Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

Nhận định của nhà văn Xuân Vũ về truyện ngắn "Tội ác"

Nhận định của nhà văn
Xuân Vũ về truyện ngắn "Tội ác"

Sách: "Những bậc thầy của tôi" (Xuân Vũ) - Phần III - Chương 20
NHỮNG BẬC THẦY CỦA TÔI (Xuân Vũ): Phần III- Chương 18
CHƯƠNG XX
MẤY TRUYỆN NGẮN TÔI KHÔNG BAO GIỜ QUÊN
Truyện ngắn! Một thể loại khó viết vô cùng. Bằng một số chữ ít nhất, người viết phải thể hiện cái ý định của mình rõ rệt và mạnh mẽ nhất!
Anh Bùi Hiển, một cây bút viết truyện ngắn tài ba trước 45, tác giả quyển Nằm Vạ được giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn – đã định nghĩa truyện ngắn như sau với tôi: “Đó là một cái coupe dọc hoặc ngang của một con người hoặc của xã hội. (C’est une coupe latérale ou transversale d’un homme ou d’une société)”-
Tôi hiểu ra đó là một mặt, một khía cạnh nào đó của một con người hoặc của xã hội, chớ không phải toàn bộ con người hoặc toàn bộ xã hội.Thí dụ: Bỉ Vỏ không phải là một truyện ngắn, vì nó biểu hiện toàn bộ xã hội “chạy vỏ” trong cái xã hội thời bấy giờ gồm có nhiều người, nhiều mặt mà Tám Bính và Năm Sài Gòn là tiêu biểu.
Tôi có hỏi anh nên bắt đầu truyện ngắn từ đâu? Anh bảo: “Từ chỗ có chuyện!” Tôi hiểu ra rằng: cắt bỏ khúc đầu càng nhiều càng tốt, cắt đến chỗ nào không thể cắt được nữa. Vì nếu cắt thì chuyện sẽ thiếu.
Tôi có cái tật là viết phải lấy trớn một đoạn hoặc một vài đoạn rồi mới “vô” được. Viết xong, thường thường tôi bỏ khúc đầu.....
Cái đặc biệt của cặp mắt và trái tim của nhà văn là ở chỗ đó. “Thấy” cái trước mắt mà người thường “không thấy”.
Cũng như các anh Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài… thường nói về Vũ Trọng Phụng:“Cái thằng Xuân Tóc Đỏ nó lù lù ở trước mặt đó mà chẳng anh nào ‘thấy’ cả, để Vũ Trọng Phụng viết lên rồi mới té ngửa ra!”
Vậy vấn đề “thấy” của nhà văn cũng quan trọng như vấn đề viết. Có khi “thấy” lại còn quan trọng hơn. Không “thấy” thì làm sao mà viết được. Cũng như Vũ Trọng Phụng “thấy” chàng Xuân Tóc Đỏ vậy.
Một truyện ngắn hay, một truyện dài hay đều có một hoặc tất cả những yếu tố sau đây;
– Cốt truyện ly kỳ. (Bỉ Võ)
– Sự sáng tạo của tác giả. (Số Đỏ)
– Văn chương mượt mà.
– Sự bố cục khéo léo (độc giả bị ngạc nhiên, nhưng bố cục vẫn mạch lạc)
.Những truyện trên đây tôi cố gắng kể lại. Thưởng thức một truyện ngắn chỉ đọc được tóm tắt, thì chẳng khác nào mua trâu vẽ bóng. Tuy nhiên, ta có thể rút ra được một điều gì bổ ích.
NGUYỄN ĐÌNH PHÙNG: TỘI ÁC
Một ông già đi nhà thờ. Lúc xong thánh lễ, ông ta xin với vị Linh mục được xưng tội. Được vị Linh mục nhận lời, ông đến tòa giải tội và thú tội.
– Tôi đã giết chết hôn phu của em gái tôi, và đổ cho VC giết. Sau đó tôi hãm hiếp em gái tôi, và nó có thai. Vì xấu hổ, nó trốn đi lên rừng ở một thời gian, rồi vượt biên sang Hoa Kỳ. Chuyện cách nay đã ba mươi năm.
– Rồi sao nữa?
– Tôi sang đây để tìm nó, thì được biết nó mới chết cách nay vài tháng.
Tác giả không nói đứa con hoang kia chính là vị Linh mục vừa giải tội cho lão già, nhưng trong cách tình bầy rất điêu luyện và tinh tế, người đọc vẫn hiểu như vậy.
Đọc truyện này tôi hoảng hồn. Trên đời này có một loại tội ác kinh hoàng đến thế hay sao? Và còn độc địa hơn, trớ trêu hơn cái kết quả của tội ác kia lại chính là kẻ nhân danh Thiên chúa mà tha thứ cho kẻ phạm tội!
Đây là một truyện ngắn tuyệt bút, có thể đặt ngang hàng với những truyện hay trên thế giới.
Tội Ác
Nguyễn Đình Phùng

Đôi mắt người đàn ông lạ mặt ngồi ngay bìa ngoài của hàng ghế đầu tiên làm linh mục Hoán chia trí trong buổi thánh lễ. Cái nhìn như gắn chặt vào khuôn mặt của người linh mục trẻ tuổi, soi mói, dò hỏi, phân tích, mổ xẻ từng ly từng tí làm cha Hoán cảm nhận được và thực sự khó chịu. Người đàn ông này đến đây không phải để dự lễ. Cha Hoán chưa bao giờ thấy người này trong số con chiên đi lễ hàng ngày. Vẻ ngồi cứng ngắc, thẳng đơ, ngang nhiên chiếm hàng ghế đầu tiên vốn được dành cho các vị chức sắc làm việc trong họ đạo và hoàn toàn chỉ ngồi yên trong suốt buổi lễ làm cha Hoán ngạc nhiên và bối rối. Người này là ai? Không phải đi dự lễ đến đây có mục đích gì? Và vẻ nhìn kỳ lạ có ý nghĩa gì?
Sự khó chịu mỗi lúc một gia tăng khi cha Hoán biết mình đang bị chia trí và không cử hành thánh lễ một cách nghiêm trọng như mọi khi được. Nhưng sự tò mò dần dần lấn lướt. Cha Hoán liếc nhìn vài lần xuống người đàn ông lạ mặt. Ngoài cặp mắt dữ dội, mang một vẻ bệnh hoạn khác thường nhìn chăm bẳm, cha Hoán thoáng có một cảm giác quen thuộc với dáng dấp của người đàn ông đứng tuổi này.
Khuôn mặt vuông, chiếc cằm bạnh ra hai bên với hàm răng chừng như lúc nào cũng nghiến chặt, đôi lông mày rậm như một con sâu róm nằm trên đôi mắt tạo một vẻ nguy hiểm và ngầm chứa sự ác ẩn hiện đâu đó. Thân hình của người đàn ông tuy ngồi nhưng vẫn cho cảm giác của một người to lớn với đôi vai rộng và ngang. Thánh lễ đã gần xong. Mọi người đứng dậy, cha Hoán liếc nhìn xuống người đàn ông và chợt rùng mình. Cảm giác bất an hiện đến, vu vơ nhưng mạnh mẽ, xâm chiếm như không thể rời bỏ được. Cha Hoán giơ tay ban phép lành chấm dứt buổi lễ và đi vào phòng trong thay áo.
Người đàn ông đã đợi sẵn ngoài cửa khi cha Hoán ra khỏi phòng. Ông ta nói, giọng khàn, đục nhưng tiếng mạnh và rõ ràng:
- Nếu cha không phiền tôi muốn được xưng tội.
Cha Hoán liếc nhìn đồng hồ đeo tay. Nửa tiếng nữa là giờ họp với linh mục chính xứ. Vị linh mục Hoa Kỳ già, khó khăn, chỉ chờ dịp để bắt bẻ những lỗi lầm cỏn con nhất. Và lúc này không phải là giờ giải tội thường lệ cho bổn đạo. Nhưng một điều gì đó khiến cha Hoán không thể chối từ được. Có phải vì giọng nói. Hay vì đôi mắt nhìn. Cha Hoán không cắt nghĩa được, chỉ biết gật đầu và chỉ tay về phía tòa giải tội, nói giản dị:
- Ông đi theo tôi!
Một khung gỗ nhỏ hình vuông với chấn song và một bức màn vải thưa phân cách hai người. Cha Hoán quàng dây khăn thánh qua cổ và ngồi xuống ghế chờ. Người đàn ông quỳ xuống bục gỗ ghé sát vào màn vải thưa và nói nhỏ:
- Tôi chưa xưng tội đã gần 40 năm nay!
Cha Hoán bên kia màn vải gật đầu. Không có gì đáng ngạc nhiên. Có lẽ 40 năm nay người này chưa đi nhà thờ, đừng nói đến việc xưng tội. Cha tự hỏi không biết ông ta còn nhớ đến làm dấu thánh giá không?
Người đàn ông nói:
- Tôi không biết phải bắt đầu như thế nào. Nhưng tôi là kẻ có tội. Những tội của tôi làm không ai có thể tha thứ được.
Cha Hoán nói:
- Tội lỗi nào cũng có thể được Chúa tha thứ nếu ông có lòng hối cải.
Người đàn ông lắc đầu:
- Tôi không muốn xin được sự tha thứ. Tôi cũng không có lòng tin để được Thượng Đế tha thứ. Tôi chỉ muốn xưng tội của tôi. Chỉ thế thôi!
Cha Hoán ngồi lặng yên không nói. Hai năm sau ngày đưọc phong chức linh mục, cha chưa bao giờ gặp một người như vậy trong tòa giải tội. Một điều gì đó nơi giọng nói của người đàn ông lạ làm cha Hoán sợ hãi, như linh cảm một chuyện bất tường. Người đàn ông bắt đầu xưng tội:
- Tôi đã giết người và tôi đã hãm hiếp một người tôi thương yêu nhất trên cõi đời này!
Cha Hoán giật nẩy mình. Chưa bao giờ cha được nghe một lời xưng tội giản dị và ghê gớm đến thế. Người đàn ông ngừng nói. Sự im lặng nặng nề và ngột ngạt làm cha Hoán cảm thấy buồn ói. Người đàn ông lạ cất tiếng, giọng thản nhiên và lạnh lùng:
- Cha có cần biết thêm chi tiết không?
Cha Hoán nuốt nước bọt nhiều lần mới có thể nói ra thành lời:
- Có!
Người đàn ông trầm ngâm một lúc, như thoáng có chút ngần ngại. Điều không thể nói ra đưọc, chưa bao giờ nói ra và bây giờ một thúc giục nào đó bắt buộc ông ta phải nói. Sau cùng ông ta lên tiếng:
- Tôi hãm hiếp người em gái ruột của tôi. Tôi giết chết người yêu của nó. Còn tội ác nào kinh khủng hơn thế không?
Cha Hoán không thể trả lời. Cổ họng cha đắng nghét. Tòa giải tội là nơi chốn để biết những sự xấu xa, khốn nạn nhất của con người, nhưng cha chưa bao giờ nghe một lời xưng tội như ngày hôm nay. Cha bất chợt làm dấu thánh giá. Sự ác như một làn sương khói tỏa ra từ phía bên kia màn vải ngăn cách làm cha rùng mình. Có lẽ có những tội không thể tha thứ được. Điều gì cũng có giới hạn của nó chứ! Cha Hoán làm dấu thánh giá một lần nữa. Không được! Nhiệm vụ của cha trong tòa giải tội này là tha thứ. Và cha Hoán làm bổn phận của mình:
- Sự việc xảy ra bao lâu rồi?
Người đàn ông trả lời:
- Cũng gần ba mươi năm.
Ông ta lẩm bẩm nói nhỏ như cho chính mình nghe: "Ba mươi năm! Ừ ba mươi năm rồi! Nhanh thật!"
Cha Hoán hỏi tiếp. Sự khích động lúc đầu đã qua đi. Cha cần biết thêm để xác định tội của người đàn ông này:
- Sự việc xảy ra ở đâu?
- Ở Việt Nam, dĩ nhiên. Đúng hơn, ở Bảo Lộc, chỗ chúng tôi ở.
Cha Hoán gật đầu. Bảo Lộc là nơi cha Hoán sinh đẻ. Người này cũng là người đồng hương! Cha Hoán bỗng có cảm giác thân cận hơn. Nhưng tội ác ghê sợ quá! Những năm dài ở chủng viện và hai năm ra xứ đạo chưa sửa soạn đủ cho cha Hoán để nhận lãnh lời xưng tội của người này. Sự ác có thể ẩn hiện trong muôn hình vạn trạng, nhưng ở điểm cao độ nhất và thuần túy nhất, vẫn là điều người linh mục trẻ tuổi chưa cảm nhận và thấu hiểu được.
Người đàn ông nói tiếp:
- Cha có biết thế nào là tình yêu không?
Người đàn ông chợt cất tiếng cười. Giọng cười ngạo, khinh mạn. Như một người đã sống nhiều, đau khổ nhiều, đã ở dưới tận cùng của địa ngục và vượt thoát trở lại với cuộc đời, nhìn một kẻ trẻ tuổi hồn nhiên, ngây thơ và trong trắng, không một chút ý niệm nào của cuộc sống thực sự. Người đàn ông lẩm bẩm, như tự nói cho mình nghe:
- Ừ! Cha còn trẻ quá! Và chỉ biết tình yêu với Thiên Chúa! Làm sao cha có thể hiểu được!
Cha Hoán hơi nhăn mặt. Giọng trịch thượng của người đi xưng tội này làm cha khó chịu. Cha trả lời:
- Tôi có thể không biết tình yêu như ông nói nhưng tôi hiểu được sức mạnh và hậu quả của nó!
Người linh mục trẻ tuổi nói bằng giọng quả quyết như một kẻ bị chạm tự ái. Nhưng trong thâm tâm, cha Hoán không chắc chắn hẳn. Người đàn ông xưng tội bên kia bức màn vải thưa phải là một thứ ác quỷ để phạm những tội lỗi ghê sợ đến thế. Và cha Hoán không tin cha có thể hiểu được loại tình yêu nào có thể là động cơ cho tội ác của người đàn ông này.
Ông ta bắt đầu kể. Giọng nhỏ, thì thầm. Như nói với chính mình:
- Tôi biết tình yêu của tôi với người em gái kế tôi không phải chỉ là tình ruột thịt thông thường ngày em tôi làm lễ hứa hôn với người yêu của nó. Tại sao có sự thay đổi lạ thường như thế xảy đến trong tôi, tôi không hề hiểu được. Và đột nhiên sự ghen tức, thù hằn người hôn phu của em gái tôi lên đến mức độ khủng khiếp, thúc giục tôi phải tìm cách giết hắn. Và tôi đã tìm cách thực hiện điều đó ngay trong mấy ngày sau.
Người đàn ông chợt ngưng tiếng. Như bàng hoàng. Tội ác chợt hiển hiện trước mặt người đàn ông như lần đầu tiên ý thức được điều đó.
Cha Hoán hỏi:
- Ông giết người đó bằng cách nào?
Người đàn ông như bừng tỉnh. Ông ta trả lời, giọng trở lại bình thường, thản nhiên:
- Trong một cuộc hành quân. Tôi là đại đội trưởng. Hắn là đại đội phó. Tôi đổ cho là Việt Cộng giết hắn.
Cha Hoán rùng mình. Những cái chết đến dễ dàng tại mảnh đất quê hương nơi cha đã rời bỏ để đến Hoa Kỳ khi mới chỉ là một đứa nhỏ. Tội ác được phạm đến mỗi giây, mỗi phút của thời kỳ chiến tranh cha Hoán không hề được biết đó. Và thêm một cái chết trong muôn ngàn cái chết của chiến tranh hẳn không nghĩa lý gì, dù là do tội ác của một người!
Người đàn ông tiếp tục xưng tội:
- Tôi hãm hiếp người em gái ruột của tôi khi báo tin người hôn phu của nó bị Việt Cộng giết chết. Ngay trong ngày hôm đó.
Giọng ông ta chợt run rẩy. Bên kia bức màn vải thưa, cha Hoán có thể nghe thấy tiếng rung động của toàn thể châu thân của người đàn ông. Có lẽ lần đầu tiên người đàn ông nghe và hiểu rõ tội ác ghê gớm của mình. Bằng tiếng nói của chính ông ta.
Cha Hoán làm dấu thánh giá. Sự dữ của con người có thể đến những mức độ như thế sao? Cuộc đời không lẽ đầy dẫy những bí mật kinh khủng chỉ biết được trong tòa giải tội như vậy. Cha Hoán thoáng có cảm giác nghi ngờ tính bản thiện của con người. Phải chăng sự ác cũng là một bản tính tự nhiên?
Người đàn ông tiếp tục:
- Tôi không gặp lại em gái tôi sau đó. Nó bỏ về Sài Gòn và tôi không gặp lại. Rồi sau 75 tôi bị vào tù cải tạo mười mấy năm. Ở trong tù tôi có nghe nói em gái tôi có thai và trở lại Bảo Lộc sống một thời gian trước khi đi vượt biên sang Hoa Kỳ.
Người đàn ông ngưng không nói tiếp. Cha Hoán cũng im lặng. Một lúc người linh mục trẻ tuổi mới nói:
- Thiên Chúa sẽ tha thứ cho ông nếu ông thực lòng hối lỗi. Nhưng trước đó ông phải xin được sự tha thứ của người em gái ông. Và đứa con của ông nữa!
Người đàn ông trả lời:
- Em tôi đã bị bệnh chết tại xứ này. Việc tôi làm đầu tiên khi được sang đây là kiếm tung tích em gái tôi. Tôi mới từ Cali sang đây hôm qua và biết được em tôi đã chết mấy tháng trước.
Cha Hoán nói:
- Việc đền tội của ông phải có sự tha thứ của những người ông đã gây ra đau khổ. Còn người con của ông?
Người đàn ông hỏi lại:
- Cha có tha thứ cho tôi không?
Cha Hoán trả lời:
- Tôi thay mặt Thiên Chúa tha thứ cho ông.
Người đàn ông và cha Hoán cùng đứng dậy bước ra khỏi phòng giải tội. Họ đứng sững nhìn nhau. Trong bóng tối đang kéo đến của ngôi thánh đường, những ngọn nến lung linh của bàn thờ bên cạnh hắt ánh sáng lên khuôn mặt của người đàn ông lớn tuổi và cha Hoán. Người linh mục biết tại sao có cảm giác quen thuộc với người đàn ông này. Họ có cùng một nét mặt, một dáng người. Và nếu cùng một tuổi tác, người ta sẽ nói họ là anh em sinh đôi. Nhưng họ cách nhau đến ba mươi năm. Và giống nhau từng nét, từng điểm một của người cha đã truyền hết tất cả những đặc tính di truyền xuống người con. Chỉ trừ sự khác nhau trong tận cùng của đáy mắt. Nơi đó có sự khác biệt của tội ác và sự tốt lành.
Người đàn ông quay lưng đi ra khỏi nhà thờ. Bóng tối đã chụp hẳn xuống bao phủ lấy bóng hình khuất dần trong màn đêm. Như sự ác đã xa rời. Và đã được chính hạt giống của mình nhân danh sự tốt tha thứ cho tất cả.
Nguyễn Đình Phùng
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...