Lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ
Tập sách Lịch sử khai phá vùng đất Nam bộ
Tác giả: PGS. Huỳnh Lứa (Chủ biên)
Lê Quang Minh - Lê Văn Năm - Đỗ Hữu Nghiêm
Đồng bằng sông Cửu Long là đồng bằng rộng lớn nhất ở
Việt Nam, cũng là một trong số các đồng bằng rộng lớn trên thế giới. Đồng bằng
sông Cửu Long vốn là vùng sản xuất lương thực, nông sản hàng hóa, nông sản xuất
khẩu quan trọng nhất của Việt Nam.
Hơn một chục năm qua, từ sau ngày đánh sụp chế độ thực dân mới
của Mỹ, những biến đổi sâu sắc về xã hội đang diễn ra ở vùng này, trên một chục
triệu nhân dân đồng bằng sông Cửu Long đang chung sức sản xuất và xây dựng, làm
cho đồng bằng sông Cửu Long thành vùng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa và xứng
đáng ở vị trí hàng đầu trên mặt trận nông nghiệp. Bằng các biện pháp thâm canh,
tăng vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích canh tác, thay đổi
cơ cấu sản xuất, nhân dân đồng bằng sông Cửu Long không những từng bước đưa
năng suất, sản lượng lương thực, thực phẩm tăng lên mà còn mở ra một bộ mặt mới,
một triển vọng mới của vùng châu thổ này: một vùng nông nghiệp toàn diện, một
vùng nông sản nguyên liệu cho nông nghiệp và xuất khẩu, một vùng công nghiệp chế
biến. Đồng bằng sông Cửu Long cùng với miền Đông Nam Bộ và một số địa phương
khác gắn với Thành phố Hồ Chí Minh – trung tâm công nghiệp, khoa học kỹ thuật,
giao thương quốc tế – thành một khu vực lớn có cơ cấu kinh tế công nông nghiệp,
đang đóng góp rất tích cực và có hiệu quả vào việc xây dựng cơ cấu công nông
nghiệp cả nước.
Chủ trương của Đảng phát triển kinh tế – xã hội đồng bằng
sông Cửu Long đang thu hút hoạt động của các ngành khoa học. Khoa học tự nhiên,
khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội kết hợp với nhau điều tra, nghiên cứu hiện
trạng, động thái tự nhiên và kinh tế, xã hội vùng này, đánh giá các nguồn tài
nguyên đó, làm căn cứ cho việc quy hoạch và kế hoạch hóa vùng này phù hợp với
các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội chung cả nước.
Xuất phát từ yêu cầu trên, từ năm 1979, Viện Khoa học Xã hội
tại Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện một số
chương trình nghiên cứu khoa học về đồng bằng sông Cửu Long và nghiên cứu vùng
này trong mối quan hệ gắn bó với Thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ và cả
nước. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội, sinh hoạt văn hóa hiện nay ở trong vùng là
những vấn đề được các ban Kinh tế học, Xã hội học, Dân tộc học, Văn học nghệ
thuật… tập trung nghiên cứu, trong khi các ban thuộc Khoa học Lịch sử (Khảo cổ
học, Sử học…) tập trung nghiên cứu sự hình thành và phát triển vùng này trong
quá khứ.
Cuốn sách Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ do PGS.
Huỳnh Lứa, Trưởng Ban Nghiên cứu Lịch sử của Viện Khoa học Xã hội chủ biên,
cùng với Lê Quang Minh, Lê Văn Năm, Nguyễn Nghị, Đỗ Hữu Nghiêm trình bày tiến
trình nhân dân ta khai khẩn và mở mang vùng này từ nửa cuối thế kỷ XVII đến giữa
thế kỷ XX, trước hết cũng là để phục vụ cho việc hiểu sâu và kỹ hơn hiện trạng,
động thái, tiềm năng của đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ, qua đó phục
vụ cho việc sử dụng, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và xã hội
vùng này phù hợp với nhu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước.
Chúng ta đều biết rằng môi trường tự nhiên đồng bằng sông Cửu
Long không giống nhiều vùng khác trên đất nước ta. Nó chứa đựng nhiều tiềm năng
vô cùng quý giá, thuận lợi, đồng thời cũng ẩn chứa trong nó những khó khăn
khách quan cho cây trồng, vật nuôi và đời sống con người. Lịch sử cũng cho biết
rằng vào thế kỷ XIII, sử cũ vẫn miêu tả vùng này là một vùng hoang vu, sình lầy,
sông rạch chằng chịt, cây rừng rậm rạp với hàng trăm hàng nghìn trâu rừng tụ họp.
Và từ thế kỷ XVII, khi người Việt khai phá vùng đất mới này, cảnh quan vùng đã
từng bước thay đổi nhanh: xóm làng trù phú, ruộng đồng phì nhiêu đẩy lùi đầm lầy,
cây dại, dã thú.
Các tác giả Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ đã cần
cù, nghiêm túc sưu tầm các tài liệu thư tịch cũ, khảo sát thực tế ở các địa
phương, tập hợp những tài liệu còn tản mác trong dân gian, trên cơ sở đó phân
tích, tổng hợp, dựng lại quá trình nhân dân ta khai phá vùng đất mới. Nói “khai
phá” vùng đất mới, các tác giả đã chú ý miêu tả quan hệ giữa xã hội, con người
với tự nhiên trước hết trong hoạt động sản xuất, tập trung miêu tả những quá
trình quan trọng của hoạt động sản xuất: di chuyển dân cư, khai hoang, làm thủy
lợi, khắc phục những trở ngại của điều kiện tự nhiên, trồng trọt, chăn nuôi,
làm thủ công nghiệp. Nhưng nắm biết được điều kiện tự nhiên, có phương thức,
phương tiện tận dụng những thuận lợi và chế ngự những khó khăn của tự nhiên đến
đâu là do trình độ phát triển của xã hội, con người. Các tác giả cũng chú ý
miêu tả nhân dân ta thời đó đã biết phát huy một cách sáng tạo như thế nào những
kinh nghiệm cổ truyền của dân tộc trong nghề trồng lúa nước đối với vùng đất mới,
đã biết phát huy như thế nào truyền thống văn hóa lâu đời Việt Nam mà đoàn kết
cộng đồng dân tộc Việt Nam trong xây dựng làng xã, tổ chức sản xuất, lưu thông
phân phối, bảo vệ đất nước.
Sự trình bày của các tác giả đã đưa tới kết luận: thế kỷ XVII
– XVIII, dân tộc Việt Nam ta khai phá được đất Đồng Nai – Gia Định, tức đồng bằng
sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ rất giàu tiềm năng nhưng cũng khó chinh phục,
là do chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, truyền thống của nền nông
nghiệp trồng lúa nước của nước ta cho dù thế lực phong kiến kìm hãm và áp bức,
bóc lột hà khắc, làm hạn chế tiến độ khẩn hoang và sản xuất nông nghiệp. Thế kỷ
XVII – XVIII, với một tổ chức xã hội đã phát triển cao, với sức lực của dân tộc
đang độ trưởng thành, dân tộc ta đã làm chủ vùng đất mới ở miền cực Nam Tổ quốc.
Tình hình đó càng làm cho chúng ta tự tin vào sự nghiệp to lớn mà nhân dân ta
đang làm ngày nay ở đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ: với tính ưu việt
của chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta sẽ phát huy được cao hơn nữa những truyền thống
tốt đẹp, sử dụng có hiệu quả những thành tựu khoa học kỹ thuật mới, biến tài
nguyên thiên nhiên đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ thành nguồn của
cải dồi dào phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.
27/1/2021
Huỳnh Lứa
Nguồn: NXB Tổng hợp Tp.HCM
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét