Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Truyện ngắn tác giả trẻ Nguyễn Ngọc Yến ở Yên Bái

Truyện ngắn tác giả trẻ
Nguyễn Ngọc Yến ở Yên Bái

Nguyễn Ngọc Yến là tác giả văn xuôi, sinh năm 1982, khá trẻ nhưng đã có nhiều năm cầm bút, hiện chị là Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nghệ Yên Bái.
Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Yến
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Yến đã đoạt nhiều giải thưởng, chững chạc, ấn tượng và giàu bút lực. Các truyện phần lớn khai thác thân phận người phụ nữ thời kinh tế thị trường. Dường như xuất thân ở miền xuôi, lên miền núi công tác nên Nguyễn Ngọc Yến có cái nhìn khác hơn, am hiểu, cảm thương và thổi vào những nhân vật khát vọng sống và yêu thương mãnh liệt. Văn của Nguyễn Ngọc Yến đầy nữ tính, sắc sảo, giàu chi tiết thể hiện sự quan sát tinh tế. Những truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Ngọc Yến được tập hợp trong tập Mùa xa – NXB Hội Nhà văn 2015 đã khẳng định tài năng và tạo được dấu ấn trong lòng nhiều độc giả. Mùa xa, Ca nương, Vách gỗ là những truyện ngắn tiêu biểu của Nguyễn Ngọc Yến.
NHÀ VĂN NÔNG QUANG KHIÊM giới thiệu
 
Mùa xa
 
Dì út đẹp. Đám con trai thường tới lui chỉ trỏ, làm trò, gây chuyện cốt thu hút sự chú ý của dì. Đám con gái vẫn thường thốt lên những lời trầm trồ pha chút ganh tỵ mỗi khi dì khuất bóng. ánh mắt bọn nhỏ trong xóm thì sáng rực mỗi khi thấy tôi lộn túi phải hay trái đều có hàng vốc kẹo xanh đỏ, chiến lợi phẩm thu được từ mấy chú muốn bước vô cổng nhà tôi.
Vì lý do của người lớn, tôi ở cùng ông bà ngoại từ khi chưa biết đi. Ông bà đẻ thưa nên dì cháu tôi cách nhau chừng mười ba tuổi. Dì lớn lên khi cả nước đang cố gắng trút nốt lớp áo bao cấp cuối cùng. Ký ức của dì mờ nhạt cùng những lần theo bà ngoại xếp hàng đi mua gạo bằng tem phiếu, rồi nhảy lên chiếc cân to có treo hai cục sắt trên thanh sắt đôi dài bằng cả sải tay của dì.
Bữa sáng của tôi và dì là một chiếc bánh mì rất to trong có kẹp một miếng chả. Dù chẳng hôm nào ăn hết nửa to hơn mà tôi cố đòi bằng được nhưng tôi vẫn dằn dỗi ông ngoại không chịu mang về hai cái để khỏi phải ăn chung. Lớn lên một chút tôi mới biết ông thay bánh mì bằng nước chè đặc cho tỉnh ngủ, suất ăn đêm đó được ông gói cẩn thận vào giấy báo mang về cho dì cháu tôi. Chiều chiều tôi thường chạy ra đầu ngõ ngóng dì bởi hôm nào đi học về dì cũng có quà. Hôm thì cái lõi dứa, hôm lại mấy đoạn sắn dây bé bằng ngón tay cái. Tôi nhai mỏi ê cả răng mà cứ thấy ngọt lừ nơi cổ họng.
Biết dì vừa bận ôn thi cuối cấp, vừa phải trông tôi, chú Nam nhà mãi trong phố ngày nào cũng đạp xe đến giúp dì. Chú thường đến vào lúc ông ngoại đi làm, bà đi chợ để tranh thủ múc nước từ giếng đổ đầy vào chiếc bể lọc phía đầu nhà, quét mảnh sân rộng trước cửa rồi lôi tôi đi chơi cho dì học bài. Chú Nam có cặp kính cận và giọng hát rất dễ ưa. Chú thường trèo lên tít ngọn cây dâu da ngoài ngõ để bẻ cho tôi những chùm quả to, đỏ mọng. Rồi chú hát. Hát tha thiết như thể bài hát ấy rồi sẽ kéo dì xích lại gần chú. Chúng tôi đã có những buổi chiều ngập nắng và tiếng cười. Hôm dì tốt nghiệp, chú Nam mang một bó hoa hồng đỏ rực đến tặng, dì lắc đầu nguây nguẩy không chịu nhận. Thập thò sau cửa nên tôi nghe rõ lời chú “Sau này nếu em có lỡ dở thì… cứ đến với anh. Nếu… dù… anh đã có gia đình nhưng nhất định… anh vẫn lấy em”. Giọng chú ngập ngừng như đứt thành từng đoạn.
Rồi chú Nam đi xuất khẩu lao động mãi bên nước Đức, nước Nga nào đó. Còn dì không thi đại học mà xin làm may. Dì lấy chồng. Cả nhà tôi phản đối vì gia đình chú rể nghèo, bố mẹ mất sớm, bản thân chú công ăn việc làm không ổn định. Dì bảo phải duyên số thì không tránh được, lấy người cùng cảnh nghèo sẽ dễ sống hơn. Hôm dì cưới tôi trốn biệt vào phòng riêng. Dì vận áo cưới hớt hơ hớt hải chạy đi tìm tôi, lôi ra bằng được để chụp ảnh cưới cùng dì. Dì rạng ngời, tươi tắn còn cái mặt tôi lúc đó chảy ra chẳng khác gì que kem đem hơ trước gió. Tôi giận chú vô cùng. Chú đã cướp dì của tôi.
Một buổi trưa nắng, tôi ngồi dưới gốc xoan chơi đánh chuyền. Những đốm nắng nhảy nhót theo từng đợt gió. Bỗng dì về không báo trước. Khuôn mặt dì xanh xao, hốc hác, chiếc áo dì mặc căng ra nơi phần bụng, hai mắt dì sưng húp. Tôi chạy vào quấn lấy dì nhưng khác với những lần trước dì bảo “Con ra ngoài để dì nói chuyện với ông bà”. Không biết người lớn nói những gì, đến lúc trở ra tôi thấy mắt dì đỏ hơn lúc đến. Bà ngoại tôi đi đằng sau dặn với “Vợ chồng đóng cửa bảo nhau, cố chịu nhịn cho êm cửa ấm nhà con ạ”. Dì kéo vành nón xuống che rợp hai mắt, rồi chào khẽ “con về đây, dì về…”. Tôi chạy theo kéo tay dì “Nhà dì là nhà ông bà ngoại mà” “Con vào đi”. Dì bước mà như chạy, mặt cúi gằm nhìn xuống đôi bàn chân. Tôi nhìn hút vào chiếc áo hoa mà dì mặc. Dì mặc nó từ ngày chưa lấy chú. Trên lưng áo chi chít những đốm đen li ti theo vệt mồ hôi.
Từ hôm dì về không hiểu sao giữa những giấc ngủ chập chờn tôi thường gặp những cảm giác quái lạ. Tất cả những thứ tôi chợt nghĩ đến trong đầu lập tức phình ra, to đùng rồi lừ lừ tiến lại như muốn đè nát tôi. Tôi lạc lõng trong sự thắc thỏm và lo sợ.
Dì lấy chồng mới đó đã được bốn năm. Được nghỉ hè, tôi nằng nặc đòi ông bà ngoại cho sang dì chơi ít bữa. Chú rể đón tôi bằng vẻ mặt dửng dưng, nhưng nghĩ tới việc được ở cùng dì, được chơi cùng bé Na, tôi quên ngay thái độ thờ ơ của chú. Nhà dì rộng rãi, nhưng chỉ rộng đất còn căn nhà thì bé xíu, lọt thỏm ở giữa. Từ cổng vào phải đi qua bếp mới tới nhà. Căn nhà chỉ đủ rộng để kê hai chiếc giường ở hai đầu, còn giữa là bộ bàn ghế không biết dì xin hay mua ở đâu mà bàn bằng gỗ còn ghế thì cái bằng sắt, cái bằng nhựa. Dì chỉ vào chiếc giường cá nhân kê cuối nhà bảo tôi ngủ ở đó. Ban ngày tôi tha thẩn dẫn Na đi chơi khắp xóm. Qua câu chuyện của người lớn thì chú rể chịu khó lắm. về đến nhà là cơm nước, dọn dẹp tươm tất đợi dì đón bé Na về. Nhưng  đó là dì về đúng giờ, chứ chỉ cần chệch năm, bảy phút thì cả mâm cơm bay tất ra sân. Ngoài giờ đi làm, chú không cho dì đi đâu mà không có chú. Chú sợ mất dì nên lúc nào cũng muốn chứng tỏ quyền sở hữu của mình đối với dì. Chú gọi là dì phải có mặt, bảo là phải làm ngay. Chú làm tình làm tội dì để thấy dì vẫn còn yêu chú. Tối hôm ấy chưa lên giường mà mắt tôi đã díp lại, tôi mơ thấy mẹ về tặng cho tôi một chiếc váy bồng xếp nơ. Tôi đang quay vòng trước gương để ngắm trước ngắm sau thì bị tỉnh giấc bởi tiếng thì thào, xì xào từ phía giường bên kia. “Vợ chồng mình còn khó khăn đẻ vội làm gì?”- Tiếng dì van vỉ. “Mới có một đứa, không đẻ để cô đánh đưa với trai à”. “Đẻ một đàn cho tôi, xem còn thằng nào dòm đến cô không?” “Để em ngủ”. Không nghe tiếng chú đáp lại, chỉ nghe thấy tiếng thùm thụp, bùm bụp. Tôi chui đầu ra khỏi màn, hé ri đô sang để nhìn nhưng bóng tối bưng kín. Lại tiếng cọt kẹt, huỳnh huỵch từ bên kia. Một lúc sau đêm yên tĩnh trở lại. Tiếng thạch sùng tặc lưỡi trong đêm nghe rõ mồn một. Tôi nghe tiếng gáy như kéo gỗ của chú, và hình như có tiếng sụt sịt, thút thít của dì. Sáng trở ra dì dậy rất sớm ra giếng rửa mặt, tôi thấy bên mắt trái dì sưng húp, tấy đỏ. Tôi buột miệng “Chú đánh dì ạ”. Dì nói vội “Tại đêm đi vệ sinh không thấy rõ nên dì ngã thôi”. “Con biết rồi, con sẽ mách ông bà ngoại”. Dì giơ ngón tay chặn lên chiếc mỏ nhọn đang chu lên của tôi. Dì bắt đầu cái điệp khúc ngày xưa với những chăm sóc, chiều chuộng của chú dành cho dì lúc còn đang yêu. Dì kể chuyện vui mà mắt dì đẫm nước. Dì ôm tôi vào lòng dặn “Chú thương dì lắm, con đừng có nói, không có ông bà buồn lo lại đổ bệnh”. Cả hai dì cháu ngồi khóc bên giếng. Mùa này giếng trong văn vắt nhìn thấu xuống tận đáy. Chiếc gầu lơ lửng, thi thoảng lại đập vào thành giếng nghe bồm bộp.
Tháng sáu đi ngoài đường nóng rẫy như phải bỏng. Hai chị em tôi mồ hôi mồ kê túa ra như tắm, vừa chạy về đến cửa đã nghe tiếng quát của chú “tất cả là năm trăm”. Tiếng dì cãi lại “Anh nợ bạc người ta thì đi mà trả lấy. Nhà này chẳng còn gì cả”. Chú gầm lên “Không có thì về bố mẹ mày lấy, không tao đập chết”. Lời qua tiếng lại, dì vừa nói vừa khóc “Thế thì anh cứ giết tôi đi, giờ tôi cũng chẳng thiết sống nữa” “Mày chán tao rồi phải không, mày thiết thằng nào?”. Tôi chạy vào vừa lúc chú cầm chiếc ghế đẩu ném về phía dì. Máu từ đầu dì phun ra thành dòng. Chú đẩy dì ngã ra giường rồi cứ nhè mặt dì mà đấm. Mặt dì đờ ra tái bợt “Xem mày còn nhìn tao như thế nữa không? Dám coi thường tao hả?”. Khuôn mặt chú bóng nhẫy, đỏ lựng, đôi lông mày sâu róm như nối liền với nhau. Chú nghiến răng, gồng người lấy sức đạp mạnh vào lưng, vào bụng dì. Dì quằn quại trên giường, máu me bê bết, miệng vẫn lẩm bẩm “Anh cứ giết tôi đi”. Tôi sợ hãi vội bỏ bé na xuống đất chạy sang hàng xóm gọi người lớn. Lúc trở về dì đã ngất lịm, bé Na gào khóc ôm lấy dì. Tôi phải lôi em ra để bà Thoan băng vết thương cho dì. Trước khi ra khỏi cửa tôi cố ném cho chú cái nhìn chứa đựng tất cả sự căm phẫn của tôi. Tôi ước sao ngày ấy người dì lấy là chú Nam chứ không phải là chú. Hai chị em tôi đi về phía nhà thờ ngay gần nhà. Không phải ngày lễ nên cánh cửa phòng nguyện khoá chặt. Tôi quỳ xuống bậu cửa. Lời cầu nguyện của tôi lẫn vào giữa vô vàn những lời khấn cầu dâng lên Chúa. Không biết Chúa có để ý đến tôi không khi mà bao lần đến đây tôi chỉ cầu nguyện cho mình mà chưa một lần cầu nguyện cho Chúa…
Mấy ngày liền, dì nằm ở nhà không đi làm được. Chú đi đâu mất mặt. Nghe lời dì tôi sang nhờ bà Thoan gội đầu cho dì. Chậu nước đỏ lịm, tanh nồng, gội sang nước thứ ba mà tóc dì vẫn chưa hết bết. Tim tôi như thắt lại. “Bà ơi cứ thế này chắc con không sống nổi, chẳng thà cứ mỗi đứa một nơi thôi”. Giọng dì nghe yếu ớt. “ở xóm này đàn ông thằng nào chẳng có lúc nóng nảy, cờ bạc, rượu chè. Mình là phụ nữ, phải nghĩ đến con cháu ạ”. Bà Thoan vừa lấy khăn khẽ lau tóc cho dì vừa khuyên nhủ. “Thế cứ chịu khổ mãi thế hả bà, sau này lớn cháu chẳng lấy chồng đâu”. Bà Thoan không trả lời tôi. Dì im lặng, hai hàng nước mắt ứa ra từ hai bên mắt tím bầm.
Chú về mang theo một cái nồi áp suất và một chiếc ấm điện. Chú chẳng nói năng gì, nhưng chăm sóc, cơm nước cho dì, cho chúng tôi chu đáo lắm. Tôi hỏi không biết ở đâu ra mấy thứ đó. Dì bảo “mỗi lần đánh dì, chú vẫn làm lành như thế”. Chắc cái phích và cả cái bếp than con cò kia cũng có theo kiểu đó vì chúng nom mới lắm so với những đồ đạc cũ kỹ ở nhà dì. Mấy ngày liền chú hỏi dì không nói, và tôi để ý cũng không thấy dì khóc nữa. được gần tuần thì dì đi lại được. Đợi chú đi làm, dì thu xếp ít quần áo đưa tôi và bé na về ông bà ngoại. Dì bảo dì muốn ly hôn. Đêm đó bà ngoại không ngủ cứ sụt sùi khóc “Con mình ở nhà thì nâng như nâng trứng, giờ ra đến nông nỗi này đây”. Còn ông thì chốc chốc lại thở dài ra đầu hè hút thuốc lào. Hôm sau bà gọi dì lại bảo “Con mà bỏ nó thì tội con Na, hàng xóm sẽ chê cười, rồi bố mẹ chẳng dám nhìn ai”. Ông nhìn tít tận ngoài ngõ, nói như cho mình ông nghe “Dù nó cục cằn, nhưng dù sao nó cũng là người tốt con ạ”. Dì chạy ra sau vườn chỗ khóm chuối già đứng khóc. Tiếng khóc tấm tức của dì tan vào nắng. Trời xanh ngăn ngắt. Gió cứ vi vu, xào xạc trên tàu lá chuối khô, tóc dì quấn miết vào đám tre gai rào bên gốc chuối. Chú đến xách theo đôi gà. Chú bảo chú không cố ý làm bể đầu dì, chỉ là không may. Tôi định hét lên rằng chú muốn giết dì, rằng dì đừng quay lại với chú nữa nhưng sợ người lớn nên chỉ biết đứng nhìn mà không dám hé nửa lời. Dì chẳng nói chẳng rằng nhưng cũng xách túi quần áo rồi bế bé Na ngồi đằng sau chiếc xe máy Wave cũ dỉn. Bóng dì nhấp nhô trên con đường bụi tung mù mịt.
Thái độ bỏ qua của ông bà ngoại càng có cớ để chú thể hiện quyền lực của mình trong ngôi nhà nhỏ. Cơn ghen của chú ngày càng lớn khi nghe tin chú Nam mới về nước. Mỗi ngày chú lại hạch sách, quát tháo mẹ con dì khi không vừa ý, thẳng tay đánh dì khi có việc không vui. Trận đòn lần trước dạy cho dì biết đừng có phản kháng, tốt nhất nên im lặng, cơn giận của chú sẽ giảm xuống chỉ là một vài cú bạt tai. mẹ con dì rồi sẽ được yên ổn. Tôi sang chơi đúng hôm dì được tin cô Hoa bạn thân dì bị tai nạn đang nằm trong viện. Nhà cô Hoa neo người nên thấy dì đến mẹ cô Hoa nhờ trông hộ để tranh thủ về nhà giặt giũ, lấy đồ. Lúc bà quay lại đã hơn mười giờ đêm. Dì sốt sắng xin về vì biết rằng đã muộn. Dì vừa dắt xe qua cổng, chưa kịp dựng chân chống đã ngã dúi dụi bởi cái tát nảy lửa của chú. “Mày đi với thằng Nam phải không. Dám hẹn hò với nó hả?”. Chú quấn tóc dì lôi về phía giếng nước, ấn đầu dì vào thành giếng rồi giơ chân đạp thẳng vào cổ dì…
Ông bà ngoại nhận được điện thoại của bà Thoan khi dì đang nằm trong viện cấp cứu. Tôi ngồi vuốt mái tóc đã bắt đầu xơ ra của dì, nhìn khuôn mặt mệt mỏi còn vương nét sợ hãi, ngó xuống chiếc cổ xanh gầy của dì bị bó cứng trong lớp bột trắng xoá mà nước mắt trào ra. Có lẽ nào tất cả sự yêu thương mà chú dành cho dì chỉ có thế này thôi sao. Chỉ vì ghen bóng ghen gió mà chú có thể đối xử với dì như vậy. Tôi lại nhớ đến cái lần tôi quỳ dưới chân nhà thờ thiên chúa. Sự căm giận của tôi lại nguyên như ngày nào. Bà ngoại thì luôn tay quyệt nước mắt rồi nắn nắn những vết bầm trên tay dì mếu máo “Phận đàn bà mười hai bến nước, trong nhờ, đục chịu con ơi”.
Chú đến xin ông bà được đón dì về chăm sóc. Chú quỳ xuống chân giường mong dì tha lỗi, hứa rằng sẽ đối tốt, sẽ không bao giờ đánh dì nữa. Dì đã quá quen với những lời xin lỗi. Giá chú đừng bao giờ mắc lỗi để khỏi nói ra những câu xin lỗi đó có hơn không. Một lời nói đâu có thể xoá tan những vết tím trên người dì, đâu có làm dịu những cơn đau trên thân xác và cả nỗi đau trong trái tim của dì. Đã quá lâu rồi danh từ xưng hô của dì là anh, em, còn chú chỉ mày với tao. Dì đã cố quên những kỷ niệm giữa dì và chú Nam, nhìn vào những chăm lo của chú rể để trong mắt dì chú tốt hơn, để dễ tha thứ hơn cho chú. Sự cố gắng của dì như hạt muối nhỏ hoà vào chậu nước lớn không đủ để tạo nên dù chỉ là tí chút vị mặn. Có lẽ với chú dì chỉ là tấm giẻ lau trong nhà để chú quăng quật, nhưng chú cũng không chịu được cảm giác có người khác dùng đến. Dì cố gồng người qua những trận đòn hậm hực để nhận về cho mình sự xác xơ tiều tuỵ khi nghĩ đến bé Na. Nhưng rồi cuối cùng dì cũng hiểu, sự chịu đựng của dì là vô nghĩa. Bé Na lúc nào cũng nen nét khi chú ở nhà. Bé thường ôm dì thì thầm “Con sợ bố”, “Hôm nay bố không về thì tốt mẹ nhỉ”. Những lúc ấy dì xót xa tận trong gan ruột. Giá như có thể cử động thì dì đã quay lưng lại nhưng không đủ sức làm điều đó, dì nhắm nghiền mắt xem như không nhìn thấy, không nghe thấy. Dì đã quyết định lựa chọn con đường không có chú. ông ngoại cố nén cơn giận, đẩy chú ra ngoài “Tôi không có người con rể như anh”. “Chú đi đi”. Lần đầu tiên một con bé mới lớn là tôi dám to tiếng với người lớn. Tôi nói mà nước mắt giàn giụa “Sao từ trước ông bà không đuổi chú đi, sao ông bà không cho dì ở lại. Biết dì khổ sao ông bà cứ để dì về nơi khổ ấy?”. Rồi tôi quay sang phía bà Thoan “Sao bà không sang khuyên chú mà cứ bảo dì phải chịu đựng, sao mọi người lại bỏ mặc dì đúng vào lúc dì cần mọi người nhất?”. Tôi chờ đợi tiếng quát chửi, thậm chí là cái bạt tai nhưng ông bà ngoại, bà Thoan, và cả chú đều im lặng. Tôi bỏ chạy ra ngoài một mình lang thang giữa màn đêm. Giờ này mọi ánh đèn đã tắt lịm. Không biết sau đằng những cánh cửa đã khoá chặt ấy liệu còn có ai phải khóc thầm như dì không…
Một ngày rất nắng, dì và bé Na dọn về với ông bà ngoại. Tôi học Trung cấp cách nhà hơn chục cây số. Chú Nam chưa lấy vợ. Chú Nam đến nhà ông bà ngoại ngày một đều đặn hơn. Chú không ồn ào, vui vẻ như trước mà tất cả tình cảm chú dành cho dì được gửi vào chiếc tivi, tủ lạnh mới xếp ngay ngắn tại phòng khách. Rồi chú kêu người đến lợp lại ngói mới, thay cánh cổng gỗ mục ruỗng bằng chiếc cổng sắt màu xanh lục có uốn hoa văn cầu kỳ. Bé Na vào cấp một, thi thoảng vẫn được chú Nam đưa đón đi học. Tôi nghĩ ông trời vẫn còn có mắt. Dì đang được bù đắp cho sự lựa chọn sai lầm trước kia. Tôi thấy mừng vì trông dì trẻ đẹp hẳn ra nhưng lại băn khoăn không hiểu sao giờ ở cùng dì ít chuyện trò tâm sự, còn nét mặt lúc nào cũng vẻ đăm chiêu. Đôi lúc nhớ đến ánh mắt long lanh, nụ cười tinh nghịch của dì ngày nào tôi cứ thầm hỏi người trước mặt tôi liệu có phải là dì. Dạo này dì hay nói chuyện điện thoại. Mấy lần thấy bóng tôi vừa đến là dì cụp máy. Đôi khi tôi hỏi ai gọi dì đều bảo người ta bấm nhầm. Tôi vô tư nên không để ý đến câu trả lời duy nhất ấy. Điều tôi quan tâm là bé Na. Bé Na đi học về thường ở tịt trong phòng, chỉ trừ lúc ăn cơm, hay đi học mới chịu ló ra ngoài. Có điều phòng Na lúc nào cũng đóng chặt, chưa lần nào bé mời tôi vào cả. Tôi bảo bé Na dạo này lạ lắm, dì lắc đầu không nói một câu. Rồi đang ngồi học tôi nhận được điện của chú Nam gọi về ngay có chuyện. Tôi phóng xe về đến cổng thì thấy chú rể hằm hằm quát tháo, thúc giục. Tôi chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì đã thấy chú Nam chạy tới giằng túi quần áo to tướng từ tay chú rể. Dì đứng trân ở giữa. Bé Na chạy về phía dì vừa khóc vừa kéo tay dì “Mẹ ơi… đi”. Nước mắt chảy thành dòng, dì bước về phía chú rể cùng kéo mạnh chiếc túi xách khỏi tay chú Nam. Giọng dì nghẹn lại “Tôi cần anh ấy”. Chú Nam nhìn thẳng vào mặt dì rồi lơi tay khỏi quai túi. Có lẽ đến suốt đời tôi cũng không thể quên vẻ đau đớn của dì lúc đó. Nửa cương quyết, nửa miễn cưỡng, nửa dứt khoát nửa buồn giận, nửa như quyết tâm, nửa như ân hận. Rồi dì kéo bé Na theo chú rể đi rất nhanh về phía cổng. Tôi chạy lên nhà gọi ông bà ngoại. Cửa phòng bé Na mở toang, ông bà ngồi trên giường im lặng. “Sao ông bà lại để cho dì đi? Tại sao? tại sao?” Tôi hét đến lạc giọng. Chỉ có ba từ cụt lủn đáp lại sự gào thét của tôi. “Con nhìn đi”. Khắp căn phòng, trên giá sách, phía đầu giường, cuối chân giường, cạnh cửa ra vào dán dày đặc những tờ giấy A4. Mắt tôi hoa lên. Một lúc sau tôi mới nhìn kỹ những thông điệp bằng giấy ấy. Dán phía trên bàn học của bé Na là tờ giấy vẽ hình một trái tim to méo mó, trong có dòng chữ tô đậm “Gia đình mình mãi hạnh phúc”. Xung quanh là những bức tranh bé na vẽ hai người lớn dắt tay một đứa nhỏ. Dưới các hình vẽ nguều ngoào ấy là những chú thích nguyệch ngoạc “bố- mẹ- na”. Tôi đã hiểu tất cả. Chân tay tôi như thừa ra. Tôi lững thững bước ra ngoài cửa. chú Nam ngồi bệt ở bậc tam cấp, đầu gục giữa hai tay. Mái tóc chú xoã ra che kín cả mặt. Tôi thương chú vô cùng nhưng không biết phải an ủi chú thế nào cho phải. Tiếng xe máy của chú rể đã xa dần để lại lớp bụi mù vẩn lên như khói. Chiếc cổng sắt lắc chậm dần, chậm dần rồi hững hờ khép lại. ánh nắng xiên xiên cuối buổi chiều không gió như thể sắp cắt khu vườn làm đôi…
Ca nương – tranh của họa sĩ Thiết Hằng
Ca nương
 
Khu phố đã bắt đầu lên đèn. Ca quán Mộng Tiên chìm trong tiếng phách, tiếng đàn đáy, tiếng ca ngâm ai oán, não nề, thảng hoặc điểm tiếng trống chầu đanh gọn đầy vẻ tâm đắc.
Mộng Tiên vốn là nơi gặp gỡ, đi về của những tao nhân mặc khách yêu và mến mộ ca trù. Đã lâu, ca quán không còn của riêng một kép hát mà mỗi đêm thay một kép, thậm chí hai ba kép tuỳ theo yêu cầu của khách. Huy vào trong thay quần áo đợi đến chầu hát. Khuôn mặt điển trai của Huy toát lên vẻ từng trải. Năm nào anh cũng đứng trong top doanh nhân trẻ thành đạt, hình của anh tràn lan trên trang bìa của các thời báo kinh tế. Song anh không vứt hết quỹ thời gian ít ỏi của mình vào việc kiếm tiềm, hay tìm mọi cách để tiền đẻ ra tiền như những người trong giới mà anh luôn biết lắng mình để chắt lọc những thứ quý giá mà thương trường thẳng tay chiếm đoạt. Tiền có thể đến ồ ạt nhưng văn hoá chỉ thấm từng giọt. Huy quan niệm thế. Từng đi du học, công tác nhiều nước trên thế giới, tiếp xúc với đủ các trào lưu, phong cách âm nhạc, nhưng không hiểu sao Huy cứ nặng lòng với thứ âm thanh xưa cũ, với “món hương hoả mà tổ tiên để lại”. Mặc dầu ca trù đã đem đến cho anh sự dằn vặt cùng những nỗi đau…
Huy không đủ minh mẫn để đếm xem đây là lần thứ bao nhiêu Huy trở lại quán. Hễ bóng tối ập xuống là dường như có một sức hút mê hoặc nào đó bắt anh phải thay đồ, đánh xe khỏi ga ra, đi thẳng, rẽ hai khúc ngoặt rồi ngược lên con hẻm chỉ vừa một chiếc xe bốn bánh. Nhiều lần anh bấm bụng, chỉ tối nay thôi rồi từ mai sẽ không đến nữa nhưng tất cả lại trôi theo gió, tuột theo mây rồi lặn biến vào sau đôi mắt đen lay láy luôn mở to thảng thốt, tan rữa vào đôi môi cắn chỉ mà hiếm hoi lắm Huy mới bắt gặp cái khoé miệng ấy chếch lên trên tý chút.
Lâu rồi Huy mới lại ngồi vào vị trí quan viên, ngay phía sau ả đào. Dáng người Sương thanh mảnh đóng khung trong thế thiền, hai cánh tay thả lỏng như buông thõng đều đều theo nhịp phách. Sương cất tiếng hát, tiếng ngân như ứ trong cổ họng, rung nơi cánh mũi, âm âm trong khoang miệng rồi nhả ra từng chữ, luyến láy trong từng câu có chút gì hờn trách. Huy có cảm giác như Sương hát bằng tiếng hát của một người đàn bà đã trải qua đủ các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố trong cuộc đời. Sương hát mà như đang thủ thỉ, tâm tình, như sẻ chia, tâm sự cùng anh. Chất giọng ấy lạ kỳ, lúc mượt mà, tình tứ như rót mật, lúc lại đanh, sắc đầy uy lực có thể hiếp đáp người nghe bất cứ lúc nào. Tiếng hát đầy mê hoặc, ám ảnh, diễn tả một cách tinh tế nhất cái tình gửi gắm của Huy trong mỗi bài hát. Huy bần thần, tiếc nuối. Người con gái đẹp như thế, thông minh như thế, tinh tế như thế sao lại chọn cho mình con đường đi đầy gian truân và lỗi nhịp này.
“Mặt tròn thu nguyệt/ Mắt sắc dao cau/ Vào- duyên khuê các/ Ra- vẻ hồng lâu/ Lời ấy gấm/ Miệng ấy thêu/ Tài lỗi lạc chẳng thua nàng Ban- Tạ/ Dịu như mai/ Trong như tuyết/ Nét phong lưu chi kém bạn Vân- Kiều…”. Huy luôn hình dung cô đào hát với vẻ đẹp khuôn thước kiểu như vậy. Vì thế lần đầu gặp Sương, Huy mang cảm giác của một vị khách bị chủ quán cố tình mang nhầm thực đơn đã gọi. Cô bé chừng mười bốn, nhút nhát, mảnh khảnh, tiếng ca trong như nước, khuôn mặt ngây thơ, thánh thiện. Nhưng không hiểu sao càng nghe cô bé hát, Huy giống người bị thôi miên. Chiếc dùi trong tay Huy cứ giơ lên rồi gõ xuống mặt trống đầy vô thức. Thật kỳ lạ, cô bé có thể thấu hiểu những tâm tư sâu kín nhất trong từng câu thơ, lời hát của Huy. Mỗi lần Huy điểm trống khen đàn, thưởng giọng, thưởng phách dường như giọng hát non nớt ấy lại ngân sâu hơn, và ánh mắt phút chốc mất đi vẻ u buồn cố hữu. Mới đó đã được 6 năm, giờ trước mặt anh là một thiếu nữ cân đối, bình thản, đoan trang. Nhưng đôi lúc bắt gặp ánh mắt Sương, Huy không khỏi giật mình. Trong đôi mắt trong veo có phần vô hại ấy dường như đang chứa đựng một tham vọng thực sự, muốn chinh phục cả thế giới trong một hạt cát bé nhỏ. Có lần lão chủ quán đánh cặp mắt ti hí, kèm điệu cười khùng khục sang phía Huy “mỗi lần cậu đến, mắt con Sương ướt hơn mà hát cũng hay hơn”. Huy ghét điệu bộ của lão chủ. Mặc dầu mỗi lần đến quán Huy luôn thưởng cho Sương rất nhiều thẻ, điều đó đồng nghĩa với việc sau mỗi chầu hát cùng Huy, Sương sẽ có một khoản tiền kha khá. Nhưng không phải như lão nghĩ mà đó là tình yêu thiêng liêng, tình yêu của một tín đồ với thứ nghệ thuật bác học vào loại bậc nhất trong nền âm nhạc cổ truyền mà Huy tôn sùng. Hơn thế nữa đó là sự đồng cảm sâu sắc giữa hai tâm hồn cùng yêu cái đẹp. Con người ấy luôn nhìn nhận, quy kết mọi việc theo bản năng giống loài. Có lẽ tạo hoá cũng trêu đùa lão khi lão là ông chủ Mộng Tiên, nơi chứa đựng thế giới nội tâm sâu thẳm của những tri âm cùng một ngón nghề tài hoa của thứ nghệ thuật độc đáo, nghệ thuật của âm thanh đồng vọng.
Hết chầu hát đã quá nửa đêm. Khu phố vắng bóng người qua lại. Sau những cánh cửa đóng chặt, một vài ngôi nhà đã bắt đầu tắt đèn. Tiếng chó sủa nghe càng rõ. Huy rời quán cũng là lúc Sương ra cổng đứng đợi người đến đón. Nghe nói sương thuê một bác xe ôm gần nhà chở hợp đồng theo tháng. Sương bước tới bước lui như dưới chân có tổ kiến lửa. Một vài người đi qua đã bắt đầu ném về phía Sương cái nhìn buông thả. Gã đàn ông trung tuổi, mặt rỗ, bụng phệ từ quán bar bên cạnh bước ra nửa say nửa tỉnh đưa đôi mắt nhìn nghiến ngấu khắp người Sương, rồi đột nhiên hắn đến gần giơ tay vỗ bộp vào mông cô “Đêm nay đi với anh nhé”. Sương co rúm người, mặt tái dại. Vừa đúng lúc Huy đánh xe ra. Máu dồn lên đầu, Huy nhấn ga nhằm thẳng gã đàn ông thô tục phóng rồi đạp mạnh chân phanh, đầu xe cách gã chừng gang tay khiến mặt gã cắt không còn giọt máu. Huy mở cửa xe nhảy xuống, xốc cổ áo, dứ quả đấm trước cái mặt bóng nhẫy “Biến ngay”. Huy đẩy mạnh khiến gã đàn ông to béo ngã ngửa ra đất. Chưa bao giờ Huy tức giận như vậy. Huy kéo Sương rất mạnh gần như thô bạo đẩy vào xe mặc cho Sương ngơ ngác và cả sợ hãi. Anh nổ máy phóng đi không nói một lời, phóng như không cần biết trước mặt có gì, phóng như thể tất cả xung quanh đã biến mất. Chẳng thà Sương có một người đàn ông đưa đi đón về thì Huy đã có thể lạnh lùng, sống theo đúng lời thề của dòng họ…
***
Huy choàng tỉnh khi những tia nắng đầu tiên tìm cách len lỏi qua tấm rèm mỏng màu tím nhạt có gắn ren hoa. Khắp căn phòng tràn ngập mùi hương thanh khiết của hoa sen trắng, loài hoa anh rất thích, thích đến mức gần như tôn thờ. Những cánh hoa như những bàn tay nõn nà, mềm mại khum khum, úp chặt vào nhau. Huy vẫn nghĩ loài hoa này cuốn chặt như thế là để ấp ủ trong mình những điều bí mật để rồi một ngày không giấu được nữa mới bung nở và nhanh chóng bỏ rơi những cánh hoa đã khô táp để lại chiếc đài hoa trơ trọi, đơn độc. Còn lá… chưa bao giờ liền cành với hoa. Cô đơn. Giống Huy quá. Ngay lúc này Huy thấy lòng mình hụt hẫng, chênh chao. Sương vẫn thiêm thiếp trong giấc ngủ. Không hiểu sao sự tức giận và run rẩy trong đêm lại khiến Huy và Sương vội vã vượt qua gianh giới mong manh của lời thề bằng tất cả sự cuồng nhiệt. Nhìn khuôn mặt mãn nguyệt, nụ cười như vẫn còn đọng trên môi tự dưng Huy thấy đau, đau chính nơi mà anh vẫn đặt tay lên để chặn tiếng thình thịch trong lồng ngực. Sương khẽ cựa mình, thấy Huy ngồi bên, Sương hướng ánh mắt long lanh đầy hạnh phúc về phía anh “Lại đây với em”. Huy không trả lời, lặng lẽ ngồi đốt thuốc. Miệng Huy đã từng thề sẽ không bao giờ chạm vào bàn tay ấy, không bao giờ bận tâm đến người con gái ấy nhưng trong lòng anh luôn khao khát, thèm muốn được ôm ghì tấm thân mỏng manh ấy trong cánh tay to khỏe của mình, muốn được chở che bảo vệ, muốn được đặt nụ hôn lên đôi mắt, đôi môi và cả mái tóc ấy… Nghe kể, ông nội anh mê hát lắm. Một đêm mưa gió ông đưa cô đào hát cùng ông về, quát tháo đuổi vợ và bốn đứa con nhỏ về quê. Bố anh đã phải đi làm con nuôi cho người ta suốt mười lăm năm cho đến ngày khoác ba lô nhập ngũ. Sau này bố anh lại bỏ mẹ con anh để đi với một người đàn bà, cũng gái cô đầu. Huy căm ghét, thậm chí nổi khùng với bất cứ ai nhắc đến ả đào, cô đầu hay đi hát. Huy hậm hực đến các ca quán để xem nơi đó có gì mà ông và bố lại mụ mẫm đến thế, lại có thể bỏ bà và mẹ để theo người khác như thế. Và rồi chính Huy cũng bị hớp hồn lúc nào không biết. Càng tìm hiểu Huy càng thấy yêu, thấy phục thứ nghệ thuật thanh cao, tinh tế mang đặc tâm hồn Việt. Dù có tìm mọi lý do thì Huy cũng không có lý gì để phủ nhận thứ nghệ thuật chân chính, đầy giá trị này. Và bây giờ trước mặt Huy, Sương đang tự nguyện dâng hiến cái đẹp đẽ nhất của người con gái cho anh… Còn nỗi buồn và lời hứa… Nhưng lúc này Huy muốn quên đi tất cả, ánh mắt ma mị, mùi thơm tinh khiết, thân thể ngọc ngà cùng sức lực hừng hực trong con người Huy đã đẩy hai người đến chốn thiên đường mà ở đó Huy là đàn ông còn Sương chính thức thành đàn bà…
***
Huy vẫn đến quán nghe hát như một thói quen song mỗi lần chạm mặt Sương ánh mắt Huy lại lảng đi nơi khác. Một ánh mắt, một lời nói, hay nụ cười của Huy cũng đủ khiến Sương quấn quýt, nồng nhiệt, Huy sẽ mềm lòng và câu chuyện của mấy chục năm trước sẽ lặp lại một lần nữa… Đêm ấy trời trở gió, cây cối bên đường vặn mình răng rắc. Mưa mỗi lúc một to, mưa quất ràn rạt xuống mặt đường. Huy cố tình phóng xe qua để mặc Sương trong mảnh áo mưa mỏng dính co ro ngồi sau xe máy. Mưa chảy tràn trên mặt Sương, quần áo ngấm nước bết vào người. Qua gương Huy biết Sương nhìn theo Huy, muốn gọi mà không dám, ánh mắt tội nghiệp vô cùng. Huy mấy lần dừng xe đợi nhưng vừa thấy bóng Sương đến gần, Huy lại nhấn ga đi. Huy phải chứng minh rằng Huy không bao giờ giống ông và bố. Không bao giờ có sự gắn bó nào hết. Huy đã thề là như thế. Về đến nhà vẻ xanh xao, hốc hác của Sương lại hiện ra trước mắt Huy. Huy lấy rượu ra, uống rượu một mình, nói một mình, khóc một mình rồi gục trên bàn ngủ lúc nào không biết…
***
“Hồng hồng tuyết tuyết/ Mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì/ Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…”.
Nghe Sương hát đi hát lại không biết bao lần mấy câu này nhưng lần nào Huy cũng thấy nao lòng. Mỗi lần như vậy hình ảnh Sương của ngày xưa lại hiện ra bên cạnh Sương bây giờ. Huy nhắm mắt, thả mình theo tiếng trống thưởng rồi như bừng tỉnh, anh đưa mắt sang phía Sương. Chiếc cổ trắng ngần, bờ vai gầy thon gọn, phần eo đã bắt đầu đẫy ra đôi chút. Người con gái mang hình hài của người đàn bà cổ xưa, một mình lạc lõng giữa chốn xa hoa, đông đúc, ngột ngạt… Sương cúi đầu chào khách rồi từ tốn đứng dậy nhường chiếu cho ca nương khác. Huy nhìn rõ bộ ngực vum đầy cùng phần bụng đã nổi rõ sau lần áo tứ thân màu nâu gụ. Huy biết đó chính là giọt máu của mình. Huy vội đứng dậy vào phòng thay đồ để bám theo Sương. Sương vẫn cố tình tránh mặt anh như bao lần trước. Tiếng Huy gọi Sương đã bắt đầu khản đi nhưng Sương làm như không nghe thấy. Đôi chân thon dài xoải bước về phía chiếc xe láng cóng màu nâu đồng đã được nổ máy chờ sẵn. Gã đàn ông to cao, đầu húi cua, tay đeo chiếc lắc bạc to tướng ném qua gương cái nhìn khinh khỉnh về phía Huy. Chiếc xe phóng vút đi khi phần gấu váy của Sương vẫn còn kẹp nơi cánh cửa. Anh kép hát cùng Sương bảo tay đó là một đại gia có tiếng chuyên buôn bán bất động sản. Dù có lúc Huy chỉ mong Sương sớm tìm được một người đàn ông nào đó để dựa vào nhưng lúc này Huy không còn đủ kiên nhẫn để đứng đó nhìn, để im lặng. Huy nhảy lên xe rồi rồ ga phóng theo. Ra tới đường lớn Huy nhấn ga phóng vượt lên phía trên rồi đánh táp sang phía đầu xe của hắn. Chiếc xe dừng lại theo đúng ý Huy. Huy thấy Sương rất rõ. Huy đứng sẵn ở phía cửa chỉ đợi Sương bước ra sẽ lôi tuột cô lên xe như hôm nào. Sương hạ cửa kính, khuôn mặt lạnh tanh, lời nói không âm sắc “Tôi không quen anh, đừng làm phiền tôi nữa”. Không để Huy nói một câu, chiếc xe đánh lái sang phải rồi lẫn vào dòng người tấp nập…
***
Huy vùi mình trong thuốc lá, rượu ngoại, những âm thanh chát chúa như muốn chọc thủng màng nhĩ nơi vũ trường. Huy vòng tay qua hông My Trang, cô gái đẹp nhất của vũ trường the mode, nhảy điên loạn như muốn tiêu thụ nốt chút sức lực còn lại trong cơ thể. Huy nhớ như in câu hỏi của Sương lần đầu tiên Huy nắm tay cô: “Hiện đại như anh sao lại chọn ca trù?”. Huy đẩy cặp kính trắng, chỉnh lại cổ áo sơ mi như sắp bước lên bục diễn thuyết: “Một ông trùm của giới văn chương có nói: Người ta có thể tự do với tương lai của mình, nhưng với quá khứ thì không thể. Ca trù nằm trong cái gốc văn hoá Việt”. Lý thuyết quá. Huy đặt bàn tay mềm mại của Sương lọt thỏm trong lòng bàn tay mình, nở nụ cười đầy vẻ thương mại “Nhờ ca trù anh mới được gặp em”… Đôi má Sương ửng đỏ, ánh mắt cô như người sắp lên cơn sốt… Huy thấy mình như kiệt sức, anh bỏ ra phía quầy Bar gọi tiếp rượu ra uống. Người Huy rũ ra như tàu lá héo. Huy muốn quên đi tất cả. Có lẽ nào sự sôi động, cuồng nhiệt và cả thân hình nóng bỏng của Trang lại không đủ sức để xoá tan cái vẻ mỏng manh, u buồn và tĩnh lặng ấy. “Phụ nữ hiện đại, thông minh, có đủ bằng cấp đứng xếp hàng ra thì chẳng chọn đi dính vào thứ hát hò, mua vui cho thiên hạ. Quên đi. Buồn làm gì. Thằng đó chắc nhiều tiền gấp mấy lần mày…” Thằng bạn đi cùng vỗ vai Huy bồm bộp. Huy nốc cạn ly Hennessy Paradis Extra. Rượu mạnh như muốn đốt cháy cổ họng anh. Sương cũng chỉ giống như những người đàn bà khác, sẵn sàng đánh đổi mọi thứ vì tiền. Huy đã không kháng cự nổi sự chủ động của Sương, đã mộng mị sa vào vũng bùn mà ông nội và bố Huy đã dẫm phải. Sương cũng chỉ là loại đàn bà rẻ tiền không hơn không kém. Huy tự cười một mình vẻ chua xót. Anh cố rướn người vời tay ra hiệu cho Trang đưa anh ra xe. Nhìn hai kẻ say rũ rượi dìu nhau lách giữa đám đông, thằng bạn đi cùng nhún vai uống nốt chỗ rượu còn lại trong cốc vẻ ngán ngẩm. Đêm nay lại có thêm một cuộc giao hoan giữa những kẻ không hề có tình yêu.
Huy tỉnh dậy thấy đầu đau dữ dội. Trang đã đi từ lúc nào. Chiếc ví trên bàn đã xẹp đi một nửa. Một nghìn đô cho một đêm. Huy nhếch mép. Đàn bà. Huy thấy chân tay rã rời, còn đầu anh như rỗng ra. Huy cứ thấy tiêng tiếc. Cái tiếc đến đứt ruột. Tiếc như khi cái hợp đồng béo bở xây dựng khu chung cư loại II cách trung tâm thành phố chưa đến 5 cây số bị nẫng tay trên một cách trơ tráo. Song tiếc mà không cay cú chỉ thấy đau. Huy thấy lòng day dứt, buồn bực không sao tả nổi. Huy đã để tuột mất người con gái được sinh ra dường như là để dành riêng cho một mình Huy. Sương đang ở đâu. Sao Sương lại có thể quên đi tất cả một cách dễ dàng đến thế. Không biết bao lần Huy trở lại Mộng Tiên để tìm gặp Sương nhưng vô vọng. Đáp lại một loại câu hỏi của Huy, lão chủ quán hất cằm, trả lời cộc lốc “Đi rồi. Không biết đi đâu”. đầu Huy ong ong như thể hàng ngàn con vò vẽ đang lượn bay trong đó. Huy chợt nhớ đến Sa, cô đầu rượu ở Mộng Tiên. Có lần Sương bảo, đó là người bạn duy nhất mà Sương có. Huy bật khỏi ghế, gần như tỉnh hẳn. Tối nay, Huy sẽ có được những thông tin cần thiết, Huy sẽ tìm được Sương chẳng mấy khó khăn. Nghĩ vậy anh thấy lòng nhẹ nhõm, nhưng lại bồn chồn, suốt ruột. Bây giờ mới hơn mười giờ sáng.
