Thứ Tư, 11 tháng 1, 2023

Tiểu luận Lê Từ Hiển: Điên và Đẹp trong thơ Bùi Giáng

Tiểu luận Lê Từ Hiển: Điên
và Đẹp trong thơ Bùi Giáng

Đẹp thì ai cũng thích. Điên thì ai cũng sợ. Khổ nỗi chẳng ai thừa nhận có thoáng điên điên mới thấy đẹp lạ quanh mình mà dám cá biệt liều mình. Đơn giản, điên là mất tất cả những gì thuộc về người tỉnh táo bình thường, nhưng được một cái gì riêng họ mà ta không biết, vì ta chưa kịp điên, lỡ điên cũng chẳng chịu nhận mình điên, như thằng say có bao giờ chịu nhận mình say… cho nên đố mà ai hiểu được cái gọi là bí nhiệm ở những kẻ thơ điên, thơ say… mãi tôn vinh cái Đẹp, chạy theo cái kỳ mỹ giữa đời.
Nhà thơ Bùi Giáng 
Trong cõi người trăm năm, đằng sau sự nghiệp người đàn ông là bàn tay người đàn bà, dẫu bình thường cũng chẳng mấy ai thoát khỏi “cõi đàn bà” như một mê cung. Đi vào giữa cuộc thị phi – Nửa tam bành tới nửa nghi vấn về… Chỉ còn cách bất bình thường… điên lên trong cõi mẫu quốc thiêng liêng hay Liêu trai nhục cảm phiêu linh mà xóa nhòa đường biên mong thoát khỏi ngục tù tha nhân. Đó là nghịch lý khát khao mãi tìm cái được gọi: bí ẩn làm nên bản sắc nữ tính.
Bao giờ mới hiểu được Em
Chẳng người đàn ông nào trên thế giới này có thể hiểu được người phụ nữ. Nếu có một người, người đó… điên hoặc kịp hiểu ra đã sang thế giới bên kia. Câu hỏi đẹp giản đơn mà đố cả loài người giải được. Suy tư như Nguyễn Du cũng phải buột miệng. Càng điên càng đẹp. Cái mùa đông của ai đó ấm vườn địa đàng cũng chỉ có ở người điên, người say… Chả trách, cả cái hay cái dở của Bùi Giáng nằm trong sự điên say mà thấu cảm đến độ “đạo văn” Nguyễn Du trên các cấp độ câu chữ và cả tư tưởng định mệnh phận người trong sắc thái hiện sinh hiện đại… một cách hồn nhiên.
Và hẳn nhiên Bùi Giáng rất khoái tạng thơ bất tuyệt lãng đãng mộng hồn chiêm bao và dạng thơ điên của Hàn Mặc Tử nên mới nhấn đi nhấn lại. Thưa tôi không dám si mê – Một mai tôi chết bên khe ngọc tuyền – Bây giờ tôi dại tôi điên – Chắp tay tôi lạy cả miền không gian. “Ông nói lời như thế mặc nhiên xóa sạch hết mọi nguồn thơ thế gian. Còn ai có thể làm thơ được nữa… Hãy để yên cho tôi điên tôi dại… Cả thế giới này đang cùng Hàn Mặc Tử chỉ ra một thảm họa.
Em có nghĩ ra một chiều vàng úa”. Đó là bình cảm thấu thị con tim trong khát vọng cứu rỗi vô cùng. Lấy lòng người mà hiểu lòng mình và đến lượt mình tự xóa nhòa mọi lằn ranh. Hẳn nhiên Bùi Giáng cũng tự lượng thức trong thẳm sâu vô thức. Bây giờ tôi rất có quyền – Hỏi ông trời chớ thuyền quyên là gì? Trai tài – gái sắc, tài tử – giai nhân, anh hùng – thuyền quyên… là chuyện muôn đời. Mà nhân gian nhớ li bì – Từ thiên thư tới tám kỳ càn khôn… Nhưng dù ngươi rất có quyền mà hỏi như rứa đó… đến cả ông trời chịu thua.
Và “sờ sờ” ra đấy một Bùi Giáng mộng chiêm bao điên dại riêng mình mà “phó thác thảm họa trần gian mang trên hai cánh mỏng bay đi”. Điên như vậy, trên con chữ em bỏ quên, là vui vẻ thoát chấp trước mà về với cội nguồn trí tuệ bao dung. Đời xiêu đổ nguồn xưa anh trở lại – Giữa hư vô em giữ nhé ngần này. Khát vọng cái Đẹp vô cùng ngay trong cái hữu hạn ngần này cũng chính là sự cứu rỗi.
Cho nên, cái chết và sự điên là một ám ảnh nghệ thuật, trở thành hệ hình thẩm mỹ trong thơ Bùi Giáng, tinh hoa phát tiết ở thi sĩ mang gien điên, vợ quê chết sớm, mãi lang thang… mới thấy vẻ đẹp thiên tính nữ trong bản năng nguyên sơ. Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn. Sống thì điên bất chợt hóa dài dài. Bình sinh ta, bình sinh ta – Vì mê gái đẹp mà ra điên rồ.
Giữa Bùi Giáng và miền gái đẹp là khoảng cách giới hạn mà vô cùng, cụ thể mà mông lung, chạm vào mà không với tới… như một tiên thiên khởi nguyên tự trời xanh. Một cô hàng xóm nghịch đùa – Gọi tôi như gọi già nua ông trời – Thật ra có lẽ lầm rồi – Ông trời muôn thuở ông trời đã điên. Chết tròn 20 năm và mai này hơn thế, điên tái sinh trên vòng tròn Nỗi buồn điểm kết cũng là điểm khởi vô thỉ vô chung. Cuộc điên đã chấm dứt rồi – Bây giờ điên nữa cho đời điên thêm.
Điên và chết như mối sầu vạn cổ hóa màu hiện sinh là mỹ học khát khao đầy xung động – tự hòa giải trong đời sống thơ người con trai xứ Quảng từ bỏ gia thế mà lang thang hành hương, đa tình đa đoan đến ngang ngạnh mà hiền như một thiền sư, già nua trong tiền kiếp cỏ úa mà hồn nhiên như anh nhi… rong ruổi phương Nam Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi – Đi lên đi xuống đã đời du côn…, làm nên miền gái đẹp nguyên sơ… ở điểm tựa Nàng Thơ trong nhịp đưa sáu – tám vô cung bậc tình yêu.
Sóng ba đào xòe nở cánh tay hoa
Thơ tìm đến với người, thơ thành lẽ sống tự nhiên. “Ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ thơ, làm thơ” (Thanh Tâm Tuyền). Và thơ trở thành một sinh mệnh. Người con gái trong thơ Bùi Giáng là một sinh mệnh tự nó – không nhằm thỏa mãn những nhớ nhung vị kỷ, không chịu sự phân tích mà cảm nghiệm, không hiểu mà thấm, không chiếm lĩnh mà thưởng thức chiêm ngưỡng… ở góc độ nào đó.
Nửa thế giới cái Đẹp là cụ thể có thật mà trừu tượng vô biên, là Địa ngục mà cũng là Thiên đàng, là hủy diệt mà sinh sôi sự sống, là lặng mềm như cỏ nước mà đầy những bất ổn làm tiền đề cho đổi thay, trôi chảy, sáng tạo, là giản dị êm đềm điểm tựa mà đầy khuất lấp ba đào bão tố… “Thơ tôi làm… là một cách dìu ba đào về chân trời khác”.
Dìu ba đào bằng ngôn ngữ sang địa hạt khác, ba đào vẫn là ba đào trong một dạng thức khác. Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách – Sắc bất ba đào dị nịch nhân. Yên lặng nằm trong rốn nước, thinh không trong mắt bão. Chỉ có điên đến độ Thiên tài tự hủy mới bất chấp những mặc định giới hạn của ngôn ngữ. Ngữ ngôn khép kín mặc dầu – Hùng tâm tim máu óc đầu mở ra.
Đẹp ở nhiều góc độ, như một chân lý giản dị, nhưng chân lý lại đa diện, tự mỗi người tìm thấy ở góc nhìn nào là tùy. Em về giũ áo mù sa – Trút quần phong nhụy cho tà huy bay. Nghịch lý thay trong sự hóa giải xóa nhòa sống Vui thôi mà… mà hiền tội nỉ năn. Tặng nhau từ ngữ lạc lầm – Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa tuôn. Cho nên mới có chuyện buồn cười xóa nhòa giữa tục và thanh, bác học và bình dân, cao thượng và thấp hèn… trong vết thương không lành miệng, xin người đẹp như khát vọng tôn thờ nhỏ cho một giọt nước mắt, hay… một giọt nước tiểu lên mồ… trên hành trình đời người – đời thơ. Sống – chết trong vòng nhân gian tự nó là vậy.
Đường qua ngôn ngữ tuyệt trù – Đường qua ngôn ngữ điệp trùng… Đường qua ngôn ngữ cuối cùng… Con đường nào ta qua… rốt lại là lẽ biến hóa giản dị đến vô thường trong Em đi – Em về sơ nguyên. Em về mấy thế kỷ sau – Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không…
Giới nữ lưu nước Việt vốn được nhìn nhận, đánh giá, định vị… dưới mắt nhìn của đàn ông, minh họa và thể hiện các diễn ngôn tri thức lịch sử, khoa học và văn chương nghệ thuật… tạo nghĩa lên hình ảnh nữ Việt qua chính những hoạt động chính trị xã hội của đàn ông, chứ không phải ở tính tự thân với tư cách phụ nữ. Người đàn bà chỉ là cái xương sườn của người đàn ông.
Phận đàn bà qua nhãn quan sử Việt, trường hợp ở người phụ nữ kỳ lạ đáng nhớ nhất là Dương Vân Nga hiện lên trong diễn ngôn từng thời, dù là buộc tội, minh oan, ca ngợi… đều không thoát khỏi trung tâm đầy dụng ý có lợi cho mình ở người đàn ông luôn ý thức quyền lực và danh dự mang tầm đại tự sự. Hành vi phân biệt đối xử về giới bao giờ cũng được biện minh và thỏa thuận ở chiêu bài lợi ích cộng đồng – xã hội tùy thời.
Phải chờ đến tinh thần phê bình nữ quyền, xuất phát từ quan điểm và giọng nói phụ nữ Lee Seon Hee mới nhìn nhận hình tượng này đầy phẩm tính thông minh, nữ tính, bao dung, quyết đoán… trong sự chọn lựa quyền tự quyết vận mệnh bản thân mình, tự do yêu đương, tự do hôn nhân… mang tính nhân bản trong sức mạnh bản năng tự nhiên không lệ thuộc vào giáo lý phong kiến, thói thường dư luận… giữ được căn tính nữ của chủ thể trong dòng chảy lịch sử cộng đồng .
Tiến trình nhìn nhận ấy là một nỗ lực xóa nhòa mọi rào cản, còn có trả lại cho người đàn bà họ Dương như vầng trăng mây cái nguyên màu ấy không… là chuyện khác. Hóa ra, trong một khoảng cách không trói buộc – tự do, vô cầu, vô hại, vô vị lợi… anh Bùi điên kia mới trả thiên tính nữ về màu nguyên sơ tự nó. Tỉnh thì chỉ chừng ấy nó xáo xào, ai cũng giống ai. Điên thì mỗi người một khác. Từ chối quyền lực và danh dự thì chỉ còn quyền… tự điên vui.
Dạng điên – siêu tỉnh không phân biệt đâu được giữa ngây thơ bản năng và ngây thơ tỉnh thức như Bùi Giáng mới tạo ra được miền gái đẹp cụ thể mà phiêu linh, quen mà lạ, lượn những nét cong mà nhòa đường biên như cỏ phất phơ trong gió nắng trăng sương, như sóng đong đưa trong hằng hà tơ tằm, tơ lụa, tơ sen, tơ lòng, tơ trời… Người con gái như cỏ cây trong Mưa Nguồn, nước trong nguồn như như…
Sống làm một dạng thiền sư hành khất mà không từ chối thưởng thức khoái lạc cái Đẹp, nồng nàn nhục cảm mà hồn nhiên tan biến trong sắc thái tâm linh, chẳng khó lắm ru… Tình yêu gắn liền với mỹ học của sự hài hòa trong 4 cấp độ; dục tính, tình cảm, nhận thức và tâm linh. Ôm nhau hôn hít thiết tha – Tình yêu vô tận ấy là từ em. Cái vô tận trong sự bao dung không suy niệm ấy từ nguồn Em. Không pha màu, không đổi thay, không khởi không kết, Em và Ta tan trong tụng ca như kinh cầu hòa điệu.
Mai sau hẹn với ban đầu – Chờ nhau ngõ khác ngã màu nguyên xuân. Cái màu nguyên xuân ấy tự nó như một hằng số giản dị mà chỉ là khát vọng lý tưởng chẳng mấy ai giữ được trong hai trục tung – hoành mãi đổi thay. Trong căn nguyên cội nguồn, thiền tính và nữ tính giao nhau trong sự rỗng mềm bao dung qua mắt ấm nheo cười. Cõi bờ con mắt Hoa Nghiêm – Tường vôi lá cỏ lim dim vô cùng.
Xin chào nhau giữa bàn tay
Thiên tính nữ trong thơ Bùi Giáng là nẻo đường hồn nhiên thanh tẩy trong Mưa Nguồn, mang gương mặt phúc hậu vị tha của Mẹ sinh thành, phảng phất nét Đức Mẹ Maria của phương Tây và Đức Quán Thế Âm Bồ Tát của phương Đông qua cái nhìn đong đưa nhịp thơ 6 – 8 mềm như sóng, dịu như gió, hiền như cỏ, mộc như đất, ngọt buồn hời ru… Em vui nước ngọt xuôi dòng – Em buồn toàn diện đèo bồng buồn theo – Em vui tinh thể bọt bèo – Em vui toàn diện thu vèo sang đông.
Nghe như có chút gió lật trang Kiều trong cảm thức buồn trông, chút nõn nường đong đưa quẫy đạp của bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương, như có tiếng thở dài kín đáo của cái tôi nữ sĩ Thanh Quan lặng dấu. Một mảnh tình riêng ta với ta đau gầy của người đàn bà Việt trong cõi người bể dâu trời mây non nước. Tạo hóa gây chi cuộc hí trường… Không biết cái sự buồn vui kia là ở một Em nào đó, hay là ở thân gầy Bùi Giáng trong bào thai vũ trụ Buồn vui như thể thân mình – Ai chia nửa máu, ai giành nửa xương.
Thật khó trả lời. Khi hỏi ông lại gặp nụ cười điên. Điên duỗi dọc, điên ngửa nghiêng – Điên là hạnh phúc thần tiên ở đời. Khi hỏi cõi người ta – bơ vơ đông đảo… Ai người đau nữa để xẻ chia – Trời đất hoang mang buổi mộng lìa. Thương níu nhau trong lời ru tiếng đất. Lạc rời nhau trong ngọn gió hư phù. Lời ru nào nằm giữa ta người. Ngoi lên ngụp xuống bao lời mấy cung.
Giỏi triết học phương Tây mà không hề duy lý đo đếm. Trong cái Ngổn ngang gò đống chất chồng… như cuộc đời nó vậy, em như vậy mãi quàng gánh mang mới sự cứu rỗi. Em về vĩnh viễn đêm mồng một giêng. Ấy là ngày ăn chay đầu tháng, là lễ chùa đầu năm, thanh lọc, dâng ướp hương hoa. Làn da mềm mại, hơi thở thơm tho, tâm hồn cứu rỗi, tự làm mới lại, khoảng khắc chân như…
Người điên siêu tỉnh thừa biết bằng con tim yêu tấm thân có đi có về trong một cõi. Cá khe nước cõng lên đồng – Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng… Về là vậy, còn đi… Em đi thanh thản ngọc tuyền. Đẹp nhẹ nhàng như dòng suối ngọc mãi chảy. Kẻ quá khôn tỉnh táo thì vị kỷ trói buộc, ngăn giữ. Người dại khờ hóa ra cao thượng lặng im hóa đá ngây ngô mà tiễn em đi. Anh ngồi nốc rượu nốc phiền thiên thu.
Và cứ thế, Chiều xuân thơ mộng dưới trời bước đi. Không phải thời gian đi, mà con người trôi qua thời gian, biết bất lực nên cố bấu víu định vị trong không gian. Người con gái trong thơ Bùi Giáng xuất hiện nhiều trong tư thế dáng vẻ đứng – đi – chạy – về… Chân cứ bước theo nhịp hồn cứ động – Em là em anh đợi khắp nẻo đường… Say điên xoay vần con chữ.
Cái nhìn dịch chuyển của kẻ từ ruộng quê yên tĩnh bước ra pha dòng máu du mục lang thang mang sắc thái cảm tính nội tâm trong trò chơi Đi và Về hí lộng thầm đau Buồn tênh ngôn ngữ thì thào – Xuân đi động đậy mận đào đào nguyên… Những mận đào từ vườn hồng ca dao, đào nguyên thiên thai ngự vườn địa đàng lãng mạn… kỳ lạ thay, cứ mãi động đậy… mà không ngã màu nhục thể, mơ mộng, hẹn hò, nhớ mong, đau khổ, độc chiếm, thụ hưởng… như trong bao nguồn thơ tình khác, động đậy mà lặng lẽ làm nên những gương mặt đẹp nhất, những con người hiền thục nhất như một hằng số lặng sâu trong dòng nữ lưu nước Việt.
Đó là siêu lý tình yêu ẩn chứa những uyên nguyên sâu kín trong những ngụ ngôn, hoa ngôn… Nguyên hình Nữ Chúa trên ngày phù du. Đã là Nữ Chúa thì miễn phân tích định vị. Có thể là Mẹ Đất, Mẹ thiên nhiên, Mẹ sinh ra ta, nửa đời ta mãi tìm không ra… đồng nhất trần thế – tâm linh. Có nhớ thương cũng chỉ là một cái chẩu môi hôn gửi gió trong thân cỏ mang mang. Bây giờ em ở nơi đâu – Cả trên mình mẩy em sầu ra sao.
Có ẩn ức nhục cảm libido thì cũng thăng hoa đến độ cà rỡn tưng tửng ở nhịp ngắt lẽ – chẵn luân chuyển nhất âm nhất dương chi đạo trong hình ảnh người con gái – lội – khe – bàn chân – nước lạnh và những hai lần đè… đè lên nhau – cùng nhau lại đè trong khổ thơ 4 câu. Người con gái lội qua khe – Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau – Nỗi niềm tưởng lại xưa sau – Bàn chân với nước cùng nhau lại đè. Chẳng trách có lúc ông thảng thốt kêu lên. Ôi gót chân, anh đứng ngó như ngây. Ngây là một dạng yêu trong bản năng hóa điên mà ngưỡng vọng. Ngây là tiền đề chuyển hóa sang thơ.
Chân là vậy. Còn tay… hoa nguyên xuân hẹn thề thương yêu trong đóa hoa tay. Xin chào nhau giữa bàn tay – Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con – Thưa rằng những ngón thon thon – Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau. Bàn tay xuân thì là cái Đẹp hiện hữu. Bàn tay thu vàng là bóng của cái Đẹp phôi pha, một lần qua mãi còn. Bụi thu mờ ai phủi với bàn tay… Ấy là bàn tay say trăng. Ba đào kết sóng nở hoa trên ngàn.
Em có thấy Em trong giọt lệ thương
Miền gái đẹp trong thơ Bùi Giáng, nói theo tình ca hiện đại mang sắc thái dân gian Chín bậc tình yêu đủ đầy mà côi cút hoang vắng những nẻo đường Liêu trai mộng mị. Có thể quay về ký ức cố hương. Chiêm bao tôi thấy tôi về Quảng Nam – Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên – Xiết bao tình nghĩa thần tiên mộng đầu. Có thể ghé xứ Thần Kinh, ngọt thương trong 2 tiếng dạ thưa thủy chung mà kín đáo mộng mơ. Dạ thưa xứ Huế bây giờ – Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương. Hạnh phúc giản dị nằm trên sống mũi mà mãi loay hoay tìm, như suối nguồn mà chẳng nhận ra. Đêm thưa Vĩ Dạ về gần – Đã từ lâu lắm thiên thần nhớ em.
Có thể rong chơi như trong Tiểu sử tự ghi – “Lang Thang Du hành Lục Tĩnh – Gái Châu Đốc Thương yêu và Gái Long Xuyên yêu dấu”… diễm phúc gặp những thục nữ, thuyền quyên mịn màng phù sa, ngọt ngào cây trái, chân chất lục bình trôi. Ôi người thục nữ Long Xuyên – Tìm đâu thấy lại thuyền quyên một lần. Em sáng ngọt mềm thương trong những miền sông nước nghiêng trôi. Ngồi đây tưởng nhớ xa xăm – Nhớ nhung Lục tỉnh trăng vần Long Xuyên – Ba mươi năm trước hiện tiền – Hình về hiện tại bóng nghiêng nghiêng đều. Nỗi nhớ đẹp buồn muốn khóc, trong ngân ngấn lệ thương bay dáng hoa Bồ Công Anh ánh màu dang dở… Điên như Bùi Giáng, thừa biết chẳng có cái Đẹp nào là hoàn thiện. Và chính không hoàn thiện nên đẹp thật – nó – là…
Xóa mọi địa danh, và xóa cả mọi giai tầng. Có thể là người thôn nữ từ Ca Dao bước ra tắm trong Mưa Nguồn… Viết thơ là trở lại bên – Con người thôn nữ răng đen hai hàng. Có thể là Sơn nữ, Gái Núi, Em Mọi nhỏ… ở đầu nguồn rừng núi nguyên sơ. Em từ Mọi Nhỏ thanh tân – Mười hai con mắt thiên thần mở ra. Có thể là Người con gái Thiên nhiên. Rừng xanh nắng biếc em cười nói – Một thoáng bình sinh giữa bốn trời.
Có thể là người con gái trong tình yêu ba thì nghịch lý đồng hiện. Nàng tiên kỳ bí thập thành – Cỗi nguồn vô tận ngọn ngành tới đâu – Nàng đi đứng giữa thiên thâu – Tương lai hiện tại một màu phôi pha… ở Người điên ngôn ngữ điệp trùng – Dở chừng như mộng dở chừng như mê… Và cứ thế, muôn vàn mảnh vỡ thi ca xa xót hồn máu trong màu ngọc thủy tinh, cụ thể mà hư hóa, phân hóa mà nhất thể hiện sinh, cá biệt độc đáo mà làm nên bản sắc chung trong giọt lệ phân ly ở kẻ Bây giờ tôi đối diện tôi – Còn hai con mắt khóc người một con… Ngẫm ra, ở mỗi chúng ta, khi Con mắt còn lại mà nhìn một thành hai… là đã có dấu hiệu… chớm điên…
Có một Em ở trong cõi thơ điên Bùi Giáng, cả thế giới thực biến mất. Em như thế nào… Em vẫn là Em. Không phân tích cân đong Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm… mới có một tình yêu giản dị trong siêu nhiên tự nó. Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt – Tôi đui mù để thỏa dạ yêu em. Rỗng mà đầy, ngộ nghĩnh mà thâm thúy, giản đơn mà thanh thản… của cái gọi là hạnh phúc. Ấy là tâm nguyện Mưa Nguồn của kẻ đa mang, đa ngã mà trọn vẹn sinh mệnh. Tôi đã nguyện yêu trần gian trọn vẹn – Hết tâm hồn và tất cả da xương. Ừ, bao năm rồi, một nắm da xương… sống gửi thác về… Thơ như cánh tay vẫy chào cuộc sống. Em soi thấy gì trong giọt sương thương…
LÊ TỪ HIỂN
 
21/8/2021
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Văn học, số 5-5/2011
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...