Thứ Hai, 9 tháng 1, 2023

Tiểu luận Phan Ngọc: Nói chuyện văn hóa với Huế

Tiểu luận Phan Ngọc:
Nói chuyện văn hóa với Huế

Nói đến văn hóa ở thời đại kỹ thuật là nói đến biện pháp kinh doanh văn hóa, đổi mới văn hóa để làm đất nước giàu có, phát triển. Điều này là đặc biệt quan trọng đối với một trung tâm văn hóa quan trọng như thành phố Huế. Tiếc là cho đến nay chưa có một định nghĩa có tính chất thao tác. Đã có hàng trăm định nghĩa rồi, nhưng ngay trong những công trình văn hóa học nổi tiếng thế giới vẫn có sự lẫn lộn. Ai cũng nói đến văn hóa nhưng văn hóa là gì thực tế vẫn chưa ai xác định xong.
Tại sao thế? Vì trên trái đất này không có cái gì chỉ là văn hóa mà không là cái gì khác. Lại không có cái gì không có cái mặt văn hóa: Không khí, tầng ozone là một bộ phận của văn hóa môi trường đang làm cả thế giới điên đầu. Nếu không tìm được một định nghĩa thao tác luận cho thuật ngữ này thì cách nào văn hóa học (culturology) làm việc được? Ở một nước mà nhà nước có vai trò rất lớn trong đời sống nhân dân nếu không tìm được một định nghĩa thao tác luận cho thuật ngữ này thì sẽ xảy ra một trong hai việc sau đây. Một là văn hóa lấn sân, tức là nhảy vào mọi việc (chính trị, gia đình, kinh tế, tôn giáo, nghệ thuật…) mà khi làm thế, văn hóa học chỉ gây nên sự chống đối (ngấm ngầm hay công khai) bất lợi cho một sự lãnh đạo có hiệu lực. Hai là văn hóa bỏ trận địa, chỉ bàn tán suông toàn chuyện đâu đâu. Nếu làm theo một trong hai cách này thì Huế của tôi sẽ cứ khổ, cứ nghèo trong cái thời đại nó thừa sức làm giàu bằng kinh doanh văn hóa, trong cái thời đại mà sự chi tiêu về văn hóa ngày càng vượt xa, rất xa sự chi tiêu để tồn tại?
Tôi cố gắng nói giản dị, toàn chuyện hiển nhiên, mặc dầu công sức bỏ ra để đi đến cái bình dị này là lớn hơn rất nhiều so với một công trình uyên bác. Tôi không tranh luận với ai cả mặc dầu tôi thừa biết những câu chuyện hiển nhiên này là đề tài của vô số cuộc tranh luận.
Nhà nghiên cứu Phan Ngọc (1925 – 2020)
Để sống con người phải lao động. Mà lao động theo kiểu con người là xây dựng một cái gì theo cái mô hình có sẵn trong óc anh ta. Đó là kiếp người. Còn là người thì anh ta còn phải thế. Từ cái ngày anh ta đẽo hòn đá đầu tiên đến giờ và mãi mãi sau này. Sự khác nhau chỉ là ở cái thế giới mô hình, ở cái thế giới thực tế. Nhưng mọi sự khác nhau này đều xuất phát từ một sự đồng nhất: nó quan hệ qua lại giữa cái thế giới biểu tượng gồm vô số mô hình với cái thế giới thực tế mà anh ta đã mô hình hóa.
Nghiên cứu cái thế giới biểu tượng ở tự nó, ở các biểu hiện trực tiếp của nó không phải là công việc của văn hóa học. Đây là công việc của triết học, tôn giáo học, nghệ thuật, văn học. Rồi mỗi ngành như vậy lại ngày càng chia nhỏ ra. Nghiên cứu cái thế giới đồ vật ở ngoài con người cũng không phải là lĩnh vực của văn hóa học. Đây là lĩnh vực của khoa học tự nhiên. Nghiên cứu cách con người tập hợp nhau lại để sống, để sản xuất và hưởng kết quả của cách sống, cách sản xuất cũng không thuộc văn hóa học. Đây là lĩnh vực của xã hội học, chính trị, kinh tế, pháp luật v.v…
Vậy đối tượng của văn hóa học là gì?
Đối tượng của văn hóa học là mối quan hệ qua lại giữa thế giới biểu tượng với thế giới hiện thực biểu hiện thành những kiểu lựa chọn thể hiện thành một độ khúc xạ riêng có mặt ở mọi lĩnh vực. Tùy phạm vi ảnh hưởng mà ta có văn hóa vùng (thí dụ văn hóa Huế), văn hóa dân tộc (thí dụ văn hóa Việt) hay ở một con người (thí dụ văn hóa Hồ Chí Minh), ở một biểu hiện của thế giới tinh thần hay thế giới thực tế (thí dụ văn hóa tuồng, văn hóa công nghiệp Nhật bản, văn hóa điêu khắc Chàm, văn hóa gia đình Việt nam, văn hóa cung đình triều Nguyễn). Mà xét độ khúc xạ thì phải xét cái gốc rồi cái hiện tồn để tính độ lệch. Giới thiệu văn hóa là làm việc gì? Là làm cho mọi người nắm được cái độ lệch ấy. Kinh doanh văn hóa là làm việc gì? Là làm mọi người hiểu cái độ lệch ấy, thưởng thức giá trị của nó, biết quý nó, chấp nhận kiểu lựa chọn của nó và khi cần bổ sung cho cách lựa chọn có sẵn của mình để cảm thấy mình giàu có lên về tinh thần, rộng rãi thêm về tư tưởng và nhân đạo hơn về tình cảm.
Xin nêu một thí dụ: cái bánh lá Huế, Cái bánh lá Huế là xuất phát từ cái péng lá Mường. Về chất liệu, tên gọi, cách cấu tạo là một. Nhưng từ cái péng lá Mường đến cái bánh lá Huế có một độ khúc xạ riêng không mấy ai nằm được. Đây là một kiểu lựa chọn huéen (xin phép được dùng một chữ Pháp vì tôi không dùng được một chữ Việt thích hợp) tiêu biểu ở chỗ: đế vương hóa một món ăn trên cơ sở một chất liệu rất dân dã. Kỹ thuật chế biến thay đổi, chiếc bánh mỏng tanh phải đặt trên đĩa sứ hoa văn để người ta thấy hoa văn ở dưới. Mọi thứ đều khiêm tốn, nhỏ nhẹ, thùy mị (chữ này theo tôi là hợp nhất, anh Nguyễn Tuân có sống lại cũng không chữa được) chứng tỏ cái tinh vi, tế nhị của một thành phố đã từng là thủ đô của nước Việt Nam khi nó rộng lớn nhất về đất đai, có ý thức nhất về văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà những công trình qui mô nhất về sử học, địa lý, điển lệ, hiến chương đều xuất hiện trong giai đoạn này. Ấn Huế không phải là “lai rai”, “nhậu”, mà là ăn theo lối “cảnh vẻ” (một từ Huế), với phong cách vua chúa gọi là “thời”. Việc khảo sát cái góc của bánh lá việc của anh Từ Chi, việc phân tích cái vị đặc biệt do bánh lá tạo nên là việc của nhà thực phẩm học, làm ra bánh lá là việc các chị, các bà ở Huế. Tìm ra cái độ khúc xạ, kiểu lựa chọn là việc của văn hóa học. Kiểu lựa chọn này bạn sẽ bắt gặp ở mọi thức ăn: tôm chua, bánh măng, mứt, các thứ mắm, lối thái thịt, các thứ chè, đến cả thức ăn dân dã nhất là cơm hến. Ăn lấy no đối với người Huế là ăn “kiểu cu li xe”. Ăn là để thưởng thức. Uống rượu say mèm không phải là uống rượu kiểu Huế: người ta chỉ đạt đến một chút lâng lâng. Mặc kiểu Huế không phải là lòe loẹt: cái đẹp ở đây là sự mộc mạc nhưng kết hợp hài hòa đến mức ảo diệu. Nhạc Huế không phải nhạc giật gần kêu gọi bắp thịt: Nó nhỏ nhẹ nhắc gợi những hình ảnh tha thiết của tâm tư. Ngay trong giọng Huế ta cũng bắt gặp một độ cao vừa phải không vang xa như tiếng Bắc, tiếng Nam, không quá thấp như tiếng Nghệ Tĩnh. Có một bài học về sự thanh lịch mà thành Tràng An có quyền giới thiệu với cả nước và nước ngoài: Một sự thanh lịch trong tầm tay của ta, không phải tốn tiền của, phí công sức.
Tôi đã nói văn hóa là kiểu lựa chọn. Nhưng có lựa chọn vì có tự do. Tôi làm thế chẳng phải vì ai bắt buộc mà vì tôi thích. Tôi có quyền làm khác cũng chẳng ai cấm nhưng vì tôi quen với kiểu lựa chọn của tôi. Anh không thích, anh chê bai nó đó là việc của anh. Nhưng muốn là người có văn hóa anh phải chấp nhận sự lựa chọn của tôi để tôi ngược lại chấp nhận cách lựa chọn của anh. Dĩ nhiên, sự lựa chọn là có nguyên nhân lịch sử, kinh tế, tôn giáo và cả chính trị nữa. Nhưng các nguyên nhân kia có thể mất đi hàng ngàn năm mà cách lựa chọn của tôi vẫn còn.
Tôi tự cho là vô thần, một khái niệm chỉ mới thịnh hành sau cách mạng, nhưng cha mẹ tôi chết thế nào tôi cũng cải táng trong một cải tiểu sành – hình ảnh tàn dư của lối chôn người trong vại – chôn lại ở nghĩa địa gia đình, rồi tôi lập bàn thờ đốt hương mời anh em đến ăn giỗ. Đây là những kiểu lựa chọn Đông Nam Á tuy bên ngoài khoác cái vẻ Hán hóa. Là người thế kỷ XX tôi vẫn thích ăn mắm, lấy nước mắm làm thức chấm chính như cách đây trên bốn ngàn năm. Trên người tôi mọi thứ đều Âu hóa: đầu tóc, quần áo, tôi bắt tay không chỉ nam giới mà cả nữ giới. Tôi viết tiếng Việt bằng một thứ chữ gốc châu Âu và bài văn tôi đang viết đây là suy nghĩ bằng tiếng Pháp rồi dịch ra bằng tiếng Việt. Là người thức nhận tôi biết nếu cứ viết theo cảm hứng tiếng Việt thì câu chuyện này sẽ gây nên vô số hiểu lầm bất lợi cho tôi. Ra cơ quan, tôi gọi thủ trưởng tôi là anh, gọi các vị lãnh đạo là bác. Ai gọi tôi kiểu Trung Quốc là tiên sinh, giáo sư thì tôi không thích. Tôi thích kéo xã hội về gia đình: Một cách ứng xử Đông Nam Á. Tôi sử dụng hệ thống thao tác của khoa học xã hội hậu công nghiệp đồng thời cố gắng sao cho cách trình bày không mâu thuẫn với chủ nghĩa Marx. Rõ ràng không làm gì có văn hóa không pha trộn, cô lập. Ở thế giới này mọi cái đan xen vào nhau. Cái độc đáo không ở yếu tố mà ở kiểu kết hợp.
Trở lại văn hóa Huế. Tôi không phải là đứa con của văn hóa Huế. Tôi là anh đồ nho xứ Nghệ, mà văn hóa Nghệ Tĩnh là tiêu biểu ở thái độ rạch ròi đến mức khô khan, cực đoạn đến mức toán học. Biểu hiện bên ngoài của văn hóa ấy là cái gàn. Xét về thao tác luận gắn là làm theo cái mô hình trong óc, coi mô hình trong óc lớn hơn thực tế. Con người quê hương tôi không hòa mình vào cuộc đời như con người Nam Bộ mà thích nghi với cuộc đời bằng cách vạch giữa cuộc đời với mình một giới hạn cho phép anh ta sống với cái thế giới mô hình mà anh ta ham thích. Mặc dầu thế, tôi rất yêu văn hóa Huế, rất phục nó.
Nếu văn hóa Huế có sức mạnh chinh phục được tôi – một anh chàng không dễ chinh phục – rõ ràng tôi sống ở Hà Nội ít nhất từ 1954 mà vẫn không bị chinh phục – vậy cớ gì nó không chinh phục nổi hàng triệu con người? Theo tôi, có một cái gì chưa ổn. Huế không thể lôi cuốn thế giới bằng khách sạn năm sao, bằng các tiện nghi vật chất. Tiền của đâu mà đi con đường ấy? Muốn có các tiện nghi ấy việc gì phải đến Huế? Huế là Huế. Nó lôi cuốn thế giới bởi vì chỉ ở đây thôi anh mới hiểu được thế nào là Huéen.
Muốn biết Huéen là gì phải biết cái đặc điểm chủ đạo của văn hóa Việt Nam. Tôi lấy một thí dụ: chiếc xe đạp. Đừng khó chịu khi tôi lấy chuyện chiếc xe đạp để bàn về văn hóa. Trang Tử lấy phân, nước tiểu để bàn về đạo vậy tôi cũng có quyền lấy chiếc xe đạp để bàn về văn hóa chứ sao?
Chiếc xe đạp không bắt nguồn từ Việt Nam. Đó là điểm thứ nhất. Nước Việt Nam không phải là Ai Cập, Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp. Nó không phải là nước tạo ra được những phát minh thay đổi được lịch sử văn hóa loài người. Tại sao? Không phải tự thân trí tuệ Việt Nam thua người ta. Đó là vì con người sống bằng lao động trí óc đơn thuần chưa ra đời trên chữ S này. Chưa có một người lao động văn hóa nào có cuộc sống no đủ. Vậy làm sao có thể có những phát minh lớn? Văn hóa trong lịch sử Việt Nam là nghề tay trái của những người sống bằng nghề khác nhưng chấp nhận những thiệt thòi cho bản thân để tranh thủ thì giờ múa bàn tay trái. Nhìn chiếc xe đạp ta có một khái niệm về văn hóa Việt Nam. Đó là văn hóa bricolage. Tuy không làm ra được chiếc xe đạp nhưng chỉ có người Việt Nam mới biết tận dụng mọi khả năng của chiếc xe đạp ở đó có cái gì cũng là đối tượng để chắp vá, hàn sửa, lắp cái này, thêm cái nọ để biến cái xe đạp thành một vật thần kỳ: chở hàng tạ, qua mọi địa hình. Biến cái bình thường thành cái phi thường bằng một tài lắp ghép tuyệt diệu, đó là đặc điểm của văn hóa Việt Nam. Cái tài chế biến, chắp vá, thêm bớt để đạt đến hiệu quả tối đa, đó là điều tôi nhận thấy trong mọi lĩnh vực kinh tế, quân sự, chính trị và văn học, nghệ thuật, ngay ở cái vật ngó rất bình thường nhưng đã chinh phục thế giới là nem rán Việt Nam.
Huế phải giới thiệu cho thế giới biết cái kỹ thuật bricolage của nó. Muốn làm điều đó phải có sự phối hợp giữa dân tộc học, văn hóa học với các nghệ nhân Huế, có sự chỉ dẫn của các tay đặc Huế. Phải viết những công trình văn hóa học về thức ăn, về y phục, âm nhạc, kiến trúc… Là người thao tác luận, tôi không xét câu chuyện ở tư tưởng mà xét ở biện pháp. Một bộ Bulletin des Amis du Vieux Huế (Bảo Đô thành hiểu cố) là phải có. Không phải ngẫu nhiên mà chỉ ở Huế mới có tờ tạp chí độc đáo này. Đấy Huế của chúng tôi, nếu bạn muốn nghiên cứu. Bạn không có thì giờ thì tạm bằng lòng với một bữa ăn Huế, mỗi thức ăn đều có lý lịch của nó. Tùy dạ dày, bạn chọn một hai thứ rồi bạn sẽ hiểu thế nào là cái sang kiểu Huế: bình dị, mộc mạc nhưng vẫn sang. Bạn cần hiểu vua chúa Việt Nam không phải là một thiên tử Trung Quốc, một vua thần Đông Nam Á mà là một người giản dị. Bạn thích làm hoàng tử, công chúa Huế ư? tôi sẽ giúp bạn. Bạn sẽ có dịp sống vài ngày cái không khí để đô được xây dựng lại. Bạn muốn hiểu nhạc Huế chẳng? Tôi sẽ cho bạn biết bằng video một đoạn nhạc Chàm, một bài nhạc Trung Quốc rồi mời bạn thưởng thức cách bricoler của Huế. Cứ như thế, rất ít nhưng rất tinh. Phải đào tạo những nhà Huế học. Đầu tiên thì từng lĩnh vực. Sau đó là môn văn hóa Huế. Nem rán là thứ bình thường còn làm thế giới say mê. Nem rán làm được gì thì bánh măng làm được cái đó. Và đồ mỹ nghệ Huế, nhạc Huế làm được.
Mãi đến năm 1981 tôi mới vào được Huế. Nhớ Huế thì nhớ nhưng đâu có tiền? Và tôi làm sao có thể rút bớt một ngày lao động để đi chơi? Vào nội cung tôi chảy nước mắt. Người ta trồng khoai ở đây! Đành rằng khoai rất quan trọng nhưng trồng khoai ở đây là xúc phạm đến văn hóa. Cả một nước Việt Nam chỉ còn lại một kinh đô bảo tàng. Là người xứ Nghệ, xứ của thiết thực mà tôi còn không chịu nổi thì làm sao khách du lịch chịu nổi? Thiết thực quá là gốc của nghèo đói.
Cuối cùng và quan trọng hơn cả là câu chuyện sau đây. Thực vật học đã chứng minh cùng một giống lúa trồng ở vùng thổ nhưỡng khác nhau thì kết quả khác nhau. Con người phức tạp gấp vạn lần miếng đất. Nó là một ẩn số chưa ai tìm ra được lời giải đáp. Con người Huế là một ẩn số. Tôi là một ẩn số. Một tư tưởng, một thành tựu văn hóa hay kỹ thuật tôi tiếp thu đều bị khúc xạ qua cái lăng kính là chính tôi. Nghiên cứu một tư tưởng ở tự nó, trong lĩnh vực tư tưởng không phải là việc làm của văn hóa học. Đó là việc làm của triết học. Nhưng nghiên cứu độ khúc xạ của tư tưởng ấy trong xã hội, gia đình, văn học, nghệ thuật lại không phải đối tượng của triết học mà là đối tượng của văn hóa học. Nghiên cứu triều đình Huế ở tự nó là nhiệm vụ của sử học, nhưng nghiên cứu các độ chênh của triều đình Huế so với triều đình Thanh lại là việc làm của văn hóa học. Tìm cho ra cách người Việt bricoler văn hóa Đông Nam Á, văn hóa Hán, văn hóa Pháp, văn hóa XHCN rồi văn hóa hậu công nghiệp – là việc làm của văn hóa học. Chỉ có nắm được những nhân tố chính của con người Việt Nam thì mọi công việc ta làm mới tránh được vấp váp hết làm rồi lại đổi, hết xây lại phá, công sức bỏ ra quá lớn mà kết quả lại quá ít.
Tôi hy vọng tờ Sông Hương góp phần vào công việc bricoler được một nền văn hóa Huế nhưng vẫn hậu công nghiệp và hiện đại hay một nền văn hóa hậu công nghiệp hiện đại mà vẫn cứ là Huế. Ấn tượng an ủi tôi nhất khi thăm lại Huế năm 1981 là Huế đã trụ lại được trước sự tấn công của văn hóa Mỹ, Huế là tấm gương cho nhà văn hóa học nhận thấy thế nào là sức mạnh của văn hóa Việt Nam. Tôi kêu gọi mọi người tự cho mình là có văn hóa góp toàn lực cho Huế mãi mãi là quê hương văn hóa trong nội tâm mình.
PHAN NGỌC
(Trích đăng từ “Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới”,
NXB Văn hóa – Thông tin, Hà Nội 1994, trang 130-139)
Hà Nội, 21/8/2015 
Thy Lan
Nguồn: Viện Văn học
Theo https://vanhocsaigon.com/
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...