Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2022

Về mối liên kết giữa toán học và thi ca

Về mối liên kết giữa
toán học và thi ca

Khi đã ngự trên trời cao của sự sáng tạo, cả Toán học và Thi ca đều không quên hướng về quê hương mình là Trái Đất thân yêu, với khát vọng làm cho Trái Đất ngày một đẹp hơn, muôn loài sống trên Trái Đất ngày một tốt hơn. 
Khởi nguồn của toán học
Con người ngay từ khi sinh ra đã biết đếm (trái cây thu lượm được, chim muông thú rừng săn bắt được), như vậy có thể nói Toán học xuất hiện gần như đồng thời với sự xuất hiện của con người trên trái đất. Nhưng những kiến thức toán học đó hết sức đơn giản. Tất cả kiến thức mà loài người thu nhận được chỉ dựa vào kinh nghiệm mà chưa được lý giải một cách thuyết phục. Chỉ khi Lý trí thực sự xâm nhập vào Toán học, Toán học mới trở thành một ngành Khoa học thực sự, và được xem là ngành Khoa học Tự nhiên khởi thủy của loài người… Như vậy, có thể khẳng định: Toán học là sản phẩm của trí tuệ và dùng tư duy lôgic làm công cụ chính để sáng tạo.
Nguồn gốc của thi ca
Trong quá trình lao động chân tay vất vả như kéo gỗ, đẩy thuyền… con người đã cất lên những câu ca, điệu hò để giảm bớt sự mệt nhọc, căng thẳng. Rồi trong quá trình sản xuất, và rộng hơn trong cuộc đấu tranh sinh tồn, con người đã đúc rút kinh nghiệm truyền đạt cho nhau và cho con cháu muôn đời sau. Để dễ nhớ, họ diễn đạt các kinh nghiệm đó bằng những câu nói có vần điệu (thành ngữ, tục ngữ). Mầm mống thi ca được hình thành. Nhưng tất cả đó chưa thực sự là Thi ca theo nghĩa chính xác. Chỉ khi tình cảm thấm đẫm vào những câu ca có vần điệu, Thi ca mới thực sự xuất hiện.
Trong Lịch sử văn học nhân loại, Kinh thi có thể được xem như một Tuyển thơ đầu tiên. Các bài thơ trong Kinh Thi được sáng tác trong khoảng thời gian 500 năm, từ đầu thời Tây Chu (thế kỷ 11-771 TCN) đến giữa thời Xuân Thu (770-476 TCN), gồm 311 bài thơ. Nguồn gốc các bài thơ đó khá phức tạp, gồm cả ca dao, dân ca và nhã nhạc triều đình, nhưng phần thực sự có giá trị Thi ca đích thực là những bài ca dao, dân ca viết về tình yêu đôi lứa, được nảy sinh trong quá trình lao động sản xuất.
Ở Phương Tây, hai trường ca vĩ đại Iliad và Odysey viết về cuộc chiến thành Troia có thể xem như những tác phẩm thi ca có giá trị nhất thời cổ đại. Tương truyền, chúng được xem là hai kiệt tác của nhà thơ mù Homer, sáng tác vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên. Và những chương giàu chất thơ nhất nói về tình cha con thắm thiết của ông già Chrysèsy với con gái Bryésy, tình bạn cảm động giữa người anh hùng Achiile với Patrocle, tình yêu chung thủy của nàng Pelelope và chàng Odysseus. Do đó, có thể khẳng định: Thi ca là sản phẩm của tâm hồn và lấy tư duy hình tượng để biểu hiện. Nhà thơ Anh Andre Breton khẳng định: Thơ là sự tan rã của lý trí.
Toán học và thi ca hiện đại
Sự thay đổi nền văn minh của Loài người đã thay đổi tất cả. Sự phát triển như vũ bão của Toán học đã đảo lộn tất cả. Chỉ riêng Trí tuệ không đủ sức làm nền cho những cảm hứng sáng tạo Toán học hiện đại… Lịch sử Toán học cho thấy ngay cả những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại cũng hết sức kinh hoàng khi tự mình phát hiện hoặc nghe công bố về một loại hình học “phi thực tế” đó…
Đã có nhiều ví dụ minh chứng một cách hết sức thuyết phục rằng chỉ có đôi cánh của tâm hồn, của đức tin sâu thẳm xuất phát từ tâm linh mới giúp con người bay lên tiếp cận hay lĩnh hội những tri thức toán học sâu sắc và cao xa đó, mới hy vọng phát minh ra chúng. Với quan điểm hiện đại, Toán học đã xích lại gần hơn với Thi ca, nếu không nói có một sự tương đồng. Bởi vậy Nhà toán học thiên tài Đức Karl Weierstrass đã khẳng định: “Thực tế, nếu một nhà toán học không có tâm hồn thi sĩ thì không bao giờ có thể thành một nhà toán học hoàn hảo”…
Song song với sự phát triển không ngưng nghỉ của Toán học, sự phát triển mạnh mẽ của Triết học và Mỹ học đã nâng tầm Thi ca lên những nấc thang mới. Bên cạnh các Bút pháp truyền thống, cổ điển, Thơ tượng trưng, siêu thực dần lấn chiếm không gian Thi ca. Thực ra, tượng trưng hay siêu thực đâu phải mới xuất hiện trong thi ca hiện nay.
Hơn 1200 năm trước, trong bài thơ Vọng Lư Sơn bộc bố, Thi tiên Lý Bạch đã có câu thơ bất hủ: Phi lưu trực há tam thiên xích/ Nghi thị ngân hà lạc cửu thiên (Tương Như dịch: Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước/ Tưởng dải Nhân Hà tuột khỏi mây). Trong bài thơ Cảm hoài lưu danh thiên cổ, người anh hùng – thi sĩ Đặng Dung (1373-1414) hạ hai câu luận: Trí chủ hữu hoài phù địa trục/ Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà (Giúp chúa, những mong xoay trục trái đất lại/ Rửa vũ khí không có lối kéo tuột Ngân Hà xuống). Trong kiệt tác Truyện Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du mượn hình ảnh: Vầng trăng ai xẻ làm đôi, nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường mô tả nỗi lòng ngổn ngang của chàng Thúc khi chia tay Kiều. Đủ biết các vị là những bậc thầy trong bút pháp tượng trưng hay siêu thực. Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỷ XX, bút pháp tượng trưng hay siêu thực mới thực sự khởi sắc, có những thời điểm lấn át các Bút pháp truyền thống, cổ điển.
Để đọc hay cao hơn, sáng tác thơ theo Bút pháp tượng trưng hay siêu thực, sự rung động tâm hồn đơn thuần không đủ, phải có ánh sáng của trí tuệ soi rọi. Làm sao với một cảm xúc thông thường, có thể hiểu/ cảm nhận được bài thơ Buồn xưa của Nguyễn Xuân Sanh: Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi/ Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y/ Rượu hát bầu vàng cung ướp hương/ Ngón hường say tóc nhạc trầm mi/ Lẵng xuân/ Bờ giũ trái xuân sa/ Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà/ Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm/ Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa/ Buồn hưởng vườn người vai suối tươi/ Ngàn mày tràng giang buồn muôn đời/ Môi gợi mùa xưa ngực giữa thu/ Duyên vàng da lộng trái du ngươi/ Ngọc quế buồn nào gội tóc xưa/ Hồn xa trĩu sách nhánh say sưa/ Hiến dâng/ Hiến dâng quả bồng hường/ Hoàng tử nghiêng buồn vây tóc mưa/ Đường tàn xây trái buổi du dương/ Thời gian ơi tưới hận chìm tường/ Nguồn buồn lạnh lẽo thoát cung hơi/ Ngọt ngào nhớ chảy tự trăm phương?…
Làm sao có thể sáng tác được những câu thơ theo Bút pháp siêu thực của Hàn Mặc Tử: Gió rít tầng cao trăng ngã ngửa/ Vỡ tan từng vũng đựng vàng khô/ Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra? Cả những câu thơ viết theo Bút pháp truyền thống bây giờ cũng rất giàu trí tưởng tưởng, cần huy động kết hợp Tâm hồn và Trí tuệ mới mong thưởng thức/ sáng tác được. Trí tuệ đã trở thành một “phương tiện” không thể thiếu trong thưởng thức và sáng tác Thi ca hiện đại. Trong thời đại ngày nay, Thơ ca không chỉ mô tả những điều “tai nghe mắt thấy”, mà còn và nhất thiết còn phải mô tả thế giới Tâm linh tồn tại trong ý niệm, trong trí tưởng tượng qua “con mắt thần tính” cùng “ánh sáng trí tuệ” soi rọi. Ở điểm này, Thi ca hiện đại gần với Hội họa lập thể, và có nguồn gốc chung với Toán học hiện đại.
Thay cho kết luận
Từ ngàn xưa, Toán học và Thi ca đều có điểm xuất phát chung là hiện thực cuộc sống trên Trái Đất, nhờ đôi cánh tưởng tượng mà bay lên trời cao của sự sáng tạo. Đây là hai món quà quý nhất Thượng Đế ban tặng cho loài người từ thuở khai thiên lập địa, đến nỗi một thời (chẳng hạn thời Hy Lạp cổ đại) quan niệm rằng chỉ có con người thuộc dòng giống Thần linh mới làm được thơ và hiểu được hình học. Khi đã ngự trên trời cao của sự sáng tạo, cả Toán học và Thi ca đều không quên hướng về quê hương mình là Trái Đất thân yêu, với khát vọng làm cho Trái Đất ngày một đẹp hơn, muôn loài sống trên Trái Đất ngày một tốt hơn.
Thoạt nhìn, có vẻ Toán học thường nghiêng đôi cánh về đời sống vật chất, còn Thi ca lại nghiêng đôi cánh về đời sống tinh thần. Thật ra không phải hoàn toàn như vậy. Cả Toán học và Thi ca đều hướng tới đích là cái đẹp hoàn mỹ, nên trong lịch sử Toán học không ít lần đã xuất hiện những lý thuyết rất trừu tượng, tưởng như không có mô hình thực sự nào trên Trái Đất kiểm chứng. Và trường phái Thi ca nào quá xa rời đời sống vật chất cũng khó đồng hành lâu dài với loài người, nếu không muốn nói là báo tử khi chưa kịp làm giấy khai sinh. Toán học là sản phẩm của trí tuệ, Thi ca là sản phẩm của tâm hồn. Toán học dùng tư duy lôgic làm công cụ chính để sáng tạo và Thi ca lấy tư duy hình tượng để biểu hiện. Thật thế ư? Tôi dám đoan chắc rằng một người dù thông thái đến đâu, nếu không có một trái tim biết xúc cảm mãnh liệt không thể trở thành một nhà toán học đích thực, lại linh cảm rằng một người dù có tâm hồn nhạy cảm đa tình đến đâu nếu không có trí tuệ dẫn đường cũng khó trở thành một nhà thơ lớn.
Lý thuyết toán học hiện đại chẳng phải là những sản phẩm tuyệt vời của tư duy hình tượng đó sao? Và những thi phẩm làm sao trường tồn với thời gian nếu trong nó không lấp lánh những ý chói lọi do ánh sáng trí tuệ chiếu vào? Cùng một người cha có tên là Đấng sáng tạo, Toán học xem trí tuệ là mẫu thân, Thi ca tôn thờ tâm hồn là mẹ hiền. Nhưng cũng như những sản phẩm văn hóa mà loài người đã tạo ra, theo thời gian cùng chung sống trên Trái Đất và trong lòng Nhân loại, Toán học và Thi ca đã có những sự giao thoa sâu sắc và rộng lớn đã vô tình tạo nên một sợi dây vô hình nối kết chặt chẽ chúng với nhau. Mối liên kết giữa Toán học và Thi ca suy cho cùng là mối liên kết giữa Trí tuệ và Tâm hồn, hai yếu tố không thể tách thể tách rời trong các công trình sáng tạo!
NGUYỄN THANH
Báo Văn Nghệ
28/8/2022
Lưu Đức Hạnh
Nguồn: TTO
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...