Cảm thức lưu lạc trong
sáng tác Nguyễn Ngọc Tư từ
góc nhìn
phê bình sinh thái
Cảm thức lưu lạc là một nét đặc trưng của văn hóa Nam Bộ
trên một không gian sông nước. Ngày nay, khi mà tình trạng ô nhiễm môi trường,
nguy cơ sinh thái ảnh hưởng đến toàn cầu một cách mạnh mẽ, cảm thức ấy cũng nhuốm
màu sắc của thời đại khủng hoảng sinh thái. Bài viết của chúng tôi muốn từ tư
tưởng cốt lõi đó để “đọc” truyện ngắn, tiểu thuyết Nguyễn Ngọc Tư. Từ góc nhìn
này, nhà văn đã đặt ra một cách trực diện những vấn đề môi trường và số phận của
con người trong thời đại khủng hoảng môi sinh. Đồng thời tác giả cũng đề xuất
cách lắng nghe tiếng nói từ tự nhiên để tìm cho ra câu trả lời cho những khủng
hoảng của con người thời hiện đại và đề xuất một thái độ sống gần gũi tự nhiên
để được chia sẻ và thanh thản.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
Trong xã hội hiện đại, cùng với tốc độ đô thị hóa và sự ỷ lại
vào khoa học kỹ thuật, con người đang ngày càng khai thác tự nhiên quá mức, khiến
cho tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Thiên nhiên trả thù con người không phải chỉ bằng
các thảm họa, thiên tai, các bệnh hiểm nghèo… mà đáng sợ hơn, trả thù bằng sự
biến mất của chính nó. Phê bình sinh thái (ecocritisim) nổi lên khi vấn đề biến
đổi khí hậu, sự xuống cấp về môi trường trở thành vấn đề sống còn của nhân loại,
văn học quan tâm đến sự sống cho nên khúc ngoặt của nó xét đến cùng lại liên
quan đến bản thể của văn học. Trong các định nghĩa về phê bình sinh thái, định
nghĩa của Glotfelty được xem là ngắn gọn và dễ hiểu hơn cả:
Nói đơn giản, phê bình sinh thái là nghiên cứu mối quan hệ giữa
văn học và môi trường tự nhiên. Cũng giống như phê bình nữ quyền xem xét ngôn
ngữ và văn học từ góc độ giới tính, phê bình Marxit mang lại ý thức của phương
thức sản xuất và thành phần kinh tế để đọc văn bản, phê bình sinh thái mang đến
phương pháp tiếp cận trái đất là trung tâm (earth-centered approach) để nghiên
cứu văn học (G. Chellry, 1996: xviii)
Phê bình sinh thái với tư cách là một khuynh hướng phê bình
văn học mới, ra đời trong bối cảnh giới học thuật phản ứng trước nguy cơ môi
sinh bị hủy hoại do chính con người, với mục đích thông qua văn học để thẩm định
lại toàn bộ văn hóa nhân loại, tiến hành phê phán tư tưởng, chính sách, mô hình
xã hội… đã ảnh hưởng như thế nào đến thái độ đối với tự nhiên, khiến cho môi
trường lâm vào tình trạng suy thoái như hiện nay.
Về tự nhiên, có thể thấy Nam bộ là vùng đất có sông ngòi chằng
chịt, với rất nhiều kênh, rạch, xẻo, ao hồ và đồng ruộng mênh mông… Người Nam bộ
sinh hoạt đi lại chủ yếu bằng ghe, xuồng do vậy cuộc sống của họ mang đậm dấu ấn
sông nước, điều đó dĩ nhiên được ánh xạ vào văn chương. Mặt khác, vùng đất Nam
Bộ lại là nơi lưu dấu của những lưu dân từ miền Trung vào, người Hoa kiều hay
cư dân từ Biển Hồ lưu lạc qua nên sẵn trong tâm thức, mặc cảm lưu lạc đã hằn
in. Cảm thức lưu lạc là một cảm giác về tình trạng nhân sinh, khi con người bị
đứt lìa ra khỏi không gian quen thuộc, đẩy vào môi trường xa lạ khiến họ trở
nên lạc lõng, bơ vơ, mất mát. Cảm thức lưu lạc trở thành nét đặc trưng của văn
học Nam Bộ. Không gian Nam bộ trong Hương rừng Cà Mau (Sơn Nam) là những
địa danh ấn tượng về sự hoang dã, những bức tranh hùng vĩ, thơ mộng cùng vẻ đẹp
của chủ nghĩa anh hùng, con người sử thi với khát vọng chinh phục thiên nhiên dữ
dằn khắc nghiệt hoang sơ, kì bí, lạ lùng, thâm u của rừng trầm, sông sâu, của
thú rừng hoang dã trong buổi đầu khai khẩn phương Nam. Trong Đất rừng
Phương Nam, ta bắt gặp những hình ảnh đặc trưng của miền Tây Nam bộ, thể hiện
ngay từ các tên chương của tác phẩm như: Đi câu rắn, Đi lấy mật, Rừng cháy, Phường
săn cá sấu, Qua Stróc miên, Sân chim… Đoàn Giỏi chọn một cậu bé thành phố lưu lạc
về miền sông nước làm nhân vật chính, lấy con mắt chiêm ngưỡng, lạ lùng, tò mò
của người thành phố để nhìn vẻ đẹp sông nước mênh mông, giàu có. Tấm ván
phóng dao (Mạc Can) kể về một gánh xiếc lưu lạc qua nhiều vùng đất để mưu
sinh với những ám ảnh hiện sinh khiến cho cảm thức thương hồ lưu lạc đã vừa pha
vào đó một tinh thần hậu hiện đại.
Mảnh đất Nam Bộ dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Là hạ
nguồn của Mê Kông đổ ra biển, vùng đất này dễ bị tổn thương từ hai phía: những
tác động cả từ thượng du và cả từ phía biển. Do vậy hạn hán xâm ngập mặn, triều
cường, lở đất, lũ lụt… là những vấn đề môi trường thường trực. Văn xuôi Nam Bộ
có những động hướng mới trước áp lực của sự thay đổi sinh thái “Trong bối cảnh
hiện nay, vùng đất này đang từng ngày đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn, triều
cường, sạt lở đất, đô thị hóa nông thôn… Đó là những vấn đề bức thiết kéo nhà
văn vào cuộc” (Bùi Thanh Truyền, 2018: 51). Cảm thức lưu lạc trong văn Nguyễn
Ngọc Tư cũng nhuốm màu sắc của thời đại khủng hoảng sinh thái, của xu hướng
toàn cầu hóa và của nền kinh tế thị trường. Bài viết của chúng tôi thông qua 1)
kiểu nhân vật lưu lạc trong 2) hành trình phản lãng mạn với những ảo tưởng
không gian sinh thái Nam Bộ để 3) thức nhận về tình trạng khủng hoảng môi trường
mà Nguyễn Ngọc Tư đã rung lên hồi chuông cảnh tỉnh “Đồng cỏ bạn đang dạo chơi một
ngày kia sẽ biến mất. Dòng sông bạn đang tắm một ngày kia sẽ biến mất. Tiếng
chim hót ban mai một ngày kia sẽ biến mất” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 160).
Kiểu nhân vật lưu lạc trong sáng tác Nguyễn Ngọc Tư
Có thể khái quát nhân vật lưu lạc trong sáng tác Nguyễn Ngọc
Tư thành hai kiểu: 1) Lưu lạc vì mưu sinh, (tức là vì công việc, do môi trường
kiếm ăn trên sông nước, đồng bãi); 2) là vì một niềm đau, lưu lạc như là hình
thức tự lưu đầy. Tuy nhiên, kiểu tự sự của Nguyễn Ngọc Tư vừa có sức hút của
truyền thống với cốt truyện chính bao giờ cũng có vẻ giật gân lại vừa rất hiện
đại, cốt truyện luôn bị chìm đi bởi những yếu tố ngoài cốt truyện, bằng cách đó
tác giả làm cho truyện chồng lên nhiều tầng ý nghĩa mà soi chiếu ở góc độ nào
cũng bóc tách ra được các vấn đề. Và đôi khi do sự chìm lấp của cốt truyện, những
vấn đề đặt ra ngoài cốt truyện ấy hiện lên thật sắc nét. Do vậy, sự phân chia
thành hai kiểu nhân vật lưu lạc như vậy chỉ mang tính tương đối.
Chúng tôi tạm thống kê kiểu nhân vật lưu lạc trong sáng tác của
Nguyễn Ngọc Tư như sau (chúng tôi giới hạn ở tiểu thuyết và truyện ngắn):
STT |
Tên tác phẩm |
Nhân vật |
Cốt truyện |
1 |
Sông |
Ân, Bối, Xu, chị Ánh |
Phượt bằng đủ các phương tiện (xe máy, đi bộ, ghe xuồng, đi
bộ hành hương…) để thực hiện dự án viết cuốn sách du khảo sông Di |
2 |
Khói trời lộng lẫy |
Di (tên nhân vật còn có nghĩa là đi) |
Di vốn là con rơi của một gia đình chỉ có con gái, người bố
chỉ mong ước có cậu con trai. Nhân việc thực hiện dự án của Viện Di sản
thiên nhiên và con người cô đã đem người em trai đi, tự lưu đày ở một
vùng hẻo lánh |
3 |
Gió lẻ |
Em, gã, hắn |
Xe tải Landu đưa các nhân vật đi trên khắp các nẻo đường |
4 |
Cái nhìn khắc khoải |
Ông lão |
Chăn vịt trên khắp cánh đồng |
5 |
Cánh đồng bất tận |
Út Vũ, Nương, Điền, Sương |
Người mẹ ngoại tình, Sương phát hiện, mẹ xấu hổ bỏ đi, người
cha đưa hai con chăn vịt trên khắp cánh đồng |
6 |
Dòng nhớ |
dì |
Sau khi đứa con chết đuối, cuộc hôn nhân đổ vỡ, bố lên bờ,
còn dì vẫn tiếp tục buôn bán trên ghe thuyền |
7 |
Nhớ sông |
Giang, Thủy, bố |
Buôn bán trên ghe |
8 |
Duyên phận so le |
Bỏ nhà theo người tình sinh con, bị phụ tình đành gửi con
cho một gia đình giám đốc hiếm muộn và ở mãi mũi So Le để được gần con |
|
9 |
Thềm nắng sau lưng |
Bằng |
Phiêu du trên những chiếc thuyền dù mẹ ngăn cấm |
10 |
Nước như nước mắt |
Sáo |
Vào mùa nước nổi, gia đình Sáo sống trên ghe, người chồng
vì thèm lá ngò gai nấu cá mà bị giết chết |
11 |
Thương quá rau răm |
Văn |
Văn là một bác sĩ được cử đến Mút Cà Tha nhưng sông nước buồn
thiu khiến chàng rời bỏ dòng sông trở về thành thị |
12 |
Cải ơi |
Ông Sáu |
Bán vé số để đi tìm người con riêng của vợ |
13 |
Biển người mênh mông |
Ông Sáu |
Bán vé số dạo để tìm người vợ bỏ đi do ông lỡ lời khi say
rượu |
14 |
Sầu trên đỉnh Puvân |
Vĩnh |
Khách du lịch sinh thái lên đỉnh núi Puvân ngắm hoa sầu
đông |
15 |
Thổ Sầu |
Dậu |
Du lịch sinh thái ở một vùng Thổ Sầu nghèo khổ |
16 |
Của ngày đã mất |
Tôi, Em |
Hai thầy trò đi điền dã ghi chép câu ca ở vùng Thổ Sầu |
Trước hết, lưu lạc gắn với đặc điểm tự nhiên vùng Nam Bộ, làm nên kiểu nhân vật vì cuộc mưu sinh. Mặc dù khắp đất nước Việt Nam trồng lúa nước nhưng không ở đâu cánh đồng lại cũng mang đặc trưng lưu lạc như ở Nam Bộ. Những cánh đồng lúa mênh mông, trải dài vô tận là không gian sống của những người nuôi vịt chạy đồng, không biết đâu là nhà, không ở một chỗ cố định. Truyện ngắn Cái nhìn khắc khoải kể về số phận của một người đàn ông làm nghề chăn vịt trên đồng: “Ông làm nghề nuôi vịt chạy đồng. Hôm nay ở đồng Rạch Mũi, mai ở Nhà Phấn Ngọn, xa nữa lại dạt đến Cái Bát không chừng. Ông đậu ghe, dựng lều, lùa vịt lên những cánh đồng vừa mới gặt xong, ngó chừng chừng sang những cánh đồng lúa mới vừa chín tới và suy nghĩ về một vạt đồng khác lúa vừa no đòng đòng. Đời của ông là một cuộc đời lang bạt. Một cuộc sống trên đồng khơi” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 50).
Với đặc điểm sông ngòi chằng chịt, người Nam bộ sống và sinh hoạt trên sông đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của vùng này. Dòng sông làm cho không gian nghệ thuật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư mang đậm dấu ấn sông nước, tạo nên đặc điểm cuộc sống tự nhiên của người dân Nam Bộ như buôn bán trên ghe, chợ nổi; những sinh hoạt thường nhật trên khúc sông: chiều chiều các bà các mẹ, các chị hay giặt giũ áo quần, lau chùi xoong chảo ở đó… Dòng sông trong Sông, Thềm nắng sau lưng, Nhớ sông, Dòng nhớ… chở thương nhớ, nỗi buồn, niềm đau, cả hi vọng của những phận người sống cùng sông. Ghe, xuồng… trở thành nhà và phương tiện buôn bán “Chiếc ghe là một ngôi nhà nhỏ, ngang hai mét, dài năm bảy mét. Nhỏ bé, chật hẹp. Nhưng có một cái gì đó thật khác thường, thế giới đó hẹp đến nỗi chỉ vừa để xoay lưng, để nằm co, để cúi người… mà cũng dài rộng vô phương bởi cuộc sống rày đây mai đó, lênh đênh cuối bãi đầu ghềnh” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 112). Chiếc ghe là ngôi nhà nhỏ, là phương tiện đi lại phổ biến, đồng thời là nơi chứa đựng cả những bình yên, hạnh phúc và sóng gió trong cuộc đời. Sinh ra, lớn lên ở đó, cuộc đời gắn bó với sông nước, tên của những đứa trẻ cũng gắn với sông nước: Giang, Thủy. Dòng sông với những phiên họp chợ nổi nhộn nhịp, với sự thanh bình của bữa cơm chiều: “Những chiều tà, chợ nổi đìu hiu bập bềnh đậu hết một vạt áo nắng vàng hoe hoe, đỏ hoe hoe. Những người đàn bà cúi đầu ngó chăm chăm nồi cơm dào dạt khói, những người đàn ông ngồi xếp bằng ngồi trên mui ghe vấn những điếu thuốc to đùng bằng đầu ngón chân cái, phì phà nhả khói lên trời. Những đứa trẻ con ngồi tênh hênh trên mũi ghe câu cá chốt, cá mè. Những cô con gái sau một ngày bán hàng mệt mỏi soi mình xuống sông, chải tóc” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 112). Cả nhà Giang lênh đênh trên sông nước, dòng sông đã gắn liền với Giang từ thuở ấu thơ. Khi lớn lên hai chị em Giang lại theo cha sống kiếp thương hồ lênh đênh trên mặt nước. Vậy nên khó có thể từ bỏ kiếp sống lênh đênh này để lên bờ bắt đầu cuộc sống khác. Giang rời sông, lấy chồng nhưng vẫn không thể quên sông nước, mỗi lần nôn nao nhớ lại chèo ghe ra đi: “Thường thì cơm nước, quét dọn xong hễ hở ra giờ nào Giang lấy xuồng chèo đi giờ ấy… chèo đã đời rồi nó buông chèo lụi vô đám lá, lấy tay vịn, ngồi ở đó. Rồi chèo về” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 117). Giang nhớ giấc ngủ bồng bềnh trên ghe, cái chông chênh của ghe ru con người ở trên nó đi vào giấc ngủ, giờ ngủ trên đất liền, Giang không quen nổi. Con người là một phần của thiên nhiên, khi tách ra khỏi cuộc sống sông nước đó, nhân vật mất chỗ đứng, trở thành chơ vơ, lạc lõng giữa cuộc đời.
Đặc biệt hơn, ta bắt gặp ở truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư cách cư xử của con người một vùng đất mà “tâm thức sông nước” đã thành hành vi ứng xử. Mỗi khi gặp gặp chuyện không may trên vùng đất sinh sống, họ chọn kiếp sống thương hồ. Vì một niềm đau, đi như là biểu tượng của sự lưu đày, do vậy trong truyện Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện rất nhiều hình ảnh biểu tượng của sự ra đi, luân chuyển: dòng sông, con đường, cánh đồng, ghe xuồng, chiếc xe tải đường dài… Một số truyện như Nhớ sông, Biển người mênh mông, Dòng nhớ, Cái nhìn khắc khoải, Cánh đồng bất tận, Cải ơi… là minh chứng tiêu biểu cho nếp sống sinh hoạt này, lưu lạc để quên đi nỗi đau, họ tìm cuộc sống mới lênh đênh. Sau khi người vợ ngoại tình, Út Vũ (Cánh đồng bất tận) đốt nhà lên ghe cùng hai đứa con và đàn vịt đi dọc theo các con sông. Đi hết dòng sông, đi hết những cánh đồng bất tận… Nguyễn Ngọc Tư miêu tả những cảm giác mất mát trong hành trình lưu lạc của hai đứa trẻ rất thấm thía. Nương và Điền (Cánh đồng bất tận) trồng một cái cây ô môi nhỏ bên đường và chúng buồn rầu khi phải dời đi mà không biết cái cây lớn lên như thế nào “không biết mai này còn có dịp quay lại coi tụi cây nầy lớn lên, để trèo lên hái trái, để giăng cái võng, ngủ một giấc đã đời” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 187). Thấm cảm giác của đời du mục, nhân vật lo sợ những khoảng trống vắng, những luyến lưu, lòng đau vì những gắn bó “Sống đời mục đồng, chúng tôi buộc mình đừng yêu thương, quyến luyến bất cứ ai, để khoải ngậm ngùi, để lòng dửng dung khi cuốn lều, nhổ sào đi sang cánh đồng khác, dòng kinh khác” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 188).
Theo Grey Garrag, “Khái niệm “nơi cư trú” (dwelling) không phải là một trạng thái nhất thời thoáng qua mà hơn thế nữa, nó ngụ ý về những thời kì dài chồng xếp lên nhau của mỗi người với không gian của kí ức, tổ tiên và cái chết, của lễ nghi, cuộc sống và công việc” (G. Garrard, 2004: 108). Dòng sông gắn với hình ảnh bất hạnh của những người thân yêu nên dù nghèo khổ, vất vả, lênh đênh, các nhân vật không nỡ rời bỏ. Giang (Nhớ sông) mãi mãi không thể quên được khúc sông nơi người mẹ chết đuối. Cho dù đã lên bờ, cô vẫn không nguôi ngoai được sợi dây đã gắn kết sông nước bất diệt với ba cha con, với người sống và người chết: “Sau nầy, khi vợ chết, không hoàn toàn vì miếng ăn mà cả nhà ông Chín trôi dạt hết dòng sông này đến con kinh kia. Ở đáy con sông nào đó, còn là nơi gởi gắm xương thịt của người đàn bà xấu số – má Giang” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 155). Người vợ trước của ba (Dòng nhớ) nguyện chọn kiếp sống lênh đênh trên sông vì đứa con vừa biết bò rơi xuống đó – “mẹ sẽ sống trên sông hoài, hoài hoài với con” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 130). Có lẽ, chỉ sông nước mênh mang là cứu rỗi được nỗi đau của người mẹ mất con. Ngay cả ba, dù phũ phàng bỏ lại vợ cùng nỗi mất mát khủng khiếp cũng chưa một phút thôi nhớ cái khúc sông đau đớn của cuộc đời mình: “Tựa như ông đang ở đây nhưng tâm hồn ông, trái tim ông, tấm lòng ông chảy tan vào dòng nước tự lâu rồi” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 124). Có những nỗi đau không cất được thành lời mà chỉ có thiên nhiên câm lặng chứng kiến mới có thể sẻ chia. Xuyến (Duyên phận so le) từ chối tình cảm của các chàng trai đến với cô, nguyện ở mãi mũi So Le, chấp nhận thân phận lưu đày ở một cái mũi đất buồn thiu vì tình yêu duy nhất cô đã dành cho bé Bi, đứa con cô lén để ở gốc cây điệp nhà vợ chồng ông giám đốc hiếm muộn. Lúc đau khổ quá, “những khuya, ngủ không được, Xuyến lọ mọ lại khoảng sân đầy lá trước nhà Bi, rờ rẫm chỗ đất cạnh gốc điệp già” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 143), cái cây duy nhất chứng kiến việc cô đã bỏ lại đứa con, vì nghèo khó, vì đơn độc, vì bị phụ tình, không thể nuôi con lớn đủ đầy. Trong truyện Nguyễn Ngọc Tư, ta cũng bắt gặp kiểu nhân vật vì lỡ lời, người thân bỏ đi, hối hận, các nhận vật tự lưu đày đi tìm người thân: ông Sáu (Biển người mênh mông) bán vé số dạo đi tìm người vợ bỏ đi, con vật đã gắn bó với ông, người bạn duy nhất chia sẻ nỗi muộn phiền là con bìm bịp; ông Sáu (Cải ơi) bán vé số để đi tìm người con riêng của vợ; hắn (Gió lẻ) đi xe tải đường dài để tìm nội… Đi dường như là để trốn chạy, là để tìm quên, là để nguôi ngoai niềm đau “đi đi và che dấu bao nhiêu là vết thương” (Nguyễn Ngọc Tư 2012: 62) như một câu hát của Trịnh Công Sơn.
Kiểu nhân vật lưu lạc gắn với không gian sông nước, không gian con đường, không gian cánh đồng… mà mỗi nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư đã đi qua, trưởng thành và gắn bó cho thấy niềm yêu quý không gian sống, nơi ông bà, bố mẹ và cả mình sinh ra, lớn lên và chết đi chính là dấu hiệu đầu tiên của của tình yêu quê hương xứ sở. Con người gắn bó với không gian sống không chỉ vì nó đem lại những tiện ích vật chất, mà còn là nơi gìn giữ những giá trị trong đời sống tinh thần, là một phần tâm hồn bởi mỗi người đều có sự gắn bó đầy quyền uy giữa tâm hồn với nơi đã sinh ra, lớn lên, trưởng thành và gắn bó. Nhân vật mang cảm thức lưu lạc của Nguyễn Ngọc Tư vừa mênh mông, đơn chiếc, lạc lõng, nổi trôi vừa gắn bó thiết tha với hành trình như một phần của tâm hồn, kí ức.
Nhà phê bình Trần Thị Ánh Nguyệt
Lưu lạc – Hay là hành trình thức nhận khủng hoảng sinh thái
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, Nam Bộ là vùng đất chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhà văn lí giải số phận của nhân vật trên nền tảng của biến đổi môi trường sinh thái. Nương theo số phận của nhân vật, đặt ra nhiều vấn đề của môi trường và số phận của cá nhân trong chỉnh thể sinh thái, Nguyễn Ngọc Tư cho thấy những phận người khi nếm trải những khủng hoảng môi sinh. Nước như nước mắt là câu chuyện về người chồng bị người yêu cũ giết chết, người vợ tìm cách trả thù kẻ đã gây ra cái chết của chồng, lại là người tình cũ của cô. Nhưng cốt truyện khá gay cấn đó chỉ như là một cái cớ còn hầu hết nó được dệt nên bởi cảm nhận của nhân vật về mùa nước nổi, về sự xâm thực của biển, đẩy người nông dân ngày một lùi xa vào đất liền “Ngó nước bắt đầu linh đinh bờ bãi, người ở xóm Rẫy thở dài ứ hự, chắc năm sau ăn tết trên ghe”, sống trong tình cảnh “cứ mỗi năm nước đuổi lại sớm hơn, mùa mỗi năm lại dài hơn (…) nước theo sông ngày càng vào sâu hơn, trên bờ bãi, ngấm vào chân ruộng… đắp tới đâu, nước theo tới đó, cơi nhà tới đâu, nước ngập tới đó” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 11), môi trường sống xung quanh ngày một xuống cấp nghiêm trọng: “cây trái tàn rụi, chỉ có cỏ đuôi mèo là sống được”, “những con cá nước đục còn sót lại, ốm ròm, trên mình đầy ghẻ lở” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 11), đôi cá bạc đầu huyền thoại “đờ đẫn, như dịu dàng lại như kiệt sức”, sức chống chọi với mùa của con người cũng “mệt mỏi và đuối sức như con cá nước đục khắc khoải sống với cái vị mặn mòi xa xót của biển”, “nước đuổi đã hai tháng rồi, đến con người cũng phờ phạc đi” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 10). “Khi bị bứng lìa ra khỏi mặt đất”, sống trên ghe mọi sinh hoạt bị đảo lộn: chỉ được “tắm khô”, giữa bữa cơm bất chợt thèm ớt, nắng mà không có bóng cây mắc võng nằm, chết cũng phải chờ nước rút thì mới đem âm thổ… thì có lẽ nguyên nhân cái chết vì thèm rau tưởng như vô lí của chồng Sáo cũng trở nên bình thường “nó diễn ra mỗi ngày, người ta chết đuối, chết vì khát, vì thèm tắm, vì nhớ vị của trái ổi chát, vì giành nhau cành củi trôi sông…” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 14) và vì một điều nghiêm trọng hơn nhiều như ông bán xôi dạo thốt lên “thời thế loạn rồi, đất không còn thì thứ gì còn” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 14). Cái cảm giác ngoài cốt truyện đó đã giải thích nguyên nhân về cái chết nghe thật bâng quơ và khó tin “Chồng Sáo chết vì mấy lá ng̣ò gai”. Dường như ở tác phẩm này, nếu chỉ đọc cốt truyện bề ngoài có vẻ giật gân, thời thượng : cốt truyện tình yêu, cốt truyện báo thù… thì sẽ không lí giải hết những giá trị của tác phẩm bởi ẩn sau đó là cốt truyện không kém phần quan trọng: cốt truyện về sinh mệnh của tự nhiên. Nhìn bề mặt, lí do cái chết của chồng Sáo được giải thích có vẻ hoàn toàn nghĩa đen, nhưng kì thực, đọc kĩ tác phẩm, soi chiếu vào sự nhấn mạnh về một kĩ thuật viết có dụng ý: câu “Chồng Sáo chết vì mấy lá ngò gai” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 8) được đánh số thứ tự đầu tiên, chỉ có một dòng cho phần đầu tiên ấy. Kiểu tự sự đó nhằm đánh dấu cho người đọc về một cốt truyện khác được dẫn nhập qua những cảm nhận về mùa nước nổi. Nếu so sánh với Mùa len trâu của Sơn Nam, cảm hứng về sự khủng hoảng sinh thái với số phận con người của Nguyễn Ngọc Tư càng trở nên rõ hơn, dù miêu tả con người chống chọi như thế nào với mùa nước nổi thì điều Sơn Nam muốn khẳng định lại là sự hồi sinh, là cảm hứng về sự trưởng thành của con người qua gian nan mà tự nhiên thử thách. Nguyễn Ngọc Tư đặt ra nhiều vấn đề của môi trường và số phận của cá nhân trong chỉnh thể sinh thái, cảnh báo về tình trạng biến đổi khí hậu hiện diện lên từng số phận nhân vật, từng ngôi nhà, mỗi con sông.
Xâm ngập mặn, mùa nước nổi là một hiện tượng tự nhiên của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Là nhà văn của miền sông nước, Nguyễn Ngọc Tư phát hiện ra rằng nước được coi là yếu tố quan trọng nhất cấu thành sự cân bằng sinh thái tự nhiên, thiếu nước là hạn hán nhưng tác giả cũng phát hiện ra nghịch cảnh “dừng chân bên bờ sông lớn mênh mang, mỉa mai, người ở đây lại không có nước để dùng” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 155). Tình cảnh thiếu nước sạch thật tội nghiệp: “Họ đi mua nước ngọt bằng xuồng chèo, nín thở để nước khỏi sánh ra ngoài… tụt xuống ao tắm táp thứ nước chua lét vì phèn, rồi xối lại đúng hai gàu. Nước vo cơm dùng để rửa rau, nước rửa rau xong dành rửa cá” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 162). Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt đến nỗi ước sao trước lúc chết “được tắm một bữa đã đời”. Trong tiểu thuyết Sông, một lần nữa nhà văn nhắc lại tình cảnh ấy “Bế lom khom rửa chén, thứ nước sông mà khi nãy cậu thấy chị dùng để nấu cơm, kho cá, thứ nước cậu đã tè vào và đang tắm táp” (Nguyễn Ngọc Tư 2012: 42). Trong bối cảnh chúng ta đang đặt vấn đề về “an ninh nước”, phát hiện này của Nguyễn Ngọc Tư quả đã chạm vào những điều thiết cốt của sinh thái môi trường.
Sông là hành trình nhại tiểu thuyết phiêu lưu. Cuốn tiểu thuyết bắt đầu bằng hành trình du khảo trên sông Di. Ân cùng với hai người bạn săn tìm vẻ đẹp trên hành trình khám phá dọc sông. Nhưng hầu như, không một trang nào viết về sự trù phú hai bên sông. Không một trang nào viết về cảm hứng chinh phục tự nhiên. Trải nghiệm của cuộc đi là trải nghiệm của sự tàn rã, cỗi cằn. Hành trình du khảo trên sông Di là hành trình với những người bé mọn, đau khổ, vất vả mưu sinh trên những khúc đoạn sông Di “Báo chí đếm được có đến chục cái không ở những cái làng giăng giăng gần bờ này. Không đất. Không tiền. Không chữ. Không biết đi về đâu. Không biết chôn ở đâu. Không thịt. Không luật pháp…” (Nguyễn Ngọc Tư 2012: 27). Sự suy giảm môi trường sống biểu hiện ở những con kinh đen ngòm, sông Di đã bị biến dạng thành những dòng đen đầy rác rưởi “Sông ngờ nghệch không thể nhận ra là nước đang chảy nếu không có những váng rêu nhớt phập phều. Đã vậy chợ Bình Khê còn kẹp cổ nó giữa dãy nhà cao cẳng tẹp nhẹp. Chỗ có tên là bến Lở mà chị Ánh đã từng rửa chân, giờ là bãi rác nửa chìm nửa nổi” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 69).
Con người cố ý phạm vào tự nhiên và tất yếu phải gánh lấy hậu quả là những biến đối khí hậu (climate change). Tiểu thuyết Sông viết về một nhân vật đồng tính chán chường, hoang hoải với cuộc sống đô thị thực hiện dự án về kí sự sông Di và coi đó là cuộc ra đi mãi mãi của mình như những con sông lở – đất đai, địa danh, nhà cửa, con người… bị đứt rời, cắt khúc, mất tích vào khoảng không mênh mông của dòng nước “Cuộc hẹn không thành vì nửa đêm sông Di đã mang Hường đi. Quán Tầm Sương chìm vào lòng sông sau một tiếng gầm thảng thốt. Dân Ngã Chín không lạ gì với việc mất một ai đó, một căn phòng nào đó biến mất. Họ quen với việc một người ngồi cạnh mình bỗng dưng lọt tõm vào một hố sâu nào. Mọi sự biến mất đã trở nên bình thường, họ thò đôi đũa ra để gắp thức ăn thì không thấy mâm cơm đâu nữa, họ với tay lấy áo mặc sau khi tắm xong thì nó không còn ở đó, họ đứng dậy rót rượu và cái ghế vẫn còn ấm hơi người lẳng lặng rơi xuống sông và người kia thì ngồi phịch vào khoảng không, cũng biến mất” (Nguyễn Ngọc Tư 2012: 32). Mỗi bước chân mà Ân đặt đến ở những nhánh của con sông Di là những phận người trên mỗi khúc của dòng sông ấy. Tình trạng biến đổi khí hậu giăng mắc khắp nơi. Là chỗ hạ nguồn có cái tên lạ Mù Sa, nơi người ta sẵn sàng cho những cuộc đi, tất cả đều được bỏ trong các thùng mì tôm “Xóm cồn nhà nào cũng thấp, phần lớn cất bằng vật liệu tạm bợ. Cả xóm như đang dợm bỏ đi. Đồ đạc gói gém trong mấy cái thùng mì tôm, thùng bột ngọt” (Nguyễn Ngọc Tư 2012: 33). Là một địa danh bất kì cách Sài Gòn 448km, mà kí ức về cánh rừng trôi vẫn còn mồn một trong tâm trí của bà già “nửa đêm có vạt rừng rùng rùng trôi ra biển, trên đó có khi cả một cái xóm, người ta và chó gà” (Nguyễn Ngọc Tư 2012: 39). Một trong những điểm làm nên phần hấp dẫn của tiểu thuyết là phần dư, những yếu tố ngoài cốt truyện. Sông hấp dẫn người đọc không phải chỉ là cái cốt truyện thời thượng về đề tài đồng tính, là những chuyến đi phượt của giới trẻ, và cái chán chường hoang mang của những người trẻ mà theo hành trình du khảo, người đọc nhận thấy không chỉ số phận con người mà số phận của sông. Đúng hơn, số phận của sông đã làm nên những phận người: Cái cảm giác lúc nào cũng “Thấp thỏm. Nơm nớp. Côi cút”. Khắp các trang viết là nỗi ai hoài trước vẻ đẹp tự nhiên ngày một nhạt phai, phập phồng một nỗi âu lo về những hiểm họa thiên nhiên đe dọa cuộc sống của người dân cực Nam tổ quốc “Mười bảy bài báo cậu đọc được trên mạng nói về sạt lở đất trên một trăm cây số vuông từ Yên Hoa đến dốc Sương Mù” (Nguyễn Ngọc Tư 2012: 34).
Một quốc gia vùng nhiệt đới, hẳn nhiên phải đối mặt với thời tiết cực đoan, hết lũ lụt lại hạn hán. Cánh đồng bất tận mở ra bằng một hành trình khô hạn trên cánh đồng: “mùa hạn hung hãn dường như cũng gom hết nắng đổ xuống nơi này” , “trong một mùa hạn nóng bỏng, bất thường”, “nắng rất dài”, “mùa mưa vẫn còn xa lắm”, “nắng võ vàng trên những cánh đồng hoang lạnh”, “nắng giữa trưa nóng rát”, “nắng như tát lửa”. Hạn hán là thảm họa đối với người nông dân. Trong Sầu trên đỉnh Puvan Vĩnh lên núi săn hoa sầu đông huyền thoại, được cậu bé Củi, một người dân bản địa phải chịu “13 tháng nắng hạn liên tiếp” tức là “hơn bốn trăm ngày nắng như thiêu như rang” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 45) kể về cực khổ của cuộc sống đối mặt với hạn hán, đàn dê của Củi chết hết, chỉ còn một con. Nắng thậm chí làm cho cả nước mắt cũng ráo hoảnh “dường như nước mắt cũng bị cái nắng dai dẳng rút cạn, bay hơi đi” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 50).
Các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư mang tâm thế của con người thời
hiện đại bị văn minh dồn đuổi, nhận ra sự mất mát của tự nhiên. Thiên nhiên bị
hi sinh cho những mục đích thực dụng của con người. Quá trình Di nhận công việc
ở Viện Di sản thiên nhiên và con người với một tâm trạng hào hứng nhiệt tâm (Di
đã cố để níu giữ những vẻ đẹp trên cõi đời này, háo hức vì những vẻ đẹp được cất
giữ trong Viện) đến khi rời bỏ công việc là quá trình thức nhận của nhân vật: từ
cái nhìn lí tưởng hóa sang cái nhìn đầy tỉnh táo về thực tế: con người bức tử tự
nhiên rồi lại tự an ủi mình bằng những hình thức lưu giữ đầy giả tạo thế giới tự
nhiên. Di nhận thấy những vẻ đẹp bị nhốt trong Viện là những vẻ đẹp chết,
không có sinh sắc của sự sống. Lắng nghe tiếng kêu cứu từ tự nhiên, Di và những
kẻ mê đắm thiên nhiên trong Viện Di sản thiên nhiên và con người như Nhứt,
Trúc, “Anh” đều có “cảm giác mất mát thật rõ ràng”; “Những vẻ đẹp được nhốt
trong phòng lưu giữ của Viện là những tiếng kêu thét tuyệt vọng, bất lực trước
mất mát, sự run rẩy của nỗi buồn, bởi quá nhiều thứ ta không bao giờ thấy lại
ngoài đời” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 155), bởi ở đó là tiếng gọi khẩn thiết về sự
biến mất dần của vẻ đẹp tự nhiên, là “sự níu kéo vô vọng”. Chị Trúc đưa đơn xin
thôi việc khi vùng đất Thổ Sầu “người ta bắt đầu tới vùng thảo nguyên Thổ Sầu xới
tung nó lên khai thác quặng, nơi đó biến thành một đại công trường”. Anh bồn chồn,
bối rối, sốt ruột vì “cánh rừng hai trăm năm tuổi… Năm sau, người ta sẽ san phẳng
chúng và trồng lên một khu công nghiệp lớn nhất nước” (Nguyễn Ngọc Tư 2010:
155).
Những cuộc đi của các nhân vật rõ ràng không phải khám phá những
vùng đất lạ, chinh phục thiên nhiên hoang dã… mà đi để nhận ra sự cỗi cằn, để
trải nghiệm thân phận nạn nhân trước sự khủng hoảng sinh thái. Cách viết này của
Nguyễn Ngọc Tư từ chối cách nhìn ngạo mạn về “đại tự sự” con người khắc phục
hoàn cảnh, cải tạo tự nhiên… một chiều. Tự nhiên có sinh mệnh riêng và ảnh hưởng
đến con người, không phải như diễn ngôn ngạo mạn mà con người vẫn thường rêu
rao về sự khắc phục tự nhiên, yêu cầu tự nhiên phải phục tùng ý chí của con người.
“Mặc dù con người đã bỏ ra bao nhiêu nỗ lực để giữ cho mình cái địa vị thống trị,
thì có phải tự nhiên chỉ mang một thân phận lệ thuộc hay không khi thực sự
chúng ta đã và đang tiếp tục được nó nhắc nhở lại về một thứ địa vị thực sự
thông qua mỗi trận động đất, mỗi lần núi lửa phun trào, những ngôi sao chổi vụt
qua, cũng như việc không ai có thể dự đoán được một cách chính xác sự thay đổi
thất thường của thời tiết” (R. Kate, 2017: 59).
Hầu hết các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư sống, lớn lên và vật
lộn trên mảnh đất của mình nên đó là cái nhìn của người trong cuộc, đứng trước
đổi thay, phai nhạt của quê hương thấy xót xa, đắng đót. Người nông dân hàng
ngày đối diện với bờ kênh, con rạch, mảnh ruộng… nên cảm nhận về những tai họa
của tự nhiên: đất lở, núi lở, hạn hán, xâm ngập mặn, mùa nước nổi kéo dài… thật
cụ thể, chân thực. Nhiều ý kiến cho rằng Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn của “miệt vườn”
Nam Bộ nhưng kì thực, đọc truyện, thi thoảng lắm mới thấy hình ảnh cây trái xum
xuê còn hầu như là sự phai màu của đất, sự biến mất của tự nhiên tươi đẹp, những
thảm họa thiên nhiên trút xuống… Hành trình lưu lạc của các nhân vật thức nhận
về số phận của người nông dân trước hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu.
Phiêu lưu – hay là hành trình phản lãng mạn
Trên thế giới, tiểu thuyết phiêu lưu trở thành thể loại yêu
thích Trên sa mạc và trong rừng thẳm, Tám mươi ngày vòng quanh thế giới, Người
tình…, văn học phiêu lưu gắn với phong trào phát kiến địa lí, tiểu thuyết phiêu
lưu khám phá những điều mới lạ ở những vùng đất mới. Văn học Việt Nam, đề tài
phiêu lưu cũng được yêu thích: Nguyễn Tuân với “chủ nghĩa xê dịch”, đi để trốn
cái bức bối của xã hội thị dân, của môi trường công chức tù hãm, nhạt nhẽo,
ganh ghét, cảm giác bức bối không thoát ra được, phải đi để vượt thoát là tâm
trạng của Thiếu quê hương, Chiếc lư đồng mắt cua… Ngày nay, phong trào du
lịch sinh thái giúp thỏa mãn khát vọng khám phá những vùng đất lạ, những trải
nghiệm mới mẻ… Tuy nhiên Grey Garrard trong chuyên luận Phê bình sinh thái (thuật
ngữ phê bình mới) (Ecocriticism (The New Critical Idiom, 2004) đã chất
vấn và khéo léo đưa người đọc qua những cạm bẫy của lí thuyết, đào sâu vào những
tranh luận chính của phê bình sinh thái hôm nay. Ông cho rằng “những cách thức
chuyển nghĩa đồng quê (pastoral) và hoang dã (wilderness) ngụ ý là không gian
thẩm mĩ du lịch” (G. Grey, 2004: 108). Ông chỉ ra rằng, dưới cái nhìn của các
nhà phê bình sinh thái, văn chương thôn dã (pastoral) là “những mô tả cố tình lảng
tránh hay đầy hư ngụy về đời sống nông thôn” (G. Grey, 2004: 38).
Vùng đất và con người Nam Bộ qua truyện ngắn của Nguyễn Ngọc
Tư không phải là vùng cực Nam giàu có về sản vật cây trái, trữ tình thơ mộng
trên sông nước mà là những chi tiết dữ dội: bờ kinh dập dìu gái điếm, những người
đàn bà đánh ghen bằng bạo lực, tên cán bộ kiểm dịch háo sắc… sự nghèo nàn, dốt
nát với những đứa trẻ tên Thù, tên Hận hung hãn, ít học… (Cánh đồng bất tận).
Là cô gái có số phận trớ trêu của làn sóng kết hôn với chồng ngoại quốc như Dịu
(Sầu trên đỉnh Puvan): giả vờ li dị chồng sang Đài Loan làm việc, bị ông chủ
hãm hiếp, trở về làng trong bẽ bàng, đau xót với người chồng cũ. Dù tình thương
của chồng vô bờ bến, thông cảm với đứa bé trong bụng, cô không thể chịu đựng được,
để con lại cho mẹ đẻ nuôi, cô bỏ ra Sài Gòn làm gái mại dâm. Cuộc đời của cô trở
nên xiêu dạt, đau khổ, day dứt, người phụ nữ nông dân trở nên chống chếnh,
chông chênh như là rời khỏi sức mạnh ngàn đời nương tựa.
Vĩnh (Sầu trên đỉnh PuVan) một chàng trai thành phố ưa thích
khám phá, ngược núi ngắm cánh sầu đông nở hoa bằng một thái độ chiêm bái trước
tự nhiên huyền bí, hoa sầu đông chỉ nở hoa vào cơn mưa đầu tiên sau 12 tháng nắng
liên tiếp. Vĩnh đam mê với vẻ đẹp lạ lùng “Vĩnh thì như phát điên, như đang mộng
du khi những vòm lá chết của những cây sầu bỗng phát sáng” (Nguyễn Ngọc Tư
2009: 59). Thế nhưng, thái độ chiêm bái tự nhiên của Vĩnh đối lập với cái nhìn
của Củi, thằng bé chăn dê dưới chân núi về hoa sầu đông là cái nhìn của người
dân bản địa sinh sống nhọc nhằn trên mảnh đất khó khăn vất vả “Đồ quỉ – cây đó
xài không được, dê còn chê, hổng biết mọc làm chi mà vô duyên vô dùng. Má tui
nói cây sầu sống bằng xương dê, xương trâu bò, năm nào bầy dê nhà tui chết nhiều
sầu mới trổ bông…”; “Trong mắt nó bông sầu còn tệ hơn bông bí vì bông bí ăn được”
(Nguyễn Ngọc Tư 2009: 45). Đặt niềm say mê hoa sầu một cách mộng mị của Vĩnh
bên cạnh sự nếm trải cay cực của Củi và của những người dân sống trong hạn hán,
Nguyễn Ngọc Tư cho thấy người thành phố không hiểu nỗi khổ của người nông dân
“Dịu đọc được sự căm ghét những kẻ vì bông sầu mà đã cầu mong cơn nắng thật
dài, không cần biết nơi này những bầy dê chết cong queo trên đồng cỏ cháy”
(Nguyễn Ngọc Tư 2009: 58). Nhưng chàng trai thành phố, coi thiên nhiên nhiên là
đối tượng để thưởng ngoạn, khi không còn gì để khám phá nữa Vĩnh cảm thấy đời sống
thật nhạt nhẽo “Anh thấy sợ hãi ngày mai trống rỗng kia. Hoang mang. Ngơ ngác.
Rã rời. Vụn nát”. Đó là cảm giác về nỗi cô độc. Thiên nhiên nhắc nhớ cho Vĩnh về
nỗi cô đơn, sự vô nghĩa của kiếp người. Trong mắt Vĩnh, hoa biểu tượng cho sự hủy
diệt “bông sầu đã rụng tả tơi, những bông sầu bầm lại như máu khô. Và Vĩnh treo
mình lửng lơ trên cành sầu khẳng khiu, trơ trụi… Đỉnh núi mờ sương xào xạc gió,
như đang day diết lại lời nguyền…. những cây sầu giết người” (Nguyễn Ngọc Tư
2009: 60). Từ chối trở về cuộc sống hàng ngày dưới kia đầy đau đớn, mệt nhọc,
chán chường, anh lựa chọn cái chết giữa tự nhiên. Những cách hoa vô tư, sáng
trong đã giúp Vĩnh trút bỏ được nỗi ưu phiền, nặng nợ trần gian với trái tim u
sầu, mệt mỏi. Như vậy, con người thời hiện đại không còn tìm lại được cái bình
yên giữa thiên nhiên, họ ngắm thiên nhiên không phải để thấy cái an nhiên tĩnh
tại trong lòng mà để thấm thía niềm cô độc giữa cõi đời mênh mông này.
Alison Byerly phê phán: cảm thức về phong cảnh đã tác động đến
cách bài trí cảnh quan, việc “thẩm mĩ hóa cảnh quan” đã tái tạo nhiều khu vực tự
nhiên theo cách sắp đặt của họ “Việc thẩm mĩ hóa cảnh quan kiểu này đã xóa bỏ
nó khỏi địa hạt tự nhiên và xác định nó như một đối tượng hợp pháp của sự tiêu
dùng nghệ thuật” (B. Alison, 2017: 215). Trong tiểu thuyết Sông, Lệ Kiều
phẳng phiu, đẹp đẽ đã được tạo ra bằng cách thức như vậy. Đẩy người dân bản địa
ra khỏi không gian cư trú để xây dựng một không gian mĩ lệ, xinh đẹp, phăng
phiu. Vùng Thổ Sầu, để phát triển du lịch, người ta cố tình để các không gian
cũ kĩ, mục nát, nghèo khổ, lam lũ… điều đó làm thỏa mãn vẻ hiếu kì của khách du
lịch nhưng lại khiến những người dân bản địa sống trong không gian ấy cảm thấy
bất tiện, khó khăn “chái bếp nhà tôi sập do mối ăn, nhưng không lợp được, phải
chờ mưa nắng cho mớ lá mới ngả màu cũ kĩ một chút” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 94).
Những hình thức du lịch theo trào lưu, hòa nhập vào thiên nhiên dưới cái tên mĩ
miều “du lịch sinh thái” được Nguyễn Ngọc Tư bóc trần và phê phán một cách sâu
sắc. Chẳng những không cảm nhận được cái huyền nhiệm của tự nhiên mà còn phá hủy
tự nhiên, kéo theo đó là những tệ nạn xã hội. Những khung hình đẹp về những
vùng quê đẹp đẽ thực chất che dấu sau đó những cằn cỗi, nhếch nhác: Băng Khâu
là một vùng núi bị biến thành khu du lịch không có quy hoạch, nham nhở (như là
những chiếc băng khâu); hồ Thiêng ngập đầy những rác và tệ nạn mại dâm…
Các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư mang tâm thế của con người thời
hiện đại bị văn minh dồn đuổi, nhận ra sự mất mát của tự nhiên. Thiên nhiên bị
hi sinh cho những mục đích thực dụng của con người. Trong tác phẩm có tính chất
luận đề Khói trời lộng lẫy, thông qua những cảnh báo về việc con người đã
biến thiên nhiên thành đại công trường, khu công nghiệp, nhà ở, thành phố… “xua
đuổi thiên nhiên đi xa”, “hạ nhục tự nhiên”, can thiệp thô bạo vào vẻ đẹp
nguyên sơ Nguyễn Ngọc Tư cảnh báo “Con người hủy hoại thiên nhiên bằng cách hạ
nhục nó. Thiên nhiên trả thù bằng cách nó biến mất” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 153).
Vẻ đẹp bị nhốt trong Viện là những vẻ đẹp chết, không có sinh sắc của sự sống.
Người đọc nhận ra một tiếng nói khẩn thiết, mãnh liệt về một tấm lòng tha thiết
với thiên nhiên, mê đắm với vẻ đẹp của cành hoa ngọn cỏ, đau đớn trước sự mất dần
của thiên nhiên tươi đẹp, chua chát trước sự tàn hại của con người.
Lời cảnh tỉnh này được Nguyễn Ngọc Tư phát biểu rõ hơn qua tiểu
thuyết Sông về dân tộc Đào, một dân tộc hùng mạnh trên cao nguyên Thượng
Sơn đã bị diệt vong: “Thương lái Hoa Bắc mua bất cứ thứ gì nơi này có. Từ bụi cỏ
sa lệ cao chỉ bằng ngón tay cho đến những thân gỗ nghiến giữa đại ngàn… Đất đá.
Vật dụng. Cây cỏ… Giờ thì người Đào bán đến cả nội tạng và trẻ con”, “Sự tàn rã
lặng lẽ phủ lên cái mặt đất lởm khởm những hang hốc, trơ trụi không có bóng
cây, thưa vắng người”, “giữa vùng Thượng sơn mà không nghe thấy tiếng thú rừng
táo tác trong đêm. Có lẽ chúng cũng bị săn bán” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 183). Như
một ẩn dụ về thế giới của loài người: khi người ta chỉ sống ích kỉ, biếng nhác,
coi tự nhiên chỉ là nguồn lợi để phát triển kinh tế (chỉ chăm chăm để bán), là
đối tượng để bóc lột thì tất yếu sẽ diệt vong. Điều này cũng đã từng xảy ra với
nhiều nền văn minh trên thế giới. Một số nhà khoa học giả thuyết rằng các nền
văn minh Maya, nền văn minh Mesopotamia, nền văn minh Crete… đã tiêu vong vì nạn
phá rừng (để xây dựng các thành phố, đóng thuyền bè…) dẫn tới việc khí hậu trở
nên khắc nghiệt và dẫn tới diệt vong. Thiên nhiên, cái tưởng như vĩnh hằng cũng
dễ bị thương tổn như thế nào và thực chất rất mong manh.
Kết thúc hành trình cuối cùng ở Túi, Ân nhớ về cuộc hội ngộ với
sông Di lần đầu tiên là một trận lũ “thực sự ở đây là cái biển rồi”: “Cậu gặp
sông Di lần đầu. Hung hãn một cách ráo riết, cay nghiệt. Mặt sông là cái xoáy
nước đỏ ngầu cuộn xiết. Không có bờ. Hệ thống các con sông lớn ở miền Hạ chìm
trong một trận lũ lụt được cho là lớn nhất trong một trăm năm trở lại… Ở mái
nhà sắp chìm lút, những cánh tay đen đúa thò khỏi mớ ngói vẫy vẫy. Trên cái đệm
cao su rách rã trôi qua có một em bé chừng hai tuổi nằm như ngủ, nước săm sắp đến
vành tai. Nửa dưới để truồng, da xanh ngắt. Cậu không khóc được khi ôm xác em
nhỏ trên tay” (Nguyễn Ngọc Tư 2010: 211). Mở đầu và kết thúc hành trình du khảo
sông Di ở Túi bằng một “Đại hồng thủy” (Ngay cả tên địa danh là “Túi” hẳn có một
hàm nghĩa như là hình tượng trái bầu trong những cơn đại hồng thủy) tiểu thuyết Sông của
Nguyễn Ngọc Tư như là một ẩn dụ về sức mạnh của sinh mệnh tự nhiên.
Với thông điệp nhức nhối về môi trường, bằng cái nhìn sắc sảo
và niềm ưu tư với những đổi thay của Nam Bộ, Nguyễn Ngọc Tư đã lôi ra ánh sáng
những ảo tưởng về du lịch sinh thái, phản đề về những diễn ngôn đầy huyền thoại
về một Nam Bộ giàu có về sản vật, cây trái. Những mất mát, đau đớn, chua chát…
thể hiện qua một giọng văn vừa giễu nhại, vừa trữ tình cất lên từ một tâm hồn
đã bén rễ rất sâu vào mảnh đất Nam Bộ.
***
Vẫn là tiếp nối cảm thức lưu lạc trong văn học truyền thống
Nam Bộ nhưng Nguyễn Ngọc Tư đem đến những vấn đề mới mẻ mang hơi thở thời hiện
đại, phản đề về cái nhìn mang tính thẩm mĩ du lịch, những ảo vọng về thiên đường
miền sông nước để nhận chân một Nam Bộ khác, một Nam Bộ phải đối diện với tất cả
khủng hoảng của thời đại biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến từng ngôi nhà, ngõ phố,
con sông… Quan trọng hơn, tác giả đã phản ảnh trung thực với một nỗi ưu sầu day
dứt về trách nhiệm của con người trước tình trạng môi trường sống ngày càng tồi
tệ đi.
Văn học cần có những tiếng nói dấn thân “Sự suy thoái hệ sinh
thái của một quốc gia không chỉ quy trách nhiệm cho những người quản lý đất nước
mà cả cho sự thờ ơ của từng công dân, trong đó có những nhà văn” (Huỳnh
Như Phương, 2013) góp phần trách nhiệm về những khủng hoảng môi trường con người
đang đối diện. Bằng cách đặt vấn đề sắc nhọn, trực diện không né tránh với một
tấm lòng thiết tha trĩu nặng ưu tư trước những số phận người nông dân mà cuộc sống,
mưu sinh, hi vọng, cái chết gắn với sông nước Nguyễn Ngọc Tư đã góp một tiếng
nói để hình thành nên chủ nghĩa nhân văn sinh thái (ecology humanism).
TS TRẦN THỊ ÁNH NGUYỆT
Tài liệu trích dẫn:
Byerly, Alison. 2017. “Giá trị của cánh quan: mĩ học phong cảnh
và hệ thống vườn quốc gia”, Lê Quốc Hiếu dịch và tổng thuật, Phê bình sinh
thái là gì?. Hoàng Tố Mai (chủ biên). Hà Nội: Nxb Hội Nhà văn.
Mạc Can. 2016. Tấm ván phóng dao. Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ
Glotfelty, Chellry. 1996. “Introduction: Literary Studies in
an Age of Enviromental Crisis”. The Ecocriticism Reader: Landmarks in
Literary Ecology. edited by Cheryll Glotfelty and Harold Fromm. Athens and
London: University of Georgia Press.
Garrard, Grey. 2004. Ecocriticism (The New Critical
Idiom). London and New York: Routledge.
Đoàn Giỏi. 2018. Đất rừng phương Nam. Hà Nội: Nxb Kim Đồng
Rigby, Kate . (2017), Chapter 7: “Ecocritisim”, Introducing
Criticism at the Twenty -First Century, Edinburgh UP, Đặng Thị Thái Hà dịch, Phê
bình sinh thái là gì?, Hoàng Tố Mai (chủ biên). Hà Nội: Nxb. Hội Nhà văn.
Sơn Nam. 2104. Hương rừng Cà Mau. Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ.
Huỳnh Như Phương. 2013. Mùa xuân, sinh thái và văn
chương. http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn
Bùi Thanh Truyền. 2018. “Diễn trình sinh thái trong văn xuôi
Nam bộ”, Tạp chí Sông Hương, Số
Nguyễn Ngọc Tư. 2009. Gió lẻ và 9 câu chuyện khác. Hồ
Chí Minh: Nxb Trẻ.
Nguyễn Ngọc Tư. 2010. Khói trời lộng lẫy. Hồ Chí Minh:
Nxb Thời đại.
Nguyễn Ngọc Tư. 2010. Cánh đồng bất tận. Hồ Chí Minh:
Nxb Trẻ.
Nguyễn Ngọc Tư. 2012. Sông. Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội, Viện Khoa học xã hội
vùng Nam Bộ, số 241, 09-2018
21/8/2021
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Văn học, số 5-5/2011
Theo https://vanhocsaigon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét