Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Thơ 1-2-3, nếu không muốn nghiện xin đừng thử

Thơ 1-2-3, nếu không muốn
nghiện xin đừng thử!

Tôi thường nói đùa, “tôi bị nghiện” thể thơ 1- 2- 3 do Văn học Sài Gòn phát động thể nghiệm. Nói “nghiện” là bởi vì đây là thể thơ mới có sức cuốn hút lạ kỳ khiến bây giờ, cứ mỗi lần đặt bút là y như rằng tôi lại viết 1-2-3.
Một bài thơ gồm 6 câu, chia làm ba khổ thơ. Khổ 1 gồm 1 câu tối đa 11 từ, cũng là câu đề bài; khổ 2 gồm 2 câu, tối đa mỗi câu là 12 từ; khổ 3 gồm 3 câu, tối đa 13 từ. Cảm xúc thường đi từ ngoại cảnh đến chiều sâu nội tâm. Giữa câu thứ 1 và câu thứ 6 còn có tính hô-ứng hỗ tương cho nhau.
Nhà thơ, nhà giáo Võ Hoàng Phương
Thơ 1-2-3 có cấu trúc ngắn gọn, luật thơ chặt chẽ nhưng khơi được sự sáng tạo và giúp người viết trải chiều sâu tâm hồn qua từng con chữ. Như nhà văn Cao Chiến từng nhận xét trong một bài viết của mình: “Điểm đầu tiên có lẽ Thơ 1-2-3 không nhiều chữ. Cuộc sống hiện đại không cho người ta quá nhiều thời gian đẻ chữ theo lối tràng giang đại hải, để có một tứ thơ hay người viết buộc phải chắt chiu lựa chọn từng chữ, hình ảnh, sao cho chữ ít mà biểu đạt được nhiều nhất. Tư duy thơ theo lối đi từ ngoại cảnh dẫn vào nội tâm tác động đến cách nghĩ, lối nghĩ của không ít người trong tư duy sáng tạo nói riêng và tư duy nói chung. Trí não được kích hoạt đã tạo cho người viết sự hứng thú”.
Lần đầu tiên nhìn thấy thể thơ mới đã khơi dậy trong tôi sự tò mò, muốn khám phá và thử sức. Tôi thử viết bài thơ 1-2-3 đầu tiên, thú thực cũng tương đối vất vả. Trước đây thơ tôi viết tự do cảm xúc, tự do ngôn từ; bài thơ có thể dài ngắn, nhịp thơ có thể linh hoạt mà thể hiện tư tưởng cảm xúc muốn gửi gắm. Với 1-2-3, cái khó đầu tiên là sự hạn định ở số lượng từ câu cho mỗi dòng, mỗi khổ. Cảm xúc trải ra rồi gọt lại thật cô, thật đọng, thật nén. Và rất vui khi chùm thơ thứ nhất, rồi thứ hai, thứ ba,… của tôi lần lượt được chọn đăng trên Văn học Sài Gòn. Điều đó như tạo thêm cho tôi nguồn năng lượng sáng tạo.
Thơ 1-2-3 của Võ Hoàng Phương mang hơi thở riêng của vùng núi rừng miền tây xứ Nghệ, nơi có suối reo gió hát, có hạt thóc vàng óng, có bụng sông đầy cá tôm: Nơi em ở lưng đồi lá hát suối reo/ Bình minh chim khướu hót vang ngàn/ Uốn lượn sông mênh mông đồi núi kiễng trăng non/ Cha quăng chài, mẹ tinh mơ cõng mặt trời lên núi/ Chín bậc cầu thang chờ bước chân quen/ Chiều cõng hoàng hôn ngô lúa vàng bông theo về,… Là Đất đã thấm hơi mưa, gió đã thơm mùi nắng/ Thóc chảy tràn vàng óng/ Bụng sông đầy cá tôm.
Dòng cảm xúc da diết, sâu lắng, mang hơi thở tươi rói đời sống và tình cảm của thiên nhiên, con người vùng cao Nghệ An cứ như mạch nguồn tuôn chảy: Chùng chình sương vắt núi, xôn xang xanh đỏ váy xòe/ Cô gái Mông xuống chợ, tiếng khèn vương vít đôi chân/ Chàng trai Mông lên ngựa, con tim thấp thỏm chợ tình. Hay một thoáng hồ Thung Mây thơ mộng rất riêng: Sáng tháng Năm hơi sương còn tất bật!/ Núi đỏng đảnh phấn son nghiêng nghiêng bóng Thung Mây/ Ri rích chim kêu, ong rẽ đường bay,…
Thơ 1- 2- 3 Võ Hoàng Phương là những rung động dậy thì sơn nữ, Con tim dậy thì em rộn ràng rung lồng ngực, là tình yêu lứa đôi, là tình nghĩa vợ chồng: Mình cùng tra hạt bắp, mình cùng tỉa lúa nương/ Nghe tim mình khao khát, sao em nỡ thả bùa mê?
Đến với thơ 1- 2- 3 của Võ Hoàng Phương, người đọc còn tìm thấy những trải nghiệm nghiêm túc từ cuộc đời của người phụ nữ từng trải: Niềm tin của con chim ở nơi đôi cánh/ Đôi tay chai sạn tháng ngày, người ta bảo chỉ cần hi vọng/ Hong muộn phiền, nứt nẻ dậy hương thơm/ Người đàn bà tổn thương tim rỉ máu/…
Không chỉ Võ Hoàng Phương mê thơ 1-2-3, các bạn viết trên quê hương xứ Nghệ cũng “bị nghiện” thể thơ này như thầy giáo Đặng Văn Thắng ở Nghĩa Đàn, Trần Thị Hồng Anh quê Quỳ Hợp cũng có những chùm thơ trải nghiệm được đăng tải. Nếu như Đặng Văn Thắng đã khéo léo vận dụng cái hay cái đẹp của Tiếng Việt (thanh điệu, từ láy, thành ngữ) đưa vào tác phẩm của mình: Lấp la lấp ló/ Chích chòe, chào mào, chiền chiện chíu cha chíu chít./ Nhấp nhổm chão chàng, chão chuộc ồm ộp, kèng kẹc… thì Trần Thị Hồng Anh với những trải lòng bên mẹ: Thăm nhà mình tìm chút an yên/ Bát nước vối mẹ hái thơm lừng mùa hạ…
Và những người lạ, những bạn viết ở đâu đâu tôi chưa hề biết họ, nhưng chúng tôi đã gặp nhau, đã thấu tâm can qua những dòng thơ của họ: Mẹ giấu nụ cười sau làn mi ngấn lệ/ Tờ giấy khai sinh không còn trống hững hờ (Lê Văn Ri từ Quảng Nam); Sao sống không sum vầy chết lại thành kính thịnh soạn dâng mâm? (Vũ Tuyết Nhung – Thanh Hóa); Ai đã cố bức tử  Jean Valjean chỉ vì mẩu bánh mì?/ Con người chẳng có quyền gì để buộc tội lẫn nhau/ Hãy tự định tội chính mình vì tâm hồn không trong sạch! (Trương Mỹ Ngọc – TPHCM); Tôi nghe tiếng thì thầm khi về vườn nội/ Hoang mang cỏ cây, đỏ mắt… nắng chiều/ Thương tích lịm vào, sắc tím một loài hoa (Võ Văn Trường – Quảng Nam); Lời mẹ rì rầm con nghe những âm vui/ Chợt nhận ra bài thơ tình yêu bền bỉ không lời/ Mười sáu lần sinh nhật cha, mẹ âm thầm thắp chữ (Hà Phi Phượng – Thái Bình); Xấp vé số dày gói trong bọc ni lông màu mưa/ Ngã theo người đàn bà vào vũng nước bên nắp cống ứ rác/ Chiếc ô tô lao nhanh qua, nước tạt sũng phận người (Đoàn Thị Diễm Thuyên – TPHCM);…
Hạnh phúc của tôi nói riêng và có lẽ cũng là niềm vui của bao người cầm bút là tác phẩm của mình được người đọc đón nhận. Văn học Sài Gòn đã chắp thêm cho tôi đôi cánh dài hơn để thơ Võ Hoàng Phương có thể đến với bạn đọc yêu thơ nhiều hơn. Với giải thưởng dành cho 5 tác giả được trao tặng trong tháng thứ nhất, tháng 5 năm 2020, chính là nguồn động lực quý giá để tôi tiếp tục trải nghiệm trên con đường sáng tạo văn chương của mình.
Có thể nói, đến bây giờ, bước sang tháng thứ hai kể từ khi mở ra cuộc vận động sáng tác thơ 1-2-3, tôi đã hoàn toàn tự tin với thể thơ mới này. Thơ 1-2-3 vô tình hình thành một nét mới trong phong cách thơ Võ Hoàng Phương, nó thân thuộc đến nỗi, một người bạn văn chương xứ gió lào quê tôi mỗi khi gặp gỡ gọi tôi bằng biệt danh trìu mến: “1-2-3” hay “Người đàn bà làm thơ 1-2-3”. Và tôi cảm thấy đó là niềm vui riêng mình. Tôi từng đùa với các bạn văn chương: “Thơ 1-2-3, nếu không muốn nghiện xin đừng thử!”
Được biết, thơ 1-2-3 được nung nấu và khai mở bởi nhà thơ Phan Hoàng từ chuyến thăm nước Nga mùa thu 2018 cùng với một số văn nghệ sĩ của TPHCM. Không những là một sân chơi văn hóa và trí tuệ đầy quyến rũ cho người cầm bút mà thơ mới 1-2-3 còn là nơi để kết nối những cung bậc cảm xúc con người trong và ngoài nước. Tôi hình dung về thể thơ mới này đang như một phong trào mạnh mẽ và lan rộng. Thơ 1-2-3 tương lai sẽ góp phần làm nên diện mạo mới, hình thành một lối tư duy mới, sáng tạo, kết nối và hội nhập cho văn đàn Việt Nam thế kỷ XXI.
26/6/2020
Võ Hoàng phương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...