Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Nguyễn Trọng Tân: Chuyện làng Phù

Truyện ngắn Nguyễn Trọng Tân:
Chuyện làng Phù

- Giữa trưa, trời cháy ngùn ngụt, mặt đường nhựa sùi lên từng đám. Chiếc xích lô chạy đánh võng, trên xe một người đàn ông lột vội cái mũ lá tuột vành, nhoài nửa người khỏi thân xe ngoắc rối rít:
– Chú Mới. Chú Mới hẩy?
Tôi lồi mắt ngỡ ngàng nhận ra anh Chí. Tay cầm khư khư đôi dép, anh nhảy ào xuống đường. Đôi dép hình như chưa xỏ chân lần nào, mặt nhựa câng câng, sắt lại, giữa khe quai còn phơ phất một nhúm tơ nhện. Cái xích lô vừa đi khỏi, anh lần tay xuống túi áo nâu. Miệng túi cài kim băng rúm ró. Tay chỉ, miệng nhẩm đếm đám túi, rọ đựng quà quê, rồi anh cúi xuống khó nhọc xỏ hai bàn chân to bè, đen đúa, vẹo vọ vào dép. Lòng tôi chợt quặn thắt nhìn những ngón chân sần sùi như những nụ hoa gạo tòe ra năm hướng. Anh nhay mãi, ấn mãi mà hai ngón út vẫn thò qua khe quai, gót chân nứt toang hoác lè cả ra ngoài đế.
Nhà văn Nguyễn Trọng Tân
Gian nhà mười hai mét vuông của tôi nằm trong dãy nhà tạm của một đơn vị bộ đội. Trong mắt anh Chí hẳn nó giống một cái ổ chuột. Anh đứng giữa nhà đảo mắt lên đám rui mè làm ẩu, gõ gõ phên đố trát vôi rơm mà tôi đã kỳ khu dùng báo dán kín. Anh chắt lưỡi, lắc đầu:
– Chật chội quá. Thế này mà cứ bảo Hà Nội sướng.
Vợ tôi cười ôm vội chăn chiếu ném lên cái gác lửng, hô con pha nước. Lúc anh Chí chia quà cho lũ trẻ, cô ấy kéo tuột tôi ra hè thỉ thả:
– Này, nhà chỉ có đậu phụ thôi. Tháng này… nhưng phải “sửa thêm” gì chứ anh?
– Phải đấy. Hay em chạy sang bác Dụ mua chịu vài lạng chả quế, cả đời bác Chí mới xuống nhà mình.
Bữa cơm tối vợ con tôi ăn qua quýt đã đứng dậy cả. Đĩa chả gần như còn nguyên. Chúng tôi chưa đụng hạt cơm nào. Anh Chí cứ vật nghiêng chai rượu, không còn khách khí như đầu bữa. Thi thoảng anh lại đổi thế ngồi. Hình như cách ngồi bệt xuống sàn nhà làm anh khó chịu. Cái khăn mặt màu tro trên vai anh đã rung rúc mồ hôi. Giọng nói khô khốc. Câu chữ cụt lủn. Anh kể chuyện làng, nhảy sang chuyện nhà. Chuyện đề đóm tràn về liếm tơi tả quê tôi, rồi cuối cùng chuyện đám quan chức địa phương tiêu cực. Anh nhô hẳn người về phía tôi gầm ghè. Vợ tôi tưởng anh say, nhưng tôi biết sức rượu anh Chí. Nửa chai với anh mùi mè gì. Ở quê anh vẫn uống rượu bằng bát, uống suông, được cái nết không nát rượu. Chỉ những lúc vui quá hay buồn quá anh mới uống như thế.
***
Làng Phù Vân quê tôi là một làng lớn nằm sát dòng sông Thao. Bố tôi bảo ngày xưa làng ở ngoài đê, rồi biến động của trời đất, mỗi năm sông liếm đi một ít. Bao nhiêu đình chùa miếu điện lăn tùm xuống sông cả. Sau phải chạy vào trong đê. Mùa lũ, cả làng bám chặt con đê như đàn kiến ôm lấy cây củi rều chập chồi giữa sóng nước. Một năm lụt to, ông ôm tôi vào lòng than thở: “Cái đất nào có tên chữ là “Phù” y như vất vả chìm nổi. Không giặc giã thiên tai thì số phận cũng lật đật chẳng ra gì. Loạn lạc còn biết cụm dựa vào nhau, nhưng yên hàn lại dễ sinh lòng khác…”. Chả biết có phải thế không nhưng lịch sử làng tôi được các cụ chép lại thì ghê gớm lắm. Trên địa đồ thời Hồng Đức, làng tôi như cái túi mật bám theo thẻo trên lưỡi nước ngầu đỏ. Một lần bị tru di tam tộc mười tám dòng họ những người làm quan trong triều. Hai lần giặc Pháp đốt làng, rồi đến Nhật chiếm… Năm nào nước lên to quá, làng tôi là chỗ phá đê để cứu vùng khác… Đất thì thế, còn người cũng lắm phen “lên voi xuống chó”. Thuở xưa làng có nhiều người đỗ đạt, có bà Cả Vàng cầm quân chống giặc ngoại xâm được phong cấp tướng. Nhưng sau cái nạn tru di, bị yểm long mạch thế nào con cháu cứ đụt dần. Mấy trăm năm liền không một ai vượt qua được câu “học trò thủng đít”. Sau cách mạng, dân làng cũng tiền lưng gạo góp đón thầy, mở trường. Nhưng bao nhiêu trò thì có bấy nhiêu viên đá ong để thầy phạt vì học dốt. Trò dốt phải trật quần ra quỳ gối trên đá ong cho thầy đánh. Đánh mãi mỏi tay, thầy lắc đầu đeo bị bỏ trường. Cho đến tận thời kỳ chống Mỹ làng tôi vẫn không có ai vượt qua được cái lớp bảy.
Anh Chí năm nay đã ngoại lục tuần. Đời anh là một mảnh của làng tôi vỡ ra. Tôi làm báo đi nhiều, gặp nhiều mẫu người. Anh Chí là một mẫu người độc đáo. Một lần về làng tôi ngỏ ý muốn viết về anh. Anh bảo: “Đời tôi tầm thường, chú viết làm gì. Nhưng hãy viết cho cả nước biết cái làng mình không có hèn có kém. Chú nghe chửa. Đấy, ngày Tổng khởi nghĩa làng mình cầm cờ vác giáo đi đầu. Tham gia xây dựng hợp tác xã đợt một. Bộ đội chống Mỹ đông nhất vùng… Đấy, đường lối của tôi chỉ ngắn gọn thế. Còn làm cho làng mình vẻ vang hay mang tiếng là ở nơi cái chữ nghĩa của chú. Thế nhé! Thôi, chú đi chân cứng đá mềm”.
Cha tôi hai vợ. Bà cả đẻ sáu bận nuôi được ba, chị Chum, chị Phình và anh Phèo (Phèo là tên cúng cơm của anh Chí tôi bây giờ). Mẹ tôi về làm kế sinh thêm với cha tôi được hai trai. Khi có mẹ tôi về, bà cả ra ở riêng. Từ tôi đổ lên đến chị Chum đều mang những cái tên xấu xí, hèn hạ. Mười sáu tuổi, sắp đi bộ đội người làng vẫn gọi tôi là thằng Mõ. Những khi họp đội họp đoàn, tên bốn chị em tôi đọc lên cứ như người ta gõ thùng đập mẹt: Chum, Phình, Phèo, Mõ…Càng lớn chúng tôi càng xấu hổ. Tôi bàn với anh Phèo đổi tên. Bà cả đã mất. Mẹ tôi bảo:
– Đặt tên đẹp ma quỷ bắt mất con. Đặt tên là quyền cha, chúng mày đừng có tự tiện mà khốn.
Chị Chum, chị Phình đi lấy chồng, đặt tên con theo thời đại mới: Tú Anh, Tiểu Anh, Vân Anh… người làng gọi các chị theo tên con nghe sang hẳn. May dịp đó ông cậu tôi công tác ở Hà Nội về chơi, ông là người có vị thế xã hội vào loại nhất làng. Ông nói là bố mẹ tôi nghe theo. Biết nguyện vọng của chúng tôi, nhìn tướng anh Phèo thấy loại to gan, lắm lý sự nên khuyên đổi tên là Chí. Anh Phèo thích lắm. Còn tôi ông bảo: “Mõ là cái tên độc đáo, sau này đỡ lẫn với người khác. Nhưng nếu không thích thì đổi là Mới, được chưa nào?”. Tôi ngẩn người nghe ông giải thích. Tính tôi nhút nhát lại sợ bố một phép, được thế là mừng. Tôi gật đầu. Mãi sau này tôi mới biết Mõ hay Mới cũng vẫn là một. Vẫn hàm chỉ cái thân phận tôi tớ phục dịch mà thôi.
Mấy tháng sau tôi đi bộ đội, xã khai cho cái lý lịch tên là Mới. Anh Chí ở làng, đời sống nông thôn ù lì, dù đã được đổi tên nhưng người làng chẳng mấy ai theo. Cứ tên Phèo họ gọi. Thậm chí họ còn ghép cả tên mới vào tên cũ là Chí Phèo gọi cho tiện. Anh Chí lấy vợ cùng làng, tên Thơm. Chị Thơm xấp xỉ tuổi anh, cũng mù chữ. Bố mẹ chị mất sớm. Mười hai tuổi chị được bà cô già không chồng tên là Buộm nuôi. Mười tám tuổi chị về làm dâu nhà tôi, nhưng bố mẹ tôi cho phép anh Chí ở rể để phụng dưỡng bà Buộm. Mấy năm đầu tuy vất vả nhưng còn đủ ăn, về sau phần đẻ nhiều khiến chị Thơm ốm đau, phần ăn thật làm giả của hợp tác xã “cha chung không ai khóc”, nhà anh đâm ra túng quẫn. Cái máu anh Chí tham làm cũng tham đẻ. Chưa đến năm mươi mà lít nhít bảy đứa con. Anh đặt cho chúng những cái tên thật kêu. Con trai: Kiên Cường, Anh Dũng, Quyết Thắng… Con gái: Kim Ngân, Lam Ngọc, Mộng Xuân… nhưng trông đứa nào cũng bủng beo, trì độn. Mỗi lần thăm quê, vợ tôi thương lắm. Bao nhiêu quần áo cũ, cô ấy sửa, vá lại, gửi về. Anh Chí lại bảo thằng con lớn viết thư cảm ơn. Thư nào anh cũng hẹn sẽ xuống thăm, kèm dấu điểm chỉ to tướng, lem nhem. Nhưng chẳng bao giờ thấy anh xuống được.
Mùi hành sống mắm tôm phả ra, anh chồm sang phía tôi giọng nghèn nghẹn.
– Chú biết không, bà Buộm chết rồi.
– Bà Buộm?
– Phải. Chết vì cứt trâu. Khổ sở lắm…
Tôi biết anh Chí như cây cỏ ấu bám lăn lóc trong đất quê. Xù xì chát nắng mà tình nghĩa đủ đầy. Anh coi bà Buộm như mẹ đẻ. Bảy đứa con anh một tay bà bồng bế, chăm bẵm. Bà không chồng, không con nhưng tham việc. Ngày còn ở quê tôi vẫn nghe người làng bảo: “Thật trời đày bà Buộm”. Cái nghề bà đeo đẳng suốt cuộc đời là đi hót cứt trâu. Cứt trâu để bón cho năm thước đất phần trăm. Cứt trâu để bán cho hàng xóm làm phân bón ruộng. Chuyện đời bà Buộm làm bọn con nít chúng tôi khiếp vía. Lúc trẻ bà thường xuyên ngược chợ Bờ – suối Rút buôn bán. Một đận thật lâu không thấy bà về làng, có tin bà chết đuối trên Thác Bờ. Rồi lại có tin bà lấy chồng người Mán tận Hòa Bình nhưng không phải tình yêu mà bị ép buộc. Bà tìm cách trốn về, rừng thiêng nước độc thế nào thành ra ngớ ngẩn. Chuyện bà Buộm một dạo là sự kiện làm chấn động làng tôi. Nó cứ mù mịt, hồng hoang. Tối đến đi ngủ ai ai cũng kể chuyện bà Buộm, tôi lạnh cả sống lưng. Hai anh em tôi nằm cái ổ rơm trong bếp, bao giờ tôi cũng đòi nằm trong. Ngày bà về làng, tôi chẳng thấy bà có vẻ gì ngẩn ngơ, nhưng tiều tụy, tơi tả, đầu trọc lóc. Bà sống lặng lẽ trong túp lều ở góc vườn chuối, tính nết ngày càng quàu quạu. Bà hót phân kiếm ăn. Đống phân đầy tú hụ ngay cạnh lều ở xó vườn chuối tối đen, rậm xùm xòa. Đêm đêm ếch nhái dưới rệ ao nghiến răng não nề, đom đóm vỡ tổ phóng cái ánh sáng ma quái quanh đống phân trâu. Cũng từ đấy đẻ ra bao nhiêu chuyện kinh dị.
Tôi còn nhớ dù trời khô hay ướt, nóng hay lạnh, mỗi sáng mới nhập nhọa mặt người, bà Buộm đã đặt đôi quang gánh lên vai, cái áo tơi xòe như bộ lông nhím. Bà bước dọc đường làng ra đê. Lũ chó đang ngái ngủ bị bà đánh thức sủa lộng xóm. Nhiều nhà cũng trở dậy gọi con váng mặt ao: “Bà Buộm đi hót phân rồi dậy đi chúng bay”.
Đi sớm thế, chưa có trâu bò nào ỉa, nhưng bà Buộm đã tính cả. Đi năm, mười cây số qua chợ Lời, tới Bản Nguyên lúc quay về vừa cữ trâu bò ra đồng. Bà hót dần về đến đầu làng đã được gánh nặng. Những đống phân chưa kịp hót, bà cắm que đánh dấu. Bó que của bà có dấu riêng, bà đã xí phần thì không ai hót tranh của bà nữa. Bà Buộm giống như con gọng vó hảo hển, nhẫn nhục bơi ngược dòng chảy của làng tôi. Giá có ai tổng kết những kỳ tích của thế kỷ 20 này, hẳn bà Buộm làng tôi phải là người có thâm niên dài nhất, thủy chung nhất với cái nghề đã nuôi sống, khiến bà mê say cho tới tận phút chót cuộc đời, nghề hót phân.
Những năm tuổi thơ của tôi đơn điệu và cay đắng lắm. Mười hai tuổi tôi đã phải đặt cái bắp cày lên vai. Mũi cày nhọn trắng lạnh tởn da gà chỉ chực chọc vào gót chân. Mờ đất, trở dậy đặt đôi bàn chân trần lên mặt cỏ còn trắng nguốt sương đêm. Cái buốt hất ngược mười ngón chân đỏ rực run rẩy và cái lạnh kim châm xộc lên tận óc. Cho tới lúc cánh dơi lia trên mặt ruộng tôi vẫn còn sờ soạng ngoài đồng. Từ cày bừa thổ mộc tới làm cỏ bón phân… tôi phải làm tất. Làm như một lao động chính cho dù tôi vẫn chỉ là một lao động phụ. Công điểm bằng nửa người lớn. Đi làm cỏ lúa phải dàn hàng ngang, tôi thấp bé, lá lúa sắc như cật nứa cào ngang dọc khắp mặt, khắp cổ tôi. Nhưng cực hơn cả là phải nghe tất cả những chuyện tục tĩu ngoa ngoắt của mấy bà nạ dòng. Giữa thửa ruộng mênh mông, chân dầm trong bùn chẳng chạy đi đâu được, các bà cũng coi tôi không hơn gì cái cuốc cái xẻng dựng bên cạnh, thỉnh thoảng lại một bà tốc quần dạng háng đái tồ tồ xuống mặt ruộng. Nước đái sủi bọt loang ra cả chỗ tay tôi đang vơ cỏ. Tôi cắm mặt rủa thầm. Và rồi hôm sau, tháng sau, năm sau tôi vẫn phải chứng kiến lại, phải ngoi ngóp sống. Vậy mà lúc xa quê, tất cả lại trở thành nỗi đau đáu nhớ thương quê.
Anh Chí vẫn ngửa cổ uống như cố dùng rượu đẩy trôi đi nỗi thương cảm dâng ứ trong lòng. Còn tôi hình ảnh một bà Buộm gày sắt, tay lăm lăm chiếc giành đứng chơi vơi bên mép nước cứ rõ mồn một không xóa đi được. Bà đứng đó sẵn sàng hứng lấy đống phân mà con trâu khi đầm mình xuống nước thường cong đuôi lên ỉa. Đã mấy lần chứng kiến bà vất vả đôn đáo để kịp hứng phân của mấy con trâu cùng ỉa một lúc, chúng tôi bảo nhau cho từng con một xuống nước để bà kịp lấy, nhưng cũng có lúc chúng theo nhau ào xuống, không kịp đổi giành, bà Buộm kéo căng hai vạt áo kề vào đít trâu. Đống phân nóng hôi hổi nặng trĩu, bà ôm trong lòng bì bõm lội nước đem vào bờ… Đôi mắt tôi bỗng cay xé. Vợ tôi thổn thức:
– Thật tội thân bà Buộm…
Anh Chí từ từ ngẩng mặt, chấm hai giọt nước mắt rồi thở dài bảo tôi:
– Chết thảm lắm. Tám mươi tuổi đầu, chân tay lúc nào cũng dầm trong cứt trâu, hôm sốt cao mới biết bị uốn ván… Cảm ơn chú thím có nhời chia buồn. Tôi xuống đợt này còn một việc khác nữa, việc chung của làng của xã. Các cụ ở tổ hưu với hội cựu chiến binh rất muốn gặp chú.
Tôi nhìn anh chờ đợi. Hóa ra anh còn thay mặt dân làng về Hà Nội gửi đơn kiện đám cán bộ tiêu cực ở địa phương: “Tệ lắm, tệ ghê lắm. Cả làng mình chỉ có chú làm báo, chú phải về viết bài đăng trên báo, phát trên đài…”. Lúc này nhìn anh thật ương ngạnh. Tôi lựa lời:
– Bác xuống chơi, vợ chồng em mừng lắm. Mai em nghỉ làm đưa bác đi thăm Hà Nội. Còn chuyện quê, theo em bác phải xem xét cẩn thận. Chuyện tham nhũng rồi bán đất bán cát bây giờ…
– Không được – anh Chí vằn mắt cắt ngang lời tôi rồi lôi trong túi ra một tập giấy, tờ trắng tờ đen lẫn lộn – tất cả trong này: chứng cứ, lời khai, hóa đơn… hơn một năm giời mới thu thập được đấy, chú đọc đi rồi phải về làng với tôi.
Biết không can được anh, tôi đón tập đơn lòng nặng trĩu. Đêm khuya, vợ con tôi đã ngủ cả. Hai anh em tôi nằm trên nền nhà. Cứ nghĩ chuyện quê tôi không ngủ nổi. Đợi anh Chí nằm yên yên, tôi trở dậy đọc đơn kiện của người làng. Ôi chao! Cái làng Phù Vân khốn khó của tôi. Bao nhiêu gương mặt bạn bè, anh em nội ngoại lại hiện ra xù xì gai góc sau những con chữ mộc mạc nghiêng đổ. Một xã thuần nông mà phải nuôi tới hàng trăm cán bộ từ anh đội trưởng, cụm trưởng trở lên. Lãnh đạo xã có cả biệt thự ở thành phố thì dân thở làm sao được… Tôi thấy tức ngực quá. Sau lưng tôi anh Chí trở mình. Nghĩ anh lạ nhà khó ngủ, tôi khẽ gọi:
– Bác Chí chưa ngủ hả. Dậy uống nước vậy.
Anh không trả lời. Nhìn vào màn tôi lại bắt gặp đôi bàn chân to bè, vặn vẹo của anh. Đôi bàn chân ngụp lặn trong bùn đất, phóng túng và ngay thẳng. Một vết đỏ bầm nơi ngón út vì quai nhựa của đôi dép khiến anh khó chịu, thỉnh thoảng lại co co như muốn gãi. Tôi cứ đau đáu nhìn vào đó. Trong tay tôi tập đơn kiện trở nên bỏng rát. Tai tôi văng vẳng tiếng trẻ chăn trâu dọc đê làng. Bà Buộm chết rồi… Tôi chợt thấy lạnh. Ghé nằm xuống cạnh anh Chí, gác lên chân anh, hơi ấm truyền sang khoan khoái lạ. Tôi cứ để thế đi vào giấc ngủ. Ngày mai tôi sẽ cùng anh Chí về làng.
NGUYỄN TRỌNG TÂN
 
14/5/2021
Nguyễn Cẩm Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...