra đời để sau đó trở thành cả một sự kinh thiên động địa.
Giải pháp được hai kỷ lục văn chương mới nhất của mùa xuân năm nay lựa chọn là tự bỏ tiền thiết kế, in ấn và tự phát hành. Giải pháp này kỳ thực cũng xưa như trái đất rồi, nhưng với điều kiện thông tin ngày nay thì nó được hỗ trợ đặc biệt, tác phẩm có thể tiếp cận được độc giả qua rất nhiều kênh thông tin. Đã có những thành tựu. Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh tự in thơ tự bán trên facebook cá nhân mà cuốn thơ “Ra vườn nhặt nắng” tiêu đến hàng vạn. Nhóm dịch giả Kẹp Hạt Dẻ tự dịch và phát hành bộ sách loài vật mà rất thành công. Với “Đông Âu anh hùng truyện”, người mua phải đăng ký trước, giá một bộ 3 cuốn bản đầy đủ là… 10 triệu đồng. Tác giả chỉ bán sách qua trang facebook cá nhân và một số trang bạn bè, không giới thiệu ra mắt sách ở đâu. Hiện không có con số thống kê về lượng bán bộ sách này nhưng giang hồ đồn đại về nó cũng khá nhiều. Nam Nguyễn là ai thì vẫn là một dấu hỏi lớn.
Các nhà xuất bản lớn thường sẽ ưu tiên những đầu sách phổ thông hơn là những cuốn mà độc giả hẹp, và có quy trình, quy định chặt chẽ về bản quyền, biên tập, thiết kế, in ấn, tiếp thị, truyền thông, phát hành. Tự xuất bản là bạn tự do làm chủ quy trình ấy, bạn viết những gì bạn thích và làm những gì bạn muốn, dĩ nhiên rủi ro kinh doanh là rất cao (trừ phi bạn in sách để cho biếu tặng), nhưng nếu thuận lợi, phù hợp thị trường, lợi nhuận sẽ tốt hơn.
Trên thế giới xu hướng này cũng tăng trong những năm gần đây. Seth Godin, tác giả Mỹ nổi tiếng với 20 đầu sách bán chạy, sau khi cộng tác với một vài nhà xuất bản, đã thử hình thức tự xuất bản và rất thành công. Ông dùng mail hằng ngày kết nối với độc giả của mình và có một trang blog cá nhân vô cùng sôi động. Năm 2013 ông từng gọi vốn (crowdfunding) được 250,000 đô la dể xuất bản tác phẩm “The Icarus Deception” (tương đơn hơn 5,5 tỉ đồng tiền Việt).
Đấy là mới nói về sách in. Các nhà văn Tây Tàu, nhiều người viết dài đến mức các nhà xuất bản không chịu được nhiệt, đều đã tìm cách xuất bản trên các trang cá nhân hoặc các diễn đàn, có thu phí theo cách này hay cách khác, hoặc ban đầu không thu phí nhưng vì nổi bật mà các nhà xuất bản tìm đến ký hợp đồng.
Wattpad khởi phát ở Mỹ là một nền tảng online nổi tiếng, các tác giả đăng truyện của mình, hầu hết cho đọc miễn phí nhưng với một số tác giả nhất định Wattpad làm các trang có thu phí. Tác giả Anna Todd đã tự xuất bản tiểu thuyết “After” của mình lần đầu trên Wattpad, sau đó được ông lớn Simon & Schuster mời cộng tác và cô đã xuất bản 5 cuốn của bộ tiểu thuyết với họ, trở thành một tác giả bestseller. Tác giả Vong Ngữ của bộ tiên hiệp lừng lẫy “Phàm nhân tu tiên” ban đầu đăng truyện trên Qidian – website truyện lớn nhất của Trung Quốc. Viết từ 2007 đến 2013, “Phàm nhân tu tiên” với 2.445 chương thực sự là “siêu to khổng lồ”, vô cùng thu hút độc giả, cuối cùng đã được in thành sách, được chuyển thể thành game, truyện tranh và phim.
Lời kết
Ta đã quen nghe phán xét rằn viết dài thế có nghĩa lý gì, lãng phí thời giờ sức lực, điên rồ hết mức… Câu trả lời khả dĩ là câu đùa hay được dùng trong đời sống hiện nay: Mình thích thì mình viết thôi! Con người mà, có khi nào hết khao khát phiêu lưu đâu, và thế giới chúng ta đã được tạo thành từ những cuộc phiêu lưu thoạt đầu tưởng như vô cùng điên rồ đó.
Có điều hãy nhớ bảo vệ đôi mắt của mình.
NGUYỄN HOÀNG DIỆU THỦY
 
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...