Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Tôi đã "đạo" văn như thế nào

Tôi đã "đạo" văn như thế nào

Mấy hôm nay trên mạng diễn ra một cuộc tranh luận hiện đang còn bất phân thắng bại. Song điều đó không mấy quan trọng. Trong tranh luận văn nghệ, đôi khi quan trọng không phải kết quả. Quan trọng là quá trình và… thái độ. Tôi rất lấy làm mừng, lần tranh luận này đã mở ra một vấn đề khá cơ bản của lí luận và thực tiễn sáng tác văn học: liên văn bản và đạo văn. Đã đến lúc cần phân biệt thế nào là liên văn bản và thế nào là đạo văn.
Không khí tranh luận tuy nóng, nhưng không ai nóng tính, tranh luận bằng văn chữ, không bằng võ chữ. Ấy là tôi mới chỉ nhận xét về một bên. Còn phía bên kia, đại diện là nhà thơ Trần Mạnh Hảo, người cho rằng bài thơ Mùa thi đổ lửa của Văn Gía đăng trên Văn Nghệ bộ mới, là đạo ca từ trong bài Ngẫu hứng phố của Trần Tiến, không hiểu sao còn chưa đưa ra ý kiến của mình, nên tôi không lạm bàn.
Nhà phê bình Đào Tuấn Ảnh
Và tôi có ý chờ các nhà lí luận vào cuộc. Cuối cùng thì nhà lí luận Nguyễn Văn Dân hôm qua cũng đã xuất hiện và đưa hẳn lên tút mục từ “Liên văn bản” trong cuốn từ điển Mĩ học sắp ra của ông. Sau khi tiếp thu ý kiến của độc giả đòi phân biệt giữa đạo văn với liên văn bản, lát sau ông, không giải thích sự khác biệt giữa 2 khái niệm này, mà đưa hẳn 2 trích đoạn nói về đạo văn của một nhà nghiên cứu nước ngoài. Tôi xin chép lại nguyên văn:
1/ “Những nghiên cứu về liên văn bản cho thấy tác phẩm giống như một bản viết trong đó các văn bản chồng lấn lên nhau đến vô cùng. Từ đó, đạo văn được xếp vào trong một thủ pháp thẩm mỹ viết lại và cùng lúc nó thoát khỏi mọi nội hàm đạo đức để trở thành một vấn đề văn học thực sự”.
2/ “Theo quan điểm này, đạo văn tỏ ra là một dạng liên văn bản ‘hợp pháp’, thậm chí là một hành vi sáng tạo thực sự. (…) nhìn từ góc độ thẩm mỹ, nó hoàn toàn ‘có thể tha thứ được’ và thậm chí còn có thể tạo ra một tác phẩm độc đáo” (Marie-Hélène Beaudry, 2011).
Nếu tin tưởng ý kiến của nhà liên văn bản học này, thì chỉ còn nước thốt lên: ôi trời, có thế thôi mà mấy ngày nay cứ ầm ĩ hết cả lên! Mới biết cái từ “đạo văn” ở ta nó khiếp thật, tội đạo văn được xếp trên tội tham nhũng và sau mỗi tội phản quốc! Có điều, để phân biệt thứ đạo văn “chân chất”, diễn nôm là “thuổng”  mà ta không khó nhận ra ở một vài cuốn sách, những luận văn, luận án (chép y xì cả đoạn dài khự, thậm chí vài chục trang với đầy đủ các dấu chấm dấu phẩy), thì phải rất lưu ý tới điều cốt lõi mà hai đoạn trích nêu trên nhấn mạnh: “thủ pháp thẩm mĩ viết lại”, “hành vi sáng tạo thức sự”, “tạo ra tác phẩm độc đáo”. Điều đó có nghĩa, cũng một thủ pháp nghệ thuật, một chất liệu ngôn từ, mô típ, hình tượng… nhưng người đi sau phải cho ra được sản phẩm Mới, có tính sáng tạo, tức tạo được trường nghĩa mới có khả năng mở rộng để tham gia vào các liên văn bản khác và đầy chất thẩm mĩ. Nó khác hẳn với sự bệ nguyên xi cái của người khác rồi chắp vá vào sản phẩm của mình, không sáng tạo, phi thẩm mĩ, bởi nó chỉ là một mụn vá!
Để hiểu thêm vấn đề tôi dẫn ra đây cuộc đối thoại giữa tôi và nhà vật lí – nhà văn Gia Ninh Trần trên fb (không hiểu sao các nhà tự nhiên thường khi rời bỏ lĩnh vực của mình toàn nhảy sang văn chương nghệ thuật). Ông viết: “Mỗ viết văn nghiệp dư, chả học hành trường lớp gì, chỉ có đọc sách đông tây kim cổ, đủ thứ tiếng có thể hiểu. Thế chắc chắn là văn phong ý tứ, câu chữ của thiên hạ chui vào đầu cả đống, chả biết của ai nữa, thành một mớ hổ lốn nó nhảy múa trong đầu, vô thức viết ra, thế nào cũng bị quy là đạo văn rồi. Vậy thì nhận tội trước là đạo văn vô thức cho nó lành, khỏi phiền đến các văn nhân, nhà phê bình chuyên nghiệp. (Bác nhà văn này rất giống bần cố nông xưa, chưa gì đã nhận mình là địa chủ với đầy đủ tội lỗi để đỡ bị vu, quy thành phần, do đó đỡ bị đấu tố). Và tôi đã trả lời: “Anh nói thành lí luận rồi đấy ạ. Cái mớ hỗn độn chứa trong vô thức ấy chính là phông nền văn hóa. Đọc ai đó dễ nhận thấy cái phông nền đó mỏng hay dầy”. Người viết mà phông nền văn hóa (cũng là một thứ liên văn bản) mỏng như lưỡi mèo thì việc thuổng văn của người khác là điều không khó hiểu lắm. Còn nếu dầy, thì việc gì phải xoắn trước những lời vu vạ!
Trong cái tút trích đoạn kết truyện Bà đỡ, tôi cũng tự nhận mình “đạo văn” và mời mọi người tìm ra cái sự đạo ấy. Kết quả: người cho rằng câu cuối cùng: “Bà ơi, thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình” – là ca từ của Trần Tiến (lại Trần Tiến!). Nhưng cho rằng tôi “không đạo” vì nói rõ “lắng nghe tiếng nhạc trong con tim đang thổn thức” và ca từ của Trần Tiến được in nghiêng. Có người thì cho rằng câu đầu là đạo Dế mèn; người khác – đạo tận bài thơ Em bé Hiroshima của ông Nazim Hickmet! Cuối cùng họa sĩ Ba Tỉnh đoán đúng, câu “dõi theo khói hương vẽ nẻo, tôi ngước nhìn lên chốn cao xanh” là đạo từ câu thơ “Khói hương vẽ nẻo đường lên niết bàn” trong bài Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy. Nhưng vẫn chưa đủ, tôi còn đạo một câu thơ nữa của ông, khi viết “Mùa thu năm ấy tôi về quê thăm bà ngoại giờ chỉ còn là một nấm đất phủ đầy cúc dại, khúc tần.…”. Những ai từng đọc và nhớ thơ Nguyễn Duy, hẳn biết ý này có trong bài thơ nào của ông.
Vấn đề đạo văn và liên văn bản là vấn đề phức tạp và tinh tế, đòi hỏi được chú ý để: phát triển, bổ sung vào lí thuyết liên văn bản (điều các nhà lí luận của ta có thể làm và làm tốt được); đóng góp thiết thực cho những thực hành thẩm mĩ của giới sáng tác; ngoài chuyện vạch rõ hành vi phi đạo đức của những kẻ lười và vô trách nhiệm khi thuổng văn của người khác, quan trọng hơn, còn là cố gắng đừng làm tổn thương đạo đức, tinh thần của người khác. Nhưng với một bài trên fb không thể viết dài và thấu đáo được. Tuy vậy, tôi cũng cố nói thêm một chút: Từ những điều viết trên đây, thấy rõ rằng, tôi mới chỉ nói tới đạo văn như một hành vi thẩm mĩ, như sự đồng điệu trên mọi cấp độ của các văn bản, như thước đo phông nền văn hóa của người viết và người đọc. Nói ngắn gọn, mới chỉ nói tới khía cạnh tiếp nhận và ảnh hưởng của văn học. Đạo văn (tức là khái niệm mang tính tích cực mĩ học như Marie-Hélène Beaudry khẳng định) còn rất nhiều các khía cạnh khác nữa, mà ở đây tôi chỉ có thể nêu thêm một cái nữa thôi, để phòng tránh những điều dở khóc dở cười có thể xẩy ra, đó là sự tương đồng về cấu trúc tư duy-xúc cảm của những người sáng tác trước những hiện tượng giống nhau. Trong bài viết gần đây của nhà văn Đinh Văn Chinh, có chi tiết ông gọi là “quy chiếu rộng” khi nói tới sự giống nhau (tới 7 chữ) giữa 2 câu thơ, 1- của Hà Tốn (?-518) “Mây mỏng bay lên từ đá núi/ Trăng non nhô lên trên sóng” và 2- của Đỗ Phủ (712-770) “Mây mỏng ngủ nhờ trên đá núi/ Trăng lẻ vươn mình trên sóng khơi” và khẳng định: Suốt 1251 năm qua, cả Trung Quốc lẫn Việt Nam không ai bảo Đỗ Phủ đạo thơ của Hà Tốn. Và ông nhận xét: “Riêng cá nhân tôi, tôi thán phục Đỗ Phủ ở chỗ, có mấy thứ vật liệu như nhau mà qua bàn tay phù thủy Đỗ Phủ, vẻ đẹp ngôn từ trở nên sang trọng, lộng lẫy khác thường”. Cứ giả sử Đỗ Phủ có  đạo thơ của Hà Tốn đi (ngày ấy thơ ít, tác gỉa ít, họ đọc của nhau nhiều, chứ chả như bây giờ, người nào viết kẻ ấy đọc, cùng lắm là bắt vợ/chồng đọc), thì có làm sao, khi câu thơ, nhờ tài Đỗ Phủ mà “trở nên sang trọng, lộng lẫy khác thường”!. Chưa hết, cái sự tương đồng tư duy-xúc cảm trước hiện tượng tự nhiên “mây, núi” này còn khiến cho Lermontov ở thế kỉ 19 đã cho ra câu thơ tương đồng: “Đêm. Mây vàng ngủ lại/ Trên ngực đá khổng lồ” (mà A, Chekhov đã lấy làm đề tựa cho thiên truyện Dọc đường của ông). Bảo 2 cụ kia đạo nhau còn được, chứ bảo Lermontov đạo của 2 cụ kia thì chỉ là những người phông nền văn hóa mỏng như lá lúa, hoặc bằng o. Lại nữa, trong Kiều có câu “Thuyền tình vừa ghé tới nơi/ Thì đà gương vỡ bình rơi bao giờ” còn thủ lĩnh của chủ nghĩa Vị lai Nga Maiakovski thì có câu “Thuyền tình va phải đời thường vỡ tan”. Hình tượng “thuyền tình” có thể bơi tới bất cứ nơi đâu, neo đậu ở bất kì bài thơ nào “Chỉ có thuyền mới hiểu, biển mênh mông nhường nào”…
Trên đây là câu chuyện về đạo văn. Tôi buộc phải viết hơi dài, không phải để thanh minh cho bài thơ Mùa thi đổ lửa của Văn Gía, vì bài thơ ấy không cần phải thanh minh. Văn Giá không đạo-thuổng của ai hết. Anh sáng tạo ra bài thơ của mình; cũng không tranh luận với nhà thơ Trần Mạnh Hảo, vì bạn bè cùng trang lứa như anh Văn Chinh từng khuyên ông rồi, là đừng có làm ầm lên vì một chuyện không đâu vào đâu, mà ổng còn không nghe. Huống hồ tôi, một người không đủ tài và tầm để phá đổ bất cứ định kiến nào, nhất là định kiến của người có tuổi.
Điều tôi muốn ở đây, là thông qua câu chuyện này đặt và giải quyết (ở mức độ nào đó) một vấn đề quan trọng của lí luận và sáng tác văn học: liên văn bản. Có chút tri thức này rồi thì chúng ta, nhỡ có thấy ai đó dùng một hình tượng giống mình, cốt truyện na ná mình, một tứ thơ tương tự… thì cũng đừng vội nhảy dựng lên quy kết họ đạo văn mình. Cả một sinh mạng văn chương đấy.
Bài viết đã ngang ngửa một bài nghiên cứu. Tôi hứa sẽ không quay lại đề tài này.
ĐÀO TUẤN ẢNH
 
21/8/2021
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Văn học, số 5-5/2011
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bà lão Idecghin 1. Tôi được nghe kể những câu chuyện này ở gần Ackeman, trên bờ biển xứ Betxarabi. Một buổi tối, làm xong công việc ...