Thứ Ba, 3 tháng 1, 2023

Bắc cung hoàng hậu - Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm

Bắc cung hoàng hậu - Tiểu thuyết
lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm

Từ hôm chạy loạn về Phù Ninh, việc  học của hai công chúa được bà Chiêu Nghi sắp đặt lại. Những hôm có thầy ở kinh đô sang dạy thì hai công chúa cùng học. Còn những ngày khác thì công chúa Ngọc Hân tự học, tự luyện tập viết văn, làm thơ và dạy Ngọc Bình học.
CHƯƠNG 1
Hàng thế kỷ đảo điên tao loạn
Hoàng gia đành lánh nạn về quê
Lão thần thi bá họ Lê
Cùng công chúa nhỏ luận về văn chương.
 
Cuối tháng mười rét ngọt, vậy mà sang giờ hợi rồi, đèn trong dinh Thiết Lâm vẫn sáng, chỗ thì đèn Thổ hà, chỗ thì bạch lạp, ánh sáng chập chờn hắt lên ngọn cây cau, cây nhãn; theo các khe cửa, khe tường ánh ra ngoài đường lúc này đã thưa người qua lại. Mọi khi thì mới giờ tuất đã cửa đóng then cài, dinh tối om, im ắng. Buổi chiều thấy có một anh nội thị từ kinh đô cưỡi ngựa về, anh này về đây nhiều lần nên thuộc lệ làng, cách bia “hạ mã” vài trượng đã xuống ngựa, gặp người già đều cúi đầu chào hỏi lễ phép. Ấy là nội thị bên cung vua mới thế, chứ như bên phủ chúa thì cứ vênh cái mặt hợm hĩnh lên, thoáng nhìn biết ngay, ai cũng ghét. Kìa con ngựa hồng tháo yên cương, buộc ở cổng dinh đang ăn cỏ đựng trong cái sọt. Cỏ ở Đồng Sòi, Đồng Mắn làng này chắc là ngon hơn ở kinh đô hay sao mà ngựa vừa ăn vừa vẫy đuôi ra vẻ hài lòng lắm.
Dinh Thiết Lâm có gì lạ? Tiếng chổi quét, tiếng dội nước rửa thềm, rửa sân, tiếng kê dọn, gõ đóng chí chát, người chạy qua chạy lại có vẻ gấp gáp lắm. Người của dinh ít thôi, có hai ba người, chắc là một số người trong họ Nguyễn Đình được huy động đến phụ giúp nữa mới tấp nập thế, rộn rịp nhất là ở khu nhà đãi nguyệt tạ.
Tin này một người biết, chuyền cho người thứ hai, thứ ba, rôm rả nhất là mấy chị xã chị nhiêu vừa nhai trầu vừa nỏ chuyện để phô hàm răng đen, cặp môi trầu cắn chỉ rất tươi. Chỉ một thoáng, cả thôn Phù Ninh thượng rồi Phù Ninh trung, Phù Ninh hạ đã râm ran. Một vài người tò mò đảo qua đảo lại ngoài đường ngước nhìn vào trong dinh, nhưng tường cao, cửa khép chỉ thấy tiếng động dội ra. Họ phán đoán, hỏi nhau quét dọn để làm gì? Hay là bà Chiêu Nghi (tước hiệu sau Hoàng Hậu) sắp về? Có khi cả Nhà Vua rồi các hoàng tử, công chúa về nữa cũng nên? Là đoán chừng thế thôi. Từ hơn tháng nay nhiều nguồn tin từ bên kẻ chợ (kinh đô) dội về: ba mươi sáu phường ở Thăng Long đang có loạn kiêu binh, chúa ngăn cản không được, muốn dẹp không xong. Nhiều gia đình quyền quý đã phải chạy về các vùng thôn quê xa xôi, nhiều nhất là sang xứ Đoài xứ Đông chứ ít xuống vùng Sơn Nam hạ, Sơn Nam thượng. Tưởng chỉ có thứ dân và quan gia chạy thôi, chứ chả nhẽ đến vua cũng phải chạy thì còn ra thể thống gì nữa, thì tiểu dân còn trông cậy vào đâu và biết chạy đi đâu?
Hóa ra tin này là mối lo cho mọi người chứ đâu chỉ là chuyện riêng ở dinh Thiết Lâm. Làng Phù Ninh có một đêm xôn xao hồi hộp!
Hôm sau, từ sớm tinh mơ ngày hai mươi tám tháng mười năm Quý Mão, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43 (Dương lịch là ngày 22 tháng 11 năm 1783) bốn chiếc thuyền lớn dong buồm từ sông Nhĩ Hà, rẽ sang sông Đuống vào sông Thiên Đức rồi đậu ở Bến Dĩ (1). Lúc ấy khoảng cuối giờ tị. Các hào mục thôn Phù Ninh và mấy thôn lân cận như Hiệp Phù, Ninh Giang, Công Đình, Tế Xuyên cũng có mặt để nghênh tiếp. Một số trai tráng thôn Phù Ninh được huy động mang quang thúng đòn khiêng để vận chuyển đồ đạc. Mọi người từ dưới thuyền bước lên, chắc là nhà vua không về bởi không thấy có tàn lọng, lính tráng.
Kìa Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, nhiều năm xa quê, bà vẫn nền nã đoan trang, vẫn cái dáng con gái làng Nành thắt đáy lưng ong bước đi uyển chuyển hay lam hay làm, giỏi lo toan mà vẫn ung dung sang trọng. Bà tươi cười gật đầu đáp lễ mọi người, và đến gần mấy cụ trưởng lão tóc bạc búi tó, râu dài chào các cụ và hỏi thăm sức khỏe. Đoàn từ Kinh đô về phần đông là các quý bà quý cô, cung nữ chừng hơn mười người. Thế ra người trong cung cũng giản dị nhỉ, phần đông là áo vải đồng lầm quần lĩnh Bưởi. Chừng sáu, bảy nhi nữ, tiểu đồng áo nâu, áo lụa. Đàn ông ít hơn, khoảng mươi người đi theo vận chuyển, xong việc lại đi. Mọi người chuyển đồ đạc từ thuyền lên bến. Đồ đạc hơi nhiều chắc là sẽ ở lại khá lâu chăng, ừ thì chạy loạn mà lại.
Sáng nay trời đỡ rét hơn hồi đêm, gió từ phía Phù Chẩn, Đồng Báng thổi về, heo may se se lạnh thật dễ chịu. Bà Chiêu Nghi cùng đi bộ với mọi người. Mấy em nhỏ từ kinh đô về làng rất thích thú xem những con trâu con bò gặm cỏ trên những thửa ruộng mới gặt. Trên lưng trâu lưng bò lại có những con chim sáo đùa giỡn, bay lên đậu xuống, tiếng hót lảnh lót, tiếng gọi đàn râm ran. Thỉnh thoảng lại có cái đuôi vẩy lên làm lũ chim giật mình vội vàng cất cánh, nhưng chỉ một lát chúng lại đậu xuống, lưng bò lưng trâu như cái sân chơi riêng của bọn chim sáo. Những con cào cào áo đỏ áo xanh, những đàn châu chấu, muồng muỗng bay vù lên mỗi lúc có chiếc mõm trâu hay bò gặm cỏ đến gần. Hai cô bé chừng trên dưới mười tuổi rất dẻo chân đi bộ, còn mấy cháu ba bốn tuổi đi một quãng mỏi chân lại có người ghé vai cõng, người cõng vui tính chân đi nhấp nhẩy, miệng hát:
Nhong nhong ngựa ông mới về
Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn.
Mấy cậu bé cô bé rất thích thú. Chả biết trong số ấy cậu nào là hoảng tử, cô nào là công chúa? Mọi người chỉ trỏ đoán già đoán non. Bé nào cũng đẹp như trong tranh vẽ, da trắng như hoa huệ hoa lan. Tuy không có hào quang tỏa sáng như trong chuyện cổ tích nhưng đi giữa những người dân quê lam lũ, giữa những mái tranh cũ kỹ thâm xỉn, những tường đất cao thấp lở lói nham nhở, thì bé nào cũng sáng vằng vặc như sao mai, ngời ngời như tiên đồng ngọc nữ từng gặp đâu đó trong những giấc mơ.
Bà Chiêu Nghi nhìn những hàng tre bao quanh làng rung rinh nghiêng ngả, lác đác những đợt lá vàng rời cành bay theo chiều gió rồi nhẹ nhàng đậu xuống mặt đất. Đợt gió khác đến, lá vàng lá khô lại tung lên xao xác lăn tăn. Tre mùa này nhiều lá vàng quá, nhiều ngọn tre lại rực cháy như lửa xém. Tre ơi, có nhận ra cố nhân không? Người con gái hái sen, gánh thóc năm xưa đây mà!
Những con cuốc mùa này không kêu dóng dả nữa mà lặng lẽ kiếm mồi nuôi con. Thỉnh thoảng một vài cặp vợ chồng cuốc từ lũy tre chạy ra những thửa ruộng mới gặt gần đấy kiếm ăn. Cuốc như người đàn bà lam lũ mặc bộ áo đen vá miếng vải xanh nhỏ, quần xắn cao chạy nhanh thoăn thoắt thỉnh thoảng dừng lại nhặt những hạt thóc rụng rơi hay đuổi bắt những con cào cào châu chấu.
Trên ngọn tre, ngọn xoan những con chim cu đua nhau cất tiếng gáy trầm buồn tha thiết gọi bạn tình. Hồi mới sinh Ngọc Hân, có người mang tiến vua con chim cu gáy rất hay. Nhà Vua bảo đem treo ở cây ổi trước cửa sổ của Chiêu Nghi. Nó gáy suốt ngày như nhớ như thương tội nghiệp quá, tâm trạng của nó chắc cũng giống tâm trạng của bà. Chừng nửa tháng sau, Chiêu Nghi bảo người cung nữ mở cửa lồng thả nó ra. Cái con chim cu đang gáy trên cành xoan kia, biết đâu lại chính là con chim mà bà thả ra hồi ấy? Bà thầm hỏi: “Có phải cố nhân đấy không”?
Mùi rơm thóc mới gặt đập đang phơi phóng hay xếp đống ở đâu đó theo gió thoang thoảng quạt vào thơm mát phảng phất mùi ngây ngây ngai ngái, lâu lắm rồi mới gặp lại. Vào trong làng, thỉnh thoảng lại gặp hương hồi hương quế, thục địa, sa nhân đang sao tẩm, tiếng bánh gang lăn trên thuyền tán leng keng, tiếng chày giã thuốc kí cốp của các ông lang Nành (Làng Phù Ninh còn có tên cổ là làng Nành). Làng Nành có nhiều thày lang giỏi, tiếng tăm lừng lẫy vùng Kinh Bắc, lại có truyền thống trồng và chế biến đông dược. Bên kẻ chợ và các vùng lân cận vẫn dùng thuốc ở đây.
Thấp thoáng sau lũy tre, rặng nhãn cây đa là những đống rơm, mái tranh, rất ít mái ngói. Thảng hoặc có ngọn khói màu lam mơ hồ trên mái rạ, chờn vờn một lát rồi lan tỏa theo từng đợt gió heo may. Làng quê đẹp, mà nghèo quá. Nhưng ngay đến cung vua cũng chả vàng son chói lọi gì. Từ ngày vào cung đến nay đã mười lăm năm, bà ít có dịp về làng, nhiều khi nhớ quê muốn về lắm nhưng đi lại tốn kém diệu vợi trong khi sự chi dùng trong cung rất hạn hẹp, phương tiện đi lại càng khó khăn. Trừ vua ra, còn phần lớn ai cũng phải lao động tự túc như chăn tằm, dệt lụa, may quần áo, khâu tàn quạt, thêu áo mũ, khâu giày, làm bánh, làm thuốc… Một số sản phẩm mang ra phố bán, hoặc trao đổi, người nào cũng rất bận rộn chứ có được hưởng thụ vui chơi gì đâu như nhiều người vẫn tưởng. Có lẽ chính vì vậy mà lần này bà Chiêu Nghi về quê, mọi người mới gần gũi tình cảm thế này, càng nghĩ, bà lại thấy rưng rưng.
Dọc đường, bà Chiêu Nghi luôn chào hỏi mọi người, thỉnh thoảng bà dừng lại nhận ra người quen cũ tay bắt mặt mừng, nước mắt lăn trên má.
Mấy người quen cũ “chào bà Chiêu Nghi”! Bà Huyền bảo: “Tôi về Phù Ninh thì vẫn là cái Huyền đi cấy dạo xưa, con gái ông bà Đình Giai ấy mà cứ gọi như cũ thích hơn”!
Bà bảo kinh thành hiện giờ không yên, vua cho bà cùng mấy công chúa công nương về quê để có điều kiện yên tĩnh mà học hành. “Có lẽ sẽ ở quê nhà khá lâu đấy các bà các chị ạ”.
*
Từ hôm chạy loạn về Phù Ninh, việc  học của hai công chúa được bà Chiêu Nghi sắp đặt lại. Những hôm có thầy ở kinh đô sang dạy thì hai công chúa cùng học. Còn những ngày khác thì công chúa Ngọc Hân tự học, tự luyện tập viết văn, làm thơ và dạy Ngọc Bình học.
Ngọc Hân năm nay mười ba tuổi, cô thông minh, học một biết mười, văn bài xem một hai lần là thuộc. Cô đọc nhiều sách khác của Trung Hoa thường là mượn ở Thư quán hay mượn của một số nhà quan.
Công chúa Ngọc Hân có kỷ niệm rất đáng nhớ với quan đại thần Lê Quý Đôn. Đầu năm Quý Mão (1783), Lê Quý Đôn được Chúa cử làm Hiệp trấn xứ Nghệ An, trước khi lên đường, ông vào bái kiến vua Lê Hiển Tông. Đối với Nhà Vua, ông chịu ơn khá nhiều. Chuyện mới đây, sau hai năm bị Hoàng Văn Đồng tố cáo về một việc gì đó cũng nhỏ thôi, Lê Quý Đôn bị giáng chức, đến năm Tân Sửu (1781) ông được Nhà Vua có nhời với Chúa, Chúa cử ông giữ chức Quốc sử quán Tổng tài, ông rất nhớ ơn này của vua Lê Hiển Tông. Lần này đi xa, vua tôi chuyện trò khá lâu. Lúc chia tay, Vua bảo:
-Trẫm nay gần thất thập, khanh cũng sắp lục tuần, chả biết còn gặp nhau được nữa hay không.
Lê Quý Đôn chắp tay lạy Vua:
-Xin hoàng thượng giữ gìn sức khỏe.
Ra về qua khỏi điện Kính Thiên, đến khoảng sân có nhiều hoa cảnh, ông thấy công chúa Ngọc Hân đang mê mải xem hoa. Thoáng thấy Lê Quý Đôn, Ngọc Hân đến chào quan đại thần và nói:
-Thưa quan lớn, tiểu sinh mới được đi chơi xứ Kinh Bắc, được đọc mấy bài thơ quan lớn đề ở đó, tiểu sinh rất thích.
Lê Quý Đôn vui mừng hỏi:
-Thật hân hạnh được công chúa để mắt đến. Thưa, tôi có viết ba, bốn bài, thế có bài nào gọi là tàm tạm được không?
-Ôi, quan lớn quá khiêm tốn, văn chương của quan lớn vang lừng từ Đại Việt sang đến Trung Hoa, Cao Ly. Xin thưa, tiểu sinh vừa tập dịch bài thơ quan lớn đề ở núi Thiên Thai. Không biết quan lớn nhớ không, tiểu sinh đọc hầu quan lớn nhé.
-Ôi, vậy thì hân hạnh quá, tôi xin nghe.
Ngọc Hân đọc:
– Bài Thiên Thai thi đề
Nhất sơn trác lập, chúng sơn tùy
Kim đới vu hồi thủy diếu di
Thạch sắc tuyền thanh vô khách đáo
Trúc tình hoa ý hứa tăng tri
Bạch vân quá tháp minh hồng thụ
Phương thảo hoành khê ám ngọc chì
Tằng thị tiên triều du dự địa
Phong quang y cựu tự tiền thì.
Lê Quý Đôn nói:
-Cảm ơn công chúa. Tôi đến thăm xứ Kinh Bắc dễ đến sáu bảy năm rồi, thấy cảnh đẹp thì đề thơ. Bây giờ tuổi già quên nhiều thứ lắm, bảo đọc bài thơ đó, tôi cũng chịu. Giờ được nghe công chúa đọc, tôi vô cùng cảm kích. Hồi ấy tâm tư tôi có chuyện buồn, rất buồn, công chúa ạ…
Vị đại thần khi ấy gần sáu chục tuổi, nói chuyện với cô gái đáng tuổi cháu của mình mà như với bạn tâm giao. Ông thổ lộ với công chúa rằng, lúc ấy xảy ra vụ thằng con trai của ông là Lê Quý Kiệt đi thi năm Ất Mùi (1775), do thua bạc thiếu tiền, bị con nợ đòi riết quá nên đã đổi quyển thi của mình lấy quyển thi của tên Đinh Thời Trung để nhận một số tiền trả nợ chiếu bạc. Sự việc bị phát giác, cả hai đều bị tống ngục. Vì là đại thần nên Lê Quý Đôn được miễn nghị. (Theo “Phủ biên tạp lục”).
Lê Quý Kiệt học giỏi từ nhỏ, đúng là con nhà nòi, con của thần đồng có bài thơ nổi tiếng: “Chẳng phải liu điu cũng giống nhà/ Rắn đầu biếng học chẳng ai tha…” và hai câu cuối, cậu bé Lê Quý Đôn hứa: “Từ nay Trâu Lỗ xin siêng học/ Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia”.
Và Lê Quý Đôn đã thực hiện đúng lời hứa đó. Năm mười tám tuổi, ông đỗ giải nguyên, mấy năm sau ông đỗ bảng nhãn. Hai mươi bảy tuổi, ông được phong chức Hàn lâm viện thừa chỉ… Khi bà sinh con trai, ông đã đọc rất nhiều trang sách và chọn được hai chữ rất đẹp: Quý Kiệt để đặt tên con trai, ông muốn gửi gắm trong đó rất nhiều ý tứ sâu xa.. Ôi, quý nhân, tuấn kiệt! Cả nhà, cả họ ông vui mừng, bao nhiêu lời chúc mừng, rất nhiều thơ tặng quý nhân tuấn kiệt gửi đến, ông lưu lại, đóng thành tập làm kỷ niệm, thỉnh thoảng lại mở ra xem, vừa ngâm ngợi vừa ngắm nhìn đứa con trai lớn lên từng ngày. Và quả thật Lê Quý Kiệt càng lớn càng khôi ngô tuấn tú và nhất là thông minh hơn người. Nhưng hồi Quý Kiệt lớn lên, ông quá bận việc vua việc chúa, vào nam ra bắc, ít để mắt tới con trai. Bọn người xấu thường hay rủ rê các vương tôn công tử vào con đường ăn chơi. Cậu ấm Lê Quý Kiệt trong số đó. Cậu mê bài bạc, rồi nợ nần chồng chất. Nếu hắn không vướng vào chiếu bạc, chắc đường thăng tiến cũng không kém gì ông. Vậy mà lẽ ra cậu ấm có thể đỗ giải nguyên, nối nghiệp cha ông làm vẻ vang cho gia tộc thì hắn lại ngồi tù, niềm hy vọng lớn lao của cả đời ông đã tan ra mây khói. Ông rất buồn về bi kịch gia đình, những khi rảnh rỗi ông thường du ngoạn đó đây ghi chép, viết sách, làm thơ.
Ông nghe danh công chúa Lê Ngọc Hân thông minh học giỏi, mỗi lần gặp, ông đều nán lại hỏi han. Công chúa cũng coi như dịp may được hỏi ông về văn sách. Ông cũng sẵn sàng chỉ cho cô những chỗ ý tứ sâu xa, những câu thơ trác việt của người xưa gửi gắm tâm tư nỗi niềm cho hậu thế. Công chúa rất chú ý lắng nghe lời ông, cô tự nhủ sẽ ghi lòng tạc dạ. Lúc này hai người ngồi ở chiếc ghế băng dưới bóng mát cây nhãn cổ thụ, một tóc bạc râu dài, trán nhăn, má hóp, một đầu xanh non nớt.
Lê Quý Đôn hỏi:
-Thế công chúa dịch bài thơ đề núi Thiên Thai thế nào, xin đọc cho nghe?
-Dạ, tiểu sinh xin đọc hầu đại quan. Nhưng xin nói trước thế này ạ. Thơ của đại quan theo Đường luật thất ngôn bát cú, nhưng tiểu sinh không dịch theo Đường luật mà muốn là danh thắng của Đại Việt ta thì nên dịch lại thành thơ lục bát, là thể thơ của dân tộc Việt mình, không biết đại quan có buồn không?
Vị đại thần giật mình, ôi, cô bé tuổi cháu chắt mình mà có ý tứ cao vời đến thế. Đúng rồi, cảnh nước mình, tiếng nói nước mình, sao lại cứ phải vay mượn lối thơ của nước người ta từ đời nảo đời nào. Mình có thơ lục bát, có chữ nôm, sao không dùng để làm văn, để cho mọi người đọc, dễ thuộc, dễ nhớ? Lê Quý Đôn đỏ mặt ngượng ngùng nhìn cô bé cảm thấy như một tiên đồng. Ông nói:
-Thưa, công chúa nói rất đúng, danh lam thắng cảnh của nước mình, tiếng nước mình, thơ nước mình thì mình phải dùng chứ. Sự vay mượn thể thơ của người ta, chữ của người ta, thật chả hay ho gì, tôi có nhiều cái sai. Nhưng tiếc là tuổi cao rồi không còn thời gian làm lại, việc ấy xin công chúa làm thay thế hệ chúng tôi.
-Dạ, lão đại thần cho phép, tiểu sinh xin đọc:
Thơ đề ở núi Thiên Thai
Một đỉnh cao, nhiều đỉnh theo
Dải vàng qua lại trong veo lạch nguồn
Suối mơ khách vắng, đá buồn
Ý hoa tình trúc ru hồn sư ông
Tháp cao mây trắng hoa hồng
Dốc in ao ngọc bềnh bồng cỏ thơm
Đế vương xưa vẫn sớm hôm
Còn đây dấu cũ chưa mòn rêu phong.
Lê Quý Đôn nói:
-Thơ chữ Hán của tôi, chữ dùng cũng thường thôi, thậm chí có chỗ còn thô thiển tỉ như câu: “Tằng thị tiên triều du dự địa”, nhưng được công chúa hạ cố đọc và dịch lại thành thơ lục bát của nước nhà. Chỉ riêng việc này, là tôi đã cảm thấy sung sướng lắm rồi. Nhưng thật bất ngờ là ngôn từ công chúa dùng quả thật tinh hoa vô cùng, lão già này xin bái phục. Bây giờ xin công chúa đọc chậm lại để tôi chép mang về làm bảo vật.
Công chúa đọc chậm từng câu, vị lão thần chép lại bằng chữ Nôm. Chép xong, ông nhẩm đọc lại, gật gù nói:
-Hai câu cuối bài thơ của tôi, đọc lại, thấy thiếu vẻ tế nhị, thanh cao, nhất là câu thứ bảy.
Nếu có điều kiện thì phải sửa lại. Nhưng đã “bút sa” rồi, chỉ có “nhà thơ chết” mà thôi, làm sao sửa lại được nữa. Nhưng thật may mắn hai câu cuối:
“Tằng thị tiên triều du dự địa
Phong quang y cựu tự tiền thì”.
công chúa dịch cho là:
Đế vương xưa vẫn sớm hôm
Còn đây dấu cũ chưa mòn rêu phong.
So với nguyên tác thì tinh tế hơn, kín đáo hơn, hay hơn nhiều. Nhiều trường hợp dịch thơ làm giảm giá trị bài thơ đi, nhưng trường hợp này thì ngược lại, bản dịch sáng tạo hơn, đẹp hơn, hay hơn.
Ngọc Hân bẽn lẽn:
-Đại quan quá khen, tiểu sinh không dám ạ. Nhân gặp đại quan, tiểu sinh có điều này muốn ngài quan tâm.
-Xin công chúa cứ nói.
-Thưa đại quan cũng bởi vì các văn bản chính thống của triều đình vẫn dùng chữ Hán, nên chữ Nôm bị lép vế, nhiều trường hợp tùy tiện mỗi người viết một kiểu theo ý riêng của mình, gây hiểu lầm, tranh cãi phiền phức. Mong đại quan quan tâm mau chóng điển chế chữ Nôm.
-Ý của công chúa rất đúng. Tôi sẽ tâu với nhà vua và chúa tổ chức việc này sớm hơn. Thôi, cũng đã muộn rồi, xin phép chia tay với người đã chiếu cố đến bài thơ xoàng xĩnh của tôi, đã dịch và nâng bài thơ của tôi lên cao hơn như nó vốn có. Chân thành cảm ơn công chúa.
Những lần gặp trước, công chúa nghe ông giảng là chính, nhưng lần này nhân có bài thơ núi Thiên Thai, ông mới phát hiện thêm khả năng thiên phú của Ngọc Hân về thẩm thơ, dịch thơ, về khả năng chữ Nôm kỳ lạ của cô. Và thế là một già một trẻ như đôi bạn văn chương tâm đắc, họ chia tay nhau lưu luyến vừa như ông cháu lại vừa như bạn tri kỷ. Mới hay thiên tài thường không lệ thuộc tuổi tác.
*
Bà Chiêu Nghi và các công chúa chạy loạn về Phù Ninh là một sự kiện đặc biệt của làng. Dân làng phấp phỏng một mối lo xa xôi mà cũng rất gần, không biết ngày mai thế nào. Những nguồn tin từ bên kẻ chợ ngày nào cũng dội về qua những người chạy loạn ngồi nghỉ ở chùa Đồng Mắn, chùa Lúc, dốc Ba Da thôi thì đủ thứ chuyện mà toàn là chuyện tang thương rùng rợn. Rùng rợn nhất là chuyện kiêu binh giết quận Huy vừa mới xảy ra cách đây mươi ngày.
Một bà hỏi:
-Thế ông Quận Huy làm gì mà chúng nó giết?
-Quận Huy là tướng chỉ huy của chúng chứ còn là gì nữa!
-Thế quân lại giết tướng của mình à? Lạ nhỉ, tôi chưa từng nghe nói bao giờ.
Một vài vị cận thần phán đoán nói vui với nhau: Vua tuyển được mỹ nhân là quý nhân có mồ hôi thơm màu hoa sen, giờ nghe tin mới xuất hiện mỹ nhân có mồ hôi thơm màu hoa đào, Người muốn xem nếu có thật thì “hoa thơm đánh cả cụm”!
CHƯƠNG 2
Người đẹp có mồ hôi thơm
In vào áo trắng tươi hường sắc hoa
“Hoa thơm đánh cả cụm” mà
Vua Lê cưới cả hai bà Phù Ninh
Nhà văn Nguyễn Vũ Tiềm
Công chúa Ngọc Bình đã học hết sách Tam Tự Kinh, cô còn bé mải chơi nhưng khá thông minh. Ngọc Hân rất quý Ngọc Bình, hôm nay chị dạy em học sang cuốn Sơ học vấn tân. Sách này có một số kiến thức khá sâu sắc, tuy học qua lâu rồi, nhưng thỉnh thoảng Ngọc Hân vẫn đọc lại, tiện thể suy nghĩ để có thêm ý tứ giảng cho Ngọc Bình, mở rộng ra cả những điều sơ khai về hiếu trung, về gia đình, xã tắc, quốc thái dân an.
Ngọc Hân là con vua Lê Hiển Tông và bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền.
Ngọc Bình là con vua Lê Hiển Tông và bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Điều.
*
Hơn một con giáp trước, Nhà Vua sang thăm đền Phù Đổng, lúc thắp hương ở đền Mẫu xong, vị cận thần tâu với vua:
– Muôn tâu Hoàng Thượng, trên đường về, xin Hoàng Thượng dừng chân một chút ở làng Phù Ninh.
– Ở đấy có gì lạ không?
– Bẩm Hoàng Thượng, thần mới được biết làng Phù Ninh có một cô con gái rất lạ lùng, ấy là mỗi lần làm lụng mồ hôi thấm ra áo thì có màu cánh sen và thơm mùi hoa sen.
– Nếu vậy thì khanh chuẩn bị để đoàn xa giá về sớm một chút.
– Thần tuân lệnh.
Người con gái ấy tên là Nguyễn Thị Huyền, con ông bà Nguyễn Đình Giai ở thôn Phù Ninh thượng. Ông bà Giai chuyên trồng sen hái sen ở các hồ đầm trong huyện Đông Ngàn, gần như quanh năm hai ông bà đều ở trên chòi giữa đầm sen. Cô Nguyễn Thị Huyền được sinh ra và lớn lên giữa đầm sen. Càng lớn, cô càng xinh đẹp, da trắng như ngó cần, mát mịn như ngó sen. Năm mười sáu tuổi, một lần được mẹ mua cho tấm áo trắng mới, cô mặc và chèo thuyền cho ông bà Giai hái sen. Lúc ấy là cuối hạ, sắp sang thu, trời khá nóng, khi thuyền quay về chòi, xếp sen lên thì bà Giai thấy vai và lưng áo trắng của con gái có màu hồng cánh sen loang ra, bà thấy lạ, nhìn kỹ thì ra là mồ hôi thấm áo. Bà bảo với ông là ai cũng mồ hôi màu vàng, riêng con bé Huyền nhà mình thì lại màu hồng cánh sen, mà lại có mùi thơm của hoa sen nữa mới lạ chứ! Ông đang bận, không để ý, cho là mùi hương của ít hoa sen muộn còn sót trên đầm chứ lấy đâu ra mồ hôi thơm. Rồi ông bà bận rộn cũng lãng quên đi chuyện ấy. Mãi mấy tháng sau, chiếc áo trắng thấm mồ hôi nhiều lần, màu cánh sen giặt đi không hết, cứ đậm dần, đậm dần. Một lần cô đi gánh thóc, gánh gạo cùng chị em, mọi người để ý thấy có mùi hương sen ở áo của cô. Từ đó tiếng đồn lan xa.
Hôm nay tháp tùng vua Lê Hiển Tông về Phù Đổng, vị cận thần của vua được một người bạn cùng học cho biết chuyện mồ hôi thơm màu cánh sen của cô gái làng Phù Ninh liền tâu với vua.
Vị cận thần bảo bạn:
– Tôi vừa tâu với Nhà Vua, Người bằng lòng dừng chân ở Phù Ninh. Nhờ ông về làng nói với hương chức chuẩn bị đón Vua và bảo cô gái ấy ra mời nước Nhà Vua để Nhà Vua và các quan xem có thực hay không.
– Vâng, tôi về lo việc ấy ngay.
Hôm ấy, ngày mùng một tháng tư năm mậu tý (16-5-1768) dân làng đón Vua ở chỗ có phiến đá đẹp gọi là Thạch Sàng. Mới giờ thân, trời không nắng không mưa, làng trải chiếu hoa xung quanh phiến đá và kê bàn ghế. Hương chức và các cụ trùm, cụ trưởng mời Vua ngồi rồi cử cô Huyền mang nước dâng Vua. Cô Huyền mặc chiếc áo trắng, nhưng ở vai, ở lưng, ở nách lại có màu phơn phớt hồng cánh sen. Ai cũng nhìn thấy rõ. Cô đi lại rót nước, Nhà Vua và các quan đều thấy thoang thoảng hương sen mỗi lần cô đến gần.
Hôm sau cô Huyền được đón vào cung. Năm ấy cô mười tám tuổi. Nhà Vua tuổi năm mươi lăm. Một năm sau cung phi Nguyễn Thị Huyền sinh công chúa Ngọc Hân và được phong tước hiệu Chiêu Nghi.
Khoảng hơn nửa con giáp sau, Nhà Vua được tin ở Phù Ninh lại xuất hiện một cô gái xinh đẹp nữa cũng có mồ hôi thơm nhưng màu hoa đào (xẫm hơn hoa sen). Vua thấy lạ, sao đất ấy lại phát nhiều mỹ nhân quý tướng lạ lùng vậy? Phải ức triệu người mới có một người như thế chứ làm gì có nhiều, Thượng Đế đâu có hào phóng vậy! Có thật hay chỉ là đồn đại? Hay họ thấy Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền có mồ hôi quý thì bèn tô vẽ thêm, chứ lấy đâu nhiều quý nhân sinh ra ở một làng. Chả nhẽ Thượng Đế quá ưu ái làng Phù Ninh? Hay Thượng Đế quê ở làng Phù Ninh?
Năm ấy nhân Hội Làng Nành, ngày mùng sáu tháng Hai năm Ất Mùi (1775), Nhà Vua và Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, công chúa Ngọc Hân về xem hội. Một vài vị cận thần phán đoán nói vui với nhau: Vua tuyển được mỹ nhân là quý nhân có mồ hôi thơm màu hoa sen, giờ nghe tin mới xuất hiện mỹ nhân có mồ hôi thơm màu hoa đào, Người muốn xem nếu có thật thì “hoa thơm đánh cả cụm”!
Từ trước hội hai tháng, được tin Vua sẽ ngự giá về, làng quyết định dựng bên trên phiến đá Thạch Sàng một ngôi nhà tre tám mái gọi là Giá Ngự.
Vùng này trồng nhiều tre, tre trong truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc Ân, tre sử dụng trong nhiều công việc làm ăn đặc biệt là làm nhà. Những người thợ mộc làng Nành từng dựng hầu hết các ngôi nhà trong làng và cả vùng lân cận từ ngôi nhà giản đơn đến tiện gọt công phu hoành tráng.
Được làng quyết định làm Giá Ngự, những người thợ họp bàn với nhau, cùng chung tay làm một ngôi nhà thật đẹp bằng tre mang ý nghĩa tre Thánh Gióng, tre gắn bó với đời sống hàng ngày của người dân. Họ cử ra ba ông trưởng hiệp thợ của ba thôn vẽ mẫu nhà, rồi ba mẫu nhà ấy hợp lại thành một mẫu nhà chung. Đó là ngôi nhà hình vuông bằng tre tám mái, bốn mái tầng dưới và bốn mái tầng trên lợp bằng lá cọ. Ngôi nhà hoàn thành cuối tháng giêng năm ấy. Tuy nhà lá nhưng là một kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, tác phẩm của các nghệ nhân ngành mộc làng Nành.
Hôm khai Hội, phía trước ngôi nhà tám mái treo hai chữ lớn Giá Ngự, chiếu cạp điều trải từ ngoài đường vào. Nhà Vua và Chiêu Nghi cùng các quan vào xem ngôi nhà tám mái, một tòa lầu thu nhỏ. Những dóng tre vầu to dựng làm cột, tre ngà vàng ươm được lựa chọn kỹ càng làm đòn tay, làm kèo, những rui mè thẳng ngay, những ống tre gọt tiện rất tinh xảo, chỗ xanh, chỗ vàng, chỗ nâu, không có một chút sơn son thiếp vàng mà màu sắc tự nhiên hài hòa đẹp mắt. Nhà Vua hết lời khen ngợi các ông thợ mộc tài hoa làng Nành.
Khi nhà Vua ngồi dùng trà, nếm bánh ở Giá Ngự, một đoàn các cô thôn nữ đi lại tiếp nước, têm trầu. Vua để ý một cô tuổi chừng mười bảy mười tám, mặt trái xoan, phúc hậu, mắt một mí, tóc vấn đuôi gà dáng thon thả đi lại nhanh nhẹn mà ung dung. Không biết cô này có mồ hôi màu hoa đào hay không bởi cô mặc áo màu tím, còn như mồ hôi có thơm hay không thì lại càng khó bởi hội đông người, cô ta tiếp nước bên ngoài bàn chứ không đến gần vua. Khó nữa là tiết trời hơi lạnh, chắc không có mồ hôi. Làm thế nào biết được trong số mấy chục các cô xinh đẹp kia cô nào có mồ hôi thơm màu hoa đào? Thời gian ở đây không nhiều, chả lẽ bỏ lỡ cơ hội này, mà hỏi thì e hơi bất tiện, mình đã lấy một vợ ở đây rồi, giờ lại muốn tìm vợ nữa cũng ở đây, e điều tiếng chăng.
Nhưng sắp đến giờ xa giá lai kinh, không kiềm chế được, Vua vẫy viên cận thần năm trước giới thiệu Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, vua bảo:
– Ta nghe nói ở Phù Ninh mới có cô nào có mồ hôi thơm màu hoa đào, ngươi biết không?
– Bẩm Hoàng Thượng, thần cũng nghe nói nhưng chưa biết rõ thực hư. Xin để hỏi các hương chức địa phương.
Một lát sau vị cận thần lại bên Vua:
– Bẩm Hoàng Thượng, chuyện cô gái có mồ hôi thơm là có thật, bẩm kia ạ, cô mặc áo tím cúi rót nước đang cười cười ở dãy bàn thứ hai, cô ấy tên là Nguyễn Thị Điều.
Thì ra đúng là cô gái xinh đẹp mà ban nãy Nhà Vua để ý.

Lúc sắp lên kiệu, vua bảo Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền tuyển cô Điều vào cung. Cô Điều là con ông lang Nguyễn Bảng và bà Phạm Thị Hoa, gia đình truyền đời đông dược. Năm ấy cô mười tám tuổi. Vua truyền đưa áo trắng cho cô mặc. Mới vào cung một ngày, mọi người đã được chứng kiến ngay mồ hôi thơm màu hoa đào của cô. Cô cũng làm lụng như các cung nữ khác: tưới hoa, quét nhà quét sân, giặt quần áo… Chiếc áo trắng ban sáng, ngay buổi trưa trên vai, sau lưng, hai bên nách đã có vết hồng hồng mờ tỏ hiện ra, mới đầu hồng nhạt một lúc sau đậm dần rõ ra màu hoa đào không còn nghi ngờ gì nữa và nhất là mùi thơm, cô đến chỗ nào là ở đấy nhận ra ngay, hương thơm này như hương hoa ngọc lan. Vua rất mừng.
Nửa tháng sau Nguyễn Thị Điều trở thành cung phi, đó là mẹ của công chúa út Ngọc Bình.
*
Cung phi Nguyễn Thị Điều mang bệnh trọng mất sớm, được nhà vua truy phong là Chiêu Nghi. Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền nuôi công chúa Ngọc Bình, bà thương yêu như con đẻ của mình, hai công chúa Ngọc Hân, Ngọc Bình luôn quấn quýt bên nhau, cùng chơi, cùng học.
Ngọc Bình trở về quê mẹ mà không có mẹ, Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền trong lòng rất thương xót mà không để lộ ra ngoài. Ngọc Bình còn nhỏ, chưa thấu hết nỗi đau mất mẹ, cô chăm chú cầm sách học, thỉnh thoảng lại mang đến hỏi Ngọc Hân: “Chị ơi, chữ gì đây chị”? Ngọc Hân giảng giải nhẹ nhàng: “À, phần dưới của chữ này em biết rồi chứ”? “Dạ, em học hôm qua, chữ điền là ruộng”. “Nhớ được thế là giỏi. Còn nữa?”, “Thưa chị, chữ khẩu là miệng, chữ nhất là một”. “Chữ này có thêm phần trên là bộ miên giống như cái mái nhà. Em nhìn và nghe chị giảng nhé, dưới một mái nhà một miệng ăn mà có cả một thửa ruộng thì nhà này giầu hay nghèo”? “Thưa chị giàu ạ”. “Vậy đây là chữ “Phú là giàu”. Em đọc đi”. Ngọc Bình học: “Phú là giàu! Phú là giàu”.
Cách đấy hai gian, bà Bùi Thị Hậu, nhũ mẫu của Ngọc Bình đang ngồi dệt lụa.
*
Nhớ lại, hồi ấy vào dịp cuối năm, Nhà Vua bảo:
– Chiêu Nghi ra chợ mua ít vải, lụa về may áo mới cho các tiểu hoàng tử, công chúa. Quanh năm mặc sơ sài, Tết có tấm áo mới, trẻ con nó sướng.
Bà Chiêu Nghi đi cùng hai cung nữ ra chợ Hàng Vải. Kinh đô mươi năm nay đã quy vùng thành ba mươi sáu phường, mỗi phường một ngành nghề. Từ Kinh thành ra phường Hàng Vải không xa lắm (vùng này hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hồi này hàng của Tàu, Nhật và các nước xa xôi mang vào Phố Hiến, rồi từ đó thương lái chuyển tiếp lên Kinh đô nên nhiều thứ đẹp. Những đũi, vóc, gấm, lụa, vải màu, vải thêu, hàng áo quần may sẵn… trông cứ hoa cả mắt. Khách mua khá đông, nhưng chả cần để ý lắm cũng nhận ra toàn là người bên phủ chúa. Lại có mấy nhà hàng kháo nhau: vừa mới hôm qua, Tuyên Phi Đặng Thị Huệ ngồi kiệu ra phố mua hàng, toàn chọn hàng ngoại quốc loại sang nhất, đẹp nhất, đắt thế nào cũng mua, làm cho giá cả tăng vọt lên. Chiêu Nghi hơi buồn, bên phủ chúa nhiều tiền, bên cung vua thì chỉ xem cho biết thôi, tiền đâu mà mua những hàng đắt giá thế.
Chiêu Nghi kéo hai cung nữ bước nhanh qua những gian hàng quý phái ấy, bà dừng lại ở dãy hàng lụa, đây là hàng tơ tằm thủ công thô sơ, giá bình dân, hợp với túi tiền eo hẹp của mình. Ngồi xem mấy tấm lụa mịn mặt màu vàng ngà của một cô hàng chắc là có con mọn, hai bầu sữa căng sau lần áo bông. Ban nãy từ xa Chiêu Nghi đã thấy cô ta kín đáo vạch áo vắt bớt sữa xuống đất, chắc là sữa nhiều, căng nhức. Lụa của cô đẹp, Chiêu Nghi rất ưng, hỏi giá, cô ta nói giá vừa phải chứ không nói thách lắm như mấy hàng khác. Cô có tám tấm lụa, cũng vừa với số lượng định mua, Chiêu Nghi bảo:
– Ta mua tất cả số lụa này, em tính tiền đi.
Cô hàng mừng quá:
– Dạ bà mua cả thì con bớt mỗi tấm mười trinh ạ.
– Đây, em đếm đi.
Nhận đủ tiền, cô hàng bỏ vào bao lưng rồi buộc lại.
– Bây giờ em gánh đi theo ta nhé.
Cô hàng sắp lại các tấm lụa vào hai tay nải quẩy gánh theo Chiêu Nghi. Chiếc đòn gánh tre dẻo mềm bập bềnh nhún nhảy theo bước chân. Cô hàng lụa chừng gần ba mươi tuổi, người nở nang khỏe mạnh, có vẻ thật thà chất phác. Gánh một đoạn, Chiêu Nghi  bảo:
– Chắc em mỏi rồi, ngồi nghỉ chút đi.
Cô ta lúc này má đỏ hồng lên, mớ tóc trước trán dính mồ hôi, cô nói:
– Dạ, không sao, con chưa mỏi.
Nhưng Chiêu Nghi bảo:
– Vậy em cứ đỗ xuống đã.
Bà bảo hai cung nữ mỗi người cầm một tấm lụa cho cô hàng đỡ nặng. Nhưng mỗi cung nữ cắp nách hai tấm, còn có bốn tấm, cô cảm ơn Chiêu Nghi và hai cô cung nữ, đặt gánh lên vai nhẹ nhàng.
Vào cửa Ngọ môn, thấy lính gác chào Chiêu Nghi, cô hàng lụa mới giật mình, cô nói:
– Ôi giời, con không biết là bà Chiêu Nghi, xin bà tha cho con tội vô lễ.
Chiêu Nghi cười bảo:
– Em buồn cười thật, em có lỗi gì đâu.
Cô bước ngập ngừng:
– Nhưng con quê mùa, vào cung sợ thất lễ.
– Không sao, đừng ngại gì cả, vào đây.
Xếp các tấm lụa lên phản, cô đứng dậy chào Chiêu Nghi ra về thì vừa lúc đó một cung nữ bế Ngọc Bình đang khóc ngằn ngặt ra:
– Bẩm Chiêu Nghi, công chúa không chịu ăn bột, khóc quá.
Chiêu Nghi bế Ngọc Bình, chợt nhớ ra cô hàng lụa, hỏi:
– À này, em có thể cho bé bú một chút không?
– Bẩm bà Chiêu Nghi được ạ. Nhưng cho con xin cái khăn ướt sạch, lau đầu vú.
Chiêu Nghi đưa mắt ra hiệu cho người cung nữ. Cô này ra ngoài chum nước mưa múc lưng chậu thau đồng kèm theo chiếc khăn mặt trắng. Cô hàng lụa mở cúc áo vạch yếm lộ ra hai bầu vú căng mọng trắng hồng, cô nhanh chóng lau sạch hai bầu vú rồi đón Ngọc Bình. Đang khóc ngằn ngặt mà thấy hơi sữa cô bé há to mồm bập ngay đầu vú mút chùn chụt. Một lát cô hàng lụa cho đổi bên, Ngọc Bình bú một hơi nữa no căng nhả bầu vú nhìn mọi người nhoẻn cười.
Chiêu Nghi bảo:
– Nó có vẻ hợp với em quá. Con của em được mấy tháng rồi?
Cô hàng lụa bỗng xụt xịt khóc kể:
– Bẩm bà Chiêu Nghi thằng bé nhà con nó vừa mất hôm kia, sống trên đời được có bốn tháng.
– Ôi, thương quá! Cháu làm sao?
– Bẩm, thầy lang bảo cháu bị mạc chướng nặng lại thêm phong hàn không chữa được ạ.
– Thế chồng em làm gì?
Cô lại khóc nấc lên:
– Bẩm nhà con đi lính. Mấy tháng trước nhận được tin từ phủ chúa báo về là bị chết trong trận đánh ở Đàng Trong. Lúc ấy con bụng mang dạ chửa chứ nếu như bây giờ thì con quyết vào tận đàng trong đưa xác chồng con về mai táng. Hu! Hu!
– Có vào thì chắc gì đã tìm được, núi sông cách trở. Thôi, cái số Trời bắt thế thì chịu, còn bao nhiêu người thiệt mạng nữa cơ.
Hôm ấy bà Chiêu Nghi giữ cô hàng lụa ở lại ăn cơm. Bà hỏi han gia cảnh, mới biết cha mẹ đẻ cô đã khuất núi, bố mẹ chồng thì ở với con trưởng. Bà lại gợi ý xem cô có thể vào cung nuôi Ngọc Bình không. Lúc này Ngọc Bình cứ bám riết lấy cô, lát lại lăn vào lòng miệng há ra như con cá ngão hớp hớp tìm đầu vú. Cô hàng cũng quyến luyến Ngọc Bình lắm. Suy nghĩ một lát, cô thưa:
– Bẩm bà, con vốn quê mùa sợ vào đây vụng về thất thố mang tội.
– Không sao đâu, trước lạ sau quen, với lại ta nghiệm thấy rằng hôm nay gặp em, chắc là có thần linh run rủi, hãy theo ý thần linh chứ đừng cưỡng lại, em nhé.
– Bẩm, bà Chiêu Nghi đã nói thế, con không dám trái lời. Nhưng vào đây chỉ có việc nuôi công chúa thôi, nhàn nhã quá, con nhớ khung cửi guồng tơ lắm.
– Em dệt lụa lâu chưa?
– Bẩm bà, con học từ tấm bé. Tất cả các công việc từ trồng dâu nuôi tằm, lấy kén, kéo tơ, mắc cửi, đánh ống suốt dệt lụa con đều làm được cả. Dạo chưa lấy chồng, con nhận dạy cho nhiều các em các cháu trong làng học dệt. Bẩm bà, tết năm ấy con được các cụ hương tổng thưởng cho chiếc khăn với cái áo con mặc đây ạ.
Chiêu Nghi vui mừng:
– Vậy thì tốt quá, vào cung, em dạy cho các cung phi, công chúa và các cung nữ nhé.
Cô hàng ngượng ngùng:
– Dạ dạy ở quê được, chứ vào cung, con không dám ạ.
– Được, đã có ta, em cứ yên tâm. À chưa hỏi, em tên gì nhỉ?
– Bẩm bà Chiêu Nghi, con là Bùi Thị Hậu ạ.
*
Bùi Thị Hậu vào cung thấm thoắt đã hơn nửa giáp, cô được phép của Nhà Vua cho mang khung cửi vào cung để dạy cho các cung phi, công chúa, cung nữ. Vừa chăm sóc Ngọc Bình, cô vừa chỉ dẫn tận tình từng việc, từ kéo kén mắc cửi đến dệt lụa. Nhiều hôm thiết triều xong, rảnh rỗi, Vua lững thững tay phe phẩy quạt giấy xem cô làm việc, Vua rất hài lòng. Nhiều khi cô tham gia giúp công việc thiện phu (đầu bếp) nữa. Thế rồi dịp may đến, có một anh thiện phu muộn vợ, Vua đứng ra tác thành cho hai người nên vợ nên chồng. Cô hơn anh này hai tuổi, Vua bảo “gái hơn hai giai hơn một, thế là tốt đôi”. Vợ chồng cô đã có đứa con trai ba tuổi, gửi ông bà nội ở kẻ chợ nuôi hộ, hàng tháng anh chị gửi tiền về.
Vậy mà đau lòng thay, mấy tháng trước bọn kiêu binh đi cướp bóc trên các phố, mọi người sợ hãi nhà thì đóng cửa, nhà thì chạy, chúng xông vào cướp của đốt nhà, hai bà cháu chết cháy trong đám lửa ấy.
Sách Trung Hoa có câu: “dĩ bất biến ứng vạn biến” thấy cũng đã hay, nhưng suy cho cùng đó chỉ là một giải pháp tình thế. Còn ở đây: “Quốc biến dân bất biến” Không nghi ngờ gì nữa, ấy là một tư tưởng lớn, một triết lý mang tính khái quát cao, bao trùm nhiều thời đại hay nói đúng hơn là mọi thời đại. Ý nghĩa câu triết thi đó rất rộng, không dễ bàn thấu được, mỗi hoàn cảnh, mỗi thời đại lại có thể vận dụng khác nhau.
CHƯƠNG 3
“Quốc biến dân bất biến”
Triết lý của nghìn năm
Bản ngã và vô ngã
Sư thông tuệ uyên thâm.
 
Chùa Pháp Vân, dân trong vùng gọi nôm là Chùa Nành tọa lạc trên khu đất cao ở giữa làng, lúc ấy đang giờ thân, bóng cây cau ở nhà Tổ kéo dài đến giữa sân, nhà sư đang dùng trà, chuyện văn chương thời cuộc cùng ông Cống Hải. Sư thầy Thanh Tâm chừng năm mươi tuổi người thanh mảnh vận thiền phục màu nâu. Cống Hải kém sư thày khoảng chục tuổi đỗ cử nhân khoa thi năm quý mùi (1763). Hai người thường trà đàm tâm giao. Trà Thái Nguyên hương đậm vừa mới chuyên được nhất tuần thì ngoài cổng chùa một người dong dỏng cao, đầu chít khăn nhiễu tím, áo đông bộ chẽn, giày văn hài, dáng vẻ quan nhân bước vào. Đến giữa sân nhà Tổ, khách nói:
-Mô Phật, xin hỏi sư thầy ở nhà không ạ?
Nhà sư đứng dậy đón khách:
-Xin mời quan nhân vào tệ xá dùng trà với bần tăng.
Cống Hải cũng đứng dậy chào khách.
Nhà sư và Cống Hải ngồi một bên tràng kỷ, khách ngồi một bên, cùng lần lượt giới thiệu danh tính. Thì ra khách mới đến là Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, quê quán gần đây, làng Liễu Ngạn, tổng Liễu Lâm, huyện Siêu Loại, Phủ Thuận Thành, xứ Kinh Bắc (nay là làng Liễu Ngạn, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).
Ôn Như Hầu nói:
-Thưa nhị vị, hôm nay tôi đến giảng sách cho công chúa. Lát nữa tôi phải về quê, vậy xin phép cho tôi lên thắp hương lễ Phật.
-Vâng, xin mời.
Nhà sư và Cống Hải cùng lên Tam bảo lễ Phật với khách.
Xong xuôi, nhà sư mời khách trở lại nhà Tổ dùng trà.
Nhà sư nói:
-Thật hân hạnh quá, chúng tôi từng nghe danh và đọc thơ của đại quan, nay mới gặp. Nhà chùa đạm bạc, xin đại quan miễn chấp.
Ôn Như Hầu nói:
-Bạch thầy, tôi vào chùa không phải tư cách quan nhân, xin cứ xưng hô bình thường như bằng hữu. Thưa nhà chùa, tôi kém tuổi nhà chùa nhiều, năm nay tôi bốn mươi hai, xin sư thày cho biết thày được bao nhiêu tuổi Phật rồi ạ?
-Dạ thưa Hầu gia, tôi vừa tròn năm chục.
Ôn Như hỏi Cống Hải:
-Thế thưa thầy Cống Hải, thầy tuổi gì?
-Thưa cao huynh, đệ kém cao huynh hai tuổi ạ.
-À, Kỷ Mùi. Thật may mắn và quý hóa gặp hai vị đây. Xin thưa vắn tắt thế này, Kinh thành không được yên ổn, Nhà Vua muốn Chiêu Nghi và các công chúa tạm lánh về quê để tiện việc học hành. Tôi nhân lúc công việc không bận lắm, được Nhà Vua vời vào giảng bài cho các hoàng tử, công chúa. Vì thế hôm nay mới được đến quê nhà, lễ Phật, vãn cảnh chùa lại gặp nhị vị thật may mắn. Nghe tiếng đồn về Phù ninh đã nhiều, tôi rất ngưỡng mộ vùng đất văn vật này, xin nhị vị giới thiệu cho một số nét.
Cống Hải nói:
-Thưa Hầu gia, thời gian có ít, ngài muốn biết điều gì trước, để chúng tôi xin thưa.
-Vâng, tôi từng nghe nói ở Phù Ninh thường lưu truyền câu: “Quốc biến dân bất biến”, xin nhị vị cho biết xuất xứ như thế nào?
Cống Hải nhìn sư Thanh Tâm:
-Nhà sư Thanh Tâm cao niên trụ trì chùa Nành đã lâu, xin nhà sư có nhời trước, tôi xin hầu sau.
Nhà sư nói:
-Dạ, tôi không dám. Ông Cống Hải đây văn sách chữ nghĩa nhiều, tôi chỉ đáng học trò.
Ôn Như Hầu nghĩ có thể mới sơ kiến, đề cập đến chuyện dân quốc, liên quan đến thời cuộc hai ông này e ngại chăng, bèn nói:
-Thưa nhị vị, tôi tuy làm việc ở Kinh đô nhưng lại hay giao du với các bậc tài tử văn nhân, bởi thế cũng thường hay bị chúa buồn phiền quở trách. Tôi rất trân trọng trực ngôn. Xin ông Cống tự nhiên như bằng hữu vậy.
Cống Hải nói:
-Thưa Hầu gia, ngài hỏi xuất sứ câu “Quốc biến dân bất biến”, xin thưa, đệ là đời thứ năm trông ngược về quá khứ, đó là vị Tướng công đời Lê Sơ triều Lê Chiêu Tông. Cụ bị oan buộc phải bức tử. Trước khi chết, cụ Tướng công của chúng tôi ký thác cho con cháu bài thơ có bốn câu:
Phù Ninh danh thắng địa
         Thanh lịch quán xuân thu
         Quốc biến dân bất biến
         Đông Ngàn tĩnh nhất khu.
Mười hai tháng sau nhà vua ban chiếu minh oan cho cụ tôi. Nhà vua biết bài thơ này của cụ tôi, người khen và càng nể phục vùng đất danh thắng này, nhưng có ý không bằng lòng với câu thứ ba. Điều này một vị đại thần tiết lộ cho gia đình chúng tôi biết. Điều nhà vua không hài lòng lại chính là đề tài để mọi người mang ra bình luận. Người thiện chí và người không thiện chí đều có những bình luận riêng, lợi có mà hại có lẽ nhiều hơn. Có người còn phóng đại: “Quốc biến dân bất biến” như thế là coi thường những biến cố của quốc gia? Coi thường phép nước? Và chính điều này làm cho con cháu và cả dân ở đây chịu hệ lụy không ít. Từ đó làng tôi có nhiều người tài cao học giỏi nhưng đỗ đạt rất khó, thường chỉ dừng ở trung khoa, chứ đại khoa hầu như không có. Cũng có người học rộng có tài, kiên trì lều chõng nhưng khoa nào cũng hỏng văn sách.
Sư Thanh Tâm tiếp lời:
-Mô Phật! Phải chăng có sự thành kiến đó mà ông Hải đây chỉ thi lấy cái cử nhân rồi ở nhà dạy học chứ không đi thi tiếp nữa. Nhưng gần ông cử lâu rồi tôi nhận thấy tài học của ông không kém gì nhiều tiến sĩ.
Ôn Như Hầu tiếp:
-Tôi đồng ý với ý kiến nhà sư, một số câu đối của ông cử nhân mà tôi mới được chiêm ngưỡng ở chùa và trong dinh Thiết Lâm đã thể hiện điều đó. Ống Cống Hải thực xứng đáng tiến sĩ từ lâu rồi.
Cống Hải đứng lên chắp tay nói:
-Dạ thưa, đệ không dám ạ.
Ôn Như Hầu gật gù:
-À ra vậy. Tôi hết sức ngạc nhiên về bài thơ. Thầy cử nhân có thể nói thêm về ý nghĩa?
Ôn Như Hầu bất ngờ đổi cách xưng hô, có vẻ như mới khởi đầu đã rất phục Cống Hải.
Cống Hải nói:
-Dạ thưa, trước hai bậc cao tăng và cao học, đệ đâu dám luận đàm ý nghĩa, chỉ xin có ý kiến riêng thế này, bấy lâu nay đệ để ý, bài thơ có bốn câu, nhưng không hiểu sao dân chúng ở đây chỉ hay nhắc nhớ câu thứ ba mà thôi. Hầu như là câu cửa miệng của các ông đồ ông cống làng Phù Ninh. Nghe năm chữ này, nhiều người từ nơi xa đến giật mình kinh ngạc nói: “Dân đây không vừa, khí phách quá”! Nghe câu khen ấy, người Phù Ninh chúng tôi chỉ cười mà rằng: “Không thế thì sống làm sao được, trên hai trăm năm nay nước có khi nào yên đâu, hết biến cố này đến biến cố khác khi thì Mạc truất ngôi Lê, lúc lại Trịnh phù Lê diệt Mạc, khi thì Trịnh Nguyễn phân tranh, thế rồi bây giờ ở đàng trong lại Tây Sơn đánh Nguyễn. Một nước cỏn con mà có tới hai vua, ba chúa tranh bá đồ vương, chinh phạt chém giết nhau ròng rã trên hai trăm năm nay thì thử hỏi dân trông cậy vào đâu? Biết nghe vua nào, nghe chúa nào? Không còn có cách nào khác, chúng tôi phải tự tìm lấy cách sống cho mình thôi: “Quốc biến dân bất biến”, mặc kệ ai kia mưu bá đồ vương, dân cứ nương tựa vào nhau, cưu mang lấy nhau sống và làm ăn”. Và, điều này nữa rất hệ trọng, ấy là “dân bất biến” là để giữ cho nước được yên.
Nghe đến đây, Ôn Như Hầu gật đầu tỏ ý bái phục bài thơ. Ông nói:
-Không ngờ hôm nay tới đây tôi gặp được điều sâu sắc lớn lao. Tổng Nành đây phía đông là làng Phù Đổng, nơi xuất hiện thiên thần Thánh Gióng; phía tây là làng Cổ Pháp, nơi phát tích vương triều Lý Bát Đế; xa một chút nữa là Kinh đô Cổ Loa nổi tiếng; nhìn lên hướng bắc thấy núi Chè, núi Thiên Thai; trông xuống phía nam gặp Sông Đuống, Sông Hồng, quả thật cảnh trí, con người không hổ danh một vùng địa linh nhân kiệt. Trước hết, tôi rất sung sướng được cảm thấu một kiệt tác thi ca. Bài thơ ngắn mà khái quát cao, phác họa một vùng đất “danh thắng”, một cộng đồng dân cư “thanh lịch” quán triệt cả “xuân thu”.
Phù Ninh danh thắng địa
Thanh lịch quán xuân thu
Lời văn đẹp và sang trọng, tả cảnh tả người đến thế là tuyệt bút.
Xưa nay thơ thường vịnh phong hoa tuyết nguyệt, thương nhớ nỉ non, nhưng muốn tìm một bài thơ có tư tưởng là hiếm lắm, ở bài thơ này đó là câu thơ thứ ba “Quốc biến dân bất biến”. Một triết lý sống! Nó được ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, đó là những biến cố tệ hại làm cho đất nước suy yếu kiệt quệ, dân tình đói khổ tang thương. Lúc tướng công viết bài thơ này là thời Lê sơ, đất nước chưa đến nỗi nát tan như sau này, nhưng tướng công đã tiên tri thời cuộc và báo trước cho con cháu cùng dân làng, để mọi người có cách ứng xử thích hợp để mà tồn tại, và để giữ cho dân yên và nước yên, cương thường xã tắc bền vững trường tồn.
Sách Trung Hoa có câu: “dĩ bất biến ứng vạn biến” thấy cũng đã hay, nhưng suy cho cùng đó chỉ là một giải pháp tình thế. Còn ở đây: “Quốc biến dân bất biến” Không nghi ngờ gì nữa, ấy là một tư tưởng lớn, một triết lý mang tính khái quát cao, bao trùm nhiều thời đại hay nói đúng hơn là mọi thời đại. Ý nghĩa câu triết thi đó rất rộng, không dễ bàn thấu được, mỗi hoàn cảnh, mỗi thời đại lại có thể vận dụng khác nhau.
Câu thứ tư mở ra không gian rộng, nói đến cả huyện Đông Ngàn, tôi quê quán gần đây, tôi biết, quả thật những khi tao loạn, nhiều nơi bị cướp bóc đốt phá, nhưng riêng vùng Đông Ngàn ta đây nói chung yên tĩnh. “Đông Ngàn tĩnh nhất khu”, câu thơ như sấm truyền, nhắc các thế hệ mai sau gắng mà giữ lấy sự an cư cho dân chúng, trong đó chủ yếu là sự gắng sức của người đương thời nhưng cũng có phần phù trợ của các bậc tiền nhân.
Bài thơ ngắn mà bao quát một vùng đất văn vật cao sang, rất đẹp, rất khí phách, lại như lời sấm thiêng, thể hiện minh triết và tiên tri tuyệt vời, có thể nói: một kiệt tác thi ca!
Nhà sư nói:
-Mô Phật, bần tăng nhận thấy câu “Quốc biến dân bất biến” là sự ứng xử nhu nhuyễn có lý có tình giữa bản ngã, bản mệnh và ngoại giới, một cứu cánh nhân sinh. Suy cho cùng thì phải đạt tới bản ngã vững vàng thì mới vô ngã được! Câu thơ thứ ba của tướng công đúc kết đầy đủ từ bản ngã đến vô ngã đó.
Cống Hải đứng dậy chắp tay bái tạ, cảm động nói:
-Kính thưa nhị vị cao huynh, đệ là kẻ hậu sinh của tướng công, hôm nay được nghe lời bình vô cùng sâu sắc và minh tuệ của hai ngài, đệ vô cùng cảm kích. Xin đa tạ! Đa tạ!
Ôn Như Hầu hướng sang sư thầy:
-Bạch thầy, nhân bình bài thơ trác tuyệt vừa rồi, tôi được nghe ý kiến của sư thầy: “Phải đạt tới bản ngã vững vàng thì mới vô ngã được”! Dạ, xin hỏi, điều này có trái với lời giảng ở một số nhà chùa mà tôi từng nghe được: “tiền oan nghiệp chướng đều từ bản ngã mà ra. Phải diệt trừ bản ngã mà hướng tới vô ngã”?

Cống Hải giật mình lo cho nhà sư, bởi câu hỏi này chạm đến điều cốt yếu của đạo Phật lại mang uẩn khúc phức tạp, lý giải thật là khó khăn. Nhà sư tự nhiên đưa ra câu đúc kết không ngờ lại tự làm khó cho mình. Chuyện này cũng thường gặp ở các cuộc cao đàm khoát luận, mình đưa ra một câu khái quát nào đó mà chưa có cơ sở vững vàng để lý giải khi cần thiết, thì bị “gãy” là chuyện không phải hiếm. Thường thì nếu thấy người đối thoại bị dồn vào thế bí, người đưa ra câu hỏi lịch sự tháo gỡ bằng cách nói lảng sang chuyện khác hoặc hỏi câu khác dễ hơn. Quả thật, đây là câu hỏi cực khó, không biết Ôn Như Hầu có gỡ thế bí cho nhà sư không nếu nhà sư lúng túng không giải được? Cống Hải hồi hộp đưa mắt nhìn nhà sư.
Nhưng nhà sư rất điềm tĩnh hơi mỉm cười đặt chén nước xuống khay, nói:
-Thưa Hầu gia, điều tôi nói ban nãy với điều ngài nghe giảng ở một số chùa nào đó không hề trái ngược nhau. Mỗi con người chúng ta trước hết phải đạt tới bản ngã. Bản ngã, đó là sự tự khẳng định mình khi đã hiện diện trong cõi thế gian này. Tôi phải là chính tôi đã, ngài phải là chính ngài đã rồi có làm gì thì hãy làm. Khi làm công việc, tôi dám chịu trách nhiệm, ngài dám chịu trách nhiệm trước thành công hay thất bại, thậm chí cả sống, chết. Mọi người nhìn vào tôi, vào ngài mà xem xét, đánh giá. Chứ nếu không có bản ngã, tôi không còn là tôi, ngài không còn là ngài, thì sự hiện diện của tôi, của ngài  trên cõi đời này là vô nghĩa, không ai cần đến nữa. Những người không bản ngã khác gì vong thân, sống mờ nhạt trong đám đông, do không quang minh, họ thường chui lủi lẩn tránh rồi làm những điều mờ ám, tội lỗi gieo tai họa cho cộng đồng, trước sau họ phải trả giá về cái sự không bản ngã ấy.
Trở lại câu thơ “Quốc biến dân bất biến”, khi một nước nhỏ mà có tới 5 vua chúa tranh giành nhau, đó là đại biến. Trước tình thế tồi tệ ấy, trước hết, dân vẫn phải là dân đã chứ, mỗi người phải khẳng định bản ngã một người dân, khẳng định vị thế bất biến của mình trong sự đùm bọc cưu mang “lá lành đùm lá rách” thì mới tồn tại được để rồi làm việc giúp dân, giúp nước. Nếu không khẳng định bản ngã, đến người gần gũi nhất cũng không đùm bọc giúp đỡ được gì thì thử hỏi có thể vô ngã mà hy sinh vì nước không? Chắc là không, giặc đến, anh ta chạy trước hoặc đầu hàng. Ngài Ôn Như Hầu đánh giá câu thơ ấy là một triết lý lớn, tư tưởng lớn có giá trị mọi thời đại là rất chí lý.
Mô Phật, thưa nhị vị, bản ngã có hai mặt. Mỗi người phải khẳng định cái tôi của mình, ấy là cần thiết. Nhưng nếu mang cái tôi của mình ra để lấn át, phủ định cái tôi của người khác thì không được. Thổi phồng cái tôi của mình thật to ra, bóp cái tôi của những người khác cho thật bé lại thì đấy là hiểm họa của thế gian. Đó chính là “tiền oan nghiệp chướng từ bản ngã mà ra” điều ngài Hầu gia nghe giảng ở chùa nào đó, hoàn toàn đúng đắn.
Mục đích tối thượng của việc tu hành là để đạt tới vô ngã. Phải vô ngã thì mới vị tha được. Đức Phật dạy ta biết cuộc đời là khổ não, đưa ta vào con đường giải thoát khỏi luân hồi sinh tử bằng thuyết Tứ thánh đế và Thập nhị nhân duyên, nhưng chung quy vẫn là đạt tới vô ngã. Nhưng ai vô ngã vị tha? Ai nhường nhịn giúp đỡ người khác, hay lớn lao hơn, hy sinh vì đại nghĩa? Phải rất cụ thể, là tôi, là ngài, là ông ấy, bà nọ “chính danh”, chứ không thể là một cái gì mơ hồ không có thực, không có một ai cả. Vì vậy, trước tiên mỗi con người chúng ta phải khẳng định được mình trong bản ngã thì mới ngộ đạo mà vô ngã được! Đó là tinh thần thuần khiết bất nhiễm của triết lý Phật giáo.
Ôn Như Hầu đứng dậy chắp tay vái nhà sư:
-Bạch thầy, lời sư thầy lý giải thật thấu đáo thông tuệ đến lạ kỳ. Xin đa tạ! Đa tạ!
Sư thầy đứng dậy đáp lễ:
-Mấy điều thô thiển, bần tăng xin được chỉ giáo.
Cống Hải hết sức ngạc nhiên, sư Thanh Tâm luận thuyết trác việt quá! Thường ngày chuyện trò với Cống Hải, ông rất nhu mì mà hôm nay lại ngẫu phát lạ lùng? Hay là nhờ nguồn sáng từ bi vô lượng của Đức Phật khai thị phần siêu thức thẳm sâu để lúc này gặp khách lạ, lại có ý như “thử tài”, nhà sư mới hiển lộ rõ bản lĩnh thiền triết của mình vừa uyên bác vừa linh diệu như vậy?
Ôn Như Hầu nhìn sư thầy đầy ngưỡng mộ:
-Bạch thầy, xin hỏi, sư thầy quê ở đâu ta?
-Tôi quê chính làng Nành này, tôi ở thôn trên, ông Cống Hải ở thôn dưới. Hồi nhỏ tôi hay tha thẩn lên chùa chơi, làm đỡ sư cụ việc lặt vặt, thế rồi như tiền duyên mặc định, tôi thành tiểu, thành sư.
Cống Hải nói:
-Thưa Hầu gia, đệ xin tiếp lời, gia nghiêm (cha) của sư thầy là nội thị về hưu hàm tam phẩm, cụ bảo sư thầy ứng thí mấy khóa, nhưng cơ duyên với Đạo Phật, sư thầy chỉ ở chùa chay tịnh.
-Quý hóa quá, nhị vị đúng là bậc chân tài của đất nước mà chịu ở mãi nơi thôn dã này! -Ôn Như nói- Chỉ tiếc chính sự thời nay không ra gì, quá ư bỉ thử, thô lậu. Buồn thay cho nước Đại Việt (chép miệng).
Vế sau Ôn Như nói nhỏ nhưng Cống Hải thính tai nghe được. Ôn Như lại vỗ đùi dậm chân không nói gì ra chiều đau khổ lắm. Ông ngẩng đầu nhìn nhà sư và Cống Hải nói:
-Bao năm rồi, tôi chưa hề được nghe những lời đẹp đẽ như thế này. Ở kinh đô vàng son mà chỉ toàn nghe những lời rác rưởi, những câu xúc xiểm thô bỉ, những lời to nhỏ thầm thì về mưu đồ thoán đoạt tối tăm, những lời về mua quan bán chức bẩn thỉu; chỉ gặp ở đó những kẻ mang danh sĩ phu mà nhân cách không bằng thất phu. Người trung lương đều tìm cách xa lánh. Hôm nay gặp nhị vị, tôi mới ngộ ra một điều rằng những chân tài, trực ngôn chỉ tìm thấy ở nơi thôn dã mà thôi!
Có người từ dinh Thiết Lâm sang tìm:
-Bẩm tướng công đã sang giờ dậu rồi.
Ôn Như Hầu đứng dậy:
-Rất tiếc hôm nay ít thời gian quá, tôi phải về quê ở phủ Thuận Thành. Mong rằng sẽ có dịp khác được hạnh ngộ nhị vị, bởi tôi còn phải phụng mệnh nhà vua sang đây giảng bài cho hai công chúa.
Cống Hải hỏi:
-Thưa Hầu gia, vua Lê có nhiều công chúa, hai công chúa về đây là công chúa nào vậy?
-Thưa, đó là công chúa Ngọc Hân và Ngọc Bình.
-Cảm ơn Hầu gia.
Nhà sư và Cống Hải tiễn Ôn Như Hầu qua cổng chùa đến tận giếng Cầu Cả, chủ khách lưu luyến chia tay nhau. Mới sơ kiến đã tâm giao, dư âm cuộc gặp gỡ còn xôn xao trong lòng Ôn Như Hầu! Ông vừa đi vừa gật gù nói một mình: “Lạ thật, lạ thật! Sẽ trở lại Phù Ninh! Sẽ trở lại Phù Ninh”!
Đến cả dinh của Quốc sư tể tướng Nguyễn Khản đẹp là thế cũng bị chúng đập phá tan tành. Quốc sư cùng gia quyến phải chạy sang xứ Đoài. Nguyễn Khản có chú em cùng cha khác mẹ là Nguyễn Du. Anh này năm nay mới mười bảy tuổi vừa đậu tam trường ở trường Sơn Nam, hình như mười bảy thì chưa đến tuổi bổ làm quan nên vẫn ở nhà. Nguyễn Du làm thơ hay lắm nổi tiếng thần đồng.
CHƯƠNG 4
Thần linh lúc chính ngọ
Nhắc thầy giáo, thầy tu.
Nông phu thời tao loạn
Cứu thiên tài Nguyễn Du.
 
Sư thầy Thanh Tâm đi lễ động thổ ở Phù Đổng về đến Chùa Lúc thì vừa đứng bóng, chính ngọ rồi! Nhà sư có thói quen xem bóng nắng để biết giờ giấc, vì thế sư hẹn với ai là không bao giờ sai. Mải nhìn bóng mình dưới chân, ngẩng đầu lên thấy một lão ông tóc trắng búi tó bằng nắm tay sau gáy, râu dài đến ngực, tiền đình sáng láng, khí đường phù hiện ra nhật giác, đầu đội nón Nhị thôn, áo địa lam chẽn, giày cỏ. Nhà sư cúi đầu chào, lão ông mỉm cười: “Chào sư thầy, có người nhờ lão nói với nhà sư, bên dinh Thiết Lâm nhờ sư thầy dạy học thì đừng từ chối nhé”! Nói rồi lão ông chống gậy rảo bước đi về phía Phù Đổng có vẻ vội lắm. Sư Thanh Tâm nhìn theo muốn hỏi vài câu nhưng vừa thoáng cái, lão ông đã bước đi khá xa rồi. Đành thôi.
Về đến Chùa Nành, sư thầy ra giếng kéo nước rửa mặt, nước giếng trong mát quá, tỉnh cả người. Nhưng cái chuyện gặp lão ông, vẫn làm sư băn khoăn không rõ thế nào. Vào nhà ngả lưng, sư vẫn áy náy, giá lúc đó níu lão ông lại hỏi rõ đầu đuôi thì phải, nhưng mà, ông cụ đi nhanh quá. Lạ thật!
Đầu giờ mùi, nhà sư trở dậy gọi chú tiểu nhóm bếp đun nước pha trà.
Có tiếng Cống Hải ngoài sân:
– Mô Phật, chào sư thầy.
– Mời ông Cống vào chơi.
Hai người ngồi đối diện ở tràng kỷ, Cống Hải nói:
– Bạch thầy, sáng nay đệ đi sang làng Yên Thường thăm người bạn, mải chuyện, nhìn ra sân thì đã giờ tỵ rồi, vội cáo từ ra về. Trên đường về gặp một chuyện lạ, muốn hỏi sư thầy, nhờ sư thầy chỉ giáo cho.
– Không dám, có chuyện gì ông Cống cứ nói, ta cùng bàn.
– Bạch thầy, đệ lững thững đi bộ khỏi làng Trùng Quán một quãng thì chính ngọ, bóng nắng in tròn ỏ dưới chân. Mải nhìn bóng mình, lúc ngẩng lên thì thấy một lão ông tóc trắng như mây, búi tó củ hành, râu bạc dài đến ngực, tiền đình như có hào quang rất sáng, khí đường phù uy nghiêm, đầu đội nón Nhị thôn, áo địa lam chẽn, giày cỏ, lão ông mỉm cười nhìn đệ. Đệ gật đầu chào, lão ông nói: “Này ông Hải, có người nhờ tôi nói với ông: nếu bên dinh Thiết Lâm nhờ ông dạy học thì đừng từ chối nhé. Ông về nhà nghỉ ngơi rồi đến giờ tỵ lên chùa gặp sư thầy có việc đấy”. Nói rồi lão ông rảo bước đi về phía Yên Thường. Tôi ngoảnh lại toan hỏi thêm thì lão ông đã đi khá xa rồi. Nhớ lời nhắn ấy, đệ lên gặp sư thầy, xin sư thầy giải thích xem thế nào?
Sư thầy ngạc nhiên hỏi:
– Lúc ấy có thật chính ngọ không?
– Thưa, đệ vừa nói, đệ nhìn xuống chân mình, tròn bóng mà.
– Lạ nhỉ. Bần tăng cũng gặp lúc chính ngọ, chả nhẽ đi nhanh thế ư, quãng đường phải ba bốn dặm chứ ít đâu.
Đến lượt Cống Hải ngạc nhiên hỏi:
– Sư thầy bảo gặp ai kia?
Sư thầy kể với Cống Hải chuyện gặp lão ông ở Chùa Lúc. Kể hình dáng, nón, áo, giày… thì trong hai cuộc gặp ấy, hai người vẫn chỉ là một người, sao lại hiện diện cùng một lúc ở hai nơi cách xa như thế? Lại nhắn cùng một nội dung? Hai người nhìn nhau, lại nhìn ra sân phán đoán, hồi hộp, chả lẽ thần linh hiển hiện ư?
Chú tiểu Thanh Tùng pha trà trong ấm tích, bỏ vào ấm giỏ đậy nắp ủ cho nóng rồi bưng ra đặt trên bàn. Vừa lúc đó ngoài sân có tiếng hỏi:
– Mô Phật! Xin hỏi sư thầy có ở nhà không ạ?
Hai người nhìn ra thì thấy bà Chiêu Nghi và Ôn Như Hầu. Cả hai cùng đứng dậy ra sân đón khách.
– Xin mời bà Chiêu Nghi và Ôn Như Hầu vào chơi xơi nước.
Sư ông mời Chiêu Nghi ngồi một bên tràng kỷ, bên kia là Ôn Như Hầu, còn nhà sư và Cống Hải kéo hai chiếc ghế đẩu ngồi chếch hai bên. Bà Chiêu Nghi mời cùng ngồi ở tràng kỷ nhưng hai người bảo “không dám”. Nhà sư rót nước mời khách.
Ôn Như nói:
– Mô Phật, thưa hai thầy, thật may mắn gặp cả hai thầy ở đây, tôi xin đỡ lời bà Chiêu Nghi thưa trước với hai thầy việc thế này. Được tiếp chuyện với hai thầy lần trước, tôi đã về tâu với Vua và Chiêu Nghi rằng hai thầy là bậc văn tài ẩn danh của đất nước, hiện hai công chúa về đây cần có thêm người dạy về văn sách, tôi tiến cử hai thầy. Nhà Vua và Chiêu Nghi đã đồng ý. Hôm nay bà Chiêu Nghi đến để chính thức thưa chuyện.
Bà Chiêu Nghi nói:
Thưa hai thầy, tôi được nghe danh hai thầy từ lâu.  Mới đây quan Ôn Như Hầu tiến cử, Nhà Vua và chúng tôi thấy đây là một vinh hạnh cho hai công chúa nếu được sự dạy bảo của hai thầy. Hai thầy cùng quê với chúng tôi, phi nội tắc ngoại, mong hai thầy bớt chút thì giờ vàng ngọc chiếu cố cho. Hoàng Thượng bảo tôi trực tiếp gặp hai thầy và xin miễn cho lệnh chỉ.
Ôn Như Hầu nói:
– Thưa hai thầy, việc Chiêu Nghi trực tiếp thưa chuyện và “xin miễn cho lệnh chỉ” là điều tế nhị. Bởi lẽ Hoàng Thượng và Chiêu Nghi đã chấp nhận lời thưa của tôi, là không câu nệ phẩm hàm chức sắc mà chú trọng thực tài. Hai thầy không phẩm hàm chức sắc nhưng thực tài thì hơn rất nhiều các vị phẩm hàm chức sắc bên kinh đô. Đó là lý do “xin miễn cho lệnh chỉ”. Mong hai thầy thông cảm.
Lúc này sư thầy và Cống Hải mới vỡ lẽ về lời nhắn bảo của lão ông lúc đúng ngọ vừa rồi, ôi thật là ứng nghiệm tài tình. Vì thế cả hai đều sẵn sàng nhận lời. Sư thầy nói:
– Bẩm, bần tăng ở nơi thôn dã, có một chút kiến thức do khổ công rèn luyện, nếu Nhà Vua và Chiêu Nghi có ý vậy, chúng tôi không dám trái lời.
Cống Hải nói:
– Bẩm Chiêu Nghi và Hầu gia, tôi cũng như ý của sư thầy ạ.
Ôn Như Hầu để túi vải vẫn khoác vai xuống, lấy trong đó hai bọc giấy hồng điều đưa cho Chiêu Nghi. Chiêu Nghi nói:
– Hai thầy cảm thông cho, cung vua bấy nay vốn đạm bạc, gọi là có chút quà mọn biếu hai thầy.
Sư thầy và Cống Hải nhận quà và vái lạy Chiêu Nghi.
Ôn Như Hầu nói:
– Rất may mắn hai thầy nhận lời dạy công chúa. Tôi xin nói vào việc thế này. Việc dạy công chúa Ngọc Bình thì công chúa Ngọc Hân đảm trách là chính. Cô em còn nhỏ mới học xong Tam Tự Kinh. Hai thầy dạy cho Ngọc Hân là chính và để ý xem Ngọc Bình có gì cần uốn nắn. Ngọc Hân đã học Luận ngữ, Trung dung và bắt đầu vào sách Đại học. Đồng thời học xen kẽ Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Sử truyện. Từ ngày về Phù Ninh thì Ngọc Hân phải tự học là chính. Chỗ nào chưa hiểu thì Ngọc Hân đánh dấu, có thầy sang thì hỏi. Bấy lâu nay thầy bên Kinh đô sang dạy một tháng sáu lần vào các ngày mùng một, mùng năm, mùng mười, mười lăm, hai mươi, hai lăm hàng tháng. Bây giờ hai thầy nhận dạy cho vào ba ngày nửa tháng trước tức là ngày mùng một, mùng năm, mùng mười hàng tháng. Còn ba ngày sau thì vẫn thầy bên Kinh đô sang dạy.
Cống Hải hỏi:
– Dạ thưa, hai chúng tôi chia nhau sang dạy công chúa vào ngày ba ngày đó, có lẽ thế này cho tiện: Sư thầy dạy buổi sáng, tôi dạy buổi chiều có được không ạ?
– Theo tôi thì được – Ôn Như nói – Hoặc hai thầy có thể đổi sáng chiều thay nhau, thì tùy.
– Vậy xin Hầu gia gợi ý cho về các luận đề để dạy công chúa.
– Thưa hai thầy, công chúa Ngọc Hân đã có thể tự học, hai thầy là người hướng dẫn, chỉ bảo những chỗ khó. Ngoài ra mỗi buổi học hai thầy soạn cho một luận đề, thi đề, hoặc giảng giải một số bài ứng thí hay của các sĩ tử được chấm điểm cao, hay xen kẽ là những bài bình thơ, bình văn. Cuối mỗi buổi học, các thầy ra một số đề văn, thơ để công chúa làm bài trong mấy ngày sau đó rồi nộp quyển. Các thầy chấm, đến buổi học sau mang ra bình, sửa chữa… Việc này thì thầy Cống Hải quá rành rồi. Đây tôi có mang sang tặng hai thầy một số đề thi những năm gần đây và một số quyển thi xuất sắc của các sĩ tử để hai thầy tham khảo, soạn bài cho tiện.
Sư thầy và Cống Hải đón nhận những tập sách giấy bản, giấy xuyến chỉ cả giấy dó được đóng bìa rất cẩn thận.
Cống Hải nói:
-Ôi, quý quá, đây là những văn bản độc nhất vô nhị, chúng tôi cảm ơn Hầu gia.
Ôn Như nói:
-Ở bên Cung Vua, Phủ Chúa có rất nhiều tài liệu văn sách bấy lâu nay các quan tư giảng vẫn dùng để soạn giáo án, nhưng nhiều quá tôi không mang sang được, nhưng tôi sẽ lựa chọn rồi mang sang dần dần cho hai thầy để hai thầy soạn giáo án giảng dạy. Và xin thưa thế này, phần cổ sử, công chúa được học ở bên kinh đô thì chủ yếu là sử Trung Hoa, nay phần quốc sử, xin sư thầy đảm trách cho, có được không ạ?
-Xin vâng, được ạ. –Sư thầy chắp tay nói.
-Tôi xin lưu ý thêm một chút thế này, là công chúa Ngọc Hân có thiên phú văn chương, nên hai thầy, nhất là thầy Cống Hải nên quan tâm tìm chọn những áng văn chương đặc sắc cổ kim đặc biệt là văn chương đương đại mang ra bình để công chúa học tập, tỉ dụ như Chinh phụ ngâm cả nguyên tác và bản dịch.
-Dạ, được ạ. –Cống Hải nói.
Ôn Như Hầu:
-Vậy thì tốt quá. –Ông hỏi Chiêu Nghi:
-Dạ thưa, Chiêu Nghi còn dạy gì nữa không ạ?
Chiêu Nghi nói:
-Xin cảm ơn quan Ôn Như Hầu, cảm ơn hai thầy. Quý vị lo lắng sắp đặt việc học của con chúng tôi vậy là rất chu đáo. Hôm nay là ngày hai mươi tám. Vậy mùng một này mời hai thầy sang dinh Thiết Lâm để dạy buổi đầu tiên, chúng tôi xin nghênh tiếp.
Sư thầy và Cống Hải nói:
-Xin vâng!
-Vậy xin chào hai thầy. – Chiêu Nghi nói.
-Xin đa tạ.
Tiễn khách xong rồi, chỉ còn hai người, nhà sư nói:
-Không biết ông thế nào, chứ riêng tôi, nếu không có lời nhắn gửi kỳ lạ của lão ông bí ẩn lúc chính ngọ, tôi không dám nhận dạy công chúa.
-Bạch thầy vì sao ạ? –Cống Hải hỏi.
-Chắc ông Cống thừa biết, hoàng cung súy phủ bất mục cùng nhau, mình nhận lời giúp bên này, lỡ có chuyện gì giữa hai bên, sao tránh khỏi hệ lụy!
-Thầy nói đúng. Đệ cũng vậy. Nhất là hiện nay nạn kiêu binh ngày càng tệ hại.
-Có lẽ chính vì thế mà thần linh mới hiển hiện nhắc bảo trước hai chúng ta.
-Thế ra thần linh biết trước cả? –Cống Hải hỏi.
–Tâm động quỷ thần tri mà. Vả lại khí số với nhân sự thường đồng đẳng với nhau.
Sư Thanh Tâm nói rồi ngồi đăm chiêu nhìn ra sân nhà tổ lúc này bóng chiều phủ gần hết sân chùa, bắt đầu vào giờ dậu. Tiểu Thanh Tùng cầm chổi quét sân. Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lùa từ lối cổng xua đám lá nhãn bay xao xác. Thấy tiểu Thanh Tùng quen quét sân từ trong ra ngoài, nhà sư đứng lên nhắc:
-Thanh Tùng, hôm nay gió tây nam, con phải quét theo chiều gió, kẻo quét mấy hàng, gió lại thổi ngược trở vào mất công.
-Vâng ạ, thưa thầy con vô ý quá.
Cống Hải tiếp câu chuyện:
-Bạch thầy, sáng nay đệ sang Yên Thường gặp mấy người bên kẻ chợ nói chuyện ở Kinh đô mà rùng rợn. Đến cả dinh của Quốc sư tể tướng Nguyễn Khản đẹp là thế cũng bị chúng đập phá tan tành. Quốc sư cùng gia quyến phải chạy sang xứ Đoài. Nguyễn Khản có chú em cùng cha khác mẹ là Nguyễn Du. Anh này năm nay mới mười bảy tuổi vừa đậu tam trường ở trường Sơn Nam, hình như mười bảy thì chưa đến tuổi bổ làm quan nên vẫn ở nhà. Nguyễn Du làm thơ hay lắm nổi tiếng thần đồng.
-Chỉ riêng cái việc mười bảy tuổi đậu tam trường đã kỳ tài lắm rồi, hỏi thiên hạ mấy ai.
-Nghe nói quê mẹ Nguyễn Du ở làng Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn xứ Kinh Bắc gần ta đây.
-Đó là cái nôi của văn hóa Đại Việt, nơi tích tụ nhiều tinh hoa sông núi. Ông Cống có biết thêm gì về bà mẹ ấy không?
-Bạch thầy, bà tên là Trần Thị Tần, con gái một người làm chức câu kế. Bà hát quan họ rất hay, có tài sáng tác các bài quan họ. Bà là vợ ba của quan Tư đồ (Tể tướng) Nguyễn Nghiễm. Nghe nói quan Tư Đồ rất mê giọng hát và sắc đẹp của cô nàng vùng Quan họ. Ông sáng tác lời cho một số làn điệu để cô hát. Lời ấy toàn là lời nhớ lời thương thiết tha đến mềm lòng, hai bên dù chênh lệch tuổi tác đến 32 tuổi, ấy thế mà người viết lời, người xướng ca nhập hồn vào nhau lúc nào không biết.
-Thiên bẩm của bà mẹ này đã giúp cho việc kết tụ thần đồng. Thượng Đế dè sẻn lắm lâu lâu mới cho giáng thế một người. Có lẽ một thiên tài xuất hiện.
-Nhà sư bảo Nguyễn Du là một thiên tài?
-Đúng thế.
-Vậy thì may cho nước Đại Việt mình, vẻ vang cho nòi giống. Chứ chả lẽ toàn lũ trâu ngựa ngu đần bạo nghịch thì quốc gia giống nòi lụn bại à?
– Thi tài Nguyễn Du lạ lùng lắm, tôi có chép được một số, lời thơ trau chuốt tài tình, nhất là thơ Nôm.
-Sáng nay ở Yên Thường, đệ cũng chép được hơn mười bài thơ của Nguyễn Du do một ông cống bên kẻ chợ mang sang.
-Thiên tài xuất hiện trong cảnh loạn ly này liệu có tồn tại được hay không?
Cống Hải buồn rầu:
-Bọn kiêu binh biết cái vụ chúa bí mật gọi bốn trấn về dẹp bọn chúng là do Nguyễn Khản bày ra, chúng căm ghét tìm cách hại ông. Hôm bọn kiêu binh đến đập phá dinh, bắt tể tướng Nguyễn Khản, mọi người chạy túa đi các ngả. Cậu tam trường Nguyễn Du vượt rào, lội qua rãnh nước, chạy tắt cánh đồng người lấm như trâu đằm gai cào rách hết quần áo, may có người nông phu đỡ đần cưu mang mới thoát chết (1).
(Còn Tiếp)
Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 1)
Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 2)
Bắc cung hoàng hậu – Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Vũ Tiềm (chương 3)

Hoàng Lê Nhất thống chí (hồi thứ ba) viết:
Quốc sư Nguyễn Khản đóng cửa nằm nhà không dám vào triều. Tan chầu, quân lính chia nhau đi bủa vây các dinh thự. Vào nhà Dương Khuông và Triêm Vũ Hầu, chúng không thấy hai người, chúng hò nhau phá nhà. Chỉ trong chốc lát, cả hai dinh đều bị san thành đất bằng.
Riêng ở dinh quốc sư Nguyễn Khản có một thủ hạ là người khách phương Bắc (người Trung Quốc) vốn rất giỏi kiếm pháp. Nghe tin có biến, anh này vội tuốt gươm đứng giữa cổng. Quân linh trông cũng ngại, lại ngờ là còn nhiều tay kiếm khách khác nên không dám vào. Nhưng lâu lâu họ thấy ra vào vẫn chỉ có một anh này tức thì cả bọn đều sấn ngay vào sát cổng. Kiếm khách múa gươm ra đánh, chém bị thương vài người, quân lính kéo ùa vào bao vây vằm anh này nát như bùn. Rồi họ xống thẳng vào trong dinh; lúc ấy quốc sư Nguyễn Khản đã thay đổi quần áo, theo đường tắt chạy ra cửa ô Trường bắn trốn đi rồi. Quân lính lập tức phá tan dinh của Khản.
Chúa vốn quý Khản, nghe tin dinh của ông có kiếm khách canh giữ, cho rằng Khản đã phòng bị chắc không việc gì, bèn sai một hiệu quân đến ngay đó để phân giải. Nhưng lúc quan quân tới nơi thì dinh thự đã bị phá hết.
Sau đó đám tàn quân lại kéo về phủ bảo với chúa rằng:
-Quốc sư mang quân ra ngoài làm loạn, xin chúa cho người đuổi bắt!
Chúa bất đắc dĩ phải sai viên thị thần là Thiêm tri binh phiên Thoan Trung hầu đem quân đuổi theo Khản nhưng lại dặn nhỏ là cứ đi từ từ để cho Khản chạy thoát. Thoan Trung Hầu đuổi đến ô Cầu Giấy không theo kịp Khản, lại quay trở về.
Kiêu binh giận Thoan Trung Hầu không chịu đem hết sức ra đuổi, liền kéo đến phá nhà Thoan. Thoan Trung Hầu cũng phải chạy trốn nốt.
Hai bản dịch trên, đầu giờ học thầy đưa ra như một khuôn mẫu vậy mà đến lượt Ngọc Hân dịch, cô rút lại gọn gàng còn mười câu. Táo bạo! Táo bạo thật. Thầy Cống từng chấm hàng nghìn bài của học trò, chưa bao giờ gặp trường hợp bất ngờ như thế này.
CHƯƠNG 5
Thầy giáo làng dạy hai công chúa
Bà Chiêu Nghi phơi lụa ươm tơ
Kỳ đồng nhi nữ dịch thơ
Buổi đầu tiên đã bất ngờ khuyên son.
Ngày đầu tiên dạy học cho hai công chúa là mùng một tháng chạp năm quý mão (28 tháng 12 năm 1783), sư Thanh Tâm bảo ông Cống Hải dạy buổi sáng cho nhà sư ngồi dự để tham khảo cách dạy. Cống Hải đã quen, còn sư thầy thì là lần đầu. Hai người từ bên chùa sang dinh Thiết Lâm đúng giờ thìn. Chiêu Nghi và hai công chúa đón hai thầy từ cổng.
-Xin chào hai thầy. – Chiêu Nghi nói.
-Tiểu sinh xin chào thầy ạ. Hai công chúa nói và cúi đầu thấp.
Hai thầy đáp:
-Chào bà Chiêu Nghi . Chào hai tiểu sinh.
Chiêu Nghi dẫn hai thầy vào nhà Đãi nguyệt tạ, mời hai thầy ngồi trên chiếc sập gụ chân quỳ ở gian giữa. Bên ngoài, cách sập chừng một bước chân là hai bàn học của hai công chúa.
Trình độ của Ngọc Bình thấp hơn chị nhiều, nhưng hai thầy cho ngồi nghe, tiếp thu được chút nào càng tốt.
Buổi đầu là bài học về thơ đương đại. Thầy Cống Hải đưa Ngọc Hân bài thơ dài “Chinh Phụ Ngâm” của thi sĩ Đặng Trần Côn bảo cô đọc. Trước hết để kiểm tra xem vốn chữ Hán của cô thế nào. Sau là xem tình cảm của cô thể hiện qua những dòng thơ lâm ly bi tráng ấy ra sao.
Ngọc Hân hai tay đỡ tập sách thầy đưa cho, cô ngồi xếp bằng tròn trước bàn mở sách đọc:
Thiên địa phong trần
         Hồng nhan đa truân
         Du Du bỉ thương hề, thùy tạo nhân?
         Cổ bể thanh động Trường an nguyệt,
         Phong hoa ảnh chiếu Cam tuyền văn.
         Cửu trùng ấn kiếm, khởi dương tịch
         Bán dạ phi hịch truyền tướng quân.
         Thanh bình tam bách niên thiên hạ,
         Tùng thử nhung y thuộc vũ thần
Sứ tinh Thiên môn thôi hiếu phát
         Hành nhân trọng pháp khinh ly biệt…
Hai thầy ngồi nghiêng nghiêng, đầu hơi cúi xuống thưởng thức áng thi ca tuyệt tác nhưng chủ yếu là theo dõi cô học trò mới. Giọng đọc của Ngọc Hân trong trẻo, tròn và rõ, đôi khi thể hiện sự xúc động và cô có sự kìm nén. Ngọc Hân đọc một mạch, không sai chữ nào, rất lưu loát mà đúng nhịp, đúng cung bậc tình cảm của bài thơ một cách khá tự nhiên, chân thực. Cống Hải rất hài lòng. Ngọc Hân đọc khoảng một nửa áng thơ, thấy cô ngồi xếp bằng tròn có vẻ đã mỏi, hai chân nhúc nhích xoay bên này xoay bên kia. Sợ trò tê chân, thầy Cống bảo:
-Thôi, trò hãy nghỉ đã.
Ông bảo hai trò ra ngoài chơi một lát, hai thầy ngồi uống trà. Bà Chiêu Nghi đang ươm tơ ở nhà dưới, xong việc lại ra giúp người hầu gái phơi lụa trên sân. Tấm lụa dài phải vắt nhiều vòng như rồng cuộn trên hai cây sào tre dài gần suốt sân. Hai thầy để ý trong khi thầy Cống dạy học thì Chiêu Nghi và những người làm việc ở mấy nếp nhà xung quanh đều giữ yên tĩnh, mọi tiếng động hầu như không có.
Sư thầy và Cống Hải đứng dậy mời Chiêu Nghi vào dùng trà. Chiêu Nghi ngồi một bên phản, hai thầy ngồi một bên.
-Thưa hai thầy, trà này dùng có được không? – Chiêu Nghi hỏi.
-Thưa Chiêu Nghi, đây là trà Thái Nguyên trồng trên núi cao được chọn lựa tinh khiết, quý lắm ạ. Sư thầy nói.
Cống Hải đặt chén trà xuống, chắp tay:
-Thưa Chiêu Nghi, hai công chúa thông minh, chăm học. Xin bà Chiêu Nghi lưu ý cho việc này, là hai tiểu sinh ngồi chiếu, với chiếc bàn thấp thế kia sẽ chóng mỏi, ảnh hưởng tới việc học và ảnh hưởng tới cả sức khỏe, bởi cơ thể đang độ phát triển. Vậy xin Chiêu Nghi cho thợ đóng hai cái bàn học khác cao đúng tầm hai trẻ và ngồi bằng ghế có tựa.
-Vâng, cảm ơn thầy, tôi sẽ cho làm ngay. Thầy có thể ghi cho kích thước bàn ghế được không?
-Dạ được. Ở lớp học của chúng tôi cũng đã có những chiếc bàn ghế theo kích thước này.
Cống Hải lấy giấy vẽ mẫu bàn ghế ghi rõ kích thước cho thợ dễ làm rồi trao cho Chiêu Nghi .
Chiêu Nghi vui mừng:
-Nói thực với hai thầy, chúng tôi cũng hay qua loa tùy tiện, được thầy chỉ cho thật là quý. Nhưng ở bên Kinh đô, tôi thấy đa số các trò ngồi học cũng vẫn theo kiểu xếp bằng tròn trên chiếu, nhiều lớp không có cả bàn học nữa, thầy trò phải cúi lom khom viết. Thì ra lớp học của các thầy ở Phù Ninh ta đây còn tiến bộ hơn cả bên kinh kỳ.
-Thưa Chiêu Nghi, chúng tôi dạy học trò là phải quan tâm đến tất cả mọi mặt, nhất là sức khỏe của các cháu, có khỏe thì mới học và hành được chứ ạ.
Sư thầy nói:
-Thưa Chiêu Nghi, lớp học của ông Cống đây rất đông học trò. Nhiều người ở xa cả bên kia sông cũng sang đây xin cho con em được học. Nhiều trò phải tìm nhà trọ.

-Ôi, con cái nhà ai được học các thầy thật là may mắn. Chúng tôi cũng trong số những người may mắn ấy. Xin chân thành cảm ơn hai thầy. Thôi, xin phép khỏi mất thì giờ của hai thầy.
-Xin đa tạ!
-Xin đa tạ!
Cống Hải ra thềm gọi to:
-Hai tiểu sinh vào học tiếp nào!
-Vâng ạ.
Hai cô công chúa trở lại chiếu học có vẻ hào hứng. Thầy Cống bảo Ngọc Hân chuẩn bị chép bài. Thầy đọc hai khúc bản dịch phần đầu bài thơ Chinh phụ ngâm, bảo Ngọc Hân viết bằng chữ Nôm mục đích kiểm tra trình độ chữ Nôm:
Bản thứ nhất:
Trời đất thuở gió bay bụi nổi
         Khách hồng nhan nhiều nỗi truân chuyên
         Kìa xa thăm thẳm Thương nhiên
         Hỏi ai gây dựng nhân duyên lỡ làng
         Vang tiếng trống rung Tràng An nguyệt
         Ngoài cam tuyền lửa khét trời mây
         Chín lần gươm việt cầm tay
         Nửa đêm cửa tướng hịch bay bời bời
         Ba trăm năm dưới trời bình trị
         Việc nhung y nẩy ý can trường
         Sử tinh sớm giục lên đường
         Người đi vì nước xem thường biệt ly…
 
Bản thứ hai:
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
         Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
         Xanh kia thăm thẳm từng trên
         Vì ai  gây dựng cho nên nỗi này
         Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt
         Khói cam tuyền mờ mịt thức mây
         Chín lần gươm báu trao tay
         Nửa đêm truyền hịch đợi ngày xuất chinh
         Nước thanh bình ba trăm năm cũ
         Áo nhung trao quan vũ từ đây
         Sứ trời sớm giục đường mây
         Phép công là trọng, niềm tây sá nào…
Thầy Cống hỏi:
-Trong phần đầu hai bản dịch này, có chữ nào tiểu sinh không viết được không?
Ngọc Hân thưa:
-Thưa thầy, tiểu sinh viết được đầy đủ cả nhưng xin thầy chấm xem có chữ nào tiểu sinh viết sai không ạ!
Ngọc Hân soi tờ giấy thấy mực cũng vừa khô cả, hai tay đưa bản vừa viết cho thầy.
Thầy Cống xem rồi nói:
Tiểu sinh viết chữ rõ ràng, tốt. Chỉ có hai chữ sai, ấy là chữ biệt và chữ tây. Tiểu sinh chú ý nghe đây, trong từ biệt ly, thì chữ biệt không viết bằng chữ Hán được mà viết chữ viễn bên phải và chữ biệt bên trái để thể hiện biệt ly xa xôi cách trở. Ở bản dịch thứ hai, chữ tây này là riêng tây, từ thuần Việt thì trò không được viết chữ tây là phương tây theo chữ Hán mà phải hiểu thế này, niềm tây là nỗi niềm riêng của con người vậy phải có chữ nhân là người bên phải, đó là chữ nhân đứng cùng với chữ tây bên trái để chỉ ra cách đọc. Trò hiểu chưa?
Ngọc Hân đứng dậy khoanh tay nói:
-Thưa thầy tiểu sinh hiểu rồi ạ!
-Chữ Nôm hiện nay chưa được điển chế, có nhiều cách viết khác nhau, ở hai bản này tiểu sinh có sáng tạo một số cách viết khác với thông thường nhưng đều có lý và chấp nhận được như chữ má hồng, chữ lung lay bóng nguyệt. Cả hai bản dịch chữ Nôm, tiểu sinh chỉ sai có hai chữ, như vậy cũng là khá. Cần cố gắng hơn cho thật giỏi. Nhớ chưa?
-Thưa thầy, tiểu sinh xin ghi nhớ ạ.
-Cho tiểu sinh ngồi xuống.
-Tiểu sinh cảm ơn thầy.
-Bây giờ tiểu sinh lắng nghe thầy giảng khái quát chung về tác phẩm “Chinh phụ ngâm”. Tác phẩm “Chinh phụ ngâm” do Đặng Trần Côn tiên sinh viết bằng Hán văn. Đây là lời tâm sự thở than của người chinh phụ có chồng chinh chiến xa lâu không về. Cảnh ly biệt, nỗi nhớ thương, mong chờ, nỗi lo cho chồng ở nơi trận mạc hiểm nguy, nỗi buồn cho mình trong cảnh lạnh lùng chiếc bóng vẫn thủ tiết chờ chồng… Phần cuối là mong chồng sớm lập công danh mau chóng trở về xum họp gia đình.
Bài thơ dài gồm bốn trăm tám mươi ba câu. Hôm nay học phần mở đầu thôi, hai buổi sau thầy dạy những phần còn lại.
Bài thơ theo cách trường đoản cú, tức là thơ tự do. Trong khi hầu hết các áng văn thơ vẫn theo niêm luật chặt chẽ gò ép từ thời nhà Đường bên Trung Hoa, vậy mà Đặng tiên sinh phá cách, phá luật viết khoáng đạt là một sự tìm tòi táo bạo, rất tiến bộ, mọi người nên học tập tiên sinh. Viết tự do rất khó bởi không dựa tí gì vào vần luật, muốn đứng vững được phải có bản lĩnh lớn, phải có ý tứ cao sâu, nghệ thuật hình ảnh phải điêu luyện, ngôn từ phải sáng tạo mới mẻ. Hai câu mở đầu bài thơ có hai hình ảnh là hình ảnh gì và nói lên điều gì? Trò hãy đọc lên và trả lơi?
Ngọc Hân vẫn ngồi khoanh tay, nói:
Thưa thầy, hai câu mở đầu:
Thiên địa phong trần
         Hồng nhan đa truân
Có hai hình ảnh đó là trời đất gió bụi và người con gái má hồng nhiều truân chuyên.
-Hai hình ảnh đó đặt cạnh nhau thể hiện điều gì?
-Thưa thầy hai hình ảnh đó đặt cạnh nhau thể hiện cái thì to lớn phũ phàng mà phận người thì nhỏ bé mong manh.
-Trò nói đúng, đáng khen. Trong nghệ thuật thi ca, người ta gọi cái đó là tương phản. Cách này rất phổ biến và rất hữu hiệu trong thơ. Trời đất gió bụi là một sự ẩn dụ chỉ nước non tao loạn, làm cho người hồng nhan phải chịu nhiều khổ cực. Hai câu đầu gây cho ta cảm xúc gì?
-Thưa thầy, hai câu đầu gây cho ta cảm xúc thương xót ạ.
-Trò nói đúng. Ngay mở đầu, tiên sinh đã khiến ta cảm thương sâu sắc phận người hồng nhan. Câu sau, trò đọc tiếp?
-Thưa thầy:
Du Du bỉ thương hề, thùy tạo nhân?
-Trò dịch nghĩa?
-Thưa thầy, nghĩa là: ôi buồn thay, hoàn cảnh bi thương này ai gây ra?
-Trò dịch được. Tốt, đáng khen. Hai bản dịch thầy đọc cho trò chép đó là bản dịch của Đoàn Thị Điểm nữ sĩ và Phan Huy Ích tiên sinh. Nói chung cả hai bản dịch đều tuyệt diệu. Hôm nay thầy ra hai bài để trò tập: Một là hãy so sánh hai bản dịch ấy xem mỗi bản hay ở chỗ nào và chưa hay ở chỗ nào? Rõ chưa?
-Thưa thầy tiểu sinh nhớ rồi ạ!
-Còn bài tập thứ hai, trò hãy dịch những câu thơ chữ hán trong phần đầu ấy bằng thể thơ khác như ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát… Rồi kỳ sau đưa thầy chấm.
-Thưa thầy vâng ạ. Tiểu sinh xin thầy một điều được không ạ?
-Điều gì trò nói đi?
-Thưa thầy hai bài tập ấy, tiểu sinh xin làm một bài tại đây đó là bài dịch thơ, còn bài so sánh hai bản dịch thì để sau ạ. Trong lúc ấy xin thầy kiểm tra và chỉ bảo cho em Ngọc Bình học ạ.
-Được. Vậy trong khi thầy dạy Bình học thì trò lui xuống nhà dưới làm bài cho yên tĩnh. Nghe thầy bảo đây, dịch thơ là việc rất khó, trò hãy tĩnh tâm suy nghĩ, chọn hình ảnh chọn chữ cho kỹ, viết vào bản nháp sửa đi sửa lại thật tốt rồi chép lại sạch sẽ để thầy chấm.
-Vâng ạ. –Ngọc Hân mang giấy bút xuống nhà dưới làm bài.
Thầy Cống Hải hỏi Ngọc Bình:
-Trò học những sách gì rồi?
-Thưa thầy, tiểu sinh học hết sách “Tam tự kinh” rồi ạ.
-Trò còn bé mà học được thế là tốt, đáng khen. Trò đọc mấy trang cho thầy nghe:
Ngọc Bình không cầm sách mà cô đọc thuộc lòng:
Tam tự kinh
Nhân chi sơ
Tính bản thiện
Tính tương cận
Tập tương viễn…
Cô bé đọc chừng năm trang sách, thầy Cống bảo dừng lại, thầy khen “tốt”. Rồi thầy bảo cô bé viết lại những câu mới đọc đó. “Trò viết lấy một trang giấy, chữ nào quên thì hỏi, thầy chỉ cho…”.
Ngọc Bình viết, thỉnh thoảng lại hỏi: “Thưa thầy, chữ “thiện” viết thế nào ạ? Chữ “viễn” viết thế nào ạ”?
Viết một trang, cô bé hỏi đến năm chữ. Như thế cũng là khá. Được thầy khen, cô bé thích lắm.
Ngọc Hân cầm bản dịch thơ từ nhà ngang vào:
-Thưa thầy, tiểu sinh làm xong bài rồi ạ.
Thầy Cống ngạc nhiên, cô bé dịch nhanh thế a?
-Trò dịch sang thể thơ gì?
-Thưa thầy tiểu sinh dịch ra thơ lục bát.
-Tốt. Đọc đi.
Ngọc Hân cầm giấy đứng nghiêm trang đọc:
Đất trời gió bụi tiêu điều
Phận hồng nhan phải chịu nhiều đắng cay
Ai gây ra cảnh đau này
Tràng thành trống giục lung lay trăng tà
Cam tuyền khói tỏa mây xa
Trao gươm truyền hịch canh gà xuất binh
Ba trăm năm nước thanh bình
Áo nhung quan vũ tạc hình uy nghi
Sứ trời sớm giục quân đi
Nặng là phép nước, biệt ly xá gì.
-Thưa thầy hết ạ.
Thầy Cống bảo:
-Đưa thầy xem.
Ngọc Hân hai tay đưa bản dịch cho thầy.
Thầy Cống Hải nói:
-Nguyên tác chữ Hán có mười một câu, trò dịch còn mười câu phải không?
-Thưa thầy vâng ạ. Bởi lục bát mỗi cặp hai câu, mười một thì lẻ, bởi vậy hai câu:
Cửu trùng ấn kiếm, khởi dương tịch
Bán dạ phi hịch truyền tướng quân.
Trò dồn lại trong một câu là:
Trao gươm truyền hịch canh gà xuất binh.
-À trong khi hai bản dịch trước thì ngược lại, mười một câu chữ Hán thành mười hai câu song thất lục bát.
Du Du bỉ thương hề, thùy tạo nhân?
Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm dịch thành hai câu:
Xanh kia thăm thẳm từng trên
         Vì ai  gây dựng cho nên nỗi này
Còn trò thì dịch là:
Ai gây ra cảnh đau này.
Thầy Cống xem bản nọ bản kia đối chiếu có ý so sánh cân nhắc. Một bên kéo dài ra một chút, một đằng thì cô đọng lại. Nên chê hay nên thưởng? Hai bản dịch trên, đầu giờ học thầy đưa ra như một khuôn mẫu vậy mà đến lượt Ngọc Hân dịch, cô rút lại gọn gàng còn mười câu. Táo bạo! Táo bạo thật. Thầy Cống từng chấm hàng nghìn bài của học trò, chưa bao giờ gặp trường hợp bất ngờ như thế này.
Ngọc Hân hồi hộp chờ đợi có vẻ lo lắng lắm.
-Bản dịch ra thơ lục bát của trò, thầy có nhận xét thế này. –Nhưng thầy lại dừng lại lần nữa, ra chiều suy nghĩ cân nhắc thêm, căng thẳng lắm chăng?
Ngọc Hân càng lo.
-Dạ, tiểu sinh xin lắng nghe.
Giọng cô run lên, có vẻ như nếu chờ lâu chút nữa, cô sẽ khóc. Thầy thì băn khoăn, trò thì chờ đợi.
Thế rồi thầy ngồi thẳng người nghiêm trang như sắp ban ra một quyết định khó khăn quan trọng. Thầy nhìn cô học trò đang run lên, thầy nói chậm rãi, chắc nịch từng tiếng:
-Thầy nhận xét về bài tập của trò. Nghe đây: trò dịch sát nghĩa, thơ rất có hồn, cảm động. Thơ lục bát vần nhịp tốt, thỉnh thoảng trò thay nhịp bốn-hai-hai thành nhịp ba-ba-hai như câu “Phận hồng nhan phải chịu nhiều đắng cay” làm cho câu thơ linh động. Có điều đặc biệt này, mười một câu nguyên tác trò dịch còn mười câu lục bát, ý tứ vẫn bảo toàn trọn vẹn, thật đáng khen. Thầy thưởng cho trò hai khuyên.
Thầy cống cầm bút son khuyên tròn hai khuyên vào bản dịch của Ngọc Hân.
Sự hồi hộp căng thẳng của Ngọc Hân lúc bấy giờ mới được giải tỏa, những giọt lệ trong như ngọc lăn xuống má, cô sung sướng đón nhận:
-Tiểu sinh cảm ơn thầy rất nhiều ạ!
Cô giơ tay áo quệt nước mắt. Ngọc Bình cũng sung sướng đứng lên ôm lấy chị: “Ôi, chị giỏi quá!” “Cảm ơn em!”
Nhìn bóng nắng đã sắp sang giờ ngọ, thầy Cống bảo:
-Thầy cho hai trò nghỉ.
Hai trò nói:
-Xin đa tạ! Xin đa tạ!
Nhà sư Thanh Tâm nói:
-Hai trò nghe thầy bảo đây, chiều nay đúng giờ thân, thầy sang dạy hai trò về quốc sử Đại Việt. Hai trò chuẩn bị sách bút nghiên cẩn thận và mang theo cuốn Sử ký nhé.
-Thưa thầy, tiểu sinh xin nhớ lời thầy ạ.
Ra khỏi dinh Thiết Lâm, nhà sư bảo:
-Mời thầy Cống vào chùa xơi nước đã.
-Xin vâng.
Hai thầy thưởng thức ấm trà tiểu Thanh Tùng dâng lên.
Nhà sư nói:
-Cảm ơn thầy Cống cho tôi ngồi nghe để học hỏi cung cách dạy của thầy, chiều nay đến lượt tôi, tôi cũng theo cung cách ấy cho thống nhất.
-Có gì không được, xin thầy chỉ giáo cho.
-Dạ, thầy dạy mẫu mực và sâu sắc lắm. Chiều nay đến phiên tôi dạy, xin mời thầy Cống ngồi dự rồi chỉ cho những chỗ khiếm khuyết.
-Xin sư thầy miễn cho, chiều nay đệ phải giảng quyển cho hai học trò có hẹn trước.
-Bần tăng ngồi học tập thầy và có điều kiện quan sát hai học trò, tôi thấy hai công chúa không những xinh đẹp mà rất thông minh.
-Bạch thầy, điều này thì quá rõ. Xem mười câu thơ dịch của Ngọc Hân, nói thực với sư thầy, tôi sửng sốt giật mình, thật là kỳ tài. Nhưng lúc ấy tôi phải nén lòng lại điềm tĩnh nhận xét vừa phải thôi, kẻo dẫn đến tuổi trẻ dễ tự phụ kiêu căng. Nhưng rồi tôi cũng phải hạ bút cho hai khuyên son.
-Thầy nhận xét và thưởng hai khuyên son là rất đúng. Cô trò này có lẽ là một kỳ đồng. Tôi còn thấy điều nữa ở hai công chúa, thực ra thì cũng chưa rõ lắm, chiều nay tôi sẽ hỏi về ngày giờ sinh của hai cô ấy và mở sách xem lại thì mới dám nói. Nhưng hiện giờ thì chỉ thấy một điều thế này, ông Cống ạ.
-Điều gì, thưa thầy?
-Ấy là cả hai cô đều thể hiện quý tướng rất lạ lùng. Sử sách sau này sẽ nhắc tới hai cô nhiều đấy, các tài tử văn nhân sẽ tốn nhiều giấy mực.
Cống Hải giật mình:
-Lại đến thế nữa, thưa sư thầy? Vậy thì trách nhiệm của thầy, của đệ rất nặng. Dạy học trò mà biết sau này họ liên quan đến cả lịch sử nữa, đệ lo lắm. Không biết hay dở thế nào, hay thì không sao, mà dở, lịch sử lên án mình thì khổ cho con cháu.
-Quả như thế thật, tôi cũng rất lo, nhưng theo thiển ý tôi thì không đến nỗi quá dở đâu. Nói đúng hơn là mừng có mà lo cũng có. Thời nào thì cũng vậy, trách nhiệm ở ông thầy trước hết phải định hình nhân cách cho trò, sau mới là văn sách. Nhưng lo cũng chẳng còn cách nào thoái thác được nữa rồi. Thầy với bần tăng như cưỡi trên lưng cọp rồi, chỉ còn cách là làm hết sức mình, rồi trông chờ ở phúc trạch vậy thôi.
27/1/2021
Nguyễn Vũ Tiềm
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...