Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2024

Thơ Văn Nguyên Lương buồn những không bi lụy

Thơ Văn Nguyên Lương
buồn những không bi lụy

Văn Nguyên Lương là một nhà thơ rất trẻ. Anh quê Quảng Ngãi và hiện đang làm thầy giáo dạy ở bậc PTTH. Khoảng 2016-2017, trước khi diễn ra Hội nghị “Những người viết văn trẻ” do Hội Nhà Văn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, trên trang website của Hội, một số cây bút trẻ, chừng hơn chục người đã đăng đàn, Văn Nguyên Lương là một trong số ấy. Tiếp đó, trong quý 3 và 4 năm 2017, anh cho ra lò hai tập thơ “Sóng chữ sông quê” và “Bước đêm đợi nắng lên”, đầu 2018 ra tiếp tập thứ ba. Với một nhà thơ trẻ, sức viết như thế có thể coi là khá mạnh mẽ.
Tôi đọc thơ thường chú trọng vào giọng, tư tưởng và khuynh hướng sáng tác. Tôi nói thêm, có giọng nhưng thơ chưa hẳn đã hay, ngược lại đã là thơ hay thì chắc chắn có giọng. Giữa một rừng thơ, để tạo ra cho mình một giọng, thiết nghĩ chẳng dễ dàng gì. Thơ Văn Nguyên Lương có giọng chưa, và giọng ấy là giọng gì? Trước khi trả lời cho câu hỏi này, ta cùng đọc lại đôi khúc thơ của anh.
“Gặp nhau trong nỗi nhớ quê
trăn trở bóng mẹ già tuổi cạn
dòng sông trăng soi bóng tâm hồn
em mới biết
nghĩa tình trong chị
như xóm làng quê gần gũi thân quen
ao nước lã ngập tràn thương nhớ
như giọt máu đào
một mẹ sinh ra”
(Dòng sông trăng)
“Quê nghèo long đong bao mùa bão lũ
tiếng chim nghẹn giọng trên đồng
… ngàn dâu vẫn xanh hy vọng
bãi ngô tay vẫy đợi chờ
… làng quê mình
mừng đón bước chân
mấy mươi năm viễn xứ
vẫn không quên ruộng đất ông bà
choàng tay ôm nấm mộ con thơ
hỏi thăm người hàng xóm”
(Cảm xúc ngàn dâu)
“Chợt nghe hương ổi thơm lừng
cắn miếng quê ngọt lịm
cánh diều chở tôi về tuổi thơ xanh ngát
nơi chiếc võng bà ru
tôi đã mang theo
hơn nửa cuộc đời”
(Về thăm ngoại)
Tôi đồ rằng, thơ Văn Nguyên Lương đã có hơi hướm một giọng. Giọng này, rủ rỉ như mưa dầm. Nó theo khuynh hướng lặn vào trong, tôi tạm gọi là hướng nội. Một người chưa từng rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, chưa có những đêm mất ngủ vì nhớ quê thì không thể viết được như vậy. Tôi bị ám bởi “mùi ổi thơm lừng” của Lương. Những câu thơ chẳng màu mè, vậy mà đọc lên ta vẫn cảm thấy nghẹn. Cái nghẹn ấy chính là tiếng lòng cất lên thành thơ.
Thơ hay thường buồn, nhưng buồn đấy chẳng phải ủy mị. Nó ở một trạng thái khác, như khi ta thoát ra khỏi cơn bão, thấy bầu trời xanh bất chợt lại bồi hồi nhớ bão. Tôi đọc trong thơ Lương thấy rất nhiều cảnh buồn, nhưng không rơi vào bi lụy.
“Cha nhẻm đen cõng từng lọn củi
bữa vỡ lòng tôi được nửa củ khoai
tôi lớn khôn từ mồ hôi muối mặn của cha
đi dọc biển đời từ nước mắt âm thầm của mẹ”
(Nơi tôi sinh ra)
“Dưới trời cao đất rộng
mẹ là nơi con thương nhớ quay về
vì mẹ là tất cả
là quê hương trong trái tim con”
(Chốn bình yên)
“Ánh mắt, nụ cười mơ hồ cũng khiến lòng ta thảng thốt”
(Cơn nghiện tình trăm năm)
Bất luận thế nào, hướng nội hay ngoại, khi bài thơ thổi vào lòng người tình thương mến, một chút hy vọng, thì thơ ấy rất đáng đọc. Theo tôi, thơ Lương thuộc loại này. Câu “Ánh mắt, nụ cười mơ hồ cũng khiến lòng ta thảng thốt” (Cơn nghiện tình trăm năm) khá tinh tế. Trong xã hội nhuốm màu phồn thực, những khoảnh khắc khiến cho lòng nao nao như thế vô cùng hiếm. May chăng một tâm hồn nhạy cảm mới bắt được sóng của nó. Văn Nguyên Lương đã biến cái khoảnh khắc hiếm hoi ấy thành thơ.        
Thơ Lương viết về quê hương, về gia đình, lối xóm, tình yêu, và về cái “Tôi” riêng mình, qua những bài như “Dòng sông trăng, Cảm xúc ngàn dâu, Về thăm ngoại, Cơn nghiện tình trăm năm, Nơi tôi sinh ra, Chốn bình yên” mà tôi đã dẫn ở trên, cùng với những Tìm, Ánh mắt tôi, Thôi đừng khóc nữa, Mắc cạn sông quê dưới đây, và một loạt bài khác như Câu hỏi không lời, Đèn dầu của mẹ, Thưa mẹ con đi, Hạnh ngộ, Tiếng rao khuya, Quy Nhơn mùa lá trút vần thơ, Mưa thảy đều ấm áp.
“Tôi như loài cây lớn theo chiều thẳng đứng
vươn giữa bầu trời học triết lý đường cong
học cả những điều phi lý
… và tôi
cứ mãi đi tìm”
(Tìm)
“Tôi thường phóng ánh mắt về phía chân trời
để dõi những đám mây ngũ sắc
và vẽ ra một miền huyễn hoặc
nơi đó là chỗ ở của các nàng tiên
… tôi thường nhìn về những cơn mưa
để tìm mình một thời bé bỏng
để nghe hoa cỏ mỉm cười
và khóc bao mảnh đời ngập lụt
tôi nhìn về phía biển
để nghe tiếng khóc than nghĩa sĩ bao đời
cả những oan hồn vì cuộc mưu sinh”
(Ánh mắt tôi)
“Loài tu hú ác gian
cà cưỡng vẫn nuôi nấng đấy thôi
cứ miệt mãi trữ loại giống đời nhân đức
hoa trổ mấy hồi”
(Thôi đừng khóc nữa)
“Hiện đại hóa nông thôn
nhà tầng thay lũy tre làng kẽo kẹt
rừng thiêng thay khu du lịch
trên cánh đồng
trên nương dâu, bãi mía
những dòng sông, con suối quê hương”
(Mắc cạn sông quê)
Tôi đánh giá cao tác giả ở những bài này, không chỉ bởi sự nhân văn, mà cái chính là chúng đã bộc lộ ra tư tưởng, đồng thời cũng có thể coi là khuynh hướng sáng tác của Lương. Rồi đây, hẳn sự bao dung, chia sẻ sẽ tiếp tục là gam màu chủ đạo chi phối thơ Lương. Trong thiên nhiên rộng lớn, loài tu hú ác gian cà cưỡng còn nuôi nấng, huống chi con người với nhau. Đây là một điểm trội trong nhận thức, và cũng vì thế mà tôi cho rằng Văn Nguyên Lương sẽ còn đi tới.
Tôi đã viết về Giọng, Tư tưởng và Khuynh hướng sáng tác trong thơ Lương. Giở tôi sẽ viết một điểm nữa, chia sẻ thì đúng hơn, thứ mà tôi cho rằng cần cải thiện, là việc dụng ngôn. Có lẽ, bởi Văn Nguyên Lương viết như một sự giải phóng năng lượng, nên cánh đồng thơ của anh còn lắm ôm đồm, thiếu đi sự chắt lọc. Tôi thèm những câu kiểu “chợt nghe hương ổi thơm lừng/ cắn miếng quê ngọt lịm”, hoặc “tôi thường phóng ánh mắt về phía chân trời/ để dõi những đám mây ngũ sắc/ và vẽ ra một miền huyễn hoặc/ nơi đó là chỗ ở của các nàng tiên” trong thơ Lương, bởi chúng rất tươi, rất hồn nhiên, như chính tuổi trẻ.
7/9/2019
Cao Chiến
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cây nghiêng bóng thẳm

Cây nghiêng bóng thẳm Sim ngồi đầu hiên chải tóc cho mẹ mà mắt không thôi ngó cây sấu già trước nhà. Cây sấu này Sim nhổ ở hàng rào nhà ng...