***
Sa không bất ngờ khi mới từ quán bước ra đã bị Huy chặn lại. Dường như Sa đã đợi sự xuất hiện của Huy từ rất lâu rồi. Hai người thả bộ đi ngược con hẻm. Trên trời những vì sao đã bắt đầu mọc đan dày như mắt lưới, gió đưa về nhiều hơn nhưng khí oi nồng của một ngày nóng nực vẫn chưa tan hết. “Sương ở đâu, em có biết không? Cô ấy thế nào rồi”. “Sương thuê nhà gần đây, mới sinh được năm hôm”. “Sương mới sinh con?” “Vâng, con của anh”. Giọng Sa trơn tuột như đã chuẩn bị câu trả lời từ trước. Huy sung sướng gần như hét lên khiến những người quanh đó đều ngoái đầu lại. “Sương sinh con cho anh, tuyệt quá. Vậy mà Sương không chịu liên lạc với anh. Đi, anh em mình đến chỗ Sương.” Huy kéo tay Sa quay trở lại nơi đỗ xe. Sa cầm tay Huy lắc mạnh, ánh mắt trùng xuống nhìn thẳng vào Huy. “Anh Huy này, hãy nghe em nói. Sương đã sinh. Con trai, nhưng…” “Đã xảy ra chuyện gì?”. Huy hỏi dồn và mỗi lời nói của Sa lại đẩy Huy xuống gần hơn đáy hố sâu thăm thẳm. Huy không còn nghe rõ những lời Sa đang nói, tất cả cứ lùng bùng bên tai…
Một giờ, hai giờ rồi ba giờ trôi qua, cánh cửa phòng sản vẫn đóng chặt. Bên ngoài, người đứng, người ngồi, người áp tai vào cửa nghe ngóng. Không thấy tiếng khóc oe oe của đứa trẻ chỉ thấy tiếng hét kinh hãi của Sương. Cô y tá trẻ măng đẩy mạnh cửa, chạy ra gọi người đưa Sương lên cáng chuyển sang phòng cấp cứu. Máu chảy đầy hai bên đùi, thấm đỏ chiếc chăn quấn cho Sương. Mọi người chạy vào phòng nhưng vội bưng mặt quay đi. Mẹ Sương đã xỉu ngay chân bàn đẻ. Nơi là xương đầu của đứa bé là một bọc lùng nhùng. Đứa bé chỉ có não mà không có hộp sọ. Nửa giờ sau thằng bé ngừng thở…
Huy cảm giác đất dưới chân anh sụt xuống. Anh ngộp thở như kẻ bị sa vào đầm lầy nhưng cứ cố tình giãy giụa. Sao ông trời lại ác với Sương đến thế. Giọng Sa đã bắt đầu méo đi, ngắt quãng “Sương bảo, Sương rất sợ làm mẹ bởi những người phụ nữ trong họ Sương khi lấy chồng đều sinh ra ít nhất một đứa trẻ không lành lặn. Không biết nguyên nhân tại sao anh ạ. Sương sợ sẽ mang điều bất hạnh đến cho anh. Lúc thai được bốn tháng đi siêu âm bác sĩ đã chẩn đoán đứa trẻ không bình thường nhưng Sương vẫn nuôi hy vọng. Sương không đủ can đảm để đối diện với anh…”
Huy như người bị bỏ rơi giữa sa mạc, không biết phải bắt đầu đi từ đâu và sẽ đến đâu. Huy đã đi lạc một đoạn đường xa quá, giờ đến lúc phải quay lại. Huy phải bù đắp cho Sương, gánh bớt nỗi đau mà Sương đang cố chịu. Và Huy biết, ngay lúc này Sương cần một bờ vai để tựa, để xoa dịu niềm đau, để nhen nhóm lại những yêu thương…
Huy giục Sa lên xe, nhấn ga thêm chút nữa. Chiếc xe lao vút đi trong đêm tối. Sao trên trời mỗi lúc một dày hơn. Những đốm sáng lung linh, lúc mờ, lúc tỏ như hàng ngàn, hàng triệu con mắt đang dõi theo Huy. Sa tựa tay vào thành cửa, hình như cũng chỉ nhìn thôi, chẳng ngắm gì. tiếng nhạc phát ra từ chiếc loa nghe thật rõ. Tiếng ngân của Sương đầy da diết:
 “Riêng một thú thanh sơn đi lại/ Khéo ngây ngây dại dại với tình/ Đàn ai một tiếng dương tranh”.
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Vách gỗ
 
Sang thu, bản Phộc như thay áo mới. Rừng đồng loạt đổ vàng, con suối lao lọc mình trong vắt. Tiếng chim gọi bạn, tiếng nai, hoẵng âm vang cả một vùng. Con đường lên nương nhấp nhô sỏi bao năm Nhếnh vẫn đi, nay như thêm gai nhọn. Bàn chân Nhếnh đau rát, nhức nhối. Trong đầu Nhếnh bao ý nghĩ cứ bùng nhùng vây quanh. Hôm nay đã ngày thứ ba Nín vắng nhà. Không biết Nín đi đâu, liệu có làm điều gì dại dột. Thích nhau từ cái nhìn đầu tiên, bà mối đến hỏi Nín về làm dâu nhà Nhếnh đã mươi mùa trăng. Dù Nín không phải về nhà bố mẹ cho đến khi có con mới về ở cùng Nhếnh như phong tục xưa nhưng lễ slam nâư(1) vẫn được giữ. Ngay sau lễ cưới, giữa đêm trăng vằng vặc, Nhếnh và ông cụ Thăng cùng đưa Nín về nhà. Gió mơn man, trăng rười rượi. Trong lòng Nhếnh như có nhạc. Đếm đủ ba ngày, Nhếnh khấp khởi đi đón Nín về. Từ đêm tân hôn chính thức đó, ngày vợ chồng Nhếnh lên nương, tối lại cùng ngồi bên bếp lửa, rủ rỉ như đôi chim câu. Nhìn Nín, mắt Nhếnh lúc nào cũng như có lửa. Nhếnh bảo: “Thương nhau nước đựng sàn không lọt. Thương nhau gạn nước sông thành dầu. Thương nhau gạn củ nâu thành chàm”. Chính thế Nín có làm gì, Nhếnh cũng không bao giờ biết giận.
Củ sắn, củ khoai, đọt măng, con nhái trở thành sơn hào hải vị với Nhếnh khi cùng ăn với Nín. Nín đẹp người đẹp nết. Chiếc áo vải bông nhuộm chàm dài đến bắp chân cùng dải thắt lưng xanh lá cây sẫm luôn làm tôn thêm nước da trắng hồng, dáng người thanh mảnh của Nín. Nín vẫn bảo, “Gái đẹp không biết làm lanh cũng xấu/ Vợ hay không biết thêu lanh thành tồi” nên qua bàn tay thon nhỏ của Nín, sợi bông trắng, mảnh biến thành những tấm vải vuông vức. Khi nhuộm chàm, Nín không quên cho thêm chút vôi bột trắng để tấm vải của Nín luôn đều màu, bền đẹp. Đôi tay của Nín lại khéo léo chắt lọc sắc trời, hương núi, màu suối, vân mây để thêu dệt nên những vuông vải chàm thổ cẩm tuyệt đẹp. Nín có chồng rồi nhưng ra đường vẫn không ít ánh mắt dõi theo. Không phải giầu có nhưng vợ chồng Nín cũng không thiếu thứ gì. Cũng một nếp nhà sàn gỗ như bao nhà trong bản, vài ba mảnh ruộng, mảnh nương để cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn. Cũng ti vi, xe máy, cũng trâu, lợn đầy nhà nhưng chiếc hòm gỗ đựng đầy quần áo trẻ nhỏ vẫn chưa một lần được mở. Mùa này qua mùa khác, đôi mắt trong veo của Nín cứ lấp dần bởi khoảng buồn mênh mông từ đâu kéo đến. Đôi má ửng hồng như má quả sơn tra giờ đã lấm tấm những vết nám, nụ cười chúm chím như cánh đào sớm mai đã đượm một vệt buồn. Nín bảo, không có con, Nín đã thành cái cây không nở hoa, cái bông không đậu quả. Nín lầm lũi dần, ngay cả với Nhếnh, Nín nhiều khi cả ngày không nói một tiếng.
Sẩm tối, gian nhà sàn của Nhếnh rung lên bởi tiếng chân, tiếng nói. Người già trong họ cùng lúc kéo lên nhà Nhếnh. Ông bà Pỏi sinh được mình bố Nhếnh. Nhà có năm anh em nhưng cũng chỉ có Nhếnh là con trai duy nhất. Vợ chồng Nhếnh từ khi lấy nhau đến giờ vẫn luôn khao khát một lần được nghe tiếng khóc của trẻ nhỏ. Thi thoảng có người hỏi thăm, Nín chỉ im lặng. Hễ nhìn đám trẻ con trong bản nô nghịch, đôi má ửng hồng, tóc ươm màu nắng, Nín lại như người mất hồn. “Đẹp mà không có con chẳng bằng đứa đàn bà xấu”. “Ầy, xấu đẹp gì nữa, họ Hoàng này vô phúc rồi”. Mỗi lần nghe những lời bóng gió, Nín về nằm bẹp, không ăn không uống. Tháng trước không may Nín bị ngã, chân trái bị đứt gân gót chân, giờ thành tật đi lại dáng không còn mềm mại như trước. Nín càng trở nên rầu rĩ. Ông cụ Thăng, đã ngoài 80 mươi nhưng tiếng vẫn sang sảng kéo Nhếnh về thực tại:
– Cả họ đã bàn kỹ rồi. Anh phải lấy vợ khác, phải đẻ con trai để nối tiếp cây gia phả cho dòng họ Hoàng. Dòng họ ta không thể đứt mạch ở chỗ anh được.
Nhếnh bất ngờ trước cuộc thăm viếng không báo trước. Nhếnh nhớ đến lúc bố ốm nặng vẫn cố đợi anh về chỉ để dặn: “Anh phải kiếm lấy một thằng cu. Không thể khác được”. Từ bấy đến nay Nhếnh luôn áy náy vì bổn phận của mình, nhưng phần nhiều lại thương Nín. Anh ngập ngừng:
– Đây là việc lớn cho cháu được nghĩ thêm. Sống với nhau phải có tình cảm. “Thương nhau đắp bã trầu cũng ấm. Không thương nhau đắp mấy chăn bông cũng rét” cơ mà.
Nghe Nhếnh nói vậy, mọi người chẳng nói, chẳng rằng, cùng đứng dậy bỏ về. Nhếnh không giữ vì biết mọi người đang giận. Hẳn mọi người giận Nhếnh vì không đặt lợi ích dòng họ lên trên, không biết hy sinh hạnh phúc cá nhân vì sự tồn tại của cả dòng họ. Và nỗi băn khoăn lớn nhất của mọi người lúc này chính là có lẽ nào phải chịu dừng cây gia phả của dòng họ Hoàng Văn tại đời thứ năm này.
Mọi người ra về trả lại sự im ắng cho ngôi nhà. Căn nhà mọi ngày ấm cúng giờ trở nên trống vắng lạ. Nhếnh và Nín đều cố tỏ ra như không có chuyện gì. Lên giường nằm, Nín bảo mai có việc phải đi chưa biết khi nào về. Nhếnh gặng hỏi nhưng Nín chỉ nói lảng. Tiếng gà thi nhau gáy vang bản, thúc giục canh khuya. Khi tiếng thở của Nhếnh đã đều đều, Nín mới khẽ trở mình. Nín nằm đếm tiếng gà cho đến sáng…
***
Nín không về, Nhếnh làm đâu bỏ đó, mắt lúc nào cũng ngó về phía đầu bản. Khi những đám mây kéo nhau lùi về phía chân trời lẫn trong sắc đỏ cuối cùng còn vương lại, Nhếnh vác cuốc trên vai, lững thững đi về. Đôi chân Nhếnh buồn không muốn bước. Về đến đầu ngõ, mùi gà om măng chua, mùi cá nướng hạt sẻn đã toả ra thơm lựng. Thấy lạ, Nhếnh đánh tiếng hỏi mấy lần nhưng không nghe Nín đáp lại. Hứng dòng nước trong vắt bắt từ mạch nước ngầm trên núi, vỗ vào mặt, vã lên chân tay, Nhếnh thấy mình tỉnh táo lạ. “Hầy” một tiếng đầy sảng khoái, Nhếnh bước lên cầu thang. Không phải là Nín ngồi bên bếp lửa mà là một người phụ nữ lạ, nước da hồng hào, dáng người phốp pháp, kém Nín chừng đôi ba tuổi. Thấy Nhếnh, người phụ nữ trẻ thoáng giật mình, vụt đứng lên, cúi đầu chào, hai tay vê vê vạt áo. Nhếnh bối rối chưa biết cư xử ra sao thì vừa lúc Nín bước lên sàn, tay xách lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ. Thấy Nhếnh, Nín khác hẳn ngày thường:
– Anh về rồi đấy à. Đây là Pùa. Cô ấy người bản Dạ. Từ hôm nay cô ấy sẽ ở cùng với mình. Sáng nay đi chợ, em đã mua sắm đủ rồi. Anh xem, em thu xếp buồng bên cạnh cho Pùa như thế này có được không?
Nín vừa nói, vừa kéo tay Nhếnh đi theo. Nhếnh chột dạ. Hình như trước đây thi thoảng Nín có nói đến chuyện người bạn gái bản bên, hiền lành, chịu khó, chỉ tội số không may lấy chồng chưa kịp có con thì chồng đã tai nạn mất. Nín bảo hay đón cô ấy về vừa là có chị có em, nhà lại có thêm đứa trẻ nhưng Nhếnh gạt đi vì nghĩ Nín chỉ nói đùa. Tiếng Nín vẫn thủ thỉ:
– Em đã nghĩ kỹ rồi. Dòng họ Hoàng Văn phải có người nối dõi. Pùa tốt lắm. Biết hoàn cảnh của mình, cô ấy hoàn toàn tự nguyện…
Cửa buồng vốn để không giờ được căng ri đô che kín. Giường trải đệm bông lau êm ái, gối lồng lõi bào gỗ quế thơm phức. Riêng chiếc chăn thổ cẩm gấp vuông vắn dọc giường được Nín dệt theo bố cục hình chữ nhật có thêm đường diềm ở phía trên, tương ứng với cõi Trời, lại thêm hình con ngựa, con chim biểu trưng cho cuộc sống, cỏ cây, muông thú trên mặt đất. Giữa hai gian buồng vốn được thưng bằng vách gỗ từ trước vẫn để không nay được dán kín bằng bức tranh lớn có hình một cậu bé bụ bẫm. Nhìn Nín cười nói, Nhếnh thấy đau nhói nơi ngực. Cũng có lúc vì gia đình, vì dòng họ, Nhếnh đã từng có ý định giấu Nín kiếm lấy một thằng cu ở ngoài, khi nào lớn lớn mới đưa về, nhưng cứ nghĩ đến Nín, Nhếnh lại thôi. Hôm nay chính Nín chứ không phải ai khác đang gỡ rối cho Nhếnh. Trong lòng Nhếnh thầm cảm ơn Nín nhiều nhưng lại thấy xót xa cho Nín. Nhếnh không nói gì, quay ra ngồi vào mâm cơm mà Pùa đã sắp gọn gàng. Toàn những món mà Nhếnh thích, nhưng lúc này Nhếnh thấy như vướng cục gì ở cổ, không sao nuốt trôi. Ánh chiều đã bắt đầu chuyển dần từ đỏ ối sang một màu tím sậm. Bóng tối ập xuống nhanh đến không ngờ. Cánh rừng trước mặt thoáng vừa xanh sẫm đã chuyển sang đen đặc. Xa xa, trăng bắt bầu treo lên đỉnh núi. Cả bữa ăn hầu như chỉ có Nín nói. Mắt Nín long lanh như có ngàn đốm lửa. Nín hỏi Nhếnh rồi quay sang cười với Pùa. Nhếnh ậm ừ, nhưng đầu óc như để mãi đâu. Pùa dè dặt, thức ăn cứ đầy lên trong bát. Khi ánh sáng nõn nà của trăng mười bốn đã lơ lửng giữa từng không, Nhếnh vẫn kiếm đủ cớ để luôn chân luôn tay, mặc cho cả bản đã chìm vào bóng tối. Cả Nín và Pùa đã đi nằm. Đêm nay là đêm đầu tiên Pùa ngủ trong căn buồng hạnh phúc mới nhưng Nhếnh đâu có thể để mặc Nín nằm một mình. Song đã đón Pùa về rồi, để người ta đơn lẻ cũng thật tội. Đi ra đi vào mãi, cuối cùng đôi chân Nhếnh bước về phía buồng của Nín. Thấy Nhếnh bước vào, Nín nhổm người dậy, giơ tay ra hiệu bảo Nhếnh sang giường bên. Nhếnh vờ như không thấy, vẫn vén màn lên giường nằm. Sàn nhà rung lên cọt kẹt. Nín nói chỉ đủ cho hai người nghe: “Pùa về đây rồi, anh đừng để cho cô ấy phải tủi thân. Cô ấy đến đây cũng là vì mình…”. Dù Nín nói rất nhỏ nhưng bên kia Pùa vẫn nghe rõ. Không nghe Nhếnh nói gì. Nước mắt tự nhiên đọng thành giọt, lăn xuống má Pùa. Nghe chị Nín nói nhiều về anh Nhếnh, về con người chịu khó, tốt bụng, trong lòng Pùa đã thầm quý mến. Pùa đã gật đầu đồng ý một cách nhanh chóng như thể có ai xui khiến. Cả buổi sáng đi chợ, chị Nín đã tỉ tê rằng, mọi chuyện chị đã thu xếp và chính anh Nhếnh cũng có lời. Vậy mà… Tưởng về làm vợ người ta thế nào, không ngờ lại bẽ bàng đến vậy. Pùa cố ghìm để không phát ra tiếng sụt sịt. Không gian bỗng nhiên rơi vào im lặng. Chỉ thấy tiếng gió nổi lên phía trái nhà, tiếng cành lá quật vào mái cọ nghe bồm bộp. Gà đã gáy canh ba. Tiếng nai tác bạn cuối mùa măng càng thêm thổn thức…
***
Mặc dù mới đến ở cùng nhưng Pùa tỏ ra thạo việc như đã thân thuộc với nơi này lắm. Sáng Pùa dậy sớm nấu cám cho gà, cho lợn ăn, đợi Nín nấu ăn sáng xong mới cùng ăn qua quýt rồi lên nương. Đến kỳ thu hoạch, cả nương ngô đã vàng ruộm chờ người đến bẻ. Vợ chồng Nhếnh cùng Pùa chẳng mấy chốc đã chất đầy ngô trên khoảng sân trước cửa. Từ ngày Pùa đến, đống củi dưới gầm sàn lúc nào cũng chất lên cao ngất. Pùa cặm cụi, làm như thể để quên đi sự có mặt của Nhếnh, của Nín và của chính Pùa. Nhiều lúc nhìn Pùa kéo gỗ, dáng khom xuống như dấu hỏi chấm giữa buổi chiều chạng vạng, Nhếnh không khỏi chạnh lòng. Đêm ấy đã khuya mà không thấy Pùa về, Nhếnh đi tìm, thấy Pùa đang bơi dưới suối. Tay Pùa đập nước như mái chèo bơi chạy bão. Khi đã quá mệt, Pùa mới lên tảng đá giữa lòng suối nằm ngửa, thở dốc. Mái tóc dày dính bệt vào khuôn mặt trắng bệch. Ngực Pùa căng đầy, phập phồng dưới ánh trăng. Trăng vỡ tan dưới nước. Nhìn Pùa, mặt Nhếnh nóng bừng, các mạch máu đua nhau chạy rần rật khắp cơ thể. Nhếnh nhắm nghiền mắt, cố xua đi hình ảnh trước mặt rồi quay đầu bỏ chạy như có ai đang đuổi sát phía sau…
***
Pùa vừa ngả đầu xuống gối bỗng giật mình thấy Nhếnh đứng trước cửa buồng. Nhếnh cởi áo khoác ngoài, đứng bần thần một lúc mới lên giường. Tự nhiên trống ngực Pùa đập thình thịch. Mấy ngày nay Pùa cố tỏ ra bình thường nhưng trong lòng buồn không sao nói hết. Nhiều đêm, Pùa gần như thức trắng, lắng nghe từng tiếng động, từng tiếng thở phía bên kia vách gỗ. Chạm vào Nhếnh, cơ thể Pùa bỗng nóng bừng bởi cảm giác hoàn toàn mới lạ. Từ khi chồng mất, đây là lần đầu tiên có một người đàn ông ở gần Pùa đến thế. Pùa dịch người lùi vào trong nhường chỗ cho Nhếnh. Hình như Pùa đã đợi giây phút này từ lâu, nhưng nay khi cơ thể cường tráng của Nhếnh đang ở rất gần Pùa, mùi mồ hôi nồng nồng của Nhếnh đang ngộp cả căn buồng thì Pùa lại trở nên luống cuống. Nghĩ đến việc sắp diễn ra mà Pùa chợt thấy nôn nao, thấy thương chị Nín ghê gớm. Mọi giác quan của Pùa như tê dại. Pùa nằm thẳng đuột bên Nhếnh không khác gì khúc gỗ. Tiếng ếch, tiếng dế như bản đồng ca cứ vang lên ồn ã. Bên này, mọi giây thần kinh trong Nín căng lên. Nín vừa chờ đợi, vừa xa xót. Nín vùi đầu vào gối. Tấm vách rung lên khe khẽ. Bên kia, Nhếnh vẫn nằm im, hai chân vắt chéo vào nhau, mắt hướng lên trần nhà. Nhếnh cố quên đi ánh mắt của Nín, cố quên đi hình ảnh của Pùa nằm trên tảng đá đêm nào, chỉ duy nhất một ý nghĩ rằng dòng họ Hoàng phải có người nối dõi. Lúc sau, khi Nhếnh quay người sang phía Pùa, thì đột nhiên Pùa thốt lên:
– Em với chị Nín như chị em đã bao năm nay. Em hiểu lòng chị Nín. Chị ấy không có con đã buồn khổ rồi, nay chân bị như vậy, sẽ càng thêm nghĩ ngợi. Anh sang với chị Nín đi, kẻo chị ấy sẽ …
Nhếnh như không nghe thấy gì. Ngọn lửa âm ỉ trong Nhếnh bỗng bùng lên dữ dội. Nhếnh lần tay cởi nhanh những hàng khuy trên ngực Pùa. Khuôn ngực trắng muốt lộ ra sau vạt áo. Nhếnh run rẩy xoay người trườn lên người Pùa nhưng Pùa lấy tay chặn lại:
– Anh Nhếnh…
Lúc này tai Nhếnh như ù đi, tiếng kêu của Pùa rơi tõm vào đêm tối. Dải dây thắt lưng bị Nhếnh giật phăng một cách thô bạo. Trước mắt Nhếnh chỉ còn một thân hình đàn bà hừng hực sức sống cùng bản năng đàn ông đang trỗi lên mạnh mẽ. Bằng tất cả sức vóc của một cơ thể sung sức, Nhếnh đè lên người Pùa. Sự kháng cự của Pùa trở nên vô nghĩa. Những ngón tay của Nhếnh bấu chặt vào vai Pùa, cặp đùi săn chắc của Nhếnh kẹp chặt đôi chân Pùa. Pùa ngạc nhiên pha lẫn sợ hãi. Nhếnh như biến thành người khác. Mạnh mẽ và hung bạo. Pùa nằm im, bất lực. Chính lúc này Pùa mới thấy hết nỗi thiệt thòi của người đàn bà. Pùa càng thấy thương chị Nín. Đột nhiên cả cơ thể Nhếnh gồng lên với tất cả sức lực rồi đổ ập xuống Pùa. Nước mắt Pùa tràn ra khóe mắt. Trong tích tắc, Pùa dồn hết sức giơ tay tát thẳng vào mặt Nhếnh. Bị tát bất ngờ, Nhếnh giật mình rồi như bừng tỉnh khỏi cơn mê ngủ. Cơ thể Nhếnh trong phút chốc rã rời, buông thõng một cách vô thức. Nhếnh ngồi dậy, hai tay úp vào mặt hồi lâu rồi vuốt dọc xuống cằm. Nhếnh cúi mặt, lảng tránh ánh nhìn của Pùa rồi lững thững bước ra ngoài gian bếp. Sàn nhà rung lên từng chặp. Nín gần như ngừng thở. Có cái gì đó như đang đè vào ngực Nín. Cảm giác vừa đau đớn, vừa mừng rỡ cùng lúc xâm chiếm Nín. Nỗi khao khát của dòng họ Hoàng thế là đã thực hiện được. Tiếng chân Nhếnh dừng lại. Có tiếng châm lửa. Tiếng điếu cày rít lên trong đêm nghe buồn não nuột. Rồi tiếng rượu ồng ộc tuôn ra khỏi cổ chai. Tiếng bát đặt xuống mặt sàn khô khốc. Nhếnh uống mỗi hơi cạn cả bát rượu mà sao càng uống càng tỉnh. Càng uống, Nhếnh càng thấy mình quá tệ trước hai người phụ nữ nhỏ bé nằm trong hai căn buồng bên kia. Nhếnh dựa lưng vào chiếc cột nhà đã lên nước nâu bóng. Những bát rượu thóc lại được nâng lên, dốc cạn. Giấc ngủ chập chờn kéo đến cùng những suy nghĩ đứt đoạn nối tiếp trong đầu Nhếnh…
***
Sáng chưa rõ mặt người, Nhếnh đã chuẩn bị đồ đi cùng đám thợ gỗ trong bản. Đã ký hợp đồng với công ty lâm sản ngoài tỉnh, cứ xong mùa thu hoạch, đàn ông bản Phộc lại cùng nhau lên rừng khai thác gỗ thuê. Vẫn bộ quần áo vải bông nhuộm chàm Nhếnh thường mặc khi đi đâu có việc, Nhếnh đeo thêm cây dao phát, mấy ống cơm lam Nín đã chuẩn bị sẵn rồi khe khẽ khép cửa. Có lẽ cả Pùa và Nín đều đang ngủ say. Nhếnh cắm cúi đi về hướng mặt trời đang chầm chậm nhô lên nơi đầu núi…
***
Lúc cánh đàn ông trở về, cả bản như có hội. Cả con suối Lao huyên náo bởi người già, trẻ nhỏ và đám thanh niên bản Phộc. Những tay đàn ông lực lưỡng đứng dàn thành hàng dọc từ trên đỉnh xuống chân núi Ngò, thay nhau lao những thân gỗ lớn đã được cưa thành từng khúc xuống chân núi. Đám thanh niên lại cùng nhau vần từng khúc gỗ xuống suối để mọi người đẩy xuôi theo dòng nước. Lần này Nhếnh đăng ký mua hai cây gỗ pơ mu to nhất. Sau khi xếp gọn gỗ khai thác lên xe, Nhếnh mới vần gỗ của mình. Niềm vui khiến Nhếnh quên đi mệt mỏi, niềm hăm hở cứ phơi rõ trên mặt. Bộ bàn ghế cùng hai chiếc giường mới sẽ được đóng nay mai. Chắc hẳn cả Nín và Pùa sẽ vui lắm. Mới đẩy được một đoạn đã thấy Nín đang lội suối đón sẵn. Lôi gỗ lên bờ, Nhếnh buộc dây để trâu kéo về. Tắm rửa xong xuôi, Nhếnh huýt sáo, bước lên cầu thang hai bậc một. Chợt Nhếnh ngó quanh:
– Pùa đâu, sao từ lúc về không thấy?
Nín ngập ngừng một lúc mới nói:
– Pùa đi rồi. Cô ấy bỏ đi cái hôm anh đi rừng.
– Cô ấy đi đâu?
Nhếnh giật mình hỏi lại, nhưng Nín như không nghe thấy câu hỏi của Nhếnh.
– Cô ấy bảo không thể nào chịu đựng thêm nữa. Em không giữ được…
Nín nói như cố ghìm tiếng khóc chực bật ra khỏi lồng ngực.
Nhếnh vội bước tới căn buồng của Pùa. Mọi thứ đã được thu dọn sạch sẽ, chỉ còn lại bộ quần áo vải bông nhuộm chàm, chiếc thắt lưng xanh cùng đôi vòng bạc mà Nín mua cho Pùa lúc hai người đi chợ huyện được treo ngay ngắn trên mắc. Cửa sổ mở toang. Phía xa những cành lau phơ phất như dải khăn trắng phủ khắp lưng núi Ngò. Những đám mây vón lại trên nền trời xanh ngắt. Vậy là Pùa đã đi. Nhếnh sẽ không còn cơ hội để chuộc lỗi. Pùa đi, mang theo nỗi day dứt đeo bám Nhếnh và mang theo cả mầm sống, niềm hy vọng của dòng họ Hoàng. Nhếnh hụt hẫng đến nỗi không thể nói nên lời, nét mặt đờ đẫn. Nín bước lại, khẽ đặt tay lên vai Nhếnh. Khoảng mênh mông lại giăng đầy trong mắt Nín. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, Nín chạy ra ngoài.
– Anh Nhếnh à, hôm qua có người đến đưa cho mình thứ này, bảo của một người phụ nữ nhờ gửi. Không biết của ai nên em không dám mở- Nín quay vào chìa một cái bọc to buộc trong mấy lớp ni lông về phía Nhếnh.
Mở chiếc bọc ra, cả hai cùng ngỡ ngàng. Bên cạnh ba thang thuốc là mảnh giấy nhỏ được gấp làm đôi ghi vội mấy chữ. “Bài thuốc chữa vô sinh này của họ Hà bị thất truyền từ lâu, em đã tìm được. Chúc anh chị được hạnh phúc. Em Pùa.”.
Nhếnh và Nín bất giác cùng quay sang nhìn nhau. Một cục than đen được buộc kỹ trong túi bóng. Nín thấy mắt mình hoa đi, đầu choáng váng. Bài thuốc này Nín đã từng nghe nói. Đó những vị thuốc quý chỉ mọc trên đỉnh núi Tè quanh năm mây phủ. Để lên đến đỉnh núi phải mất ít nhất ba tiếng đi bộ và tất cả các vị thuốc phải được hái trước khi mặt trời mọc. Muốn đủ ba thang thuốc phải đi lấy ròng rã hàng tháng. Và thứ quan trọng nhất, bí quyết của bài thuốc chính là phải có ngón tay út của một người phụ nữ mắn đẻ đã được đốt thành tro để hoà cùng bát nước thuốc đã được cô lại. Nín thầm gọi tên Pùa mà nước mắt cứ trào ra. “Pùa” theo tiếng Tày mình đúng là “nâng đỡ” rồi. Nhếnh cầm tay Nín, siết mạnh. Hình ảnh của Pùa lại hiện về như vừa mới hôm qua. Cả hai cùng hướng mắt về dãy núi Ngò trước mặt. Lúc này tiết trời đã cuối thu. Những chiếc lá nhuốm một màu vàng ruộm. Nắng như mật ong bung ra, tràn thung, tràn bản. Tiếng chim khảm khắc bỗng cất lên lảnh lót, điểm vào không gian những thanh âm đầy da diết…
NGUYỄN NGỌC YẾN
________
(1) Lễ slam nâư (lễ ba ngày, lễ lại mặt)
 
15/4/2022
Nguyễn Hải Yến
Nguồn: Văn Nghệ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...