Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Truyện ngắn Thu Loan: Thuốc lú

Truyện ngắn Thu Loan: Thuốc lú

Chúng tôi quen nhau từ thủa đói cơm, thiếu muối, cùng chung trường, chung khoa, chung phòng. Chỉ khác Khoa sinh viên năm đầu, tôi, Cương, Thịnh sinh viên năm cuối. Khoa luôn ý thức mình là lớp đàn em, ngoan ngoãn nghe lời, một điều dạ các anh, hai điều các anh dạ. Dù chúng tôi đã xếp lịch, phân công quét nhà, đổ rác nhưng là đàn ông, thói quen lười biếng thường bám chặt. Quần áo vứt bừa, sách vở để ngổn ngang, mền gối vun thành đống, tàn thuốc vung vẩy khắp nơi… Ở dơ dơ một chút, bừa bộn một chút có chết đâu!
Từ khi Khoa nhập phòng, mọi thứ bỗng trở nên ngăn nắp, sạch sẽ như có phép tiên. Khoa loay hoay đóng thêm các giá đựng, bấm các móc treo, mua mấy giỏ đựng rác.Thấy Khoa hăng hái tự nguyện lau chùi bàn ghế, sắp xếp đồ đạc, tự nguyện xuống bếp tập thể mang cơm về phòng, ăn xong rửa ngay chén đũa… lúc đầu chúng tôi ngài ngại, riết thành quen, coi như lẽ đương nhiên. Chúng tôi nhờ Khoa đủ việc: “Khoa, dắt hộ anh cái xe”. “Khoa, lấy giùm anh quần áo”. “Khoa, đánh cho anh đôi giày”. Trời mưa to gió lớn, chúng tôi cần áo mưa, Khoa xăng xái: “Để em mua”. Giữa buổi Cương thèm thuốc lá, Khoa xăng xái: “Để em mua”. Lần nào Khoa cũng nở nụ cươi tươi rói.
Nhà văn Thu Loan
Chúng tôi học buổi sáng, Khoa học buổi chiều. Lệch thời gian có bao cái lợi. Có việc gì lỡ lại nhờ Khoa. Thời ấy, chiếc xe đạp quý hơn vàng. Dưới yên luôn giắt sẵn giẻ lau. Rảnh là lau niềng, khung, yên… để lúc nào xe cũng sạch bóng, sáng choang. Thịnh về phòng là treo xe lên, đố ai dám đụng. Cương thì khỏi bàn. Có nói rát họng, khô nước bọt, nêu mọi lý do Cương vẫn kiên quyết lắc đầu. “Tao muốn cho tụi mày mượn lắm. Khổ nỗi nhà tao nghèo quá. Tụi mày thông cảm. Cái xe là tài sản dòng họ. Lỡ có mệnh hệ gì/ mất/ hỏng, chắc bọ[1] tao chôn sống”. Còn tôi bồn chồn, đi ra đi vào, lòng như lửa đốt, không thể làm việc gì khi có lần thằng bạn phòng bên mượn xe không về đúng hẹn, Nhưng xe cũng giống người đau hay bị giãn xích, thủng săm. Lúc ấy, chúng tôi chỉ biết cầu cứu sự thoải mái, dễ chịu của Khoa – chiếc phao cho chúng tôi bấu víu trong cuộc sống nghèo nàn, khó khăn, túng thiếu. “Ê Khoa! Cho anh mượn xe”. “Dạ, anh lấy đi”. “Có thể anh về muộn”. “ Em đi nhờ xe cũng được”. Không chỉ mượn xe, chúng tôi còn thay nhau mượn áo, mượn quần. Thời đó, mỗi đứa chỉ có 1 – 2 bộ. Có hôm giặt xong, gặp trời mưa quần áo không kịp khô, chúng tôi lại gọi: “Ê Khoa! Cho anh mượn áo/ quần. “Dạ, anh lấy đi”. “Có thể anh về muộn”. Việc này khó nhất vì Khoa ít tuổi nhưng cao to hơn chúng tôi. Chúng tôi có thể dễ dàng mặc áo/quần của Khoa còn Khoa thì không. Vồng ngực Khoa nổi căng làm nút áo dễ dàng bật tung. Quần hổng trên mắt cá chân, khóa quần cách đốt tay không móc vào được. Nhưng Khoa vẫn tươi cười. “Dạ, anh về trễ thì em nghỉ. Môn này cũng không quan trọng. Em mượn vở bạn chép là xong”. Nghe khóa học của Khoa bầu Ban chấp hành chi đoàn, danh sách 8 chọn 7, người rớt là Khoa, chúng tôi xúm lại mắng: “Mày chưa từng làm công tác đoàn cũng không phải chi hội trưởng, đứa nào thèm bầu mày?”. “Thì đưa tên em vào để cho mọi người gạch mà!”.  Chúng tôi tròn mắt kinh ngạc: “Biết thế sao còn để tên? Phải rút ngay, bảo vệ uy tín của mình chứ”. “Ai cũng nghĩ thế nên chẳng có tên ai để gạch. Trưởng Ban tổ chức nhờ em, năn nỉ em không được rút vì việc chung. Thôi thì vì việc chung. Có phải chỉ việc được bầu mới thể hiện uy tín đâu”. Nhìn Khoa cười hồn nhiên, chúng tôi vừa bực vừa thương.
Càng sống chung lâu với nhau, chúng tôi càng mến Khoa. Một lần, Cương rủ: “Tao tia đám mì phía bên kia đồi từ lâu rồi. Chỗ ấy vắng vẻ. Mì rất tốt. Chỉ cần nhổ vài bụi, cả phòng được luôn mấy bữa no”. Vừa nghe, mắt đứa nào cũng sáng rỡ, nước miếng tứa ngập chân răng. Hình dung những khúc mì trắng muốt, bở tơi, mấy cái bao tử sinh viên luôn rỗng đã sôi ục ục. Khốn thay, chỉ sau một ngày, ban quản lý ký túc xá đã tìm ra ngay phòng tôi chính là thủ phạm của vụ trộm tài tình. Ông trưởng ban quản lý thật đúng với biệt hiệu: “Mặt sắt”. Ông nhỏ choắt, nhanh nhẹn. Dù được coi là người tốt bụng nhưng sinh viên đều biết đối đầu với sự cứng rắn của ông chỉ có thể nhận kết quả xấu nhất. Ông hiện ra trước cửa phòng, chĩa ánh mắt tinh anh vào từng người, nói dõng dạc: “Các cậu nghe cho rõ đây. Ai chủ mưu? Khai ra. Nếu không tôi lập biên bản, cả bốn cậu sẽ bị đuổi khỏi ký túc xá. Cả bốn cậu bị lưu ban ít nhất một năm”. Bốn cái đầu cùng cúi gằm. Tám con mắt cùng chăm chăm nhìn mặt đất. Tôi nghe rõ tiếng kim đồng hồ tích tắc từng âm thanh nặng nề, chậm chạp, miên man nghĩ tương lai sẽ ra sao, tiếng xấu đồn thổi sẽ ra sao. Nỗi lo âu nặng trĩu vắt rịn từng giọt mồ hôi, con tim đau thắt. Tôi không nhớ thời gian trôi bao lâu. Chỉ khi một cái đầu ngẩng lên, một giọng nói rụt rè cất lên mới kéo tôi ra khỏi sự u mê: “Cháu ạ! Cháu là chủ mưu ạ”. Tôi kinh ngạc thấy Khoa nhận tội còn Cương thở phảo nhẹ nhõm. Tôi muốn rủa Cương: “Đồ hèn” nhưng họng tôi tắc nghẹn. Cương đang làm tổ trưởng. Mỗi khi tôi nghỉ học đi làm thêm Cương điểm danh, phớt lờ không đánh dấu. Như mọi lần, Cương ngượng ngịu phân bua: “Tao cũng không muốn để đứa nào gánh tội thay. Khổ nỗi nhà tao nghèo quá. Chúng mày thông cảm. Tao ở lại một năm, mạ tao làm sao lo nổi tiền ăn, tiền học. Chắc bọ tao chôn sống”. Khoa xua tay, an ủi: “Thôi, các anh yên tâm. Nhà em có điều kiện hơn, ở lại một năm cũng không sao. Các anh ra trường sớm, ổn định việc làm, giúp cha mẹ nhẹ gánh lo là em vui rồi”. Lúc xách giùm Khoa chiếc rương gỗ, vẻn vẹn trong đó mấy bộ quần áo, ít sách vở, tiễn Khoa trở về quê nhà, lòng tôi buồn rười rượi. Từ nhỏ, chúng tôi đã học được tính tinh ranh, có thói quen không quan tâm chuyện người khác, miễn sao đừng tổn hại quyền lợi của mình. Nhưng từ lúc vắng Khoa, chúng tôi hay nhìn chiếc gường trống nơi Khoa thường ngồi vắt vẻo đọc sách, thòng hai chân xuống giường dưới, đung đưa, nhớ nụ cười cởi mở và lúc nào cũng như đứa em ngoan hiền, một điều dạ các anh, hai điều các anh dạ, cảm giác mang ơn, mắc nợ Khoa một điều lớn lao.
Nhưng thời gian, công việc túi bụi làm vơi dần cảm giác ngường ngượng buồn buồn, có khi quên luôn cậu sinh viên năm đầu tên Khoa, lúc nào cũng như đứa em ngoan hiền, một điều dạ các anh, hai điều các anh dạ nếu không có một buổi chiều Cương mở cửa xông thẳng vào phòng tôi, dáng vẻ hốt hoảng, gương mặt âu lo. “Đ.má, chết tao rồi Phương ơi.”. Tôi rất ghét thói chửi thề, nói tục vì đây là điều cấm kỵ với người có học, có văn hóa, đặc biệt ở cương vị thủ trưởng. Nhưng có góp ý cũng chẳng được vì đây là thói quen được hình thành từ một vùng quê nghèo đói, lam lũ, ít học đã thấm sâu vào thịt da, xương máu. Giờ đây, tôi sửng sốt khi thấy người đàn ông nghiêm chỉnh, lịch lãm trong bộ comple xanh đen, áo sơ mi trắng tinh, thắt cà vạt đỏ chót, tóc ướp dầu bóng lộn, giày da bóng lộn, mùi nước hoa thoang thoảng đã mất hết bình tĩnh, đi đi lại lại, thọc tay túi áo, lộn trái túi quần, tìm tìm thuốc lá, bật lửa xẹt xẹt, rít thuốc liên tục, vung vẩy tàn thuốc khắp nơi. Tôi hỏi “Chuyện gì”? “Đ. má! Con Thương dính bầu”. “Trời! Sao để xảy ra nông nỗi này”? Tôi thốt lên. Cương nhăn nhó: “Chắc hứng l. nên không kiêng! Có chết tao không! Đang yên lành. Tao nhà cao cửa rộng, con gái con trai đầy đủ. Chuyện này lộ ra, con cọp cái nhà tao xé xác!”. Tôi đứng bật dậy, cũng muốn lao vào xé xác thằng bạn biết nhau từ thủa đói cơm thiếu muối, ở chung trường, chung khoa, chung phòng. Nhưng bây giờ Cương là sếp, tôi là lính. Qua hai nhiệm kỳ, Cương lên chức vù vù. Cương có hai miếng đất, lần lượt sang tên cho người khác. Tôi ngờ Cương dùng tiền bán đất chạy chức. Một lần, đang đứng ở hành lang khách sạn, tôi bất ngờ thấy vợ Cương sánh vai cùng sếp lớn vào phòng ngủ. Tôi bị Cương lôi tay rẽ quật sang chỗ khác, ghé tai thầm thì: “Mày có thấy những phụ nữ sẵn sàng lùi vào bóng tối, sẵn sàng hy sinh mọi thứ, kể cả thân xác cho sự nghiệp của chồng là hoàn toàn cao cả và tuyệt vời không”. Tôi muốn vung tay đấm thẳng vào gương mặt no nê mãn nguyện mà hét lên: “Đồ chó!”. Nhưng Cương là sếp, tôi là lính. Cổ họng tôi tắc nghẹn. Tôi nhớ Thương, cô sinh viên mới ra trường, lần đầu thấy Cương – vị giám đốc quyền uy, hét ra lửa, ký ra tiền, làm sao không mê! Cương thấy cô bé múp míp, mắt đen hột nhãn, má đỏ bồ quân, làm sao không thích! Hai kẻ say nắng dính như keo hết đợt công tác này đến chỗ vui chơi kia. Người trong công ty ai cũng biết, ai cũng giả bộ ngó lơ. Nhưng vui chơi phải có giới hạn, sao để một cô gái mới lớn, chưa chồng có bầu khác gì chặn mọi ngả đường lấy chồng, xây tổ ấm? Đàn ông vẫn rỉ tai nhau “Ấn thì ấn nhưng cấm để tượng”, nhắc đi nhắc lại những điều tối kỵ: “Con thầy, vợ bạn, gái cơ quan”,  dặn nhau như mẹ dặn con về nhà chồng: “phê thì phê chứ dứt khoát gái tơ không đụng”. Thằng này bất chấp làm bừa, để điều lo sợ nhất xảy ra rồi. Tôi muốn hét vào mặt Cương: “Đồ thất đức!”. Nhưng Cương là sếp, tôi là lính. Tôi biết để mối quan hệ này rạn nứt, tôi sẽ bị đánh bay khỏi guồng máy, đừng hòng tham gia các chương trình, dự án, hết cơ hội làm ăn, chỉ còn đồng lương chết đói. Cổ họng tôi tắc nghẹn.
Cương vẫn đi đi lại lại, rít thuốc liên tục, vung vẩy tàn thuốc khắp nơi. Trong tình thế gay cấn, bỗng cái tên Khoa như ánh chớp sáng lòa. Khoa đang làm giám đốc trung tâm chi nhánh huyện. Xin cho Thương vào đó vừa tránh được ánh mắt soi mói, những điều thị phi vừa như tránh được quả bom nổ chậm. Chúng tôi chúi đầu bàn tính, cân nhắc mọi tình huống, cuống quýt tìm số điện thoại, hy vọng Khoa chính là chiếc phao cứu sinh trong tình thế tuyệt vọng này. Chúng tôi nhận ra ngay giọng nói quen thuộc dạ các anh. Em nghe đây, có chuyện gì ạ? Anh gặp chuyện rắc rối. Em có thể giúp gì?Anh muốn em nhận con bé đang làm hợp đồng ở chỗ anh vào chỗ em làm việc. Anh biết đấy, hiện nay chỉ tiêu biên chế rất khó. Thế anh mới phải nhờ cậy em. Nhưng cơ quan em chỉ cần nam. Khoa ơi, em của anh ơi, em không giúp thì nhà anh cháy chắc, anh chết mất!… Cứ thế, Cương nhỏ to thiết tha, van vỉ còn Khoa nêu hết khó khăn này trở ngại kia. Chỉ từng ấy nội dung lặp đi lặp lại. Cuộc nói chuyện kéo dài rất lâu. Lâu đến mức Cương ngỡ Khoa đang đứng trước mặt. Tay Cương khư khư giữ rịt điện thoại, áp sát tai như chỉ sợ điện thoại rơi hay để xa một chút thì Khoa biến mất ngay lập tức. Hai chân Cương từ từ khuỵu xuống trong tư thế quỳ và cứ thế lết về phía trước, rên rỉ: Khoa ơi, em của anh ơi, anh van em. Em giúp anh chuyện này. Dạ, anh. Em sẽ cố hết sức trong khả năng của mình. Đời đời kiếp kiếp anh không bao giờ quên ơn em. Dạ, anh đừng bận tâm. Em không cần trả ơn. Mình làm ơn cho người này, người này lại làm ơn cho người khác. Người khác lại làm ơn cho mình. Không mất đi đâu anh ạ. Anh em mình đã biết nhau từ thủa đói cơm thiếu muối, ở chung trường, chung khoa, chung phòng. Em rất vui nếu giúp được gì cho anh.
Tắt điện thoại, Cương thở phào nhẹ nhõm thoát khỏi tảng đá ngàn cân. “Xong rồi”. Mặt Cương tươi rói, sinh lực ào ạt trở về như thác lũ. Cương trở lại là người đàn ông nghiêm chỉnh, lịch lãm trong bộ comple xanh đen, áo sơ mi trắng tinh, cà vạt đỏ chót, tóc ướp dầu bóng lộn, giày da bóng lộn, mùi nước hoa thoang thoảng. Tôi thèm trạng thái quên ngay mọi lo âu, quên ngay cảm giác tội lỗi như Cương. Cương nhíu mày: “Ê Phương! Đợt đi vừa rồi mày ăn nhà tao, ngủ nhà tao, không mất đồng nào. Giờ phải trả lại tao tiền công tác phí chứ?” “ Hả!” Tôi ngớ người,vẫn nghĩ hơn chục ngày qua bỏ việc nhà theo Cương thì Cương phải biết ơn tôi lắm, có thêm tiền bồi dưỡng cho tôi cũng chưa xứng. Mượn cớ đi công tác, xe công ty, xăng công ty, công tác phí công ty mà thực chất về quê hốt cốt xây mộ cho bố Cương. Tôi phải chịu đựng cơn gió Lào nóng bỏng, rát rạt thịt da, suốt đêm trăn trở trên chiếc gường gỗ khiến người mỏi ê ẩm, cố nuốt trôi miếng cơm chấm muối đậu khô khốc. Ngày nào vợ tôi cũng ca cẩm, riết róng mau mau về chia xẻ việc chăm mẹ, đón con, giao hàng… Sau chuyến đi, tôi gầy rộc, sút bay 3 ký. Tôi nén bực, móc túi đếm đủ 3.110.000 đồng đưa cho Cương như mọi lần Cương kéo tôi đi việc riêng nhưng xong việc trở về phải đưa lại hết tiền được thanh toán. Cương nhấp nước bọt trên hai đầu ngón tay ám khói thuốc ố vàng, đếm cẩn thận từng tờ. Tiền rách, đổi lại. Tiền cũ, đổi lại. Đủ 3.110.000 đồng. “Tao nhớ kế toán bảo mỗi người thanh toán được 3.113.000 đồng mà”. Tôi móc túi lấy thêm 10.000 đồng đưa Cương, cười cười giả lả “Tại không có tiền lẻ” dù chỉ muốn quát to: “Đồ bần tiện”. Nhưng Cương là sếp, tôi là lính. Cổ họng tôi tắc nghẹn. Còn biết bao cơ hội cần sếp giúp đỡ, chở che. Cương nghiêm mặt: “Tiền bạc phân minh. Mấy ngàn không tới đâu. Cái chính là luyện tính ngay thẳng, rõ ràng”. Nói xong Cương đi thẳng, không trả lại tôi “mấy ngàn không tới đâu” như đã nhiều lần quên. Dẫu việc gì xảy ra, tôi vẫn luôn ý thức giữ thể diện cho sếp. Hình dung dáng Cương quỳ lúc nãy, lỡ ai hỏi hai vết bẩn ở đầu gối thì giải thích sao? Tôi gọi giật: “Khoan, chờ đã”. Tôi lấy khăn thấm nước lau sạch vết bẩn ở quần cho Cương.
Việc của Thương được thu xếp ổn thỏa. Ở nơi xa tít mù kia, tuyệt đối không ai biết Cương là cha đứa bé. Tuyệt đối Cương không nhắc tên cô gái già nhân ngãi, non vợ chồng. Thời gian, công việc như nước cuốn khiến chúng tôi dần quên luôn cậu sinh viên năm đầu tên Khoa, lúc nào cũng như đứa em ngoan hiền, một điều dạ các anh, hai điều các anh dạ nếu thời gian không nhích dần đến mốc thời gian bắt đầu một nhiệm kỳ mới. Công tác chuẩn bị nhân sự trước mỗi kỳ đại hội thường diễn ra nhiều chiến dịch vận động quyết liệt. Người đàn ông nghiêm chỉnh, lịch lãm trong bộ comple xanh đen, áo sơ mi trắng tinh, thắt cà vạt đỏ chót, tóc ướp dầu bóng lộn, giày da bóng lộn, mùi nước hoa thoang thoảng, thảnh thơi đi đi về về giờ đây trở thành người đàn ông lo lắng, thấp thỏm không yên. Đôi khi áo bung ngoài quần, cà vạt xộc xệch, tóc bết bụi đường, mặt nhăn nhó, cáu kỉnh. Cương tranh thủ từng phút giây, sắp đặt các cuộc gặp gỡ với cấp trên, các sở ban ngành. Những cuộc nhậu thâu đêm mệt lử, những cuộc đưa phong bì ngoài giờ buộc phải nuốt vội bánh mì, cơm hộp trên ô tô, những cuộc di chuyển vội vã, liên tục khiến Cương đầm đìa mồ hôi, tóc tai bơ phờ, hốc mắt trũng sâu.
Một ngày Cương lao vào phòng tôi, vẻ mặt lo âu, nghiêm trọng. “Phương!” “Chuyện gì?”. “Mày tìm trong lớp người kế cận, đứa nào có khả năng thay thế tao nhất?”.  Tôi hí hửng thầm nghĩ đây chính là lúc trả ơn Khoa. Tôi tiến cử luôn: “Khoa! Cậu ta vừa có đức vừa có chuyên môn tốt. Chuyện của Thương, chúng ta chưa tốn một ly cà phê!”. Cương phẩy tay: “Chuyện vặt! Nó làm ơn cho mình, mình làm ơn cho người khác, người khác lại làm ơn cho nó. Đời là thế. Có mất đi đâu”. “Vậy cần nó làm gì? Không phải là giới thiệu nó lên  chức giám đốc, thay mày à”? “ Con c.! Đứa nào thay được tao?”. Tôi cười cười: “ Cứ thích đùa. Tổng thống còn có người thay nữa là mày!”. “ Vậy mới phải làm sao cho không có người thay”. Tôi chợt hiểu ra tình thế. Cuộc sống luôn đặt ra những tình thế để con người lựa chọn. Cao thượng hay thấp hèn. Ngay thẳng hay luồn lách. An nhiên hay bon chen. Tôi biết chức vụ có sức hút của nam châm, sức gây nghiện của thuốc phiện, dính vào khó dứt, khó cai. Quyền lực, bổng lộc gắn bó cùng nó như chị em song sinh. Cương bảo: “Dạo này tao bồn chồn không yên. Ăn không được. Ngủ không được. Chẳng biết sự tín nhiệm trong nhiệm kỳ mới ra sao. Nếu tao giữ được chức giám đốc, tao sẽ đưa mày lên phó.”. Nghe vậy, bộ não ù lỳ của tôi giật tưng tưng. Bao nỗi bực bội, uất nghẹn trong tôi tan chảy. Tôi miên man vui sướng, tưởng tượng đến ngày tôi có cơ hội ngồi vào ghế của Cương, cũng đĩnh đạc bước lên chiếc xe hơi sang trọng, nghiêm chỉnh, lịch lãm trong bộ comple xanh đen, áo sơ mi trắng tinh, thắt cà vạt đỏ chót, tóc ướp dầu bóng lộn, giày da bóng lộn, mùi nước hoa thoang thoảng, cấp dưới không dám cãi lời, tiền tự động bay vào két nhà mình như có cánh.
Nhưng cuộc đời đâu dễ cho không ai cái gì cũng như miếng ngon khó kiếm được dễ dàng. Tôi tưởng tượng một mình một chiến trường so vai gắng sức cũng khó thành công. Tôi lắc đầu: “Một mình tao sao làm nổi?”. “Ngu thể. Kéo thằng Thịnh làm đồng minh”. Tôi cười khuẩy, nhún vai, thầm nghĩ không thể nào kéo Thịnh làm hại Khoa. Thịnh từng khoe chính Khoa cho mượn giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng vay mới mua được nhà, không thì đến đời con đời cháu vẫn phải ở nhà thuê. Cả đời Thịnh mang ơn Khoa dù vẫn chưa làm được gì trả ơn. Sau lưng Cương, Thịnh nhệch môi bảo giám đốc gì cái thằng đi bằng đầu gối, cho vợ bán thân, lưỡi rắn độc uốn éo. Tiền, tình, mưu mẹo hết. Sau lưng Thịnh, Cương bĩu môi bảo thằng đó suốt đời làm lính. Chưa làm gì dái đã thót lên cổ. Ăn tiệc lần nào cũng đảo tung cả đĩa chọn từng miếng ngon, nói thì ấp a ấp úng không ra hơi như người thụt lưỡi, làm cả tuần không xong một việc bằng móng tay. Có thậm ngu mới kéo người không ưa nhau liên kết thành một khối.
Nhưng tôi vẫn phải làm cái việc mình cho là vô bổ, là không thể nào, là thậm ngu vì sếp đã nói thì lính phải thực hiện. Thịnh được mời đến gặp Cương như một ân huệ. Lần đầu tiên Cương bước ra tận cửa, một tay quàng qua vai, một tay choàng qua bụng riết chặt Thịnh đúng nghĩa bạn bè biết nhau từ thủa đói cơm thiếu muối, chung trường, chung khoa, chung phòng. Lần đầu tiên Thịnh bước vào phòng giám đốc, được ngồi lọt thỏm trong ghế bành êm ái, không gian mát dịu, mùi nước hoa thơm thoang thoảng, tiếng nhạc du dương, ngắm bức tranh thêu “Mã đáo thành công” choán gần hết bức tường. Lần đầu tiên chính tay Cương cầm khăn lau bàn ghế, pha ấm trà hảo hạng, tặng Thịnh chai rượu ngâm sâm cực quý không có bán trên thị trường. Thịnh mê mẩn quan sát mọi vật bằng khứu giác, thị giác và cả cảm giác, tưởng chừng mắt không sao dời được các đồ vật sáng choang, đắt tiền, tay không thôi mân mê tấm vải nhung trải bàn lộng lẫy. Thịnh chỉ dứt cơn mê khi nghe Cương nói: “Sắp tới, tao cho mày lên trưởng phòng, làm chủ mấy dự án”. Tôi hy vọng Thịnh sẽ xua tay mạnh mẽ, cao giọng hùng hồn từ chối kịch liệt, như hôm nào Thịnh nói văng cả nước bọt vào mặt tôi: “Nói cho mày biết, tao đây đã sống nửa đời người. Tao có chính kiến của tao. Không ai có thể bắt suy nghĩ của tao phải theo suy nghĩ của họ. Không ai có thể dẫn dắt tao làm những việc mà tao thấy không đúng”. Tôi hy vọng, đây chính là lúc Thịnh tỏ rõ khí phách oai hùng của con người ngay thẳng, trong sáng. Tôi bất ngờ thấy Thịnh hai tay chống cằm, trầm ngâm nghe Cương lên kế hoạch, nhấp từng ngụm nước trà, tư lự: “Nói Khoa từng ăn trộm sao? Bị ở lại trường một năm sao”? Cương sốt sắng trấn áp ngay như không để tính nhát cáy, non gan có cơ nổi dậy: “Phải. Không ai bắt mày dối trá. Mày chỉ việc trả lời có hay không. Giống như tao đang hỏi mày đây. Thằng Khoa có ăn trộm không?” Thịnh gật Có. Có bị ở lại trường một năm không. Thịnh gật Có. Cương hớn hở; “Thấy chưa? Rõ ràng là sự thật. Phương đâu, cùng Thịnh kết hợp với các phương tiện thông tin truyền thông, làm sao cho chuyện này loang ra càng nhanh, càng nhiều, càng tốt. Cho thằng đó mất thanh danh hoàn toàn”. Thịnh gật. Tôi muốn nhổ nước bọt vào mặt Thịnh, hét lên: “Đồ phản trắc”. Nhưng thói quen im lặng, ngoan ngoãn nghe lời khiến họng tôi tắc nghẹn. Tôi còn nắm tay Thịnh siết chặt, vẻ tươi cười, vồn vã thể hiện sự hợp tác bền chặt.
Tôi và Thịnh thành kẻ đầu sai của Cương, đã làm điều phải làm. Vụ trộm từ mấy chục năm trước gắn với tên Khoa bỗng dưng nổi trôi rầm rầm trên mạng, báo, đài, lan truyền trên môi người này, người kia. Câu chuyện xa mờ trong quá khứ được khơi dậy, đánh bóng, biến đổi, bỗng có sức công phá to lớn như bom nguyên tử làm danh tiếng của Khoa xây dựng mấy mươi năm phút chốc tan tành tro bụi. Đôi lúc, tôi tự hỏi có phải mình đang uống THUỐC LÚ không. Hiện trước mắt tôi hình ảnh cậu sinh viên năm đầu, luôn ý thức mình là lớp đàn em, ngoan ngoãn nghe lời, một điều dạ các anh, hai điều các anh dạ. Một ngày, tôi bất ngờ đau bụng, ói mửa liên tục. Cương và Thịnh kinh tờm chất nôn sền sệt, bốc mùi tanh tưởi đã bịt mũi lánh ra ngoài mặc Khoa hì hụi hốt, lau, chùi, rửa. Cả đêm tôi ôm bụng rên rỉ, vật vã nằm thõng thượt trên giường. Khoa đã xốc tôi trên lưng, chạy hơn cây số đến bệnh viện trong cơn mưa tầm tã. Lúc tôi tỉnh giữa không gian trắng, ánh điện trắng, giường nệm trắng, tôi thấy một mình Khoa ngủ ngồi cuối giường, tóc ẩm, quần áo ẩm, mặt úp sấp gần chân tôi, hai tay vẫn ôm khư khư bịch nước nóng chườm bụng. Bác sĩ bảo tôi tu bảy kiếp mới đến kịp thời. Chậm chút nữa khối áp xe ruột thừa vỡ, chín mươi chín phần trăm cuộc đời đi tong. Chín mươi chín phần trăm không chết cũng để lại di chứng khôn lường. Bác sĩ hất đầu về phía Khoa, dặn thêm: “Lo trả ơn ân nhân đấy”. Lúc ấy tôi cười cười nghĩ chẳng ai trả hết ơn cứu mạng. Giờ đây tôi lờ mờ cảm giác mình đang làm việc tội lỗi, trái lương tâm. Nhưng sự day dứt chỉ hiện trong khoảnh khắc ngắn ngủi rồi tan biến. Khoa làm ơn cho mình, mình làm ơn cho người khác, người khác lại làm ơn cho Khoa. Đời là thế. Có đi đâu mà mất. Ý nghĩ, niềm tin chỉ là thứ mông lung, mơ hồ. Chỉ có quyết định tôi làm Phó giám đốc là thật. Nó là thứ hiện hữu, tỏa sáng lung linh có thể sờ, mó, nghe, cảm, thấy. Tôi sẽ có cơ hội ngồi vào chiếc ghế của Cương, đĩnh đạc bước lên chiếc xe hơi sang trọng, nghiêm chỉnh, lịch lãm trong bộ comple xanh đen, áo sơ mi trắng tinh, thắt cà vạt đỏ chót, tóc ướp dầu bóng lộn, giày da bóng lộn, mùi nước hoa thoang thoảng, tiền tự động bay vào két nhà mình như có cánh.
Đúng như dự đoán, trong cuộc bỏ phiếu kín, tên Khoa bị gạch tơi tả. Mừng thành công, Cương mời chúng tôi ăn sáng, không quên nhấn mạnh: “Hôm nay, tao đãi chúng mày một bữa no say, thả cửa bằng chính TIỀN TÚI của tao. Đi quán phở ông Ba”. “Sao không đến quán Nữ. Ngon, sạch, đảm bảo uy tín, chất lượng”. Cương xua tay rối rít: “Thôi, thôi. Quán ấy đông như quân Nguyên. Ăn ngồi chen chúc, ngon thế đ. nào được”. Tôi rủa thầm: “Tao đi guốc trong bụng mày.  Mày tiếc tiền thì có. Phở Nữ 40.000đ/ tô. Phở ông Ba 25.000đ/tô. Tiền nào của nấy. Ngon gì thứ phở ngoại ô, toàn bỏ bột ngọt thay nước hầm xương”. Nhưng Cương là sếp lớn, tôi sếp nhỏ. Tôi đã quen ý nghĩ cấp dưới phải chiều và làm theo cấp trên. Họng tôi tắc nghẹn. Giờ đây, khi ngồi trong quán phở chật chội, có 2 dãy bàn, mỗi dãy 3 chiếc, tôi lại thấy ân hận vì không dám làm trái ý Cương. Nỗi tức tối với chính mình càng tăng gấp bội khi phải qua mấy ngã rẽ, vào hẻm đất ngoằn ngoèo mới tìm ra quán. Trên vách tường treo tấm biển to: Quán ông Ba. Phở: tái, nạm, gầu, gà. Nhìn khắp lượt chẳng thấy khách nào ngoài ba thằng biết nhau từ thủa đói cơm, thiếu muối, chung trường, chung khoa, chung phòng. Theo thói quen tôi lăng xăng kéo ghế, lấy chanh xát sạch đầu đũa, lòng muổng, khúm núm đặt ngay ngắn trước mặt Cương. Cương gọi to: “Người đâu”. Gọi đến lần thứ ba mới thấy một người đàn ông béo phục phịch chạy ra, một cô bé chừng 16, 17 tuổi chạy ra. Chủ quán nhanh chóng đứng vào trong quầy, bật bếp ga. Còn cô bé bưng một đĩa rau thơm đi về phía chúng tôi lễ phép: “Các bác ăn gì ạ?”. Cương cau có nhìn bộ quần áo bẩn bẩn, những ngón chân thò ra khỏi quai dép nhựa cũng bẩn bẩn, cáu kỉnh quát to như trút cho hết nỗi bực: “Chó chết! Bán quán mà chậm như rùa! Chúng ông vào đây ăn phở chứ không lẽ ăn c…ứ…t?”. Giọng Cương cao vút cuối câu khiến con bé đứng ngay đơ, mặt xám ngoét. Tôi vội đỡ lời: “Nó muốn hỏi ăn phở gì đấy mà. Thôi cứ cho 3 tái, nhiều bánh.”. Tromg lúc chờ chế biến, Cương rót nước trà ra 3 ly, giơ lên: “Mừng sức khỏe!”. Chúng tôi cụng ly cốp cốp, ngửa cổ nuốt ực như uống rượu. Cương lại rót tiếp ly mới, giơ lên: “ Mừng thắng lợi!”. Chúng tôi lại cụng ly cốp cốp, lại ngửa cổ nuốt ực như uống rượu. Tôi nhíu mày, nhăn mặt, chép nước bọt chít chít, cố gắng ấn vào bụng thứ nước màu vàng nguội ngắt, không mùi, không vị. Cương hãnh diện nhấn mạnh: “Hôm nay tao đãi tụi mày bằng TIỀN TÚI tao đó”. Thịnh hể hả: “Thằng oắt đó không bao giờ có cơ hội lên chức được nữa. Từ nay, chúng ta làm gì cũng phải liên kết chặt chẽ với nhau như anh em một nhà”. Tôi muốn nhổ toẹt nước bọt vào mặt hai thằng bạn biết nhau từ thủa đói cơm thiếu muối, chung trường, chung khoa, chung phòng rồi hét lên: “Có điên mới coi chúng mày là anh em một nhà”. Nhưng tôi nhận ra giờ đây tôi cũng là một mắt xích trong guồng máy này, không thể rời xa, tách bỏ. Họng tôi tắc nghẹn. Tiếng húp nước soàn soạt, muổng chén khua lanh canh. Những sợi phở trắng nhởn trôi tuột qua cổ họng khiến tôi nhờn nhợn ộ, ọe. Mắt tôi hoa hoa sắc màu ảo ảnh. Cương chìa hũ tăm trước mặt Thịnh rồi lại chìa sang tôi, đầy vẻ hào phóng: “Dùng đi! Dùng xả láng! Hôm nay tao đãi tụi mày bằng TIỀN TÚI tao đó!”.
Lần đầu tiên tôi là thượng khách, được chính tay sếp mời tăm. Tôi khúm núm giơ hai tay rút một cây. Mọi vật nhòa nhòa. Tôi vẫn không sao bước ra khỏi màn sương THUỐC LÚ.
Pleiku  2020
THU LOAN
[1] Bọ: bố
14/5/2021
Nguyễn Cẩm Hương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chàng thi nhân đầu bạc XXXX

Chàng thi nhân đầu bạc Nguyễn bước ra khỏi bóng những tán cây. Nhiều năm sau, khi đặt bút viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã thêm một dòng lạc t...