Tiểu thuyết lịch sử
của Phùng Văn
Khai 2
Nay ta vì nghĩa lớn, vì ơn
Khúc chúa mà hẹn binh xuống La thành đuổi giặc Bắc, rửa nhục cho người phương
Nam ta. Các ngươi nên nhớ, phải hết sức thận trọng, mọi đường tiến thủ đều theo
mệnh lệnh của chủ tướng. Nếu có gì thất lợi, phải toàn binh rút về Phong Châu
thủ hiểm. Nên nhớ, đời đời tổ tiên ta, tổ tiên các ngươi ở Phong Châu cả. Chớ
có ham chức tước bạc vàng nơi đất lạ mà vạ đến thân.
HỒI THỨ TƯ
Đất Phong Châu, Kiều Công xuất ngàn binh mãTrại thủy bộ, Ngô – Phạm đốt giết Hán quânĐây nói tiếp chuyện Đoàn Thành dời Đằng Châu cùng đám tùy
tùng cải trang làm lái buôn đến thẳng thủ phủ đất Phong Châu.Đoàn Thành sau buổi chuyện trò với cha con Phạm Lệnh Công, Phạm
Bạch Hổ thấy rõ họ Phạm một lòng chỉ muốn đuổi lũ giặc phương Bắc trong bụng rất
mừng vội cho người về bẩm báo với Dương Đình Nghệ, một mặt không kể ngày đêm
lên đường đến đất Phong Châu.Họ Đoàn từ trước vốn từng nổi danh thời Mai Thúc Loan, Phùng
Hạp Khanh, kế đó lão tướng Đoàn Kiếm, chủ tướng Đoàn Phương đều theo quân đánh
nhà Đường chiến công hiển hách. Luôn nhiều đời kế tiếp đều được trọng dụng ở Ái
Châu. Đoàn Thành học rộng biết nhiều, chuyên tâm sử sách rất được Dương Đình
Nghệ trọng dụng, mọi việc trong ngoài đều cho dự bàn. Họ đoàn vì thế càng cảm động
mà dốc lòng vì Dương công.
Đến đất Phong Châu, Đoàn Thành tới phủ Đường xin gặp Kiều
công. Phải đợi tới hai ngày sau, đám gia tướng mới dẫn Đoàn Thành vào trong phủ.
Dọc đường vào phủ, Đoàn Thành không khỏi kinh động khi thấy
Phong Châu thành cao hào vững, những địch lâu cao chất ngất không kém gì Đại La
thành. Những cánh cổng gỗ lim bịt sắt cao đến hàng trượng. Hào nước rộng năm
sáu trượng nước chảy quanh co như có cơ quan sắp đặt tàng ẩn phía dưới. Trong
thành, ngay các cổng chính là những bãi luyện voi ngựa, trâu trận rất nhộn nhịp.
Quả không hổ danh vùng đất được đặt quốc đô của đức vua Hùng Vương khi xưa.
Kiều công đặt hai ban văn võ nghi vệ rất uy nghiêm hai bên sảnh
nội phủ. Mấy đời họ Khúc làm chúa An Nam đều gia ân cũng là kiềng nể họ Kiều
vùng Phong Châu, còn là giữ giềng mối kết đoàn trong một nước nên đã lờ đi những
nghi vệ quá mức của Phong Châu. Khi bước vào trong nội phủ, Đoàn Thành nhìn nơi
chính điện, phía trước là chiếc bàn gỗ lớn trang trí rồng phượng, gồm đủ kiếm ấn
uy nghi, phía sau là chiếc ghế lớn bọc da hổ đầy khí phách, sau nữa là bức bình
phong mô tả chiến trận thành Phong Châu voi ngựa trùng trùng. Ngồi trên chiếc ghế
lớn là một lão trượng khí độ bất phàm, râu tóc mười phần đã bạc đến năm sáu phần,
cặp mắt rất tinh anh nhìn thẳng vào vị khách.
Đoàn Thành tiến lên thủ lễ nói:
– Tiểu sinh là Đoàn Thành người Ái Châu vâng lệnh Dương công
đến chào Kiều lão bá. Nay được diện kiến lão bá thật là phúc phận của tiểu
sinh.
Kiều công nhìn vị khách dáng vẻ nho nhã, nói năng chừng mực,
thần thái ung dung, bèn thong thả nói:
– Ta nghe bẩm báo, Dương hiền đệ đã khởi binh vây ép La
thành, lại cho người dùng vài tấc lưỡi mà khiển được Phạm Lệnh Công cất binh
ngược dòng sông Cái đốt cầu phao khiến bọn Lý Tiến, Lý Khắc Chính mất ăn mất ngủ,
nay cần gì đến lão già ta phải xuống Đại La nữa?
Đoàn Thành nghe dứt lời, tươi cười bình tĩnh đáp:
– Kiều công ân đức như mây, danh vang khắp cõi, thật chẳng gì
giấu được ngài. Việc Dương công vạn bất đắc dĩ đem binh ra Bắc cũng là vì nhớ
ơn Khúc chúa mà thôi. Còn như Phạm Lệnh Công cho Phạm Bạch Hổ đem thuyền bè chặn
giặc cũng là đạo làm tướng vì chủ cũ báo ân chứ tiểu sinh nào có công lao gì.
Khi đi, Dương công dặn tiểu sinh mọi việc đánh giữ ở thành Đại La đều ở chỗ Kiều
công chủ trì cho mới được.
Kiều công cười ha hả đứng dậy nói:
– Người đời vẫn cho rằng Ái Châu là đất lắm anh hùng quả
nhiên đúng thế. Ngươi là tên tùy tướng còn biết phải trái lễ nghĩa, thật đáng mừng
cho Dương công. Có phải tổ tiên ngươi xưa kia từng theo phò Phùng Hạp Khanh,
Phùng Hưng đánh đuổi quân Đường ở Phong Châu chăng? Nếu thế, chúng ta còn là
người trong một nhà, đều là ái tướng của Phùng vương ngày tự chủ đó. Ta cũng đã
nhiều năm chưa xuống núi, không biết thành Đại La bây giờ dày vững ra sao. Mọi
việc cứ từ từ rồi ra sẽ khu xử.
– Bẩm Kiều công, tiểu sinh chính là hậu duệ của lão tướng
Đoàn Kiếm, người đem voi trận từ Ái Châu theo đường thượng đạo đến Phong Châu để
Phùng vương hợp vây La thành ngày trước. Trong gia phả còn ghi rõ sự hùng tráng
của thành Phong Châu, nay tiểu sinh tận mắt chiêm bái thật danh bất hư truyền.
So với thành Đại La, thành Phong Châu nào có kém gì, thế đất thế núi đúng là rồng
chầu hổ phục.
Kiều công lúc đó càng tươi tắn rạng ngời nét mặt vỗ vai Đoàn
Thành.
– Các ngươi hậu sinh khả uý không làm xấu mặt tổ tiên họ
Đoàn, quả thật đáng khen. Ngươi cứ về tệ quán nghỉ vài ngày rồi lên đường báo với
Dương công ta sẽ cho Kiều Công Tiễn phát năm ngàn binh mã xuống vây Đại La
thành. Lão phu già rồi lẫn cẫn, có gì ngươi bẩm với tiểu đệ Dương Đình Nghệ thể
tất cho.
Đoàn Thành cùng đám tuỳ tùng ra công quán còn thầm cảm phục
mãi sự uy nghi, lễ nghĩa, mưu lược của họ Kiều chủ vùng đất Phong Châu. Lại thấy
Kiều công tuy tuổi tác đã cao nhưng phong thái còn nhanh nhẹn lắm. Càng nghĩ,
Đoàn Thành càng vân vi không biết mai này xuống Đại La thành, sau buổi đuổi giặc
Bắc ngôi chủ khách sẽ phân thứ tự ra sao. Đành rằng, Dương Đình Nghệ là người
luôn nhún nhường vì đại nghĩa, Phạm Lệnh Công là bậc trí giả ở đời, nhưng còn
các tướng trẻ như Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ, Dương Tam Kha đều là những bậc tuấn
kiệt, trẻ tuổi chắc gì đã chịu phục lẫn nhau. Mới thấy ở đời bể học vô cùng,
anh hùng phương Nam nối nhau thời nào cũng có là vì thế. Đã vậy, ta cũng chỉ
dám nghỉ ngơi một ngày, hôm sau xin phép Kiều công về bẩm báo để Dương công sớm
có thời gian định việc lớn.
Sau khi nghe Đoàn Thành kể lại mọi diễn biến ở đất Phong
Châu, Dương Đình Nghệ cho mời riêng Ngô Quyền đến bảo:
– Quyền nhi! Ta biết Kiều công đã nói là làm. Binh lính Phong
Châu cũng đều thuộc loại tinh binh mãnh tướng. Chủ tướng Kiều Công Tiễn con
trai của Kiều công văn võ kiêm thông mưu lược gồm đủ. Xưa nay, họ Kiều vẫn dùng
ân uy gây dựng cơ nghiệp ở Phong Châu. Nay mai vào thành Đại La, các con phải lấy
lễ nghĩa làm đầu, dẫu có việc gì không vừa ý đều phải gắng sức nhịn đi mới mưu
thành việc lớn.
Đoàn Thành nhìn Ngô Quyền nói:
– Trận xua voi giày xéo binh tướng Đại La, trận thuận gió nước
đốt cầu phao bờ Bắc Giang Biên, Kiều công và binh tướng Phong Châu đều được
nghe uy danh tướng quân rồi. Nay mai tướng quân tất lập công lớn lưu danh sử
sách. Mấy lần, Phạm công, Kiều công đều nhắc tới tướng quân đó.
Ngô Quyền trước sau chưa dám cất lời đã thấy Dương Đình Nghệ
thong thả nói:
– Quyền nhi! Thuật làm tướng ta đã nhiều lần truyền dạy cho
con, mong con gìn giữ. Hôm Ngô huynh giao con cho ta cũng là để cùng ta mưu việc
lớn. Đạo làm chủ trong thiên hạ có những chỗ không thể nói ra được, mong con tự
nghĩ làm sao vừa giữ được mình vừa giúp được dân mới là đức của kẻ anh hùng,
cũng là tâm nguyện của Ngô huynh nhiều lần nói với ta.
Đoàn Thành không nói nhưng tự hiểu, cuộc gặp chỉ có ba người
có nghĩa sự tin tưởng tuyệt đối của Dương công đối với hai tướng là cực lớn.
Trong lòng Đoàn Thành chỉ thắc mắc không thấy Dương công cho gọi phó tướng
Dương Tam Kha vào hội kiến. Điều này Ngô Quyền biết rõ hơn. Tam Kha dẫu trí
dũng hơn đời nhưng không ít khi tâm cơ lộ diện, lại ngày thường có ý hiếu sát
tranh công khiến Dương Đình Nghệ trong sâu thẳm không hài lòng. Bậc làm chủ tướng
phải lấy khoan hòa nhân nghĩa làm đầu, phải hiểu được đạo lý đuổi giặc sâu sắc
hơn thế trận đánh giết một mất một còn chỉ chuốc lấy chinh chiến liên miên.
Càng hiểu rõ tâm sự của nhạc phụ, Ngô Quyền chỉ càng biết dốc sức vào chỉnh đốn
quân mã, khích lệ chư tướng, chăm sóc phụ lão hương thôn, muôn dân bá tánh. Từ
buổi gặp gỡ Phạm Bạch Hổ, Ngô Quyền rất mến phục vị tướng trẻ vừa anh dũng quả
đoán nơi chiến trường vừa thấu hiểu huyền cơ của buổi anh hùng tao loạn mà
thương dân thương nước đến tận tim óc không rời. Suy nghĩ là vậy song nói ra lại
là chuyện khác. Nay đại địch ở trong ngoài La thành binh khỏe tướng giỏi có tới
dư năm vạn. Hán đế Lưu Nhiễm đã trỏ ngọn cờ bành trướng xuống phương Nam ắt là
trúc trẻ ngói tan, sinh linh đồ thán, chiến tranh chưa biết đến bao giờ, nên việc
hành xử càng phải thận trọng lắm. Ngay như việc nhạc phụ cho mời Phạm công và
Kiều công đem binh xuống thành Đại La cũng là vạn bất đắc dĩ mà thôi. Càng
nghĩ, Ngô Quyền càng thấy thương vị nhạc phụ cả đời chỉ biết lo cho dân Ái
Châu, Hoan châu sung túc mà nay bỗng nhiên phải đứng chủ trì cục diện chiến
tranh. Âu cũng là trời xanh thử chí anh hùng.
Nay nói tiếp chuyện ở Phong Châu.
Năm ngày sau khi tiếp Đoàn Thành, Kiều công mới cho gọi con
trai Kiều Công Tiễn khi ấy đang trấn thủ vùng Bạch Hạc về Phong Châu nghị việc.
Đối với Kiều công, dẫu là việc binh nhung khẩn cấp, việc thiên tai địch hoạ đổ
núi sập cầu, Kiều công vẫn thong thả như thường. Đã gần bảy mươi tuổi, ngót năm
mươi năm hùng cứ đất Phong Châu trải mấy đời Khúc chúa, chưa bao giờ họ Kiều vội
vã điều gì. Đối với họ Kiều, cho là chúa nào cai quản cũng vậy, đều phải dựa
vào thực lực của mình mà định ngôi vị. Đều phải có dân có đất, có binh lực
riêng, thành cao hào vững, thóc nhiều binh lắm mới là kế vẹn toàn. Các đời Khúc
chúa đều riêng để Kiều công một cõi chỉ ban thưởng vỗ về chứ tuyệt nhiên không
dám hỏi đến những việc khác. Phong Châu đã mấy chục năm vẫn tựa hồ như riêng một
cõi là vì thế. Bên trong như vậy, song bên ngoài, họ Kiều rất quảng giao. Kiều
công năm nào cũng cho đám tùy tướng đưa sản vật, lụa là, đồ trân quý tới giao
lưu kết bằng hữu các vùng, đặc biệt là với Phạm công ở Đằng Châu, Dương công ở
Ái Châu và Ngô công ở Đường Lâm. Chính vì vậy, danh tiếng Kiều công ngày càng
vang xa mãi. Khi Lý Khắc Chính động binh vây đánh Tống Bình bắt Khúc Thừa Mỹ về
Phiên Ngung, lòng người oán thán. Xa như Ái Châu đã động binh. Tiếp đó là Đằng
Châu đã đưa binh đi. Riêng Phong Châu vẫn án binh bất động cũng là chỗ suy nghĩ
hơn người của Kiều công. Đứng trước hàng quân năm ngàn tinh binh mãnh tướng
Phong Châu, Kiều công giao kiếm lệnh cho chủ tướng Kiều Công Tiễn – người con
trưởng thong thả nói:
– Bớ các tướng sĩ Phong Châu! Nay ta vì nghĩa lớn, vì ơn Khúc
chúa mà hẹn binh xuống La thành đuổi giặc Bắc, rửa nhục cho người phương Nam
ta. Các ngươi nên nhớ, phải hết sức thận trọng, mọi đường tiến thủ đều theo mệnh
lệnh của chủ tướng. Nếu có gì thất lợi, phải toàn binh rút về Phong Châu thủ hiểm.
Nên nhớ, đời đời tổ tiên ta, tổ tiên các ngươi ở Phong Châu cả. Chớ có ham chức
tước bạc vàng nơi đất lạ mà vạ đến thân.
Kiều Công Tiễn giáp phục uy nghi nhận đón kiếm lệnh tiến ra
trước ba quân hô lớn:
– Bớ các tướng sĩ! Các ngươi hãy chứng tỏ mình là dũng sĩ
Phong Châu, nơi có quốc đô của các vua Hùng. Người Phong Châu đi không đổi tên
họ, chết không mất nết nhà, các ngươi hãy ghi nhớ lấy.
Lời Kiều Công Tiễn vừa dứt, tiếng hô vang động cả góc thành,
đoàn voi ngựa tinh binh mãnh tướng kéo ra khỏi cổng thành dài đến mấy dặm.
Đây lại nói việc trong thành Đại La.
Từ buổi thay Lý Khắc Chính chủ trì công việc trong thành Đại
La, Lý Tiến sắp đặt canh giữ các cổng thành rất nghiêm nghặt. Lý Tiến cho thiết
lập đường vận chuyển binh lương thông suốt từ trại Bắc sông Cái, qua phía bờ
Nam đặt trại thuỷ bộ liên hoàn, tiếp đến trại lớn ngay ngoài cổng Bắc thành Đại
La nối vào tới soái phủ phía trong. Đám quan văn quan võ trong Đại La thành cũ
mới đều được phong thêm một cấp, ban thưởng tước vị, lụa là gấm vóc. Lý Tiến lại
cho giết trâu ngựa khao quân để tăng sĩ khí trong ngoài thành. Độc Toàn Chân được
tin dùng thăng chức tổng quản binh lương khắp cõi Giao Châu. Mạng lưới thương
thuyền của Độc Toàn Chân được biên chế thành đoàn chiến thuyền cho khẩn trương
bọc đồng bọc sắt, lại cho lắp đặt máy bắn đá gây thanh thế rất lớn. Lý Tiến tự
biết rằng, nếu không giương uy Hán đế, tự lập nanh vuốt, chấn hưng sĩ khí toàn
quân, thì thành Đại La sớm muộn cũng sẽ là mồ chôn của họ Lý. Một mặt, đích
thân Lý Tiến thám sát khắp trong ngoài thành, phàm là chỗ nào dân chúng ở sát chân
thành đều cho rời bỏ đuổi đi. Những là hào vũng nông sâu đều cho nạo vét chỉnh
sửa rất nghiêm ngặt. Cũng thời điểm đó, Dương Đình Nghệ chủ trương tạm thời hưu
chiến nên công việc của Lý Tiến không gặp mấy trở ngại, binh sĩ Hán triều vì thế
lại bắt đầu ngông nghênh lùng sục ra tận phía ngoài thành.
Một buổi, Lý Tiến cho gọi Độc Toàn Chân vào soái phủ cùng nghị
việc với các tuỳ tướng.
Lý Tiến ôn tồn nói:
– Ta may nhờ có tướng quân hết sức giúp dập mới có được thành
cao hào vững, binh tướng hăng hái như hôm nay. Giặc cỏ luôn mấy tuần án binh bất
động còn khó lường lắm. Nay tuyến vận chuyển binh mã lương thảo thông suốt bờ Bắc
bờ Nam đến trại lớn cửa Bắc thành vào soái phủ đã nhịp nhàng. Ta cũng đã bẩm
báo về Hán triều để hoàng thượng sớm phong quan tước cho tướng quân. Mọi việc
mong ngươi hết sức cùng binh tướng giúp ta kiêm quản đất Giao Châu này mới được.
Độc Toàn Chân từ buổi được tin dùng, bên trong đối với Lý Tiến
hết sức cung phụng nịnh nọt, bên ngoài đối với binh sĩ dân chúng không điều gì
bạo ngược y không dám làm. Nay được chủ tướng khen ngợi còn tấu về Hán triều
ban thưởng, y không giấu được vẻ sung sướng nói:
– Mạt tướng xin tạ ơn chúa công! Mọi việc cũng đều nhờ vào ân
uy của Hán đế, hồng phúc của chúa công, mạt tướng mới mở mày mở mặt được. Toàn gia
họ Độc, toàn thể huynh đệ của mạt tướng ở La thành xin kết cỏ ngậm vành báo ơn
đức chúa công.
Thấy Độc Toàn Chân đột nhiên gọi mình là chúa công không khiến
Lý Tiến giật mình nhìn quanh nhưng trong lòng đã bảy phần ưng thuận bèn vỗ về
nói:
– Tướng quân nói thế là sai rồi. Ta chỉ là biên thần biên tướng
của Hán đế mà thôi, ngươi gọi thế người ngoài nghe được lại rèm pha chẳng ra
sao. Ngươi nên nhớ, chúng ta tuy bước đầu nắm được Đại La, quân quyền ấn tín
còn đó nhưng vùng đất phương Nam này là đất ngoạ hổ tàng long, nếu không cẩn thận
chết không có chỗ chôn đâu. Ngươi phải biết răn mình cùng chúng tướng mà
hành sự mới được.
Độc Toàn Chân vội nói:
– Chúa công bất tất phải quá khiêm nhường. Các văn thần võ tướng
nơi Đại La thành, ai chẳng biết chúa công hết lòng vì Hán đế. Nay chúa công chủ
trì mọi việc đánh dẹp ngoài ngàn dặm, phải nêu rõ công đức của mình mới cảm hoá
được các tướng. Đó cũng là vì Hán đế mà gan óc lầy đất đó thôi. Nay quân ta người
người phấn chấn, thuyền bè lương thảo dồi dào, kỵ binh bộ binh đều đã quen
thung thổ tất nay mai đánh dẹp một trận tan giặc cỏ, chúa công khi ấy chỉ cần cử
vài viên tướng vào chiếm lấy Ái Châu, Hoan châu, tiến đánh Chiêm Thành chí khí
anh hùng càng hiển lộ, hiền tài bộ hạ nhờ hồng phúc mà thăng quan phát tài đó thôi.
Lý Tiến thấy Độc Toàn Chân lời lẽ nịnh nọt ngày càng quá bèn
nói ngay:
– Tướng quân chớ được khinh địch. Ở đất Nam man này mà hàm hồ
khinh suất xưa nay chỉ toàn chuốc lấy bại vong thôi. Nay cho ngươi lui ra chuẩn
bị binh thuyền ngày mai ta sẽ sắp đặt sau.
Sáng hôm sau, từ sớm tinh sương, Lý Tiến cùng các bộ tướng đã
nai nịt gọn gàng rời khỏi cửa bắc thành tới bến sông nơi có doanh trại liên
hoàn thủy bộ thao luyện. Mùa nước dâng, mặt sông cái rộng mênh mông, sóng nước
vỗ soàm soạp vào hai bên mạn thuyền. Từ ngày có đội binh thuyền, khí thế quân
Hán tăng lên rõ rệt. Trại thủy binh đồng thời cũng là nơi Độc Toàn Chân cho
binh lính cướp bóc đám thuyền xuôi ngược từ các vùng thượng du khi đi qua các cửa
sông. Họ Độc ngang ngược bất kể là thuyền muối thuyền than cửa sông cửa biển đều
cho trưng tập về chuyển làm thuyền chuyên chở thủy quân. Quân Hán trong Đại La
thành tên nào thành thạo bơi lội đều xung làm thuỷ quân cả. Quân Hán lại cho bắt
những chòi canh trên mặt sông chòi nọ nối chòi kia bằng những cây luồng lớn cao
hẳn lên mặt nước tạo thành chiếc cầu phao nổi liên hoàn rất vững chắc. Lý Tiến
lại cho đắp những ụ đất nổi hai bên bãi sông, đào những hào rãnh lớn xung quanh
đề phòng voi chiến xông vào ải luỹ. Cùng các tùy tướng lục tục xuống mười chiếc
thuyền lớn, Lý Tiến hạ lệnh xuôi xuống bến Giang Biên. Hơn nghìn cung thủ giấu
sẵn trong lòng thuyền sẵn sàng giương cung lắp tên. Trên mỗi chiếc thuyền lớn bố
trí năm cần máy bắn đá và hàng chục sọt đạn đá cỡ lớn. Nước xuôi gió thuận,
đoàn thuyền lừng lững tiến trên mặt sông rộng không gặp bất kỳ trở ngại gì. Gần
tới bến Giang Biên, từ xa, Lý Tiến lên mặt thuyền nhìn rõ cách chừng non nửa dặm
một đám thuyền buôn lớn chừng sáu bảy chiếc đang leo đậu sát bến Giang Biên. Lý
Tiến vẫy Độc Toàn Chân chỉ đám thuyền nói:
– Kia là thuyền buôn bán hay chiến thuyền của bọn giặc cỏ trá
hình trà trộn thám sát tình hình của ta vậy?
Độc Toàn Chân nheo cặp mắt một mí nhìn mãi rồi nói:
– Mạt tướng cho là đám thương thuyền mang muối biển lên Giang
Biên đổi lấy thóc gạo cày bừa đó thôi.
Lý Tiến phẩy tay:
– Bất kể là thuyền buôn thuyền lính ngươi hãy mau xếp đội
hình bắn phá tan hết cho ta. Từ hôm đến đây, chưa thấy thuỷ binh khai trận để bản
tướng ta liệu kế bố phòng.
Độc Toàn Chân thầm kêu khổ nhưng cũng phải mệnh lệnh mười chiếc
chiến thuyền dàn thành hình vòng cung vây sát đám thuyền buôn đúng tầm đạn đá hạ
lệnh nhất tề bắn sang.
Ùng… ùng… ùng… những cần máy bắn đá của chục chiến thuyền Đại
La nhất tề vung lên hạ xuống cấp tập. Thoạt tiên, đạn bay chệch choạc tạo những
cột nước lớn trắng xoá xung quanh đám thương thuyền song chỉ giây lát được binh
tướng điều chỉnh đã nã trúng đích vỡ toang mấy chiếc liền. Có tiếng hò hét kêu
khóc náo loạn. Những bóng người tung lên khỏi khoang thuyền đổ gãy. Các cần máy
bắn đá càng khẩn trương nã đạn sôi sục vào đám thuyền trơ trọi nơi bến sông. Một
thảm cảnh kinh hoàng bày ra, đám thương thuyền chưa đầy nửa khắc đã vỡ tan
không còn một chiếc. Lý Tiến ha hả cười vỗ vai Độc Toàn Chân khen ngợi:
– Khá lắm! Khá lắm! Hôm nay ta phải khao thưởng tướng quân mới
được. Đánh bọn Nam man không có thuỷ quân khó thủ thắng chúng lắm. Tướng quân
hãy gây dựng thuỷ quân thật hùng mạnh mới có thể hùng cứ ở đất này được.
Nhận được tin báo bảy thuyền giả dạng thuyền buôn chở lương
thảo khí giới từ Đằng Châu mới cập bến Giang Biên còn chưa kịp chuyển cho đại
quân bất ngờ bị máy bắn đá của thủy quân Lý Tiến bắn tan tác, Phạm Bạch Hổ vội
cùng đám tùy tướng ra thẳng bến sông xem xét đã thấy chiến thuyền của Độc Toàn
Chân ngược dòng về trại chỉ còn là những chấm nhỏ. Phạm Bạch Hổ cùng các tùy tướng
vội cho cứu vớt binh sĩ sống sót cùng lương thảo vỡ nát nổi lềnh bềnh trên mặt
sông vô số lên bờ vừa lúc Ngô Quyền phóng ngựa tới. Rời lưng ngựa, Ngô Quyền
quan sát một vòng đoạn bảo với Phạm Bạch Hổ:
– Phạm tướng quân! Không ngờ trong đám gian thương người Hán ở
La thành cũng có người biết đánh thuỷ binh. Ta cho dò xét kẻ đó là tổng quản Độc
Toàn Chân vốn dòng dõi thái thú Độc Cô Tồn trị nhậm Giao Châu thủa trước. Dương
công vừa lệnh cho ta đến xem xét hỗ trợ binh tướng Đằng Châu tiện cùng nhau bàn
việc đánh tan đám thuỷ binh mới lập của Lý Tiến. Để lâu ngày, chúng trước sau
thành thạo càng khó cho ta.
Phạm Bạch Hổ đau xót nhìn đám binh lính đang được vớt lên từ
dưới lòng sông lềnh bềnh lương thảo nén giận nói:
– Lũ giặc Bắc mới mấy ngày đã lắp được máy bắn đá trên chiến
thuyền thật lợi hại. Đám thương lái của chúng phần nhiều là cướp biển dạt về
nên thành thạo việc sử dụng chiến thuyền. Ta phải mau bí mật cho các dũng sĩ
ngược lên thượng lưu sử dụng thuyền nhỏ lợi dụng đêm tối đốt thủy trại của giặc
mới xong.
Hai tướng đang bàn, bỗng thấy Dương Đình Nghệ cùng Đoàn Thành
rời lưng ngựa bước thẳng xuống bãi sông xem xét một lượt. Một lát, Dương Đình
Nghệ cùng các tướng trở về trại lớn của Phạm Bạch Hổ đóng sát bến Giang Biên.
Sau tuần trà nóng, Dương công nghiêm nghị nói:
– Ta vẫn biết Lý Tiến là tướng lão luyện của Hán đế nhưng
không thể ngờ bọn chúng thời gian ngắn ngủi đến thế đã lắp đặt được máy bắn đá
lên chiến thuyền gây thiệt hại cho ta. Các thương nhân trong thành không ít người
thạo phép đánh thủy đã truyền dạy cho đám lính Hán cách tiến lui trên mặt nước.
Nay nếu đợi thuyền bè từ Ái Châu kéo ra tất giặc kia càng thêm thời gian phòng
bị. Ta vẫn biết Phạm Bạch Hổ nhiều năm nay thành thạo sông nước lại giỏi thủy chiến, nay có kế gì phá giặc mong tướng quân hãy sớm nói cho ta biết.
Phạm Bạch Hổ nghiêm nghị nói:
– Tiểu tướng đã xem sức tàn phá của thuyền giặc. Nay bọn
chúng hạ thuỷ bộ liên hoàn trại để ứng cứu lẫn nhau ta chỉ có thể xuất kỳ bất ý
chờ đêm tối lợi dụng gió nước đánh hoả công đốt thuyền giặc. Lại phải dùng tướng
giỏi đưa voi trận bất ngờ đánh trên bộ chúng mới đầu đuôi không cứu ứng được
nhau. Ngặt nỗi, voi trận muốn đưa đến bờ Nam trại giặc chẳng biết đi bằng cách
nào?
Ngô Quyền trầm ngâm nói:
– Việc đưa voi lâm trận ta phải bí mật đưa theo đường sông mới
không để lại dấu vết. Khi trước luyện voi ở Ái Châu, các nài tượng thường bắt
chúng bơi dọc sông cũng không nề gì. Nay sông Cái mùa nước lớn ta hãy nửa đêm
đưa chúng lên thuyền rồi bí mật ngược sông sát đến trại giặc chọn nơi um tùm mà
ém binh. Cái khó là các dũng sĩ Đằng Châu phải vận chuyển được thật nhiều đồ dẫn
lửa để đốt thuỷ trại khi ấy tung voi vào trại lính trên bờ mới hữu dụng. Đốt hết
thuỷ binh giặc ta phải mau chóng tạo dựng đạo quân mạnh để vừa phải chống nhau
với binh tướng Hán triều nơi bờ bắc vừa phải đánh quân tiếp viện từ trong Đại
La thành kéo ra. Mạt tướng xin nhạc phụ và Phạm tướng quân bổ cứu cho.
Dương Đình Nghệ nhìn hai viên ái tướng, lại đưa mắt nhìn Đoàn
Thành có ý mời họ Đoàn nói việc Phong Châu.
Đoàn Thành nói nhỏ rõ từng tiếng:
– Tiểu tướng vừa rời đất Phong Châu cũng là lúc Kiều công cho
hơn năm ngàn tinh binh mãnh tướng do Kiều Công Tiễn làm chủ tướng đang ngày đêm
hành binh xuống hợp vây Đại La thành chỉ nay mai tất đến. Nay Dương công hãy
cho các tướng chuẩn bị thật kỹ lưỡng đợi tin của binh tướng Phong Châu sẽ đồng
loạt hành sự việc lớn mới nắm chắc phần thắng.
Dương Đình Nghệ bấy giờ mới nói:
– Phép đánh giữ bây giờ đã khác. Nếu binh tướng Phong Châu
kíp đến sớm ta dám chắc Lý Tiến không dám rời thành Đại La cứu trại thủy bộ ở
sông Cái đâu. Ngộ nhỡ họ Kiều đến chậm, giặc kia dốc hết thủy quân bất ngờ đánh
úp chiến thuyền Đằng Châu ta sẽ khó đương cự. Bởi vậy, Phạm Bạch Hổ hãy mau
chóng cho giấu bớt chiến thuyền rồi cho quân lên bộ tìm về vùng thượng lưu
trưng tập thuyền nhỏ chứa sẵn đồ dẫn lửa men theo bờ phía Nam sẵn sàng đốt thủy trại giặc. Gió xuôi nước thuận, các tinh binh họ Phạm đều thạo sông nước chắc sớm
có kết quả. Một mặt, ba đêm nữa là lúc cuối tuần trăng trời tối mịt mùng, Ngô
Quyền hãy cho ba mươi thớt voi cùng một ngàn tinh binh lên thuyền ngược sông áp
sát trại giặc. Hễ thấy Phạm tướng quân nổi lửa đốt thuyền Quyền nhi hãy thúc
voi nhất tề xông vào trại giặc. Khi ấy ta sẽ cho binh lính hò reo công thành
khiến Lý Tiến không dám ra cứu. Các tướng hãy cố đánh cho đến sáng thể nào binh
tướng Phong Châu cũng sẽ đến hội quân cùng các tướng.
Phạm Bạch Hổ khẳng khái nói:
– Mạt tướng xin vâng mệnh hành binh hẹn với Ngô tướng quân
thuỷ bộ ba đêm nữa nhất tề khai chiến. Dù binh tướng Phong Châu có kịp tiếp viện
hay không các dũng sĩ Đằng Châu quyết tử chiến với giặc. Mong Dương công hãy
tin tưởng mạt tướng.
Ngô Quyền xúc động chớp chớp mắt vỗ vai Phạm Bạch Hổ:
– Phạm tướng quân! Ta nhất định sẽ xung trận đúng lúc tướng
quân đốt thuyền giặc. Giặc kia dẫu mạnh chúng chỉ là quân vô đạo dám xâm phạm đất
ta, ta phải đánh cho chúng biết đất đai này là có chủ. Ta thề cùng tướng quân sẽ
phá giặc ở bãi sông này.
Thấy hai vị tướng trẻ bên ngoài khí khái anh hùng bên trong
khăng khít hẹn nhau giết giặc, Dương Đình Nghệ cả mừng nói:
– Người phương Nam chúng ta có được những tướng lĩnh như thế
này lo gì không thắng giặc.
Buổi tối trong soái phủ Lý Tiến ở Đại La thành.
Độc Toàn Chân hớt hải chạy vào bẩm báo:
– Bẩm chúa công! Thám mã vừa về báo binh tướng Phong Châu của
Kiều Công Tiễn chỉ còn cách cổng Tây thành hai mươi dặm chắc chắn sáng mai sẽ
khai chiến với quân ta.
Lý Tiến nhìn viên tướng yêu trấn an:
– Ngươi không phải quá lo lắng. Ta thủy bộ liên hoàn, bốn cửa
thành nay đã vững như bàn thạch, dẫu một Kiều Công Tiễn chứ ba Kiều Công Tiễn đến
ta đều có kế đánh tan chúng.
Độc Toàn Chân căng thẳng nói:
– Bẩm chúa công, bọn chúng đều là những nha tướng cũ của họ
Khúc, nay kết bè kết đảng kéo về đây thanh thế càng ngày càng lớn. Mạt tướng lại
được tin bọn giặc cỏ Đằng Châu đang lẻn lên vùng thượng du chuẩn bị xuôi xuống
đốt thủy trại của ta. Buổi chiều nay, thám sát thấy tiếng voi gầm ở phía Nam
thưa thớt lắm. Liệu chúng đêm nay có cả gan ba mặt giáp công liên hoàn trại ở bờ
Nam của ta không?
Lý Tiến nghe Độc Toàn Chân nói không khỏi hoang mang nhưng vẫn
nói cứng:
– Phép dùng binh xưa nay nước đến đất ngăn, binh ra tướng đón
không có gì phải sợ. Ngươi hãy mệnh lệnh đêm nay giữ vững hai trại thuỷ bộ
không được ra đánh. Đại binh bờ Bắc cũng phải án binh bất động không được manh
động qua sông ứng cứu. Ngày mai ngươi hãy cho các chiến thuyền tản ra tuần sát
dọc hai bên sông chỗ nào khả nghi cứ dùng đạn đá bắn giết cho ta. Bất kỳ thứ gì
nổi trên mặt nước đều cho binh lính trục vớt đắp thành hào lũy kẻ kia không thể
trà trộn được chúng làm sao đốt được trại ta. Ngươi hãy y kế mà làm, việc phòng
thủ các mặt thành ta đã cắt đặt các tướng đâu đấy cả rồi.
Độc Toàn Chân lui về doanh trại lòng nơm nớp không yên. Vừa
đi được một đoạn đã thấy lửa cháy rừng rực phía Đông và phía Nam thành Đại La.
Luôn mấy đêm nay, đêm nào Dương Đình Nghệ cũng cho đốt lửa ngoài hai mặt thành,
cho đội cồng chiêng khua gõ gấp lắm khiến binh tướng trong thành Đại La ăn ngủ
không yên.
Trước đó, từ buổi chiều, Phạm Bạch Hổ cùng hơn hai ngàn dũng
sĩ sau mấy ngày đêm đã sửa soạn được gần trăm chiếc thuyền nhỏ chứa đầy đồ dẫn
hỏa lặng lẽ ẩn tàng ngay sát thủy trại giặc. Nhìn hướng gió, xem chiều nước chảy,
Phạm Bạch Hổ bảo với các tướng:
– Đêm nay đốt trại giặc để tỏ rõ chí khí anh hùng của người Đằng
Châu ta. Các huynh đệ hãy nhớ phải mau chóng cắt cầu phao không cho giặc ở bờ Bắc
sang ứng cứu. Phần trại trên bộ, ta tin chắc Ngô tướng quân sẽ xua voi vào giày
xéo chúng. Giặc kia dẫu đông quân song đêm tối chúng không dám rời thuyền bè
doanh trại đâu. Ta vừa đốt vừa đục thủng chiến thuyền giặc kia tất loạn.
Các dũng sĩ ai nấy vung cánh tay trần vạm vỡ loang loáng trủy thủ sắc lẹm như thay một lời thề.
Đêm nơi bãi sông gần sát thủy trại quân Hán im ắng rợn người.
Trên bờ, ánh sáng hắt ra từ những chòi canh soi rõ khuôn mặt
binh lính mệt mỏi đang ngáp ngủ.
Dưới thủy trại, hơn trăm chiếc chiến thuyền lớn nhỏ đỗ sát
nhau lừng lững trên mặt nước chỉ le lói ánh đèn hắt lờ mờ xuống mặt nước. Tiếng
sóng vỗ soàm soạp vào mạn thuyền. Trên chòi canh đám lính gà gật theo nhịp chao
lắc của thân thuyền.
Gần nửa đêm.
Trên mặt sông lố nhố những chấm nhỏ bập bềnh như củi cành mùa
nước từ thượng du đổ về. Đám củi cành đến vài trăm cứ bập bềnh tiến sát thủy trại.
Càng tới gần, mấy tên lính canh trên thuyền uể oải nhìn ra rồi mặc kệ. Đêm
khuya gió lạnh, cùng lắm là đám dân chài liều chết kiếm cá ven bờ mà thôi. Đến
khi mấy tên lính hốt hoảng nhận ra đám củi cành chính là những thuyền nhỏ đang
vùn vụt ập vào thủy trại cũng là lúc tiếng pháo nổ, những ánh lửa nháng lên,
hơn ba trăm thuyền cỏ chứa đầy chất dẫn lửa nhất tề lao vào thủy trại. Trong
các chiến thuyền, đám lính dáo dác lên hò nhau đem cung tên bắn bừa vào những
thuyền lửa thì đã muộn, nước xuôi gió thuận, các thuyền bốc cháy rất nhanh. Dưới
lòng sông, những tráng sĩ tản ra ngoài tầm tên bơi thành đội ngũ. Cùng lúc ấy,
tiếng trống tiếng cồng thúc lên ầm ầm. Cả một vùng đuốc cháy rừng rực sáng một
góc trại. Trong ánh lửa bập bùng, tiếng voi gầm ghê rợn. Mấy chục thớt voi như
từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất chui lên lao thốc vào doanh trại giặc. Trên
bành voi, binh lính Ái Châu nhanh nhẹn ném lao đồng, bắn tên lửa khiến góc trại
trên bờ cháy rừng rực. Phía bờ Bắc, tiếng kèn đồng của binh lính Hán ré lên từng
chặp nhưng bọn chúng không dám khinh xuất qua sông cứu viện. Binh tướng Ái Châu
xuất kỳ bất ý đốt phá trại giặc như vào chỗ không người. Dưới lòng sông, hơn
ngàn dùng sĩ hò reo khi thấy đoàn chiến thuyền quân Đằng Châu sau khi đổ bộ voi
chiến lên bờ quay ra đón lên thuyền. Những là gươm giáo cung tên đều sắp đặt đủ
cả. Các dũng sĩ mau chóng kẻ cung tên người câu liêm, đinh ba trên các chiến
thuyền quay trở lại thuỷ trại giặc vừa hò reo tạo thanh thế vừa bắn giết những
quân Hán bị lửa cháy rơi xuống lòng sông. Cả một khúc sông ngầu đỏ náo loạn tiếng
la hét rợn người mãi cho đến tang tảng sáng.
Trời còn chưa sáng hẳn, một cảnh tượng kinh hoàng bày ra trước
mắt nơi bãi sông. Thủy trại quân Hán chỉ còn là đám xác thuyền đổ gãy cháy vỡ tứ
tung nham nhở. Chỉ còn hơn chục chiếc mang thương tích liều chết men theo cầu
phao sang bên phía bờ bắc. Quang cảnh bộ còn kinh khiếp hơn. Năm mươi thớt voi
cùng hàng ngàn tinh binh dưới sự dũng mãnh của Ngô tướng quân xông thẳng vào trại
giặc đốt phá, giày xéo khiến quân Hán mười phần thiệt hại đến năm sáu phần. Lại
thêm hai ngàn dũng sĩ thủy quân Đằng Châu sau khi đốt thuyền giặc kịp thời
thanh viện dưới nước trên bờ khiến binh tướng Hán chỉ còn biết cướp đường chạy
dọc bờ sông. Độc Toàn Chân vừa thoát khỏi chiến thuyền đang cháy rừng rực cùng
lũ tùy tướng xông vào trại giữa bờ nam đã ngay lập tức gặp đội voi chiến xông
vào khiến họ Độc hồn bay phách lạc vội cùng đám tàn binh tàn tướng cướp đường
chạy dọc bãi sông. Dẫn theo vài nghìn binh tướng ôm đầu máu chạy đến tảng sáng
đang tính kế tìm đường vòng về thành Đại La thì bỗng đâu phía trước tiếng trống
tiếng chiêng ầm ĩ, một cánh quân như từ dưới đất chui lên vây chặt đám người ngựa
quân Hán thương tích đầy mình đang rụng rời sợ hãi. Độc Toàn Chân quay đầu bảo
đám chúng tướng:
– Phía trước giặc cỏ mai phục, phía sau voi trận truy sát. Ta
cùng các người tận số ở bờ sông Cái này rồi.
Lời than chưa dứt, phía trước, trong đám binh mã đang dàn trận
khép vòng vây, một viên tướng oai phong lẫm liệt cưỡi ngựa thẳng tiến ra giữa
trận, phía sau lá cờ thêu chữ Kiều cực lớn phần phật tung bay. Viên tướng kìm
cương trỏ thẳng vào Độc Toàn Chân quát lớn:
– Bớ tướng giặc! Ngươi bốn mặt đã bị bản tướng tuyệt đường rồi.
Mau xuống ngựa xin hàng ta tha chết cho.
Độc Toàn Chân run rẩy nhìn về phía sau thấy binh tướng Hán kẻ
bị thương người bị ướt binh giáp xộc xệch, mặt mày tái xám vì đói rét, hãi hùng
vừa qua kiếp nạn voi giày lửa đốt biết có liều đánh cũng vô ích còn chưa biết
phải làm gì bỗng phía sau có tiếng reo hò ầm ầm rồi một toán kỵ binh Hán ào đến,
đi đầu là viên tướng cao lớn oai phong lẫm liệt vung đại đao thét to:
– Độc tướng quân bất tất phải sợ hãi giặc cỏ, ta vâng mệnh
chúa công đến cứu tướng quân đây!
Độc Toàn Chân cả mừng nhìn ra thì là Lý Phục, viên hổ tướng
luôn theo sát bên mình thứ sử Lý Tiến. Lại thấy kỵ binh Hán ào đến ngày càng
đông bèn thét to:
– Các tướng sĩ hãy mau cùng ta và Lý tướng quân phá vây về
thành.
Thấy đột nhiên đám binh tướng Hán có viện binh, Kiều Công Tiễn
thận trọng lùi ngựa lại, khoát tay hiệu lệnh dàn cung thủ sẵn sàng đồng thời mệnh
lệnh:
– Mau khép chặt vòng vây! Nhằm kỵ binh giặc xạ tiễn!
Binh tướng Phong Châu sau thời khắc bất ngờ trước đội viện
binh nhất tề trương cung lắp tên bắn thẳng vào đám kỵ binh. Trong làn mưa tên,
Độc Toàn Chân vừa gạt tên vừa thét:
– Hỡi binh tướng hãy mau theo ta liều chết trở về thành!
Binh lính Hán phần lớn không còn sức chiến đấu vội vã tìm đường
tháo chạy. Đám kỵ binh mới đến vòng bọc hậu vừa đánh nhầu với quân Phong Châu vừa
che chắn để bộ binh rút dần về phía cửa bắc thành Đại La. Kiều Công Tiễn cũng
chủ động cho quân vừa đánh vừa tiến rất thận trọng. Trận đầu đụng độ với binh
tướng Hán, họ Kiều nhớ lời thân phụ không dám quá ham đánh, chỉ chiêng trống
cung tên xã tiễn từ xa. Nhờ vậy, Lý Phục và Độc Toàn Chân mới đưa được quân trở
về phía cửa bắc thành.
Ngô Vương: Hồi thứ năm
Luôn mấy trận toàn thắng, các đội binh mã ai nấy đều phấn chấn tuân theo mệnh lệnh của Ngô Quyền. Trong quân, họ Ngô thương yêu sĩ tốt như ruột thịt. Ngô Quyền bất kể đánh thành, đuổi giặc, ban đêm, ban ngày đều xông lên trước hàng quân rất dũng mãnh khiến ba quân đều cảm phục.
HỒI THỨ NĂM
Vâng theo đế mệnh, Trần Bảo vong mạng bến Giang Biên
Đưa voi qua sông, Ngô – Phạm – Kiều hợp binh phá giặc
Sau trận thua binh vỡ trại liên hoàn thuỷ bộ phía bờ nam cứu được Độc Toàn Chân vào thành, Lý Tiến vội cho triệu các tướng vào trướng hổ thương nghị. Đêm đêm, các cánh quân vây đánh La thành càng siết chặt. Bốn mặt thành, tiếng voi gầm ngựa hí âm i khiến Lý Tiến cùng binh tướng không phút nào yên.
Nhận hịch truyền của Dương Đình Nghệ, các nha tướng cũ, hào trưởng, châu mục các vùng đem binh lương, trâu ngựa đến thanh viện cho binh tướng Ái Châu, Đằng Châu, Phong Châu rất đông. Từ Hoan châu, Đinh Công Trứ vận chuyển tới vô số lương thảo, binh khí phá thành, đặc biệt là năm mươi thớt voi chiến càng làm tăng sĩ khí quân vây thành. Phía trại bắc sông Cái, binh tướng Hán triều không dám qua sông, chỉ loanh quanh nhặt nhạnh những thuyền vỡ nát của Độc Toàn Chân cho sửa sang được chưa tới ba mươi chiếc. Mạch nối liên hoàn bờ bắc – bờ nam – trại cổng bắc thành – soái phủ La thành đứt đoạn không còn liên lạc được với nhau.
Lý Tiến đi đi lại lại trong trướng hổ chưa biết mai kia tiến thoái ra sao. Độc Toàn Chân thấy vậy đắn đo rồi nói:
– Bẩm chúa công! Giặc cỏ ngày trước chúng còn tản mát nơi rừng xanh núi đỏ, nhút nhát sợ sệt, nay phút chốc binh tướng của chúng san sát mọc ra, đều là những kiêu binh mãnh tướng, lại biết dùng mưu sâu kế hiểm đánh bại quân ta, cắt đứt liên lạc thủy bộ của ta. Chi bằng chúa công mau cho người về triều xin viện binh để sớm tiêu diệt chúng.
Lý Tiến bực bội mắng:
– Ta vừa xuống Giao Châu trị nhậm chưa có công lao gì đã bại binh thua trận, nay mở miệng xin viện binh e rằng cái đầu không giữ được trên cổ đâu.
Độc Toàn Chân thấy họ Lý tuy giận nhưng trong lòng đã phân vân nhiều, liều thưa:
– Chúa công nói chí phải. Tuy vậy, giặc cỏ kia giờ bốn mặt vây thành, binh lương tiếp viện của chúng đổ về không dứt, ta không quyết kế sớm e rằng hối không kịp nữa. Mạt tướng liều chết xin chúa công mau cho người về cấp báo Hán đế. Viện binh có đến, ta trong ứng ngoài hợp mà phá tan giặc cỏ mới là đại kế lâu dài.
Lý Tiến trầm ngâm không nói. Độc Toàn Chân luôn mấy tháng ròng đã dốc hết sản nghiệp, binh thuyền, của cải sung quân không quản vào sinh ra tử giúp dập không thể lời nói hàm hồ. Luôn mấy trận, họ Độc đều đi đầu cáng đáng mọi việc. Khốn nỗi, giặc cỏ ngày càng ranh ma, trí trá khó lường. Chúng giả đánh thành rồi bất thần nửa đêm liều chết đốt trại khiến thủy bộ bị cắt đứt. Nay thêm lũ binh tướng Phong Châu của dòng họ Kiều kéo xuống gây thêm thanh thế càng khiến cục diện rối ren. Ta tuy còn hai vạn quân phía bờ bắc nhưng nếu không có thuyền bè, thủy binh hộ tống cũng chỉ là nuốt nước mắt nhìn nhau mà thôi. Thành Đại La, trước sau vẫn là một tòa cô thành. Ta bây giờ mới cảm thấy sự tuyệt vọng, uất ức đến thành mụn độc của An Nam đô hộ sứ Cao Chính Bình xưa kia là cay đắng lắm.
Nghĩ trước nghĩ sau, Lý Tiến nói với Độc Toàn Chân:
– Ta cũng chẳng còn kế gì khác. E rằng tin thất trận mấy hôm vừa rồi đã về đến Hán triều cũng nên. Ta thân làm đại tướng, chưa quyết chiến được trận nào đã ở thế thua phải cầu xin viện binh là một nỗi nhục lớn của ta vậy.
Nói đoạn, Lý Tiến quan hoài nhìn viên tướng yêu cũng đang suy nghĩ lao lung lắm.
Đây nói tiếp chuyện quân Ái Châu, Đằng Châu, Phong Châu.
Quân Phong Châu sau buổi thừa thắng truy kích binh tướng Hán triều về tận sát cửa bắc thành Đại La, Kiều Công Tiễn không dám ham chiến cho hạ trại cách La thành năm dặm. Binh tướng Phong Châu lần đầu xuất trận đã ở thế thắng ai nấy phấn chấn kiểm điểm voi ngựa, dựng trại bắc cầu rất quy cũ. Kiều Công Tiễn nhiều năm thao luyện quân sĩ nơi ngã ba Bạch Hạc không chỉ giỏi đánh bộ mà thủy binh cũng rất am tường. Họ Kiều cho người thám sát dọc sông, đường dẫn vào Đầm Sương Mù còn cho chia ra một nghìn binh lính sai tên phó tướng Hà Tiệp chọn chỗ đất cao sát con đường dẫn từ bãi sông Cái vào thành hạ trại. Xong xuôi đâu đấy, Kiều Công Tiễn cho người đi đường tắt tới báo tin với Dương Đình Nghệ xin vây đánh cửa bắc thành.
Nhận được tin Ngô Quyền và Phạm Bạch Hổ dùng kế liên hoàn thủy bộ đốt chiến thuyền, xua voi trận phá tan trại quân Hán, Dương Đình Nghệ mừng lắm. Hôm trước, khi đồng ý để hai tướng xuất binh, Dương công trong lòng còn nhiều lo lắng. Ông sợ rằng đang mùa nước sông dâng cao, đưa voi lên thuyền chèo ngược sông chẳng may không kịp sẽ hỏng đại sự. Song, Ngô Quyền đã khéo léo dùng nhiều ngựa chiến buộc dây chão lớn kéo chiến thuyền ngược sông kịp giờ hẹn trước với Phạm Bạch Hổ. Đúng nửa đêm, khi con voi chiến cuối cùng rời được lên bờ cũng là lúc đám thuyền nhỏ chứa đầy đồ dẫn hoả và thuốc súng nhất tề xông vào thuỷ trại giặc. Trận liên hoàn này, đã cho thấy Ngô Quyền và Phạm Bạch Hổ không chỉ anh dũng thiện chiến mà biết lợi dụng sức gió sức nước, xuất kỳ bất ý đem quân ít mà đại thắng quân đông. Với những tướng lĩnh thế này, việc lấy thành Đại La chỉ còn trong sớm tối.
Dương công lại càng vui mừng khi binh tướng Phong Châu đã xuất trận thanh viện xuống vây Đại La thành. Khi được kể cách hành binh đuổi giặc, việc bố phòng doanh trại nơi cửa bắc thành của Kiều Công Tiễn, Dương công khen lắm. Binh pháp có dạy giặc cùng chớ đuổi, nay chủ tướng Phong Châu truy kích quân Hán vừa thong thả nhịp nhàng vừa để chúng thấy được trùng vây đang xiết chặt quả không phải người thường. Ta vẫn nghe đồn, Kiều công có được người con trưởng văn võ toàn tài quả không hổ danh họ Kiều đất Phong Châu vậy.
Đại La thành sau vài tháng trước sau bị vây hãm, đổi chủ thay tướng, hiện chỉ là một tòa cô thành, dẫu có viện binh đóng bên kia sông Cái cũng không thể qua sông ứng cứu. Nay lại thêm năm mươi thớt voi chiến của Đinh Công Trứ từ Ái Châu chuyển ra đóng bên bờ sông Cái càng khiến cho quân Hán khiếp vía. Binh lương các nơi dồn về vây thành ngày càng đông đúc. Lòng căm hận người phương Bắc cai trị hà khắc dân chúng phương Nam được dịp như ngọn lửa cháy bùng càng lúc càng lớn. Mới thấy sức dân như sức nước, không một thành trì nào chống đỡ nổi khi lòng dân phẫn nộ. Suy nghĩ trước sau, Dương Đình Nghệ hẹn với các tướng buổi bốn mặt công thành. Sĩ khí toàn quân trong ngoài đều vô cùng phấn chấn.
Hán đế Lưu Cung nhận được tin cấp báo từ Giao Châu Lý Tiến binh bại liên tiếp đang bị vây chặt trong thành Đại La vội cho mời tể tướng Tô Chương tới mật nghị. Họ Tô tuổi tác đã cao nhưng đêm ngày cúc cung vì đế nghiệp của Hán đế được họ Lưu rất trọng dụng. Ngày trước, việc phái binh thảo phạt Giao Châu cũng là chủ ý của tể tướng. Việc thay ngựa giữa dòng, triệu hồi Lý Khắc Chính về kinh sư cũng là ý của Tô Chương cả. Nay Giao Châu nguy khốn, Lý Tiến như cá nằm trên thớt trong Đại La thành khiến Hán đế Lưu Cung bực tức mắng Tô Chương:
– Ngươi trên triều khuyên ta động binh thay tướng đất Giao Châu, Lý Tiến liên tiếp bại binh cấp báo về xin tiếp viện. Ngươi thân làm tể tướng, đã biết tội của mình chưa?
Tô Chương im lặng một lúc để cho Hán đế nguôi giận mới bình tĩnh tâu:
– Hoàng thượng thánh minh! Chúng thần đêm ngày vì hoàng thượng cúc cung tận tuỵ không có ý gì khác. Nay tội thần tiến cử Lý Tiến xuống Giao Châu thảo phạt, trị nhậm cũng là tuân thánh ý của hoàng thượng. Lý Tiến một mình đem binh vào nơi ngàn dặm, không quản lam sơn chướng khí, rời bỏ thê tử đều một lòng vì đế nghiệp của hoàng thượng. Giặc cỏ Giao Châu cứng đầu cứng cổ, hoàng thượng càng phải tỏ rõ thiên uy. Theo ngu ý của tội thần, hoàng thượng hãy phái thêm binh tướng lên đường thảo phạt Giao Châu, trước là cứu trung thần bị vây trong cô thành đêm ngày mong ngóng thiên uy, sau là dẹp tan giặc cỏ, tiến đánh xuống phương Nam, dùng lương thảo người ngựa của chúng để phục dịch công cuộc tranh hùng ở Trung Nguyên mới được.
Hán đế Lưu Cung thấy Tô Chương lời nói thống thiết, trước sau chỉ là tuân theo thánh ý bèn dịu giọng truyền chỉ:
– Ngươi chỉ được cái khéo miệng bênh lũ bại trận. Nay ở phía Bắc, đám quần hùng còn đang tranh đoạt lẫn nhau ta chưa thể xuất binh vào Trung Nguyên. Hãy để cho chúng tương tàn phân cao thấp ta ngồi đợi cũng chưa muộn. Còn việc Giao Châu không thể bại binh thêm lần nữa. Nay giao cho ngươi truyền chỉ lệnh đại tướng Trần Bảo kíp đem ba vạn binh tướng xuống làm cỏ Giao Châu.
Tô Chương vội quỳ xuống nhận mệnh:
– Hạ thần tuân chỉ!
Nhận được tin báo Hán đế Lưu Cung cho đại tướng Trần Bảo cùng ba vạn tinh binh cấp tốc hành quân xuống Giao Châu cứu thành Đại La, Dương Đình Nghệ cho họp các tướng nơi soái phủ. Dương công cho mời cả chủ tướng Phong Châu Kiều Công Tiễn tới tham dự. Đợi các tướng ổn định đâu đấy, Dương Đình Nghệ nghiêm trang nói:
– Nay ta được tin đại tướng Trần Bảo vâng mệnh Hán đế Lưu Cung đem ba vạn tinh binh ngày đêm thẳng tiến xuống thành Đại La. Hán triều vốn có dã tâm đoạt các châu quận phương Nam từ lâu rồi. Hán đế muốn nuốt gọn phương Nam để tranh hùng nơi đất Bắc phát động chiến tranh là nghịch lẽ trời. Người phương Nam chúng ta, các đời Khúc chúa trị nhậm nuôi dân đã mấy chục năm yên ổn, nay chỉ vì dã tâm của Hán đế mà dân chúng lầm than, lòng người ly tán, cụ già con đỏ bỏ mạng thương tâm, người phương Nam chúng ta vạn bất đắc dĩ mới phải cầm gươm giáo đánh đuổi lũ giặc phương Bắc. Nay bọn chúng cậy binh nhiều tướng lắm xuống chiếm đất ta không thể nói lý với kẻ tham tàn. Ta nay muốn đánh lớn một trận, chém tướng giặc tại đất ta để mỗi khi chúng nghĩ đến phương Nam là hồn bay phách tán. Không biết ý các tướng thế nào.
Các tướng nghiêm nghị nhìn nhau chưa ai muốn nói trước. Thấy thế, Dương Đình Nghệ nhìn chủ tướng Phong Châu Kiều Công Tiễn nói:
– Mời Kiều tướng quân hãy cho biết cao ý của mình để các tướng cùng luận bàn xem.
Thấy được tín nhiệm, Kiều Công Tiễn đứng dậy thận trọng nói:
– Tiểu tướng vốn muốn nghe cao ý của các tướng đã nhiều lần lâm trận lập công nơi chiến trường, đánh bại quân Hán trước, song Dương công đã mệnh lệnh, tiểu tướng xin được mạn phép bàn vào việc quân. Cứ theo ý tiểu tướng, Dương công hãy hạ lệnh bốn mặt vây thành, nhất tề phá vỡ thành Đại La xử tội Lý Tiến, Độc Toàn Chân và bọn gian tặc rồi toàn quân nghênh địch đánh viện binh Trần Bảo cũng chưa muộn. Tiểu tướng tuy bất tài xin cùng với năm nghìn binh tướng Phong Châu công phá cửa bắc thành.
Dương Đình Nghệ nhìn khắp các tướng vẻ muốn khuyến khích mọi người nói rõ chủ ý của mình.
Đoàn Thành cung kính đứng ra nói:
– Bẩm Dương công! Thưa các vị tướng quân! Việc đánh giữ chắc rằng Dương công và các tướng đều có chủ ý cả rồi. Tiểu sinh xin được có đôi điều bàn thêm. Nếu ta quyết chiến phá thành Đại La gấp trong sớm tối, e rằng sẽ là lưỡng bại câu thương. Binh pháp có dạy, quân gấp hai lần thì tiến đánh, gấp ba lần thì vây thành, gấp năm lần mới có thể phá thành. Quân Hán trong thành Đại La còn dư hai vạn, Lý Tiến là tướng giỏi của Hán triều không dễ gì mắc mưu quân ta đâu. Phía bờ bắc, hai vạn tinh binh quân Hán lẽ nào chịu ngồi yên để mất thành. Nếu chúng chia binh liều chết qua sông, ta lại phải chia binh chống cự, kíp đến khi ba vạn tinh binh của Trần Bảo xuống được Giang Biên tình thế sẽ chưa biết thế nào.
Dương Đình Nghệ và các tướng nghe Đoàn Thành nói, thấy họ Đoàn trước sau nhìn nhận thấu đáo quân tình ai cũng thầm nể trọng. Việc binh xưa nay, nơi màn trướng, nếu có được người giỏi định mưu mới là chắc thắng.
Một lát sau, Ngô Quyền đứng ra nói:
– Bẩm nhạc gia! Thưa các vị tướng quân! Lời của Kiều huynh, Đoàn huynh đều đúng cả. Ta một mặt vẫn phải tính kế đánh một trận thật lớn, chém tướng chặt cờ để Hán đế hễ nghĩ đến phương Nam là không dám động binh. Một mặt phải tính toán kỹ lưỡng binh lực thế trận hai bên mới nắm chắc phần thắng. Ý của Kiều huynh là phá thành quyết chiến. Ý của Đoàn huynh đánh thành chỉ là hư chiêu, còn chủ ý phải qua sông bày trận đánh tan viện binh Trần Bảo tất Lý Tiến chỉ còn nước bỏ ấn tín tìm đường về phương Bắc. Theo thiển ý của mạt tướng, ta lên đưa voi ngựa qua sông quyết chiến một trận với Hán triều.
Lời Ngô Quyền chưa dứt, Phạm Bạch Hổ đã đứng vụt ra nói:
– Ngô tướng quân nói chí phải! Việc binh xưa nay đánh giữ tuỳ lúc tuỳ thời. Nay giặc Bắc cậy binh đông cố thủ ở La thành, ta có địa lợi là dòng sông Cái mênh mông để chia cắt chúng. Ta dẫu có cho toàn quân qua sông quyết chiến với Trần Bảo thì Lý Tiến kia cũng chỉ biết giương mắt ra nhìn mà thôi. Theo ý mạt tướng, ta hãy phao tin bốn mặt phá thành, lại cho Kiều tướng quân dốc toàn lực đánh thẳng vào cửa bắc, còn đại binh Ái Châu, Đằng Châu, voi ngựa tướng lĩnh thuỷ bộ tất thảy qua bến Giang Biên bày trận quyết chiến với Trần Bảo. Trần Bảo từ xa đến, người ngựa mệt mỏi tất bại vong, khi đó Lý Tiến chỉ còn cách bỏ thành về phương Bắc. Xin Dương công quyết định cho.
Dương Đình Nghệ thấy các tướng sôi nổi bàn luận ai cũng quyết kế đánh bại giặc Bắc trong bụng mừng thầm bèn nhìn các tướng khẳng khái nói:
– Bản tướng vốn đã chủ trương phải đánh cho giặc Bắc kinh sợ một phen. Nay chúng không kể đạo lý dẫn xác đến quả là trời ban cho người phương Nam chúng ta lập chiến công vậy. Tuy thế cũng không được khinh địch. Lý Tiến trong La thành dẫu bị vây bốn mặt vẫn có thể thủ thành đợi viện binh. Chúng ta muốn đại thắng đánh tan quân cứu viện của Trần Bảo phải quyết kế toàn quân Ái Châu, Đằng Châu voi ngựa nhất loạt qua sông đánh tan hai vạn quân Hán ở bờ bắc sông Cái trước khi Trần Bảo kịp hội binh mới mong thủ thắng. Nay ta quyết định, ngay đêm nay Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ cùng ta cho toàn bộ voi ngựa binh lính qua sông, ngày mai phá trại giặc. Lệnh cho Dương Tam Kha cùng Đoàn Thành mỗi người một ngàn quân hò reo nghi binh đánh các cửa thành Đại La. Về phía Kiều tướng quân, sáng mai khi ta công phá trại bắc quân Hán hãy dốc sức đánh vào cửa bắc thành khiến Lý Tiến đầu đuôi không cứu được nhau. Các tướng hãy mau chia nhau thực hiện đại kế phá giặc.
Chúng tướng dạ ran khẩn trương người nào việc nấy.
Kiều Công Tiễn trước khi trở về quân doanh còn kịp nói với Dương Đình Nghệ:
– Dương công hãy yên tâm qua sông phá giặc. Việc ở thành Đại La tiểu tướng xin dốc sức phá thành cầm chân Lý Tiến để Dương công đại thắng quân Hán. Mong Dương công sớm đại thắng đánh bại Trần Bảo trở về bắt Lý Tiến báo thù rửa nhục cho Khúc chúa.
Dương Đình Nghệ lòng đầy khảng khái vỗ vỗ vào lưng viên tướng Phong Châu, luôn miệng nói:
– Kiều gia hồng phúc đầy nhà mới có được những vị tướng uy phong như Kiều công tử đây. Phong Châu quả là vùng đất có lắm anh hùng, khí thiêng hội tụ. Đuổi xong lũ giặc Bắc, ta nhất định lên Phong Châu thăm Kiều công một lần mới được.
Kiều Công Tiễn cảm kích xin cáo lui về quân doanh.
Theo mệnh lệnh của Ngô Quyền, binh tướng Ái Châu bao gồm hơn trăm thớt voi chiến đang vây cửa nam thành từ chập tối lặng lẽ tháo chiêng trống, bỏ nhạc ngựa, cuốn cờ xí ra thẳng bến sông lên đội thuyền lớn của Phạm Bạch Hổ sang bên kia bến Giang Biên. Luôn mấy trận toàn thắng, các đội binh mã ai nấy đều phấn chấn tuân theo mệnh lệnh của Ngô Quyền. Trong quân, họ Ngô thương yêu sĩ tốt như ruột thịt. Ngô Quyền bất kể đánh thành, đuổi giặc, ban đêm, ban ngày đều xông lên trước hàng quân rất dũng mãnh khiến ba quân đều cảm phục. Ngô tướng quân sau mấy trận giao tranh càng tỏ rõ phong độ của kẻ làm tướng, thắng không kiêu chỉ càng thêm thâm trầm quả quyết khi lâm trận. Ngô tướng quân cùng với Phạm Bạch Hổ đánh thủy đánh bộ đều rất ăn ý nhịp nhàng. Quân Đằng Châu thành thạo sông nước càng thêm sức mạnh và sự tin tưởng vào chiến thắng trước quân Hán.
Hai tướng Ngô – Phạm đưa được hơn hai vạn binh tướng Ái Châu, Đằng Châu sang bến Giang Biên cũng là lúc trời vừa tảng sáng. Hai tướng cho binh lính ăn uống đầy đủ ngay trên lòng thuyền lúc qua sông, voi ngựa có đầy đủ thóc cỏ, mía lau nên đội ngũ qua được sông sang bến Giang Biên vững vàng sung sức lắm. Khi kiểm điểm binh mã thuyền bè, Dương Đình Nghệ không khỏi khen thầm hai tướng.
Đứng trước hàng quân mã chỉnh tề, kỵ binh, tượng binh cơ nào đội nấy giáp phục nghiêm trang, dưới sông, gần trăm chiến thuyền đội hình hùng tráng, Dương Đình Nghệ lớn tiếng mệnh lệnh:
– Ta nay lệnh cho các tướng chia hai đường thuỷ bộ thẳng tiến tới phá trại địch. Binh lính Hán triều xâm phạm đất đai của người phương Nam chúng ta, giày xéo mồ mả tổ tiên ta chúng tất phải bị đuổi về nước chúng. Khi giáp trận, quân Hán tất bại, ta hãy chia binh gây thanh thế đuổi chúng là đủ. Giặc thua chạy cùng đường, quân ta không được tàn sát đuổi tận giết tuyệt. Chúng vỡ chạy càng khiến viện binh của Trần Bảo không còn lòng dạ nào mà chiến đấu nữa.
Chúng tướng rạ ran nhất tề lên voi ngựa, chiến thuyền thuỷ bộ nhằm trại Bắc quân Hán thẳng tiến.
Cũng giờ khắc đó, ba mặt thành Đại La, tiếng chiêng trống, tiếng voi gầm ngựa hí nổi lên ầm ầm.
Đại quân của Dương Đình Nghệ dẫn đầu là đội voi chiến do Ngô Quyền chỉ huy xốc thẳng tới phía trước ải lũy trại quân Hán phía bờ bắc. Đám voi chiến sau nhiều lần giày xéo quân Hán tỏ ra vô cùng hăng máu cứ nhìn đám cờ Hán mà xông thẳng vào.
Trại quân Hán, luôn mấy trận thua binh còn chưa biết tiến thoái ra sao chỉ biết đóng chặt cửa trại chờ viện binh của Trần Bảo đến cứu. Đang khi quân cứu viện còn chưa đến, bỗng đâu bốn mặt lửa khói ngút trời, ba quân thủy bộ Ái Châu, Đằng Châu như từ trên trời rơi xuống, từ dưới lòng sông chui lên ầm ầm kéo đến. Mấy chục chiến thuyền của Phạm Bạch Hổ áp sát trại giặc nhất tề vung cần máy bắn đá giáng bão táp vào giữa trại giặc khiến chúng kêu khóc như ri. Đám quân Hán toan liều chết xuống vài mươi chiếc thuyền vỡ nát chạy trốn sang bên kia sông không còn kịp nữa. Những đoạn cầu phao bắc dở trên mặt sông sau vài loạt đạn đá đã chìm nghỉm xuống nước sông ngầu đỏ. Trên bờ, cảnh tượng còn kinh hoàng hơn. Đội voi chiến trăm con gầm rống phá toang cổng trại xông thẳng vào chính giữa vừa bắn tên lửa đốt trại vừa nhất loạt xạ tiễn. Trên bành voi chiến, Ngô Quyền như tướng nhà trời giáp trụ lóe sáng vung từng chặp lao đồng vào đám quân Hán khiến chúng chết như ngả rạ. Quân Hán vỡ trận, lại không có tướng giỏi chỉ huy, sau nửa khắc chống đỡ yếu ớt đua nhau quăng giáp cướp ngựa mạnh ai nấy chạy về phía Bắc. Phía sau, theo mệnh lệnh của Dương Đình Nghệ, binh tướng Ái Châu chỉ thúc trống đồng trống cái xua đuổi đám tàn quân. Quân Ái Châu bắt được ngựa chiến áo giáp, gươm giáo nhiều vô số kể. Khi điểm lại binh mã thuỷ bộ sau trận thắng lớn mặt trời con chưa lên quá con sào. Lý Tiến ở trong thành Đại La và đại tướng Trần Bảo đang hành binh cứu viện chắc chắn không thể ngờ được chỉ hơn một canh giờ, trại lớn phía bắc đã hoàn toàn bị xóa sổ, hơn vạn binh mã kẻ quẳng giáp người mất ngựa thương vong sót lại được hai ba nghìn ôm đầu máu lủi thủi nhằm phương Bắc vừa chạy vừa ngóng đợi viện binh.
Dương Đình Nghệ hạ lệnh phá dỡ trại giặc, lại cho người vào các vùng lân cận tìm dân chúng tới lấy lại gỗ đá đình chùa nhà cửa mà đám quân Hán cướp về làm trại. Dương công cùng các tướng đem voi ngựa giúp các vị bô lão và dân chúng chuyên chở những thứ bị quân Hán lùng cướp.
Đến quá buổi chiều, Dương công hạ lệnh binh sĩ chia hai đường thủy bộ lui về bến Giang Biên hạ trại. Bịn rịn chia tay các vị bô lão hương thôn, Dương Đình Nghệ cảm động hứa sẽ sớm đánh tan quân Hán lấy lại La thành để muôn dân an hưởng thái bình.
Trong ngày hôm đó, khi Lý Tiến được cấp báo phía trại bờ bắc lửa cháy ngút trời sắp vỡ, họ Lý hoảng sợ chưa biết ứng phó ra sao cũng là lúc ba mặt thành Đại La tiếng voi ngựa ầm ầm, giặc cỏ xông tới trước cổng thành khiêu chiến.
Phía cổng bắc, tinh binh mãnh tướng Phong Châu kéo đến đông nghịt. Dẫn đầu đám quân phá thành là vị tướng oai phong mấy hôm trước đuổi giết lũ Độc Toàn Chân tới tận chân thành. Binh tướng Phong Châu sử dụng những thang mây lớn quăng móc lên mặt thành bất kể tên đạn, gỗ đã lăn xuống như mưa. Các dũng sĩ Phong Châu tay cầm khiên lớn, hông dắt mã tấu sắc lẻm đua nhau tiến sát chân thành khí thế rất hăng. Lý Tiến vội vã sai hổ tướng Lý Phục và Độc Toàn Chân đem năm nghìn binh lính tử chiến nơi cổng thành phía bắc không để cho quân Phong Châu lên được mặt thành. Đến giữa trưa, khi quân Phong Châu và binh lính các mặt thành đều rút ra ngoài ngưng chiến Lý Tiến mới biết đại binh của Dương Đình Nghệ đêm trước đã qua sông đại thắng bắt giết hơn vạn binh lính Hán triều nơi bờ bắc. Lý Tiến ngã phịch xuống ngay trướng hổ miệng hộc máu tươi tả hữu xông vào cứu mãi mới gượng dậy được. Độc Toàn Chân cùng Lý Phục chia binh đóng chặt bốn mặt cổng thành.
Đây nói chuyện viện binh của đại tướng Trần Bảo vâng mệnh Hán đế xuống La thành cứu Lý Tiến.
Trần Bảo vốn là tướng yêu của Hán đế Lưu Cung từng theo xa giá nam chinh bắc chiến đã hàng chục năm nổi tiếng là một tướng lão luyện. Họ Trần vốn rất giỏi kỵ binh, thường chỉ cần vài trăm kỵ đã dám tung hoành trong chốn muôn tên nghìn giáo như vào chỗ không người. Hán đế vốn định dùng họ Trần đem đại binh chống giữ với binh tướng nhà Hậu Lương song nghe lời tể tướng Tô Chương bèn cho viên tướng yêu xuống Giao Châu dẹp giặc cỏ. Trần Bảo vẫn biết Giao Châu là nơi lầy lội, đầm nước ao hồ nối nhau không dứt, không phải chỗ để dụng kỵ binh nhưng mệnh thiên tử không thể cưỡng. Họ Trần cũng quá hiểu thực lực của giặc cỏ không phải nằm trong mấy tờ biểu tấu mà lũ man di đều là những tinh binh mãnh tướng từng nhiều phen khiến quân Hán ôm đầu máu bại trận. Luận về binh thư chiến giáp, xưa nay vùng đất phương Nam không thiếu anh hùng dư sức đánh bại các danh tướng phương Bắc. Càng ngẫm ngợi trong lúc hành binh, Trần Bảo không khỏi nén dạ thở dài. Cuộc đời tướng soái trên sa trường vó ngựa bọc thây nào có sá gì, nhưng vạn nhất chết ở nơi lầy lội khuất nẻo phương Nam cũng chẳng ra thể thống gì. Họ Trần đời đời làm tướng soái càng khiến chủ tướng Trần Bảo ôm mối quan hoài trong cuộc hành binh.
Đi luôn sáu bảy ngày, khi tiến vào đất Giao Châu người ngựa có phần mệt mỏi, chủ tướng Trần Bảo hạ lệnh tạm dừng chân để binh sĩ được nghỉ ngơi cũng là lúc đám tàn quân Hán người không áo giáp ngựa chẳng yên cương lôi thôi lếch thếch quỳ xuống xin chịu tội.
Để làm nghiêm lòng quân, Trần Bảo cho đem chém mấy viên tướng bại trận đồng thời tra hỏi cẩn thận binh lực của giặc cỏ Giao Châu. Nắm xét mọi tình hình xong, để quân sĩ nghỉ ngơi nửa ngày, Trần Bảo không dám chậm trễ cùng các tướng gấp rút tiến thẳng xuống vùng Giang Biên đối diện La thành. Khi còn cách bến Giang Biên mười dặm họ Trần hạ lệnh toàn quân chia thành ba đội lớn hạ trại.
Sau khi đại phá trại giặc nơi bờ bắc sông Cái, Dương Đình Nghệ theo hai đường thủy bộ kéo về bến Giang Biên chỉnh đốn binh mã, quân lương, thuyền bè. Kịp vừa lúc hai chục thuyền vận chuyển lương thảo, khí cụ, đạn đá từ Đằng Châu tới bến Giang Biên. Ngay sau buổi bị đạn đá của Độc Toàn Chân phá tan bảy thuyền lương, thấy rõ sự lợi hại của đạn đá trên chiến thuyền, Phạm Bạch Hổ đã cho người về xin với Phạm Lệnh Công gấp rút điều tiết lương thảo, nhất là đạn đá để đánh trận. Trong trận đại phá trại giặc, uy lực của đạn đá trên các chiến thuyền là rất lớn. Chúng khiến binh tướng Hán khiếp sợ vỡ trận như ong vỡ tổ làm mồi cho đám voi chiến giày xéo.
Có được hơn mười thuyền đạn đá, Dương Đình Nghệ mừng lắm. Dương công lập tức cho vận chuyển từng cơ số đạn lên các chiến thuyền.
Phạm Bạch Hổ từ chiếc soái thuyền lên bờ thi lễ nói với Dương công:
– Bẩm Dương công! Hôm trước, đạn đá của Độc Toàn Chân phá vỡ thuyền lương Đằng Châu, mạt tướng đã sớm quyết định phải có nhiều đạn đá kịp thời đánh trận mới dễ bề thủ thắng. May nhờ gia phụ sớm định kế cho tiếp viện quân lương. Có binh khí này mai kia ta dùng để bắn quân Trần Bảo.
Dương Đình Nghệ tươi cười nói:
– Quân ta mấy lần đại thắng đều nhờ vào sức lực và trí tuệ của binh tướng Đằng Châu. Mới thấy rằng, Phạm công trù tính sâu xa, đội chiến thuyền là thượng sách đánh giặc Bắc. Dưới lòng sông có thể vừa khống chế vừa chia cắt chúng. Trên bãi cạn có thể dùng đạn đá phá trại để voi ngựa Ái Châu dễ bề thủ thắng. Quả là trời giúp chúng ta.
Sau khi tiếp nhận lương thảo cùng vài trăm sọt đạn đá, Phạm Bạch Hổ lập tức mệnh lệnh cho tướng chuyển lương ngay trong đêm thuận nước xuôi dòng xuống Đằng Châu lấy thêm đạn đá phòng khi dùng đến. Viên tướng vội vái chào chủ tướng cùng các thuyền mau chóng xuôi dòng khuất dạng.
Nhìn đám thuyền lương nhẹ lướt trên dòng sông mênh mang sóng vỗ thoáng chốc đã lẫn hút về tận cuối chân trời, Dương Đình Nghệ nghiêm trang nói với Phạm Bạch Hổ:
– Phạm tướng quân! Trận này, nhất định quân ta sẽ đại thắng.
Đây nói tiếp chuyện Lý Tiến trong thành Đại La.
Nhận được tin đại tướng Trần Bảo vâng mệnh Hán đế Lưu Cung đem hơn ba vạn tinh binh đã xuống hạ trại cách Giang Biên mười dặm Lý Tiến vội cho triệu Độc Toàn Chân vào đại điện bàn kế. Mấy ngày liên tiếp, biết là đã trúng kế của Dương Đình Nghệ để họ Dương đưa hàng vạn binh tướng voi ngựa qua sông phá tan trại nơi bờ Bắc khiến viện binh chưa đến đã kinh hãi. Họ Dương đã cùng các tinh binh mãnh tướng từng bước dắt mũi Lý Tiến dẫu binh lực còn nhiều mà đành thúc thủ trong tòa cô thành tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, nơi cửa Bắc thành Đại La, binh tướng Phong Châu không ngày nào không hò reo thách đánh. Viên chủ tướng Phong Châu ranh mãnh chia quân làm kế hư thực khắp nơi khiến Lý Tiến càng thêm rối bời. Họ Lý thấy trước cơ sự tuy có viện binh thực chẳng sáng sủa gì. Muốn bỏ thành qua sông hợp binh với Trần Bảo cũng không được. Thuyền bè chẳng có. Rục rịch sang sông tất bị thuỷ binh Đằng Châu vây chặt. Trần Bảo dẫu có là danh tướng cũng không thể mọc cánh mà bay vào thành Đại La. Hàng ngàn kỵ binh phương Bắc nay đóng trại nơi bờ sông lầy lội càng không phải là kế vẹn toàn.
Luôn mấy hôm, Dương Đình Nghệ chỉ cho giữ vững cửa trại, thao luyện thủy binh ngay trước mũi Trần Bảo. Càng nghĩ, Lý Tiến càng bồn chồn không yên. Họ Lý như thấy trước vận mệnh đen tối của mình.
Đang suy nghĩ miên man, bỗng có Độc Toàn Chân vào bẩm báo:
– Bẩm chúa công! Nay đại binh Hán triều đã đến tất sẽ cầm chân toàn bộ tinh binh mãnh tướng của giặc cỏ bến Giang Biên. Ta nên chăng đưa binh ra quyết chiến nơi cửa Bắc tiêu diệt lũ Kiều Công Tiễn để bớt đi mối lo về sau cũng là giảm áp lực giặc cỏ vây thành. Mong chúa công sớm định liệu.
Lý Tiến trầm ngâm một lát mới nói:
– Tâm sự của tướng quân ta hoàn toàn biết được, song có nỗi khổ là nếu ta tiến binh ra ngoài thành mười phần thất lợi đến sáu bày phần. Đây là đất chúng, khi cần đánh chúng lại lẩn như trạch, khi binh ta muốn giao phong chúng trốn chui trốn lủi vào rừng rậm đầm lầy để đến lúc ta mỏi mệt chán nản mới quây vào như đỉa muỗi mà quấy phá quân ta. Mấy lần ta bại binh đều là do thủy quân của chúng xuất quỷ nhập thần khi thì đốt thuyền bè doanh trại khi thì dùng máy bắn đá nhất tề phá vỡ ải luỹ của ta. Giặc cỏ chiến thuyền trên sông có đến hơn trăm chiếc, nếu ta xuất binh khỏi thành giặc kia nhất tề lên bờ đánh úp dẫu Trần tướng quân có mọc cánh sang kịp ta cũng chắc chắn chuốc lấy bại vong. Nay chỉ còn chờ vào việc Trần tướng quân đánh bại giặc cỏ bên kia sông, phá hết chiến thuyền của chúng ta mới có thể thủ thắng được.
Độc Toàn Chân thấy Lý Tiến tính toán trước sau như thế không còn gì nói bèn lủi thủi lui về quân doanh. Họ Độc đã cảm thấy sợi dây thòng lọng siết sâu vào cổ họng không còn đường sống. Xưa kia, dẫu là Khúc Hạo hay Khúc Thừa Mỹ xưng Tiết độ sứ trị nhậm Giao Châu đều mười phần nể mặt Độc Toàn Chân đến bảy tám phần. Tổ tông của họ Khúc cũng là được thứ sử Giao Châu Độc Cô Tồn nhiều lần giúp đỡ mới có được thực lực quản hạt Giao Châu. Họ Khúc khu xử mềm mại với đám thương nhân người Hán, mặc sức để Độc Toàn Chân làm ăn nơi Đại La thành. Đang yên đang lành, ngờ đâu Khúc Thừa Mỹ đem lòng dạ khác muốn thờ hai chúa rước hoạ vào thân mới có thảm cảnh hôm nay. Nay họ Độc ta, gia sản xung quân hết, những là gia nhân gia thần đều như cá nằm trên thớt, đợi ngày các bộ tướng của họ Khúc nhập thành tận diệt. Chao ôi! Cái hoạ chiến tranh khi đã tự rước vào mười phần thì mười phần là tự diệt thân vậy. Vừa nghĩ, Độc Toàn Chân vừa cám cảnh thương cho dòng họ Độc chẳng may sắp tuyệt tự nơi vùng đất phương Nam.
Đây nói tiếp chuyện Trần Bảo cùng binh tướng chống nhau với đại binh của Dương Đình Nghệ nơi bến Giang Biên.
Luôn mấy hôm không thấy voi ngựa của Dương Đình Nghệ tới khiêu chiến, Trần Bảo cùng các tướng cũng không dám manh động xuất binh. Biết được mấy trận thua binh của quân Hán đều là do khinh suất liều mạng qua sông, lại bị thuỷ bộ hai mặt giặc cỏ nửa đêm dùng hoả công đốt giết, Trần Bảo cảnh giác cho quân thám thính dọc khắp bờ bãi ven sông. Phàm là lau lách cây cối đều cho chặt phá sạch. Phàm là nhà cửa dân cư đều đuổi dài đến mấy dặm. Ba trại lớn của Trần Bảo hạ theo thế liên hoàn trước sau ứng cứu rất nghiêm ngặt. Họ Trần lại cho binh lính đi dọc triền sông gom góp các thuyền nhỏ, thuyền vỡ nát khôi phục lại giả như có ý sẽ vượt sông. Quân Hán còn chặt tre đóng bè neo buộc khắp các bờ bãi vừa để phòng khi thủy quân của Phạm Bạch Hổ kéo đến sẽ thả bè cản chiến thuyền. Đại binh Hán triều, nhất là đám kỵ binh nhiều ngày không được xung trận tỏ vẻ bồn chồn nóng giận.
Phía đại quân của Dương Đình Nghệ, sau trận thắng lớn lòng quân dâng lên rất cao. Dương Đình Nghệ được các bô lão hương thôn trong vùng đem thóc gạo, trâu bò đến khao quân. Luôn mấy hôm, Dương công cùng hai tướng Ngô Quyền, Phạm Bạch Hổ ân cần tiếp các vị phụ lão hẹn ngày đại thắng quân Hán. Có cụ bô lão vùng Chu Diên cùng đám tráng đinh chở đến năm sáu thuyền cam bưởi đã chín vàng để khao quân mừng đến nỗi chân tay díu lại, khuôn mặt già khắc khổ rơi những giọt lệ.
Một cụ chạc hơn bảy mươi tuổi ân cần nắm tay Dương công nói:
– Nước ta từ thượng cổ luôn bị bọn người phương Bắc đè nén kìm kẹp. Nay Dương công hãy vì muôn dân mà đánh đuổi chúng đi lão đây chết mới nhắm mắt được.
Dương Đình Nghệ xúc động còn chưa nói lên lời lại có một cụ bô lão râu trắng như cước vùng sông nước Màn Trù đem đến ba thuyền cá đầy để khao quân níu vai Dương công mừng rỡ nói:
– Ta sống đã gần tám mươi tuổi chưa từng được thấy binh lính người phương Nam chúng ta mạnh mẽ oai phong như thế này bao giờ. Dương công nhất định phải lấy lại thành Đại La để lão hủ đây còn được vào kinh thành dâng hương tiên tổ.
Ngô Quyền cùng Phạm Bạch Hổ vội đỡ các vị lão trượng vào quân doanh nghỉ ngơi, ân cần thăm hỏi, xin thu nhận sản vật khao quân đâu vào đấy lại cử người đưa các vị lão trượng cùng tráng đinh về bản quán để tiện việc quân.
Xong xuôi mọi chuyện, Dương Đình Nghệ cho gọi các tướng vào thương nghị. Dương công thong thả nói:
– Viện binh Trần Bảo luôn mấy hôm không ra đánh quân ta, ta cũng tạm cho quân ngơi nghỉ. Trận quyết chiến bến Giang Biên này ta phải đánh cho Trần Bảo không còn manh giáp để Hán đế Lưu Cung thấy được uy phong của người phương Nam chúng ta. Lý Tiến như cá nằm trên thớt ta không phải bàn đến làm gì, cứ để Kiều Công Tiễn vây thành là đủ. Mai kia Trần Bảo bại binh, Lý Tiến chỉ còn nước xin hàng giữ mạng về phương Bắc mà thôi. Đánh trận lớn này, các tướng có cao kiến gì không?
Lời Dương công vừa dứt, Phạm Bạch Hổ đĩnh đạc đứng ra thưa:
– Bẩm Dương công! Viện binh của Trần Bảo và binh tướng của ta tuy quân số ngang nhau song giặc Bắc sẽ tất bại. Chúng có năm điều tất bại. Giặc kia bất chấp thuỷ thổ, rời bỏ sở trường, dám đưa ngựa Bắc xuống phương Nam tranh hùng là một điều tất bại. Trần Bảo thân làm chủ tướng chỉ vì mệnh vua chứ bản thân không hề muốn chinh chiến phương Nam, trong lòng ôm chứa nhiều điều u uất là hai điều tất bại. Dương công sớm đưa voi ngựa qua sông phá tan trại giặc tiền phương đón chúng khiến chúng khiếp sợ trong lòng là ba điều tất bại. Lý Tiến rụt rè sợ sệt, thủy quân tan tác không thể liên lạc được với viện binh là bốn điều tất bại. Xưa nay, người phương Bắc hành binh xuống phương Nam đều không thuận lẽ trời là năm điều tất bại.
Lời Phạm Bạch Hổ như lời kể tội lũ giặc phương Bắc khiến mọi người đều vô cùng xúc động càng cảm thấy sự chân thành hào sảng của vị tướng họ Phạm. Lời còn chưa dứt, Ngô Quyền xuất ban đứng ra thưa:
– Bẩm nhạc gia! Thưa các vị tướng quân! Tiểu tướng xin được nói năm điều tất thắng của đại binh ta. Quân ta trên dưới một lòng, nhất hô bá ứng, những phen vào sinh ra tử đều không quản sinh mệnh của mình vì đất đai mồ mả tiên tổ người phương Nam mà đánh giặc là một điều tất thắng. Nay đại binh sang sông, muôn dân hướng về mang đến cho thóc gạo trâu bò mong ngày đuổi giặc là thuận lẽ trời là hai điều tất thắng. Binh tướng Ái Châu, Đằng Châu, Phong Châu, thủy bộ liên hoàn, đồng tâm đồng sức giết giặc lập công, khí thế muôn người như một là ba điều tất thắng. Dương công thân làm soái tướng, vì đại nghĩa xuất binh để rửa nhục cho nước, khơi lại giềng mối bình an cho dân trời-người đều cảm động là bốn điều tất thắng. Binh tướng Hán trong ngoài La thành đi đến đâu đều hung dữ cướp phá khiến muôn dân đồ thán oán hận không dứt. Đại binh ta đi đến đâu đều mở lượng hiếu sinh, ân cần với hương thôn phụ lão, giúp dập muôn dân dựng lại nhà cửa đền miếu khiến lòng dân theo về là năm điều tất thắng. Có được năm điều này, dẫu Hán đế Lưu Cung đem hùng binh xuống phương Nam tất cũng đại bại để lại mối nhục ngàn năm.
Dương Đình Nghệ cùng các tướng nghe những lời như lời hịch của Ngô tướng quân trong lòng vô cùng xúc động, có người nước mắt rịn ra. Ai ai cũng như muốn lập tức lên đường đánh giặc.
Dương Đình Nghệ để cho mọi người bớt xúc động mới trang nghiêm nói:
– Phạm tướng quân! Ngô tướng quân! Các tướng quả đã nói đến tận gan ruột của ta, của ba quân tướng sĩ. Nay ta mệnh lệnh sáng sớm mai toàn quân lên đường phá giặc. Thủy binh, tượng binh, kỵ binh, bộ binh nhất loạt chia làm năm mũi tiến thẳng vào trại giặc. Ta thề trận này sẽ phá tan đại binh Hán triều, giết chết Trần Bảo, để nhà Hán không bao giờ dám nhòm ngó xuống Giao Châu nữa.
Các tướng phụng lệnh dạ ran mau chóng ai về trại nấy chuẩn bị cho buổi xuất binh.
Bến Giang Biên mờ sáng hôm sau.
Trên sông, hơn trăm chiến thuyền xếp thành đội ngũ nhằm thẳng phía trại lớn quân Trần Bảo nơi bờ Bắc tiến đến. Trên thuyền im phăng phắc, không hề có tiếng chiêng trống, chỉ tiếng mái chèo ăn nước phầm phập. Đội hình kéo dài đến nửa dặm bề ngoài khá lặng lẽ như đoàn thuyền buôn đông đúc nhưng bên trong ẩn tàng những sấm sét sắp sửa giáng xuống đầu quân Hán.
Nơi bãi sông, Ngô Quyền cho toàn quân xuất binh. Đội tượng binh một trăm thớt voi chia làm hai cánh mỗi cánh có năm ngàn bộ binh theo sau khí thế rất lẫm liệt. Ngô tướng quân lại cho kỵ binh chia ra làm ba đội theo đường vòng xuất phát trước sớm vây bọc các trại lớn của quân Hán. Đích thân Dương Đình Nghệ ngồi trên bành voi xung trận khiến khí thế quân Ái Châu, Đằng Châu vô cùng hăng hái.
Đại quân của Dương Đình Nghệ tiến tới gần sát ba trại lớn của viện binh Trần Bảo mà đám quân tướng người Hán vẫn chưa hề hay biết. Luôn mấy hôm, chưa có kế sách tiến thủ gì, Trần Bảo chỉ biết án binh bất động cố thủ trong quân doanh chờ đợi thời cơ.
Khi các đạo quân bộ đã áp sát ba trại lớn quân Hán cũng là lúc hơn trăm chiến thuyền của Phạm Bạch Hổ nhất tề quay ngang đội hình dàn trận.
Ùng… ùng… ùng…
Ba tiếng nổ cực lớn vang lên làm hiệu lệnh. Khi binh tướng Hán triều nơi trại lớn gần mép sông trong màn sương mù lãng đãng còn chưa hiểu chuyện gì thì một trận mưa đạn đá bất thần đổ sầm sập vào khắp quân doanh. Phạm Bạch Hổ dàn hàng ngang chiến thuyền áp sát bờ Bắc hổi hả thúc quân bắn đạn đá ầm ầm vào trại giặc. Tiếng kêu khóc rên la âm i náo loạn cả một khúc bãi sông. Từng lớp gỗ đá doanh trại bắn tung lên hoà vào máu thịt người ngựa quân Hán vô số kể. Trại quân Hán mau chóng vỡ nát cháy nổ rất khủng khiếp. Binh lính Hán người không kịp mặc giáp, ngựa không kịp thắng yên cương tranh nhau tìm đường thoát ra khỏi tầm bắn của đạn đá cũng là lúc trên bành voi chủ tướng Dương Đình Nghệ cho nổ pháo tay nhất tề ném vào trại giặc. Quân Hán vừa thoát khỏi tầm đạn đá gặp ngay đám voi chiến xông thẳng vào giày xéo hồn bay phách tán tháo chạy kêu khóc rất thảm thiết.
Nhận được tin trại lớn nơi bờ sông đã bị binh tướng Dương Đình Nghệ ba mặt giáp công đánh giết vỡ tan, Trần Bảo cùng đám tuỳ tướng nơi trại trung tâm vội vã lên ngựa cự địch cũng là lúc đội voi chiến thứ hai năm mươi thớt do Ngô Quyền chỉ huy đã xộc thẳng xuống trước cửa trại.
Trên bành voi, thoáng thấy đám binh tướng người Hán, Ngô Quyền hét lớn:
– Tướng giặc Trần Bảo mau xuống ngựa chịu trói!
Ba quân bốn phía đồng thanh hô lớn:
– Trần Bảo mau xuống ngựa chịu trói!
Lời quân chưa dứt, muôn tên đã vèo vèo bay về phía đám kỵ binh quân Hán. Trần Bảo luống cuống quành ngựa gạt tên cùng đám tùy tướng xông bừa ra phía trước quyết phá vòng vây. Các tướng người Hán bất chấp trận mưa tên ào theo chủ tướng đánh thốc về phía doanh trại phía xa còn chưa bị tập kích hòng thu nhận binh tướng quay lại quyết chiến. Binh lính Hán thấy chủ tướng tháo chạy cũng đua nhau bỏ trại kẻ tìm ngựa người quẳng giáp ào theo. Ngô Quyền lập tức xua voi truy kích. Phía sau, đám bộ binh Ái Châu ào lên chém giết bắt sống quân Hán vô số kể. Dưới bờ sông, sau khi phá nát doanh trại quân Hán, Phạm Bạch Hổ cùng các dũng sĩ Đằng Châu nai nịt gọn gàng nhất tề bỏ thuyền lên bộ khí thế rất mạnh mẽ.
Chưa đầy nửa canh giờ, hai trại lớn của Trần Bảo chỉ còn trơ lại những lều bạt gỗ đá cháy nham nhở cùng hàng ngàn xác người ngựa xương thịt lẫn vào nhau thê thảm.
Trong tiếng chiêng trống ầm ầm, tiếng ngựa hí voi gầm trời long đất nở, quân Hán như ong vỡ tổ đầu đuôi không cứu được nhau, binh tướng bị chia cắt, người ngựa bị trăm thớt voi giày xéo rất thảm thương. Khi đám tàn binh rút được về trại Bắc cũng là lúc vòng vây của quân Ái Châu, Đằng Châu siết chặt. Trong cơn hoảng loạn, Trần Bảo vừa thoát vào trong trại lại lật đật lên yên ngựa bảo các tướng:
– Ta chinh chiến đã nhiều mà chưa thấy quân nào dũng mãnh thiện chiến như giặc cỏ ở đây. Nay các ngươi muốn sống hãy theo ta mở đường máu rút về phương Bắc may ra còn kịp.
