Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Từ "Lời ru vầng trăng" đến "Bóng đời" - Đỗ Thu Hằng

Từ "Lời ru vầng trăng" đến
"Bóng đời" - Đỗ Thu Hằng

Một buổi sáng mùa xuân ấm áp, tĩnh lặng, tôi cầm trên tay và đọc “Lời ru vầng trăng”, tập thơ của tác giả Nguyễn Đăng Tấn, Nhà xuất bản Lao Động, năm 2000. Những câu chữ, hình ảnh thơ cứ âm thầm cuốn tôi vào mạch cảm xúc  rất riêng, tràn đầy khiến tôi muốn chia sẻ niềm xúc động từ câu chữ, nơi chỉ có những tâm hồn tha thiết yêu thương cuộc đời.
Đọng lại trong tôi là hình ảnh vầng trăng sáng ngời xuyên suốt tập thơ. Trăng trong thơ anh, là biểu tượng của quê hương đất nước, là biểu tượng của tình yêu trong ngần thiết tha, đầy hoài niệm:
“Đất nghèo như đảo chơi vơi
Cồn cồn cát trắng, ngời ngời trăng rơi
Thương sao những giọt mồ hôi
Chưa rơi đã phải khô rồi, trắng phau…”
(Tiếng ru)
Một tình yêu quê hương thật giản dị mà sâu sắc, có nỗi xót xa, có cả những niềm vui:
“Ngày mùa quê tôi
Những buổi tuốt lúa vui như hội
Sân đình chật tiếng nói
Trăng nghiêng xuống cười…”
(Ngày mùa quê tôi)
Nhà thơ Đỗ Thu Hằng
Những năm tháng tuổi trẻ của một người lính cầm súng bảo vệ đất nước, lòng anh vẫn luôn đau đáu hướng về nơi thân yêu nhất, nơi có lời ru của mẹ, lời ru dịu dàng như vầng trăng sáng mãi trong ký ức:
“Bỗng nghe từ phía lưng đồi
Một lời ru vút ngời ngời trăng lên”
(Lời ru vầng trăng)
Trăng thương trào trong lời ru của mẹ, trăng cũng trong veo tình yêu Tổ quốc:
“Trăng Tổ quốc anh rất trong
Em nhớ Viêng Chăn ngày trở lại
Trời sao quê anh sáng mãi
Soi vào mắt em…
(Bài thơ tiễn bạn).
Suốt dọc dài cuộc đời, anh đã đi đã gặp bao vùng đất, bao con người, để rồi nỗi nhớ lại hoá thân vào một vầng trăng nơi ngõ nhỏ, phải chăng, nơi ấy có bóng hình người con gái anh yêu:
“Anh chưa có cuộc đời nơi ngõ nhỏ em ơi
Vầng trăng rơi trên những tầu lá chuối
Cơn mưa chiều như trẻ thơ đuổi nhau rất vội
Rắc âm thanh lên mỗi mái nhà…”
(Ngõ nhỏ)
“Ô cửa nhà bên dập dìu hương sữa
Một vầng trăng tròn trặn, trinh nguyên…”
(Có một vầng trăng).
Cứ như thế, mạch thơ anh nhẹ nhàng sâu lắng như dòng nước suối thấm mát nuôi nấng cảm xúc độc giả. Thơ anh giản dị lạ lùng và dịu dàng lạ lùng. Từng dòng thơ cứ thủ thỉ với những người thân yêu:
“Ôm con vào lòng
Ôi vầng trăng của bố
Đời lính xa nhà gian khổ
Thời gian gần được tính bởi phút giây…”
(Có một vầng ấm).
Lãng mạn, nội tâm, minh triết ăm ắp trong thơ, tôi nhớ mãi những câu:
“Từ trong lòng đất thẳm sâu
Nghe mạch sống cuộn lên mầu lá xanh
Rưng rưng dòng nhựa đầu cành
Rồi ngày mai sẽ nở nhành hoa tươi…”
(Lời ru vầng trăng).
Tập thơ xuất bản đã lâu, nhưng luôn mới mẻ, ý nghĩa với người anh yêu quý và yêu quý anh. Tôi tin rằng hình ảnh vầng trăng còn tiếp tục lặng lẽ sáng trong mạch nguồn trái tim anh.
Hai tập thơ của Nguyễn Đăng Tấn
Nếu như “Lời ru vầng trăng” là tiếng lòng của một người lính với giọng thơ thấm đẫm cảm xúc trong ngần, thì ở tập thơ “Bóng đời” mới xuất bản của anh mang đầy trải nghiệm của cuộc đời. Tập thơ ” Bóng đời” dày dặn từ số lượng đến chất lượng, cảm xúc. Tập thơ được chia làm hai mảng khá rõ nét: Những viên sỏi nhỏ và Dải yếm.
“Những viên sỏi nhỏ” gồm 34 bài thơ mang đầy cảm hứng về Tổ quốc, những suy tưởng sâu sắc về con người và dân tộc. Nhưng ở khuôn khổ bài viết này, tôi muốn nói đến “Dải yếm” mảng thơ tình mềm mại của một tâm hồn sâu lắng, một trái tim không tuổi, trẻ mãi.
Là một người từng trải, anh rất hiểu:
“Những lời yêu vừa đó đã quay quắt bay xa
Thân tình lắm lại trở thành kẻ thù trong gang tấc
Là hàng xóm tối lửa tắt đèn nằm gai nếm mật
Bỗng bất ngờ dao sắc kề bên…”
(Xúc xắc mùa thu)
Cả cuộc đời chìm nổi, nếm trải mọi điều trong cõi nhân gian, tưởng như có thể làm cho anh chai sạn mọi xúc cảm. Nhưng không:
“Đã đi qua những ngày nắng lửa
Đã đi qua những mùa lạnh giá băng
Để lòng trắng nở thành mây trắng
Màu trắng lung linh trong sáng vĩnh hằng…”
(Bài thơ trắng)
Trái tim người thi sĩ vẫn rung động, rung động trước cảnh sắc, trước niềm yêu xưa cũ:
“Tháng Ba như một con thuyền
Thương yêu nối giữa hai triền yêu thương
Dùng dằng nhớ dùng dằng vương
Rét hơi hơi rét ủ hương đất trời…”
(Dùng dằng tháng Ba).
Bằng trải nghiệm, anh viết:
“Hãy mở tiếp những trang đẹp nhất
Những yêu thương, khao khát đợi chờ
Hãy bùng lên những đợt sóng xô bờ
Vỗ mãi mãi vào bến bờ xanh thắm.
Ta bên nhau với niềm tin sâu lắng
Mỗi ngày thêm hạt hạt phù sa…”
(Lật mở)
Lời thơ anh da diết, có lúc bùng lên theo con sóng cảm xúc thăng hoa. Có lẽ, trong một quãng đời anh đã tìm thấy một bất ngờ:
“Tháng Mười như một nong tơ
Em là hạt nắng bất ngờ hiện ra…
Tháng Mười để anh có em
Để cho bờ bãi xanh thêm đất trời
Mặc cho bèo dạt mây trôi
Để bàn tay ấm nói lời bàn tay…”
(Khúc hát tháng mười).
Trái tim minh triết, trái tim cũng phóng khoáng, đa tình lắm cơ, anh gọi:
“Yếm đào là yếm đào ơi
Phập phồng lá thắm bồi hồi nụ hoa…”
(Dải yếm)
Tình yêu trong thơ anh tha thiết, bâng khuâng như ánh mắt mênh mang, lãng tử. Nhớ một kỷ niệm hay những ký ức yêu thương cứ vương vấn mãi không nguôi, chập chờn, xa gần. Một địa danh cũng đi vào nỗi nhớ thương bồng bềnh:
“Ngẩn ngơ trước núi và em
Bên miền linh khí bên miền thần tiên
Trập trùng mây trắng bay nghiêng
Trập trùng cõi mộng quá miền hư vô…”
(Chiều Ba Vì)
Đọc những câu thơ trong “Bóng đời”, tôi lại nhớ một nhà thơ từng viết:
“Nhà thơ không có tuổi
Tuổi nhà thơ trong thơ
Đọc Kiều không ai hỏi
Tuổi Nguyễn Du bao giờ”.
Thế đó, từ “Lời ru vầng trăng” đến Dải yếm của “Bóng đời” vẫn là một tâm hồn chan chứa tình yêu, yêu người, yêu đời.
14/6/2020
Đỗ Thu Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Văn Lê: Huyền thoại luôn bắt đầu từ sự thật

Nhà văn Văn Lê: Huyền thoại luôn bắt đầu từ sự thật Nhà văn Văn Lê vừa vĩnh biệt chúng ta. Ông là cây bút chuyên nghiệp và bền bỉ, cuối đờ...