Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Những ngày xưa còn lại

Những ngày xưa còn lại

Những ngày xưa trở lại từ cú điện thoại đường đột của Ngần tận tây Nghệ An gọi ra Hà Nội cho tôi vào mờ sáng, tầm ít ai ra khỏi nhà. Đã lâu không về thủ đô, sợ lạc, anh ra ga đón em với nhé. Tôi hỏi lại, chuyến tàu sáng à? Ngần “dạ” như xưa, nhưng giọng pha Nghệ nặng hơn, nghe là lạ. Tôi đã chờ một lời hẹn thế này từ những năm tóc xanh mà Ngần biệt tăm. Sao muộn màng vậy em?
Mùa mưa năm 71. Đơn vị thanh niên xung phong của Ngần ở bên kia suối The. Bên này là bãi trú của đội xe tải Mặt trận, cánh lái toàn những tay hảo hán coi bom đạn như cái rác, háu gái. Chiều chiều hai bên ra suối tắm giặt vẫn đong đưa nhau. Có tay còn kiếm được cả cái ống nhòm. Ngần nổi lên trong đám các cô chanh chua, dáng cao, da nâu, mắt nâu sáng, tóc hanh màu hạt dẻ, mới lây tiếng “dạ” của mấy o miền Trung. Em đi hái rau tàu bay với anh nhé. Dạ. Sáng mai anh đi chợ Con Cuông chở thực phẩm, các em có mua gì không? Dạ. Anh nhớ em. Dạ nốt. Nói gì cũng “dạ” tuốt, thật khó biết ý tứ, tôi thử lòng nắm tay Ngần: Ngồi xuống đây với anh. Lại vẫn “dạ” nhưng Ngần không ngồi mà bước đi.
Nhà văn Hà Đình Cẩn
Miền tây Nghệ An đã không mưa thì thôi, chứ mưa thì sạt lở méo mó đồi núi. Đoạn suối mùa khô lội qua không ướt váy, vậy mà mới mưa trận đầu đã cuồn cuộn ngầu bọt, hăm dọa. Chờ tối nhọ mặt, quăng sợi dây rừng sang cho Ngần buộc vào gốc cây, tay ôm bó bồ kết, tôi sang. Bài bản của lính, “cưa” đổ người đẹp giống như cách đánh cao điểm, phải bóc dỡ từng lớp hàng rào phòng thủ rồi mới tiến lên làm chủ cao điểm. Lấy đó mà suy thì suốt tuần bơi qua suối lũ gặp Ngần nói đủ thứ chuyện mà tôi vẫn loay hoay gỡ mãi hàng rào “dạ” ở ngoài cùng vẫn chưa xong.
Mưa dần nặng hạt, trắng rừng. Mô đá hai đứa ngồi bữa trước, bữa nay nước phóng qua, tung bờm ngựa, khiếp vía. Không thể nán lại trong khu lán trại đang nổi lềnh phềnh trong dòng lũ, đơn vị thanh niên xung phong của Ngần kéo lên lưng núi, ở nhờ bản người dân tộc Tày Hảy. Cái hôm đội mưa kéo nhau về nhà dân, các chị các cô Tày Hảy nhìn chị em thanh niên xung phong từ chiến trường về mà lắc đầu. Con gái con lứa chưa chồng con mà người đuồn đuỗn, chân tay khô nhám như chân chim. Thế mà, thấp thoáng dăm bữa được ăn, được ngủ đẫy giấc, được rỗi rãi chải chuốt tóc tai, cô nào cô nấy đỏ đắn, phổng phao hẳn, cười nói rểnh rảng, rõ tươi.
Đêm ấy mưa tạnh. Trăng trong veo trên nóc rừng. Gần sáng chúng tôi nghe thấy tiếng súng bắn cấp cứu ngoài ngã ba. Loạt ba là báo tắc đường. Loạt năm báo có xe bị cháy. Các cô bắn liên thanh. Ai hy sinh trong đêm? Cánh lái lầu bầu, mẹ nó, đêm mưa cũng rình đánh bom. Trong nhoáng nhoàng đuốc, tôi nhận ra Ngần nằm thiêm thiếp trên cáng, mặt trắng bệch. Ngần làm sao? Chẳng ai trả lời cho thật rõ. Cô đội trưởng tên Phi, quần xắn ngang đùi, to lớn như hộ pháp, tay cầm đuốc, tay vung con dao phát, phừng phừng nổi giận, hét vào mặt cả đám: Đi! Lại hỏi: Đi đâu? Mắt Phi nảy lửa: Đi hỏi tội thằng đểu.