Lời họ Trần còn chưa dứt bỗng hai bên phía sau quân doanh, tiếng pháo lệnh nổ vang, tiếng cồng chiêng ầm ầm, hai đội kỵ binh quân Ái Châu như từ trên trời rơi xuống hò reo đánh thẳng vào trại. Trần Bảo kinh hãi giật cương ngựa lao thẳng ra phía trước đã thấy cờ xí ngợp trời, chiêng trống dồn vang, bốn mặt quân Ái Châu, Đằng Châu sát khí xung thiên xông thẳng về phía quân Hán hò reo chém giết. Trên bành voi, Dương Đình Nghệ trỏ vào Trần Bảo mắng lớn:
– Tướng giặc kia, ngươi còn chưa chịu xuống ngựa đầu hàng hay sao?
Trần Bảo vội cùng đám tùy tướng quành ngựa sang hướng khác bỗng lại thấy một đội voi chiến sầm sập kéo đến, trên lưng voi là viên đại tướng oai phong lẫm liệt trỏ thẳng vào họ Trần thét:
– Trần Bảo! Ngươi mạng vong ở đất Giang Biên này rồi!
Chưa dứt lời thét, cánh tay Ngô tướng quân liên tiếp vung những ngọn lao đồng về phía đám tùy tướng đang che chắn cho Trần Bảo. Những tiếng kêu rú lên man dại. Người ngựa phọt máu đổ nhào như núi đổ. Trần Bảo còn chưa biết trốn chạy vào đâu bỗng trận mưa tên ập xuống. Thương thay đại tướng Trần Bảo vâng mệnh Hán đế Lưu Cung thảo phạt phương Nam còn chưa đến được Đại La thành đã vong mạng nơi bến Giang Biên.
Ngô Vương: Hồi thứ sáu
Nơi cổng Bắc thành, cánh cổng kiên cố nhất của Đại La thành đã mở toang, đại đội binh mã Phong Châu lẫm liệt kéo vào. Đi đầu là chủ tướng Kiều Công Tiễn giáp phục gọn ghẽ, đầu đội mũ đâu mâu đính ngọc, lưng đeo thanh bảo kiếm gia truyền cùng chúng tướng chia thành năm hàng người ngựa hùng dũng tiến vào. Ở các cổng phía Đông và phía Tây đều có những vị tướng quân mang giáp trụ, binh lính chỉnh tề thẳng tiến vào trong xếp thành đội ngũ nghiêm trang.
HỒI THỨ SÁU
Bỏ ấn tín, Lý Tiến giả lái buôn về Bắc
Vào La thành, Dương Đình Nghệ khao thưởng ba quân
Tin đại tướng Trần Bảo chết trận nơi bến Giang Biên bay vào thành Đại La khiến toàn thành rúng động. Lý Tiến run cầm cập không thể tưởng tượng được ba vạn quân tinh nhuệ cùng danh tướng họ Trần bị phá tan ngay khi chưa tới được thành Đại La. Chống giữ với giặc cỏ mấy tháng liền, Lý Tiến quá hiểu mưu kế và sự thiện chiến của chúng nhưng không ngờ binh pháp của Dương Đình Nghệ cùng các bộ tướng lại cao thâm đến vậy. Chặt đứt viện binh, thành Đại La đã trơ trọi càng thêm cô quạnh. Mất hết tinh thần, binh sĩ trong thành chỉ là một lũ vô dụng không còn ý chí chiến đấu. Càng nghĩ, Lý Tiến càng thấm thía khi các bậc cao nhân phương Bắc vẫn cho rằng Giao Châu phương Nam là đất rồng cuộn hổ ngồi, anh hùng hào kiệt đời nào cũng có quả không sai. Nay xem cách chúng vây thành diệt viện thủy bộ chỉnh tề, lại táo bạo đưa voi qua sông dàn trận đánh thẳng vào đại doanh quân Trần Bảo quả thế lực của chúng không phải tầm thường. Nếu không có nhiều tướng giỏi ba mũi giáp công, xuất kỳ bất ý phá vỡ từng trại khiến danh tướng họ Trần mạng vong nơi đất khách thì giặc cỏ chưa thể thủ thắng. Trong quân giặc cỏ không chỉ có tướng giỏi dũng mãnh thiện chiến mà viên chủ tướng Dương Đình Nghệ dụng binh như thần, thoắt ẩn thoắt hiện vô cùng khó lường. Binh lực của chúng đến tiếp ứng nhau miên man không dứt. Đội viện binh Phong Châu với viên mãnh tướng họ Kiều dùng binh cũng thủ đoạn lắm. Lấy quân ít công thành không nao núng, đội ngũ chỉnh tề, lâm trận quả cảm khiến lão gia tiến không được lui cũng không xong. Phía ngoài thành, đám dân chúng cứng đầu cứng cổ cam tâm tình nguyện gánh thóc gạo dắt trâu bò khiến giặc cỏ tinh thần càng hăng mà binh tướng trong thành dần dà lương thảo cạn kiệt, sức lực suy tàn, tinh thần rệu rã, không ai muốn cầm gươm giáo nữa. Có lẽ nào mạng của Lý Tiến ta lại giống với quan đô hộ sứ Cao Chính Bình ngày trước hay sao.
Mấy đêm gần đây, Lý Tiến toàn gặp ác mộng. Cứ nửa đêm, văng vẳng trong tiếng voi gầm ngựa hí, tiếng trống thúc bốn mặt thành âm i, như có tiếng những oan hồn về đòi mạng. Từ khi thay Lý Khắc Chính trị nhậm Giao Châu, chủ trì thành Đại La, Lý Tiến cho đám bộ hạ hành hình không biết bao nhiêu người. Tưởng cứ giết người là yên được lòng quân song Lý Tiến đã nhầm. Dân thành Đại La vốn hiền lành chất phác nhưng không thể đem cái chết mà khuất phục họ được. Có nhà bị giết sạch nhà kề bên vẫn không khuất phục Hán triều. Có làng bị đốt trụi làng kề bên vẫn rào giậu tre, vót chông nhọn, đắp lũy dày kháng chỉ chống lại quân Hán không hề biết sợ. Từ ngày Dương Đình Nghệ hưng binh vây chặt La thành, muôn dân các nơi càng không sợ quân Hán. Hễ binh tướng Hán ra khỏi thành dẫu đông đến vài chục lính đều bị quây đánh, đặt bẫy chông, đào hầm sập thương vong không ít. Càng ngày, thành Đại La càng trở nên trơ trọi. Trong thành, dân chúng trốn sạch chỉ còn đám quan văn bản sứ lấm lét và lũ lính Giao Châu buồn rầu ủ rũ. Nếu không có gần hai vạn binh tướng đem từ Hán triều sang, hẳn lũ quan văn và binh lính Giao Châu đã dâng thành cho Dương Đình Nghệ lâu rồi.
Sau khi đại thắng bến Giang Biên giết chết tướng Trần Bảo, truy đuổi tàn binh phương Bắc hơn mười dặm, Dương Đình Nghệ mệnh lệnh các tướng thu quân. Dương công kiểm điểm sĩ tốt thuyền bè, chỉnh đốn đội ngũ chia một nửa binh lính giao cho Ngô Quyền cùng Phạm Bạch Hổ dùng thuyền lớn qua sông về quân doanh, còn lại đích thân sai các tuỳ tướng cùng quân lính gom nhặt các tướng sĩ tử trận nhận rõ quê quán cho tế lễ, chôn cất tử tế.
Các vùng lân cận, muôn dân nghe tin Dương Đình Nghệ đại thắng kéo đến rất đông, còn dắt đến nhiều tù binh để Dương công định đoạt. Dương Đình Nghệ ân cần cảm ơn các vị hương thân phụ lão, phủ dụ đám tù binh rồi sai chúng gom nhặt binh lính Hán trận vong, sắp xếp lại thi thể, lấy nước sông gột rửa sạch sẽ. Theo nguyện vọng của hơn ngàn tù binh Hán muốn lập giàn thiêu xác các binh tướng tử trận, Dương công cho phép chúng tìm thi thể tướng Trần Bảo xếp vào chính giữa giàn thiêu để đích thân Dương công đến đọc lời tế.
Giàn thiêu xếp cao như một ngọn đồi ngay ven bờ Bắc sông Cái. Không khí âm u rờn rợn. Mặt nước sông sương khói bảng lảng buổi chiều nhập nhoạng. Gió sông hú lên từng chặp thê lương. Đám tù binh phương Bắc ủ rũ như gà mất mẹ đứng rúc vào nhau phía trước giàn thiêu. Nước mắt nam nhân nơi sa trường thiểu não rịn ra trên những khuôn mặt in dấu bàng hoàng vừa thoát nạn voi giày ngựa xéo. Mấy nghìn tù binh nhìn dòng sông u uẩn. Tiếng kèn tế rúc lên từng hồi dài. Từng hồi chuông u uất dội âm i trên mặt sóng.
Dương Đình Nghệ mặc giáp phục chỉnh tề cùng mấy tuỳ tướng bước đến trước giàn thiêu. Trên chiếc bàn lớn đã chuẩn bị sẵn hương hoa, bánh trái, tiền vàng theo phong tục người Hán, Dương công thong thả châm một bó hương cắm đều các bát rồi cất giọng đau buồn đọc bài tế trận vong.
Lời đọc vừa dứt, tiếng chuông tiếng mõ rộ lên từng tràng. Hơn chục tù binh Hán từng xuất thân cửa chùa không hiểu đã cạo tóc từ lúc nào cổ đeo tràng hạt, mình khoác trang phục nhà chùa, tay gõ mõ đi thành một vòng quanh giàn thiêu đọc kinh Phật siêu thoát các vong hồn tử trận. Lời kinh văng vẳng bi ai thống thiết trong tiếng sóng rờn rợn mặt sông. Những ánh đuốc được thắp lên chập chờn leo lét. Thoáng chốc, ngọn lửa giàn thiêu bốc lên lan khắp bốn mặt rồi lửa reo ầm ầm như tiếng thiên binh vạn mã. Khi Dương công rút về doanh trại cũng là lúc tiếng khóc tiếng than của hơn ngàn tù binh Hán quanh giàn thiêu đang cháy rừng rực càng lúc càng thống thiết hơn.
Sáng sớm hôm sau, Dương Đình Nghệ cho các tù binh lấy một phần tro cốt đem theo còn lại thả hết xuống dòng sông. Dương công thân úy lạo các tù binh đồng thời cấp cho năm ngày lương thảo, sai người dẫn đến tận nơi biên ải để chúng về nước, lại dùng lời lẽ xót thương để chúng về tâu với Hán đế sự bại trận của Trần Bảo chẳng qua là sơ suất chốn sa trường chứ thực tâm các hào trưởng, châu mục phương Nam nối đời đều muốn yên ổn làm ăn mà nhường nhịn các vua chúa phương Bắc.
Đám tù binh khóc lóc cảm tạ mãi không thôi rồi lạy tạ dắt nhau lên đường.
Khi đám tù binh khuất dạng nơi chân trời, Dương Đình Nghệ cho toàn quân cùng voi ngựa lên thuyền lớn sang sông.
Trong thành Đại La, lúc nửa đêm, Lý Tiến cho gọi Độc Toàn Chân vào đại điện.
Độc Toàn Chân hơn mười ngày ăn ngủ thất thường, tinh thần bấn loạn, vẻ mặt hốc hác nghe lệnh triệu của Lý Tiến lật đật cùng mấy tùy tướng vào đại điện.
Thấy viên tướng họ Độc đã xuống tinh thần, Lý Tiến vội trấn an:
– Độc tướng quân! Nay thành Đại La binh vây bốn mặt, Trần Bảo kia đã tử trận, đám tù binh được giặc cỏ trả về Hán triều là có ý mong ta đầu hàng trả đất trả thành cho chúng. Ta thân làm đại tướng, ngỡ tưởng xuống Giao Châu kiến công lập nghiệp cho Hán đế, ai ngờ trở thành bại tướng nơi phương Nam xa xôi này. Nếu ta toàn quân quyết chiến ngọc nát ngói tan cùng với La thành cũng chẳng vẻ vang gì, chẳng qua là lấy thêm mạng sống của hàng ngàn tướng sĩ mà thôi. Nay ta muốn được nghe cao ý của tướng quân, để vừa giữ được thanh danh của Hán triều vừa giữ được tính mạng cho ngàn người vô tội. Ý tướng quân thế nào?
Độc Toàn Chân rầu rĩ đáp:
– Mạt tướng quả cũng chẳng còn kế sách lòng dạ nào nữa. Giặc cỏ kia cứ như có trời phù hộ. Chúng càng đánh càng mạnh. Ta càng đánh càng chết tướng thua binh. Thắng thua giờ đã rõ. Thôi thì đất đai thành trì của chúng ta hãy tạm để cho chúng tự cai quản, mai kia chờ chúng chém giết tương tàn lẫn nhau mới có thể dùng kế mà chiếm lấy nước chúng. Chẳng hay chúa công định lặng lẽ bỏ thành về phương Bắc hay sao?
Lý Tiến cứng người trên chiếc ghế bọc da hổ đến nửa khắc mới dè dặt nói:
– Than ôi! Ta bao nhiêu năm nhận bổng lộc, làm quan tướng cho Hán triều, được Tể tướng Tô Chương hết lòng nói giúp xuống Giao Châu để Hán đế mở mang bờ cõi, những tưởng lập được chiến công để Tô Tể tướng dễ bề ăn nói trong triều, ai ngờ có ngày hôm nay. Ta trở về phương Bắc cũng chẳng mặt mũi nào nhìn Tể tướng được nữa. Nay ta trước là muốn cứu mạng các binh sĩ, sau là quyết kế mình ta mang tiếng xấu chịu nhục bỏ thành để Hán đế định tội ta mà không xuất binh xuống phương Nam nữa. Phương Nam những ngày tháng này, binh lính chúng thành thạo lão luyện, tướng soái chúng anh dũng quả đoán, tên Dương Đình Nghệ lại mưu mẹo như thần, Hán triều có xuất đại binh chăng nữa cũng chỉ là mang dầu chữa cháy mà thôi. Ta nay bỏ thành cũng là vì muốn giữ gìn nguồn binh lực cho Hán đế vậy.
Độc Toàn Chân thấy Lý Tiến nói rõ lợi hại càng thương họ Lý đời đời làm tướng soái bỗng chốc thân bại danh liệt nơi cô thành xa xôi phương Nam, bèn cảm động hỏi:
– Chúa công định đêm nay rời thành ư?
Lý Tiến đứng dậy đi lại một lát rồi quả quyết nói:
– Ý ta đã quyết, đợi sang canh ba, ta cùng bộ tướng Lý Phục và mấy người tâm phúc sẽ vượt sông trở về phương Bắc.
– Xin chúa công cho mạt tướng đi theo hầu. Ở thành Đại La, họ Độc chúng tôi sản nghiệp đã sung hết vào quân doanh, mạt tướng lại gây thù chuốc oán với đám quan lại bản xứ và muôn dân La thành, nếu ở lại sẽ không còn con đường sống.
Lý Tiến đặt tay lên đôi vai run rẩy của Độc Toàn Chân:
– Toàn Chân hiền đệ, ta những muốn mang vinh hoa phú quý, công trạng ghi sử sách cho gia tộc họ Độc, nào ngờ đã đẩy hiền đệ vào nơi cùng đường tuyệt lộ, ta hối hận lắm thay. Về Hán triều, ta sẽ liều chết viết biểu kể rõ công trạng của đệ ở Giao Châu, biết đâu Tể tướng Tô Chương thương tình dốc hết sản nghiệp của đệ mà tìm cách trọng dụng. Có như thế ta có sống chết gì mới thanh thản được.
Độc Toàn Chân rịn hai hàng nước mắt rồi mau chóng cùng đám gia nhân thu xếp hành trang canh ba theo Lý Tiến xuống thuyền sang bên kia sông.
Khi đã ngồi gọn trên chiếc thuyền buôn nhỏ chòng chành trên sóng nước ngược dòng sông, Lý Tiến trong trang phục lái buôn nằm trong lòng thuyền hai hàng nước mắt cứ rịn ra không dứt. Đường đường một đại tướng Hán triều đem binh hùng tướng mạnh xuống Giao Châu những tưởng gọi mưa hét gió ai ngờ chưa đầy ba tháng đã phải bỏ lính bỏ thành, bỏ cả ấn tín giữ lấy mạng sống trở về phương Bắc. Những mình Lý Tiến thà chết quách cho xong đỡ chịu nhục nhưng còn đại cục phương Nam phương Bắc của Hán đế không thể dễ dàng liều lĩnh như thế được. Nếu tử chiến đốt thành không chỉ mạng vong mà ân oán cừu hận giữa Hán triều và Giao Châu càng sâu đậm khó lường. Người phương Nam bọn chúng dẫu hiền hòa hiếu đễ nhưng hễ đem binh giáp xuống áp đặt xưa nay đều bại vong cả. Nay ta vì đại cục hủy hoại đi danh tiếng của mình cũng là để giặc cỏ kia tạm vào trị nhậm đất đai thành trì của chúng. Biết đâu chúng khôn ngoan xưng thần chịu phục càng tỏ rõ oai danh của Hán triều, ta đây cũng bớt đi mối nhục bỏ ấn tín nơi La thành nửa đêm giả lái buôn về Bắc. Dương Đình Nghệ kia là người nào sao hắn cáo già tinh khôn đến vậy? Hắn không cho binh tướng liều chết phá thành mà cứ siết dần sợi dây thòng lọng để ép ta vào con đường chết. Hắn lại tha bổng tù binh, lập dàn thiêu cúng tế đám binh sĩ người Hán trận vong khiến lòng quân càng rối. Họ Dương đã đưa ra thông điệp đuổi ta về nước ta còn mặt mũi nào tử chiến giữ thành. Với tài năng phách lược của họ Dương, việc y đứng đầu Giao Châu kiêm quản các vùng chỉ là điều trong sớm tối. Lẽ ra, Hán triều phải sớm lấy việc phủ dụ làm đầu, tiên lễ hậu binh mới có thể cai quản lâu dài phương Nam được. Cái thói đánh giết luôn lấy thịt đè người của người phương Bắc không phải ở đâu cũng hữu dụng thì việc thua binh bại tướng như ta cũng là lẽ thường trong sử sách mà thôi.
Càng nghĩ, Lý Tiến càng khâm phục Dương Đình Nghệ, khâm phục các tinh binh mãnh tướng Ái Châu, Đằng Châu, Phong Châu mà cho rằng việc thảm bại của mình có căn cốt từ sâu xa vậy. Họ Lý nhổm người rồi nhắc mấy viên tùy tướng cứ bình tâm chèo thuyền ra giữa dòng sông ngược về phương Bắc. Đã bỏ lại ấn tín, chỉ mang theo dăm bảy cận thần nửa đêm trốn về phương Bắc binh tướng họ Dương cũng chẳng đuổi theo làm gì. Đó cũng là cái lẽ cao cường của kẻ thắng trận và cái mưu cuối cùng của kẻ bại trận mà thôi. Đạo lý này người đời sau sẽ thể tất cho ta vậy.
Sau khi cho quân rút hết sang sông trở về quân doanh, Dương Đình Nghệ hạ lệnh cho toàn quân nghỉ ngơi ba ngày. Dương công lại cho người báo tin để Kiều Công Tiễn thôi không đánh cửa Bắc thành Đại La nữa. Dương công một mặt cho người đem các tướng sĩ tử trận trở về quê quán cúng tế, ghi công rất cẩn thận. Người lại cho các tùy tướng đến các vùng lân cận xung quanh thành Đại La thông báo tin thắng trận đồng thời mời gọi muôn dân về làng xóm cũ trồng cấy, canh cửi, khôi phục các nghề cũ không được dứt. Làng trên xóm dưới nghe tin quân Hán bại trận ai cũng vui mừng trở về thôn ấp an cư lạc nghiệp.
Công việc tạm yên, các tướng sĩ, ngay cả Ngô Quyền và Phạm Bạch Hổ không hiểu sao Dương công không lập tức hạ lệnh phá thành Đại La, còn đang thắc mắc trong lòng được tin triệu đến trướng hổ, các tướng mau chóng tề tựu đông đủ. Kiều Công Tiễn cũng được Dương công cho người dùng thuyền nhẹ mời đến nghị sự.
Khi các tướng đã ổn định, Dương công nghiêm trang nói:
– Luôn mấy ngày binh sĩ nghỉ ngơi chắc các tướng đều trách ta không mau hạ lệnh phá thành bắt Lý Tiến, giết lũ Hán gian để tế Khúc chúa phải không. Ta cùng các tướng, ai chẳng mong lớn vào La thành an định tình hình giúp dân chúng theo về nghề cũ. Nay quân ta, xét ra chưa đầy ba tháng đã phải liên tiếp ba lần đại chiến với địch mạnh. Dẫu kẻ kia đại bại ta cũng thương vong không ít đâu. Nên ta quyết dành mấy ngày để vừa ngơi nghỉ sức quân vừa đưa tướng sĩ trận vong về quê hương bản quán. Người lính lúc ra đi đầu xanh tuổi trẻ mẹ già con dại ngóng trông nay trở về chỉ là tro cốt và một bát hương thơm ta đâu lỡ ham công để tốn máu xương sĩ tốt. Ta chưa vội đánh thành vì chỉ muốn Lý Tiến kia thấy được lẽ mất còn mà dâng thành, ta cũng tha cho y về phương Bắc. Theo phán đoán của ta, Lý Tiến, Độc Toàn Chân cùng đám tâm phúc của y đã bỏ trốn về phương Bắc từ mấy hôm nay rồi. Nay ta triệu các tướng đến để tính cách vào thành yên ổn quan lại, binh lính, dân chúng mới là kế vẹn toàn vậy.
Các tướng nghe Dương Đình Nghệ nói xong, ai nấy nhìn nhau vừa bàn tán vừa trầm trồ trước cao kiến của Dương công. Luôn mấy ngày cho binh sĩ nghỉ ngơi tuyệt đối không khiêu chiến chính là kế bức Lý Tiến bỏ ấn tín rời La thành của Dương Đình Nghệ. Mới thấy rằng, việc dụng binh cốt ở cơ mưu nơi màn trướng chứ không phải riêng việc chém giết trên sa trường. Các tướng đều hiểu rõ trong thành Lý Tiến còn gần hai vạn binh mã nếu chúng tử chiến ngọc nát cùng tan quân ta thiệt mạng cũng không nhỏ. Nay Lý Tiến đã cam tâm tình nguyện bỏ thành về phương Bắc thì việc bắt đám hàng tướng vừa không tốn máu xương vừa không kinh động Hán triều khiến chiến tranh liên miên không dứt. Các tướng đều thầm phục đại kế cũng là lòng đại lượng của Dương công.
Kiều Công Tiễn bước ra thưa:
– Bẩm Dương công! Thưa các vị tướng quân! Khi mạt tướng được tin Dương công đại thắng bến Giang Biên, giết chết Trần Bảo lại thả tù binh về phương Bắc, mạt tướng đã nghĩ thế nào Dương công cũng cho ngưng chiến để bức hàng. Nay tình thế đúng như Dương công dự liệu quả là phúc của người phương Nam chúng ta bớt được một trận ác chiến nơi thành quách của mình. Mạt tướng xin Dương công để thêm vài ngày hãy bắc loa gọi hàng để bọn giặc trong thành càng sợ hãi không đánh mà tan. Lại cho nới lỏng vòng vây để quân binh trong thành kẻ nào trốn ra ngoài được đều tha chết. Chắc chỉ vài hôm chúng tất loạn mà dâng thành.
Kiều Công Tiễn vừa dứt lời, Phạm Bạch Hổ liền đứng ra nói:
– Bẩm Dương công! Ý của Kiều tướng quân rất đúng. Mạt tướng cũng đoán chắc Lý Tiến đã rời thành tất binh tướng Đại La chỉ muốn hàng để giữ tính mạng. Nay ta hãy thư thả cho chúng vài ngày cũng là để sắp xếp khi binh ta tiến vào phải có đội ngũ kỷ cương nghiêm minh. Các tướng đều muốn suy tôn Dương công vào làm chủ thành Đại La, kính cáo trời đất, tổ tiên, thuận theo lễ nghĩa lên giữ ngôi cao để an định muôn dân mới là kế vẹn toàn.
Phạm Bạch Hổ còn chưa nói xong, Dương Đình Nghệ đã điềm đạm nói:
– Việc thư thả vào thành ta thuận theo ý của các tướng, còn như việc giữ ngôi cao không thể Dương mỗ này tự tiện làm được. Đợi khi vào thành, ta sẽ cho mời Phạm công đất Đằng Châu, Kiều công đất Phong Châu, huynh trưởng Ngô Mân ở Đường Lâm đến cùng thương nghị mới được. Người phương Nam chúng ta phải có lễ nghĩa trên dưới rõ ràng mới sâu gốc bền rễ để chống nhau với giặc Bắc.
Các tướng nghe như nuốt lấy từng lời rồi nhất nhất theo sự điều tiết của Dương Đình Nghệ ai về trại nấy chuẩn bị cho việc vào tiếp quản Đại La thành.
Đây nói tiếp chuyện ở trong thành Đại La.
Sau đêm Lý Tiến cùng Độc Toàn Chân dùng thuyền nhẹ nửa đêm ngược dòng sông Cái về phương Bắc biệt dạng, ngôi đại điện chỉ còn mấy viên tuỳ tướng cùng đám quan văn suốt ngày hôm sau ngơ ngác nhưng không dám vào trong soái phủ tìm Lý Tiến mà chỉ quanh quẩn đôn đốc vòng ngoài.
Mãi đến chiều tối, có viên quan văn là Phạm Bang người gốc Đằng Châu vốn có cha trước đây theo hầu Khúc Hạo trong lòng nghi hoặc mới mạnh dạn vào đại điện dò xét tình hình. Khi nghe mấy viên tùy tướng thông báo từ sáng không thấy chúa công gọi sai bảo, lại không thấy tổng quản Độc Toàn Chân đến soái phủ, còn chưa biết tình hình ra sao. Xưa nay trong soái phủ có việc gì đều phải có bộ tướng của Lý Tiến ra truyền mệnh, đám tùy tướng ở ngoài cứ thế tuân theo chứ tuyệt đối không được xông vào soái phủ.
Phạm Bang nghe rõ đầu đuôi câu chuyện mới mạnh dạn nói:
– Có lẽ chúa công có điều gì phải mật nghị với tổng quản chăng? Ta không dám đoán bừa nhưng nếu đến sáng mai chúa công chưa cho gọi các tướng hãy thông báo cho đám quan văn chúng ta cần vào thỉnh thị xin ý chỉ về việc chuyển gỗ đá lên mặt thành phòng giặc mới được.
Phạm Bang lòng nghi hoặc đi ra gọi các quan văn xì xào bàn tán mãi không thôi.
Đám tùy tướng cũng chỉ biết đi đi lại lại canh gác ngôi đại điện chứ tuyệt không dám xông vào trong soái phủ vẫn đang im lặng như tờ. Chiếc bàn gỗ lớn phía trên là tấu chương ấn tín vẫn để nghiêm ngắn đầy ăm ắp. Phía sau chiếc ghế bọc da hổ uy nghi, hai thanh kiếm bắt chéo nhau nghiêm trang trên giá gỗ người ngoài nhìn vào tưởng như Lý đại nhân đang mật nghị trong phòng cùng Độc Toàn Chân.
Sáng bạch hôm sau, Phạm Bang dẫn hơn hai chục quan văn cùng mấy viên tiểu tướng gác cổng thành vào đại điện xin gặp ngài thứ sử định liệu việc quân vẫn chỉ thấy mấy viên tiểu tướng ngơ ngác nơi sảnh ngoài.
Phạm Bang mạnh dạn đứng ra nói:
– Nay việc đã gấp rồi, ta đành cùng các quan tướng vào trong soái phủ bẩm báo với chúa công địch tình bốn phía. Nếu có gì phạm thượng ta xin cam lòng chịu tội.
Nói đoạn, Phạm Bang dẫn đầu mấy viên tiểu tướng và đám quan văn tiến thẳng vào trong soái phủ.
Bước đến trước chiếc bàn gỗ lớn nhìn thấy ấn tín nghiêm trang, các tấu chương ăm ắp chưa được phê duyệt, Phạm Bang chợt giật mình nhìn chiếc ghế trống trơn phía sau phòng nghỉ của Lý đại nhân cửa đóng im ỉm bèn mạnh dạn cùng mọi người tiến vào đẩy mạnh cánh cửa. Hai tấm cửa gỗ lim nặng chịch từ từ mở ra cũng là lúc mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Trên chiếc giường thất bảo sang quý chạm trổ rồng phượng uy nghi không một bóng người chỉ đôi gối thêu rồng nghiêm ngắn.
Đám Phạm Bang nhìn quanh trong phòng chỉ thấy vắng ngắt, sách vở nghiêm ngắn trên bàn gỗ, mấy bức tranh quý sạch bóng im lặng trên tường, tiếng con thạch sùng chậc lưỡi nơi góc nhà càng khiến gian nhà trở nên tịch mịch.
Phạm Bang bất giác kêu lớn:
– Chúa công đã rời thành về phương Bắc rồi!
Đám người từ ngơ ngác dần trở sang sợ sệt nhìn nhau. Ai cũng nghĩ đến cảnh bên ngoài bốn mặt binh tướng các châu quận đang vây chặt La thành, bên trong Lý đại nhân cùng các cận thần đã sớm trốn về phương Bắc. Mọi người bất giác nhìn nhau không ai dám nói một lời.
Khi đám người lục tục kéo ra đại điện Phạm Bang mới rầu rĩ nói:
– Chúa công nửa đêm rời thành không thông báo với quan tướng lấy một lời, bây giờ bọn ta biết chống giữ ra sao?
Một viên tùy tướng bước ra nói:
– Mấy vạn tinh binh mãnh tướng của Trần Bảo còn vong mạng đất Giang Biên, chúng ta quân binh rệu rã, lương thảo cạn kiệt, chúa công lại bỏ thành mất dạng, nay chỉ còn nước chết mà thôi.
Một viên tiểu tướng chuyên công việc giữ cổng thành tiến ra bàn:
– Hôm trước ta nghe nói, chủ tướng Dương Đình Nghệ còn cấp thóc gạo cho binh Hán về phương Bắc, lại tế lễ kẻ trận vong chu đáo lắm. Nay chúng ta thành tâm ra hàng tất Dương công không nỡ giết đâu. Xưa nay, người phương Nam chưa bao giờ tuyệt đường người phương Bắc đã đầu hàng.
Đám quan văn và mấy viên tiểu tướng xôn xao bàn tán. Đã có người lặng lẽ cáo lui thay trang phục trốn ra khỏi ngôi đại điện. Mấy viên võ tướng có kẻ đã cởi giáp mặc thường phục đi lẫn hút nơi mấy tòa nhà kho phía cửa Đông. Ngôi đại điện sau lúc đám người bàn tán xì xầm chỉ thoáng chốc đã trở nên vắng ngắt.
Đúng như đã hẹn với các tướng, năm ngày sau, Dương Đình Nghệ nhất tề cho quân tiến vào bốn mặt thành. Luôn mấy hôm trước, sau khi biết chắc Lý Tiến cùng Độc Toàn Chân đã nửa đêm bỏ ấn tín trốn về phương Bắc, đám binh lính trong thành bỏ trốn rất nhiều. Không kể là binh lính người Giao Châu hay người Hán hễ trốn được là chúng trèo qua thành bỏ trốn. Nhiều toán lính kiếm được thuyền nhỏ trà trộn vào đám lái buôn phương Bắc rời khỏi thành. Theo mệnh lệnh của Dương công, các cổng thành, các khu tường thành đều để lỏng lẻo mặc cho chúng trốn. Đám tùy tướng và quan văn trong thành ai nấy biết trước cơ sự mất thành nên không còn hống hách như trước. Chúng cũng không dám đốt phá cướp bóc gì bởi còn lo giữ an toàn tính mạng. Thành Đại La bên ngoài phẳng lặng nhưng bên trong ẩn chứa những sợ hãi, đồn đoán, trốn tránh ngổn ngang trăm mối trước ngày binh tướng của Dương Đình Nghệ nhập thành.
Khi tiếng loa truyền đọc gọi binh lính trong La thành cởi bỏ gươm giáp, xếp thành đội ngũ, cử các quan văn ra bốn phía cổng thành nghênh đón binh tướng của Dương Đình Nghệ vang lên cũng là lúc trong toàn thành Đại La tiếng chân người chạy rầm rập, tiếng kèn tập hợp đội ngũ, tiếng xì xầm, ồ à vang lên các doanh trại bốn góc thành. Luôn mấy hôm, binh lính bản xứ đã bỏ trốn sạch cả kéo theo hàng ngàn binh lính Hán khiến trong thành bây giờ còn chưa đầy vạn binh mã. Theo chủ kiến của Phạm Bang bàn với mấy viên tướng giữ thành, dãy chuồng ngựa đã được các quản ngựa đóng niêm phong chờ giao nhận. Binh lính đã cởi bỏ áo giáp gươm đao đưa vào các kho khóa lại. Ai cũng mong giữ được mạng sống nên không ai dám cầm một tấc sắt trong người. Binh lính Hán đều biết không phải là đối thủ của tướng lĩnh Dương công. Sau mấy trận chiến bị voi giày ngựa xéo, đám lính Hán hễ nhác trông thấy voi là hồn bay phách tán. Biết trước sự tình của binh tướng Hán, Dương Đình Nghệ hạ mệnh lệnh toàn quân không được đưa voi chiến vào thành. Trên lưng ngựa nơi cổng chính phía Nam, Dương Đình Nghệ mình bận phẩm phục đại quan, lưng thắt đai ngọc xanh, đầu đội khăn nhiễu tím, chân đi hài tía thêu phượng thong thả tiến bước. Hai bên là hai vị tướng giáp trụ sáng ngời oai phong lẫm liệt, đầu đội mũ đâu mâu khảm bạc, lưng đeo trường kiếm thắt đai xanh. Phía sau là sáu hàng kỵ binh giáp trụ sáng ngời tiến thẳng vào đại điện.
Nơi cổng Bắc thành, cánh cổng kiên cố nhất của Đại La thành đã mở toang, đại đội binh mã Phong Châu lẫm liệt kéo vào. Đi đầu là chủ tướng Kiều Công Tiễn giáp phục gọn ghẽ, đầu đội mũ đâu mâu đính ngọc, lưng đeo thanh bảo kiếm gia truyền cùng chúng tướng chia thành năm hàng người ngựa hùng dũng tiến vào. Ở các cổng phía Đông và phía Tây đều có những vị tướng quân mang giáp trụ, binh lính chỉnh tề thẳng tiến vào trong xếp thành đội ngũ nghiêm trang.
Dương Đình Nghệ xuống ngựa cùng các tướng bước thẳng vào ngôi đại điện thành Đại La. Đại điện gần như vắng lặng. Mãi tít nơi góc điện, chỉ thưa thớt đám quan văn đang sợ sệt đùn đẩy lẫn nhau. Phía sân ngoài, binh lính Hán mặc thường phục đi chân không xếp thành đội ngũ, phía trước mấy viên tiểu tướng tự trói mình quỳ xuống đất roi đặt ngang lưng có ý xin chịu tội. Dương công cùng chúng tướng bước vào trong đại điện thấy trên bàn gỗ lớn ấn tín còn nguyên đó, những là sổ sách tấu trình vẫn ngay ngắn trên bàn. Chiếc ghế bọc da hổ nơi Lý Tiến thường ngồi điều hành chính sự dường như vẫn còn ấm hơi người.
Dương Đình Nghệ quay lại bảo các tướng:
– Binh tướng ta nay đã vào được thành Đại La mà không phải đổ máu quả là hồng phúc của nòi giống, phúc trạch của muôn nhà. Các tướng hãy mau chóng yên ổn binh sĩ, vỗ về nhân dân. Phàm là binh lính Hán đã đầu hàng tuyệt đối không được giết mà phiên thành đội ngũ mai kia trả chúng về phương Bắc. Đám quan văn người nào có lòng ở lại các ngươi cũng phải thực bụng tin dùng. Các kho tàng trong thành kê biên cho đủ. Thóc gạo tiền bạc hãy đem phát một phần an ủi muôn dân. Đoàn Thành, ta phiền tiên sinh sớm soạn thư mời tới Kiều công ở Phong Châu, Phạm công ở Đằng Châu và Ngô huynh ở Đường Lâm sớm tới cùng ta bàn việc lớn. Binh tướng các châu, sau khi ổn định La thành hãy chia nhau ra ngoài hạ trại để yên ổn nhân tâm. Phạm Bạch Hổ hãy mau sửa soạn đội thủy binh đóng bến Giang Biên không được xâm phạm các thương thuyền làm ăn vào ra chốn kinh thành. Phàm người phương Bắc phương Nam, miền xuôi miền ngược, miền biển miền đồi ra vào làm ăn thuỷ bộ đều mau chóng thông thương. Binh lính Hán triều giả làm thương khách trốn về cứ để mặc họ, ta càng đỡ mang tiếng bắt đến vạn tù binh gây kinh động Hán triều. Mọi việc lễ nghĩa khác, đợi khi các vị huynh trưởng đến sẽ lại bàn định sau.
Các tướng nghe xong ai vào việc nấy. Thành Đại La một ngày thay chủ long trời lở đất mà tuyệt nhiên không hề có tiếng binh đao đầu rơi máu chảy quả là cổ kim chưa từng thấy vậy.
Ngay buổi trưa hôm đó, Dương Đình Nghệ cho khao thưởng ba quân tướng sĩ trong thành Đại La. Do được chuẩn bị từ mấy hôm trước, mọi việc rượu thịt bánh trái phục dịch đều rất chu tất. Quân nào đội nấy vừa nghiêm trang tề chỉnh vừa phấn chấn vui tươi. Dương công lại cho mời mấy chục bô lão trong thành đến đại điện dự tiệc khao quân. Ngay như đám hàng tướng hàng binh Hán cũng được ăn uống tử tế rồi cho rời thành ra nơi bãi sông đóng trại dưới sự trông giữ nghiêm ngặt của quân Phong Châu đợi ngày về phương Bắc.
Tin Dương Đình Nghệ cùng binh tướng Ái Châu, Đằng Châu, Phong Châu đại thắng quân Hán, giết chết Trần Bảo tại bến Giang Biên khiến thứ sử Lý Tiến nửa đêm bỏ ấn tín rời khỏi thành Đại La, tiếp đó Dương công cùng ba quân tiến vào thành yên ổn nhân dân, giữ nguyên kho tàng, lại cho ngót vạn tù binh về phương Bắc gây chấn động các vùng châu quận, sách động toàn cõi An Nam.
Khắp nơi, muôn dân nô nức giết trâu ngựa, treo đèn kết hoa mở hội ăn mừng. Người An Nam xưa kia là các vùng đất thuộc các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam kéo dài hàng ngàn dặm đã nhiều lần đánh đuổi giặc phương Bắc đứng lên tự chủ. Từ thời thượng cổ, mười tám đời vua Hùng Vương đã tự chủ xưng vương dựng quốc đô ở vùng đất Phong Châu. Tiếp đó, đến thời An Dương Vương, Trưng Nữ Vương đều đánh giặc lập nước truyền đến mai sau. Đến ngày Lý Nam Đế đánh đuổi giặc Lương nối nền độc lập, dựng nước Vạn Xuân xây chùa Trấn Quốc càng khẳng định phương Nam là có chủ. Tiếp đến Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đều xưng vương lập quốc phân biệt rõ phong tục Bắc – Nam. Tiếp đó họ Khúc mấy đời làm chúa Giao Châu. Tuy một mặt vẫn nối thông triều cống các hoàng đế phương Bắc, song mọi sự trị nhậm đều do người phương Nam tự kiêm quản. Mối giềng đã định, ân đức các anh hùng hào kiệt An Nam thảy đều sáng rõ. Nay Dương Đình Nghệ có công đuổi giặc Hán, rửa nhục cho họ Khúc, lại lấy sự khoan dung độ lượng làm đầu, quả là có phong độ của bậc chân chúa khiến các vị hào trưởng, tướng lĩnh, phụ lão hương thân các vùng đều tín phục.
Dương công vào thành Đại La vỗ về dân chúng, ổn định hai ban văn võ rất quy củ, lại chưa dám tự mình ở ngôi cao còn cho mời các nha tướng cũ của họ Khúc, hào kiệt bốn phương về bàn việc lớn quả là người biết nhún nhường. Khắp trong thành ngoài nội đều nhất nhất cảm kích ơn đức của Dương công, mong muốn ngài nối theo họ Khúc trị nhậm An Nam để muôn dân hưởng thái bình. Đến như các hào trưởng lớn đều đã sớm có ý suy tôn Dương Đình Nghệ lên ngôi cao, yên dân mở đất để người phương Nam cường thịnh khỏi thẹn với nòi giống tổ tông.
Luôn mấy hôm đón tiếp các đoàn hương thân phụ lão các vùng Cổ Loa, Chu Diên, Đường Lâm, Cổ Pháp, Siêu Loại, Hồng Châu, Phong Châu, Đằng Châu, Ái Châu, Hoan Châu… đến chúc mừng, các tướng Phạm Bạch Hổ, Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Đoàn Thành, Phạm Bang… ân cần đưa các bậc lão trượng đến dâng hương chùa Trấn Quốc, sắm sửa lễ bái vọng nơi thờ tự các vị vua người An Nam thủa trước. Các bô lão ai cũng trầm trồ khen tài đức của Dương công và sự uy nghiêm của các tướng.
Từ Phong Châu, Kiều công dắt theo mười bảy vị bô lão xuống thành Đại La. Kiều công vừa đi vừa ngắm phong cảnh núi non đường sá rất tâm đắc. Khi nhận tin binh tướng Phong Châu vào thành mà không phải giao tranh, Kiều công mừng lắm. Ông lập tức cho mời các bô lão đức cao vọng trọng ở Phong Châu cùng với mình xuống thành Đại La. Mới đến cửa Bắc thành, còn đang ngắm nghía hào nước rộng đến bảy tám trượng nối thông ra đầm Sương Mù cảnh sắc thư thái như không hề xảy ra nạn binh đao đã thấy trong thành, một toán người khôi giáp chỉnh tề, người đi đầu chính là Dương Đình Nghệ bận nhung phục xanh, đầu chít khăn nhiễu tía, chân đi hia thêu phượng ra tận cổng nghênh đón tươi cười thi lễ nói:
– Tại hạ Dương Đình Nghệ xin khấu chào Kiều công vạn an. Luôn mấy tuần nay, tại hạ mong Kiều công xuống La thành chỉ giáo cho tại hạ.
Kiều công thấy Dương Đình Nghệ lâu ngày không gặp giờ tuổi tác đã lớn nhưng phong độ khí phách còn có vẻ hơn xưa, lời nói ôn hòa khiêm nhượng, bèn thủ lễ đáp:
– Dương công thật là bậc anh hùng không quản dầu sôi biển lửa, đem binh xông vào nơi tên đạn đuổi giặc mạnh lập huân công, rửa nhục cho Khúc chúa, đề cao chí khí anh hùng của người phương Nam chúng ta khiến đại tướng Trần Bảo trận vong, tổng quản Lý Tiến cởi bỏ ấn tín về Bắc quả là xưa nay hiếm vậy.
Lời Kiều công còn chưa dứt, phía cổng thành lại có hơn chục bô lão râu tóc trắng như cước, quần chùng áo dài trang nghiêm, đầu chít khăn nhiễu đỏ, lưng thắt đai thiên lý xanh đĩnh đạc bước vào. Đi đầu là một tráng niên đầu tóc hoa râm cao lớn đường bệ dáng đi thong thả khoan thai tiến tới thủ lễ chào:
– Tại hạ nơi Đằng Châu xa xôi nay mới kịp đến chúc mừng Dương công, chúc mừng Kiều công sớm đuổi tan giặc Bắc để muôn dân có buổi thái bình.
Dương Đình Nghệ vội tiến đến vái chào vị khách:
– Tại hạ xin cảm tạ Phạm công. Không ngờ bao năm nay gặp mặt Phạm công vẫn hùng tráng như xưa. Cũng may nhờ linh khí của trời đất non sông, oai dũng của các tướng sĩ Đằng Châu, Phong Châu, tại hạ mới sớm đuổi được lũ giặc về Bắc. Tại hạ đêm ngày mong các vị xuống Đại La thành chỉ giáo đại cục cho. Nay gặp mặt thật là vạn hạnh.
Lời còn chưa dứt, nơi cổng thành lại tiến vào một đoàn bô lão dẫn đầu là vị lão trượng khí mạo oai phong râu dài chấm ngực từ xa đã vang lên tiếng nói như chuông:
– Các vị huynh trưởng, hào trưởng khí thế thật anh hùng! Lão hủ đây nay già rồi, già thật rồi.
Dương Đình Nghệ, Kiều công, Phạm công bất giác nhìn ra thấy rõ ràng là Ngô Mân lão trượng châu mục châu Đường Lâm đã mười mấy năm không gặp vẫn tính khí như xưa bèn đều tiến bước đến thủ lễ:
– Ngô châu mục mới quả thực là bậc tiên phong đạo cốt. Nghe nói châu Đường Lâm thóc lúa chật bồ, trâu bò dê ngựa vô số, muôn dân thái bình ngày không phải đóng cửa, đêm chẳng phải cài then. Người Đường Lâm bao nhiêu năm nay chỉ biết tới Ngô huynh chứ không biết đến Đường triều Hán đế thế nào. Xin bái phục! Xin bái phục!
Ngô Mân tươi cười nắm tay Kiều công nói:
– Kiều huynh mới thật là bậc tiên hiền, đất Phong Châu mới là vùng đất rồng chầu hổ phục. Thành Phong Châu xưa kia là quốc đô của người An Nam chúng ta nào có kém gì Đại La thành đâu. Nghe nói Kiều công tử văn võ song toàn dẫn binh lập công vang danh khiến quân Hán nghe đến đã khiếp vía đi rồi.
Kiều công vội đỡ lời nói:
– Ngô huynh quá khen Kiều mỗ rồi! Trong công cuộc đánh đuổi lũ Hán tặc về nước, đại chiến Giang Biên, dẫn đầu toàn quân quyết chiến phá thành đốt trại, chém tướng chặt cờ lập đại công phải là tướng Ngô Quyền – công tử trưởng của Ngô huynh mới là bậc kỳ tài trong thiên hạ.
Nói đến đó, lại thấy Phạm công tiến tới phía trước Ngô Mân xá tay chúc mừng:
– Huynh trưởng! Tiểu đệ xin chúc mừng Ngô huynh có được vị tướng trời ban. Luôn mấy trận đại phá quân Hán, Ngô công tử anh dũng quả đoán, mưu lược tài tình đã lập đại công lớn. Tiểu đệ đây thật ngưỡng mộ oai danh thần tướng của Ngô Quyền.
Vừa nói, các vị hào trưởng, châu mục vừa bước vào đại điện đã được treo đèn kết hoa rực rỡ. Dương Đình Nghệ toan cho khiêng bỏ chiếc bàn lớn và chiếc ghế bọc da hổ nơi chính điện đã thấy Ngô Mân tiến ra nói:
– Người An Nam chúng ta dẫu lấy lễ nghĩa làm đầu nhưng nơi đại điện vẫn cần phải phân phong chủ khách mới vẹn toàn sau trước được. Nay xin mời Dương công ngồi vào ghế chủ trì cho.
Kiều công và Phạm công đồng thời lên tiếng:
– Xin kính mời Dương công vào ghế chủ trì để chúng ta cùng bàn việc nước.
Dương Đình Nghệ mấy lần từ chối song các bậc lão trượng nhất quyết không chịu tiến tới dìu Dương công vào ghế lớn rồi chia ra hai bên ngồi xuống trang nghiêm.
Trong ngôi đại điện hương trầm phảng phất, bảy mươi bảy cụ bô lão từ khắp các vùng Hoan Châu, Ái Châu, Phong Châu, Đằng Châu, Cổ Loa, Chu Diên, Đường Lâm, Cổ Pháp, Siêu Loại, Hồng Châu nghiêm ngắn lắng nghe Dương công thay mặt các tướng sĩ thuật lại toàn bộ quá trình xuất binh đánh đuổi quân Hán về nước.
Dương Đình Nghệ nói đến đâu, các bậc trưởng lão mặt mũi phấn chấn rạng ngời đến đấy. Mỗi khi có được huân công đuổi lũ giặc phương Bắc, người An Nam thảy đều mừng rỡ, ai cũng mong sớm có ngày tự làm chủ đất đai tiên tổ của mình.
Nơi đại điện, cuộc họp bàn định luận công trạng cho các tướng sĩ vô cùng sôi nổi. Chúng tướng cùng các vị hào trưởng, châu mục, lão trượng đều thống nhất suy tôn Dương Đình Nghệ đứng công đầu trong công cuộc đại thắng. Mọi người đều suy tôn Dương công lên kiêm quản thành Đại La và các vùng đất thuộc An Nam. Dương Đình Nghệ mấy lần từ chối đều không được bèn tạm theo ý chúng tướng làm chủ thành Đại La. Dương công lại cho các hào trưởng, châu mục tự cai quản các vùng đất cũ của mình mà không phải phu phen thuế khóa để muôn dân khỏi lầm than. Các châu mục, hào trưởng cùng nhau kết giao, uống máu ăn thề, hứa kết thông gia, lại bàn chuyện trao đổi sản vật, thóc gạo, voi ngựa, trâu bò, sắt muối để cùng muôn dân cường thịnh kíp phò tá Dương công trị nhậm nơi Đại La thành. Gần một tuần trăng, các châu mục, hào trưởng, lão trượng đi thăm thú kết giao trên bến dưới thuyền vui vẻ, dâng hương đền miếu vô cùng trang nghiêm thành kính.
Thành Đại La luôn cả tháng trời vui vẻ nhộn nhịp, phố phường tấp nập. Chưa bao giờ người khắp xứ lại toàn là những bậc tinh hoa đáng kính chung vui góp mặt đông đủ nơi kinh thành như thế. Âu cũng là phúc lớn của người xứ An Nam.
10/9/2019Phùng Văn Khai
Nơi cổng Bắc thành, cánh cổng kiên cố nhất của Đại La thành đã mở toang, đại đội binh mã Phong Châu lẫm liệt kéo vào. Đi đầu là chủ tướng Kiều Công Tiễn giáp phục gọn ghẽ, đầu đội mũ đâu mâu đính ngọc, lưng đeo thanh bảo kiếm gia truyền cùng chúng tướng chia thành năm hàng người ngựa hùng dũng tiến vào. Ở các cổng phía Đông và phía Tây đều có những vị tướng quân mang giáp trụ, binh lính chỉnh tề thẳng tiến vào trong xếp thành đội ngũ nghiêm trang.
HỒI THỨ SÁU
Bỏ ấn tín, Lý Tiến giả lái buôn về Bắc
Vào La thành, Dương Đình Nghệ khao thưởng ba quân
Tin đại tướng Trần Bảo chết trận nơi bến Giang Biên bay vào thành Đại La khiến toàn thành rúng động. Lý Tiến run cầm cập không thể tưởng tượng được ba vạn quân tinh nhuệ cùng danh tướng họ Trần bị phá tan ngay khi chưa tới được thành Đại La. Chống giữ với giặc cỏ mấy tháng liền, Lý Tiến quá hiểu mưu kế và sự thiện chiến của chúng nhưng không ngờ binh pháp của Dương Đình Nghệ cùng các bộ tướng lại cao thâm đến vậy. Chặt đứt viện binh, thành Đại La đã trơ trọi càng thêm cô quạnh. Mất hết tinh thần, binh sĩ trong thành chỉ là một lũ vô dụng không còn ý chí chiến đấu. Càng nghĩ, Lý Tiến càng thấm thía khi các bậc cao nhân phương Bắc vẫn cho rằng Giao Châu phương Nam là đất rồng cuộn hổ ngồi, anh hùng hào kiệt đời nào cũng có quả không sai. Nay xem cách chúng vây thành diệt viện thủy bộ chỉnh tề, lại táo bạo đưa voi qua sông dàn trận đánh thẳng vào đại doanh quân Trần Bảo quả thế lực của chúng không phải tầm thường. Nếu không có nhiều tướng giỏi ba mũi giáp công, xuất kỳ bất ý phá vỡ từng trại khiến danh tướng họ Trần mạng vong nơi đất khách thì giặc cỏ chưa thể thủ thắng. Trong quân giặc cỏ không chỉ có tướng giỏi dũng mãnh thiện chiến mà viên chủ tướng Dương Đình Nghệ dụng binh như thần, thoắt ẩn thoắt hiện vô cùng khó lường. Binh lực của chúng đến tiếp ứng nhau miên man không dứt. Đội viện binh Phong Châu với viên mãnh tướng họ Kiều dùng binh cũng thủ đoạn lắm. Lấy quân ít công thành không nao núng, đội ngũ chỉnh tề, lâm trận quả cảm khiến lão gia tiến không được lui cũng không xong. Phía ngoài thành, đám dân chúng cứng đầu cứng cổ cam tâm tình nguyện gánh thóc gạo dắt trâu bò khiến giặc cỏ tinh thần càng hăng mà binh tướng trong thành dần dà lương thảo cạn kiệt, sức lực suy tàn, tinh thần rệu rã, không ai muốn cầm gươm giáo nữa. Có lẽ nào mạng của Lý Tiến ta lại giống với quan đô hộ sứ Cao Chính Bình ngày trước hay sao.
Mấy đêm gần đây, Lý Tiến toàn gặp ác mộng. Cứ nửa đêm, văng vẳng trong tiếng voi gầm ngựa hí, tiếng trống thúc bốn mặt thành âm i, như có tiếng những oan hồn về đòi mạng. Từ khi thay Lý Khắc Chính trị nhậm Giao Châu, chủ trì thành Đại La, Lý Tiến cho đám bộ hạ hành hình không biết bao nhiêu người. Tưởng cứ giết người là yên được lòng quân song Lý Tiến đã nhầm. Dân thành Đại La vốn hiền lành chất phác nhưng không thể đem cái chết mà khuất phục họ được. Có nhà bị giết sạch nhà kề bên vẫn không khuất phục Hán triều. Có làng bị đốt trụi làng kề bên vẫn rào giậu tre, vót chông nhọn, đắp lũy dày kháng chỉ chống lại quân Hán không hề biết sợ. Từ ngày Dương Đình Nghệ hưng binh vây chặt La thành, muôn dân các nơi càng không sợ quân Hán. Hễ binh tướng Hán ra khỏi thành dẫu đông đến vài chục lính đều bị quây đánh, đặt bẫy chông, đào hầm sập thương vong không ít. Càng ngày, thành Đại La càng trở nên trơ trọi. Trong thành, dân chúng trốn sạch chỉ còn đám quan văn bản sứ lấm lét và lũ lính Giao Châu buồn rầu ủ rũ. Nếu không có gần hai vạn binh tướng đem từ Hán triều sang, hẳn lũ quan văn và binh lính Giao Châu đã dâng thành cho Dương Đình Nghệ lâu rồi.
Sau khi đại thắng bến Giang Biên giết chết tướng Trần Bảo, truy đuổi tàn binh phương Bắc hơn mười dặm, Dương Đình Nghệ mệnh lệnh các tướng thu quân. Dương công kiểm điểm sĩ tốt thuyền bè, chỉnh đốn đội ngũ chia một nửa binh lính giao cho Ngô Quyền cùng Phạm Bạch Hổ dùng thuyền lớn qua sông về quân doanh, còn lại đích thân sai các tuỳ tướng cùng quân lính gom nhặt các tướng sĩ tử trận nhận rõ quê quán cho tế lễ, chôn cất tử tế.
Các vùng lân cận, muôn dân nghe tin Dương Đình Nghệ đại thắng kéo đến rất đông, còn dắt đến nhiều tù binh để Dương công định đoạt. Dương Đình Nghệ ân cần cảm ơn các vị hương thân phụ lão, phủ dụ đám tù binh rồi sai chúng gom nhặt binh lính Hán trận vong, sắp xếp lại thi thể, lấy nước sông gột rửa sạch sẽ. Theo nguyện vọng của hơn ngàn tù binh Hán muốn lập giàn thiêu xác các binh tướng tử trận, Dương công cho phép chúng tìm thi thể tướng Trần Bảo xếp vào chính giữa giàn thiêu để đích thân Dương công đến đọc lời tế.
Giàn thiêu xếp cao như một ngọn đồi ngay ven bờ Bắc sông Cái. Không khí âm u rờn rợn. Mặt nước sông sương khói bảng lảng buổi chiều nhập nhoạng. Gió sông hú lên từng chặp thê lương. Đám tù binh phương Bắc ủ rũ như gà mất mẹ đứng rúc vào nhau phía trước giàn thiêu. Nước mắt nam nhân nơi sa trường thiểu não rịn ra trên những khuôn mặt in dấu bàng hoàng vừa thoát nạn voi giày ngựa xéo. Mấy nghìn tù binh nhìn dòng sông u uẩn. Tiếng kèn tế rúc lên từng hồi dài. Từng hồi chuông u uất dội âm i trên mặt sóng.
Dương Đình Nghệ mặc giáp phục chỉnh tề cùng mấy tuỳ tướng bước đến trước giàn thiêu. Trên chiếc bàn lớn đã chuẩn bị sẵn hương hoa, bánh trái, tiền vàng theo phong tục người Hán, Dương công thong thả châm một bó hương cắm đều các bát rồi cất giọng đau buồn đọc bài tế trận vong.
Lời đọc vừa dứt, tiếng chuông tiếng mõ rộ lên từng tràng. Hơn chục tù binh Hán từng xuất thân cửa chùa không hiểu đã cạo tóc từ lúc nào cổ đeo tràng hạt, mình khoác trang phục nhà chùa, tay gõ mõ đi thành một vòng quanh giàn thiêu đọc kinh Phật siêu thoát các vong hồn tử trận. Lời kinh văng vẳng bi ai thống thiết trong tiếng sóng rờn rợn mặt sông. Những ánh đuốc được thắp lên chập chờn leo lét. Thoáng chốc, ngọn lửa giàn thiêu bốc lên lan khắp bốn mặt rồi lửa reo ầm ầm như tiếng thiên binh vạn mã. Khi Dương công rút về doanh trại cũng là lúc tiếng khóc tiếng than của hơn ngàn tù binh Hán quanh giàn thiêu đang cháy rừng rực càng lúc càng thống thiết hơn.
Sáng sớm hôm sau, Dương Đình Nghệ cho các tù binh lấy một phần tro cốt đem theo còn lại thả hết xuống dòng sông. Dương công thân úy lạo các tù binh đồng thời cấp cho năm ngày lương thảo, sai người dẫn đến tận nơi biên ải để chúng về nước, lại dùng lời lẽ xót thương để chúng về tâu với Hán đế sự bại trận của Trần Bảo chẳng qua là sơ suất chốn sa trường chứ thực tâm các hào trưởng, châu mục phương Nam nối đời đều muốn yên ổn làm ăn mà nhường nhịn các vua chúa phương Bắc.
Đám tù binh khóc lóc cảm tạ mãi không thôi rồi lạy tạ dắt nhau lên đường.
Khi đám tù binh khuất dạng nơi chân trời, Dương Đình Nghệ cho toàn quân cùng voi ngựa lên thuyền lớn sang sông.
Trong thành Đại La, lúc nửa đêm, Lý Tiến cho gọi Độc Toàn Chân vào đại điện.
Độc Toàn Chân hơn mười ngày ăn ngủ thất thường, tinh thần bấn loạn, vẻ mặt hốc hác nghe lệnh triệu của Lý Tiến lật đật cùng mấy tùy tướng vào đại điện.
Thấy viên tướng họ Độc đã xuống tinh thần, Lý Tiến vội trấn an:
– Độc tướng quân! Nay thành Đại La binh vây bốn mặt, Trần Bảo kia đã tử trận, đám tù binh được giặc cỏ trả về Hán triều là có ý mong ta đầu hàng trả đất trả thành cho chúng. Ta thân làm đại tướng, ngỡ tưởng xuống Giao Châu kiến công lập nghiệp cho Hán đế, ai ngờ trở thành bại tướng nơi phương Nam xa xôi này. Nếu ta toàn quân quyết chiến ngọc nát ngói tan cùng với La thành cũng chẳng vẻ vang gì, chẳng qua là lấy thêm mạng sống của hàng ngàn tướng sĩ mà thôi. Nay ta muốn được nghe cao ý của tướng quân, để vừa giữ được thanh danh của Hán triều vừa giữ được tính mạng cho ngàn người vô tội. Ý tướng quân thế nào?
Độc Toàn Chân rầu rĩ đáp:
– Mạt tướng quả cũng chẳng còn kế sách lòng dạ nào nữa. Giặc cỏ kia cứ như có trời phù hộ. Chúng càng đánh càng mạnh. Ta càng đánh càng chết tướng thua binh. Thắng thua giờ đã rõ. Thôi thì đất đai thành trì của chúng ta hãy tạm để cho chúng tự cai quản, mai kia chờ chúng chém giết tương tàn lẫn nhau mới có thể dùng kế mà chiếm lấy nước chúng. Chẳng hay chúa công định lặng lẽ bỏ thành về phương Bắc hay sao?
Lý Tiến cứng người trên chiếc ghế bọc da hổ đến nửa khắc mới dè dặt nói:
– Than ôi! Ta bao nhiêu năm nhận bổng lộc, làm quan tướng cho Hán triều, được Tể tướng Tô Chương hết lòng nói giúp xuống Giao Châu để Hán đế mở mang bờ cõi, những tưởng lập được chiến công để Tô Tể tướng dễ bề ăn nói trong triều, ai ngờ có ngày hôm nay. Ta trở về phương Bắc cũng chẳng mặt mũi nào nhìn Tể tướng được nữa. Nay ta trước là muốn cứu mạng các binh sĩ, sau là quyết kế mình ta mang tiếng xấu chịu nhục bỏ thành để Hán đế định tội ta mà không xuất binh xuống phương Nam nữa. Phương Nam những ngày tháng này, binh lính chúng thành thạo lão luyện, tướng soái chúng anh dũng quả đoán, tên Dương Đình Nghệ lại mưu mẹo như thần, Hán triều có xuất đại binh chăng nữa cũng chỉ là mang dầu chữa cháy mà thôi. Ta nay bỏ thành cũng là vì muốn giữ gìn nguồn binh lực cho Hán đế vậy.
Độc Toàn Chân thấy Lý Tiến nói rõ lợi hại càng thương họ Lý đời đời làm tướng soái bỗng chốc thân bại danh liệt nơi cô thành xa xôi phương Nam, bèn cảm động hỏi:
– Chúa công định đêm nay rời thành ư?
Lý Tiến đứng dậy đi lại một lát rồi quả quyết nói:
– Ý ta đã quyết, đợi sang canh ba, ta cùng bộ tướng Lý Phục và mấy người tâm phúc sẽ vượt sông trở về phương Bắc.
– Xin chúa công cho mạt tướng đi theo hầu. Ở thành Đại La, họ Độc chúng tôi sản nghiệp đã sung hết vào quân doanh, mạt tướng lại gây thù chuốc oán với đám quan lại bản xứ và muôn dân La thành, nếu ở lại sẽ không còn con đường sống.
Lý Tiến đặt tay lên đôi vai run rẩy của Độc Toàn Chân:
– Toàn Chân hiền đệ, ta những muốn mang vinh hoa phú quý, công trạng ghi sử sách cho gia tộc họ Độc, nào ngờ đã đẩy hiền đệ vào nơi cùng đường tuyệt lộ, ta hối hận lắm thay. Về Hán triều, ta sẽ liều chết viết biểu kể rõ công trạng của đệ ở Giao Châu, biết đâu Tể tướng Tô Chương thương tình dốc hết sản nghiệp của đệ mà tìm cách trọng dụng. Có như thế ta có sống chết gì mới thanh thản được.
Độc Toàn Chân rịn hai hàng nước mắt rồi mau chóng cùng đám gia nhân thu xếp hành trang canh ba theo Lý Tiến xuống thuyền sang bên kia sông.
Khi đã ngồi gọn trên chiếc thuyền buôn nhỏ chòng chành trên sóng nước ngược dòng sông, Lý Tiến trong trang phục lái buôn nằm trong lòng thuyền hai hàng nước mắt cứ rịn ra không dứt. Đường đường một đại tướng Hán triều đem binh hùng tướng mạnh xuống Giao Châu những tưởng gọi mưa hét gió ai ngờ chưa đầy ba tháng đã phải bỏ lính bỏ thành, bỏ cả ấn tín giữ lấy mạng sống trở về phương Bắc. Những mình Lý Tiến thà chết quách cho xong đỡ chịu nhục nhưng còn đại cục phương Nam phương Bắc của Hán đế không thể dễ dàng liều lĩnh như thế được. Nếu tử chiến đốt thành không chỉ mạng vong mà ân oán cừu hận giữa Hán triều và Giao Châu càng sâu đậm khó lường. Người phương Nam bọn chúng dẫu hiền hòa hiếu đễ nhưng hễ đem binh giáp xuống áp đặt xưa nay đều bại vong cả. Nay ta vì đại cục hủy hoại đi danh tiếng của mình cũng là để giặc cỏ kia tạm vào trị nhậm đất đai thành trì của chúng. Biết đâu chúng khôn ngoan xưng thần chịu phục càng tỏ rõ oai danh của Hán triều, ta đây cũng bớt đi mối nhục bỏ ấn tín nơi La thành nửa đêm giả lái buôn về Bắc. Dương Đình Nghệ kia là người nào sao hắn cáo già tinh khôn đến vậy? Hắn không cho binh tướng liều chết phá thành mà cứ siết dần sợi dây thòng lọng để ép ta vào con đường chết. Hắn lại tha bổng tù binh, lập dàn thiêu cúng tế đám binh sĩ người Hán trận vong khiến lòng quân càng rối. Họ Dương đã đưa ra thông điệp đuổi ta về nước ta còn mặt mũi nào tử chiến giữ thành. Với tài năng phách lược của họ Dương, việc y đứng đầu Giao Châu kiêm quản các vùng chỉ là điều trong sớm tối. Lẽ ra, Hán triều phải sớm lấy việc phủ dụ làm đầu, tiên lễ hậu binh mới có thể cai quản lâu dài phương Nam được. Cái thói đánh giết luôn lấy thịt đè người của người phương Bắc không phải ở đâu cũng hữu dụng thì việc thua binh bại tướng như ta cũng là lẽ thường trong sử sách mà thôi.
Càng nghĩ, Lý Tiến càng khâm phục Dương Đình Nghệ, khâm phục các tinh binh mãnh tướng Ái Châu, Đằng Châu, Phong Châu mà cho rằng việc thảm bại của mình có căn cốt từ sâu xa vậy. Họ Lý nhổm người rồi nhắc mấy viên tùy tướng cứ bình tâm chèo thuyền ra giữa dòng sông ngược về phương Bắc. Đã bỏ lại ấn tín, chỉ mang theo dăm bảy cận thần nửa đêm trốn về phương Bắc binh tướng họ Dương cũng chẳng đuổi theo làm gì. Đó cũng là cái lẽ cao cường của kẻ thắng trận và cái mưu cuối cùng của kẻ bại trận mà thôi. Đạo lý này người đời sau sẽ thể tất cho ta vậy.
Sau khi cho quân rút hết sang sông trở về quân doanh, Dương Đình Nghệ hạ lệnh cho toàn quân nghỉ ngơi ba ngày. Dương công lại cho người báo tin để Kiều Công Tiễn thôi không đánh cửa Bắc thành Đại La nữa. Dương công một mặt cho người đem các tướng sĩ tử trận trở về quê quán cúng tế, ghi công rất cẩn thận. Người lại cho các tùy tướng đến các vùng lân cận xung quanh thành Đại La thông báo tin thắng trận đồng thời mời gọi muôn dân về làng xóm cũ trồng cấy, canh cửi, khôi phục các nghề cũ không được dứt. Làng trên xóm dưới nghe tin quân Hán bại trận ai cũng vui mừng trở về thôn ấp an cư lạc nghiệp.
Công việc tạm yên, các tướng sĩ, ngay cả Ngô Quyền và Phạm Bạch Hổ không hiểu sao Dương công không lập tức hạ lệnh phá thành Đại La, còn đang thắc mắc trong lòng được tin triệu đến trướng hổ, các tướng mau chóng tề tựu đông đủ. Kiều Công Tiễn cũng được Dương công cho người dùng thuyền nhẹ mời đến nghị sự.
Khi các tướng đã ổn định, Dương công nghiêm trang nói:
– Luôn mấy ngày binh sĩ nghỉ ngơi chắc các tướng đều trách ta không mau hạ lệnh phá thành bắt Lý Tiến, giết lũ Hán gian để tế Khúc chúa phải không. Ta cùng các tướng, ai chẳng mong lớn vào La thành an định tình hình giúp dân chúng theo về nghề cũ. Nay quân ta, xét ra chưa đầy ba tháng đã phải liên tiếp ba lần đại chiến với địch mạnh. Dẫu kẻ kia đại bại ta cũng thương vong không ít đâu. Nên ta quyết dành mấy ngày để vừa ngơi nghỉ sức quân vừa đưa tướng sĩ trận vong về quê hương bản quán. Người lính lúc ra đi đầu xanh tuổi trẻ mẹ già con dại ngóng trông nay trở về chỉ là tro cốt và một bát hương thơm ta đâu lỡ ham công để tốn máu xương sĩ tốt. Ta chưa vội đánh thành vì chỉ muốn Lý Tiến kia thấy được lẽ mất còn mà dâng thành, ta cũng tha cho y về phương Bắc. Theo phán đoán của ta, Lý Tiến, Độc Toàn Chân cùng đám tâm phúc của y đã bỏ trốn về phương Bắc từ mấy hôm nay rồi. Nay ta triệu các tướng đến để tính cách vào thành yên ổn quan lại, binh lính, dân chúng mới là kế vẹn toàn vậy.
Các tướng nghe Dương Đình Nghệ nói xong, ai nấy nhìn nhau vừa bàn tán vừa trầm trồ trước cao kiến của Dương công. Luôn mấy ngày cho binh sĩ nghỉ ngơi tuyệt đối không khiêu chiến chính là kế bức Lý Tiến bỏ ấn tín rời La thành của Dương Đình Nghệ. Mới thấy rằng, việc dụng binh cốt ở cơ mưu nơi màn trướng chứ không phải riêng việc chém giết trên sa trường. Các tướng đều hiểu rõ trong thành Lý Tiến còn gần hai vạn binh mã nếu chúng tử chiến ngọc nát cùng tan quân ta thiệt mạng cũng không nhỏ. Nay Lý Tiến đã cam tâm tình nguyện bỏ thành về phương Bắc thì việc bắt đám hàng tướng vừa không tốn máu xương vừa không kinh động Hán triều khiến chiến tranh liên miên không dứt. Các tướng đều thầm phục đại kế cũng là lòng đại lượng của Dương công.
Kiều Công Tiễn bước ra thưa:
– Bẩm Dương công! Thưa các vị tướng quân! Khi mạt tướng được tin Dương công đại thắng bến Giang Biên, giết chết Trần Bảo lại thả tù binh về phương Bắc, mạt tướng đã nghĩ thế nào Dương công cũng cho ngưng chiến để bức hàng. Nay tình thế đúng như Dương công dự liệu quả là phúc của người phương Nam chúng ta bớt được một trận ác chiến nơi thành quách của mình. Mạt tướng xin Dương công để thêm vài ngày hãy bắc loa gọi hàng để bọn giặc trong thành càng sợ hãi không đánh mà tan. Lại cho nới lỏng vòng vây để quân binh trong thành kẻ nào trốn ra ngoài được đều tha chết. Chắc chỉ vài hôm chúng tất loạn mà dâng thành.
Kiều Công Tiễn vừa dứt lời, Phạm Bạch Hổ liền đứng ra nói:
– Bẩm Dương công! Ý của Kiều tướng quân rất đúng. Mạt tướng cũng đoán chắc Lý Tiến đã rời thành tất binh tướng Đại La chỉ muốn hàng để giữ tính mạng. Nay ta hãy thư thả cho chúng vài ngày cũng là để sắp xếp khi binh ta tiến vào phải có đội ngũ kỷ cương nghiêm minh. Các tướng đều muốn suy tôn Dương công vào làm chủ thành Đại La, kính cáo trời đất, tổ tiên, thuận theo lễ nghĩa lên giữ ngôi cao để an định muôn dân mới là kế vẹn toàn.
Phạm Bạch Hổ còn chưa nói xong, Dương Đình Nghệ đã điềm đạm nói:
– Việc thư thả vào thành ta thuận theo ý của các tướng, còn như việc giữ ngôi cao không thể Dương mỗ này tự tiện làm được. Đợi khi vào thành, ta sẽ cho mời Phạm công đất Đằng Châu, Kiều công đất Phong Châu, huynh trưởng Ngô Mân ở Đường Lâm đến cùng thương nghị mới được. Người phương Nam chúng ta phải có lễ nghĩa trên dưới rõ ràng mới sâu gốc bền rễ để chống nhau với giặc Bắc.
Các tướng nghe như nuốt lấy từng lời rồi nhất nhất theo sự điều tiết của Dương Đình Nghệ ai về trại nấy chuẩn bị cho việc vào tiếp quản Đại La thành.
Đây nói tiếp chuyện ở trong thành Đại La.
Sau đêm Lý Tiến cùng Độc Toàn Chân dùng thuyền nhẹ nửa đêm ngược dòng sông Cái về phương Bắc biệt dạng, ngôi đại điện chỉ còn mấy viên tuỳ tướng cùng đám quan văn suốt ngày hôm sau ngơ ngác nhưng không dám vào trong soái phủ tìm Lý Tiến mà chỉ quanh quẩn đôn đốc vòng ngoài.
Mãi đến chiều tối, có viên quan văn là Phạm Bang người gốc Đằng Châu vốn có cha trước đây theo hầu Khúc Hạo trong lòng nghi hoặc mới mạnh dạn vào đại điện dò xét tình hình. Khi nghe mấy viên tùy tướng thông báo từ sáng không thấy chúa công gọi sai bảo, lại không thấy tổng quản Độc Toàn Chân đến soái phủ, còn chưa biết tình hình ra sao. Xưa nay trong soái phủ có việc gì đều phải có bộ tướng của Lý Tiến ra truyền mệnh, đám tùy tướng ở ngoài cứ thế tuân theo chứ tuyệt đối không được xông vào soái phủ.
Phạm Bang nghe rõ đầu đuôi câu chuyện mới mạnh dạn nói:
– Có lẽ chúa công có điều gì phải mật nghị với tổng quản chăng? Ta không dám đoán bừa nhưng nếu đến sáng mai chúa công chưa cho gọi các tướng hãy thông báo cho đám quan văn chúng ta cần vào thỉnh thị xin ý chỉ về việc chuyển gỗ đá lên mặt thành phòng giặc mới được.
Phạm Bang lòng nghi hoặc đi ra gọi các quan văn xì xào bàn tán mãi không thôi.
Đám tùy tướng cũng chỉ biết đi đi lại lại canh gác ngôi đại điện chứ tuyệt không dám xông vào trong soái phủ vẫn đang im lặng như tờ. Chiếc bàn gỗ lớn phía trên là tấu chương ấn tín vẫn để nghiêm ngắn đầy ăm ắp. Phía sau chiếc ghế bọc da hổ uy nghi, hai thanh kiếm bắt chéo nhau nghiêm trang trên giá gỗ người ngoài nhìn vào tưởng như Lý đại nhân đang mật nghị trong phòng cùng Độc Toàn Chân.
Sáng bạch hôm sau, Phạm Bang dẫn hơn hai chục quan văn cùng mấy viên tiểu tướng gác cổng thành vào đại điện xin gặp ngài thứ sử định liệu việc quân vẫn chỉ thấy mấy viên tiểu tướng ngơ ngác nơi sảnh ngoài.
Phạm Bang mạnh dạn đứng ra nói:
– Nay việc đã gấp rồi, ta đành cùng các quan tướng vào trong soái phủ bẩm báo với chúa công địch tình bốn phía. Nếu có gì phạm thượng ta xin cam lòng chịu tội.
Nói đoạn, Phạm Bang dẫn đầu mấy viên tiểu tướng và đám quan văn tiến thẳng vào trong soái phủ.
Bước đến trước chiếc bàn gỗ lớn nhìn thấy ấn tín nghiêm trang, các tấu chương ăm ắp chưa được phê duyệt, Phạm Bang chợt giật mình nhìn chiếc ghế trống trơn phía sau phòng nghỉ của Lý đại nhân cửa đóng im ỉm bèn mạnh dạn cùng mọi người tiến vào đẩy mạnh cánh cửa. Hai tấm cửa gỗ lim nặng chịch từ từ mở ra cũng là lúc mọi người ngơ ngác nhìn nhau. Trên chiếc giường thất bảo sang quý chạm trổ rồng phượng uy nghi không một bóng người chỉ đôi gối thêu rồng nghiêm ngắn.
Đám Phạm Bang nhìn quanh trong phòng chỉ thấy vắng ngắt, sách vở nghiêm ngắn trên bàn gỗ, mấy bức tranh quý sạch bóng im lặng trên tường, tiếng con thạch sùng chậc lưỡi nơi góc nhà càng khiến gian nhà trở nên tịch mịch.
Phạm Bang bất giác kêu lớn:
– Chúa công đã rời thành về phương Bắc rồi!
Đám người từ ngơ ngác dần trở sang sợ sệt nhìn nhau. Ai cũng nghĩ đến cảnh bên ngoài bốn mặt binh tướng các châu quận đang vây chặt La thành, bên trong Lý đại nhân cùng các cận thần đã sớm trốn về phương Bắc. Mọi người bất giác nhìn nhau không ai dám nói một lời.
Khi đám người lục tục kéo ra đại điện Phạm Bang mới rầu rĩ nói:
– Chúa công nửa đêm rời thành không thông báo với quan tướng lấy một lời, bây giờ bọn ta biết chống giữ ra sao?
Một viên tùy tướng bước ra nói:
– Mấy vạn tinh binh mãnh tướng của Trần Bảo còn vong mạng đất Giang Biên, chúng ta quân binh rệu rã, lương thảo cạn kiệt, chúa công lại bỏ thành mất dạng, nay chỉ còn nước chết mà thôi.
Một viên tiểu tướng chuyên công việc giữ cổng thành tiến ra bàn:
– Hôm trước ta nghe nói, chủ tướng Dương Đình Nghệ còn cấp thóc gạo cho binh Hán về phương Bắc, lại tế lễ kẻ trận vong chu đáo lắm. Nay chúng ta thành tâm ra hàng tất Dương công không nỡ giết đâu. Xưa nay, người phương Nam chưa bao giờ tuyệt đường người phương Bắc đã đầu hàng.
Đám quan văn và mấy viên tiểu tướng xôn xao bàn tán. Đã có người lặng lẽ cáo lui thay trang phục trốn ra khỏi ngôi đại điện. Mấy viên võ tướng có kẻ đã cởi giáp mặc thường phục đi lẫn hút nơi mấy tòa nhà kho phía cửa Đông. Ngôi đại điện sau lúc đám người bàn tán xì xầm chỉ thoáng chốc đã trở nên vắng ngắt.
Đúng như đã hẹn với các tướng, năm ngày sau, Dương Đình Nghệ nhất tề cho quân tiến vào bốn mặt thành. Luôn mấy hôm trước, sau khi biết chắc Lý Tiến cùng Độc Toàn Chân đã nửa đêm bỏ ấn tín trốn về phương Bắc, đám binh lính trong thành bỏ trốn rất nhiều. Không kể là binh lính người Giao Châu hay người Hán hễ trốn được là chúng trèo qua thành bỏ trốn. Nhiều toán lính kiếm được thuyền nhỏ trà trộn vào đám lái buôn phương Bắc rời khỏi thành. Theo mệnh lệnh của Dương công, các cổng thành, các khu tường thành đều để lỏng lẻo mặc cho chúng trốn. Đám tùy tướng và quan văn trong thành ai nấy biết trước cơ sự mất thành nên không còn hống hách như trước. Chúng cũng không dám đốt phá cướp bóc gì bởi còn lo giữ an toàn tính mạng. Thành Đại La bên ngoài phẳng lặng nhưng bên trong ẩn chứa những sợ hãi, đồn đoán, trốn tránh ngổn ngang trăm mối trước ngày binh tướng của Dương Đình Nghệ nhập thành.
Khi tiếng loa truyền đọc gọi binh lính trong La thành cởi bỏ gươm giáp, xếp thành đội ngũ, cử các quan văn ra bốn phía cổng thành nghênh đón binh tướng của Dương Đình Nghệ vang lên cũng là lúc trong toàn thành Đại La tiếng chân người chạy rầm rập, tiếng kèn tập hợp đội ngũ, tiếng xì xầm, ồ à vang lên các doanh trại bốn góc thành. Luôn mấy hôm, binh lính bản xứ đã bỏ trốn sạch cả kéo theo hàng ngàn binh lính Hán khiến trong thành bây giờ còn chưa đầy vạn binh mã. Theo chủ kiến của Phạm Bang bàn với mấy viên tướng giữ thành, dãy chuồng ngựa đã được các quản ngựa đóng niêm phong chờ giao nhận. Binh lính đã cởi bỏ áo giáp gươm đao đưa vào các kho khóa lại. Ai cũng mong giữ được mạng sống nên không ai dám cầm một tấc sắt trong người. Binh lính Hán đều biết không phải là đối thủ của tướng lĩnh Dương công. Sau mấy trận chiến bị voi giày ngựa xéo, đám lính Hán hễ nhác trông thấy voi là hồn bay phách tán. Biết trước sự tình của binh tướng Hán, Dương Đình Nghệ hạ mệnh lệnh toàn quân không được đưa voi chiến vào thành. Trên lưng ngựa nơi cổng chính phía Nam, Dương Đình Nghệ mình bận phẩm phục đại quan, lưng thắt đai ngọc xanh, đầu đội khăn nhiễu tím, chân đi hài tía thêu phượng thong thả tiến bước. Hai bên là hai vị tướng giáp trụ sáng ngời oai phong lẫm liệt, đầu đội mũ đâu mâu khảm bạc, lưng đeo trường kiếm thắt đai xanh. Phía sau là sáu hàng kỵ binh giáp trụ sáng ngời tiến thẳng vào đại điện.
Nơi cổng Bắc thành, cánh cổng kiên cố nhất của Đại La thành đã mở toang, đại đội binh mã Phong Châu lẫm liệt kéo vào. Đi đầu là chủ tướng Kiều Công Tiễn giáp phục gọn ghẽ, đầu đội mũ đâu mâu đính ngọc, lưng đeo thanh bảo kiếm gia truyền cùng chúng tướng chia thành năm hàng người ngựa hùng dũng tiến vào. Ở các cổng phía Đông và phía Tây đều có những vị tướng quân mang giáp trụ, binh lính chỉnh tề thẳng tiến vào trong xếp thành đội ngũ nghiêm trang.
Dương Đình Nghệ xuống ngựa cùng các tướng bước thẳng vào ngôi đại điện thành Đại La. Đại điện gần như vắng lặng. Mãi tít nơi góc điện, chỉ thưa thớt đám quan văn đang sợ sệt đùn đẩy lẫn nhau. Phía sân ngoài, binh lính Hán mặc thường phục đi chân không xếp thành đội ngũ, phía trước mấy viên tiểu tướng tự trói mình quỳ xuống đất roi đặt ngang lưng có ý xin chịu tội. Dương công cùng chúng tướng bước vào trong đại điện thấy trên bàn gỗ lớn ấn tín còn nguyên đó, những là sổ sách tấu trình vẫn ngay ngắn trên bàn. Chiếc ghế bọc da hổ nơi Lý Tiến thường ngồi điều hành chính sự dường như vẫn còn ấm hơi người.
Dương Đình Nghệ quay lại bảo các tướng:
– Binh tướng ta nay đã vào được thành Đại La mà không phải đổ máu quả là hồng phúc của nòi giống, phúc trạch của muôn nhà. Các tướng hãy mau chóng yên ổn binh sĩ, vỗ về nhân dân. Phàm là binh lính Hán đã đầu hàng tuyệt đối không được giết mà phiên thành đội ngũ mai kia trả chúng về phương Bắc. Đám quan văn người nào có lòng ở lại các ngươi cũng phải thực bụng tin dùng. Các kho tàng trong thành kê biên cho đủ. Thóc gạo tiền bạc hãy đem phát một phần an ủi muôn dân. Đoàn Thành, ta phiền tiên sinh sớm soạn thư mời tới Kiều công ở Phong Châu, Phạm công ở Đằng Châu và Ngô huynh ở Đường Lâm sớm tới cùng ta bàn việc lớn. Binh tướng các châu, sau khi ổn định La thành hãy chia nhau ra ngoài hạ trại để yên ổn nhân tâm. Phạm Bạch Hổ hãy mau sửa soạn đội thủy binh đóng bến Giang Biên không được xâm phạm các thương thuyền làm ăn vào ra chốn kinh thành. Phàm người phương Bắc phương Nam, miền xuôi miền ngược, miền biển miền đồi ra vào làm ăn thuỷ bộ đều mau chóng thông thương. Binh lính Hán triều giả làm thương khách trốn về cứ để mặc họ, ta càng đỡ mang tiếng bắt đến vạn tù binh gây kinh động Hán triều. Mọi việc lễ nghĩa khác, đợi khi các vị huynh trưởng đến sẽ lại bàn định sau.
Các tướng nghe xong ai vào việc nấy. Thành Đại La một ngày thay chủ long trời lở đất mà tuyệt nhiên không hề có tiếng binh đao đầu rơi máu chảy quả là cổ kim chưa từng thấy vậy.
Ngay buổi trưa hôm đó, Dương Đình Nghệ cho khao thưởng ba quân tướng sĩ trong thành Đại La. Do được chuẩn bị từ mấy hôm trước, mọi việc rượu thịt bánh trái phục dịch đều rất chu tất. Quân nào đội nấy vừa nghiêm trang tề chỉnh vừa phấn chấn vui tươi. Dương công lại cho mời mấy chục bô lão trong thành đến đại điện dự tiệc khao quân. Ngay như đám hàng tướng hàng binh Hán cũng được ăn uống tử tế rồi cho rời thành ra nơi bãi sông đóng trại dưới sự trông giữ nghiêm ngặt của quân Phong Châu đợi ngày về phương Bắc.
Tin Dương Đình Nghệ cùng binh tướng Ái Châu, Đằng Châu, Phong Châu đại thắng quân Hán, giết chết Trần Bảo tại bến Giang Biên khiến thứ sử Lý Tiến nửa đêm bỏ ấn tín rời khỏi thành Đại La, tiếp đó Dương công cùng ba quân tiến vào thành yên ổn nhân dân, giữ nguyên kho tàng, lại cho ngót vạn tù binh về phương Bắc gây chấn động các vùng châu quận, sách động toàn cõi An Nam.
Khắp nơi, muôn dân nô nức giết trâu ngựa, treo đèn kết hoa mở hội ăn mừng. Người An Nam xưa kia là các vùng đất thuộc các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam kéo dài hàng ngàn dặm đã nhiều lần đánh đuổi giặc phương Bắc đứng lên tự chủ. Từ thời thượng cổ, mười tám đời vua Hùng Vương đã tự chủ xưng vương dựng quốc đô ở vùng đất Phong Châu. Tiếp đó, đến thời An Dương Vương, Trưng Nữ Vương đều đánh giặc lập nước truyền đến mai sau. Đến ngày Lý Nam Đế đánh đuổi giặc Lương nối nền độc lập, dựng nước Vạn Xuân xây chùa Trấn Quốc càng khẳng định phương Nam là có chủ. Tiếp đến Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng đều xưng vương lập quốc phân biệt rõ phong tục Bắc – Nam. Tiếp đó họ Khúc mấy đời làm chúa Giao Châu. Tuy một mặt vẫn nối thông triều cống các hoàng đế phương Bắc, song mọi sự trị nhậm đều do người phương Nam tự kiêm quản. Mối giềng đã định, ân đức các anh hùng hào kiệt An Nam thảy đều sáng rõ. Nay Dương Đình Nghệ có công đuổi giặc Hán, rửa nhục cho họ Khúc, lại lấy sự khoan dung độ lượng làm đầu, quả là có phong độ của bậc chân chúa khiến các vị hào trưởng, tướng lĩnh, phụ lão hương thân các vùng đều tín phục.
Dương công vào thành Đại La vỗ về dân chúng, ổn định hai ban văn võ rất quy củ, lại chưa dám tự mình ở ngôi cao còn cho mời các nha tướng cũ của họ Khúc, hào kiệt bốn phương về bàn việc lớn quả là người biết nhún nhường. Khắp trong thành ngoài nội đều nhất nhất cảm kích ơn đức của Dương công, mong muốn ngài nối theo họ Khúc trị nhậm An Nam để muôn dân hưởng thái bình. Đến như các hào trưởng lớn đều đã sớm có ý suy tôn Dương Đình Nghệ lên ngôi cao, yên dân mở đất để người phương Nam cường thịnh khỏi thẹn với nòi giống tổ tông.
Luôn mấy hôm đón tiếp các đoàn hương thân phụ lão các vùng Cổ Loa, Chu Diên, Đường Lâm, Cổ Pháp, Siêu Loại, Hồng Châu, Phong Châu, Đằng Châu, Ái Châu, Hoan Châu… đến chúc mừng, các tướng Phạm Bạch Hổ, Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Đoàn Thành, Phạm Bang… ân cần đưa các bậc lão trượng đến dâng hương chùa Trấn Quốc, sắm sửa lễ bái vọng nơi thờ tự các vị vua người An Nam thủa trước. Các bô lão ai cũng trầm trồ khen tài đức của Dương công và sự uy nghiêm của các tướng.
Từ Phong Châu, Kiều công dắt theo mười bảy vị bô lão xuống thành Đại La. Kiều công vừa đi vừa ngắm phong cảnh núi non đường sá rất tâm đắc. Khi nhận tin binh tướng Phong Châu vào thành mà không phải giao tranh, Kiều công mừng lắm. Ông lập tức cho mời các bô lão đức cao vọng trọng ở Phong Châu cùng với mình xuống thành Đại La. Mới đến cửa Bắc thành, còn đang ngắm nghía hào nước rộng đến bảy tám trượng nối thông ra đầm Sương Mù cảnh sắc thư thái như không hề xảy ra nạn binh đao đã thấy trong thành, một toán người khôi giáp chỉnh tề, người đi đầu chính là Dương Đình Nghệ bận nhung phục xanh, đầu chít khăn nhiễu tía, chân đi hia thêu phượng ra tận cổng nghênh đón tươi cười thi lễ nói:
– Tại hạ Dương Đình Nghệ xin khấu chào Kiều công vạn an. Luôn mấy tuần nay, tại hạ mong Kiều công xuống La thành chỉ giáo cho tại hạ.
Kiều công thấy Dương Đình Nghệ lâu ngày không gặp giờ tuổi tác đã lớn nhưng phong độ khí phách còn có vẻ hơn xưa, lời nói ôn hòa khiêm nhượng, bèn thủ lễ đáp:
– Dương công thật là bậc anh hùng không quản dầu sôi biển lửa, đem binh xông vào nơi tên đạn đuổi giặc mạnh lập huân công, rửa nhục cho Khúc chúa, đề cao chí khí anh hùng của người phương Nam chúng ta khiến đại tướng Trần Bảo trận vong, tổng quản Lý Tiến cởi bỏ ấn tín về Bắc quả là xưa nay hiếm vậy.
Lời Kiều công còn chưa dứt, phía cổng thành lại có hơn chục bô lão râu tóc trắng như cước, quần chùng áo dài trang nghiêm, đầu chít khăn nhiễu đỏ, lưng thắt đai thiên lý xanh đĩnh đạc bước vào. Đi đầu là một tráng niên đầu tóc hoa râm cao lớn đường bệ dáng đi thong thả khoan thai tiến tới thủ lễ chào:
– Tại hạ nơi Đằng Châu xa xôi nay mới kịp đến chúc mừng Dương công, chúc mừng Kiều công sớm đuổi tan giặc Bắc để muôn dân có buổi thái bình.
Dương Đình Nghệ vội tiến đến vái chào vị khách:
– Tại hạ xin cảm tạ Phạm công. Không ngờ bao năm nay gặp mặt Phạm công vẫn hùng tráng như xưa. Cũng may nhờ linh khí của trời đất non sông, oai dũng của các tướng sĩ Đằng Châu, Phong Châu, tại hạ mới sớm đuổi được lũ giặc về Bắc. Tại hạ đêm ngày mong các vị xuống Đại La thành chỉ giáo đại cục cho. Nay gặp mặt thật là vạn hạnh.
Lời còn chưa dứt, nơi cổng thành lại tiến vào một đoàn bô lão dẫn đầu là vị lão trượng khí mạo oai phong râu dài chấm ngực từ xa đã vang lên tiếng nói như chuông:
– Các vị huynh trưởng, hào trưởng khí thế thật anh hùng! Lão hủ đây nay già rồi, già thật rồi.
Dương Đình Nghệ, Kiều công, Phạm công bất giác nhìn ra thấy rõ ràng là Ngô Mân lão trượng châu mục châu Đường Lâm đã mười mấy năm không gặp vẫn tính khí như xưa bèn đều tiến bước đến thủ lễ:
– Ngô châu mục mới quả thực là bậc tiên phong đạo cốt. Nghe nói châu Đường Lâm thóc lúa chật bồ, trâu bò dê ngựa vô số, muôn dân thái bình ngày không phải đóng cửa, đêm chẳng phải cài then. Người Đường Lâm bao nhiêu năm nay chỉ biết tới Ngô huynh chứ không biết đến Đường triều Hán đế thế nào. Xin bái phục! Xin bái phục!
Ngô Mân tươi cười nắm tay Kiều công nói:
– Kiều huynh mới thật là bậc tiên hiền, đất Phong Châu mới là vùng đất rồng chầu hổ phục. Thành Phong Châu xưa kia là quốc đô của người An Nam chúng ta nào có kém gì Đại La thành đâu. Nghe nói Kiều công tử văn võ song toàn dẫn binh lập công vang danh khiến quân Hán nghe đến đã khiếp vía đi rồi.
Kiều công vội đỡ lời nói:
– Ngô huynh quá khen Kiều mỗ rồi! Trong công cuộc đánh đuổi lũ Hán tặc về nước, đại chiến Giang Biên, dẫn đầu toàn quân quyết chiến phá thành đốt trại, chém tướng chặt cờ lập đại công phải là tướng Ngô Quyền – công tử trưởng của Ngô huynh mới là bậc kỳ tài trong thiên hạ.
Nói đến đó, lại thấy Phạm công tiến tới phía trước Ngô Mân xá tay chúc mừng:
– Huynh trưởng! Tiểu đệ xin chúc mừng Ngô huynh có được vị tướng trời ban. Luôn mấy trận đại phá quân Hán, Ngô công tử anh dũng quả đoán, mưu lược tài tình đã lập đại công lớn. Tiểu đệ đây thật ngưỡng mộ oai danh thần tướng của Ngô Quyền.
Vừa nói, các vị hào trưởng, châu mục vừa bước vào đại điện đã được treo đèn kết hoa rực rỡ. Dương Đình Nghệ toan cho khiêng bỏ chiếc bàn lớn và chiếc ghế bọc da hổ nơi chính điện đã thấy Ngô Mân tiến ra nói:
– Người An Nam chúng ta dẫu lấy lễ nghĩa làm đầu nhưng nơi đại điện vẫn cần phải phân phong chủ khách mới vẹn toàn sau trước được. Nay xin mời Dương công ngồi vào ghế chủ trì cho.
Kiều công và Phạm công đồng thời lên tiếng:
– Xin kính mời Dương công vào ghế chủ trì để chúng ta cùng bàn việc nước.
Dương Đình Nghệ mấy lần từ chối song các bậc lão trượng nhất quyết không chịu tiến tới dìu Dương công vào ghế lớn rồi chia ra hai bên ngồi xuống trang nghiêm.
Trong ngôi đại điện hương trầm phảng phất, bảy mươi bảy cụ bô lão từ khắp các vùng Hoan Châu, Ái Châu, Phong Châu, Đằng Châu, Cổ Loa, Chu Diên, Đường Lâm, Cổ Pháp, Siêu Loại, Hồng Châu nghiêm ngắn lắng nghe Dương công thay mặt các tướng sĩ thuật lại toàn bộ quá trình xuất binh đánh đuổi quân Hán về nước.
Dương Đình Nghệ nói đến đâu, các bậc trưởng lão mặt mũi phấn chấn rạng ngời đến đấy. Mỗi khi có được huân công đuổi lũ giặc phương Bắc, người An Nam thảy đều mừng rỡ, ai cũng mong sớm có ngày tự làm chủ đất đai tiên tổ của mình.
Nơi đại điện, cuộc họp bàn định luận công trạng cho các tướng sĩ vô cùng sôi nổi. Chúng tướng cùng các vị hào trưởng, châu mục, lão trượng đều thống nhất suy tôn Dương Đình Nghệ đứng công đầu trong công cuộc đại thắng. Mọi người đều suy tôn Dương công lên kiêm quản thành Đại La và các vùng đất thuộc An Nam. Dương Đình Nghệ mấy lần từ chối đều không được bèn tạm theo ý chúng tướng làm chủ thành Đại La. Dương công lại cho các hào trưởng, châu mục tự cai quản các vùng đất cũ của mình mà không phải phu phen thuế khóa để muôn dân khỏi lầm than. Các châu mục, hào trưởng cùng nhau kết giao, uống máu ăn thề, hứa kết thông gia, lại bàn chuyện trao đổi sản vật, thóc gạo, voi ngựa, trâu bò, sắt muối để cùng muôn dân cường thịnh kíp phò tá Dương công trị nhậm nơi Đại La thành. Gần một tuần trăng, các châu mục, hào trưởng, lão trượng đi thăm thú kết giao trên bến dưới thuyền vui vẻ, dâng hương đền miếu vô cùng trang nghiêm thành kính.
Thành Đại La luôn cả tháng trời vui vẻ nhộn nhịp, phố phường tấp nập. Chưa bao giờ người khắp xứ lại toàn là những bậc tinh hoa đáng kính chung vui góp mặt đông đủ nơi kinh thành như thế. Âu cũng là phúc lớn của người xứ An Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét