Thứ Ba, 29 tháng 8, 2023

Phồn Sinh - Bản hoan ca bất tận của châu thổ sông Hồng

Phồn Sinh - Bản hoan ca bất tận
của châu thổ sông Hồng

Sau khi in tập Hoa linh (thơ và trường ca năm 2000), lặng lẽ tập trung vào viết các tác phẩm mới của mình. Khi đã có một lượng bản thảo kha khá, cuối năm 2018 ông bắt đầu cho in ba tác phẩm đầu tiên với tổng cộng gần 1200 trang in. Đó là các tác phẩm Phồn Sinh (trường ca), Sa hồng (thơ và trường ca) và Beijing – lá phong vàng (tùy văn).
Là một nhà báo, ông có dịp đi nhiều, cả trong nước và ngoài nước. Vì vậy, văn chương của ông mang dấu vết của nhiều vùng đất, nhiều địa danh nơi ông đã có dịp đặt chân tới. Từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, từ Ngọn cờ Lũng Cú (Hà Giang) đến ngọn Hải đăng Tiên Nữ (Trường Sa). Từ Siberi Bắc Cực đến New Auckland Nam Cực. Đến đâu ông cũng viết, nhưng đọc ông ta thấy, dẫu vậy, cuối cùng chủ yếu thơ ông vẫn là viết về châu thổ sông Hồng, về gương mặt những người phụ nữ dấu yêu bên sông Hồng.
Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và trường ca Phồn Sinh
Ngay từ những tập thơ mỏng được xuất bản vào những năm 90 của thế kỷ trước của ông, như Chùm mơ tiên cảm, Mùa thiêng, Hoa linh đã đầy ắp đồng bãi quê hương cửa sông Hồng bộn bề mỡ màu và sinh sôi. Nhưng đúng là phải đến trường ca Phồn Sinh thì sự phồn thực, phì nhiêu và sinh sôi nảy nở của châu thổ sông Hồng mới thực sự trở thành một bản hoan ca sự sống.
“mỗi sớm mai khi ta mở mắt/ một bình minh trong trẻo thanh tân ngút ngát chân trời/ một phù sa non rười rượi giàn dụa lênh láng ngào ngạt trước nhà/ một sa hồng non tươi nõn nà nồng nàn thịt da mơn mởn/ một châu thổ đầm đìa tràn trề chan chứa lộng lẫy dồi dào sầm uất/ một dòng sông nước lành dào dạt ngập tràn mênh mang đắm đuối linh hương…
tâm hồn ta ngây ngất bài hoan ca của đất bài hoan ca của trời bài hoan ca của nước bài hoan ca của lửa bài hoan ca của nắng bài hoan ca của mưa… bài hoan ca của ta bài hoan ca của nàng bài hoan ca của những cậu con trai bài hoan ca của những cô con gái bài hoan ca của những anh gà trống bài hoan ca của những chị gà mái bài hoan ca của những chàng trâu đực bài hoan ca của những nàng trâu cái bài hoan ca vang lừng chân trời góc bể bài hoan ca vang lừng tám hướng bốn phương bài hoan ca long lanh tràn ngập thế gian
khi bài hoan ca của ta cất lên sự thật của bài hoan ca ròng ròng tươi rói chảy miên man trên da thịt của ta trên da thịt nàng trên da thịt đồng nam trên da thịt đồng nữ trên da thịt đất đai trên da thịt canh đồng trên da thịt dòng sông trên da thịt đồi núi trên da thịt trời xanh trên da thịt biển biếc trên da thịt gia súc trên da thịt gia cầm trên da thịt côn trùng trên da thịt nhuyễn thể trên da thịt lưỡng cư trên da thịt thủy sinh trên da thịt địa sinh trên da thịt thiên sinh trên da thịt nhân sinh”
Trường ca Phồn Sinh, theo như lời đầu sách, tác giả đã viết nó liên tục trong 12 năm. Nó được bắt đầu viết từ Malaysia năm 2002 và kết thúc tại Việt Nam năm 2014. Ban đầu chỉ là một bài thơ ngắn viết về câu chuyện tình lãng mạn thoảng qua giữa một chàng trai đến từ Hà Nội và một cô gái hồi giáo Kuala Lumpur nhưng sau đó thì chính dòng chảy cuồn cuộn của sông Hồng đã lôi tuột tâm tưởng, tình cảm và hơi sức của tác giả về châu thổ sông Hồng.
Suốt cả bản trường ca, châu thổ sông Hồng hiện lên là một vùng đất “thánh” tràn trề năng lượng mỡ màu, phì nhiêu, tươi tốt, tưng bừng sinh sôi nảy nở và quanh năm suốt tháng bộn bề mùa màng gặt hái. Và, dòng sông Hồng rực đỏ vạm vỡ cuồn cuộn chở phù sa bồi đắp đồng bãi quê hương. Châu thổ sông Hồng theo cảm thức của tác giả đó là thế giới phồn sinh, thế giới của phồn thực và sinh sôi.
Chính từ cảm thức phồn sinh, bản trường ca dẫn dắt ta về với cội rễ văn hóa bản địa và tộc người của một vùng đất ngàn năm văn hiến. Ta gặp ở đó sự đồng hiện sinh động đầy mê hoặc của các truyền thuyết, huyền thoại, chuyện cổ tích, dân vũ và ca dao, dân ca. Ta đắm chìm trong những câu chuyện tình huyền sử – những địa chỉ tâm linh dân tộc, hàm chứa biết bao thông điệp về lịch sử, văn hóa, về sự sống, đời sống, lẽ sống và tình yêu. Đó là Lạc Long Quân và Âu Cơ, Sơn Tinh và Mỵ Nương, Tiên Dung và Chử Đồng Tử, Khâu Đà la và Man Nương, Trương Chi và Mỵ Nương, Trọng Thủy và Mỵ Châu… xoay quanh những câu chuyện tình là cả một thời đại, cả một đời sống, cả một tâm thức, cả một lịch sử, cả một nền văn hóa dân tộc.
Ta gặp ở đó những suy ngẫm, những trăn trở và luận giải về con người, về nhân dân, về chiến tranh, hòa bình, về chống xâm lược, về nội chiến, về chống thiên tai, về dựng làng, lập ấp, về phẩm giá, về đức hạnh, về nhân văn, về thiện và ác, về tốt và xấu, về giầu và nghèo, về ý thức và vô thức, về văn hóa và bản năng, về tình yêu và nhục dục…
Ta gặp ở đó, dòng sông Hồng rực đỏ cuồn cuộn phù sa, đồng đất mỡ màu, núi đồi xanh mướt, muôn loài phì nhiêu, hoa trái xum xuê, mùa màng tốt tươi, cây cối đâm chồi nảy lộc, muông thú bận mải giao hoan, bộn bề sinh nở. Ta thấy châu thổ sông Hồng hiện lên với sắc màu tưng bừng rực rõ, với âm thành ời ợi gọi nhau, với nhịp điệu tưng tưng truyền sinh bất tận của muôn loài.
“trên xứ sở châu thổ Sông Hồng của ta rực rỡ sắc màu sinh sôi/ vang lừng âm thanh đâm chồi nảy lộc/ sôi động thanh điệu cường tráng/ lộng lẫy sắc màu căng mẩy/ tràn trề tinh thần luyến ái/ náo nhiệt nhịp điệu truyền giống lộng lẫy huy hoàng
ta là đứa con trai châu thổ Sông Hồng đậm đà bản sắc thủy phồn/mênh mông dạt dào xứ sở nước/ ta là đứa con trai châu thổ Sông Hồng đậm đà bản sắc địa phồn/ bao la xứ sở phù sa cánh đồng/… ta là đứa con trai châu thổ Sông Hồng đậm đà bản sắc nhân phồn/ nguy nga lộng lẫy xứ sở máu đỏ da vàng mặt gẫy trán dô răng sắc lưỡi nhọn tóc đen mũi tẹt mông to đùi nở eo thon ngực mẩy thăm thẳm má lúm đồng tiền long lanh mắt môi tròng tranh thịt da sóng sanh tóc tai vương vấn hây hẩy má hồng ngào ngạt linh hương bừng bừng lửa cháy”
Trường ca Phồn Sinh của Nguyễn Linh Khiếu
Là một bản trường ca đương đại mang nhiều âm hưởng vị lai phi truyền thống với sự tuôn trào của dòng chảy vô thức, sự khai phóng mọi tiềm năng sáng tạo, Phồn Sinh có kết cấu đồng hiện, chồng lấn, liên văn bản. Chính vì thế nó tạo nên cảm ứng đồng sáng tạo trong tiếp nhận tác phẩm nơi bạn đọc. Có thể nói đó là một văn bản thơ tôn vinh người đọc, trao quyền cho người đọc. Người đọc không bị động như trong cách tiếp nhận các tác phẩm văn chương truyền thống mà mỗi người đọc thực sự trở thành chủ thể đồng sáng tạo như chính mình là tác giả. Với mỗi người đọc Phồn Sinh là một tác phẩm khác biệt
Tuy nhiên, Phồn Sinh với 710 trang in khổ 16×24, 150 chương, hơn 130 ngàn chữ và 13 ngàn dòng thơ, văn bản lại được trình bày phi truyền thống không hề có dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm than, dấu hỏi, dấu chấm phẩy, dấu ba chấm… (chỉ có một dấu chấm kết thúc trường ca) nên cũng gây ra những khó khăn nào đó trong tiếp nhận. Hơn thế, Phồn Sinh lại chính là một văn bản tích hợp bao gồm cả thơ, văn xuôi và triết học. Điều này như một thách thức rằng để thấu hiểu trường ca Phồn Sinh một cách trọn vẹn, cần có những cách tiếp cận khác nhau khi tri giác văn bản thơ.
Trường ca Phồn Sinh dù cuồn cuộn như dòng chảy sông Hồng mùa lũ, dù bộn bề với biết bao sự vật, hiện tượng, biết bao chuyện kể, sự kiện, suy ngẫm, tâm tư và tình cảm nhưng đọc tác phẩm ta nhận thấy với tác giả, phồn sinh đơn giản là phồn thực và sinh sôi, châu thổ sông Hồng là thế giới phồn sinh. Và với âm hưởng ấy, trường ca Phồn Sinh chính là bản hoan ca bất tận của châu thổ sông Hồng.
18/2/2020
Nguyễn Bảo Hân
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...