Bùi Phan Thảo và
Câu chữ vời vợi thanh âm
“Búp bê áo rách”, tựa truyện ngắn này của nhà thơ, nhà báo
Bùi Phan Thảo khơi gợi tôi cảm giác tò mò lạ lạ, một bàng bạc buồn bảng lảng trắng
mây bay.Nhà thơ, nhà báo Bùi Phan ThảoTấu khúc về những phận người
Quán cà phê bờ kè quận 3, nơi tôi và Bùi Phan Thảo rất nhiều
dịp tỏ bày với nhau. Lần này, Thảo kể tóm tắt tôi nghe và ngay sau đó tôi được
đọc “Búp bê áo rách”. Câu chuyện ấy là một ký ức bồi hồi không thể quên. Một ký
ức buồn bên tuổi thanh niên, bên những ước vọng lấp lánh xanh, bên tháng ngày
phiêu du phố núi.
Cô bé Mi 5 tuổi rưỡi.Bé Na, em của bé Mi, là bé búp bê. Búp
bê đã rách bươm, móp méo, chỉ đôi mắt còn xanh. Hình như đối với bé Mi, đôi mắt
xanh ngắt của bé Na là cả khung trời mơ mộng, ấm áp tuổi thơ. Đôi mắt ấy vá màu
xanh lên chiếc áo rách, rưới màu xanh lên những móp méo của hình thức. Đôi mắt
bé Na đã giúp bé Mi hạnh phúc trong sương lạnh, giúp bé vui hơn, không cảm thấy
cô đơn khi người lớn quá tất bật với đời thường cơm áo. Năm tuổi rưỡi, bé Na
làm sao hiểu được hạnh phúc hay cô đơn như thế nào. Bé vô tư hòa điệu với bát
ngát hồn nhiên, đã chuyện trò với búp bê Na trong cả thực và ảo, trong an nhiên
độc thoại.
Cái kết cho bé Mi và búp bê Na trống hoác. Ngay khoảnh khắc ấy,
nó lạnh ghê hồn. Ai đó đã nói nơi này cõi tạm, biết đâu cô bé Mi xinh ngoan dễ
thương kia lại đang chơi trò chị em với bé Na ở nơi không có tuổi, không thời
gian chi phối. Hai chị em sẽ mãi mãi trẻ con, mà mãi là trẻ con thường là điều
người lớn mơ ước.
Với truyện ngắn này, Thảo đã tấu lên chuỗi âm buồn rười rượi,
chuỗi âm liên tưởng về những phận đời bé xíu không may, và có thể hơn thế nữa.
“Búp bê áo rách” đã được Bùi Phan Thảo chọn là tựa cho tập
truyện ngắn gồm 14 truyện vừa mới phát hành tháng 9- 2020.
Một dấu hỏi để tự nhìn lại
Có những điều quý giá luôn hiện hữu, chúng ta hững hờ quên
lãng. Trong truyện “Lá vẫn xanh đời”, nhân vật anh vô cùng may mắn khi đang còn
Mẹ và anh đã tận hưởng ân phúc khi quạt cho Mẹ ngủ ngon trên tay, giấc ngủ thật
thần tiên cổ tích.
Bùi Phan Thảo cũng tế nhị kể ta nghe vài góc cạnh nhùng nhằng
trong bệnh viện, từ việc bà chị vợ né tránh chăm sóc cha mình, vội vàng bước
lui không để người em rể có cơ hội đôi lời. Thảo gõ nhẹ sự tương phản giữa những
bệnh nhân chịu đựng đến dửng dưng và lão bệnh nhân mắc hội chứng nhố nhăng ngay
cả đang trong phòng săn sóc.Bìa tập truyện ngắn “Búp bê áo rách” của tác giả Bùi Phan ThảoSau những hình ảnh: ai đó liệng con mèo từ lầu cao xuống đất,
trẻ con vẫn nô đùa, lá rụng rồi lá nõn xanh… như một lời tán thán: “Ôi, chuyện
đời muôn thuở”.
Nhân vật anh ngợp ngời hạnh phúc khi Mẹ vẫn còn bên anh. Bùi
Phan Thảo đã búng chữ vang lên một nguyên âm, âm cội nguồn của mọi khởi đầu.
Có đôi tình nhân tôi vô cùng ngưỡng mộ. Lệ và Thành. Hình như
“Chân trần mát rượi phù sa” lại là một hình dung cổ tích hiện đại của Bùi Phan
Thảo.Tình yêu Lệ dành cho Thành đẹp như chân trần dạm ngõ phù sa, âm dương giao
kết vẹn nguyện thề. Lệ yêu với tâm hồn chân chất, hơi hướm đồng bằng quê xa, mạ
non lấp lóa ngời lên tình yêu ấy.
Cô yêu Thành bằng trái tim nóng hổi, ngó tương lai bằng khúc
ca vọng ước, cô hát về sự giản dị, rất đỗi bình thường. Không biết cô có nghĩ,
mơ ước về sự bình thường lại là điều khó thể thực hiện nhất trong bộn bề cuộc sống.
Tác giả đã đưa một dấu hỏi để chúng ta có dịp nhìn lại mình, nhìn lại sự bình
thường mà có thể ta đang thụ hưởng chăng?
Lệ chết vì tòa nhà sập xuống, bụi mù mù tung, bụi mù khắp cuộc
sống. Cuộc sống khắc nghiệt, đâu ai biết điều gì sẽ đến với mình. Thành đã vẹn
toàn đưa di ảnh Lệ về quê nhà, anh vẹn toàn trong nước mắt. Dẫu sao, quê nhà ấy,
phù sa ấy…, Thành sẽ dìu Lệ mỗi bình minh với chân trần và, trên đám lục bình
trôi kia đã nở một nhành hoa tím.
Angkor, bối cảnh trong “Bóng thời gian”, đã nhuộm màu huyễn
hoặc lên khúc tình hư ảo Nod và An. Khúc tình mịn màng hát theo gió qua khe đá,
gió của ngàn xưa phảng phất một âm hoài. Bức họa “Ám ảnh” của An bán được cao
giá. Phải chăng, An đã cách điệu nỗi ám ảnh tìm hiểu về mỗi một bóng thời gian
qua tên gọi bức tranh ấy, anh mệt mờ tìm vẫn mãi vô âm? Nụ tình đến tự nhiên
như hơi thở, có lẽ đã lóe ý cho An mơ hồ về vẻ đẹp của bóng, nó tồn tại đâu đó
sau vầng trán của mỗi người.
Trăn trở hình với bóng
Khúc tình Nod và An khởi nguồn từ tâm thức. Cả hai đều tìm về
xa lắc rêu phong và đến với nhau ngẫu nhiên như tự thuở nào, như bóng và hình
tuy hai mà một, tuy một mà hai. Khúc tình đã gảy âm với hẹn ước vô âm của bóng
và hình.
Một bóng vĩ đại khác trong vô hạn thời gian mà cuối cùng Bùi
Phan Thảo tự khẳng định: Mẹ. Nod có thể là mẹ ở đâu đó, nhưng tôi tin cô sẽ giữ
được bóng tình bất chợt đến rồi đi nơi núi rừng Siem Reap. Ngàn sau, Nod và An
sẽ lại là bóng với ngẫu nhiên lạ lẫm trong ai đó, đang im lìm bên hun hút bóng
ngôi đền Bayon.
Nếu băn khoăn, thì đó có phải tình yêu? Tình yêu trong truyện
“Ảo ảnh” là một vấn đề khó nói nên tác giả để cái kết mà không kết.Mỗi nhân vật
trong truyện ngắn này đều có thể tiêu biểu cho một chủ quan. Và để chan hòa,
các nhân vật đã phục tùng định kiến vô điều kiện.Còn những người vượt qua được
định kiến có khác chi một hòa âm nghịch trong bản tình ca.Tôi tin rằng ai đó
trong chúng ta, chừng mực nào cũng băn khoăn, bất lực qua bản hòa âm dang dở
này của “Ảo ảnh”.
Không yêu thì thôi, yêu là yêu đến chết. Cái chết của Vĩnh
trong “Ngày biển động” tuyệt đẹp. Sinh nhật người xưa lần này là ly biệt ngàn
thu. Biển cũng giật mình, dập dồn con sóng như báo tin cho giống loài dưới đại
dương, như ngợi ca một chuyện tình không tưởng. Yêu từ tóc đen thành tóc trắng,
từ thanh âm lời nói yêu em thành lặng im, từ hữu hình đến vô hình, và trong tâm
tưởng chỉ còn lại bóng.
Vui buồn tự tâm. Vĩnh đi về lặng lẽ, lặng lẽ rót câu thơ chảy
tràn lan, câu thơ say cơn mộng du té ngoài trang giấy, rơi về thực tại. Cứ thế,
cuộc hành trình ấy như vòng quay bánh xe, lăn về biển đêm đúng sinh nhật… Vĩnh
biết rõ thực và ảo trong cuộc đời mình. Đêm sinh nhật này, bên ly rượu, Vĩnh về
với thực tại, bánh xe đã ngừng lăn khi chạm vào vách đá, điểm tựa cuối cùng của
anh.
Vĩnh không cô đơn, Vĩnh bình yên trong tình yêu vĩnh hằng.
Câu chữ Bùi Phan Thảo ẩn chứa góc nhìn sâu sắc của tâm hồn nhạy
cảm với những phận đời lớn ròng con nước. Là nhà báo, có điều kiện tìm hiểu về
nhiều góc khuất của cuộc sống, anh lặng lẽ thời gian dài cô đọng chuyển ý qua
thơ, 2 tập thơ đã xuất bản gần đây. Bây giờ là tập truyện ngắn “Búp bê áo
rách”. Những đau đáu buồn của Bùi Phan Thảo luôn được anh giấu sau những câu chữ
hiền lành nhưng không nhẹ tứ.
Với tôi, 14 truyện ngắn của Bùi Phan Thảo có thể xâu chuỗi
thành bản trường ca trân trọng tình yêu, tình người thăm thẳm, rất đậm đà gần
gũi, dẫu lục dục thất tình vẫn loang loáng đâu đây.
7/5/2021 Châu Đăng Khoa
7/5/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét