Tiểu luận Nguyễn Vy Khanh:
Thơ Thanh Tâm Tuyền
Một nỗ lực về ngôn ngữ thơ, về nhạc điệu. Tự do và khác. Tất
cả với Thanh Tâm Tuyền là phản, là đối nghịch. Như nội dung, ý tình chuyên chở
trong thơ. Hình thức và nội dung với thơ Thanh Tâm Tuyền là một, như một. Phải
thành công một, kia mới thành công xướng lên, mới lên. Yếu tính thơ tự-do có yếu
tố hỗn độn,… vì nó có sự tổ chức riêng, có kết cấu riêng, nội tại, để nói lên,
để nên thơ! Thơ tự-do khác thơ cổ đìển hay có niêm luật vì liên hệ đến tác giả,
đến tài thơ, nhịp thơ riêng. Nếu không, là thất bại, là không còn thơ tự-do!
Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền
Tôi không còn Cô Độc (1956)
Như thiền thi đời Trần lên núi hét một tiếng để nhận chân
thân phận cát bụi nhỏ nhoi của mình trong hư vô, Tôi loan báo “Tôi Không
Còn Cô Độc” để thấy hiện rõ cái cô độc của mình, của thân phận con người.
Nhưng tôi chấp nhận vì tôi muốn làm kẻ nhập cuộc, hết mình dấn
thân, để tự giải thoát. Tôi bất chấp ám ảnh, cạm bẫy, lừa dối, buồn nôn vây phủ,
cả tự tử và tha nhân là địa ngục (Jean-Paul Sartre). Tôi “phải” khởi đi từ những
yếu lý siêu hình đó! Mở đầu tập Tôi Không Còn Cô Độc đã có hàng chữ tự
xác định mảnh đất thi ca riêng, nhưng cũng là một phản ứng của kẻ loan truyền
cái mới, cái khác:
“Ở đây tôi là vị hoàng đế đầy đủ quyền uy. Bởi vì người vào
trong đất đai của tôi.
Người hoàn toàn tự do / để cai trị tôi có những luật lệ tinh
thần mà người phải thần phục nếu người muốn nhập lãnh thổ.
Người hoàn toàn tự-do và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ”
Phục Sinh, bài thơ mở đầu tập đã là một tuyên ngôn công khai,
rõ rệt. Thật vậy bài này về sau trở thành đề tài tranh luận, bổ báng, nhưng
cũng đồng thời nói rõ quan niệm của nhà thơ về thi ca và cuộc đời – dù tác giả
của nó đã từng từ chối danh hiệu thi sĩ (1)! Cái Tôi độc đáo, đặc biệt, kiêu
hãnh, tự do! Tôi đã nói ra, một cần thiết! Anh hùng một cõi, cõi Tôi, nhưng thực
tâm thì chưa chuẩn bị, mà cần gì! Mới thấy ánh bình minh đã phải nhảy mừng, ca
tụng. Dù nắng trưa sẽ gắt và hoàng hôn cõi âm sẽ trở về như định mệnh. Tôi phục
sinh,
“Tôi buồn khóc như buồn nôn / ngoài phố / nắng thủy tinh /
tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ / Thanh Tâm Tuyền”.
Nắng thì chói chan mà Tôi thì buồn nôn. Tôi đang hiện sinh,
đang kiêu hãnh sống, bên cạnh cuộc đời và con người đáng chán và buồn nôn. Tôi
ghê tởm cái ù lì buồn nôn đồng thời dâng trong tôi sự thương xót và ở mỗi sự vật
như cũng có dấu vết của sự thương hại đó, ở góc phố, góc giáo đường, ở cột đèn,
cả nơi linh hồn. Tự cao, tự mãn xong, liền tủi thân, xót xa:
“tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ
thanh tâm tuyền”.
Tôi gọi tên tôi, Thanh Tâm Tuyền nhà thơ và Thanh Tâm Tuyền
trong thơ như là hai khía cạnh của một con người, một sáng suốt với ý thức,
nhìn một kia dại khờ, yếu đuối. Một thương xót cho một kia phải giáp mặt cuộc đời,
phải khổ sở:
“Buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường
Tôi xin một chỗ quỳ thầm kín
Cho đứa nhỏ linh hồn
Sợ chó dữ
Con chó đói không màu”
Chuông giáo đường chiều tàn vắng bóng con chiên, chỉ có Tôi
quỳ thầm lặng; không, chỉ có một linh hồn nhỏ hãi sợ tội lỗi, sự ác! Linh hồn
nhỏ, dại, đứa nhỏ, dại, đứng trước cuộc đời dữ, con chiên lành trước đàn sói
rình rập, không rõ màu. Càng phải tỉnh táo, không thể cả tin, ừ, tha nhân vốn
là địa ngục :
“Tôi hét tên tôi cho nguôi giận
thanh tâm tuyền
Đêm ngã xuống khoảng thì thầm tội lỗi
em bé quàng khăn đỏ ơi
này một con chó sói
thứ chó sói lang thang”
Đưa nhỏ sợ chó dữ, một linh hồn nhỏ dại sợ tội lỗi, quyến rủ
trần gian. Cô bé quàng khăn đỏ sợ con chó sói xảo quyệt, như trong truyện cổ
tích, như vẫn phải vậy! Lang thang, không màu như thân phận, như “đời là thế”,
như cái buồn nôn, như cái hủy diệt của thời gian. Khiến phải ưu tư, lo lắng, ám
ảnh, sợ bủa vây, sợ nanh vuốt! Và khiến Tôi tức giận, buồn nôn, buồn ngủ, thành
ra phải gắt gỏng lớn tiếng, phải hét. Phải tìm một nơi ẩn náu, nơi góc giáo đường,
dưới chân tháp chuông, một chổ nghỉ an, như một giấc ngủ vùi, một nơi nương tựa,
ẩn náu, và xa hơn, lâu dài hơn, cái chết sau cùng, ở cuối đường đời! Cái chết
như nơi phải đến, như một cực luận để cuộc đời trước khi đến đó có ý nghĩa. Phiền
muộn, sống chưa trọn vẹn, đang thiếu thốn, nhưng đã buồn nôn, chán chường, mơ …
chết, mơ cuối đường. Một thân phận dang dở, chưa xong, dù phải hoàn thành, cho
ra con người !
“Tôi thèm sống như thèm chết
giữa hơi thở giao thoa
ngực cháy lửa
tôi gọi khẽ
em
hãy mở cửa trái tim
tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ
trong sạch như một làn sự thật” (Phục Sinh, tr. 11).
Muốn “thành trẻ thơ”, “một lần sự thật”, những ao ước của một
cái Tôi ngạo nghễ. Cái Tôi mà thi nhân rút vào, cái Tôi vỏ sò vỏ hến. Cái Tôi tự
do, thân phận. Thực vậy, là cái Tôi của thời đại của nó, của một giai đoạn, một
bậc thang phải bước qua! Và muốn Em, người tình! Thêm một nhân vật : Em, người
nữ, người yêu, sự dịu dàng cho một kiếp người và cuộc sống buồn nôn, dở dang,
phiền muộn. Và van nài, để được sống lại “thành trẻ thơ” “trong sạch” như … sự
thật. Một sự thật nào đây? Làm người? Người khác – ở đây là người nữ, là tình
yêu, và sẽ là suối ngọt, là bóng mát, nơi có thể ngủ vùi. Một điểm tựa cho cuộc
đời, một với theo, sau những lang thang trên hè phố, sau những thất bại và buồn
nôn. Người với người, cô đơn với suối ngọt, bãi cỏ xanh êm. Mà không còn là gác
chuông giáo đường!
Tình yêu như một phương tiện để “về với đời sống (…) bị dùng
làm phương tiện khám phá đời sống, khai quật ý thức” (2), vậy là không cần thiết
nhưng hình như Tôi không thể sống thiếu tình yêu, một thăng hoa của cuộc sống,
một chốn-để-về. Một phần thưởng cho những ai đã ra đi, đã đi xa, đi hoài, đã
lang thang nhiều vĩa hè, nhiều đêm khuya vắng,… tình yêu như một chặng đến
không thể tránh, không thể tốt hơn, dù phía sau cửa sổ:
“… em sẽ gọi tên anh
mùa hoa hôm nay
nhưng thời gian đã ngã vào lòng vô định
chút sữa huệ ấm đời thiếu tiếng chim
cánh hồng ngọt không gian tàn phá
những thời gian không rời nhau mang đến bao nhiêu mưa
dạy em yêu phía sau cửa sổ
thiếp điên trong chuỗi dài giấc ngủ
rất vui” (Hoa, tr. 32).
Người yêu, người thân, trong sự yêu đời, bằng yên. Và được “cảm
giác ngủ một vùng yên tĩnh”:
“ngó đầu ra ngoài thở hơi mưa
cảm giác ngủ một vùng yên tĩnh
bao giờ ánh sáng cũng nhói thẳng con ngươi
tâm hồn rực rỡ bàn tay vẫy
tôi trở lại cùng người thân yêu
không giam tâm hồn trong nhà ngục tâm hồn
thế giới nói thêm lời hoa cỏ thiên nhiên
câu chuyện mặt trời hoang đường như đôi mắt tình nhân
tối hơn
bỗng tin lần mi khép lại”
“Ánh sáng” đã “nhói thẳng con ngươi”, trực diện, thẳng đến,
và “tâm hồn rực rỡ bàn tay vẫy” khích lệ, tươi vui, yêu đời. Đã “ngủ” ngon giấc,
nắng đang lên, cùng thiên nhiên, “mặt trời hoang đường như đôi mắt tình nhân”.
Nhưng đời mãi là những giấc mơ, thì cô đơn vẫn trọn vẹn:
“Tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
(…) đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi” (Lệ Đá Xanh, tr. 60)
*
Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (1964)
Đến tập Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy, xuất bản năm 1964
nhưng đã sáng tác những năm cuối thập niên 1950, Thanh Tâm Tuyền đã tiến lên một
bước, cái tôi có vẻ xã hội hơn, tình yêu được nói đến nhiều hơn, và kiếp người
vẫn là những đề tài trội bật.
“… Tôi đẹp như hình tôi / như cuộc đời / như mọi người / như
chút thôi / anh yêu lấy em…”. “Tôi là tiếng nói là tiếng khóc (…) / tôi chờ đợi
/ tôi là tiếng thơ là tiếng cười / mai Việt Nam hỡi mai Việt Nam” (Bài Ca
Ngợi Tình Yêu, tr. 106).
Người tình Thanh Tâm Tuyền thú :
“Anh phải làm mới tình yêu
Như sửa sang nhà cửa
Như xây dựng thành phố
Như vun bón ruộng vườn
Như nhìn vào vũ trụ
khi thế giới vừa dựng
Sẽ mời mọc tình nhân
(…) Phải làm mới tình yêu
Coi chúng ta là những người thứ nhất
Trên trái đất này biết yêu nhau
Để những cặp tình nhân khác bắt chước
Để con cái sau này không khổ đau”
(Bài Thơ Của Tháng Giêng, tr. 20-21)
Tình như đắng cay cuộc đời, sống không trọn cho phút giây hiện
tại :
“(…) Đi đi chúng ta đến công viên / Nơi anh sẽ hôn em đắm đuối
/ Ôi môi em như mật đắng / Như móng sắc thương đau / (…) Ôm em trong tay mà đã
nhớ em ngày sắp tới / (…) anh đưa em đi trốn / những dày vò ngày mai” (Dạ khúc,
tr. 34-35)
Tình lạnh lùng bí mật: “Trong cánh tay ôm của người tình lạnh
lùng bí mật như đêm khuya, em ngã vào để biết mình nhảy qua hai bờ vực không…” (tr.
17). Thích để “hôn vào môi vào má vào răng” (Mai, tr. 11) và “thèm muốn
mỗi hàm răng” để phải “đau môi” (tr. 13). Một bi quan lạnh lùng khác cái bi
quan tuyệt vọng của một Nguyễn Đình Toàn bệnh (tưởng) giai đoạn chót trong tập Mật
Đắng (1962) :
“Người đau đớn gục đầu trong giấc máu
Tháng ngày đi trong một chuyến thở dài
Người ấp ngực đau từng hơi cháy bỏng…” (tr. 8)
Nhưng tình yêu ở Thanh Tâm Tuyền luôn có dĩ vãng ám ảnh nếu
không muốn nói tình yêu là dĩ vãng và là tất cả. Dĩ vãng của Tôi là Liên, cũng
là chữ đầu của Tựa tập thơ, và cũng là người đối tượng cho bài viết “Nỗi Buồn
Trong Thơ Hôm Nay” :
“Hỡi Liên những Liên và Liên
Làm thế nào để quên được nhau
(…) Chẳng là anh ngông cuồng kiếm tìm tổ quốc vậy em biết
không. Mà tổ quốc ngàn đời nín thở vì trời thì xanh mà nỗi khổ đau nói sao cho
hết. Chẳng là anh chót yêu em vậy em biết không? Mà khi yêu nhau, trong những
đêm sao hằng hà, làm thế nào để quên được nhau.
Hỡi Liên những Liên và Liên”
(Nói Về Dĩ Vãng, tr. 22-23)
Vì “Em có biết sau lúc em từ biệt / Điếu thuốc cháy trên
môi như người bạn chết” (Bài Hát Buồn, tr. 30). Tình yêu đó là Tình Yêu viết
hoa: “Anh sẽ hôn em, thời khắc hạnh phúc vẫn mong manh. Mà vĩnh viễn đó”
(Mặt Trời Tìm Thấy, tr. 115). Bài Mặt Trời Tìm Thấy là một bản trường
ca tình ái: “Tôi từ biệt tôi và gặp em đang đón đợi” (tr. 120). “Chưa
bao giờ anh hiền lành như hôm nay. Anh ở trong thành phố không quá khứ, ngõ xóm
còn buông theo tưởng tượng rắc rối hơn tình yêu, anh mang đặt tên em để mình
anh gọi. Anh viết cho em từ xứ sở xa vời khi qua bẩy mầu cầu vồng nơi mắt em với
những mưa nắng hoàng hôn bình minh đột ngột. (…) / Bây giờ, và những bây giờ
mãi mãi, màu đêm như lòng đen mắt ấy là con tim cao vời tử thần về nhịp múa./ Sẽ
chết như sao rơi vào bất tận / Sẽ yêu như giọt nước hân hoan” (tr.
122-123). Thì cũng có vẻ dứt khoát với quá vãng, nhưng không với tình yêu!
Hiện tại ư, một người tình bất-cảm-thông, như “Một Chỗ Trên
Xe Buýt”:
“… Mưa xuống bên ngoài, ngoài cửa sổ. Những bàn tay níu lấy
vòng sắt lạnh
Mỗi ngày chúng ta đứng bên nhau không quen nhau
Thân mật ngó lên mái tóc rối nền trời khuya
Ngó vào mắt hoang xa giòng sông không bờ
Sau một ngày làm việc em mơ về khói ấm khuôn mặt riêng…” (tr.
27).
Tình yêu cũng như cuộc đời không bền chặt, không hẳn vậy là vậy;
hoặc con người không muốn bị lừa. Người sẽ tàn nhẫn với người, với tình yêu –
bóng mát tìm thấy:
“…Mùa thu
ghi thương tích nơi cườm tay
Khóa chặt
Anh xô ngã em từ chớp đỉnh hạnh phúc…”.
Xô bóng mát, chỗ tưởng là nơi trú ẩn được, phải chăng vì
“… Ở cuối đêm
Em rũ tóc nói những lời mê sảng
Những ám hiệu
Của một biển đen không
tình yêu tuyệt vọng
Anh xe tóc em cùng những cành lá chết…”
(Đêm, tr. 56)
“Còn muốn sống như nguồn nước đổ, sao em trả lời bằng bệnh viện
mắt kín mưa đêm?” (tr. 17). Phải trở lại cái cô đơn, bất khả cảm thông nguyên ủy:
“Những đêm nào chiến tranh đã quên
Con mắt đen niềm im lặng
Anh vẫn đi hoài trong thành phố
Cô đơn
Trưa nắng cháy
Vào sâu trong ghẻ lạnh
Với máu trong tim
Chảy nhanh như máy móc đau ốm
(…) Tình yêu tuyệt vọng”
(Đêm, tr. 55)
Chiến tranh và nỗi cô đơn phi lý để chung vào nhau trong một
tổng thể kết cấu, như một ép buộc, của cuộc đời. Nhưng hình như đã thành công
nói lên cái có thể sống cho mình, một mình, một khả thi khi tưởng không thể nữa
– đã có người, đã có tình yêu, trong một thành phố, vẫn lang thang một mình, vẫn
có thể nói với mình, một mình. Cô đơn, dù là “thiên tài”, “Thiên tài dùng
làm gì? / Để gây ra tội lỗi…” (tr. 57) vì “Thiên tài không tình yêu giống
như con lợn lòi” (tr. 59). Cô đơn như một khám phá lớn, rằng con người sinh ra
và chết cô đơn:
“… Khuôn mặt vỡ tan
Như cẩm thạch
Như nước mắt
Như muôn đời
Không hối hận
Con đường anh phải đi một mình
Trần truồng dã thú
Đón anh ở cuối đường
Hố sâu vĩnh viễn
Không có em” (Đêm, tr. 56)
“Cả đời là sa mạc / Cả tôi là tự do”, tự do nhưng cô
đơn, “đời người thản nhiên như tên gọi” (tr. 69). “Anh chìa bàn tay
khô héo / Nỗi tự do buồn phiền / Hai bàn tay những con đường cỏ cháy…” (tr.
37). Thân phận không lối thoát, và con đường lữ hành dù gì cũng phải đi trọn:
“… Tôi đi tìm tiếng nói
Cho cổ họng của tôi
Tôi vẫn khóc vẫn khóc
Hết linh hồn mới thôi
Tôi đi tìm tiếng nói
Cho ra tới ban ngày
Người ta níu lại hỏi
Cớ sao chịu đọa đày…” (Đêm, tr. 62)
Vì “Em biết không? Em biết không? / Trong ngục tù giam giữ những
than van / Người ta kêu một mình…” (Sầu Khúc, tr. 42). Tôi cô độc vì
Liên, con mắt đen, vì “Liên còn trong Hà Nội / Đã mất / Tiếng cười tan thành
khói trên những búp tóc rối…” (tr. 66).
Đến tàn hơi thở”Tôi vẫn sống thiết tha dù không còn hình ảnh,
Dù không còn âm thanh (…) Tôi tin rằng tôi sẽ nổi loạn, tôi sẽ làm cách mạng
cùng những người anh em của một ngày chưa ước hẹn. Nhưng rồi tôi biết tôi đang
chết, tôi đang yêu người đàn bà phụ bạc. Nàng cấu xé thân thể tôi, nàng dày vò
linh hồn tôi. Nàng chỉ cho tôi trông thấy màu đen của tròng mắt nàng, màu đen
xoáy sâu hun hút con đường địa ngục yêu thương. (…) Tôi vẫn sống thiết tha dù
hôm nay biết chắc chẳng ai đến hôn vào môi mình cho thêm một hơi thở. Người ta
đã phụ nhau rồi, phải không em?” (Hơi Thở, tr. 94 & 96).
Tôi rơi vào bi đát của cuộc đời, của thành phố, một chốn để
trở về hay để bỏ đi : “… muốn một hồn người yêu đương mà không gặp nên
thành phố là nơi đầy ải gớm nghê vì chứa chấp những cô đơn chống chọi. Ngó xuống
mỗi viên gạch, nhìn lên mỗi cây đèn đủ thấy sự khinh ghét lạnh lùng” (Thành Phố,
tr. 86). “Có ai gọi tên tôi giữa phố, phố vắng và cái tên âm lên sự thù hằn.
Tôi dừng lại trả lời: để cho tôi yên với tất cả đêm nay đang ngấm vào máu tôi” (Đêm,
tr. 72). Dù trong điệu nhạc từng đêm chốn vũ trường, người tuổi trẻ vẫn buồn,
cái buồn thảm hại:
“Sao tuổi trẻ quá buồn / như con mắt giận dữ / Sao tuổi trẻ
quá buồn / như bàn ghế không bầy” (tr. 35). Không khí nhiễm độc hay không
gian thù địch? Vẫn phải níu kéo cuộc sống : “… Hai bàn tay nắm chặt hư vô / Mà
hình dung hạnh phúc ngày mai…” (Đừng Bắt Tôi Từ Biệt, tr. 97). Khóc tiếng
khóc cô đơn. “… Người đàn ông khóc vì phải khóc / Như anh đã phải ôm em và
tủi cực vô cùng / Cuộc đời cứ mở tròn những con mắt thản nhiên nhìn tội lỗi…” (Đêm,
tr. 64). Nhà thơ trở về, “Tôi đã trở về nhận quyền âu yếm của người không tên” (tr.
115), thảm thương bị trúng tên. Đến phải lớn tiếng với chính mình : “Thôi
mày hãy ôm khối lửa đỏ, định mệnh mày cừu địch, những hân hoan ngu tối cùng tự
do khốn nạn” (Chiều Trên Phi Trường, tr. 25).
*
Tôi qua hai tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc và Liên,
Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy là một chủ thể rất cô độc, dù có hét lớn phủ nhận định
mệnh, dù đã mở rộng vòng tay, tâm hồn, dù đã có lúc khép vỏ ốc! Từ một cái Tôi
lớn tiếng nhưng dậm chân một chỗ đến một cái Tôi trưởng thành, cô độc đã làm nền
cho thi nhân chứng tỏ sức sống sau những ám ảnh, buồn lo; ánh sáng rọi làm tan
biến những tối ám địa ngục, như nắng lên sau những ngày mưa liên lỉ, như sau một
giấc ngủ vùi – ngủ đã đời! Nghĩa là đã có hy vọng, có những vệt nắng!
Thơ tự-do của Thanh Tâm Tuyền đã là một khởi hành, một thế giới
thi ca thử ứng hợp với con người và xã hội ở một thời điểm. Thanh Tâm Tuyền đã
phá vỡ cái tĩnh, cái nền của ngôn ngữ, ông đã phá cái cấu trúc bình thường.
Ngôn ngữ trong bất thường, bất ngờ, lẫm lạ, không thứ tự cũng không thông thường
nhưng nhiều khi cũng rất bình thường như lời nói ngoài phố chợ. Nỗi Buồn Trong
Thơ Hôm Nay được coi như bản tuyên ngôn của ông về thơ tự-do. Thanh Tâm Tuyền
đã viết : “Tôi nghĩ rằng điều làm cho người đọc xa lạ với thơ hôm nay không
hoàn toàn vì hình thức tự do của nó. Thơ không vần, không điệu, thơ xuôi nếu quả
thật là thơ – nghĩa là đạt được đến ngôn ngữ mầu nhiệm không chỉ chuyên chở ý
tưởng mà còn ám ảnh vang vọng mãi trong tâm hồn – thì sớm muộn người đọc cũng
tìm thấy và quen dần với một thứ nhịp điệu rộng rãi phức tạp ở một trình độ nghệ
thuật cao hơn đối với nhịp điệu đơn giản rút gọn… Người làm thơ hôm nay có thể
bỏ thơ không thương xót khi họ nhận thấy thơ không làm thỏa mãn nỗi khao khát
quá chừng của đời sống hôm nay (…)” Thanh Tâm Tuyền đi xa hơn khi tuyên bố :
“Chúng tôi theo cơn cuồng nộ bi thảm của Dionysos, của cuộc đời hôm nay. Chúng
tôi cho các người vĩnh viễn (= thơ theo quan niệm cũ!), hãy nhường cho chúng
tôi hiện tại” (1) :
“Dù sao mai phòng triển lãm sẽ đóng cửa
(Rồi mở thêm lần nữa
Để làm gì)
Vứt mẩu thuốc cuối cùng xuống giòng sông
Mà lòng mình phơi trên kè đá
Con thuyền xuôi
Chiều không xanh không tím không hồng
… Nếu đã từ Sài Gòn xuống Vĩnh Long hay lên Thủ-dầu-Một
Chuyến xe vẫn chỉ thuộc một mình
Như kẻ say rót rượu lấy mà uống
Cho vui thêm cuộc hành trình
(Đúng rồi những người thù ghét thơ tôi ơi)
Cuộc hành trình hoàn toàn cô độc” (Bao Giờ, LĐMTTT, tr.
32-23).
Nỗi cô đơn vẫn tràn ngập!
Tóm lại, một nỗ lực về ngôn ngữ thơ, về nhạc điệu. Tự do và
khác. Tất cả với Thanh Tâm Tuyền là phản, là đối nghịch. Như nội dung, ý tình
chuyên chở trong thơ. Hình thức và nội dung với thơ Thanh Tâm Tuyền là một, như
một. Phải thành công một, kia mới thành công xướng lên, mới lên. Yếu tính thơ tự-do
có yếu tố hỗn độn,… vì nó có sự tổ chức riêng, có kết cấu riêng, nội tại, để
nói lên, để nên thơ! Thơ tự-do khác thơ cổ đìển hay có niêm luật vì liên hệ đến
tác giả, đến tài thơ, nhịp thơ riêng. Nếu không, là thất bại, là không còn thơ
tự-do! Thanh Tâm Tuyền bỏ làm thơ sau những xáo trộn giữa thập niên 1960. Trên
tạp chí Nghệ Thuật, nhà thơ Trần Đức Uyển đã có lần nhắc lại câu tâm sự của
Thanh Tâm Tuyền tại sao không còn có thể làm thơ: “… Tự nhiên thấy khó, không
dám làm. Vả lại chưa tìm được cái gì mới. Tôi thấy thơ bây giờ càng ngày càng
thu hẹp lại, rút gọn vào trong cái “tôi”, để cuối cùng chỉ có mình hiểu được
thơ mình” (3).
Ra ngoài nước, xuất bản tập Thơ Ở Đâu Xa (1990)
– như một nhận diện cuối (hay thêm) về con người, về ý thức hệ, về sự thủy
chung của thiên nhiên. Sống giây phút hiện tại, ở đây không còn là những khám
phá hứng khởi của thời trẻ, chỉ còn là cái triền miên của khổ ải, nhân tình! Cuộc
đời chỉ là đời sống có giá trị khi có Tôi trong đó!
14.4.1999
NGUYỄN VY KHANH
Phê Bình Văn Học
Chú thích:
Thanh Tâm Tuyền. “Nỗi Buồn Trong Thơ Hôm Nay”. Sáng Tạo,
31, 9-1959, tr. 5.
Thanh Tâm Tuyền. Bđd., tr. 6.
Trần Đức Uyển. “Nhìn Lại Thơ Hôm Nay”. Nghệ Thuật, 12,
12-1965, tr. 16-17.
21/8/2021
Huỳnh Như Phương
Nguồn: Tạp chí nghiên cứu Văn học, số 5-5/2011
Theo https://vanhocsaigon.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét