Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Bên sông, thành phố trẻ

Bên sông, thành phố trẻ

Tôi chào đời bên hữu ngạn dòng Lam. Hơn 40 năm trong quân ngũ, dù ra Bắc hay vào Nam, đi tới đâu tôi cũng mê đắm những dòng sông, từ Hồng Hà đỏ nặng phù sa, sông Mã hùng vĩ ở xứ Thanh, đến Hương giang êm đềm xứ Huế; rong ruổi trẩy xuôi về phương Nam qua sông Tiền, sông Hậu, cho tới sông Ông Đốc ở tận chót cùng đất nước. Mỗi khi có dịp “cận giang”, tôi thường lặng người ngắm miên man dòng chảy. Và giờ đây, nhà tôi ở ngay bờ sông Sài Gòn, có lẽ đó là chút cơ duyên…
Sau nhiều năm là cư dân ở một phường thuộc địa đầu quận Thủ Đức trước kia và nay là thành phố Thủ Đức, dẫu nhà ở cạnh bến sông nhưng thú thực, tôi chưa một lần được di chuyển bằng đường thủy. Thế nên, khi hay tin có chương trình sẽ có một chuyến đưa anh em văn nghệ xuôi ngược sông Sài Gòn thì háo hức lắm. Cả đoàn hối hả tụ về bến Bạch Đằng, ngay phía trước tượng Đức Thánh Trần uy nghiêm. Ngay bờ bên kia đã là địa phận của Thủ Đức rồi…
Đây là nơi mà hơn nửa thế kỷ trước, để trả thù cho chiến sĩ biệt động Trần Văn Đang vừa bị xử tử hình, đêm 23-6-1965, hai chiến đấu viên của Đội biệt động 67 (Đoàn F100) táo bạo dùng mìn ĐH 10 tập kích Nhà hàng nổi Mỹ Cảnh neo đậu tại bến thuyền, giáng một đòn trừng phạt khiến cho kẻ địch choáng váng. Giờ đây, nhà hàng Mỹ Cảnh không còn nữa, dấu tích chiến trận cũng đã lùi sâu vào dĩ vãng. Bến Bạch Đằng là một bến thuyền thanh bình, yên ả, thu hút du khách thập phương lui tới vãn cảnh trên sông.
Tàu chưa kịp rời bến, trời đã thử lòng người bằng một trận mưa tầm tã. Ngó qua cửa kính, mưa giăng giăng khiến cho cả không gian xám xạm, ướt át, tầm nhìn rất bị hạn chế. Từ trên cao ngắm nhìn sông Sài Gòn uốn lượn nom tựa như chiếc đãy khổng lồ của một vị thương gia, vừa mềm như lụa, lại vừa rất đỗi rủng rỉnh, hào phóng. Những người rành rẽ địa danh liên tục nhòm ra bên ngoài, thi thoảng lại nhắc, đến cửa sông Soài Rạp rồi nhé. Ai đó khe khẽ đọc: “Nhà Bè nước chảy chia hai. Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”, cảm như ngược dòng lịch sử lên tận thời gian mà các bậc tiền nhân bạt lau lách mở cõi phương Nam.
Các cựu đặc công Đoàn 10 từng kể với tôi rằng đứng ở chỗ dòng chảy chia hai này, nơi hợp lưu của các con sông Nhà Bè, Lòng Tàu, Soài Rạp, Sài Gòn, nhìn lên hướng đông bắc là xứ “cọp Biên Hòa”, còn ngoảnh về phía đông nam là xứ “ma rừng Sác”, nơi bạt ngàn cây dừa nước, lá xanh óng hiên ngang. Nhìn từng giề lục bình xanh mướt lững lờ trôi trên sông, chợt nhớ và nghĩ về địa bàn tác chiến của đặc công Rừng Sác anh hùng thời đánh Mỹ. Những người lính mình trần, thân trụi, bơi lặn giỏi như rái cá, đã từng nhấn chìm hàng trăm chiếc tàu vận tải cỡ lớn của địch, chuyên chở trang bị vũ khí, khí tài phục vụ cuộc chiến tranh xâm lược. Cuộc chiến không cân sức, việc “chặn cổ sông Lòng Tàu” của các chiến sĩ đặc công năm xưa, chặt đứt con đường vận chuyển huyết mạch của kẻ thù, diễn ra đầy bi tráng và lẫm liệt… Tàu lướt qua Tân cảng Cát Lái, dưới lướt thướt làn mưa nặng hạt, vẫn nhìn rõ những con tàu vận tải cỡ lớn xếp lớp dặc dài chờ vào “ăn” hàng, từng khối container san sát rộng dài ngút tầm mắt đem lại cái cảm giác tin cậy, rằng ở một góc độ nào đó thì nền kinh tế đất nước vẫn âm thầm trụ vững qua đại dịch.
Bất giác tôi nhớ trong “Gia Định thành thông chí”, ở quyển II “Sơn xuyên chí” (Chép về núi sông), Trịnh Hoài Đức viết: “Núi non là xương của đất, sông nước là máu của đất, núi sông ấp ủ sinh dưỡng lưu thông, mà tạo nên đất đai một phương vậy. Những bậc anh hùng hào kiệt, trung thần liệt nữ cũng nhân đó mà sản sinh ra”. Đem những dòng trên vận vào vùng đất và con người Thủ Đức từ thưở các bậc tiên hiền đưa lưu dân vào cùng chung lưng đấu cật khai thiên phá thạch mới thấy cái tầm của cụ Cấn Trai thật mênh mông và thẳm sâu đến nhường nào! Uyên thâm, cổ kính mà vẫn rất hiện đại.
Ngó ra bên ngoài, sóng vẫn sóng duềnh lên, nước tràn bờ, ngầu đục. Con tàu nhỏ nhồi lắc, chòng chành, có lúc chồm lên tựa như ô tô vấp ổ gà trên đường đất vậy. Con tàu từ từ quay mũi đưa đoàn văn nghệ sĩ trở lại nơi xuất phát ban đầu. Mưa, vẫn mưa ầm ào như trút nước. Không khí đến là dễ chịu, pha chút lạnh se. Người tài công điệu nghệ đánh vô lăng đưa chiếc tàu nhỏ nhẹ nhàng cập mạn một chiếc tàu lớn hơn đương mở rộng cửa. Từng người lập cập chuyển qua, yên vị để tiếp tục hành trình mới theo nhánh sông phía tây, ngược lên cầu Sài Gòn, lượn vòng qua bán đảo Thanh Đa, luồn dưới cầu Kinh, theo luồng lạch nhẹ lướt qua cầu Bình Triệu. Từ xa, đã thấy nổi bật trên nền trời hoàng hôn cái vòm cong đỏ màu kiêu hãnh của cây cầu vắt ngang sông Sài Gòn, nằm trên đại lộ Phạm Văn Đồng, chạy song song với cầu đường sắt Bình Lợi… Mưa thưa thớt, rồi ngớt dần.
Trong một chuyến ngược ra biên ải, tôi có dịp đến tận nơi sông Sài Gòn phát nguyên từ địa phận huyện Lộc Ninh của tỉnh Bình Phước. Mới thấy hết sự biến thiên kỳ vĩ của dòng chảy con sông, qua mỗi chặng ngày trước có những tên gọi khác nhau. Từ đầu nguồn về đến chợ Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) gọi là sông Ngã Cái. Đoạn từ đất Thủ xuôi về mạn cầu Bình Triệu, cạnh nhà tôi, có tên là sông Thủ Khúc. Quãng từ cư xá Thanh Đa đến chỗ đổ vào sông Đồng Nai (Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Đức) là sông Sài Gòn hay còn gọi là sông Bến Nghé (Ngưu Chữ giang), sách “Gia Định thành thông chí” ghi là Tân Bình giang.
Đầu năm 2006, tôi mua lại được căn nhà cấp 4 từ một ông già gốc gác mãi tận Thái Bình, bấy giờ cả gia đình chủ nhân đương định cư ở nước ngoài. Trong mảnh vườn be bé, tôi vẫn thường kê chiếc bàn nhỏ, cùng bạn hữu nhâm nhi ly rượu nếp quê. Cà kê nói chuyện vùng đất nơi mình đương cư ngụ. Hóa ra nó được hình thành từ hơn 300 năm trước. Suốt chiều dài ấy, cùng với những biến thiên của lịch sử, địa giới hành chính cũng nhiều lần đổi thay. Thủ Đức vốn là một huyện của tỉnh Gia Định. Nhưng vậy thì danh xưng Thủ Đức có tự bao giờ? Nghe nhiều, song để xác tín, cánh tôi rủ nhau phóng xe lên khu phố 4, phường Linh Chiểu, tìm đến ngôi mộ cổ có hình “Ngưu miên” (trâu mọp) khu dân cư đông đúc trên đường số 10, thì mới sáng sự lẽ. Ấy là nơi an nghỉ của người có công lớn với vùng đất này buổi từ buổi đầu. Ngài là Tạ Dương Minh (Tạ Huy) hiệu Thủ Đức, một người Minh Hương mang tư tưởng “phản Minh, phục Thanh” đến đất này và được triều đình Nguyễn chấp thuận. Trấn thủ cả vùng đất rộng, ông vỗ về dân chúng, cho lập chợ Thủ Đức, ngôi chợ đầu tiên trên địa bàn, trường tồn và phát triển đến ngày nay. Từ ngôi mộ cổ đến chợ cũng gần, chỉ chừng 500m chứ mấy. Hiện tại, các bài vị và án thờ ông vẫn được hậu thế lưu giữ và khói hương tại đình Linh Đông, Linh Chiểu. Tương truyền, tên hiệu của ông được lấy làm địa danh của một trong bốn huyện thuộc tỉnh Gia Định xưa. Năm 2007, ngôi mộ của bậc tiên hiền này được UBND Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố.
Trước ngày giải phóng, huyện Thủ Đức có 15 xã và 184.989 dân. Ngày 10-5-1975, Thường vụ Thành ủy Sài Gòn – Gia Định họp và quyết định một số vấn đề về tổ chức. Trong đó, khẳng định thành phố Sài Gòn – Gia Định là một cơ cấu thống nhất bao gồm 21 quận, trong đó có 14 quận nội thành và 7 quận ngoại thành. Trước đây, ở nội thành gọi là quận, ngoại thành gọi là huyện; nay thống nhất tên gọi là quận: quận nội thành và quận ngoại thành. Thủ Đức thuộc về quận ngoại thành. Danh xưng đơn vị hành chính là vậy, nhưng về cơ bản, Thủ Đức vẫn là một huyện nông nghiệp, có địa bàn trải rộng, song dân cư hãy còn thưa thớt. Tuy nhiên, sau ngày Quốc hội quyết định đặt tên thành phố Sài Gòn – Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh (2-7-1976) thì các đơn vị hành chính cũng dần có sự thay đổi theo.
Nhớ thời bao cấp, 10 năm đầu sau ngày giải phóng, đất nước đứng trước muôn vàn gian nan, thử thách, cơ cực nhất vẫn là giải quyết cái ăn, cái mặc của người dân và hàng hóa tiêu dùng cho toàn xã hội. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương làm thí điểm bù giá vào lương, bán gạo theo hệ thống một giá cho cán bộ, công nhân, viên chức và các đối tượng khác được hưởng tiêu chuẩn cung cấp lương thực. Quận 10 và huyện Thủ Đức được chọn làm thí điểm để rút kinh nghiệm. Thủ Đức là huyện ngoại thành có nhiều cơ quan, xí nghiệp, trường học của cả Trung ương và Thành phố, có số lượng cán bộ, công nhân, viên chức và người ăn theo ở mức độ trung bình (trên 65.000 người). Sau một thời gian thực hiện, kết quả nổi bật là tiết kiệm được một phần lương thực, làm cho quỹ lương thực của Nhà nước dôi ra, tạo khả năng tham gia thị trường, góp phần kiềm và giữ giá lương thực, đẩy lùi những tiêu cực vốn có từ chính sách hai giá gây nên. Trong 3 tháng thí điểm, huyện Thủ Đức, cân đối giữa số tiền bù phát ra với số lương thực đã bán còn dư trên 69 tấn. Tình trạng bán gạo cung cấp ra thị trường không còn nữa. Việc bán lương thực một giá thay cho chế độ cung cấp làm giảm nhẹ bộ máy trong ngành lương thực rất đáng kể. Trước đây, Phòng Lương thực huyện Thủ Đức cần hơn 200 người, nay cửa hàng lương thực vừa làm nhiệm vụ cung cấp vừa làm nhiệm vụ kinh doanh chỉ cần 100 người, số biên chế giảm một nửa. Đây là bước bứt phá của Thành phố nói chung, huyện Thủ Đức nói riêng, mạnh dạn sáng tạo tìm lối ra trong đêm trước của công cuộc đổi mới.
Khi nói đến địa danh Thủ Đức thì không thể nào không nhắc tới cây cầu sắt Rạch Chiếc lịch sử, nơi diễn ra trận đánh cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đêm 29 rạng ngày 30-4-1975 của Lữ đoàn 316 đặc công biệt động. Trong trận ác liệt chiến ngay trước cửa ngõ Sài Gòn, 52 cán bộ, chiến sĩ ta đã vĩnh viễn nằm lại nơi vàm sông này. Đầu năm 2006, một tấm bia màu huyết dụ được dựng lên ngay tại bến vượt, cận chân cây cầu cũ. Từ bấy trở đi, đến ngày 27-4 hằng năm, tại đây có lễ giỗ trận, anh em đồng đội và đông đảo người dân quây quần về thắp nén nhang tưởng niệm các liệt sĩ đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân để bảo vệ cây cầu cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, để có ngày hôm nay, đất cho ngọt lành cây trái; những cây cầu mới lừng lững, nhiều tòa nhà cao tầng san sát mọc lên mang dáng vẻ của một đô thị mới. Ở một góc nhớ khác, “Làng đại học Thủ Đức” có lẽ là một địa danh độc nhất vô nhị trên toàn quốc. Nó mãi vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức bao thế hệ sinh viên, từng một thời buồn vui gắn bó và chẳng thể nào quên. Từ đây, những cô gái, chàng trai hăm hở tỏa về khắp các tỉnh thành, đem tri thức khoa học và khát vọng tuổi trẻ góp sức xây đời. Trong số họ, không ít người gắn bó với thành phố mang tên Bác Hồ và trở thành công dân của thành phố năng động nhất nước với nhiều đóng góp không nhỏ.
Một khu đô thị nhìn từ trên cao được dự định sẽ là trung tâm của thành phố Thủ Đức
Cùng với sự phát triển chung, đầu năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 03-CP giải thể huyện Thủ Đức để lập ra 3 quận mới, gồm quận Thủ Đức, Quận 2 và Quận 9. Sau 23 năm chia tách, mỗi đơn vị hành chính đều đạt được những thành quả đáng khích lệ. Chính tiềm năng và thế mạnh riêng của từng quận là tiền đề quan trọng để lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất ý tưởng lập thành phố phía Đông, một đô thị sáng tạo. Tuy nhiên, mới đầu không ít người tỏ vẻ lạ lẫm, thậm chí là còn nghi ngại. Ngay cả khi tiến hành bỏ phiếu lập thành phố Thủ Đức, dẫu có rất nhiều tờ bướm truyền thông được in khá đẹp, song không phải ai cũng nhận thức được đầy đủ; có người cho rằng thì trở lại “huyện Thủ Đức” ngày xưa chứ đâu có gì mới mẻ? Vấn đề ở đây không phải là một sự tách, nhập cơ học, mà là một sự “lột xác” toàn diện về chất, nâng tầm không chỉ về diện mạo một thành phố trẻ trong lòng một thành phố lớn vào loại đô hội nhất nước, mà còn là sự vượt trội về cả tầm nhìn cũng như tư duy đầy sáng tạo.
Hội nghị lần thứ 43 Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, khóa X (2015-2020) đã thông qua nghị quyết, trong đó có nội dung lập “Thành phố Thủ Đức” cho khu Đông. Chính phủ cũng đã trình lên Quốc hội Đề án thành lập thành phố Thủ Đức. Ngày 9-12-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức.
Nhìn trên bản đồ, thành phố mới nom tựa chiếc khánh vàng. Địa giới của thành phố Thủ Đức giáp với Quận 1, Quận 4, Quận 7 và quận Bình Thạnh; cũng như tiếp giáp với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. Với 34 phường, diện tích tự nhiên 211,56km2 và quy mô dân số hơn 01 triệu người, “thành phố” trong thành phố là mô hình mới mẻ và táo bạo, lần đầu tiên được triển khai trong nước. Tuy nhiên, ở tầm châu lục cũng đã có các hình mẫu thành công tại Gangnam (Seoul – Hàn Quốc), phố Đông (Thượng Hải – Trung Quốc) để tham chiếu, học hỏi những tinh hoa xứ người. Với hai con sông lớn, Sài Gòn và Đồng Nai uốn lượn bao quanh, miệt mài vun đắp sa bồi và khoáng chất, tạo nên những thảm xanh trù phú, có lẽ địa thế của thành phố Thủ Đức ít có nơi nào sánh được!
Với các trụ cột như: Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia TP. HCM, Khu đô thị mới Thủ Thiêm; rồi ga Bình Triệu, bến xe Miền Đông mới; xa lộ Hà Nội, trục giao thông huyết mạch song hành với tuyến Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên… sẽ tạo nên một diện mạo mới cho thành phố trẻ. Nơi đây sẽ là trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; trung tâm giáo dục đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng; trung tâm sản xuất kinh doanh các sản phẩm hàng hóa dịch vụ công nghệ cao.
Vạn sự khởi đầu nan!
Thành phố mới được hình thành và đi vào hoạt động, bộ máy còn nhiều bất cập, chưa thể vận hành trơn tru ngay được. Từ mục tiêu tổng quát, xây dựng và phát triển thành phố Thủ Đức “trở thành đô thị thông minh, sáng tạo; có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; phát triển nhanh, bền vững”, Nghị quyết Đảng bộ thành phố xác định, đến năm 2025, phấn đấu hoàn thiện cơ chế, chính sách chung của thành phố Thủ Đức. Từng bước quy hoạch, chuẩn bị nguồn lực, đất đai đầu tư phát triển 08 khu chức năng, gồm: Trung tâm tài chính gắn với Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Trung tâm liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc; Trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; Trung tâm giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ; Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; Trung tâm công nghệ sinh thái – Khu vực Tam Đa và Long Phước; Trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ và cảng Cát Lái – Phú Hữu; Khu đô thị sáng tạo Trường Thọ. Đây cũng chính là các khu đô thị trong tương lai. Kỳ vọng thành phố Thủ Đức sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, trong đó mũi nhọn là kinh tế tri thức, thúc đẩy sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và cả vùng Đông Nam bộ. Phấn đấu đóng góp từ 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. HCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.
Nhờ có cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, thành phố Thủ Đức có tiềm năng rất lớn về du lịch cả đường bộ lẫn đường thủy. Trên địa bàn thành phố có 23 di tích được xếp hạng, gồm các di tích lịch sử – cách mạng, di tích lịch sử – nghệ thuật và di tích kiến trúc nghệ thuật. Đặc biệt, những di tích lịch sử – nghệ thuật cấp Quốc gia nổi tiếng như Đình Phong Phú, Đinh Linh Đông, Chùa Hội Sơn… càng làm cho địa tầng văn hóa của Thủ Đức trở nên rộng dài và sâu thẳm. Trong số di tích các di tích cấp Thành phố, không thể không nhắc đến Căn cứ Vùng Bưng 6 xã nức tiếng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ. Cùng với bót Dây Thép, nếu được tôn tạo và tổ chức kết nối tốt, vùng Bưng 6 xã sẽ trở thành một trong những điểm “về nguồn” hấp dẫn, giúp các thế hệ hôm nay và cả mai sau hiểu thêm về quá khứ đấu tranh hào hùng của dân tộc, như một cách “giữ lửa”. Độc đáo hơn cả là Công viên văn hóa lịch sử dân tộc hoành tráng và bề thế, tọa lạc ở phường Long Bình và một phần thuộc huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Với hơn 400 hecta, được Nhà nước quan tâm, đầu tư quy mô, đây là nơi tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam. Công viên gồm 4 khu vực, tái hiện lại toàn bộ lịch sử đất nước từ khởi thủy đến thời đại Hồ Chí Minh. Trong đó, nổi bật là khu tưởng niệm các Vua Hùng và mới nhất là Đền thờ Đức Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Nơi đây được kỳ vọng là tâm điểm giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho mọi người dân, đặc biệt là lớp trẻ, thấu hiểu đặng chung sức, chung lòng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc giàu đẹp.
Quyết tâm của lãnh đạo nhận được sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Được lòng dân, vì dân thì sẽ có tất cả, bài học rất xưa nhưng chắc chắn sẽ không bao giờ cũ! Bởi lẽ “Đất lành chim đậu!”.
Chặng cuối cuộc hành trình, trời ráo hoảnh. Hoàng hôn trên sông trở nên trong veo. Con tàu cập bến thuyền rực rỡ ánh đèn, nhiều người ngỡ ngàng bước lên bờ. Đây là đâu? Thưa, là Vạn Phúc City, một trong những khu đô thị đẳng cấp với quy mô gần 200 hecta, tọa lạc bên sông Sài Gòn thuộc địa bàn thành phố Thủ Đức. Những chiếc xe điện bon nhanh, lướt nhẹ êm đưa các thành viên đi một vòng chiêm ngưỡng khu đô thị sinh thái ven sông kiểu mẫu. Thực mục sở thị các khu nhà ở cao cấp, hiện đại và sang trọng với không gian sống xanh lý tưởng, chỉ nghe những tiếng trầm trồ, ao ước. Có lẽ khó có ngôn từ nào để diễn tả hết tầm vóc của một khu đô thị mang phong cách kiến trúc châu Âu, đẹp mê hồn. Trong một phần tư thế kỷ thiết lập nền tảng, phát triển vững mạnh, Vạn Phúc Group đã khẳng định được đẳng cấp và vị thế của mình. Với việc đầu tư 3.500 tỷ đồng, Vạn Phúc City lọt vào Top 10 khu đô thị đáng sống nhất Việt Nam 2019 (do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam – Reatimes bình chọn năm 2020) và trở thành một điểm đến lý tưởng tại thành phố Thủ Đức. Suy rộng ra, từ những điểm sáng như vậy, với tiềm năng nhiều mặt và tiềm lực của nền kinh tế tri thức, trong một tương lai gần, thành phố trẻ phía Đông sẽ là một nơi rất đáng sống.
2/5/2022
Nguyễn Minh Ngọc
Nguồn: Văn Nghệ số 18+19/4.2022
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...