Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2023

Nguyễn Hồng Linh và Tóc rơi phiến ngọc

Nguyễn Hồng Linh và
Tóc rơi phiến ngọc

Vẫn là cảm xúc tình yêu mang yếu tố chủ đạo qua từng bài thơ, mà cũng không chỉ riêng cho tình yêu đôi lứa, ở Nguyễn Hồng Linh nét thơ nhạy bén, say đắm đã làm nên bước đà vững chãi trong hành trình sáng tạo của mình…
Nhà thơ Nguyễn Hồng Linh ở Đức
Tóc rơi phiến ngọc cùng với tác giả Nguyễn Hồng Linh là nỗi nhớ quê hương ngàn xa vời vợi quyện vào tình yêu say đắm ngất ngây, rưng rức buồn thương để rồi cô quạnh trong những hy vọng chờ mong vượt qua thời gian và không gian là cả đại dương mênh mông… Tình yêu và tình quê hương đã chiếm trọn tâm hồn người phụ nữ ly hương này rồi:
Tha phương đất lạ nhớ quê…
Trái tim lưu luyến mong về cố hương.
(Cố hương)
Đâu phải ngẫu nhiên khi bài thơ “Cố hương” đã mở đầu cho cả tập thơ nhớ quê, yêu người của tác giả Nguyễn Hồng Linh. Có lẽ nỗi nhớ đã vò nhàu, đã uốn nếp, đã trồi sụt đứt gãy trong tâm trí chị nhiều lắm rồi có phải…? để cho cánh buồn cánh nhớ cứ luân phiên nhau thường trực trong cung bậc thời gian cùng người – thơ mà hóa giải biết bao nhiêu muộn phiền.
Giấu mình trong vỏ sò…
tôi ở đây và nỗi ám ảnh thì ở bên kia bờ đại hải. Làm sao bình lặng trong cô độc? dù đã cuộn mình trong con ốc,
(Sóng bạc đầu)
Vậy đó, đã co mình lại, giấu mình đi nhưng nỗi nhớ quê vẫn ám ảnh khôn nguôi. Bởi trong mỗi chúng ta, quê hương đã là muôn thuở rồi. Để đến khi mức độ nhớ làm cho ta cũng trăn trở cùng chị: Sóng bạc đầu!/ Nhớ cũng bạc đầu! (Sóng bạc đầu).
Biết bao thương yêu, nồng ấm, nhớ nhung nhưng tình yêu nguyên vẹn trong thơ chị cứ mơ hồ cứ ảo ảnh để rồi chỉ còn lại là sự âm thầm day dứt:
Trời đổ giọt châu
Đêm thâu úa nhàu
Tình như chiếc lá phai màu
Tiêu tương tình khúc lệ sầu chứa chan
(Mong manh)
Nỗi nhớ quê, nhớ người trong thơ Nguyễn Hồng Linh cứ bảng lảng trong sương mờ rồi lại hiện hình cô quạnh:
Mai về tìm lại dòng sông trắng
Dấu vết rêu phong khói sương bay.
(Sài Gòn có gì)
Dòng sông trắng của Hồng Linh là dòng sông quê hương mà chị luôn nhớ về nhức nhối, khắc khoải, đau đáu khôn nguôi. Đó đã từng là dòng sông quê mát lành, dòng sông đời trong mộng và nay đã trở thành dòng sông trắng mỏi mong trở về…
Thơ Nguyễn Hồng Linh gợi ta nhớ đến hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ “Tiếng hát con tàu”:
Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn!
Một khi nơi đã từng ở lại chính là quê hương Tổ quốc mình thì nỗi nhớ càng tăng lên gấp bội phần. Nỗi nhớ sẽ là tâm hồn, là máu thịt, là cốt tủy tận sâu thẳm đáy lòng. Bởi nên nỗi nhớ quê hương trong thơ Nguyễn Hồng Linh như một phần tất yếu trong cuộc sống của chị vậy đó.
Tuyết rơi rơi!
con chim đơn côi
Tiếng hót lạc loài
Giữa bầu trời
Tuyết trắng mênh mông
(Đi về đâu)
Tuyết rơi nơi viễn xứ, lòng tương tư chạnh nhớ quê nhà. Xứ mình xưa nay đâu có tuyết, nên phận chim đơn côi với tiếng hót lạc loài nơi xứ tuyết là hình ảnh điển hình và sâu đậm nhất cho nỗi nhớ quê hương có trong đó đủ các cung bậc bồn chồn, mong mỏi, thương yêu và dường như bất lực…?
Canh dài thổn thức trông
Gờn gợn ngọn đông phong
Viễn xứ chưa tròn mộng
Quỳnh đơm một đóa sầu
(Chờ… Quỳnh hoa nở)
Đủ biết nỗi nhớ đó đích thực là nỗi nhớ trường kỳ, nỗi nhớ… không ngủ; và còn rất nhiều cảnh ngộ của nỗi nhớ tương tự như thế đã làm nên một Nguyễn Hồng Linh đa hình nỗi nhớ.
Không chỉ nhớ quê hương, thơ Nguyễn Hồng Linh còn là tình yêu đầy giông tố nhưng cũng rất ngọt ngào đắm say:
Con chim sáo nhỏ nhớ anh
Nụ cười đi vắng – cành xanh giọng sầu
(Cành xanh giọng sầu)
Tập thơ “Tóc rơi phiến ngọc” của Nguyễn Hồng Linh
Như là khởi đầu báo hiệu cho một tình yêu không hề thuận buồm xuôi gió chăng? cành xanh giọng sầu đang gióng lên tiếng chuông ái tình thấp thỏm chờ mong.
Một chút yêu… thật lạ!
Ướp mật say lòng người
(Một chút thôi!)
Tình yêu cho dù ở lứa tuổi nào cũng đều có những bước đi rụt rè riêng, dù là yêu lần đầu hay yêu lần sau. Nếu là lứa tuổi 5X, 6X hay đầu 7X trở về trước thì điều đó càng rõ rệt hơn. Bởi nên chỉ một chút yêu thôi đã đủ để ướp mật say rồi cũng thật dễ hiểu. Đó chính là khởi đầu cho một tình yêu… chưa biết mai này sẽ về đâu?
Sự so sánh trong thơ Nguyễn Hồng Linh không mới nhưng đủ làm người đọc bồn chồn theo. Thơ chị đủ sức lôi cuốn người đọc song hành là vậy.
Cát ơi! Đừng chôn vùi tình nhé
Hạt cát tình người… giọt bay xa
(Phan Thiết ơi! Người có đợi chờ?)
Vẫn là cảm xúc tình yêu mang yếu tố chủ đạo qua từng bài thơ, mà cũng không chỉ riêng cho tình yêu đôi lứa, ở Nguyễn Hồng Linh nét thơ nhạy bén, say đắm đã làm nên bước đà vững chãi trong hành trình sáng tạo của mình. Sự ví von trong thơ chị luôn thật đáng yêu.
Tháng mười một… lá rơi vàng trước ngõ
Sắc thu buồn ráng đỏ khóc thời gian
Gió heo may thổn thức gọi mùa sang
… Em vẫn biết tình yêu là men đắng
Vẫn nhớ anh quay quắt giữa thu phai
(Hương yêu vàng mùa cũ)
Cách tiết chế nỗi buồn của Hồng Linh được thể hiện qua sự ý thức của bản thân ở mỗi lời thơ, vì ít nhiều trong chị cũng mong muốn cái miên man ấy không lấn lướt đi phần cảm xúc trữ tình mà chất thơ nặng lòng giãi bày.
Cảm xúc yêu thương cứ quyện chặt vào giọng thơ đằm thắm ngọt ngào của chị. Ngập tràn trong thơ là sự đắm say của lời tình thủ thỉ:
Có phải anh tình muộn đời em? Bao năm qua em vẫn chờ anh đến. Chờ bình minh lên hoàng hôn lịm tắt. Chờ tuổi xế chiều tình ái lên ngôi.
(Tình chiều)
Về những nỗi buồn trong thơ Hồng Linh cũng thật dễ hiểu bởi buồn như một biểu hiện tất yếu của thơ ca, đặc biệt là thơ nữ mà khi liên quan đến cảm xúc đặc biệt này dễ rơi vào nước mắt, nhưng yêu như Nguyễn Hồng Linh thì quả là đặc biệt:
Bây giờ… người còn nhớ em không?
Yêu anh một chút mưa thành sông
(Bây giờ… người còn nhớ?)
Đúng là lòng trời cũng như lòng người một khi người ta đã yêu, yêu say đắm, yêu ngất ngây hay là yêu bão giông đơn phương thì cũng chất chứa mầm khổ đau…
Yêu chi mà dạ bồn chồn
Hận chi đời đã xói mòn tuổi xanh
(Đá)
Yêu đến mức hận đời hay cũng là hận thời gian đã xói mòn tuổi xanh thì đủ biết tình yêu dữ dội như thế nào, cung bậc cảm xúc bay bổng, dâng tràn, khao khát đến độ thơ và người đều không thể hình dung… Nguyễn Hồng Linh quả là đã thật “quá lời” nhưng cũng thật “khéo lời” trong ngôn ngữ thơ của mình.
Gửi vào anh đầy dịu dàng sâu lắng. Gửi vào anh nỗi nhớ quay quắt, đảo điên. Gửi vào anh thăng hoa và hạnh phúc. Tan vào nhau đẫm cả hai tâm hồn.
… Tình yêu em tràn đầy những cung bậc. Gửi vào anh những cung bậc hoàng hôn. Gửi vào anh những khát nhớ nồng nàn. Gửi tình muộn giấu vào đêm huyền hoặc.
(Cung bậc hoàng hôn)
Dù yêu đến bao nhiêu cung bậc thì lời thú nhận “cung bậc hoàng hôn” đã là cách tiếp cận an nhiên nhất trong tình yêu của Hồng Linh. Tình yêu trường cửu hay tan vỡ và ta ứng xử với tình yêu như thế nào cũng bởi cách nhìn nhận và tiếp cận sự việc mà thôi. Đó cũng là sự diệu kỳ của thơ, và Nguyễn Hồng Linh đã góp phần vào mạch yêu ấy…
Em khát khao nụ tình cháy khát. Em khoả thân đốt cháy trái tim anh. Trên da thịt vẫn còn ửng hồng nụ hôn cuồng dại.
(Bước xuống đời nhau)
Tình yêu cuồng dại đã xuất hiện trong thơ Nguyễn Hồng Linh, mỗi khi người phụ nữ đã thốt lên như vậy nghĩa là tình yêu đã cháy bỏng tận cùng của dâng hiến của khát khao. Nhưng vẫn thấp thoáng ẩn hiện trong đó sự dịu dàng của người phụ nữ Á Đông thật đáng yêu. Đôi lúc ta bỗng tự hỏi có cần phải nói ra là em khỏa thân không? Nhưng thật lòng mà nói thì sự bỏng rát của tình yêu đã chẳng thể đặng đừng. Còn đây nữa:
Đêm trắng… Những vuốt ve nóng bỏng.
Như ngựa hoang đã tháo dây cương
Ta tìm nhau… tìm nhau, một lần không đủ
Anh vẫn đưa tay tìm… cho tình ái lên ngôi.
(Giấc xuân nồng)
Thực ra trong tình yêu không bao giờ là đủ, tạo hóa đã ban cho loài người sự tuyệt vời vô song của tình yêu, nhưng đi cùng cũng là muôn vàn đắng cay, thổn thức. Tình yêu là sự duy trì phát triển của nhân loại nhưng tình yêu cũng là đề tài muôn đời của thi ca, hội họa, âm nhạc và hầu hết các loại hình nghệ thuật mà loài người đã tạo ra. Thơ Nguyễn Hồng Linh cũng không ngoại lệ.
Ngôn ngữ thơ Nguyễn Hồng Linh vẫn là lời thơ muôn thuở, dung dị nhưng sang trọng, đài các và lịch duyệt:
Anh có nghe mùa xuân
Gieo hạt mầm thương nhớ
Nụ tầm xuân bỡ ngỡ
Gió giao mùa mênh mang
(Lời thì thầm mùa xuân)
Khi mùa xuân gieo hạt mầm thương nhớ để cho gió giao mùa giúp ta cảm nhận đầy đủ sự tinh tế đài các trong từng tiếng xuân… rõ ràng tuy hình ảnh không hề mới nhưng ta vẫn thấy sự tươi mới của hồn thơ.
Em hong tình trong góc
Đêm tối sợ tình đau
(Chơi vơi)
Sự dung dị đã đủ làm cho người đọc khắc khoải liên tưởng về cuộc đời, về nhưng gì ta đã trải qua, thể hiện sự gợi mở trong thơ Nguyễn Hồng Linh thật đáng trân trọng. Hay như hình ảnh:
Em đi tim ta ngỡ ngàng
Phím trầm loang mãi cung tơ
(Hoa bong bóng vỡ gọi mưa)
Là nỗi buồn thực sự sang trọng không dễ gì cảm nhận được trong đời.
Bước đi, ngoảnh lại đã một đời
Trăm năm vội vã người xa khuất
(Ngoảnh lại đã một đời)
Đó là sự cảm thán về cuộc đời, những nỗi niềm chưa chắc đã được giải tỏa cùng ai, phải là tri âm mới thấu hiểu, phải là tri kỷ mới ngang vóc dáng, bởi nên có khi trăm năm không gặp một người. Cuộc đời vô định thế đó nên lời cảm thán như một tiếng thầm thì rất sang trọng, rung ngân…
Dòng tóc em bay lạc mây mù
Em bước xuống đời khúc mộng du
(Hoa tím tương tư)
Như một tình yêu có thể không có hồi kết nhưng ẩn chứa lòng vị tha, thương cảm bao la trong cuộc đời này. Sự nhân hậu và vị tha đã làm cho cuộc sống thêm đẹp lên nhiều.
Đó cũng là nỗi niềm thi ca của Nguyễn Hồng Linh:
Em như chim đông
Ngủ muộn đợi mong
Mỏi mòn trông
Khúc tình tha thiết
Da diết, nồng nàn
Đêm thở than
(Khúc tình ngâu)
Thở than mà cứ như không vậy, thì ra nỗi buồn đã khuất lấp trong muôn vàn lời yêu nên sự chờ đợi trong tình yêu đúng là một điều gì đó rất đẹp, rất sống động nữa.
Em ngồi hong tóc mây hồng
Dưới giàn thiên lý trổ bông hoa vàng
(Tóc rơi phiến ngọc)
Chắc chắn đây là những câu thơ dung dị mà đài các rồi. Tóc mây hồng và hoa vàng trên giàn thiên lý gợi ta nhớ về một miền xa xăm, và hình như là trong miền cổ tích vậy? Nguyễn Hồng Linh thật đã biết đi riêng con đường của mình.
Em hóa đá ngu ngơ. Trước bóng tối im lìm
(Cuộc tình lạc lối)
Để rồi thơ chị đã hóa đá ngu ngơ trong tình yêu và cuộc đời nhưng hồn yêu thì cứ mãnh liệt từ tuổi trẻ đến tuổi về chiều:
Anh cho em mượn… bờ môi anh. Bờ môi nồng ấm, đầy đam mê, cháy bỏng, khát khao. Để đêm dài em khỏi khắc khoải, nhớ mong…
(Anh cho em mượn)
Thậm chí đến mức muốn giấu bớt đi tình yêu:
Vỏ sò ơi!
Sao không đem giấu
Cuộc tình đầy cháy bỏng giữa ngàn khơi
(lời tự tình trên biển).
Xin cám ơn tác giả Nguyễn Hồng Linh với những vần thơ khao khát mê cuồng trong tình yêu cùng với nỗi nhớ quê hương day dứt khôn nguôi! Sự dung dị trong thơ chị đã không làm khuất lấp đi những vần thơ sang trọng và lịch lãm để mọi người cùng thưởng thức trong những cung bậc mê say.
Tp.HCM, 14/10/2019
Hoàng Đỗ
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn Văn Lê: Huyền thoại luôn bắt đầu từ sự thật

Nhà văn Văn Lê: Huyền thoại luôn bắt đầu từ sự thật Nhà văn Văn Lê vừa vĩnh biệt chúng ta. Ông là cây bút chuyên nghiệp và bền bỉ, cuối đờ...