Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2023

Nhà văn Aleksandr Kuprin đường văn khúc khuỷu

Nhà văn Aleksandr Kuprin
đường văn khúc khuỷu

Aleksandr Kuprin là nhà văn của người dân thường, có vị trí rất đặc biệt trong lòng độc giả Nga. Nhiều nhà nghiên cứu vẫn cho rằng, ông chịu ảnh hưởng sâu sắc và là học trò của Lev Tolstoi và Anton Chekhov. Trong gần 40 năm sáng tác, ông để lại gần 300 tác phẩm, trong đó có những tác phẩm trở thành kinh điển.
Văn của ông có giọng điệu riêng, các câu chuyện tình buồn mà trong sáng, lãng mạn được ví như những “bản tình ca du mục”, rất giản dị nhưng rất con người. Còn cuộc đời ông ẩn chứa khá nhiều nghịch cảnh và mâu thuẫn.
Nhà văn Nga Aleksandr Kuprin
Cậu bé Sasha (tên gọi thân mật từ Aleksandr) hầu như không được biết gì về cha mình vì mới lên một tuổi thì đã bị mồ côi cha: ông chết vì bệnh thương hàn. Mẹ của nhà văn tương lai xuất thân trong gia tộc bá tước Kulanchakov, vốn là một phụ nữ kiêu hãnh và rất có uy, với một sự hiếu danh được ẩn giấu trong lòng sâu tới mức chính bà cũng không nhận ra.
Nữ bá tước thất thế này đã không thể tha thứ điều gì cho người chồng mất sớm sau khi đã làm khánh kiệt gia sản, buộc bà phải ngậm bồ hòn làm ngọt suốt cả thời xuân. Một cuộc hôn nhân như đôi đũa so le hay cảnh sống buồn tẻ ở nơi hẻo lánh Narovchatov, cũng là nơi mà ngày 7/9/1890, nhà văn lớn của nước Nga đã cất tiếng khóc chào đời? Có lẽ là cả hai. Và còn nhiều nỗi ấm ức nữa mà hậu thế khó lòng biết được rành rẽ.
Năm Kuprin lên 4 tuổi, người mẹ trong cảnh bần hàn nhưng vẫn còn rất xuân sắc, đã mang con trai lên Moskva với mong muốn thay đổi vận hội cuộc đời. Hai mẹ con đã tạm thời tá túc ở nhà những người họ hàng sung túc hơn một thời gian ngắn.
Rồi người mẹ đã kiếm được công việc dạy nhạc cho những gia đình giàu có để có thể nuôi cậu con trai độc nhất của mình ăn học tử tế. Mỗi khi rời khỏi nhà, người mẹ đã buộc cậu con bé bỏng vào ghế hoặc vẽ xuống nền nhà một vòng tròn bằng phấn để Sasha bắt buộc chỉ được chơi ở trong khuôn khổ đó cho đến khi mẹ về.
Những ký ức tuổi thơ không mấy dễ chịu về mẹ đã in hằn trong tâm hồn nhạy cảm của Kuprin. Nghèo khó quá hóa tàn nhẫn, người mẹ trong những lúc nổi cáu hay đánh cậu con trai vì bất cứ lỗi lầm nào, dù nhỏ nhất, hoặc để hùa theo những những bậc bề trên đã thuê bà dạy dỗ con cái họ, chế giễu từ cách ăn nói hay dáng đi, thế ngồi của Sasha. Thậm chí họ còn chế nhạo cả nét mặt tưởng như không cân đối của Sasha. Nhà văn tương lai đã im lặng nhẫn chịu nhưng trong lòng cậu đã tấy lên những vết thương mà về sau không bao giờ lành miệng.
Ngay cả khi đã ở tuổi trung niên, Kuprin vẫn không quên nổi những sự nhục nhã mà ông đã phải chịu trong ngày thơ bé. Một phụ nữ quen biết nhà văn kể lại rằng, khi đã là một tác giả nổi tiếng rồi, Kuprin vẫn không kiềm chế được trước một lời nhận xét nào đó của mẹ mình và khi khách tới chơi yêu cầu ông đọc một trích đoạn truyện ngắn hay truyện dài của ông, thì ông đã đọc những điều ông ghi trong hồi ký về các trò giễu cợt ông từ phía mẹ khi ông còn bé. Câu kết thúc đoạn ấy là: “Tôi đã căm thù mẹ tôi!”.
Những vị khách ngồi nghe đã sững sờ cả người và hồi hộp chờ một sự bùng nổ. Thế nhưng, người mẹ vẫn bình tĩnh nghe hết với cái lưng vươn thẳng lên kiêu hãnh và đôi môi mím chặt lại lạnh lùng. Còn Kuprin, sau khi đọc xong đoạn trên thì ngồi xuống ghế một cách kiệt sức. Chỉ trong đôi mắt của ông mới thấp thoáng nỗi niềm gì đó như cuồng nộ và như đau đớn. Rồi người mẹ lặng lẽ đi ra khỏi phòng với thái độ của một nữ hoàng bị xúc phạm, đầu không ngoảnh lại.
Vài ngày sau, như không hề có chuyện gì xảy ra, người mẹ lại tới nhà con trai uống trà. Và người con lại kính cẩn đón mẹ từ cổng và đưa mẹ vào nhà…
Mối quan hệ mâu thuẫn và “những bài học của tình mẹ con” như thế không thể không chi phối tâm tính của nhà văn tương lai. Ở Kuprin đã sớm phát triển năng khiếu quan sát tâm lý, ông như thể đã học được cách nhìn từ bên trong động cơ dẫn tới hành động của từng con người và biết tách hạt ra khỏi vỏ. Nhà văn tương lai cũng đã sớm biết cách thu mình lại, mỗi khi khó khăn và khổ sở, để tư duy.
Để tưởng tượng. Cậu bé Sasha rất yêu các gia súc và nhìn thấy trong chúng những người bạn dù không biết nói tiếng người nhưng vẫn rất trung thành, tử tế, không bao giờ nhạo báng bất cứ hành động nào. Sasha chỉ ngại tiếp xúc với con người thôi. Cậu bé kín tiếng và ít bộc lộ những tâm tư thực sự của mình. Thói quen này nhà văn đã giữ cho tới mãi sau này.
Những vết thương lòng như thế thường đau đớn rất lâu. Phải làm gì đây? Lắm khi không thể có thuốc làm dịu những nỗi đau truyền lại từ tuổi thơ như thế.
Mới lên sáu, nhà văn tương lai đã phải vào ở trong trường dành cho trẻ mồ côi ở Moskva. Năm 1880, rời nhà tế bần đó, Kuprin được người mẹ đã tìm cách đưa vào Trường Thiếu sinh quân, nơi ông đã phải chịu khá nhiều nhục nhã và cay đắng không chỉ từ phía những giảng viên ở đó mà cả từ phía các đồng đội của mình.
Sau khi tốt nghiệp Trường Thiếu sinh quân, để chiều lòng người mẹ rất muốn con trai mình trở thành sĩ quan, nhà văn tương lai đã phục vụ trong quân ngũ suốt bốn năm liền. Nhờ thế, Kuprin đã có được những hiểu biết rất sâu và rộng về đời sống quân ngũ ở những vùng xa xôi hẻo lánh, những chi tiết về các cuộc hành quân.
Và những mẫu người rất dễ nhận ra: những sĩ quan từng trải, những hạ sĩ quan trẻ trung, những ông tướng ria bạc, những quý bà đỏng đảnh trong trung đoàn và những chàng Sở Khanh bạt mạng… Và Kuprin đã bắt tay vào sáng tác văn học. Năm 1893, chàng chuẩn úy trẻ tuổi đã hoàn thành truyện ngắn “Bóng tối” và các truyện vừa “Đêm trăng”, “Cuộc điều tra”…
Từ năm 1896, Kuprin xuống các khu mỏ vùng Donetsk và bắt đầu thu thập tài liệu, viết các ghi chép về tình cảnh công nhân. Cũng chính ở thời điểm này, ông bắt đầu viết truyện dài “Tuổi trẻ”, tác phẩm quan trọng nhất của ông. Trong những năm đầu thế kỷ XX, tài năng của ông đạt đến đỉnh cao. Năm 1909, với 3 tập sách của mình, ông nhận giải thưởng hàn lâm Puskin cùng với Ivan Bunin…
Tiếp theo tác phẩm “Tuổi trẻ”, Kuprin đã bắt tay vào viết một loạt tác phẩm như “Chàng chuẩn úy”, “Olesia”, rồi “Rạp xiếc”, “Viên đạn trắng” và tiểu thuyết “Trận đấu súng”… Sau đó là truyện vừa “Chiếc vòng thạch lựu”. Thành công của các tác phẩm này đã đưa ông lên hàng ngũ tiên phong trên văn đàn Nga đầu thế kỷ XX.
Năm 1905, đại văn hào Liev Tolstoi sau khi đọc “Trận đấu súng” đã nhận xét rằng: “Tất cả những ai đọc đều cảm thấy rằng mọi sự mà Kuprin viết ra đều là sự thật, ngay cả những quý bà không biết gì về đời sống quân ngũ”.
Không chỉ là một cây bút lớn về người lính, Kuprin, như nhận xét của nhà văn Nga Olex Mikhaikov, còn là nhà văn – họa sỹ của thiên nhiên Nga hùng vĩ và tinh tế. Trong các câu chuyện của ông, thiên nhiên Nga hiện lên với vẻ đẹp vừa bao la tráng lệ, vừa rất chân phương, đầy cảm xúc. Chỉ với vài câu văn mô tả, như một danh họa vung cây cọ là Kuprin đã khiến người đọc lập tức nhận ra một vùng đồng quê Nga đầy mơ mộng.
Ông rất có tài trong việc dựng lên khung cảnh thiên nhiên đáng nhớ cho các câu chuyện của mình. Những cánh đồng cỏ, vùng đầm lầy ven rừng, với hơi thở tươi mới vào một sáng mùa hè, như vương vấn mùi thơm tỏa ra từ bụi hoa phúc bồn tử và tử đinh hương, những loại hoa đồng nội của thiên nhiên Nga.
Không ai có thể quên được con đường xuyên qua cánh rừng già mà anh chàng trí thức nghèo Ivan Timopheevich và cô gái Digan xinh đẹp nhí nhảnh Olesia đã đi qua trong đêm trăng kỳ ảo, dưới ánh trăng như dát bạc trên các thảm cỏ và lùm cây. Khó mà quên được ngôi biệt thự và khu vườn có hàng hiên rủ đầy dây nho giống Izabela nhà nữ Công tước Vera Nicolaievna Seina, nơi có thể phóng tầm mắt nhìn về bờ biển từ trên vách đá…
Nhiều độc giả yêu quý ông, nói rằng, khi đọc những câu truyện tình của ông ở vùng quê Nga, họ như đang ngồi trầm ngâm trước bức “Mùa thu vàng” của danh họa Levitan, hay bức “Rừng bạch dương” của A. Golovin…
Kuprin từng có mối tình đầu mơ mộng nhưng rốt cuộc cũng chẳng dẫn đến đâu với em gái một người bạn. Rồi khi mới tốt nghiệp trường sỹ quan, chàng chuẩn úy này đã lại vướng vào mối tình bất thành nữa, khi ông bố vợ tương lai yêu cầu ông phải thi đỗ vào Học viện Bộ Tổng tham mưu thì mới cho cưới. Rủi thay, trên đường đến St. Peterburg, Kuprin đã ẩu đả với tốp lính tuần tra nên bị kỷ luật đưa đi một đơn vị rất xa…
Rời quân ngũ năm 1894, Kprin đã lập gia đình với người phụ nữ tên là Maria Davydova. Hai người có một cô con gái tên là Lydia. Đến tận bây giờ, người ta vẫn chưa hiểu lý do gì khiến nhà văn quyết định bỏ rơi người vợ đầu và cô con gái yêu quý chỉ sau 5 năm chung sống để sống với vợ thứ hai cho đến cuối đời…
Người ta cũng không rõ vì sao Kuprin lại ra nước ngoài cư trú sau năm 1917, mặc dù lúc ban đầu ông đã dành những tình cảm tốt đẹp cho Cách mạng tháng 10 Nga. Trong thời kỳ nội chiến, không hiểu vì lý do gì, ông rơi vào danh sách tù binh – và nếu không có một sỹ quan Hồng quân kịp nhận ra đó là Kuprin – tác giả thiên diễm tình “Olesia” bất hủ – thì chắc ông đã bị xử bắn.
Khoảng năm 1919, Kuprin rời nước Nga, định cư ở Paris. Tại đây ông đã giữ im lặng đến tận năm 1927 mới sáng tác trở lại, và một loạt tác phẩm ra đời như “Chiếc vòng thời gian”, “Janetta” và tác phẩm tự truyện “Yunkevich”…
Suốt trong những năm tháng xa quê hương, Kuprin đã luôn khắc khoải nhớ về Tổ quốc. Trong các bức thư ông gửi cho người thân như con gái Lydia hay người vợ thứ nhất Maria, ông đều bộc lộ nỗi nhớ và hy vọng trở về Nga. Cuối cùng thì mong ước của Kuprin đã được thực hiện. Năm 1937, lãnh tụ Xôviết Stalin đã đồng ý để nhà văn mà ông và nhân dân Nga yêu thích trở về Moskva.
Tại nhà ga phía Bắc Paris, trước khi ngồi vào toa tàu tốc hành Paris-Moskva, ông đã thốt lên: “Nhất định tôi phải trở về, dù có phải đi bộ, tôi vẫn trở về…”. Và, thành phố Moskva, nơi in dấu tuổi thơ cùng những sáng tác đầu đời của ông, đã nồng nhiệt đón chào nhà văn.
Do sức khỏe quá yếu, ngày 25/8/1938, Kuprin qua đời khi chỉ còn vài ngày nữa là đến sinh nhật thứ 68. Khi vĩnh biệt ông, nhà văn Konstantin Pautovski đã nói: “Chúng ta phải biết ơn Kuprin vì tất cả, vì tính nhân văn sâu sắc, vì tài năng tinh tế, vì tình yêu Tổ quốc, vì lòng tin vô bờ vào hạnh phúc của nhân dân, và cuối cùng, vì trong ông không bao giờ mất đi khả năng tự đốt cháy những chi tiết thường nhật để thăng hoa thành những áng thơ văn rất tự nhiên, rất nhẹ nhàng”.
2/12/2019
Sỹ Hưng
Nguồn: ANTGCT
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lời Tạ Lỗi Muộn Màng Viết cho H., HQ Tr.Uý tại BTL/HQ bến Bạch Đằng ngày xưa. Nếu anh tình cờ đọc được thì xem như đây là một lời tạ l...