Xuân miên viễn giữa đời mộng huyễn
Phó Giáo sư Lưu Đức Trung (1933-2017), người thầy của nhiều
thế hệ giáo viên Việt Nam. Ông tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc, giảng dạy
văn học Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản trong nhiều thập niên tại Đại học Sư phạm
Hà Nội. Ông còn là tác giả của nhiều sách nghiên cứu, sách giáo khoa và các
sáng tác văn học. Bài viết “Xuân miên viễn giữa đời mộng huyễn” của
Nguyệt Trinh đã chạm vào hồn cốt thơ haiku trong truyện của Lưu Đức Trung, tái
hiện được chân dung của ông với từng khoảnh khắc thư thái an yên, tràn đầy lạc
quan. (HTA)PGS Lưu Đức Trung (1933-2017)Sau cuộc hành trình dài Dạo bước vườn hoa văn học châu Á,
từ theo bước chân Tagore khám phá miền đất Ấn Độ, theo Lý Đỗ ghé Trung Hoa, những
năm cuối đời hồn văn PGS Lưu Đức Trung chọn neo đậu say mê nền văn học Nhật Bản
làm ông già haiku nụ cười hóm hỉnh an nhiên… Ơ hay là một vòng xinh giữa
cuộc đời nắng mưa ở trọ. Neo đậu miền haiku cũng là chọn sự giản dị, nhỏ
bé hào hoa lạc tận kiến chân thuần. Vũ trụ bao la bấy giờ thu lại trong
tinh anh một giọt sương. Từ Tươi mãi với thời gian sang Bốn mùa
hoa, Phiến khúc mùa thu… thơ Người càng ngày càng đi đến chỗ tinh giản, trong
suốt, thấu thị mang tinh thần Chính Tâm, Lưu Ly… trong cuộc dọn mình tan biến
giữa hư không. Say mê cái vô hạn trong lòng bàn tay, Người thử bút ở cả thể loại
truyện cực ngắn, cũng có thể coi là những áng haiku bằng văn xuôi, hay văn xuôi
mang bản chất ngưng đọng của haiku…
Trong cách đặt tên cho tập truyện của mình, Lưu Đức Trung đã
nhận chân bản chất của cuộc đời mộng huyễn: Đuổi bắt bong bóng.
Trước mắt tôi vẫn là cái bong bóng mà từ xưa tôi đã đuổi bắt
Nó cứ bay lơ lửng khi thấp khi cao trong không trung
Lúc thì lóe những màu sắc xanh đỏ tím vàng thật kỳ diệu
Nhưng có lúc nó cũng trong veo
Tôi chạy theo với lên sắp chạm tay nó lại bay vút lên làm tôi
hẫng hụt
Có lúc bong bóng bay là là gần mặt đất tôi đã vốc nó vào tay
Nó lại tan biến chẳng còn hình bóng
Dù thất vọng tôi vẫn cứ theo đuổi
Hình như tôi ngày ngày cứ đeo đuổi như vậy thấy đời vui hơn
Nó như là một trò chơi trẻ con cứ tung tăng đuổi bắt con bướm
Dù không bắt được vẫn vỗ tay reo vui
Tôi cảm nhận cái vui nho nhỏ thường nhật đó
Cộng lại trở thành niềm hạnh phúc
Hạnh phúc đó dù ngắn ngủi, chốc lát hay lâu dài… đều là hạnh
phúc
(Phiến khúc vô thanh 2)
Đấy là những dòng Người tâm đắc nhất trong tập truyện, đọc
lên không phân biệt đâu là văn xuôi đâu là thơ. Những dòng cảm xúc trong trẻo
mà thấu triệt tinh anh lấp lánh vẻ sáng của một tâm hồn anh nhi… Ừ thì cả một đời
người đam mê văn chương, khám phá kiếm tìm mảnh đất văn học phương Đông rồi về
náu mình trong thế giới thơ ca nhỏ bé, bàn chân dong ruổi khắp nơi về thu mình
trong căn phòng nhỏ giữa lòng Sài thành tấp nập, Người nhận ra tất cả chỉ là một
cuộc chơi. Một trò đuổi bắt bong bóng… nhưng mà hạnh phúc… Cái hạnh phúc của đứa
trẻ bên bờ biển cả bao la nhặt được một vỏ sò bé nhỏ mà áp tai vào đó, có thể
nghe được hội tụ con sóng của bảy đại dương. Người đã vui như thế, cho đến giây
cuối cùng, chạm thay vào tập thơ cuối… cái vui nho nhỏ thường nhật giữa dòng đời
trôi chảy, giữa phố đông, người đông tất bật nhiều khi không biết có sự tồn tại
của Người. Ở căn phòng nhỏ nọ nơi con hẻm nọ, có một ông già… Như trong một câu
chuyện cổ tích.
Đuổi bắt bong bóng là tập truyện mang cốt cách hồn thơ
haiku Lưu Đức Trung nhưng vẫn có nét thú vị riêng. Đọc tập truyện có lẽ ta ấn
tượng nhiều hơn không phải là những trải nghiệm về đời mà là những chiêm nghiệm
về mình nhiều trăn trở. Bởi lẽ,người thơ đi giữa cuộc đời vẫn thoáng ngây ngô
mà về ngẫm lại mình nhiều hơn trong nỗi niềm riêng. Nếu haiku là cánh bướm thì
truyện cực ngắn lại giúp người đọc trải nghiệm khoảnh khắc vươn mình chui ra khỏi
kén… Ta đọc được những trăn trở và cả đớn đau thực tại, nỗi cô đơn diệu vợi
không ai.
Tôi đang sống trong một thế giới cô đơn nên thường ngước lên
trời xanh để tìm kiếm một áng mây hồng, mong áng mây hồng sà xuống bao phủ
lấy tấm thân cô đơn và lạnh lẽo của tôi. Nhưng thời gian, thời gian cứ trôi đi…
ước mơ của tôi cũng mờ ảo. Một đêm thu nào đó mà tôi không còn nhớ rõ, chỉ biết
đó là cái đêm bầu trời trong sáng lơ thơ những áng mây trắng. Từ trong những
áng mây đó, bỗng xuất hiện một áng mây hồng. Lòng tôi mừng vui chắp tay cầu
nguyện, mong sao áng mây hồng sà xuống mang mình cùng bay vào bầu trời. Khi tôi
mở mắt ra, thấy mình vẫn đứng giữa thế giới cô đơn. Thời gian, thời gian cứ
trôi, tôi vẫn kiên trì nuôi dưỡng mộng ảo. Lần này lại là đêm đông từ trong những
đám mây xám áng mây hồng xuất hiện và nhanh chóng sà xuống bên tôi hóa thành hạc
vàng đưa tôi bao vào chốn không trung.
(Áng mây hồng)
Đọc tác phẩm của Lưu Đức Trung, người đọc nhận ra tác giả đặc
biệt yêu thích màu hồng Lấp loáng ngoài cửa kính – một màu hồng – một ngày
vui (Tươi mãi với thời gian). Người thơ nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan
tràn đầy niềm vui và mộng ảo. Truyện cực ngắn hé lộ cho ta những khoảng tối tác
giả một mình đối diện với nó trước lúc ngày lên và sau cùng, thoát khỏi nó bằng
đôi cánh của giấc mơ. Đuổi bắt bong bóng mở đầu bằng 7 phiến
khúc vô thanh hay là 7 nốt nhạc của cung đàn mộng ảo. Giấc mơ lặp đi lặp lại
tạo thành từng mảng đối lập sáng – tối, thực tại – mộng ảo, đớn đau – hạnh
phúc… và cuối cuộc hành trình, ta gặp Người ở bên bờ sáng với nụ cười hiền
minh.
Thật ra không đợi đến sau này, ngay cả những ngày tuổi trẻ,
Lưu Đức Trung cũng đã có riêng mình cảm nhận về bản chất mộng của cuộc đời. Đọc
lại thiên hồi ký Kỷ niệm ấm lòng, người đọc đã thấy mình trôi giữa những
dòng hoài niệm bảng lảng những giấc mơ… Có kỷ niệm đẹp như giấc mơ… và giấc mơ
xen lẫn trong kỷ niệm…Kỷ niệm của người là những câu chuyện rất đời thường được
cảm nhận bởi tâm hồn bình dị, và được viết ra bình dị. Những đoạn thơ mộng nhất
của thiên hồi ký là những đoạn được giấc mơ chắp cánh. Giấc mơ đẹp thuở ấu thơ,
mối tình trong trẻo thoáng qua, những khoảnh khắc tơ vương nhẹ nhàng như một
cánh bướm… làm cho cái đời thường bỗng trở nên đầy chất thơ… Có kỷ niệm còn đi
theo Người vào tập truyện cực ngắn thành Chiếc đĩa bay lơ lửng mang
mình giấc mơ. Giấc mơ theo Người đến cuối con đường, neo giữ tâm hồn Tươi
mãi với thời gian, nở Hoa bốn mùa… để lại những đóa hoa thơ - văn xinh xắn.Nhà phê bình trẻ Nguyệt TrinhMười mấy năm ẩn thân nơi căn phòng nhỏ giữa Sài thành, mọi
người dần quen với hình ảnh của một Ông già haiku với nụ cười hiền
lành mà hóm hỉnh tinh anh.Người là linh hồn của Câu lạc bộ thơ haiku theo cả
nghĩa đen và nghĩa bóng, không chỉ với ý nghĩa là người lập ra và duy trì hoạt
động, mà còn sống trọn vẹn với nó. Căn phòng nhỏ của Người là nơi của những bàn
chân học trò lui tới, những lọ hoa xinh xắn thơm hương, tách trà ấm bốc khói…
mà haiku là trung tâm của những cuộc chuyện trò. Có người vì haiku mà đến,
nhưng cũng có người vì cảm tấm lòng của thầy mà biết đến haiku. Đóa hoa thơ ít
nhiều xa lạ phương xa dần bén rễ đơm hoa trong lòng thơ ca Việt… Theo thời gian
thơ Người cũng ngày càng chắt lọc, bước vào thế giới thơ Lưu Đức Trung độc giả
cảm giác bước vào một thế giới trong veo không vướng bụi.
Biết cuộc đời mộng huyễn mà sống trọn vẹn với từng khoảnh khắc
bằng tâm thư thái an yên. An nhiên trong nụ cười, trong ánh mắt sáng, bước đi
nhanh hiếm có ở độ tuổi của Người, trong bàn tay gầy guộc gõ phím soạn thơ. Học
trò ở gần Người, như được lây lan cả ánh sáng lấp lánh khinh thanh ấy. Hồn người
soi chiếu vào những trang thơ mà nở mùa xuân miên viễn. Ngay trong cách đặt
tên, đã thấy tràn đầy lạc quan tự tại: Tươi mãi với thời gian, Bốn mùa
hoa, Hoa bìm bìm… Đọc thơ haiku của Người, dẫu có những nỗi buồn dịu nhẹ thoáng
qua, thì tràn đầy vẫn là xuân và hoa tươi nở: Dưới cành mai – hoa rụng trắng
đầu – xuân bất tận. Dẫu cho mái đầu nhuốm thời gian cũng không hề gì, bởi Giọt
nắng – rơi qua kẽ lá – xanh lại mái tóc. Vậy nên ngay cả trong tập Phiến
khúc mùa thu, khi Người viết về mùa thu, về sự rơi rụng, thì cũng là một khởi đầu
mới: Gió thu về – lá vàng rụng – gieo mầm xuân. Trong tinh thần của
thơ haiku chịu dấu ấn tư tưởng Lão Trang, cánh bướm mang bản chất của cuộc đời
mộng huyễn, nhưng cánh bướm cũng là tín điệp của mùa xuân hướng về cái đẹp mà
khát vọng khôn cùng: Lang thang trên đường – gặp vườn hoa dại – tôi hóa
thành bướm.Cánh bướm nào trong giấc mơ đêm qua, cánh bướm nào tôi hóa thành khi
gặp vườn hoa dại? Ấy là tột cùng của mộng mà cũng là tột cùng của thực.
Thật ra cõi người muôn thuở vẫn đi giữa hai bờ hư thực. Đôi
khi đi giữa giấc mơ tay chạm vào thực tại và thực tại nhiều khi được xây bởi những
giấc mơ… Hạc vàng đi mất từ xưa – Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay… Hơn
mười năm được gặp Người từ hẻm nhỏ Cống Quỳnh sang hẻm nhỏ Nguyễn Kiệm, từ
phòng trên gác đến phòng dưới đất, vẫn là trang sách ấy, bông hoa ấy, tách trà ấy,
vần thơ ấy… đến giờ tròn một cuộc hóa sinh người là trang sách, là bông hoa, là
tách trà, là vần thơ… Người giờ đã trở về trong vòng ôm hiền hòa của quê mẹ Hạ
Trạch - Bố Trạch - Quảng Bình nhưng những hạt mầm Người ươm trong lòng học trò
vẫn âm thầm bén rễ, góp hương thầm lặng cho đời. Cảo thơm lần giở, thầm thì mơ
thực, lại như được thấy Người cười giữa giữa mùa xuân…
19/1/2022 Nguyệt Trinh
19/1/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét