Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Ngọt lành ruốc biển quê tôi

Ngọt lành ruốc biển quê tôi

Ngày lộng gió, anh bạn nhà ngay sát bãi biển gửi cho tấm hình: em ơi, sáng nay thuyền kéo ruốc nhiều lắm. Bữa nay dự báo là trời nắng to, ruốc phơi sẽ đẹp, bà con chắc vui lắm em à! Xem ảnh và tin nhắn của anh, lòng tôi vui đến lạ. Vâng, vậy là quê tôi liên tục được mùa ruốc. Mùa của những nhọc nhằn, mùa của những niềm vui!
Mùa ruốc (hay còn gọi là tép, moi) kéo dài từ đầu mùa hạ đến hết mùa thu. Thời tiết miền Trung vốn dĩ chẳng chiều lòng người nên những người sống nhờ biển luôn nơm nớp, âu lo. Nhưng trời cũng thương những người dân miền chân sóng thảo thơm, nồng hậu, chịu thương chịu khó nên năm nào ngư dân cũng được nhận lộc biển.
Khi thời tiết thuận, ruốc vào rất nhiều. Những con ruốc tươi vừa được kéo lên, nhìn chúng nhấp nhánh, óng ánh một màu đỏ hồng đến là vui mắt. Nếu nhìn kỹ ta có thể ta vẫn thấy con mắt của ruốc còn trong veo. Có cảm giác, những con mắt ấy còn chưa gột hết những giọt nước của biển vương trên mình!
Ruốc chế biến được nhiều món ngon và cách chế biến vô cùng đơn giản. Có những buổi chiều bình yên, một mớ ruốc được người phụ nữ mua về, người chồng à ơi gọi bạn tới chơi. Chồng cất tiếng hỏi: “mình ơi ruốc chín chưa?”. Cái tiếng gọi ấy sao mà êm mà ngọt! Những món ruốc được người vợ nhanh chóng soạn sửa ra mâm để chồng mời bạn. Nào là ruốc làm nộm cùng khế chua, lạc rang ăn kèm bánh đa và các loại rau sống theo mùa; nào là ruốc nấu súp cùng khế hái trong vườn thêm một chút rau thơm … Ở quê tôi, ruốc bao giờ cũng phải đi kèm với khế. Chẳng thế mà vào mùa ruốc, khế chua được nâng giá trị. Đặc biệt chiều hôm ấy, nồi cháo ruốc nghi ngút hơi cùng với chút ớt cay, chút mùi thơm cũng làm ai đó đang chếnh choáng hơi men thêm ấm dạ, ấm lòng. Ăn một bữa ruốc như thế thì thấy thú vị lắm thay!
Không đến mức “thời trân thức thức sẵn bày” (Nguyễn Du) nhưng cái món quê giản dị ấy cũng đủ để cho sự gặp gỡ thêm ấm nồng. Lúc đó, cái nồng say của tình chồng của vợ, cái ấm áp của tình bằng hữu của những con người ở vùng gió cát đã làm cho những món ăn từ ruốc biển đậm hơn và ngon hơn…
Viết đến đây tôi lại nhớ cậu em rể. Cậu sống ở phố, thỉnh thoảng đưa gia đình về thăm nhà ngoại. Những sớm mai, cậu dẫn con đi ngắm bình mình, chơi đùa cùng sóng nước, xem bà con đánh bắt ven biển. Và nếu gặp ruốc về cậu phải mua cho bằng được. Dường như với cậu ấy, món ruốc nấu súp cay cay chua chua luôn ngọt lành hơn, đã đầy hơn các món hải sản tươi ngon, đắt đỏ khác mà nhà ngoại chuẩn bị để thết đãi chàng rể thảo. Nhiều khi cũng thấy cũng thấy lạ kì!
Mùa ruốc, nếu trời thương cho nhiều nắng thì những con ruốc sẽ được phơi khô. Độ gần nửa ngày là có thể tuôn vào. Những con ruốc được những bàn tay thoăn thoắt rải đều trên những tấm lưới, tấm xiếp. Trông xa xa chúng như những tấm thảm hồng được trải dài dưới nắng trưa. Người đi thu ruốc mồ hôi mướt mải nhưng họ thấy thích, thấy vui. Vì nắng càng to, khô càng nhanh, ruốc càng thơm, màu càng đẹp. Lúc này những con ruốc chuyển màu hồng sẫm, trông rất bắt mắt. Bốc một nắm ruốc trên tay, đưa lên miệng, thử nếm, vị ngọt tan ngay trong lưỡi chứ không phải là vị tanh. Đó là vị ngọt ngon nguyên thủy của biển cả. Nếu người sành nghề, sành mua, sành ăn, chỉ cần nhìn màu ruốc, kĩ tính hơn thì nhấm nháp con ruốc khô vừa được phơi xong vẫn còn vương mùi nắng thì biết ngày ruốc đó có ngon, có tươi hay không chứ không cần đến lúc bắc bếp, đỏ lửa.
Rồi những con ruốc khô thơm ngon ấy sẽ được bảo quản cẩn thận, sẽ tham gia vào những bữa cơm gia đình với những món khác nhau. Từ gói cuốn cho đến rang mặn ngọt, từ món canh cho đến món xào. Thực tình tôi cũng chưa thấy món nào của biển lại vừa rẻ vừa đa dụng như thế. Và độ ngon thì vẫn có thừa!
Cùng với ruốc phơi khô, món mắm ruốc hay còn gọi là mắm tôm đã cùng người dân vùng biển đi qua những năm tháng rộng dài. Mắm tôm được bà con chế biến từ những con ruốc biển kết hợp với những hạt muối của Quỳnh Lưu – vựa muối lớn nhất ở tỉnh tôi. Muối Quỳnh Lưu trắng tinh, sạch sẽ, đạt chuẩn quy định. Bởi thế mà hạt muối trắng ngần của vùng đất này đã được cấp hộ chiếu để đi Mỹ, đi Nhật. Ruốc và muối và nắng và gió… tất cả kết tinh, hòa quyện thành một sản phẩm hoàn hảo từ màu sắc đến hương vị. Và ai cũng hiểu, đằng sau những bể mắm thơm ngạt ngào là những giọt mồ hôi mặn mòi của người chế biến.
Những ngày xưa đói kém, mưa bão liên miên, những bữa cơm của dân vùng biển trở nên đạm bạc hơn bao giờ hết. Tôi nhớ trong những bữa cơm giữa mùa mưa của nhiều năm mẹ hay làm món mắm tôm hấp trứng. Mấy thìa mắm tôm, một quả trứng gà, thêm chút mỡ hành, ớt cay rồi hấp trên nồi cơm khi cơm sắp chín. Nhiều khi nó trở thành một món chính trong bữa cơm. Thêm mấy quả sung hay cà pháo ăn kèm nữa là chúng tôi có thể xong bữa mà không một tiếng phàn nàn. Thế thôi mà nhà tôi và nhiều nhà nữa đã đi qua những mùa giông bão, đi qua những ngày khó khăn bởi một trong những món ăn giản đơn đến không thể giản đơn hơn nữa. Bây giờ, thỉnh thoảng, tôi lại thấy nhớ món ăn của ngày xa khó…
Món mắm ruốc quê tôi được đưa đi theo chiều dài đất nước. Khắp các vùng trong tỉnh, rồi từ vùng núi Hà Giang khó khăn đến Sài Gòn hoa lệ đều hiện diện gia vị này. Xưa là những đôi quang gánh, nay là những chuyến tàu, chuyến xe. Sự có mặt của nó trong các gia đình cũng không thật dễ dàng bởi mùi vị rất đặc trưng. Lúc đầu mới nghe mùi hương mọi người rất khó chịu, có khi là quay đi. Phản ứng này làm tôi nghĩ đến một cô gái con nhà khuê các lần đầu tiếp xúc với chàng ngư dân dãi dầu sóng gió đã tỏ ra kênh kiệu, làm mình làm mẩy. Bởi gần chàng trai ấy cô chỉ thấy tanh nồng mùi biển. Nhưng rồi cô đã đắm đuối, đã nguyện lòng về xứ biển vì nhận ra chàng trai ấy có tấm lòng nhân hậu, chân thành. Những người đã từng cự tuyệt với mắm tôm cũng vậy. Đầu thì từ chối nhưng sau đã thưởng thức, đã quen thì khi không có lại thấy bữa cơm, bữa rượu hôm đó trở nên thiếu thiếu, nhạt nhạt. Thử nghĩ, cà muối giòn tan, bát canh rau lang giữa mùa hè nóng bức, nồi chân giò hầm sả giữa mùa đông rét buốt mà thiếu mắm tôm, vị sao có thể tròn?
Tôi nhớ cách đây đã mấy năm, một ngày giữa mùa đông Hà Nội, tôi lang thang trên một con phố nhỏ, ghé quán ăn trưa. Tôi và cô bạn gọi bún đậu mắm tôm. Tôi đã đã cô chủ quán hồ hởi giới thiệu: chị ơi, đậu phụ, bún Hà Nội kết hợp với mắm tôm Nghệ An thì tuyệt vời đó nhé. Chao ơi! Cô ấy chỉ mời khách một cách tự nhiên vậy thôi. Cô cũng không hề biết tôi là người miền trong. Vậy mà lúc đó, tôi thấy ấm lòng đến lạ dù chưa thưởng thức đĩa đậu nóng chị vừa chiên xong. Tôi cũng thấy sống mũi cay cay dù chưa hề chạm đến miếng ớt cay nồng trong bát mắm. Có lẽ, với một người đa cảm như tôi, thấy sản vật của quê mình hiện diện ở giữa thành phố lớn thì thấy rưng rưng vô cùng…
Những khi mùa ruốc sang, bạn bè ở xa nhắn: giờ mà được ở quê, ăn những thứ ấy, ngon xiết bao! Ừ nhỉ? Những món quê đơn giản vậy thôi nhưng chao ôi là thương là nhớ với những người ở xa. Nhớ không biết ngần nào! Để rồi tôi thấy, tình quê, vị quê được tạo nên, được bồi đắp đôi khi chỉ từ một sản vật, một món ăn rất đỗi bình dị nhưng tròn vị, như ruốc biển ngọt lành!.
7/5/2022
Hương Nguyễn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam Có thể nhận thấy, ngày nay các nhà thơ đương đại thể hiện trong thơ những bàn luậ...