Như cháy nhà. Các cô loạn cả lên, rối tung rối mù. Tôi chạy theo tốp khiêng cáng. Số còn lại kéo theo cô đội trưởng để đi hỏi tội…
Chúng tôi cáng Ngần hò nhau chạy. Còn một quãng nữa là đến trạm cấp cứu thì Ngần tỉnh lại lơ ngơ: Em đang ở đâu thế này? Tôi dỗ em như dỗ trẻ với rất nhiều lý lẽ rằng em phải vào trạm xá để thuốc men, chuyện gì nói sau. Ngần “dạ”, nước mắt thành dòng trên má. Tưởng mọi chuyện đã êm xuôi, nhưng người khiêng võng nhúc nhích đi, cô ngồi vụt dậy, hai tay nắm mép võng, đòi đưa về đơn vị. Võng vẫn dùng dằng đi. Ngần hét toáng lên, không đưa cô quay trở lại thì cô cắn lưỡi. Chả ai có gan thách thức với Ngần vào lúc này. Võng đong đưa quay lại giữa lúc cơn mưa lại ào ào đổ xuống.
Chuyện của Ngần thì sau tôi mới tỏ. Tôi là tội phạm hay liên đới gây đau khổ cho cô trong cái đêm mùa mưa rừng bỗng chợt tạnh?
Một mình, tôi vừa đi vừa chạy trên con đường ngoằn ngoèo trong rừng tìm về bản Tày Hảy. Ngần đón tôi ở cổng bản, nơi có khúc gỗ mọc đầy nấm mộc nhĩ chắn ngang. Quy định miệng của đội thanh niên xung phong con gái cấm đi chơi xa nếu không có đứa nào đi theo bảo vệ… Cũng không ai được dập dìu với bạn trai ở lán trại để gây tơ tưởng cho người khác. Cổng bản là giới hạn điểm tiếp khách không xa, không gần. Tôi đã nói những lời tỏ tình. Ngần “dạ”, quẹt diêm soi lên mặt tôi. Bốn mắt nhìn nhau qua ngọn lửa đã cháy gần đến ngón tay cô. Que diêm tắt, tôi choàng tay lên vai Ngần. Từ cơ thể cô phả sang tôi luồng hơi nóng. Mặt Ngần chín dần, nhột nhạt y người đường đột lên cơn sốt. Bỗng nhiên chân tay Ngần thừa thãi, đờ đẫn. Thôi chết, em lên cơn sốt rét thật rồi. Ác tính thì nguy. Tôi kéo Ngần đứng dậy: Để anh đưa em về lán. Ngần hất tay tôi, nói như van: Em chịu thôi. Mặc em.
Đêm ấy là mười bốn tháng Bảy ta. Đêm áp Rằm tháng Bảy là đêm sinh nở của muôn loài, đến nỗi, giá ai đói lòng mà ăn khoai môn cũng không ngứa cổ, vì cây vừa ứa ngọt để sinh sôi. Là đêm người bản Tày Hảy mất ngủ vì trâu bò động đực nhộn nhạo gõ móng dưới gầm sàn và lũ mèo cái õng ẹo lượn quanh bản gọi bạn tình bằng tiếng kêu thảm thiết. Đêm mười bốn tháng Bảy ta loài cái rống lên tìm đực…
Ngần chạy thục mạng về chỗ ở quây gọn ở góc sàn nhà trưởng bản. Đội trưởng Phi đi họp vắng, nghĩa là không có người có thể giúp hạ cơn thổn thức trong Ngần. Cô đành ôm lấy chiếc chăn cuộn ở đầu giường, vật vã.
Khổ thân chị em. Khi còn vật lộn sống chết trên cung đường bom đạn thì các cô khô như ngói. Không đứa nào thèm lãng mạn. Cánh lái thấy chị em cười hơ hớ, tưởng bở mà vớ vẩn thì ăn tát. Nay được nghỉ ngơi, ăn ngon, mặc sạch lại sinh chuyện đàn bà thèm trai. Bệnh hystérie thật dễ phát. Bất chợt nghe thấy tiếng khóc rấm rứt nhớ nhà của ai đó, hoặc nhìn sang bên kia giậu thấy khói bếp cơm chiều hàng xóm xanh mờ trên nóc nhà là cô có chạnh lòng, lên cơn. Bệnh dễ lây như khóc cười của chị em ngoài trọng điểm. Một đứa bị, lây cả lán, mặt mũi chín nhừ, chân tay vật vã bứt xé quần áo, như rồ. Nếu có người giúp xoa bóp cho nhau, thì chỉ chừng một giờ cơn bệnh hạ hỏa. Còn không thì khốn khổ, cơn thèm bốc ngùn ngụt độ vài giờ mới lặng. Đơn vị ở trong nhà dân, sợ bất tiện, chị em làm riêng hẳn căn lán để khi lỡ có lên cơn thì đóng cửa chị em giúp nhau. Lần nào cũng thế, chị em xoa bóp cho nhau mà nước mắt lặng lẽ chảy trên những gò má nhám nắng.
Trong gian ở hẹp, Ngần một mình co giật giữa đống quần áo, chăn màn tơi tả. Cô đâu biết đôi mắt ngầu lửa vì hơi men nhìn trộm qua khe liếp. Sau này thì chính lão ta trâng tráo đem khoe chuyện với lũ đàn ông mất nết. Rằng gã nổi hết cả rôm sảy khi thấy cơ thể nuột nà phụ nữ cuốn lấy chiếc chăn như rắn cuốn. Gã vội dốc vào miệng cả nửa chai rượu ngâm mật gấu với rễ cây một lá để ngấu đã mấy năm cho tăng thêm dũng khí rồi liều chui qua tấm liếp ngăn lấy lệ. Không hề có sự kháng cự. Người đàn bà phô phang, căng rướn, vồ lấy người đàn ông, ừng ực uống cho thoả thuê cơn khát tưởng đã sắp cháy thành than. Rượu mật gấu và cơn hystérie vật vã, cuốn nhau, sàn nhà run bần bật. Quá nửa đêm tỉnh lại, Ngần mới biết mình đã qua cơn ê chề. Treo cổ? Cô xé vội hai ống quần vải Tô Châu dai nhách, nối chắp đủ một dây thòng lọng. Nghĩ thế nào, cô lại đổi ý, hay là cắn lưỡi? Thè lưỡi, nhắm mắt định cắn mạnh một cái cho xong đời, bỗng cô lại nhớ ra chưa viết thư tuyệt mệnh. Mới viết hai chữ mẹ ơi, nước mắt cô xối như mưa, vuốt không kịp. Thương mẹ quá Ngần không dám liều. Ngần vùng dậy và cứ thế chạy bổ xuống con suối dưới chân bản. Chẳng biết cô đã nghe từ miệng ai, rằng đàn bà, nếu bị nhỡ ra, muốn phá thì cứ ngâm mình trong nước lạnh là xong, chẳng phải thuốc thang gì. Nước suối lạnh làm da thịt em tím tái, rét run. Cố mà chịu còn hơn mang họa vào thân sau này, răng Ngần cắn bật máu vành môi. Mãi đến gần sáng chị em trong đơn vị hô hoán đi tìm, thấy Ngần đã là cái xác nổi lềnh bềnh trên dòng nước.
Rừng rậm rì. Vắt và muỗi kinh người. Ống quần buộc túm vào cổ chân bằng dây cao su vậy mà tài tình cái giống vắt, nó vẫn bò lên tận đùi, tận bẹn mà cắn. Tốp ngược rừng do đội trưởng Phi dẫn đầu vác hung khí truy tìm lão trưởng bản bừng bừng nổi giận, gạt cây rừng, đi phăm phăm. Bà Phi hộ pháp, dữ tướng, hổ báo coi khinh, lại sợ vắt. Thấy ngưa ngứa ở bẹn, ý tứ kiểm tra, cô nàng suýt ngất vì lôi ra gần một vốc vắt no máu, đen thẫm như những quả bồ quân. Quyết tâm săn lùng thủ phạm! Rừng núi mênh mông thế này, biết “nó” nấp ở xó nào mà tìm.
Mươi ngày sau Ngần nhớn nhác nói với cô đội trưởng, rằng ngâm nước suối cũng chẳng ăn nhằm gì, chết thôi, em mặt mo, mặt thớt mất thôi, biết làm thế nào bây giờ. Cả đơn vị bấm nhau ra bờ suối mật họp suốt cả buổi sáng, đi đến biểu quyết miệng. Một là, cái Ngần không được liều phá thai, cứ đẻ, mày không nuôi thì chúng tao nuôi, nó là con chung của cả đơn vị. Hai là, không đứa nào được bép xép, phải giữ kín chuyện, liệu sau. Ba là, vào mùa khô, đơn vị ra mặt đường, cái Ngần bụng to cho về quê được mẹ tròn con vuông thì gửi bà, về đơn vị, coi như không có chuyện gì, vẫn đủ quân số. Ngần nghe chị em bàn cho mình, khóc tức tưởi. Bà Phi át giọng, cái thân con đàn bà ở nơi trận mạc nó đã khổ rồi, lại còn khóc cho nẫu ruột à. Mà sợ đếch đứa nào, nói thật nhá, con đàn bà mà định giấu chuyện thì đố có thằng đàn ông nào biết. Rồi xem tao nói có sai không…
Ngần vắng mặt ở trọng điểm mà không ai biết thật, kể cả Liên đội trưởng phụ trách thanh niên xung phong toàn tuyến. Liên đội trưởng, anh chàng ngũ đoản, đeo kính cận dày như đít chai xuống đơn vị nữ thanh niên xung phong phổ biến nhiệm vụ. Đơn vị tập hợp hàng dọc, hàng ngang nghiêm ngắn, khi xướng đến tên Ngần, có tiếng “có” ở cuối hàng quân vang lên. Liên đội trưởng ngờ ngợ: “Đồng chí Ngần mới ốm dậy hay sao mà lạc giọng?”. Chị em nhao nhao “Nó ăn nhiều quả chua đấy”. Rồi cười phá lên. Mặt Liên đội trưởng đỏ như gấc. Còn biết nói gì nữa, cho qua. Cả đơn vị nai lưng làm việc thay việc cho Ngần ngoài trọng điểm, chỉ những tiêu chuẩn của em như đường sữa, tương khô, xà phòng, vải sô… là tích lại, ấn đầy một thùng lương khô BA72.
Mùa khô năm ấy trọng điểm U2 bị bom đạn vằm nát thành một bãi bụi khổng lồ. Đi trên trọng điểm như lội. Bụi ngập ngang ống chân, xe chạy, bụi xé ra hai bên như nước. Các chàng lái kể lại đêm qua trọng điểm thấy một cô gái mặt mũi lem luốc, nhảy bám cửa ca-bin nhớn nhác hỏi Xê Tám ở đâu. Nhảy lên nhảy xuống gần hết cả đoàn xe mới gặp được người biết Xê Tám đã chuyển đến chỗ mới. Ngần về đơn vị vừa quen vừa lạ. Mùa khô ấy ác liệt quá, chị em suốt ngày trần lưng dưới bom đạn để giữ đường, non nửa đơn vị là lính mới thay vào chỗ lính cũ hy sinh. Đến bà Phi to lớn giờ cũng chỉ còn một chẽn tay, già sọm. Những cô gái mặt mũi vêu vao, đuồn đuỗn không mông, không ngực vây quanh Ngần đẹp rờ rỡ, trắng trẻo, đầy đặn, cái đẹp của gái một con hoàn hảo. Ngần mở ba lô chia quà cho mọi người. Chả ai để ý đến các thứ cô chia, chỉ chuyền tay nhau tấm ảnh bé sơ sinh ngắm nghía, xuýt xoa như chiêm ngưỡng một thiên thần. Lần đầu tiên những khắc khoải đau khổ vì bị đoạt tình mà lỡ dở vợi nhẹ trong Ngần. Nỗi nhớ con Nhím đầy nghẹn làm bầu sữa căng cứng vì cố nín nhịn loang ra ngực áo cô. Phi bảo, chị em với nhau cả, chả việc đếch gì phải giấu, vắt bỏ đi kẻo cương sữa chịu thế nào được. Ngần quay mặt, vắt bỏ sữa vào góc lán để cuốc xẻng, nghe tiếng reng reng. Ngần không kìm được lại khóc, làm cả đơn vị khóc theo.
Đó là mùa khô cuối cùng của chiến tranh.
Đội xe của tôi vào sâu, khi quay lại tìm Ngần, thì Xê Tám thanh niên xung phong đã đi rồi. Tôi phóng tiếp một trăm hai mươi nhăm cây số ra binh trạm Cửa Rừng vừa hay đơn vị của Ngần đã lên xe nhưng còn chờ ngoài bãi khách. Chúng tôi được vài phút đứng với nhau. Vài phút thôi mà tôi nói được những lời yêu thương thành thật. Ngần không “dạ” như ngày nào, mà im lặng đứng nghe. Đến lúc không thể nán lại được nữa vì đã có lệnh hành quân, Ngần chắp tay, em van anh đừng yêu em nữa. Em còn ra gì nữa đâu… Tôi nói thế nào, Ngần cũng chỉ một lời cầu xin tôi đừng yêu cô, khổ lắm anh ơi…
Bây giờ, sau bao nhiêu là chờ đợi chúng tôi lại gặp nhau trên sân ga buổi sáng. Cả người cả cảnh đã khác xưa, lạ lạ quen quen giống như phần còn lại của nhà ga cổ sau chiến tranh, sơn sửa ốp lát mới nhưng dáng vóc và hồn cốt vẫn thế. Ngần không nhầu nhĩ, đôi mắt to màu nâu không hờn tủi, buồn thăm thẳm như xưa. Cô nói, cô không còn ở nông trường chè miền tây Nghệ An mà ra phố Con Cuông mở quán, anh biết không. Thú thực, tôi chưa biết về Ngần suốt nhiều năm nay. Nhưng bộ lụa màu vàng chanh lấm tấm hoa xoan chìm dưới mặt vải, áo hơi rộng cổ, quần hơi bó đũng mách rằng có thế Ngần đã là người phố huyện. Ngần đã khác, xem ra tự tin hơn, chứ không như cái thời nói gì cũng “dạ”, phải xòe diêm soi lên mặt người yêu để kiểm chứng lời tỏ tình thật giả.
Ngần kể, con Nhím được học hành tử tế, xong đại học thì lấy chồng cùng ngành, đã có con, có nhà ở Hà Nội. Vợ chồng nhà Nhím mấy lần vời bà ngoại ra ở trông cháu, nhưng nghĩ mình còn lo liệu được không muốn quấy quả con, nên Ngần không ra. Mấy năm trước tỉnh đội thành lập đoàn đi tìm hài cốt liệt sĩ, Ngần rảnh rang, xin đi. Trở lại U2 đào bới suốt cả mấy tháng mùa khô phồng rộp cả hai bàn tay mà chả tìm kiếm được bao nhiêu. Mười mấy chị em Xê Tám bị bom trong mùa khô làm thay việc cho Ngần trốn về quê đẻ bây giờ chỉ còn mười mấy nắm đất. Nghĩ thế mới thấy mình đau đớn thì đau đớn thật, nhưng rốt cuộc vẫn còn được nhiều thứ, còn con, còn gia đình, còn được sống đến hôm nay. Cho nên, anh ạ, em nghĩ rồi, ra Hà Nội lần này là đi trả lại những gì mà trong lúc cùng quẫn em đã gian dối vơ bừa của người khác.
Tôi bất ngờ. Người ta đã phũ phàng lấy tuổi trẻ của Ngần chứ nào cô lấy gì của người khác? Ngần bảo có đấy, anh không biết đâu. Chị Phi đội trưởng ngày xưa nói phải, con đàn bà mà định giấu chuyện thì đố thằng đàn ông nào biết. Em đã giấu. Cái chiều gặp em ở trạm cửa rừng, em cảm động lắm, thương anh, yêu anh lắm. Mình đã lỡ dở như thế mà anh không chấp, độ lượng bỏ qua cho tất cả thì còn gì hơn đối với em. Nhưng lại nghĩ còn cái Nhím chen vào giữa, liệu sống với nhau, lúc đầu gối, má ấp thì không nói làm gì, lúc xô mâm, sẩy bát thì con anh con tôi liệu có làm sứt mẻ chúng mình không. Nên bụng thì yêu, muốn ngả vào anh, nhưng cắn răng van xin anh đừng yêu em rồi quay đi biền biệt suốt bao năm.
Gọi hai cốc nước mà ngồi lâu quá trong quán cà phê cửa ga nườm nượp khách e bất tiện, tôi xin thêm bánh kem. Gọi để nấn ná ngồi chứ nào Ngần để ý đến ăn uống. Cốc nước cam nóng trước mặt Ngần chưa đụng đến vì còn mải chuyện. Ngần nói toàn những chuyện đau đáu một thời mà đã thức ngủ với nó gần hết một đời. Nói một chặp, chợt cô dừng lại, nhìn tôi cơ hồ như mình lạ với chính mình, gượng cười, anh chịu khó nghe em nói, nếu không em sẽ chẳng bao giờ còn dám nói nữa đâu…
Ngần bày lên mặt bàn nước bộ quân phục cũ, loại quân phục vải Tô Châu cứng như mo cau, màu đất hun và tấm ảnh anh lính nhỏ như con tem đã bợt, như người ngồi trong sương núi.
Chuyện vẫn quanh quẩn thời U2. Phân đội thanh niên xung phong ở trong cái hang đá cách trọng điểm một thôi đường. Tận nơi khuất lấp ấy mà cánh lái xe, pháo thủ cao xạ, công binh vẫn đến thăm nườm nượp với đủ những lý do, người xin tí mắm, tí muối, người nhờ vá giúp tấm áo, có người đến xin xăng cho bật lửa mặc dù thừa biết các cô làm gì có xăng. Các chàng nhờ vả nhiều, các cô cặm cụi vá, giặt giũ, phơi một dây ngoài cửa hang đá để tiện đường các anh quay trở lại dù không gặp chủ nhà cứ rút áo mà đi. Cũng có những người không bao giờ quay trở lại. Nhiều tấm áo không bao giờ quay trở lại. Nhiều tấm áo sống lâu hơn cả đời người được các cô xếp đầy mấy chiếc ba lô. Một trong tấm áo nhờ Ngần vá trong túi có tấm ảnh con con và lá thư tỏ tình. Ngần chưa nói được với người trong ảnh lời nào, vậy mà trong cơn túng quẫn tấm ảnh đã cứu Ngần. Ngày lén trở về quê để đẻ, mẹ lặng lẽ khóc. Ông chú phó chủ tịch xã nhìn đứa cháu từ mặt trận vác cái bụng vượt mặt về quê như nhìn con hủi: Nó là cái thằng nào? Không nơi ẩn nấp, Ngần nhận bừa, giơ tấm ảnh chàng trung sĩ ra: anh ấy đây. Chúng con trót dại… Không may anh ấy bị hy sinh…
Tưởng là nhận cho xong chuyện, nào ngờ, ở hậu phương thời chiến người ta chỉ cần có thế, luôn tin người ngoài mặt trận là những anh hùng. Bấy giờ là vậy, những gì tốt đẹp nhất đều dành cho người ngoài mặt trận. Tam sao thất bản mà cũng chẳng có ai truy cứu, cái Nhím là con liệt sĩ, được hưởng mọi sự ưu đãi nuôi dưỡng, học hành, xét vào đại học chứ không cần thi cử.
Ngần nói như chưa bao giờ được nói, rồi chợt dừng nhìn tôi ấm áp: “Thôi đi anh”. Ngần không uống cốc cam nóng mà vơ ly cà phê đen chưa kịp thêm đường, uống một hơi rồi dứt khoát đứng dậy. Tôi hỏi Ngần đi đâu bây giờ. Ngần bảo đi Bắc Giang, về quê anh lính ghi địa chỉ sau tấm ảnh. Em muốn thắp nén hương tạ tội với người đã khuất rồi nói với gia đình người ta, anh ấy hy sinh còn trong trắng chứ nào đã có em. Tôi lại hỏi, còn cái Nhím, em liệu sao. Ngần bảo, cũng phải nói hết cho con nó biết. Chứ cứ để thế, mỗi người vơ một tí của người đã hy sinh để đắp điếm cho mình thì tệ quá.
Chúng tôi đèo nhau ra cửa ô phía bắc vào tầm giờ cao điểm, người xe, nườm nượp ngược chiều. Những kìn kìn người là người hối hả mải đi làm ăn kia còn những ai đang bận lòng vì ngày xưa cùng em?
HÀ ĐÌNH CẨN
 
14/5/2021
Nguyễn Cẩm Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...