Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Thương nhớ ngàn lau

Thương nhớ ngàn lau

Chớm đông, gió thổi hanh hao khô nẻ đồng. Gió thổi từ trên trời xuống, nức nở dưới đất lên, mang theo chút hơi nước cuối cùng nơi những kẽ chân chim ngoài đồng ruộng. Ông trời riết róng, bòn nốt chút nước đã trót hào phóng ban xuống  nơi kiệt cùng của nghèo khổ. Đồi bãi trơ trắng những mỏm đá khô cằn, vết bùn trâu dẫm lên chưa kịp in đã khô cong, bạc trắng.
Trời vẫn thỉnh thoảng trở chứng, dấm dức như những đêm dài mất ngủ của đàn bà góa bụa. Mòn miết, lặng lẽ lau âm thầm nở bung biên ngoài bãi. Thứ hoa của đồng nội hoang dại không sắc không hương. Bông mỏng nhẹ, hoa bay bay, xác xơ thân gầy khô rạc. Không mĩ miều, kiêu sa, loài hoa ấy có hương sắc riêng, thứ hương sắc chỉ có những ngọn gió mới cảm nhận được.
Ngàn lau hoang sơ, ngàn lau trắng xao xác chiều hoang nổi gió. Trắng cả cơn mê của ông nội tôi.
Quê  nội ở tận miền sơn cước. Những năm cả nước đã có điện từ lâu, quê nội vẫn leo lét ngọn đèn dầu. Bữa cơm của các cô chú và ông bà nội tôi vẫn lem mùi dầu khét lẫn trong làn khói của nồi khoai luộc vội. Những đêm mưa, thao thiết tiếng mưa rơi đều trên lá cọ. Cảm giác buồn thẳm sâu chui lên từ đất, bao bủa cùng màn đêm đặc quánh húng hắng tiếng ho của bà và tiếng trở mình trên ổ rơm của ông nội.
Ông tôi tham gia kháng chiến bị bom dội trúng hầm. Ngày hòa bình trở về, mơ mơ tỉnh tỉnh, thỉnh thoảng vẫn không nhận ra vợ con. Ông tôi hiền lắm. Ngày quần quật trên nương vỡ hoang, trồng cây, nuôi trâu bò. Đồi bãi bao năm bỏ hoang từ ngày ông về xanh màu chè, khoai, bạch đàn, mít ổi… Ông tôi quanh năm ngoài đồng ngoài bãi, còn việc nhà, trong xóm ngoài làng một mình bà tôi lo toan.
Những hôm trở trời, vết thương cũ tái phát, ông như người mơ ngủ. Cứ quần đùi áo cộc băng hết bưng này đến bãi khác, lau cứa vào chân tay ứa hết cả máu. Cờ lau trong tay, ông hô hào anh em xung trận. Những mảnh kí ức của chiến tranh nằm sâu đâu đó trong vùng nhớ quên lại dội về theo những đợt vết thương cũ tái phát.
Rồi bất chợt ông ôm mặt khóc nức nở: “Chiến ơi! Sao mày bỏ lại đồng đội và tao?”. Người đàn ông ngoài 70 ấy khóc rưng rức như một đứa trẻ. Những giọt nước mắt lăn xuống gò má xạm đen. Vết sẹo bên thái dương giật giật liền hồi, đỏ ửng rồi xám ngắt.
Chiều buông trên đồi đỏ rực. Vầng mây như máu nhuộm loang đỏ cả một góc trời. Màu đỏ của chiều ngấm dần lên đường chân trời, men theo những đám mây, lan vào đất cái tịch mịch âm u. Chiều khép sau rặng cây già. Khắc khoải đâu đây tiếng chim kêu cuốc kêu sương, vấn vít trên ngọn cây mang theo nỗi buồn man mác.  Khóc thương gì nữa?
Đứng sau gốc tro, bà tôi bần thần đưa tay áo quệt nước mắt. Phần vì đã quá quen với những cơn mê không hồi kết của ông, phần vì bà biết trong sâu thẳm có những vùng nhớ quên mà bà không thể bước chân vào.
Cũng có lúc, ông ngồi  nhìn xa xăm. Bàn tay to bè nhăn nheo thô ráp vuốt vuốt bông lau trắng trong tay. Từng bông trắng nhỏ bay lả tả, rụng xuống nền đất đỏ nứt nẻ chân chim và ngai ngái mùi lá mục, mùi cỏ cháy. Bóng lưng ấy bất động im lìm như tượng, tạc vào chạng vạng lặng yên. Ngọn gió nào vừa thổi qua trên mái đầu phơ bạc mang theo kí ức về miền xa xăm.
Độ mươi hôm, ông tôi hết cơn mê tỉnh, lại lên đồi vun gốc chè, cắt cây dại cho bà ủ gốc hành tăm.
Chiều hôm trước, ông tôi lót lại ổ rơm.Trên chiếc giường đơn kê sát bếp, ông rải 1 lớp rơm khô, sạch dày dặn ở phía dưới sau đó rải chiếu lên. Thói quen ấy duy trì từ lúc ông mới xuất ngũ đến lúc cuối đời. Ông cầm tay bà, thơm lên trán bà, thủ thỉ:
– Bà vào đây nằm với tôi một chút.
Bà ngạc nhiên vì từ khi xuất ngũ đến giờ chưa bao giờ ông nói những lời như vậy. Ông vuốt tóc bà, nước mắt ngân ngấn. Ông đằng hắng vài tiếng trong cổ họng, ngập ngừng như muốn nói điều gì đó nhưng rồi lại thôi.
Đêm hôm ấy, ông mê sảng gọi tên đồng đội. Trong giấc mơ, ngàn lau trắng muốt văng vẳng tiếng hò xung phong. Những gương mặt thân quen về cười nói. Lau bồng bệnh như sương, phủ lên mái đầu bạc, kéo mờ ánh mắt nhìn trân trối. Cảm giác nhẹ bẫng như bay, dập dờn. Vết sẹo bên thái dương không còn đau nữa.
Ngoài kia, núi đồi yên lặng, ngàn lau vẫn nở mòn miết, bung biên. Hoa bay bay, thân gầy xác xơ. Tiếng cuốc khắc khoải bay lên khỏi rặng cây tối nâng đỡ lấy một ngôi sao vừa tụt xuống phía chân trời vô định.
15/12/2021
Chu Cẩm Ly
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...